Triết Lý Căn Bản Của Thiền Học
Thông Trí
--o0o--
 
Bên cạnh cuộc sống vật chất, chúng ta còn thấy cuộc sống tâm linh cũng là cuộc sống rất cần thiết đối với nhân loại. Tôn giáo ra dời nhằm thỏa mãn nhu cầu nầy, vì thế mà từ ngàn xưa cho đến bây giờ lúc nào tôn giáo cũng hiện hữu với con người. Tuy nhiên, tùy theo từng thời điểm, từng quốc gia địa phưong mà nhân loại có mỗi sự tín ngưỡng khác nhau. Trong thế giới loài người, có nhiều loại tôn giáo khác nhau, nhưng cũng không ngoài hai đại loại: Loại tôn giáo Có Kinh Sách Truyền Tụng, và loại tôn giáo Không Có Kinh Sách Truyền Tụng. Các tôn giáo hiện tại như Ấn Ðộ Giáo, Hồi Giáo, Ca Tô Giáo, và Phật Giáo đều thuộc về loại tôn giáo có kinh sách truyền tụng. Ở đây chúng tôi muốn nói đến Phật Giáo. Trong Phật Giáo có Ðại Tạng Kinh làm thánh điển căn bản truyền tụng từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Nói về Ðại Tạng Kinh, lúc đầu Thánh Ðiển nầy ghi lại những đức hạnh, lời dạy của Ðức Phật, nhằm mục đích là để truyền lại cho đời sau. Các đệ tử của ngài dựa vào tinh thần căn bản của những điều đã ghi chép đó rồi chú thích, giảng nghĩa, nghị luận, sau nầy trở thành Tam Tạng Thánh Ðiển.
I- Quá Trình Hình Thành Tam Tạng Thánh Ðiển.
Ðức Phật ra đời vì chúng sanh, cho nên suốt 49 năm thuyết giáo Ngài không quản ngại khổ khó trên đường đi khắp đó đây để hướng dẫn nhân quần. Ðương thời ý niệm phân hóa, nguyên nhân suy tàn đạo giáo, tuy Ðức Phật vẫn thường nhắc nhở cho hàng môn đệ trong những dịp thuyết pháp, nhưng sự hiện diện của ngài như một cây cổ thụ vững vàng, vì vậy trong hàng môn đệ không mấy ai lưu tâm cho lắm. Cũng đương thời trên con đường truyền bá chánh pháp tuy Ngài có gặp một vài trở ngại về đối nội cũng như đối ngoại, nhưng với tư cách sáng chói của bậc đã giác ngộ, tài ba và đức độ của Ngài, nên mọi việc khó khăn rồi cũng vượt qua.
Sau khi Ðức Phật nhập Niết Bàn, có thể nói trên con đường hành đạo, những chúng sanh chưa có duyên lành gặp gỡ Ngài, quả là điều vô duyên thiếu phước, đối với hàng tăng già thì đây là một mất mát lớn lao, mà hiện thời các hàng đệ tử của ngài chưa có ai đủ tư cách để thay thế địa vị của Ngài, cho nên chỉ trong vòng 7 ngày, ý thức phân hóa cũng từ đây mà trưởng thành. Cũng chính từ đây ý thức bảo vệ, và duy trì đạo pháp cũng được các vị đại đệ tử lưu tâm đến. Những ưu tư khắc khoải, những thành công thăng hoa sáng chói, cũng như những suy tàn vỡ vụn của đạo pháp được ghi lại những điểm sau đây.
Những Lần Kết Tập Thánh Ðiển Xa Xưa
1- Lần Thứ Nhất:
Sau Ðức Phật nhập Niết Bàn 7 ngày, trong hàng tăng chúng có những chánh kiến bất đồng, Ngài Ma Ha Ca Diếp, vị đại đệ tử của Ðức Phật, và cũng là người được Ðức Phật truyền trao Chánh Pháp Nhãn Tạng, sợ rằng rồi đây sẽ bị tà thuyết ngoại đạo pha trộn làm hư hoại chánh pháp. Cho nên khoảng ba, bốn tháng sau Phật nhập Niết Bàn, Ngài quyết định đề xướng ra cuộc Ðại Hội để kết tập kinh điển, trùng tuyên lại những lời giáo hóa của Ðức Phật. Ðại Hội kết tập nầy được Vua A Xà Thế, quốc vương nước Ma Kiệt Ðà hết lòng ủng hộ, nhà vua ra lịnh cho người xây cất Tịnh Xá ở hang Thất La Diệp để làm đạo tràng kết tập. Ðại hội nầy do ngài Ca Diếp làm thượng thủ, với sự có mặt của 500 vị đã chứng quả A La Hán. Ngài A Nan giữ trách nhiệm việc trùng tuyên Kinh Tạng, ngài Ưu Ba Ly giữ việc trùng tuyên Luật tạng. Ngài Phú Lầu Na giữ việc trùng tuyên Luận Tạng. Ðại hội làm việc suốt 7 tháng liên tiếp. Theo sử liệu cho biết, lần kết tập nầy không có ghi chép gì cả, mà chỉ hợp tụng tất cả những gì Ðức Phật đã tuyên thuyết trong suốt 49 năm truyền đạo. Lần kết tập lần nầy gọi là Vương Xá Thành Kết Tập, hay còn gọ là Ngũ Bách Kết Tập.
