Xuân & Lăng Kính Bát Nhã
Nhất Quán
--o0o--
 
 - Xuân Lại đến với mọi người tất cả
Xuân lại cho ta thêm một tuổi đời
Xuân lại về với bao nỗi đầy vơi
Nhưng ý nghĩa nhất mùa xuân miên viễn.
 
I- Hoa & Ngày Xuân Theo Quan Niệm Nhân Thế
Như chúng ta đã biết, hoa thì mùa nào cũng có hoa, tuy nhiên đối với mùa xuân, có lẽ khí trời ấm áp sau những cơn lạnh khủng khiếp của mùa Ðông, và cũng có lẽ cây cối vừa đâm chồi nẩy lộc nên hoa cũng đẹp, cành lá cũng tươi non, và mịn màng hơn tất cả các mùa. Ðó là lý do khiến cho mọi người biết chơi hoa, chơi cảnh lúc nào cũng yêu thích hoa và cây cảnh của mùa Xuân. Quả thật, mỗi độ Tết đến Xuân sang là muôn hoa tưng bừng khởi sắc. Nói như nhà văn Toan Ánh:
- Phải chăng Tết với Hoa có duyên tao ngộ, Hoa với Tết có nợ tao phùng, mùa Xuân là mùa của trăm hoa đua nở. Chúng ta thử tưởng tượng mùa Xuân mà không có hoa, cảnh Xuân sẽ buồn bã, lạnh tẻ khô cằn. Vì thế vai trò của hoa và cảnh là tô điểm cho ngày Tết ngày Xuân. Tết mà không có hoa, có lẽ cũng không ai nghỉ đó là ngày Tết. Như vậy vai trò của Hoa và Cảnh không phải chỉ có mang hương thơm đến cho Tết, cũng không phải chỉ đem cái sắc đẹp tô điểm cho mùa Xuân, mà nó còn có vai trò quan trọng khác đó là: Báo hiệu Ðông sắp tàn Xuân sắp đến, và đồng thời nó cũng kích thích mọi người liên tưởng đến Tết như có nhà thơ đã từng nói khi mỗi lần thấy:
 - Mỗi độ mai vàng khoe sắc thắm
Là ngày Tết đến chắc không xa.
Tập tục đó không biết có tự bao giờ, đối với dân tộc Việt Nam, Hoa và Cảnh Xuân đã tượng trưng cho một cái gì thanh thoát, tinh khiết. Bởi vậy mỗi lần Tết đến, chúng ta thấy không có một ai hờ hững với cây cảnh, dù cho đó là người nghèo, người không biết chơi hoa ngắm cảnh. Người dân miền thôn dã ở miền Nam, mặc dầu không biết những ý tứ cao xa như các nhà học giả, văn nhân, thi sĩ, nhưng cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến là họ nhất định vào rừng để mai, đốn về cắm trong nhà, trang hoàng nhà cửa, hoặc trồng thêm trong vườn cho đẹp, chưng trên bàn thờ cúng Phật, cúng tổ tiên. Còn người dân miền Bắc thì trong dịp Tết về nhất định phải tìm cho được dăm ba cành hoa đào cho ba ngày Tết.
Hoa và ngày Xuân còn là đề tài gây nhiều cảm hứng cho văn nhân thi sĩ, cho dù những cảm xúc đó vui tươi thăng hoa có, mà buồn rầu chán nản cũng có. Ðối với khách tha phương trong dịp Xuân về, giữa cảnh người nao nức, một mình tư lự trước kiếp người thăng trầm, thịnh suy mà lòng không khỏi buâng khuâng trước trăng, sao, hoa, cảnh. Ai là người đã điểm tô nên hương sắc trong dịp Xuân về như Nguyễn Công Trứ đã từng buâng khuâng:
- Ngồi thử ngắm trăng hoa ai nhuốm
Một hoa là riêng một sắc hương
Khi chúa Xuân cón khép nép trên đường
Còn phong nhụy đợi Ðông về cáng đáng.
