Tại Sao Tôi Chọn  Ðạo Phật
Nguyên tác: Dr. C. T. Chen
Phỏng dịch: Diệu Quế
--o0o--
            
            PHẦN 1:  50 NĂM TÌM KIẾM CÂU TRẢ LỜI
Bạn thân mến,
Tôi ra đời ở Trung Quốc tại tỉnh Hàng Châu, một nơi phong cảnh rất đẹp và có bối cảnh lịch sử về Phật Giáo.
            Tuy truyền thống gia đình tôi theo đạo Phật nhưng tôi lại theo học trường Ca Tô Giáo. Khi tôi lên bậc Trung Học, tôi phải dự lễ ngày Chúa Nhật và tham gia chương trình đọc Thánh Kinh trong lớp. Tôi thích những lời dạy trong Thánh Kinh cũng như thán phục việc làm của các Cha, nhứt là các công tác xã hội đặc biệt về y tế và giúp đỡ người nghèo khó.
            Năm đầu của Trung học, chúng tôi có học môn Sinh Vật học với một vị giáo sư khá giỏi. Một hôm, thầy giảng cho chúng tôi một bài học rất lý thú về các cấu tạo và chức năng của con mắt. Khi kết luận, Thầy nói:
            - Bây giờ các em đã thấy rõ con mắt của người ta chỉ là một dụng cụ mà thôi. Khi dụng cụ bị già, cũ thì hiệu năng kém đi và chúng sẽ không còn thấy rõ nữa!
Ngay lúc ấy, như có một câu hỏi xẹt qua trong đầu tôi:
- Nếu như mắt chỉ là một dụng cụ, thì ai là người dùng dụng cụ đó?
Có thể rất nhiều trẻ con khi đi học cũng đã có thắc mắc này nhưng thường khi cô giáo hay cha mẹ trả lời:
- Con sao khờ quá vậy ! Chính là con chứ còn ai. Ai mà lại sử dụng mắt con được chớ?
Thế là thắc mắc bị chận đứng ở đó. Chỉ có một số ít trong đó có tôi vẫn cứ còn khắc khoải, chưa thỏa mãn với kiểu trả lời này.
Lúc ấy tôi tìm tòi trong Thánh Kinh nhưng không thấy nói gì cả ! Tôi có đem thắc mắc này nói với Thầy tôi là một tu sĩ Ca Tô Giáo. Thầy tôi từ tốn bảo:
- Này con, Chúa đã tạo ra con. Ý Chúa muốn con có đôi mắt. Vì thế con chính là người sử dụng nó.
- Nhưng thưa Thầy, con là Ai ? là thân thể ? là trái tim ? hay là bộ óc hoặc là cái gì khác nữa?
- Con à, sự thiêng liêng của Chúa không cho phép chúng ta đặt câu hỏi, Con không nên thắc mắc xa xôi, hãy làm một học sinh ngoan ngoãn và tuân theo những lời dạy trong Thánh Kinh.
Cuộc thảo luận chấm dứt ở điểm đó. Và dĩ nhiên thắc mắc ấy vẫn còn quanh quẩn trong đầu tôi.
Lúc lên lớp 10, tôi bị sưng phổi, phải về quê tịnh dưỡng ở nhà với Má tôi. Chính trong thời điểm này tôi đã chịu ảnh hưởng rất nhiều giáo dục gia đình. Má tôi là một Phật Tử thuần thành. Tuy nhiên, Bà chỉ có đức tin mạnh mẽ chớ không hiểu gì nhiều về Phật Pháp. Má tôi thờ đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Bà hay kể cho tôi nghe nhiều chuyện của vị Bồ Tát này. Ở Trung Quốc, đức Quán Thế Âm thể hiện dưới hình ảnh Mẹ Hiền, tượng trưng lòng Từ Bi. Ngài còn là vị Thí Vô Úy, tức là giúp người qua cơn sợ hãi.
Khi tôi khỏi bệnh, thì kiến thức Phật Giáo của tôi cũng phát triển theo. Một ngày kia, cả gia đình tôi cùng một số bà con tổ chức lên một ngôi Chùa trên núi để lễ lạy đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ba thằng con trai nghịch ngợm, trong đó có tôi không chịu đi theo con đường bằng phẳng mà người lớn dẫn dắt vì dài hơn. Bọn tôi chui vô con đường tắt phía sau núi. Chừng một cây số thì chúng tôi bị lạc lúc đang trèo lên một hốc đá. Mất phương hướng, đồng thời hối hận đã không nghe lời cha mẹ. Trong lúc hoang mang tột cùng, đột nhiên nhớ lại lời Má tôi nói:
- Hãy niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát.   
