-
Thầy Tâm Quán
-
Ðồng Nguyệt
-
--o0o--
-
-
Thầy Tâm Quán là đệ tử lớn của Hòa Thượng trụ trì
chùa Thiên Long. Từ ngày Hoà Thượng viên tịch, thầy lên thay
thế Ngài nhận chức trụ trì mới của chùa. Ðệ tử của thầy rất
đông. Ngoài thầy Tâm Quán còn có thầy Tâm Chiếu, chú Tâm Từ,
Tâm Bi, Tâm Hỷ, Tâm Xả..., sau ngày Hòa Thượng viên tịch. Chú
Tâm Từ xin phép thầy trụ trì mới về quê nhà học đạo, còn lại
tất cả huynh đệ vẫn sống hòa hợp, thương yêu đùm bọc lẫn nhau
như ngày đại lão Hòa Thượng chùa Thiên Long vẫn còn sống.
-
Thầy Tâm Quán, là một trong số những người đệ tử
giỏi của Hòa Thượng. Dáng Thầy to con đẹp trai, khỏe mạnh, với
bộ óc thầy thông minh vô cùng. Ðể hoàn thành ước nguyện của
đại lão Hòa Thượng Bổn Sư trước khi Ngài viên tịch. Song song
với việc tu học và hành giáo lý của Như Lai, hoàn thành tất cả
các trách nhiệm trù trì của một ngôi chùa là để phụng sự chúng
sanh và đạo pháp, thầy cũng đã hoàn tất chương trình cao học
Public Health, vì thế Thầy cũng đã mở một viện dưỡng lão đúng
với tiêu chuẩn của tiểu bang. Viện dưỡng lão Khánh Hỷ nằm phía
bên phải và cách chùa Thiên Long khoảng nữa cây số. Trong viện
có tất cả 40 phòng và có thể chứa 50 cụ cao niên. Sự phục vụ
của Viện Dưỡng Lão Khánh Hỷ cao, nhưng lệ phí thì rất thấp nên
cụ nào cũng thích và ai ai cũng có thể vào được. Quí Phật tử ở
chùa cũng giống như dân chúng địa phương thắc mắc về điểm này
nhiều lắm, với lệ phí như thế này thì làm sao có thể điều hành
viện dưỡng lão với đầy đủ tiện nghi về vật chất cũng như về
tinh thần như thế này được. Thật sự những thắc mắc của mọi
người cũng rất đúng, nhưng họ đâu biết được những khó khăn của
Thầy đã và đang gánh chịu, nhưng vì tâm nguyện: Phục Vụ Chúng
Sanh Là Cúng Dường Chư Phật nên thầy không chỉ âm thầm làm
việc mà không một lời thở than. Lúc mới thành lập thầy cũng
gặp nhiều khó khăn nhưng rồi với sự khéo léo điều hành và xã
giao của thầy Tâm Quán nên một số bác sĩ phật tử cũng như bác
sĩ ngoại đạo cả Việt lẫn người Mỹ, vì thấy được việc làm có ý
nghĩa của thầy, nên họ tình nguyện tham gia, dành những giờ
giấc riêng tư của mình để làm việc thiện nguyện, phụ thầy săn
sóc sức khỏe cho các cụ già ở viện dưỡng lão Khánh Hỷ. Nhờ vậy
mà mọi việc trôi chảy rất thuận lợi.
-
Sáng nay, sau khi thiền tọa kinh hành xong, Thầy
thong thả trong tư thế thiền hành đi đến viện dưỡng lão Khánh
Hỷ để gặp một nữ bác sĩ mà thầy tri khách đã hẹn trước. Mới
gặp vị nữ bác sĩ, trong tiềm thức của Thầy Tâm Quán cảm thấy
vị nữ bác sĩ nầy, mường tượng như Thầy đã từng gặp ở đâu,
nhưng thầy không làm sao nhớ ra được, và vì mới gặp lần đầu
nên Thầy không tiện hỏi. Qua một vài lời xã giao, Thầy biết
được vị nữ bác sĩ này ngỏ ý muốn làm việc thiện nguyện giúp
Thầy để săn sóc các cụ già ở Viện Dưỡng Lão Khánh Hỷ. Cho đến
khi cầm cái đơn xin làm thiện nguyện trong tay, đọc lướt đôi
hàng chữ đầu, thầy mới sững sờ hỏi:
-
- Xin lỗi cô, tôi hơi tò mò một chút. Khi còn ở
Việt Nam có phải nhà cô ở Lạc Thiện?
-
Nữ bác sĩ không khỏi ngạc nhiên, nhưng cũng điềm
đạm trả lời:
-
- Dạ thưa phải, nhưng làm sao Thầy biết nhà con ở
Lạc Thiện?
-
Thầy Tâm Quán không trả lời câu của vị nữ bác sĩ,
Thầy hỏi tiếp:
-
- Có phải cô là con của ông bà Vạn Tín không?