Khi đến Lạng Sơn đón sứ thần nhà Thanh, cụ Tố Như đã thấy một sự âm thầm thay đổi của kiếp người. Nghĩ đến mái tóc hoa râm của mình mà lòng ngán ngẩm sự đời, trên đường danh lợi, tuy vậy Xuân lúc nào cũng đẹp nơi quán trọ:
            - Phơ phơ mái tóc rối phong trần
            Lặng lẽ thầm kinh vật biến tân
            Chằm cỏ chưa tan ngàn dặm mông
            Thềm mai đã đổi một năm xuân
            Anh hùng dạ lấp đường rong ruổi
            Danh lợi ê chân bước nhọc nhằn
            Người dẩu điều lưu xuân vẫn đẹp
            Thành đoàn thơ thẩn lệ dầm khăn.
            Xuân còn là cơ hội để cho mọi người đi lễ Chùa, các em bé nhân đây mà mặc quần áo mới, là đề tài cho các cụ uống rượu làm thơ. Xuân là cả cơ hội thuận lợi để cho mọi người đoàn tụ bên mái ấm gia đình. Theo thơ xuân Nguyễn Bính nói:
            - Ðây cả mùa xuân đã đến rồi
            Từng đoàn mở cửa đón vui chơi
            Từng cô em bé so màu áo
            Ðôi má hồng lên nhí nhảnh cười.
            Có những ông già tóc bạc phơ
            Rượu đào đôi chém bút đề thơ
            Những bà tóc bạc hiền như Phật
            Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa.
            Pháo nổ đâu đây khói ngợp trời
            Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi
            Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy
            Một áng đề thơ nét chẳng phai.
            Qua đi rồi mùa Ðông lạnh lùng ảm đạm, khí trời trở nên ấm áp, hoa bướm lại rộn ràng với ý Xuân của Ngô Chi Lan cho chúng ta thấy lòng thanh thản, duyên lại mặn mà:
- Khí trời ấm áp đượm hơi sương
            Thấp thoáng lâu đài vẻ ác vàng
            Rèm liễu líu lo oanh hót gió
            Dậu hoa phất phới bướm chân hương.
            Trong cái lạnh thấu xương, da của mùa Ðông mà mai vẫn can trường nở rộ, nên Cung Oán Ngâm Khúc đã nói:
            - Cành Xuân hoa chúm chím chào
            Gió Ðông thổi đã cợt đào ghẹo mai.
            Ngày Xuân còn là đề tài cho các cụ đồ Nho viết đối, viết liễn để bán. Một nhà thơ trào lộng như Cao Bá Quát cũng đã viết:
- Nhập thế cục bất khả vô văn tự
            Chẳng hay ho cũng nghỉ một vài bài
            Huống chi mình đã đổ tú tái
            Ngày Tết đến cũng một vài câu đối.
            Theo Chu Mạnh Trinh một tâm hồn lãng mạn và ái tình, mùa Xuân quả thật vui nhộn cho những ai có gia đình, và được đoàn tụ, tuy nhiên nó cũng tạo những nỗi buồn ray rứt cho những ai kém phước, bạc phần như ông đã từng khai thác trong truyện Kiều:
- Mùa Xuân ai khéo vẽ nên tranh
            Nô nức đua nhau hội đạp thanh
            Phận bạc ngậm cười nơi chín suối
            Duyên may run rủi khách ba sinh
            Xuân còn tiêu biểu sự trong trắng hồn nhiên của thời thơ ấu đầy mộng mơ và  tình ái:
- Em như cô gái hãy còn Xuân
            Trong trắng em chưa lấm bụi trần
            Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
            Gái Xuân giữ lụa trên phong vân.
            Ðịnh luật tuần hoàn luôn xoay chuyển. Xuân qua, Hạ lại..v..v.. Nhưng đó chỉ là sự vô thường, để tìm cái thường còn trong kiếp người theo Phương Trời Viển Xứ:
- Xuân lại đến với mọi nguời tất cả
            Xuân lại cho ta thêm một tuổi đời
            Xuân tuần hoàn với bao nổi đầy vơi
            Nhưng ý nghĩa nhất Mùa Xuân Miên Viễn.