Tôi liền niệm và bổng nhiên tôi thấy bình tĩnh trở lại và can đảm lên, chân bước về phía trước. Sau cùng, chúng tôi đã đến Chùa trước cả gia đình tôi. Khi vào chùa, lần đầu tiên chiêm ngưỡng tượng đức Quán Thế Âm, tôi thấy lòng lâng lâng và xúc động vô tả. Tôi lạy đức Quán Thế Âm xong, tôi thấy có ống xăm, tôi cũng thử xin một quẻ, Theo tôi, đây không phải là mê tín dị đoan mà chỉ là một phương thức khoa học. Vì khi tâm và thân tập trung vào một hình tượng thiêng liêng nào đó, ở đây là đức Quán Thế Âm Bồ Tát thì sẽ tạo ra một sức rung động để thúc đẩy một cây xăm rớt ra cho riêng mình tương ứng với sức rung do mình tạo ra. Lúc tôi nhận câu sám giải cho lá xăm, tôi lại bị một phen thất kinh hồn vía vì lời xăm giải như thế này :
-  Tại sao con lại chọn lối đi nguy hiểm và khó khăn?
-  Nếu con sống một cuộc đời đơn giản và bình dị, con sẽ trường thọ hơn. Hãy nương theo Chánh Ðạo, nó sẽ đưa con đến sự an lành.
- Danh vọng và thành công không đến một cách ngẫu nhiên.
Mùa hè năm ấy, tôi khởi sự tìm tòi trong tủ sách của Ba tôi, mục đích cố tìm đáp số cho câu hỏi vẫn ám ảnh tôi: Ai là người dùng con mắt? Ðồng thời cũng tìm hiểu coi tôi là Ai? hay Ai là tôi?
May mắn thay Ba tôi có một số sách về Phật Giáo. Quyển đầu tiên được tôi nghiên cứu là Kinh Lăng Nghiêm. Khi đọc phần đầu, tôi vui mừng vì có một câu làm tôi vô cùng phấn khởi do nội dung của nó có liên quan đến việc tìm kiếm người chủ của chính mình. Ðức Phật nói điều quan trọng là phải tìm hiểu xem ta là Ai. Có như thế mới giải quyết nổi vấn đề chính của chúng ta. Nói khác đi, nếu chúng ta si mê không hiểu tại sao chúng ta hiện hữu, nếu chỉ có cảm xúc và hành động thì chúng ta sẽ không bao giờ thấu hiểu được chân lý của cuộc sống.
Bạn thân mến, đến đây tôi muốn hỏi bạn một câu:
- Bạn có đồng ý con mắt của chúng ta là một dụng cụ hay không?
Chữ dụng cụ trong tự điển được định nghĩa như là một công cụ để giúp ta hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Trong  nghĩa này, con mắt thực quả là một dụng cụ kỳ diệu. Với đôi mắt, chúng ta có thể thấy nhiều cảnh vật đẹp đẽ trên đời. Một người bình thường có thể thu thập 80% kiến thức của mình nhờ vào cặp mắt.
Nhưng đôi mắt không tồn tại vĩnh viễn. Nó có thể bệnh hay bị già cỗi hoặc bị hủy hoại. Chức năng của một dụng cụ có thể thay đổi hay tăng gia thêm bằng cách bổ túc thêm một dụng cụ khác. Thí dụ, với đôi mắt, ta có thể mang kính vào để có thể thấy rõ hơn trong trường hợp cận thị hay viễn thị. Dùng viễn vọng kính ta có thể nhìn xa hơn và kính hiển vi giúp ta thấy được vi trùng.
Tiếp tục chiều hướng lý luận này, ta có thể nói mắt là công cụ để thấy, tai là công cụ để nghe, mũi để ngửi, da để đụng chạm, tất cả bộ phận khác của cơ thể con người cũng đều là những dụng cụ dễ phát sinh và cung cấp năng lực cho các bộ phận khác và cuối cùng bộ óc là dụng cụ để phối hợp tồn trữ và phân tích dữ kiện để ra mệnh lệnh cho các bộ phận khác hoạt động điều hòa. Giả sử chúng ta tách rời, tháo gỡ ra từng bộ phận thì đâu là người chủ vẫn thường hay sử dụng những bộ phận này? Vì đâu đâu trên toàn bộ thân thể, tôi cũng chỉ thấy toàn là dụng cụ mà thôi. Bạn có thấy người chủ đó không?
