Tử Vi, Phong Thủy & Nghiệp Báo
Nguyễn Mộng Khôi
--o0o--
  
Có người nói Tử Vi(horoscope) là một bộ môn của Thiên Văn Học (cosmography), nên rất chính xác. Nhờ nghiên cứu vị trí những ngôi sao ở thời điểm mới sanh(lọt lòng mẹ), nên có thể giải đoán không sai cho từng người, từng giai đoạn của cuộc đời, biết trước những việc xấu để tránh, việc tốt để làm, hầu đem lại lợi lạc tối đa.
Nhưng có những người khác lại đặt trọn niềm tin vào địa lý hay Phong thủy; với việc tìm được Long mạch để đặt mồ mả tổ tiên, hoặc phương hướng nhà cửa là quyết định cho sự thịnh suy của môt gia đình, một giòng họ.
Quan niệm của một số người hiểu được luật Nhân Quả, Nghiệp Báo thì bảo rằng; Tử Vi, Phong Thủy chỉ là phần ngọn, còn gốc rễ của hạnh phúc hoặc khổ đau là Nghiệp Báo.
Vậy Nghiệp Báo là gì? Khoa Tử Vi và thuyết Phong Thủy có nằm trong Nghiệp Báo không? Vị nào đã xướng ra những thuyết nầy? 
A- Nghiệp Báo
Trước tiên, Phật đã nói về Nghiệp Báo. Ngay trong đêm Thành đạo, hồi canh ba đêm mồng tám tháng chạp cách nay 2591 năm. Ngài chứng đắc Túc Mạng Minh, biết rỏ tiền kiếp của mình đã làm gì và phải chịu quả báo ra sao. Ngài còn dùng Thiên Nhãn Thông có thể trông thấy, những sự vật khác nhau, những chúng sinh sống trở lại trong nhiều cảnh giới khác nhau, mỗi người tùy theo Nghiệp hay Hành Ðộng có Tác Ý của mình gồm có: Thân(Kaya kamma), Khẩu (Vaci kamma) và Ý nghiệp (Mano kamma) để sẽ nhận lấy Quả (Kamma vipàka) Lành hay Dữ ở những kiếp sau. Ta hãy theo dõi nghiệp báo cuả một người từ lúc mới chết cho tới khi tái sanh trở lại ở một kiếp khác.
Từ lúc con người mới chết, cho đến 49 ngày gọi là Thân Trung Ấm (T. T. Â). Trong Phật Giáo Ðại Thừa, nêu ra T. T. Â. là một người đã chết mà sự sống nơi thân vật lý không còn tồn tại, nhưng vẫn tồn tại sự sống trong thế giới vô hình. Cái Ngã nơi T. T. Â. vẫn là cái Ngã nơi thân vật lý. Trước khi chết, người nầy tên là cậu Hai, con ông Ba thì ở T. T. Â. người nầy vẫn thấy mình là cậu Hai con ông Ba. Cho đến khi sau 49 ngày, phần tâm thức tùy theo phước hoặc là nghiệp báo mà đi đầu thai vào một trong sáu cảnh giới: Trời, Người, A Tu La, Ðịa Ngục, Súc Sanh và Ngã Quỷ thì T. T. Â. mới tan biến. Sự sống được thành hình ở một bào thai mới lúc cái Ngã cũ chấm dứt hoàn toàn theo sự tan biến của T. T. Â. Trạng thái tan biến nầy, luôn luôn đồng thời với cái lúc Tinh Trùng của cha lọt vào Noãn Cầu của mẹ, theo kinh tạng Nguyên Thủy gọi là:
- Khi tử tâm tối hậu chấm dứt thì kiếp sinh thức tối sơ xuất hiện.