            II- Hoa Và Ngày Xuân Theo Quán Chiếu Bát Nhã
            Như trên chúng ta thấy cảnh thay đổi của thời tiết, sự vận chuyển của bốn mùa. Mọi người vui, và nhiều cảm hứng, hy vọng khi lúc Xuân về, mọi người buồn khi Xuân đã qua. Sự sống còn của kiếp người nó giống như ngày Tết, mùa Xuân, hoa, bướm. Khi nào Xuân về cây đâm chồi nẩy lộc, hoa nở, bướm bay. Hoa nở hay tàn, bướm đi hay ở, bao giờ cũng đúng kỳ, vũ trụ kiếp người có thành, có hoại. Tất cả đều là duyên, cảnh huyển giả, không có thực tướng tồn tại, do đó dưới cặp mắt của Giác Hải Thiền Sư đắc đạo ngài nói:
            - Xuân lai hoa điệp thiện tri thì
            Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ
            Hoa Ðiệp bản lai giai thị huyễn
            Mạt tu hoa điệp hướng tâm trì.
            Nghĩa là:
- Xuân sang hoa bướm khéo quen thì
Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ
Nên biết bướm hoa đều huyển ảo
Thây hoa mặc bướm để lòng chi.
Trong chiều hướng đó của Ngài Hương Hải Thiền Sư, chúng ta có
những nhận định: Cuộc sống có ý nghĩa, có giá trị là cuộc sống hiểu rõ hư dối, tạm bợ mâu thuẫn của kiếp người. Muốn đi sâu vào cuộc sống có ý nghĩa, sự xét nghiệm, phê phán và tự giác là những yếu tố rất cần thiết. Tôn giáo có ở đời nhằm đáp ứng mục đích nầy. Mục đích đưa mọi người đến chỗ hiểu rõ thế nào là chân, thế nào là giả, để rồi chúng ta lần lần đi đến chỗ bỏ giả tìm chân. Muốn như thế điều quan trọng trước tiên là phải xét kỹ Thủ và Xả(lấy hoặc bỏ) để chọn cái chân, cái đẹp và bỏ đi cái mê lầm. Sự tích cực của Thủ-Xả là quyết định ở trong tâm, nhưng mầm mống của sự an nguy lại đặc định ở bên ngoài. An không an một ngày, nguy cũng không có nguy một ngày, mà nó hình thành đều từ chỗ gom góp dần, vì vậy mà chúng ta không thể không xét kỹ. Dùng đạo đức để đối đãi trong cuộc sống thì phải gom góp đạo đức. Dùng lễ nghĩa để hành xử thì cần phải học hỏi và gom góp lễ nghĩa. Còn trái lại nếu dùng phương pháp bóc lột, giết hại, mạ lỵ, vu khống để duy trì công đạo thì không thể được và đương nhiên phải gom góp oán hận. Nhưng nếu gom góp oán hận thì trong ngoài trái nhau, trong khi đó gom góp đạo đức thì trong ngoài cảm phục, niềm vui được lan rộng. Ðó là ý nghĩa tôn giáo học, vì thế mà ông Windelband đã nói:
            - Tôn giáo là phương tiện đưa người đến đời sống thánh thiện siêu việt. Ðời sống ấy phải là đời sống vượt ra ngoài những kinh nghiệm tầm thường để thể nhập vào thế giới nội tâm.
            Tôn giáo mà ông Windelband muốn nói đây là Phật Giáo, và nhất là Thiền một phương pháp trở về nội tâm.
            Thật vậy, phật pháp là phương pháp chỉ dẫn cho mọi người hiểu rõ những hư vọng, giả dối của cuộc đời và là phương pháp đoạn trừ những dục vọng, chấp ngã, tham, sân, đố kỵ..v..v.. Bởi vì dục vọng tạo nên sự mê mờ, cho nên con người cứ mãi sống trong cảnh túy sanh mộng tưởng và như thế cuộc đời sẽ vô nghĩa và vô giá trị. Ðời mà vô giá trị thì chẳng khác nào con người tự đào huyệt chôn mình trong mê mờ đau khổ. Chư Phật, chư Tổ cũng là con người như bao nhiêu con người khác, nhưng các ngài đã hiểu rõ cuộc đời, hiểu rõ nguyên nhân của khổ vui..v..v.. một cách thấu triệt. Biết rõ những đau khổ phiền toái sẽ đến với mọi người, mà không chừa bất cứ một người nào. Nó sẽ đến từng gia đình, từng hoàn cảnh. Như trong một gia đình nghèo khổ, thì lẽ dĩ nhiên họ phải sống với cuộc sống  nghèo túng, khổ sở. Một gia đình giàu có sang trọng, họ cũng có cái khổ tâm của họ. Một ông kỹ sư, hay một ông bác sĩ cũng thế. Có ai dám nói rằng: Giàu có sang trọng, là sung sướng hạnh phúc, không khổ não, nghèo cùng đói rách là hèn hạ không?