2- Lần Thứ Hai:
Sau Ðức Phật nhập Niết Bàn khoảng 100 năm, trong hàng đại chúng có các Tỳ Kheo xuất thân từ dòng họ Tỳ Xá Ly, thuộc phe Ðông Bộ đề xướng ra 10 hành vi, mà các vị ấy cho rằng thích hợp với giới luật của các Tỳ Kheo. Chúng ta nên biết rằng các hàng Tỳ Kheo thuộc phe Ðông Bộ là những vị chủ trương tự do giải thích, nên 10 điều đề ra thì các vị ấy tán thành ngay. Mười điều như sau.
01- Diêm Tịnh: Căn cứ vào giới luật, các Tỳ Kheo không được để đồ ăn cách đêm. Nghĩa là các thứ đồ ăn phổ thông, không được để đến ngày hôm sau rồi ăn lại, nhưng nếu đồ ăn đem ướp muối, thì vẫn có thể dùng ở ngay ngày hôm sau.
02- Chỉ Tịnh: Về bửa ăn các Tỳ Kheo phải dùng bữa vào lúc chính ngọ, nhưng nếu lúc đang đi giữa đường, thì bữa ăn có thể dùng ở quá ngọ một chút, nghĩa là lúc mặt trời xế bóng.
03- Tụ Lạc Gian Tịnh: Tỳ Kheo sau khi ăn rồi, nhưng nếu ở giờ ngọ, tới tụ lạc khác, xin được thức ăn vẫn có thể được thọ dụng.
04- Trụ Xứ Tịnh: Một tháng hai kỳ, các Tỳ Kheo phải tụ tập ở một trụ xứ nào đó để làm lễ bố tát. Nếu trụ xứ quá hẹp có thể được phân chia làm hai nơi để làm lễ bố tát.
05- Tùy Ý Tịnh: Nghị quyết của đoàn thể xuất gia, cần phải toàn viện tụ tập để giải quyết, nhưng nếu trường hợp không thể xuất tịch, sau khi giáo đoàn quyết nghị, sẽ có thể đem những nghị quyết đó thông báo sau.
            06- Cửu Trụ Tịnh: Có thể noi theo vào tiền lệ, nghĩa là theo vào những thể lệ người trước đã làm.
            07- Sinh Hòa Hợp Tịnh: Sau giờ ngọ Tỳ Kheo không được ăn phi thời, nhưng có thể dùng nước hòa với sữa, không cần phải để sữa lắng xuống.
            08- Bất Ích Lũ Ni Sư Ðàm Tịnh: Tọa cụ của các Tỳ Kheo, kích thước bề dài bề rộng phải theo đúng như quy định trong giới luật, nhưng nếu là tọa cụ có viền chung quanh, thì có thể dùng quá khuôn khổ quy định.
            09- Thủy Tịnh: Tỳ Kheo không được uống rượu, nhưng vì trường hợp bệnh hoạn, dùng để làm thuốc, có thể pha lẫn với nước để uống.
            10- Tịnh tài: Tỳ Kheo vốn không được cầm giử tiền, nhưng nếu trường hợp bất đắc dĩ, có thể cầm tiền, và có thể giữ tiền bạc.
            Những điều luật được sửa đổi như trên, theo quan niệm xa xưa công tâm mà nói, nếu đứng trên phương diện khắt khe của giới luật thì là phạm, nhưng về mặt cởi mở để áp dụng vào cuộc sống hiện đại thì không có gì quá đáng. Trong khi ở phương Ðông các vị Tỳ Kheo chấp nhận mười điều như vật, thì ở phương Tây, cũng trong dịp nầy, Trưởng Lão Da Sá, một học giả tinh thông giới luật trong dịp du hành tới thành Phệ Xá Ly, ngài biết được mười chủ trương mới của các Tỳ Kheo thuộc phe Ðông Bộ ngài nghĩ rằng đây là dấu hiệu suy tàn của Phật Pháp, cho nên ngài bày tỏ thái độ, và yêu cầu các Tỳ Kheo thuộc phe Ðông Bộ nên sớm hủy bỏ 10 điều luật mới. Các Tỳ Kheo Phương Ðông cho rằng đây là việc làm có tính cách xỉ nhục đại chúng, nên họ bắt buộc Trưởng Lão Da Sá phải sám hối với đại chúng. Trưởng Lão Da Sá cảm thấy mình không thể ở đây lâu hơn nữa, nên ngài bỏ đi vào thành và công bố 10 điều phi pháp của phe Ðông Bộ. Sau đó ngài trở về phương tây và mang theo bên mình mối ưu tư cho tiền đồ Phật pháp, cho nên ngài quyết định đi vận động các Trưỡng Lão khắp các nơi để giải quyết 10 điều luật mới của phe Ðông Bộ. Ðể ngõ hầu ngăn chận những đổ vỡ sẽ đem lại cho hậu thế.