Cái Ngã cũ đã hết, cho nên người nầy không còn thấy mình là Cậu Hai con ông Ba nữa. Chuyện kiếp trước bị quên. Người này mang một hình hài mới, tên họ mới, thân phận mới do Nghiệp đã tạo sẵn, nên kiếp sống tới của một người sẽ sinh vào một gia đình nào là điều chắc chắn không có gì thay đổi được. Lúc tử tâm tối hậu chấm dứt cũng là lúc tinh trùng lọt vào noãn sào và một kiếp sống mới bắt đầu trong hình thức một bào thai nhỏ bé mà mắt thường không thể trông thấy. Trong 500 triệu tinh trùng của người cha có những tinh trùng chỉ mang Nhiễm Thể X, nếu kết hợp với tiểu noãn sẽ cho ra một bào Thai Nữ. Có những tinh trùng mang Nhiễm thể Y nếu kết hợp với tiểu noãn sẽ cho ra một bào Thai Nam, nhưng do Nghiệp của chính người đó sẽ mang thêm Nam hay Nữ nên khiến cho tinh trùng loại nào sẽ lọt vào tiểu noãn. Lúc tiểu noãn thụ tinh, các Nhiễm Sắc Thể của tinh trùng và của Trứng phối hợp thành 46 cái, một số lượng cần thiết để sự sống có thể xuất hiện. Con người lúc bấy giờ mặc dù chỉ là Một Tế Bào, nhưng Nghiệp Báo đã bao trùm lấy nó, vì những Nhiễm Sắc Thể của người cha và người mẹ đã định đoạt giới tính, màu tóc, màu mắt cũng như vóc dáng của hài nhi tương lai, cũng chính Nhiễm Sắc Thể này khiến đứa trẻ được sinh ra trở thành một vĩ nhân hay môt kẻ ngu đần. Những Nhiễm Sắc Thể có hình xoắn, giống như một dây ngọc, hoặc một dây có thắt nơ có chứa hàng ngàn phân tử di truyền GENE, cấu trúc bởi DNA(Deoyribo Nucleic Acid), một chất hóa học chứa đựng bí mật về sự sống và sự sinh trưởng của con người, hiện nay các nhà khoa học đang tìm cách giải mã từng chi để biết được nhiệm vụ của chúng một cách chắc chắn. Những Nhiểm Sắc Thể chứa hàng ngàn phân tử di truyền có nhiệm vụ rỏ rệt trong từng giai đoạn của việc sinh trưởng mỗi phân tử di truyền khác. Một số phân tử di truyền ấn định màu mắt, một số khác ấn định về màu da và một số nữa ấn định về chiều dài của xương. Con người hưởng thụ phân nửa nhiễm thể của cha và phân nửa của mẹ, tổng cộng là 46, sự kiện này là nguồn gốc của sự khác biệt giữa những cá thể trong nhân loại khi những cặp Nhiễm Thể của tiểu noãn được phân làm hai thì sự Ngẫu Nhiên theo Luật Nghiệp Báo bí mật chi phối, sẽ định đoạt Nhiễm Sắc Thể nào sẽ bị loại bỏ. Do đó người phụ nữ có thể truyền lại cho con mình kể cả vóc dáng, trí khôn hoặc bịnh tật từ tổ tiên và cũng chính sự ngẫu nhiên theo Nghiệp sẽ phân chia và chọn lựa Nhiễm Sắc Thể của tiểu noãn và của tinh trùng có thể được phân chia theo 8 triệu kiểu khác nhau, chính NGHIỆP của đứa bé sắp xếp cuộc tạo dựng quan trọng này, đầu tiên NGHIỆP của đứa bé đã qui định nó sẽ là con của bậc cha mẹ nào để có thể nhận lấy tính di truyền và sức khoẻ, trí khôn, hình dáng của dòng họ đó, rồi NGHIỆP tiếp tục chi phối phân chia các chi để cho nó có những tính chất khác hẳn với anh chị em cuả nó. Ở đây luật Nghiệp Báo đã thò tay sắp xếp từng GENE cho đứa bé khi tinh trùng đã được kết hợp với tiểu noãn, một tâm thức tối sơ xuất hiện, lúc này đồng thời với cái chết thật sự ở thân cũ. Trước khi tinh trùng kết hợp với noãn mỗi bên đã có 23 cặp Nhiễm Sắc Thể chứa đựng các GENES, các phân tử DNA ấn định sự phát triển về sau các Nhiễm Sắc Thể đã tạo thành một vùng không gian tâm linh vô cùng nhỏ nơi GiAO TỬ (trứng hoặc tinh trùng), nhưng chưa đủ để gọi là tâm thức tối sơ. Tính chất tinh thần của tinh trùng hay tiểu noãn quá ít ỏi và đơn giản nên không đủ để định nghĩa đó là một người. Chỉ khi nào tiểu noãn và tinh trùng đã kết hợp năng lực tâm linh tại đó được nhân bội lên, vì đó đã được hình thành các GENES các đoạn phân tử DNA để ấn định sự phát triển của não bộ, lúc đó tâm thức tối sơ của một người mới thực sự hình thành, tâm thức này càng lúc càng phát triển phức tạp, dần dần theo sự phát triển của tế bào não. Ban đầu phôi trứng đã thụ tinh, dường như chỉ có một tâm thức tối sơ cao cấp hơn bản năng sinh tồn của một tế bào bình thường một chút, đến khi các tế bào phát triển theo hai cơ cấu thần kinh động vật