            Nhìn chung, chúng ta thấy rằng: Tất cả mọi người trên địa cầu nầy ai cũng chịu chung một số phận là khổ ít hoặc nhiều, cho dù nghèo đói hay sang giàu. Nói như thế đừng hiểu lầm là chúng ta phủ nhận giá trị của cuộc sống, và cõi đời nầy chỉ là vở vụn, đau thương, đổ nát, không có một sự an lạc hạnh phúc nào. Xin xác nhận là có hạnh phúc và đời vẫn đẹp, nếu và chỉ nếu chúng ta biết: Giả, thật, đúng, sai..v..v.. để tích cực quyết định Thủ-Xã trong tâm, thì chắc chắn chúng ta sẽ vượt thoát ra ngoài sự chi phối bình thường của vũ trụ thiên nhiên, sanh già, bệnh chết...như Blaise Pascal(1623-1662) là một nhà Toán Học, Vật Lý Học, và cũng là nhà Triết Học người Pháp đã từng nói:
            - Con người vĩ đại hơn sức mạnh mù quáng của thiên nhiên, vì lẽ cả đến nghĩ rằng con người bị hủy diệt bởi những sức mạnh ấy, con nguời vẫn giữ được cao cả hơn bằng sự hiểu biết các sức mạnh ấy. Lại nữa, Phật Giáo cho thấy bằng phương thức hiểu biết, con người cũng có thể kiểm soát được mọi trạng huống của mình. Con người có thể ngưng, thoát khỏi sự nghiền nát bởi sức mạnh của thiên nhiên, và sử dụng những luật của sức mạnh thiên nhiên để tự mình đứng lên chống đỡ.(Man is greater than the blind forces of nature because even though he is crushed by them he remains superior by virtue of his understanding of them. Again Buddhism carries the truth further: It show that by means of understanding man can also control his circumstances. He can cease to be crushed by them, and use their laws to raise himself).
            Phương thức hiểu biết ở đây Blaise Pascal muốn nói có phải là nhận chân được những gì mà Ngài Giác Hải Thiền Sư đã nói?
            - Nên biết bướm hoa đều huyễn ảo
            Thây hoa mặc bướm để lòng chi.
            Hiểu được mùa Xuân trăm hoa đua nở, ong bướm kéo về, hết Xuân hoa tàn tạ, ong bướm rủ nhau đi. Mùa Xuân khác đến, trăm hoa lại đua nở, kiếp người trong cõi diêm phù cũng vậy. Những lúc trẻ, khí lực sung mãn, công việc hằng ngày, từng giờ từng phút trôi qua, mà con người đâu mấy ai chịu khó lưu tâm, để rồi cái tuổi già đến với những sợi tóc bạc trên đầu lúc nào mà mình không hay biết. Cuộc đời vô thường là như vậy. Do đó mà Ðức Phật dạy chúng ta phải luôn luôn quán các pháp hữu vi như mộng, như huyễn. Theo trong Kinh Kim Cang:
            - Nhất thiết hữu vi pháp
            Như mộng huyển bào ảnh
            Như lộ diệt như điển
            Ứng tác như thị quán
            Nghĩa là:
            - Tất cả các pháp hữu vi
            Như mộng huyển, bọt bóng
            Như giọt sương, như điển chớp
            Nên khởi quán như vậy.