-
Nghe tới đây vị nữ bác sĩ không khỏi kinh ngạc:
-
- Bạch thầy, tại sao thầy biết cha mẹ của con?
-
Thầy Tâm Quán mĩm cười rồi nói tiếp:
-
- Cô Từ Hiền, cô không nhận ra tôi sao? tôi là
Ðặng Ngọc Minh đây.
-
Nghe thầy Tâm Quán nói, vị nữ bác sĩ ngạc nhiên,
lúc bấy giờ cô ta mới dám nhìn kỹ thầy. Ðúng rồi, đây là người
ân nhân Ðặng Ngọc Minh, tuy năm tháng sương gió đổi dời, nhưng
trong cặp mắt vẫn còn sáng quắt, tinh anh quen thuộc, hèn chi
khi mới gặp mặt, cô cũng đã cảm thấy có cái gì đó quen quen
không sao nói được. Rồi một chuổi kỷ niệm trong thời quá khứ
hiện về.
-
Từ thuở nhỏ, Từ Hiền thích xuất gia tu học, nhưng
không được sự ủng hộ của gia đình. Càng lớn ý chí xuất gia
càng mạnh, nhưng khổ nỗi cô ta là con gái cưng độc nhất của
gia đình thương gia cỡ bự ở Long Khánh. Cha nàng không hiểu
đạo lắm, chỉ biết nuôi con, đợi con lớn rồi gả chồng uống ly
rượu trong ngày vu qui thôi. Biết được ý định của cha, Từ Hiền
buồn lắm, nàng đem tâm sự kể hết cho người bạn học cùng lớp và
cũng là người anh tinh thần mà nàng tin tưởng. Người đó không
ai khác hơn là Ðặng Ngọc Minh. Minh quý Từ Hiền lắm, thương
yêu săn sóc như em ruột mình. Nghe tâm sự của Từ Hiền. Minh
rất muốn giúp Từ Hiền đi tu nhưng chẳng biết phải làm sao. Sau
bao ngày tháng suy nghĩ. Cả hai Minh và Từ Hiền đều bằng lòng
đóng kịch kết hôn để qua mắt gia đình hai họ. Sau khi kết hôn
Minh sẽ đưa Từ Hiền đi tu. Tính là làm. Trước nhất Minh và Từ
Hiền nộp đơn xin du học ngoại quốc, nước nào cũng được miễn
sao họ nhận là được. Cũng may cả hai đều được trường đại học
Reed college tại Hoa Kỳ nhận. Trước khi cả hai chuẩn bị hành
trang lên đường du học, Minh về thưa cha mẹ đem lễ vật đến nhà
ông bà Vạn Tín xin cưới Từ Hiền. Cha mẹ Từ Hiền rất hoan hỷ
nhận lời. Trước ngày Minh và Từ Hiền lên máy bay qua Mỹ, một
đám cưới linh đình đã diễn ra, trong thân tộc hai họ ai cũng
vui. Ðặc biệt là hai bên cha mẹ ai cũng nghĩ rằng mình đã có
dâu hiền, rể quí, rồi đây con cháu đầy đàn, tha hồ mà bế ẵm.
Nhưng họ có ngờ đâu, đây chỉ là một đám cưới giả, cả hai đều
giữ sự trong trắng cho nhau. Khi vừa đặt chân đến xứ cờ hoa,
việc đầu tiên là Minh đi tìm một ngôi chùa cho Từ Hiền hoàn
thành ước nguyện xuất gia của mình. Phải biết rằng, trước năm
1975 Chùa, Viện của người Việt Nam tại Hoa Kỳ không có, vì thế
Minh đã đưa Từ Hiền đến một ngôi chùa do một vị Ni Sư người
Ðài Loan sáng lập. Biết được lòng thao thức của Từ Hiền nên Ni
Sư Thích Nữ Như Hạnh đã chấp nhận cho Từ Hiền xuất gia. Sau
ngày đưa Từ Hiền xuất gia, Ngọc Minh thấy trách nhiệm của mình
kể như đã hoàn thành. Một phần vì không muốn chi sự tu học của
Từ Hiền, và một phần chàng cũng bắt đầu học hành để thực hiện
tương lai của mình. Cũng từ đó cả hai mất hẳn sự liên lạc mãi
cho tới ngày hôm nay. Từ Hiền còn đang trầm tư miên man về
chuỗi ngày của quá khứ chợt nghe Thầy Tâm Quán hỏi:
-
- Cô Từ Hiền, tại sao cô đã xuất gia rồi mà nay
lại như thế này?