Tôi muốn nhấn mạnh điểm:
- Sự hiện hữu của dụng cụ có nghĩa nó là một phần khác hẳn người sử dụng. Dụng cụ là vật chất, do đó nó có biến đổi, hư hỏng hay hủy hoại. Nhưng điều đó không có nghĩa là người chủ của dụng cụ cũng bị hủy hoại theo. Lý lịch và bản chất của người chủ các dụng cụ giác quan của cơ thể vẫn còn là điều bí ẩn đối với tôi!
Những khám phá về khoa học và kỹ thuật gần đây càng làm cho thắc mắc của tôi đậm màu hơn nữa! Thí dụ, trái tim của ông A có thể đem cấy cho ông B. Nhưng không phải vì thế mà ông B lại biến thành ông A. Việc cấy tim chỉ là thay thế một dụng cụ trước kia do ông A dùng nay lại được ông B xử dụng.
Trong một trường hợp khác, do tai nạn xe hơi, bà C bị mất trí nhớ. Bộ óc của bà bị hư phần tồn trữ quá khứ. Tuy vậy bà vẫn còn hiểu những gì xảy ra trong hiện tại. Như vậy, óc của bà C đã mất một phần hiệu quả. Cũng giống một người đang xử dụng một dụng cụ yếu kém hơn, thế thôi. Vì chủ nhân vẫn là chính người đó.
PHẦN II: CÁI TÔI GIẢ TẠO
Sau khi tốt nghiệp đại học tại Thượng Hải, tôi ra làm việc như một kỹ sư. Có lúc tôi được chính phủ Trung Quốc gởi đi công tác tại Ðức nhằm vào lúc nước này đang có chiến tranh và đặt vào tình trạng thiết quân luật.
Một đêm còi báo động đánh thức tôi dậy, tôi chạy xuống hầm trú ẩn. Lúc chui xuống, một cảnh tượng đập vào mắt khiến tôi hết sức kinh hãi vì tất cả mọi người đều đeo mặt nạ chống hơi ngạt trừ tôi. Tôi chết cứng khi nghĩ rằng tôi sẽ là người duy nhất chết nếu như khu vực này bị nhiễm hơi độc. Tôi rút vô ngồi ở một góc thật xa với cửa hầm. Tôi cũng cảm thấy mọi người đều nhìn tôi chằm chặp, không ai nói tiếng nào.
Có thể bạn đã từng trải qua kinh nghiệm này. Khi con người lâm vào một hoàn cảnh tuyệt vọng và khi sự sợ hãi đã lên đến cực độ rồi thì tâm bất chợt trở thành bình thản và hết sức tỉnh thức. Những lời khuyên nhũ của Má tôi lại đến với tôi. Tôi cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
Ngay lúc này, câu hỏi cũ lại trở về với tôi. Ai là người chủ để sử dụng những bộ phận trong thân thể tôi? Người chủ ấy ở đâu? Giả sử hơi độc làm hư hỏng hay thậm chí hủy hoại bộ óc, hệ thống thần kinh, trái tim và cả cơ thể tôi... đó là toàn bộ các dụng cụ của tôi. Như thế người chủ sẽ ra sao? Hơi độc có tiêu diệt người chủ luôn hay không?
Lúc đó tôi nhớ lại đức Phật dạy trong kinh Lăng Nghiêm. Và tôi nhận ra có thể người chủ mà tôi hằng tìm kiếm bao nhiêu năm nay không phải là người chủ thật sự, người chủ nhân chính, mà chỉ là một ảo tưởng, sẽ tan biến đi mất một khi cơ thể bị hủy hoại không còn nữa! Nếu thế thì đâu là người chủ chân chính theo như lời Ðức Phật dạy ?
Trong kinh Lăng Nghiêm có ghi một đoạn đối thoại giữa Ðức Phật và ngài A Nan. Ðức Phật bảo ngài A Nan chỉ cho ngài biết ai là người chủ đang nhìn Ðức Phật, đang lắng nghe Ðức Phật nói và đang bị lôi cuốn bởi những lời thuyết giảng của Ðức Phật? Ngài A Nan lúng túng, lúc thì cho là người chủ ở bên ngoài cơ thể, lúc lại nói người chủ ở bên trong cơ thể, khi là con mắt, lúc lại trả lời lỗ tai..v..v..