            Như thế, Ðức Phật muốn dạy chúng ta rằng, tất cả những hình tướng trên thế gian đều là mộng huyển nó không thực mà lâu nay chúng ta tưởng là thực. Theo tinh thần đó trong Kinh Bát Nhã, Ðức Quán Thế Âm khi thực hành sâu xa về trí Bát Nhã thì Ngài thấy được Năm Uẩn(Sắc, Thọ Tưởng, Hành, Thức) đều không. Hành trình đi vào nội tâm, và muốn hiểu rõ theo quan điểm của Bát Nhã, trước tiên chúng ta phải tìm hiểu Năm Uẩn của con người, rồi từ con người đến các loài động vật và thảo mộc, như vậy chúng ta sẽ dễ dàng nhận thức hơn.
            Sắc Uẩn: Sắc gọi cho đủ là Sắc Uẩn, nói cho dễ hiểu là cái thân con người. Cái thân nầy, xưa nay mọi người cứ lầm tưởng là có thật, bất biến. Nhưng kỳ thật thân nầy do các yếu tố như: Ðất, Nước, Gió, Lửa tạo thành. Trong Ðất chúng ta thấy có các loại như: Các tế bào, da, thịt, gân, xương, lông, tóc..v..v.. Nước như: Mồ hôi, máu, nước mắt, nước miếng, nước tiểu..v..v.. Gió như: Sự hô hấp không khí, thở ra hít vào bằng đường hô hấp, hoặc các lỗ chân lông. Lửa như: Nhiệt độ ấm áp trong cơ thể. Như vậy thân con người là do sự cấu tạo giả tạm của Tứ Ðại mà thành, nếu Tứ Ðại phân ly thì thân nầy cũng không còn nữa.
Như vậy, từ con người cho đến động vật và thực vật cũng thế. Tuy nhiên theo quan niệm của nhân thế, thì từ thân tứ đại cho đến ngoại vật như: Cây, cảnh, bông hoa, tươi đẹp..v..v.. rồi chấp chặt vào đó để rồi tạo ra những cảm hứng đa sầu, đa cảm, hoặc là hân hoan, hoặc là buồn thảm. Nhưng nếu quán chiếu theo tinh thần của Trí Bát Nhã thì chúng ta cũng sẽ thấy tất cả từ con người đến động thực vật đều sống một cuộc sống vay mượn tạm bợ. Như con người khi uống nước vô thì giúp cho sự tuần hoàn lưu chuyển dễ dàng, nhưng nếu không có nước thì khát nước và sẽ kiệt quệ. Cây cối cũng vậy, có nước thì cây cối sẽ xanh tươi, tốt đẹp, không nước thì sẽ khô héo tàn tạ. Như thế chúng ta thấy, dù cho là con người, động vật hay thực vật cũng vậy, nếu thiếu đi một trong các yếu tố của tứ đại thì sẽ chết và sự giả hợp đó sẽ tan rã. Người học phật, hay bất cứ một người nào đó, khi thấy rõ Sắc Uẩn nầy không thiệt, không phải là sở hữu của mình thì là mình đã giác. Giác tự nơi bản thân mình, thấu suốt đến cỏ cây cũng thế. Khi chúng ta quán thấy thân của chính mình và hoa cảnh đều do nhân duyên Ðất, Nước..v..v.. thì biết được nguyên của nó là không. Có là do duyên hợp mới có. Chính khi có sự góp mặt của Ðất, Nước, Gió, Lửa mà chúng ta biết nó không có thật. Cái biết nó không thật, tánh nó là không thì cái biết đó là Trí Bát Nhã.