            Trước hết ngài đến thành Kiều Thưởng Di ở phương tây và phái các sứ giả đến các địa phương như: Ma Thâu La, và A Bà Ðề để cầu thỉnh các bậc Trưỡng Lão, và chính ngài đi đến núi Ahoganga tham kiến Trưởng lão Tam Phù Ðà, tới địa phương Xa Ha Xa Ðề để gặp Trưởng Lão Ly Bà Ða, tất cả những vị nầy đều tán đồng ý kiến của của Ngài Da Sá, nên tất cả cùng đi đến thành Phệ Xá Ly, ở đây một số Trưởng Lão địa phương cũng được mời tham dự. Như vậy kễ cả Phương Ðông lẫn Phương Tây có tất cả là 1200 vị Trưởng Lão được mời tham dự đại hội, tuy nhiên trong số các vị Trưởng Lão đó chỉ có 700 vị Trưởng Lão lão thành mới được quyền biểu quyết, trong đại hội nầy đặt dưới quyền chủ tọa của Ngài Ly Bà Ða. Sau khi biểu quyết, tất cả các Trưỡng Lão có mặt trong hội nghị đều cho là 10 điều do các vị Tỳ Kheo thuộc phe Ðông Bộ đề xướng là phi pháp. Trong khi đó các Tỳ Kheo thuộc phe Ðông Bộ không phục tùng đại hội do Trưỡng Lão Ly Bà Ða làm chủ tọa, vì họ cho rằng bộ phái Phương Tây đi ngược lại tinh thần cấp tiến của mọi người, nên cùng nhau hội họp tại thành Vajji dưới quyền chủ tọa của Ðại Ðức Vajiputta cũng để kết tập kinh điển. Tất cả đại biểu đều chấp thuận có thể sửa đổi giới luật để thích hợp với thời đại theo tinh thần Phật dạy khi Ngài còn tại thế. Hội nghị nầy còn gọi là Ðại Chúng Kết Tập. Nội dung kết tập của Ðại Chúng Bộ là Kinh Tạng, Luật Tạng, Ðại Pháp Tạng, Tạp Tạng, và Bồ Tát Tạng. Như thế Ðại Chúng Bộ cho ra đời trong kỳ kết tập lần đầu tiên trong đại hội của Ðại Chúng Bộ là Ngũ Tạng Giáo Ðiển.
            Phái do ngài Da Sá triệu tập và y theo truyền thống như khi Ðức Phật còn tại thế thì gọi là Nguyên Thủy hay còn gọi là Thượng Tọa Bộ, như vậy trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai nầy, theo hệ phái do ngài Ly Bà Ða chủ tọa thì trọng tâm là giải quyết về giới luật chớ không phải kết tập kinh điển. Trong khi đó hệ phái do ngài Vajjiputta chủ tọa thì gọi là Ðại Thừa hay còn gọi là Ðại Chúng Bộ, đại hội kỳ nầy là công bố 10 điều cấp tiến và Kết tập Kinh Ðiển. Từ đây Phật Giáo chia thành hai bộ phái rõ rệt.
            3- Lần Thứ Ba
            Như chúng ta biết, thời kỳ trước đức Phật xuất thế, văn hóa Ấn Ðộ cũng đã phát triển đến mức độ khá cao, phần lớn đều ảnh hưởng tư tưởng sáng tạo của người Aryan, và sau đó trải qua các thời kỳ tư tưởng Rg Vệ Ðà, Brahmana và Upanishad, nhưng tất cả đều dựa trên tư tưởng cơ bản của Bà La Môn. Từ khi Ðức Phật xuất thế thì thế lực cũng như tư tưởng cuả Bà la Môn ngày một sút kém, chính vì sự mất địa vị trong xã hội như vậy nên Bà La Môn giáo lúc nào cũng muốn khôi phục lại địa vị của họ, nhưng với ý chí dai dẳng, người Bà La Môn lúc nào cũng nung nấu trong lòng ý đồ khôi phục. Nên sau khi Ðức Phật nhập Niết Bàn, và nhận dịp có sự phân hóa giáo đoàn, vì thế người Bà La môn lợi dụng cơ hội tốt nầy trà trộn vào hàng ngũ tăng chúng để họat động. Họ trá hình làm tăng sĩ nhưng tâm luôn hướng về đạo Bà La Môn, gây nhiều điều nghi kỵ phân tán trong hàng thánh chúng. Vua A Dục là một phật tử thuần thành, thấy thế ông rất lo ngại cho tiền đồ đạo pháp, nên ông quyết ý minh xét lại giáo nghĩa của đức Thế Tôn. Nhà Vua phái sử giả đến núi Ahoganga cung thỉnh ngài Mục Kiền Liên Ðế Tu, ngài Ðế Tu vâng sắc vua, lập tức tuyển bạc 1000 người trong tăng chúng tập họp tại thành Hoa Thị để kết tập kinh điển. Hội nghị đặt dưới quyền chủ tọa của ngài Ðế Tu. Chư thánh chúng làm việc ròng rã 9 tháng thì hoàn thành. Nội dung kết tập kỳ nầy đại hội cho ra đời ba tạng kinh điển đó là: Kinh, Luật, và Luận Tạng. Trong dịp nầy nhà vua cũng đã loại bớt một số ngọai đạo Bà La Môn đội lốt Phật Giáo để gây chia rẻ, phân hóa trong hàng thánh chúng.