Bảy lần ngài A Nan đưa ra câu trả lời, bảy lần đều bị Ðức Phật bác bỏ khiến ngài A Nan vô cùng chán nản và hoang mang. Ngài đành phải cầu xin Ðức Phật soi sáng cho.
Danh từ chủ yếu trong cuộc đối thọai giữa Ðức Phật và ngài A Nan là cái mà ta gọi là Tâm . Tâm đây không có nghĩa là trái tim vật chất trong cơ thể. Mà nó có một ý nghĩa gần như là tấm lòng hay lý trí (mind). Trong trường hợp này, cho dễ hiểu chúng ta có thể nói nó là người chủ.
Ðức Phật dạy rằng chính sự lầm lẫn về cái tâm hay người chủ là nguồn gốc của tất cả những vấn đề của chúng sanh. Ngài nói cũng giống như đất cát dù có nấu tới bao nhiêu độ cũng sẽ không bao giờ thành cơm gạo. Cũng vậy, chúng sanh sẽ không bao giờ đạt tới sự giác ngộ và thóat vòng khổ đau nếu vẫn còn mãi mê đắm chìm trong sự si mê lầm lạc.
Rồi ngài khởi sự thuyết pháp đề tài này theo một cái nhìn hoàn toàn khác biệt với lối nhìn của ngài A Nan. Qua lời ngài dạy, tôi hiểu rằng có một cái Tôi khác sâu kín hơn hay chính là người chủ mà tôi hằng tìm kiếm. Ðức Phật bảo ngài A Nan có hai sự thật như sau :
1. Sự thật thứ nhất, là chúng sanh thường dựa vào cái tâm bám víu-sự vật (chấp chặt tất cả những gì chung quanh mình như: sắc tướng, âm thanh, mùi vị, cảm giác và cả những ý tưởng của mình), đó chính là phàm ngã. Ðây là sự sai lầm và là nguồn cội của sinh tử luân hồi.
2.  Sự thật thứ hai, là cái ngã chân thật hay Chân Ngã từ vô thỉ, vô chung vẫn có tính giác, là trạng thái Niết Bàn, vô sinh, vô tử và luôn luôn trong sáng, tỉnh thức. Hết thảy mọi hiện tượng, kể cả xác thân và lý trí cũng như vạn vật trong vũ trụ đều có bản thể này. Chỉ tại tâm bám víu quá chấp chặt vào những sự vật trần thế, nên chân ngã này bị lãng quên và khiến ta mê mờ, cứ tiếp tục tạo nghiệp chồng chất qua bao nhiêu kiếp luân hồi.
Ðức Phật còn nói thêm, Tuy chúng sanh quên lãng Chân Ngã này, nhưng nó vẫn hiện diện ngày và đêm dù không được ai biết đến.
Thông điệp này của Ðức Phật rất chính xác nhưng cũng khó thâm nhập!
Danh từ chính trong sự thật thứ nhất là cái tâm bám víu sự vật (object clinging mind). Ở đây chữ sự vật (object) để chỉ cho bất cứ sự vật nào mà chúng ta có thể ý thức được. Nó bao gồm không những các sự vật do mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm hay da đụng chạm mà còn những sự vật do tâm cảm nhận hay suy tư. Sự vật có thể là bên ngoài hay bên trong của tâm. Bám víu (clinging) giải thích như nắm giữ, dính liền hay hoàn toàn bị mắc kẹt với sự vật đó. Như vậy, một cái tâm-bám víu sự vật là một trạng thái tâm không ngừng hết bám víu vào sự vật này lại dính với sự vật khác, và tin tưởng rằng những sự vật đó là có thực.
 Ðể hiểu rõ hơn, chúng ta hãy xem xét tình trạng hiện tại của tôi. Bạn hãy đặt mình vào hoàn cảnh hiểm nguy của tôi, xem như chúng ta đều đang ở trong căn hầm trú ẩn này. Chính tâm của tôi đang họat động. Nó sử dụng đôi mắt của tôi để nhìn bạn, dùng miệng lưỡi để nói. Chính cái tâm bám víu sự vật của tôi đang lắng nghe bằng tai của tôi những gì tôi đang nói. Cái tâm này nhờ vào cơ thể tôi để biết được nhiệt độ trong phòng hiện thời không nóng cũng không lạnh. Chính nó giúp chúng ta đang thảo luận về một vấn đề Phật Pháp.