Thọ Uẩn: Là sáu căn tiếp xúc với sáu trần như:
- Mắt tiếp xúc với Sắc
- Tai tiếp xúc với Thanh
- Mũi tiếp xúc với Hương
- Lưỡi tiếp xúc với Vị
- Thân tiếp xúc với Xúc
- Ý tiếp xúc với Pháp
Rồi từ đó mới có sự nhận chịu khổ, vui, hoặc không khổ, không vui. Sự nhận chịu khổ, vui, gọi đó là Thọ. Như lỗ tai nghe nhạc, lỗ tai là Nhĩ Căn, nhạc là Thinh Trần. Khi Căn và Trần tiếp xúc nhau thì khởi sanh Thọ, rằng đây là nhạc dở, nhạc hay..v..v.. rồi khởi tâm ưa thích. Khi mà chưa mở máy thì nhạc không có. Khi mở máy thì có âm thanh va chạm vào tai, từ đó mới có sự hân hoan hoặc là phiền muộn. Tiếng nhạc tự tánh nó không có vui buồn, nhưng khi tai nghe mới có sự phân biệt, và từ đó mới có sự yêu ghét..v..v.. Do đó, có Trần mà không có Căn thì không có Thọ. Tự lỗ tai, hoặc tự thanh trần thì không có tác dụng gì cả. Tóm lại, các nhân duyên trong có Căn, ngoài có Trần tiếp xúc mới có Thọ. Cái Thọ nguyên nó là không, sở dĩ có là do nhân duyên hòa hợp, đó là huyển có, vì thế chấp chặt vào cái huyễn là sai lầm. Như thế nếu chúng ta quán cái Thọ của Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân Ý cũng đều không thiệt, nguyên nó là không, duyên hợp như huyển. Người trí khi biết được như thế thì không nên lệ thuộc vào nó. Ðó là nói về con người. Còn nói về động vật, loài có vú thì biểu lộ những cái vui, buồn, ưa thích, nó cũng gần tương tự như con người theo Sáu Căn, Sáu Trần. Còn về loài thảo mộc mặc dầu nó không có Sáu Căn tiếp xúc với Sáu Trần rõ ràng như loài người và loài động vật có vú, tuy nhiên không phải vì vậy mà nó không có những tâm tình vui buồn..v..v.. Theo khám phá mới của các nhà khoa học cho biết: Hai cây cùng loại, nhưng nếu một cây có cho nghe nhạc, thì cây đó sẽ phát triển mau hơn, và màu sắc cũng tươi hơn cây không nghe nhạc. Lẽ dĩ nhiên, cây được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tưới phân bón đầy đủ..v..v.. thì đương nhiên nó phải khác với cây không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, và thiếu phân bón. Ðiều đó chứng tỏ là nó có đủ nhân duyên trong Căn, ngoài có Trần tiếp xúc, và nó cũng có Thọ. Cái Thọ nguyên chính nó là không, mà có là do duyên hợp lại như huyễn có giống như con người và động vật có vú.
Tưởng Uẩn: Tức là tâm tưởng của chúng ta nhớ nghĩ một hình ảnh thân thương mến yêu, hoặc đáng ghét nào đó, tất nhiên sẽ khởi ra tưởng trạng. Như chúng ta ngồi đây mà tâm tư nhớ ở nhà, rồi thì hình ảnh của gia đình, nồi cơm đang nấu, bếp lửa chưa tắt..v..v.. Mặc dầu nồi cơm đã chín, bếp lửa đã tắt, nhưng sự sợ hãi lo âu cho việc cháy nhà nên sầu lo bừng bừng khởi dậy. Ðó là nương nơi Tưởng mà tưởng tượng ra hình ảnh chưa xảy ra, hoặc tưởng tượng nơi mà mình chưa biết. Như vậy cái tưởng tượng đó không thật có, thành thử cái tưởng vốn không, duyên khởi huyễn có.
Hành Uẩn: Là cái suy gẫm của chúng ta. Khi vừa nghĩ cái nầy chưa xong là tiếp theo cái kia, liên tục không ngừng, trong trường hợp nầy gọi là suy tư. Dòng suy tư đó gọi là Hành, nó giống như sóng biển, sóng sau đè sóng trước. Cứ mỗi lần sóng sau chờm tới, là sóng trước mất đi, dòng suy tư của con người cũng vậy. Nghĩ tới cái mới thì cái cũ mất đi cứ thế mà liên tục, đã liên tục sinh diệt thì nó không thật. Cho nên Hành Uẩn nguyên thể là không, duyên hợp huyễn có.
