Về Ngày Quán Niệm
Quảng Giáo
--o0o--
 
Cứ mỗi tháng Chùa Dược Sư đều có một ngày Quán Niệm, và mỗi năm đều có một khóa tu học dành cho Chư Phật Tử và Ðại Chúng ở khắp các nơi về để tu tập. Theo sự nhận xét của tôi, tôi cho là có lợi ích của sự tu tập trong ngày Quán Niệm. Vài nét về ngày Quán Niệm như sau:
Ngày Quán Niệm hôm nay cũng như bao nhiêu ngày Quán Niệm trước đây, trước khi làm lễ bạch Phật, vì được phép của Thầy từ trước nên chúng tôi tự bầu ra một vị chúng trưởng. Người chúng trưởng là gạch nối giữa Thầy và các Thiền Sinh, với nhiệm vụ là lo nhắc nhở các Thiền Sinh, khi thấy họ nói chuyện riêng nhiều, hoặc nói chuyện phiếm ngoài đề tài của sự tu tập ngày hôm đó, đồng thời phụ Thầy để điều hành ngày Quán Niệm theo đúng chương trình như đã đặt ra.
Trong ngày Quán Niệm, các Thiền Sinh được Thầy truyền trao giới Pháp, Thầy hướng dẫn tụng Kinh Quán Niệm, và nhắc nhở Ðại chúng Ba Quy Y:
- Con về nương tựa Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
- Con về nuơng tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.
- Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người sống tỉnh thức.
Hai Lời Hứa: Lòng Thương và Sự Hiểu Biết là hai việc quý báu nhất đạo Phật.
- Nguyện mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài.
- Con nguyện mở rộng tầm hiểu biết dể có thể thương yêu và chung sống với mọi người và mọi loài.
Sau khi làm lễ bạch Phật, truyền ba Quy Y, và nhắc nhở Hai Lời Hứa xong Thầy thuyết pháp và tụng kinh cầu nguyện hằng tuần. Cũng như bao nhiêu lần khác, tôi chăm chú ghi chép những lời Thầy giảng dạy, ngoài ra tôi không để ý bất cứ chuyện gì khác nữa. Tuy nhiên, hôm nay như có một cái gì lạ hơn, tươi mát hơn. Tôi buông viết ngồi trầm tư một chút. Cuối cùng tôi mới phát giác là hôm nay hoa tươi nhiều quá! Nào là bông thược dược, bông cúc, bông hồng ..v..v.. bông nào bông nấy cũng tươi. Tôi rất hân hoan, vì thế tôi bắt đầu theo dõi từng nụ cười hàm tiếu của mỗi chiếc bông, bất chợt mắt tôi dừng lại một bình bông không được tươi trong số rất nhiều bông hoa tươi khác. Tôi bắt đầu suy nghĩ. Vì sao bình bông nầy không tươi như bao nhiêu bình bông khác? Nghỉ thế, nhưng tôi tự trả lời: Có lẽ bình bông nầy thiếu nước, hoặc giả người cắt bông họ không để ý cho nước quá lâu nên bông héo. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng tôi thấy sự suy tư nầy không đúng, vì lúc ban sáng chính tôi là người lo thay và cho nước tất cả các bình bông trên điện phật, thì không có lý nào bình bông nầy thiếu nước! Rồi tôi tự nhủ: Có lẽ một Phật Tử nào đó mới dâng cúng mà mình không biết chăng? Sự suy tư nầy cũng không đúng, bởi vì từ lúc Thầy bắt đầu truyền nghi thức Quán Niệm cho đến giờ không có một Phật Tử nào dâng bông cúng Phật cả, vậy thì bình bông nầy có từ khi nào, và vì sao mà bình bông nầy không được tươi? Bao nhiêu nghi vấn liên tục trong đầu của tôi. Cuối cùng, tôi chợt nhớ đến những hình ảnh đẹp của ba ngày trong Khóa Tu Mùa Hè 1998 năm nay. Ba ngày tu học mặc dầu đã qua lâu rồi, nhưng dư âm đó vẫn còn trong tôi. Trong ba ngày khóa tu đó, mặc dầu tôi có bổn phận phải lo trai soạn ở dưới nhà bếp, nhưng năm nầy Thầy Viện Chủ đã nhờ anh Lộc và em Phước đặt một cái loa nhỏ ở dưới bếp, nên từ những sinh hoạt của Ðại Chúng ở ngoài trời cũng như trong chánh điện tôi cũng đều được nghe. Những hình ảnh đẹp thì rất nhiều, nhưng đặc biệt là những bài pháp cũa quý thầy, trong đó có bài pháp: Ðóa Hoa Nhân Phẩm của mình của Thầy Viện Chủ Chùa Dược Sư, Thầy dạy có sáu phương cách làm cho Ðóa Hoa Nhân Phẩm càng ngày càng thêm đẹp. Một trong sáu phương pháp đó có phương cách Hiến Tặng Ba la Mật:
- Sự hiến tặng là bắt đầu cho công cuộc mở tâm lượng rộng lớn. Hiến tặng vể tài sản, là có ý giúp đở họ trong lúc cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho người kia biết được giá trị của sự bố thí, đễ mai kia họ trưởng thành trong việc tu học. Còn nếu hiến tặng mà làm cho họ tệ ra thì chỉ gây thêm nghiệp ác thì lỗi đó tại ta. Vì vậy khi thực hành sự hiến tặng, chúng ta chỉ sẳn sàng nâng đỡ những người có chí cầu tiến làm lợi ích cho nhân quần xã hội. Người hành Bồ Tát Ðạo gieo nhân Bồ Tát vào tâm chúng sanh để sau cùng họ cũng trở thành Bồ Tát mới thể hiện sự hiến tặng. Hiến tặng ở mức độ cao hơn thì gọi là cúng dường.