Vậy thì, cái tâm bám víu sự vật này là gì ?
Bạn có dám bảo cái tâm bám víu sự vật này là cái mà bạn vẫn gọi là Tôi hay  Bản Ngã từ lúc mới sanh ra? Trong những thí dụ vừa kể, chúng ta vẫn quen nói Tôi nhìn,Tôi nghe,Tôi khám phá, Tôi hiểu...
            Nhưng trong kinh Lăng Nghiêm, Ðức Phật bác bỏ tất cả những điều đó và tâm bám víu sự vật không phải là tôi thật sự.
            Lời thuyết giảng của Ðức Phật rất là quan trọng và mới mẻ vì nó đi ngược lại tất cả những gì chúng ta vẫn tin tưởng xưa nay. Ðó là một quan điểm mới lạ để chúng ta suy ngẫm theo một hướng mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới.
            Những gì Ðức Phật nói, nếu diễn dịch một cách đơn giản, chúng ta có thể nói như sau:
- Cái Tôi hay ngã mà chúng vẫn dính chặt và cung dưỡng nó không phải là cái Ngã thực sự. Ðúng ra, nó chỉ là cái tâm bám víu sự vật không ngừng bị dính vào nhiều vật khác nhau. Những sự vật đó, dù là sắc tướng, âm thanh ý tưởng hay bất cứ cái gì khác, tâm này thay đổi liên tục. Vì nó thay đổi nên nó không thường còn, nó giả tạo và nó không có thực.
            Ðó là điều tôi kết luận được trong buổi chiều gần kề với cái chết khi tôi ngồi trong hầm trú ẩn để tránh bom đạn oanh kích nước Ðức. Tôi nhận ra rằng tất cả mọi biến cố đã xảy ra ngày hôm ấy như lệnh: báo động, cảm giác, sự sợ hãi tất cả đều diễn ra trong cái tâm bám víu sự vật của tôi. Cái tâm này thay đổi trong từng giây, từng phút. Hơn thế nữa, cái tâm này đã sử dụng tất cả những dụng cụ của cơ thể tôi để tiếp xúc với mọi thứ, sẽ tiêu tan một khi thân thể tôi bị hơi độc hủy hoại, khiến các sự vật không còn hiện hữu đối với tôi nữa! Vậy thì, người chủ mà tôi vẫn hằng kiếm lâu nay phải chăng là không có thực, mà chỉ là cái tâm bám víu sự vật?
            Tôi vẫn còn chìm đắm trong sự suy tư này khi chợt nhận thấy mọi người trong hầm trú ẩn lần lượt di chuyển ra ngoài. Cửa hầm đã mở, tôi nghe ai đó nói không phải là máy bay oanh kích thật, đây chỉ là thực tập báo động mà thôi. Tâm trạng tôi giống như cất đi gánh nặng ngàn cân! Cùng lúc, dường như cái tâm bám víu sự vật của tôi không muốn khám phá điều bí mật này. Nỗ lực tìm kiếm cái Tôi thực sự của tôi theo chân mọi người ra khỏi hầm trú ẩn.
            Trong những năm đó, tôi bận rộn tới tấp với công việc sau khi trở về Trung Quốc. Rồi thì gia duyên ràng buộc, tôi không có cơ hội để đào sâu thêm về vấn đề nàỵ  Kết quả là không những tôi đã chẳng tìm được cái Tôi thực sự theo lời Phật dạy, mà ngay cả cái tâm bám víu sự vật mà tôi đã suýt bắt được nó khi tôi trốn bom đạn trong hầm trú ẩn, cũng gần như bị quên lãng luôn.