Thức Uẩn: Thức là sự phân biệt của mình. Thí dụ như khi mắt thấy hoa hồng màu đỏ đẹp..v..v.. thì cái phân biệt của con mắt gọi là Nhãn thức. Tai nghe tiếng nhạc sanh tâm phân biệt hay dở..v..v.. thì đó là Nhĩ Thức. Tương tự các thức kia cũng đều như thế. Khi chúng ta hiểu được Sắc, Thọ, Tưởng, Hành Uẩn đã không có thật thì Thức Uẩn cũng không thật có.
Như trên chúng ta thấy Tưởng, Hành, Thức ở nơi con người thì chúng ta dễ dàng nhận thức. Ở các loài động vật có vú, không có ngôn ngữ để diễn tả như loài người, nhưng không có nghĩa là nó không có Tưởng, Hành, Thức. Ðiều nầy chúng ta có thể thấy ở các con thú được huấn luyện  như: Loài chó săn, chó trong quân đội. Trong các đoàn hát xiệc họ huấn luyện các con thú như: Cọp, Voi, Sư Tử, Gấu, Mèo..v..v.. Sau khi huấn luyện, họ có thể điều khiển theo ý muốn của họ. Ở các loài thực vật hay còn gọi là vô tình, vì nó không nói, mỗi khi có người muốn cướp mạng sống của nó, người ta không thấy nó sợ hãi chạy trốn như các loài động vật hữu tình khác, nhưng cũng không có nghĩa là nó không biết tham sống sợ chết, nó không biết khổ biết vui. Như Thọ Uẩn đã được trình bày ở trên, nói về hai cây cùng một giống loại, nhưng một cây được nâng niu săn sóc với phân bón nước non đầy đủ, lẽ tất nhiên nó phải khác hơn một cây không được nâng niu chìu chuộng.
Nhìn chung chúng ta thấy từ vũ trụ con người, động vật, và cây cỏ, gọi chung là các loài hữu tình và vô tình, tất cả cũng đều do Năm Uẩn và Tứ Ðại giả hợp mà thành. Sự sống còn hiện hữu ở đây tất cả chỉ là sự vay mượn chớ không có gì tồn tại chắc thật. Nói theo quan niệm thông thường thì tất cả sự vật trên thế gian đều là vay mượn để trưởng dưỡng cái ta. Gọi là thành, thì chúng ta vui, đắc thắng, lúc Xuân về. Gọi là bại, thì chúng ta buồn, khổ, thua thiệt lúc Xuân đi. Nói theo quan niệm của Phật Giáo Nam Truyền. Tất cả đều do Tứ Ðại giả hợp, niệm niệm sanh diệt. Căn cứ trên hình thức, hình thức nầy diệt, thì hình thức khác lại sanh, nên gọi đó là Vô Thường. Trong quan niệm Vô Thường nầy ta có thấy hết Xuân tới Hạ, hết Thu đến Ðông. Xuân đến thì cây cối ra lá, đơm bông kết nụ..v..v.. Nhìn theo tinh thần Bát Nhã của Ðại Thừa Phật Giáo là nhìn thẳng vào thể tánh, nên chúng ta không nói Vô Thường mà chỉ nói Không. Vì tất cả mọi sự vật trên thế gian nầy nguyên thể của nó là không, nhưng gọi là có vì nó do các duyên giả hợp. Hiểu được lý không của Ðại Thừa Bát Nhã thì ngay cả sự vật còn hiện hữu trước mắt mà ta cũng có thể nói nó là không. Nói không mà không phá hoại cái có, nghĩa là nó không mà không đợi đến hoại rồi mới nói không.