            Vua A Dục là một vị vua rất sùng đạo và hộ giáo, nên trong lúc còn tại vị, nhà vua đã gởi những phái đoàn Phật Giáo đi hoằng đạo ở các nước khác. Việc làm hy hữu nầy đã gây một ảnh hưởng lớn lao đối với thế giới lúc bấy giờ.
4- Lần Thứ Tư
Sau vua A Dục khoảng 300 năm(sau Phật nhập Niết Bàn khoảng 600 năm) Phật Giáo lại được sự ủng hộ của vua Kaniskia, chính vị vua nầy đã mở ra một đường lối truyền đạo đến Ðông Phương. Tưởng cũng cần nói rõ thêm, vua Kaniskia tuy là tín đồ Phật Giáo nhưng trong tâm tư lại đặt trọn vẹn niềm tin về giáo phái Hữu Bộ, là một trong những giáo phái của Phật Giáo thời bấy giờ. Theo truyền thuyết, nhà vua thường cung thỉnh chư tăng vào cung để nghe thuyết pháp, và chính mình tự duyệt lãm các kinh điển. Nhà vua thấy chư tăng giải thích giáo nghĩa không giống nhau, nên nhà vua đem những điều thấy nghe bạch lại với Hiếp Tôn Giả, Hiếp Tôn Giả là một vị trưởng lão đạo cao đức trọng thời bấy giờ. Ngài Hiếp Tôn Giả giải thích cho nhà vua rõ, vì có nhiều bộ phái khác nhau, nên giáo nghĩa của mỗi bộ phái cũng có những điểm không đồng. Nghe nó thế, nhà vua có ý nghĩ cần phải thống nhất Phật nghĩa của các bộ phái. Vì thế trước hết nhà vua hạ chiếu triệu tập tất cả các học giả Phật Giáo trong nước, và tuyển chọn 500 vị đạo cao đức trọng, tinh thông Tam Tạng Kinh Ðiển. Ðịa điểm đại hội là Tịnh Xá Kỳ Hoàn Lâm, thuộc nước Kasmitra.
Kỳ kết tập nầy do ngài Thế Hữu làm thượng thủ, bên cạnh có Ðại Ðức Pháp Cứu, Ðại Ðức Giác Thiên, và Hiếp Tôn giả. Kết quả kỳ kết tập nầy là 10 vạn bài tụng Kinh, 10 vạn bài tụng Luật, và 10 vạn bài tụng Luận. Tổng cộng là 30 vạn bài tụng, trong đó bao gồm 660 vạn lời. Tất cả những Kinh, Luật, và Luận Tạng trong kỳ kết tập nầy được nhà vua ghi khắc trên bản đồng. Như vậy tính từ thời gian chuẩn bị cho công cuộc kết tập cho đến khi hoàn mãn, trước và sau tất cả 12 năm mới hoàn thành Tam Tạng Thánh Ðiển. Sau đó nhà vua cho xây bảo tháp lớn để tôn thờ, đồng thời cắt đặc người canh giữ hộ vệ để ngăn ngừa người ngoại đạo trà trộn vào. Nếu ai muốn học hỏi nghiên cứu, thì chỉ được ngồi tại chỗ trong bảo tháp xem chớ không được mang ra ngoài.
Ngoài bốn lần kết tập kinh điển xa xưa như đã trình bày ở trên, còn có những kỳ kết tập kinh điển cận đại gắn liền với phong tràn chấn hưng Phật Giáo. Vì trang giấy có hạn nên chúng tôi không trình bày ở đây.