và thực vật theo hai bán cầu theo các trung khu. Lúc đó tâm thức cũng phát triển theo hai cơ cấu Ý THỨC và VÔ THỨC. Qua hai tháng, não bộ đã phát triển hoàn chỉnh với 15 tỷ tế bào. Ý THỨC và VÔ THỨC đã dược thành lập xong, tuy nhiên não bộ vẫn hoạt động thầm lặng, đơn giản. Bào thai ngủ nhiều hơn thức, thỉnh thoảng bào thai cũng thức dậy vui đùa chút ít rồi lại chìm vào giấc ngủ say sưa. Nhưng nơi cái não bộ trinh trắng đó, thật đã mang đủ các mầm mống THIỆN ÁC phức tạp được Ý NGHIỆP đời trước tạo nên. Những tư tưởng đời trước đã qui định nhân cách, tính tình cho đời sau. Một số người nghĩ rằng nếu tư tưởng đời trước tạo ra tư tưởng đời sau, vậy phải chăng có một loại tâm thức nào đó không bị tiêu diệt theo cái chết, đã giữ nguyên các hạt giống tư tưởng của đời trước để nhập qua bào thai mới và như vậy người thông minh sẽ tiếp tục thông minh, kẻ ngu dốt sẽ tiếp tục ngu dốt. Thật ra, nghĩ như vậy cũng đúng nhưng chỉ một phần nhỏ thôi, tuy nhiên vấn đề không đơn giản như vậỵ. Bởi vì theo quan điểm của Phật Giáo đời sống của vạn loại không phải hiện hữu và chấm dứt trong một vài đời, mà là triền miên vô tận. Vì thế có thể một người đời trước là một bác học, nhưng ông luôn đố kỵ với những kẻ có tài vì sợ họ giỏi hơn mình, kiếp sau ông là một người ngu dốt. Có thể một người nông dân ít học, nhưng ông biết lo lắng việc học hành của con cái, thường hay phụ giúp xây cất trường học trong làng, kiếp sau ông là một người thông minh, học giỏi. Không có tâm thức nào rời thân cũ, nhập qua thai mới để mang theo các hạt giống tư tưởng cũ. Chỉ có luật NGHIỆP BÁO tự trong bản thể qui định tất cả. Nếu đời này chúng ta có được tư tưởng tốt lành, nhân cách đáng kính, chỉ bởi đời trước chúng ta thường xuyên ta thán một bậc thánh nào đó, hơn nữa chúng ta thường tâm nguyện cho đạt được sự cao cả của vị thánh nhân đó. Luật NGHIỆP BÁO sắp xếp tất cả mà không bị ngăn cách bởi không gian, vì trong bản thể tất cả vị trí đều chung một chỗ nhưng không lẫn lộn với nhau. Trong thế giới sinh vật, người ta quan sát thấy những hiện tượng biến dị không theo một truyền thống, ví dụ trong một bầy chim lông vàng lại xuất hiện con chim lông xám măc dù chúng cùng một sự di truyền từ cha mẹ. Những biến dị này, có nhiều nguyên nhân, hoặc do môi trường, nhiệt độ, hóa chất, tâm lý... Trong loài người cũng vậy, không phải hễ là anh chị em thì phải giống nhau, sự biến dị lạ lùng đã khiến cho anh chị em vẫn có sự khác về hình dáng, tài năng. Ở đây chính NGHIỆP RIÊNG đời trước đã đạo diễn nên sự sai khác này. Họ có duyên làm anh chị em với nhau nhưng vẫn cưu mang NGHIỆP RIÊNG BIỆT cuả mình từ vô lượng kiếp trước, rồi thêm nữa GENE không phải là đại biểu cho LUẬT NGHIỆP BÁO, nó cũng chỉ là một móc xích trong chuổi nhân quả mà thôi. Ví dụ một người bị dư một nhiễm sắc thể, 47 thay vì 46 như mọi người, nên mắc hội chứng đau. Người này ngu đần, yếu ớt, mặt mày biến dạng. Chính do NGHIỆP đời trước, nên trong quá trình tạo thành trứng hoặc tinh trùng của cha mẹ, một giao tử đã dư một Nhiễm Sắc Thể để dành tặng cho kẻ xấu số kia, đúng vào lúc trứng đó rụng, nó được thụ tinh và đứa bé ra đời với định mệnh khắc nghiệt. Vì là bệnh trong Nhiễm Sắc Thể nên rất khó chữa.  Biết đâu sau này do phúc của người bệnh đến lúc tốt đẹp, y học sẽ tìm ra một phương pháp bỏ bớt một Nhiễm Sắc Thể tai hại kia. Các nhà khoa học đang lần mò vào từng GENE để thay đổi số phận con người, những người bịnh do GENE tức là do NGHIỆP CỐ ÐỊNH, khó chuyển. Biết đâu đến khi đủ phúc, y học sẽ can thiệp vào GENE để chuyển NGHIỆP cho họ. Chỉ có một cái cố định là LUẬT NGHIỆP BÁO, một NGHIỆP chắc chắn sẽ có một quả báo, phần còn lại là do mỗi chúng ta tự chọn cho mình loại quả báo nào bằng cách gây NGHIỆP ra sao. Nếu muốn cuộc đời mình được nhiều tốt đẹp hãy cố gắng tạo nhiều nhân lành và gạn lọc tư tưởng của mình thường xuyên. Nếu NGHIỆP đã in dấu lên diện mạo của một người thì NGHIỆP cũng in dấu lên thời điểm ra đời của người đó.