Tiến lên một nấc nữa người thực hành sự hiến tặng là đọan trừ xan tham, vì biết rõ xan tham dẫn chúng ta vào con đường khổ đau. Vì vậy khi bố thí hành giả phải kiểm chứng điều nầy. Tâm lượng của chư Bồ Tát, Phật, hoàn toàn an trú trong Pháp Không, nên các ngài gởi đến ta bất cứ một thứ gì, chúng ta cũng cảm thấy an vui giải thoát. Còn người tham lam ích kỷ cho ta những thứ gì thì chúng ta cũng phải nên để ý vì trong đó cả một tâm độc: Tham, sân, si, ác kiến, mê chấp được gói ghém trong món quà đó trút vào ta, ôm nhơ bẩn nặng trỉu đó ta không tu được. Pháp hiến tặng nầy không phải là sự hiến tặng của Phật. Càng hiến tặng nhiều càng tăng thêm nghiệp ác. Vì vậy Ðức Phật dạy muốn hiến tặng cho người khác, người hiến tặng phải luôn luôn kiểm tra mình coi có đủ ba tâm đó là Trực Tâm, Thâm Tâm, và Bồ Ðề Tâm hay chưa:
- Trực Tâm: Là tâm cho người vì thấy cần thiết phải cho chứ không có ý lợi dụng.
- Thâm Tâm: Là tâm người bố thí ngay thật, cảm thông sự đau khổ sâu xa của kiếp người mà cho với mục đích là chia sẻ nổi khổ niềm đau một cách chân thật chứ không có ý nào khác. Khi bố thí xong cũng truyền cho người nhận một tâm tình ngay thật, nếu người cho mà thấy lòng người nhận cong quẹo là biết chính tâm ta cong quẹo.
- Bồ Ðề Tâm: Là tâm hiến tặng vì muốn thực hiện con đường của Bồ Tát, trong tận đáy lòng không có tham sân phiền não, mà vì một lòng cầu đạo giải thoát mà cho.
Bồ Tát mới phát tâm hiến tặng lần hồi từ thấp lên cao. Khởi đầu bằng lòng thương người, người hiến tặng đó cho những vật dư thừa của mình. Ở trường hợp nầy cho còn có giới hạn, vì chỉ cho những vật mà mình không dùng đến. Tuy nhiên vẫn còn khá hơn những người có của dư thừa không dùng đến nhưng cất kỷ không cho. Nâng cao hơn một nấc nữa, người cho đó cho những vật mình đang dùng, nhưng người khác dùng thì có lợi hơn, thì hành giả cũng sẳn sàng cho. Càng bố thí trong lòng càng nở hoa, trút bớt gánh nặng ở Ta Bà, và thấy gần gủi với chư Phật. Cao hơn một nấc nữa người cho có thể cho cả tài sản vợ con...
Thật là một sự mầu nhiệm không cùng, vì khi nhớ lại đoạn pháp nầy trong tôi không còn thắc mắc vì sao, và vì sao? Khi tôi khám phá ra vì sao bình bông kia tàn úa thì cũng chính lúc đó Thầy cũng vừa chấm dứt bài pháp. Cuối cùng, ngày hôm đó tôi không ghi được gì cả, nhưng tôi cảm thấy vui vì tôi mới khám phá ra một chân lý cho riêng tôi.