II- Nội Dung Tam Tạng Thánh Ðiển
1- Kinh Tạng: Ghi lại những lời giảng dạy của đức Phật. Kinh Tạng Tiếng phạn gọi là Sùtrapịtaka, chữ Sùtra nói theo phong tục của ngườỉ Ấn Ðộ có ý là dùng các sợi chỉ xâu kết thành những tràng hoa. Nhưng đối với Phật Giáo chữ Sùtra là lời giảng dạy của Ðức Phật, thâm ý bao trùm tất cả những chân lý của vũ trụ. Ý tứ liên lạc quán xuyến ngang dọc, trước sau như thật không thay đổi theo thời gian, không gian, quốc độ, vì thế những bậc cổ đức dùng chữ Sùtra là Kinh Tạng. Cũng có nghĩa là Khế Kinh nghĩa là giáo lý của chư Phật, tùy theo mỗi cá tính, trình độ của con người để khế hợp với căn cơ của mỗi chúng sanh.
2- Luật Tạng: Là những giới cấm mà đức phật quy định ra dể hướng dẫn hàng đệ tử của ngài trên con đường tu tập. Luật Tạng tiếng phạn gọi là Vinayapịtaka. Chữ Vinaya có nghĩa là diệt trừ, muốn nói rằng các hàng đệ tử của ngài những ai tuân theo giới luật nầy, chắc chắn cá nhân đó sẽ diệt trừ được mọi việc lỗi lầm do lời nói, ý nghĩ và hành động gây ra. Giới điều của Ðức Phật không giống như giáo điều của những tôn giáo khác. Cũng không giống như những luật lệ của một quốc gia trong thế gian, nhưng nếu một cá nhân nào có ý thức, và biết hành trì đúng mức thì hiệu năng cũng không thua kém bất cứ một luật tắc nào trong thế gian. Vì thế Luật Tạng còn có nghĩa là Thiện Trị, nghĩa là trị được những điều quấy ác của chúng sanh bằng lý trí, tự chính mình quyết đoán tội hoặc phước.
3- Luận Tạng: Là những sách vở, những bài thuyết pháp do các vị Bồ Tát, những vị Tỳ Kheo trứ thuật và ghi chú những nghĩa lý mầu nhiệm do Ðức Phật đã dạy trong Kinh, và Luật. Và bàn luận các vấn đề triết lý, tư tưởng tâm lý, cùng những vấn đề siêu hình khác. Ðồng thời nêu rõ Thể Tánh, Sự Tướng của các pháp, những đạo lý nghiên cứu về sự vật, phân biệt chánh tà, nhằm mục đích hiển lộ chân lý. Luận tạng tiếng phạn gọi là Abhidharmapịtaka. Abhi dịch là Ðối. Ðối có hai nghĩa là Ðối Hướng, và Ðối Quán. Dharma dịch là Pháp thì có Niết Bàn, Tứ Ðế. Nói cho trọn nghĩa là: Ðối Hướng Niết Bàn, Ðối Quán Tứ Ðế. Nói một cách khác do quán lý Tứ Ðế mà được cảnh Niết Bàn. Một khi biết quán sát Tứ Ðế thì không có phiền não, được vô lậu chánh trí, cho nên Ðối Pháp là nơi cuối cùng đạt được vô lậu chánh trí. Nghĩa là giác ngộ thì phải phát huy vô lậu chánh trí, muốn phát huy vô lậu chánh trí thì phải mượn pháp quán Tứ Ðế. Như vậy Ðối Pháp là chỉ bày, có nghĩa là đối với những lời đức phật dạy trong kinh điển mỗi mỗi đều khảo sát, luận bình để cho ý nghĩa thêm tỏ rõ tường tận. Tạng Luận thâu nhiếp các chánh lý, hàng Bồ Tát dễ nhận định thấu đáo. Phát huy nghĩa lý trong kinh, dạy bảo phương pháp nghị luận cho học đồ thâu thập được lời chỉ giáo ấy. Nhờ đó quán sát những nghĩa lý sâu xa, phát sanh trí tuệ, rồi họ y cứ theo phương pháp nầy tu hành, để vượt khỏi biển khổ sanh tử đạt đến cảnh giới không sanh không diệt.
Nguyên thỉ Ba Tạng Thánh Ðiển được ghi chép bằng tiếng Sanckrit và Pali.
            A- Ðại Tạng Kinh Pali
1- Kinh Tạng:
            - Trùng A Hàm
            - Trung A Hàm
            - Tạp A Hàm
            - Tăng Nhất A Hàm
            - Tiểu A Hàm
            Trong Tiểu A Hàm gòm có 15 quyển nhỏ:
            - Nghĩa Thích
- Kinh Tập
- Trưởng Lão Kệ
- Trưởng Lão Ni Kệ
- Tự Thuyết
            - Pháp Cú Kinh
            - Tiểu Bộ Tập
            - Như Thị Ngữ
            - Thiên Cung Sự
            - Ngã Quỷ Sự
            - Bản Sinh
            - Thí Dụ
            - Vô Ngại Giải Ðao
            - Sở Hành Tạng
            - Phật Sự.