-
Trở về với thực tại, Từ Hiền thưa:
-
- Bạch thầy, đúng ra con đã ở trong chùa tập sự
xuất gia gần 2 năm, nhưng sau đó con nhận được điện tín ba con
bị bệnh nặng, nên con phải trở về quê hương để thăm cha. Cũng
lần trở lại quê hương, con đã nói rỏ việc đóng kịch của con và
thầy cho cả hai bên gia đình đều biết, nên ba má không cho con
xuất ngoại nữa. Mãi đến biến cố 75, gia đình con mới theo dòng
người di tản, từ trại Thái Lan gia đình con được định cư ở
miền đông Hoa Kỳ. Qua Mỹ được mấy năm thì ba con qua đời. Con
sống với mẹ và tiếp tục việc học còn dang dở. Sau khi tốt
nghiệp bác sĩ y khoa, con tiếp tục sống và hành nghề ở miền
đông Hoa Kỳ. Má con vừa mới mất cách đây 6 tháng. Thấy cảnh cũ
mà người thân không có, nên con mới quyết định dọn về đây để
làm việc. Khi đọc báo thấy chương trình từ thiện của Thầy Tâm
Quán có ý nghĩa quá nên con tìm đến để xin được đóng góp một
phần sức lực trong việc phục vụ nhân sinh, nhưng không ngờ
Thầy Tâm Quán lại là anh Ngọc Minh. Từ Hiền nói một hơi dài,
rồi như chợt nghĩ ra điều gì đó nàng hỏi:
-
- Thưa thầy, nhưng sao thầy lại đi tu? theo con
nhớ hồi xưa thầy đâu có ý định xuất gia đâu ạ?
-
Thầy Tâm Quán trả lời:
-
- Ðúng rồi cô ạ, hồi xưa thầy đâu có ý định xuất
gia, khi thành hôn giả với cô là chỉ muốn giúp cô hoàn thành ý
muốn làm ni cô của cô thôi. Nhưng sau khi chia tay với cô rồi,
một mặt tôi tiếp tục sự học, một mặt tôi luôn suy tư về sự lựa
chọn của cô, vì thế tôi mới bắt đầu tìm hiểu giáo lý của Phật.
Nhận thấy giáo lý của Phật có một sức sống vô biên, một chiều
sâu không thể dùng cái tư duy của con người phàm tục hiểu
được, vì thế Thầy thấy con đường cô lựa chọn là lý tưởng nhất,
nên Thầy quyết định xuất gia tu học. Rồi nhân duyên hội đủ,
Thầy gặp đại lão Hòa Thượng chùa Thiên Long thương tình nhận
làm đệ tử. Sau ba năm thử thách, Hòa Thượng Thiên Long đã thế
phát cho Thầy làm đệ tử xuất gia của Ngài, và từ đó Thầy vừa
tu vừa học cho đến giờ như cô đã biết.
-
Từ Hiền nói trong buồn rầu:
-
- Bạch thầy, theo con thấy sao cuộc đời có nhiều
chuyện trớ trêu quá, con thì muốn xuất gia, đã tìm đủ mọi cách
nhưng cuối cùng rồi lại hoàn tục. Còn riêng thầy, lúc đầu
không có ý định đi tu nhưng cuối cùng lại được làm trưởng tử
của Như Lai.
-
Thầy Tâm Quán ôn tồn nói:
-
- Cô Từ Hiền ạ, cô không nên tự trách như vậy. Tất
cả mọi việc đều tùy duyên thôi. Tuy nhiên, theo tôi thấy, nếu
thực sự giờ đây cô còn có ý định xuất gia thì cũng chưa phải
là muộn đâu cô ạ.
-
Ba tháng sau cuộc gặp gỡ với thầy Tâm Quán. Từ
Hiền xin xuất gia và một ni viện nhỏ được mọc lên. Viện dưỡng
lão Khánh Hỷ nằm giữa Ni Viện Vạn An và Chùa Thiên Long. Trụ
trì Ni Viện Vạn An là sư cô Tâm Trang Nghiêm tức là cô Từ Hiền
năm nào.
-
Hằng ngày ngoài thì giờ tụng kinh bái sám và học
Phật, cô dành hết tất cả giờ còn lại để cùng với Thầy Tâm Quán
săn sóc các cụ cao niên, thoa dịu những người sắp ra đi. Cô
cũng không quên vun trồng những mầm non mới, vì thế cô đã đề
nghị với Thầy Tâm Quán cho cô thành lập Gia Ðình Phật Tử nhằm
đào tạo thế hệ trẻ, những thanh, thiếu, đồng niên trở thành
những Phật tử chân chánh, để góp phần xây dựng xã hội theo
tinh thần Bi, Trí, Dũng của Ðạo Phật. Ðược sự đồng ý của Thầy
Tâm Quán nên GÐPT Vạn An được thành lập dưới sự hướng dẫn, và
cố vấn giáo hạnh của sư cô Tâm Trang Nghiêm càng ngày càng lớn
mạnh và an hòa.
|