Tiếp theo chương trình của ngày Quán Niệm là giờ ăn trưa, tất cả mọi Thiền Sinh đều dùng cơm trong chánh niệm. Thầy cũng thường nhắc nhở tất cả Ðại Chúng trước khi ăn phải quán chiếu thức ăn nầy là tặng phẫm của đất trời, là do công phu lao tác của nhiều người, nên chúng ta phải biết ơn và không được phí phạm. Trong lúc mọi người ăn cơm trong im lặng, thỉnh thoảng Thầy lại điểm một tiếng chuông để nhắc nhở chúng ta an trú trong giờ phút hiện tại, vì thường thì tâm của chúng ta như con vượn chuyền cây không bao giờ ngừng nghỉ, vì tâm tư của chúng ta luôn nghĩ về những việc đã qua, hoặc những việc chưa tới, cuối cùng làm cho chúng ta hoang mang tâm trí. Lợi ích tiếng chuông là tập chúng ta ăn cơm hay bất cứ làm việc gì cũng đều hành động trong tỉnh thức, vì thế khi nghe tiếng chuông tất cả Ðại Chúng đều ngưng hết tất cả mọi hoạt động, nếu những ai ngồi trong tư thế chưa ngay thì lập tức sữa lại cho ngay ngắn, và theo dõi hơi thở, hít vào thở ra nhẹ nhàng thoãi mái để tập sống trong tỉnh thức, tập an trú trong hiện tại. Tiếp theo giờ Cơm Trưa Trong Im Lặng là giờ nghỉ ngơi. Giờ nghỉ ngơi ngắn ngủi cũng qua mau, chúng tôi lại được nghe bài pháp thoại. Kỳ nầy Thầy giảng về Bốn Phương Pháp Tu, hay gọi cho đúng thuật ngữ là Tứ Y:
1- Y Pháp Bất Y Nhân
2- Y Nghĩa Bất Y Ngữ
3- Y Trí Bất Y Thức
4-   Y Nghĩa Liễu Kinh, Bất Y Bất Liễu Nghĩa Kinh.
            Sau bài pháp thoại là Thiền Tọa và kinh hành. Ðây là giây phút thảnh thơi mà chúng tôi hằng mong ước. Trong những giây phút nầy mọi người thực tập quăng bỏ những gánh nặng ưu tư trong cuộc đời:
- Một ngồi xuống, dứt trầm luân
Thân an lành trong thế hoa sen
Miệng không còn tạo chư ác duyên
Ý không còn bay nhảy khắp miền
Bồ Ðề kia quả chứng đạo liền.
Quả thật là như vậy. Mặc dầu quả Bồ Ðề chưa chứng nhưng trong những giây phút thánh thiện ấy, riêng về cá nhân của tôi, tôi cảm thấy như có một cái gì đó nhẹ nhàng thay đổi trong tâm hồn. Cuối cùng trong ngày quán niệm chúng tôi được Thầy nhắc nhở lại những giới căn bản mà người Phật Tử tại gia đã từng vâng giữ. Thực sự nó không có gì xa lạ, nhưng mỗi lần được Thầy nhắc nhở là mỗi lần tôi cảm thấy trong tôi như có một sự biến chuyển, và ý thức mới cũng từ đó bắt đầu nẩy sanh. Có lẽ vì những lợi ích như vậy nên Thầy đã ân cần nhắc nhở mọi người, dù là ở trong ngày Quán Niệm hay trong cuộc sống riêng tư tại gia đình cũng  phải cố gắng giữ gìn, và phải luôn nhớ đến các hạnh của chư Bồ Tát để thực tập như hạnh nguyện: Ðức Quán Thế Âm, Ðức Ðịa Tạng, Ðức Phổ Hiền, và Ðức Văn Thù Sư Lợi.
Phút chốc lại hết ngày, chúng tôi cùng nhau làm lễ mãn khóa trước bàn thờ Phật. Trước khi ra về, lại một lần nữa, Thầy cũng không quên nhắc nhở tất cả những thiền sinh ráng cố gắng thực tập giữ gìn chánh niệm trong mỗi hành động, tập rũ bỏ mọi âu lo cho chính mình, và nếu được buổi sáng trao tặng niềm vui đến cho người, buổi chiều giúp cho người bớt khổ. Ðó là món quà quý giá nhất mà Thầy đã hiến tặng cho Ðại Chúng hôm nay.
Một ngày Quán Niệm trôi qua, tôi thấy các Thiền Sinh ra về, trên nét mặt mọi người ai ai cũng hân hoan, có lễ trong lòng của Ðại Chúng ai ai cũng tràn trề niềm tin, và hạnh phúc. Tất cả cùng hẹn nhau gặp lại vào những ngày Quán Niệm trong kỳ tới...
-- o0o --