2- Luật Tạng
            - Căn Bản Giới
            - Tiểu Giới
            - Phương Pháp Yết Ma và Truyền Giới
            - Ðại Phẩm
            - Tiểu Phẩm
            3- Luận Tạng
             - Pháp Tụ
            - Phân Biệt
            - Giới Thuyết
            - Nhân Thi Thiết
            - Biện Giải
            - Song Luận
            - Phát Thú
B-      Ðại Tạng Kinh Sanskrit
1- Kinh Tạng
            - Diệu Pháp Liên Hoa
            - Hoa Nghiêm
            - Bát Nhã
            - Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm
            - Lăng Già
            - Viên Giác
            - Ðại Bảo Tích
            - Tam Muội
            - Vô Lượng Thọ
            - Kim Cương
            - Niết Bàn
2- Luật Tạng
            - Ðại Giới Bản
            - Bồ Tát Giới
            3- Luận Tạng
            - Bát Nhã
            - Nhiếp Ðại Thừa
            - Tam Luận Tông
            - Du Già Sư Ðịa
            - Thập Ðịa Kinh
            - Câu Xá
            - Thành Thật
            - Tỳ Bà Sa
            - A Tỳ Ðàm
            - Pháp Uẩn Túc
            - Quán Sở Duyên
            - Ðại Thừa Khởi Tín
            - Thành Duy Thức
Kinh điển đạo Phật như chúng ta biết, ngoài hai thể văn Pali, và Sanskrit, hiện nay các quốc gia như Trung Hoa, Nhật bản, Tây Tạng, Tích Lan, Miến Ðiện..v..v.. cũng đã dịch ra ngôn ngữ của mỗi quốc gia đó để làm tài liệu quý giá để tìm hiểu hệ thống tư tưởng và nền triết học sâu xa của Ðạo Phật.
Nói tóm lại nền triết đạo căn bản của Phật Giáo là các giáo pháp của Hai Thừa, Ba Tạng, Ba Thừa, Năm Thừa, Chín Bộ, hay 12 Phần Giáo, nói rộng ra là có tới 84,000 pháp môn. Triết thuyết Phật Giáo là một nền giáo lý hoàn toàn xây dựng trên lý trí con người, mang tính chất vừa cao thượng vừa sâu sắc bao trùm cả pháp thế gian và xuất thế gian. Một cách khác  giáo lý của Phật Giáo quá bao la rộng lớn, pháp vị hoằng thâm và bao trùm tất cả các triết thuyết từ ngàn xưa cho đến bây giờ. Các nhà hiền triết ở Ðông Phương cũng như Tây Phương đều công nhận như thế, cũng vì vậy mà những tín đồ của các tôn giáo như là: Ca Tô Giáo, Tin Lành Giáo, Khổng Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Ấn Ðộ Giáo bằng trực tiếp hay gián tiếp ai ai cũng đều quay về tìm hiểu, nương tựa với cơ sở triết học của Phật Giáo. Tam Tạng Thánh Ðiển của Phật Giáo có thể nói là một kho tàng văn hóa chứa đựng rất nhiều kinh sách. Nội dung của Tam Tạng Thánh Ðiển Phật Giáo, ngoài tính cách chứa đựng một hệ thống triết lý tôn giáo, còn có một đặc điểm quan trọng khác, đó là chứa đựng một kho tàng về văn hóa, học thuật, tư tưởng của Ðông Phương rất dồi dào phong phú.
III- Các Kinh Sách Căn Bản Của Thiền Học
            Như chúng ta biết, sự đối lập giáo hội là do 10 điều giới cấm, nương vào tân thuyết của ngài Ðại Thiên mà đối lập giáo lý. Kể từ đó khuynh hướng cấp tiến càng ngày càng phát triển một cách mãnh liệt, nhưng tựu trung vẫn bắt nguồn từ hai trường phái căn bản: Thượng Tọa Bộ và Ðại Chúng Bộ. Theo Nam và Bắc Truyền thì ở khoảng Ðức Thích Tôn nhập Niết Bàn khoảng 100-200 năm có sự phân phái của Ðại Chúng Bộ, và trong thời gian sau 200-300 năm có sự phân chia của Thượng Tọa Bộ. Sự phân chia nầy kết quả bên Ðại Chúng Bộ có khoảng 9 bộ phái, và bên Thượng Tọa Bộ có khoảng 11 bộ phái khác nhau. Tổng cộng có tất cả là 20 bộ phái cả Thượng Tọa Bộ lẫn Ðại Chúng Bộ. Nói về sự phân chia đó có các nhà nghiên cứu sử học nhận định:
- Có sự phân phái như vậy là vì những vị đệ tử xuất chúng của Ðức Phật muốn cho giáo pháp được phổ cập trong lòng mọi người nên mới nương vào giáo Pháp của Phật để phán đoán, phân loại và tổ chức thành từng bộ môn, trường phái khác nhau, để cho người đời sau thấy mình có nhân duyên nào thì tùy thuận với nhân duyên ấy mà tu tập. Ngoài ra, mục đích của sự phán giáo còn là đề cao giáo pháp của Ðức Phật bằng cách phân loại kinh điển thành từng bộ loại, từ hệ thống một, rồi tổ chức quy hướng về những bộ loại kinh điển ấy về với thâm ý của đức Phật. Ðồng thời phán giáo còn mục đích khác là đề cao những kinh điển mình đang tín phụng, nêu tỏ địa vị ưu tú của chủ trương, của đường lối mà mình đang thực hành theo. Ðó là nguyên nhân chính trong sự tổ chức Phật Giáo thành nhiều tôn phái. Về sau, cũng trong tinh thần nầy, Phật Giáo của Ðại Chúng Bộ truyền sang Trung Quốc, ở đây mười tông khác nhau cũng lần lượt xuất hiện tại Trung Hoa. Một trong mười tôn phái đó có Thiền Tôn.