Là người Phật Tử, học và thực hành giáo pháp của Phật Ðà ta phải noi gương chư Phật, chư Tổ, chư Thiền Sư đi trước để điều phục thân tâm. Phương thức hữu hiệu nhất là chúng ta phải can trường nhìn thẳng vào thực thể của bản thân và ngoại cảnh. Có được như vậy, chúng ta mới thấy rõ sự hiện hữu của chúng ta và sự vật, tất cả đều do nhân duyên hòa hợp. Nhưng điều cần nhớ là tất cả đều huyển hóa chứ không chắc thực. Chỉ có chân tâm của chính mình mới thực sự bất sanh, bất diệt, mà xưa nay chúng ta đã vô tình quên lãng. Giờ đây chúng ta phải quyết sống thực với nó, cố gắng đừng để một tạp niệm nào xen vào. Bản chất của Tâm là mọi sự mọi vật đều như như, bất động, nghĩa là thực tại không sinh không diệt theo tinh thần Bát Nhã là Chân Không. Nếu là Chân Tâm, thì Cảnh cũng là Chân Cảnh. Từ đây ta không cần chạy trốn hay tìm cầu, mà sự giải thoát cũng trở thành hiện thực. Từ ý nghĩa nầy, chúng ta thấy một khi Tâm đã không bị giao động, thì ngọai cảnh dẫu cho như thế nào đi nữa cũng trở thành vô nghĩa. Ðiều nầy đã chứng minh qua hình ảnh của Giác Hải Thiền Sư, ngài đã thản nhiên trước cảnh hoa bướm rộn ràng mỗi khi Ðông tàn Xuân đến, chúng ta thấy rất thi vị thanh thoát:
- Xuân sang hoa bướm khéo quen thì
Bướm liệng hoa cười vẫn đúng kỳ
Nên biết bướm hoa đều huyển ảo
Thây hoa mặc bướm để lòng chi.
Lời tuyên bố của Giác Hải Thiền Sư cho thấy trong muôn vàn cảnh vật đã chứa sẵn thể Kim Cang Bát Nhã. Chỉ cần dứt sạch vọng tưởng điên đảo thì chân tánh tự nhiên hiển hiện. Ðể đạt tới mục đích nầy, người học Phật phải làm sao đạt tới trạng thái vô tâm. Vô Tâm thì phiền não không có chỗ nương tựa. Vô tâm theo Hương Hải Thiền Sư là bí quyết của sự giác ngộ. Phương thức để đạt tới trạng thái vô tâm, theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang nói rằng:
- Giới Luật cao nhất chính là vô tâm.
Giới luật ở đây không có nghĩa là cấm đoán, không cho con người va chạm tiếp xúc với sự vật. Nếu giới luật chỉ là sự cấm đoán thì đó chưa phải là phương thức căn bản, mà còn là sự chạy trốn, tự đưa mình vào ngõ cụt. Giới luật cao nhất là sự quan sát thường trực, để từ đây dầu cho ta ở trong môi trường nào chăng nữa cũng không bị thanh sắc chi phối, mà trái lại thanh sắc phải phục tùng theo mình.   
Trong chiều hướng nầy, theo tinh thần của Lục Tổ Huệ Năng:
- Khi mê thì Thầy độ, khi ngộ thì tự độ lấy
            Ở đây chúng ta cũng có thể hiểu:
            - Khi mê thì người theo cảnh, cảnh thì thiên sai vạn biệt, mà người thì không đồng nhất với chính mình. Khi ngộ thì cảnh đi theo người, người thì trong ngoài đã nhất trí và dung hóa được cảnh.
            Tưởng cũng cần nói rõ thêm: Vô tâm không có nghĩa là hững hờ thiếu chú ý, mà vô tâm ở đây muốn nói là cái thể sáng suốt không bị mắc kẹt bởi tư kiến và tư dục, không kỳ thị phân biệt, cái thấy không còn bị khuynh hướng nhị nguyên điều khiển. Ðối vối cái thấy không còn phân biệt chủ thể và đối tượng, tâm và cảnh, mê và ngộ, có và không, lý và sự. Can đảm nhìn thẳng vào tự tính của tâm, thì vô tâm ấy bất cứ ở giây phút nào cũng là Phật. Khi sự phân biệt chủ thể đối tượng đã chấm dứt, và chính ý niệm ấy cũng chấm dứt nữa, thì lúc bấy giờ trí tuệ có mặt. Một khi trí tuệ chân chính có mặt thì tâm niệm nào cũng là tâm niệm Phật, và ở đâu cũng thành đạo, và  nơi nào cũng là cõi Phật. Khi đã thấu hiểu và quán chiếu theo Trí Bát Nhã rồi thì tự chính chúng ta đem đến cho chính mình những nụ hoa thanh tịnh, hỷ xã, trí tuệ để tự trang điểm cho chính mình một mùa Xuân Trường Tồn Miên Viễn.
-- o0o --