Vài năm trôi qua, lần này sau một chuyến công tác sang Ấn Ðộ, trên đường trở lại Trung Quốc, tôi phải đi một loại máy bay vận tải. Thế chiến thứ hai vẫn còn tiếp diễn. Loại phi cơ tôi đi là loại không thể bay cao quá 10 ngàn bộ. Vì vậy nó phải bay dọc theo một thung lũng sát với rặng núi Hi Mã Lạp Sơn là một dãy núi cao tới 20 ngàn bộ. Hôm đó, thời tiết rất xấu. Chẳng những không thấy gì qua cửa kính phi cơ, chúng tôi lại còn kinh hoàng vì bị phi cơ nhồi hụt hẫng khi đi qua những túi không khí. Với những phi cơ tối tân ngày nay, chắc là bạn sẽ không có dịp được hưởng những kinh nghiệm hãi hùng này. Túi không khí là những chỗ trống trong không khí, làm cho phi cơ đang bay đột ngột rớt xuống vài trăm bộ và hành khách trong phi cơ này không có giây an toàn để cài lại, có thể bị văng bắn lên nóc phi cơ. Viên trưởng phi công ra lệnh cho lấy giây cột tất cả hành khách chúng tôi dính vào băng ghế. Thật là một cảnh tượng ghê sợ. Ngoài ra, để tránh trường hợp máy bay có thể đâm vào vách núi, viên phi công đó cố gắng bay thật cao. Không khí bắt đầu loãng đi khiến vị hành khách mập mạp ngồi cạnh tôi bị nghẹt thở phải dùng mặt nạ dưỡng khí. Tôi thì tiếp tục cố hít thở thật sâu để giữ cho đầu óc còn tỉnh táo. Có độ 20 người chúng tôi trong chuyến bay này. Tôi không dám nhìn mặt những người bạn đồng hành của tôi
Nơi đến của phi cơ là phi trường Côn Minh, Trung Quốc. Chúng tôi đã bị trễ hơn giờ đáp một tiếng. Tôi biết vợ tôi đang ngóng chờ tôi tại phi trường Tôi hình dung sự lo lắng của vợ tôi. Tin dự báo thời tiết cho hay ở Côn Minh trời cũng âm u và phi trường này không có đầy đủ phương tiện trợ giúp cho việc đáp xuống an toàn.
Một cảm giác kinh hoàng như cái màn đen chụp xuống đầu tôi. Nếu máy bay nổ tung hay rớt, tôi chết thì vợ tôi sẽ ra sao? Nàng chỉ là một cô gái còn rất non trẻ, lạc lõng một mình giữa thành phố xa lạ trong khi gia đình nàng đều ở Thượng Hải, cách xa nơi ấy những 5 ngàn dặm, và còn bị quân đội Nhật chiếm đóng.
Sự sợ hải tột cùng này như một dao xuyên suốt qua người tôi. Ðầu óc tôi đột nhiên bình tĩnh và cực kỳ sáng suốt. Ðiều mà tôi đã quên lãng kể từ khi bước ra hầm trú ẩn lúc tôi còn ở nước Ðức, bây giờ bất chợt trở lại với tôi Ðó là vấn đề về cái tâm bám víu sự vật!        
Ðột nhiên, tôi nhận ra rằng chính cái tâm bám víu sự vật này đang lo âu và sợ hãi. Chính cái tâm này cảm nhận sự nguy hiểm và cái chết. Trước đó, tôi luôn luôn nghĩ rằng chính tôi lo âu, sợ hãi; Chính tôi cảm nhận sự nguy hiểm, chính tôi sợ chết. Nhưng chẳng phải chính Ðức Phật đã nói là cái tôi này, cái ngã này không phải là cái tôi chân chính hay sao?
Kinh nghiệm này giúp tôi xác định là cái tâm bám víu sự vật khác với cái chân chính. Theo đó tôi gọi cái Tôi, do cái tâm bám víu sự vật tạo ra, là cái Tôi giả tạo. Cái Tôi giả tạo này luôn luôn thay đổi, nó vô thường va nó không có thật. Do đó, cái Tôi giả tạo dường như chính là người chủ sử dụng cụ trong thân thể tôi.
Nhưng còn đâu là cái tôi chân chính? Thực ra, tôi có một cái Tôi chân chính hay không? Tôi bắt đầu chớm hiểu về cái Tôi chân chính theo lời Ðức Phật dạy. Ðể kết luận, một lần nữa xin lập lại lời Ðức Phật dạy:
- Bản ngã chân thực, nguyên thủy của mọi chúng ta từ vô thủy vẫn có tính giác, là trạng thái của Niết Bàn, vô sanh, và trong sạch cũng như tỉnh thức. Tất cả mọi hiện tượng, bao gồm thể xác, lý trí và vạn pháp trong vũ trụ, đều thể hiện bản chất này. Tuy nhiên, do cái tâm bám víu sự vật của chúng ta quá chấp chặt vào các sự vật thế gian, do đó chân tâm này bị quên lãng và cứ liên tiếp tạo nghiệp chồng chất qua bao nhiêu kiếp luân hồi.   
-- o0o --