            Như chúng ta đã biết giáo pháp đều do Ðức Phật nói ra, nhưng tùy theo lập trường và phương pháp tu tập khác nhau, nên có bộ phái thì y cứ vào kinh sách và công nhận giá trị tuyệt đối của kinh sách, trong khi đó có những bộ phái khác thì không. Thiền Tôn là một trong các bộ phái vừa y cứ vào kinh điển nhưng cũng vừa phủ nhận giá trị tuyệt đối của văn tự. Theo quan niệm của Thiền thì văn tự và ngôn ngữ là những hình thức, những phương tiện để diễn tả tư tưởng, biểu hiện những khái niệm trừu tượng của tâm linh. Như vậy tư tưởng và khái niệm của một con người được người khác biết đến là nhờ sự diễn tả nơi văn tự và ngôn ngữ. Tuy nhiên còn có những cái trong tư tưởng, trong khái niệm mà văn tự và ngôn ngữ không thể diễn tả được, hay chỉ diễn tả một phần nào mà thôi. Vì thế có thể nói văn tự và ngôn ngữ không có những giá trị tuyệt đối. Ðối với Thiền, văn tự và ngôn ngữ chỉ là những đối tượng như ngón tay chỉ mặt trăng, như đò đưa người qua sông mà thôi. Vì thế không thể cố chấp nơi văn tự và ngôn ngữ, mà phải rời nó ra để tìm chân lý. Từ đó chúng ta không lạ khi thấy chủ trương triết lý quan trọng của Thiền là Không Lập Văn Tự. Không lập văn tự tức là không quan niệm văn tự trong kinh điển là những vật tuyệt đối, là mục đích cuối cùng của con đường đi tìm chân lý. Nhưng cũng nên nhớ rằng: Không Lập Văn Tự chứ không phải nói là Không Dùng Văn Tự, vì thế trong phái Thiền cũng có những kinh điển đọc tụng hằng ngày như:
            - Kinh Lăng Già
            - Kinh Viên Giác
            - Kinh Lăng Nghiêm
            - Kinh Pháp Bảo Ðàn
            - Ðại Thừa Chỉ Quán
            - Tiểu Chỉ Quán
            - Ðồng Môn Chỉ Quán
            - Lục Diệu Pháp Môn
            - Kinh Kim Cang
            - Truyền Ðăng Lục
            - Thiền Gia Ngữ Lục
            - Tọa Thiền Chỉ Nam
            - Tông Cảnh Lục của Diên Thọ Thiền Sư
            - Luận Ðại Thừa Khởi Tín của Bồ Tát Mã Minh
- Vô Môn Quan của Tôn Thiện Thiền Sư
            - Bích Nham Lục của Phật Quả Viên Ngộ Thiền Sư
            - Thung Dung Lục của Vạn Tùng Lão Nhân.
- Chứng Ðạo Ca của Huyền Giác Thiền Sư
- Thiền Tôn Chỉ Nam của vua Trần Thái Tôn
            Trường phái Thiền tuy đọc tụng kinh sách nhưng không bao giờ chấp trước trái lại chỉ chú trọng đến phần thể đắc. Bởi vì theo quan điểm của Thiền Tôn cho rằng: Theo văn tự mà liễu ngộ là người kém khí lực, người nhân nơi sự mà liễu ngộ mới thật là đạt ngộ đến chỗ tận cùng nguyên lý của vạn pháp.
iv- Giá Trị Ðộc Ðáo Của Thiền Tôn
            Thiền Tôn là Tôn phái chủ trương không lâp văn tự, nên trong Thiền không có sự phán giáo. Phương pháp truyền đạo của Thiền là Giáo Ngoại Biệt Truyền. Giáo ngoại biệt truyền tức là không căn cứ vào sự phán giáo, không áp dụng theo một phương pháp riêng biệt để truyền thừa chân lý Phật Giáo. Thiền tuy không nương vào sự phán giáo, nhưng không phủ nhận giá trị của sự phán giáo. Thiền chỉ phủ nhận quan niệm cho sự phán giáo là chân Phật Giáo mà thôi. Ngoài ra Thiền còn phủ nhận luôn cả quan niệm cho Thiền là tuyệt đối, là chân Phật Pháp nữa. Nói một cách khác, đường lối tu tập của Thiền là phá trừ chấp trước, phủ nhận ngoại cảnh và hướng về nội tâm.
            Nét độc đáo khác của Thiền chủ trương: Tâm là Phật. Trong Kinh Niết Bàn có câu: Tất Cả Chúng Sanh Ðều Có Phật Tánh là phương ngôn, là câu nói đầu của Thiền. Trong tâm của tất cả mọi người ai cũng có Phật Tánh, vì thế chỉ cần phát huy Phật Tánh ấy chớ không cần đi tìm cầu bên ngoài. Phật Tánh ấy Thiền Tôn thường gọi là Chân Tánh hay Linh Tánh, hay cũng thường gọi là Như Lai Tạng. Như Lai Tạng gồm có ba nghĩa:
1- Sở Nhiếp Tạng: Có nghĩa là đức tánh Như Lai hàm chứa trong tâm tánh của mỗi chúng sanh.
            2- Ẩn Phú Tạng: Có nghĩa là các phiền não ô nhiễm thường che dấu đức tánh Như Lai không cho hiển hiện.
            3- Năng Nhiếp Tạng: Có nghĩa là Tâm trí của chúng sanh có khả năng thâu dụng tất cả công đức trí huệ của Như Lai.
            Thông thường muốn cho Phật Tánh hiển hiện thì ta cần phải trải qua một thời gian tu tập, tùy theo sự tu tập của mình tinh tấn hay giải đãi thì Phật tánh cũng theo đó mà hiển hiện. Tuy nhiên, Thiền Tôn không chủ trương phải tu dông dài như thế bởi vì Thiền chú trọng ở chỗ trực ngộ, vì thế phương pháp hành trì của Thiền là dùng phương pháp đặc thù để trực tiếp chỉ bày tâm tánh cho người cầu đạo và người cầu đạo tự mình dùng trí để quán sát, để thấu triệt lấy tâm tánh của mình, dùng định để trực ngộ. Một khi trí tuệ và thiền định được phát triển, tức chơn tánh được hiển hiện và thành phật. Vì thế lời dạy của đức Phật mặc dầu rất nhẹ nhàng, nhưng cũng tựa như sấm sét để minh định yếu chỉ của Thiền Tôn: Lấy Tâm Truyền Tâm, Không Lập Văn Tự, Trực Chỉ nhân Tâm, Kiến Tánh Thành Phật là vì vậy.
            Như thế, Thiền là phương pháp đưa chúng ta trở về con người thật của mình, bằng cách là quán chiếu thân của mình do bốn đại, hoặc bảy đại mà tạo thành. Tâm do phiền não trần lao mà sinh khởi. Cho nên cả thân lẫn tâm không thật có, vì thế nếu chấp vào thân và tâm huyển mộng, và theo đuổi nó để rồi chịu đau khổ với nó, tức là đi ngược lại với bản tánh sẳn có của mình. Ðó cũng là lý do Thiền luôn luôn khuyến khích hành giả đừng nên phí thì giờ để bàn cãi tranh luận trong ngôn từ, mà chỉ khuyến khích hành giả sớm ý thức quay về tự tâm, nhìn thẳng vào bản lai diện mục của chính mình.
            Tóm lại, Triết lý căn bản của Thiền là: Lấy Tâm Truyền Tâm, Không Lập Văn Tự, Giáo Ngoại Biệt Truyền, Trực Chỉ Nhân Tâm, Kiến Tánh Thành Phật. Tuy nhiên theo ngài Ðạo Nguyên Thiền Sư nói đó cũng chưa phải là gia nghiệp của phật pháp. Trong bộ Vĩnh Bình Quảng Lục có viết:
- Tức Tâm tức Phật là cuồng phong, trực chỉ chân tâm cũng là cách xa như trời vực.
Lời nói của ngài Ðạo Nguyên cho chúng ta thấy: Chủ đích của Thiền là đả phá tất cả, cởi mở tất cả những sự ràng buộc bởi phiền não và cố chấp, và thực hành theo phương pháp trực ngộ, nghĩa là tức thời thành Phật, bởi vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức Tâm là Phật. Ðó là tư tưởng đặc thù của triết lý Thiền, chúng ta không thể tìm thấy ở các tôn giáo khác, cũng không tìm thấy trong các tôn phái khác của Phật Giáo. Trên phương diện lý thuyết là như vậy, nhưng khi thực hành, chúng ta cũng cần phải có nhiều công phu tu tập mới có thể liễu ngộ, và thâm nhập được triết lý căn bản nầy một cách rốt ráo.
 
Tài Liệu Tham Khảo:
- Phật Học Tinh Hoa
- Kinh Lăng Già
- Phật Học Phổ Thông
- Tổ Thiền Tông
- Triết Học Zen
- Lược Luận Câu Xá Luận
-- o0o --