B- Khoa Tử Vi
Khoa Tử Vi xuất hiện từ luận cứ này vào đầu nhà Tống, ngài Hi Di Trần Ðoàn đã khám phá ra phương pháp lập một Lá Số Tử Vi, dựa vào Ngày Giờ sinh của một người. Hơn một trăm ngôi sao, sắp xếp quanh 12 cung. Các Ngôi Sao đó phối hợp lẫn nhau để nói cái tính chất nào đó, nhưng kỳ thực chúng chỉ là một Ký Hiệu, một Mật Mã mà thôi (trong Thiên Văn Học không có tên những vì sao này). Sự phối hợp các mật mã đó mới làm thành một Câu Văn, một Ý Nghĩa đầy đủ. Ví dụ như trong  khoa Tử Vi nói rằng: Liêm Trinh, Tham Lang đóng tại Cung Tý. Hợi thì khó thoát khỏi được Hình Ngục, hoặc sao Ân Quang, Thiên Quý đóng tại cung Sửu Mùi thì Lừng Danh Thiên Hạ.
Các nhà Tử Vi chỉ chú trọng vào Quả Báo mà không để ý đến Nghiệp Nhân, chứ thật ra khi Quả Báo hiện diện tức là Nghiệp Nhân đã có mặt. Nếu Lá Số Tử Vi nói rằng người đó giàu có, thì có nghĩa rằng người đó đã từng bố thí rất nhiều trong quá khứ. Nếu Lá Số Tử Vi nói rằng người đó sẽ gặp thất bại thì nó cũng có những Ngôi Sao hay ký hiệu để nói lên rằng người này có tính xấu, ít kiên nhẫn, hẹp hòi v.v..
C- Phong Thủy
Một khoa thuật khác cũng được chú ý là khoa Ðịa Lý hay Phong Thủy. Trong lịch sử cổ đại Trung Hoa từng xuất hiện một phong tục, tập quán hết sức phổ biến, một tín ngưỡng có tính cách truyền thống, gắn liền với quan niệm cho rằng, việc chọn đất mai táng tổ tiên(âm trạch) Cũng như chọn đất làm nhà cho người sống(dương trạch), có quan hệ mật thiết với cuộc sống, tồn vong, họa phúc của con cháu và những người đang sống. Người ta thường nói:
- Táng Tiên Âm Hậu
Tức là:
- Chọn đất mai táng để tổ tiên phù hộ cho con cháu hưởng phúc lộc.
Tất cả hoạt động có liên quan đến việc chọn đất mai táng, hoặc đất làm nền nhà được người xưa gọi là Thuật Phong Thủy(Ðịa Lý). Phong Thủy với ý nghiã chỉ những hoạt động chọn đất mai táng, hoặc đất làm nền nhà cũng chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn về sau vào thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều(thuộc thế kỷ III, IV, V, VI) là giai đoạn thuyết Phong Thủy gắn liền với tên tuổi của Quách Phác và trước tác nổi tiếng do ông soạn là Táng Thư hoặc được gọi là Táng Kinh. Ở đời thượng cổ, vào các triều đại Hạ, Thương, Chu; người ta gọi các hoạt động Phong Thủy là Tướng Ðịa, Tướng Trạch với ý nghĩa bói quẻ để chọn đất cư trú hoặc đất mai táng.
Trong lịch sử ông Quách Phác đời Tấn là người đầu tiên giải thích khái niệm Phong Thủy và từ đó thuyết Phong Thủy trở nên cơ sở lý luận ổn định và phát triển. Trong Táng Thư, Quách Phác viết:
- Việc mai táng là để tích tụ Sinh Khí. Sinh Khí nhân gặp Gió thì tan đi, gặp Nước ngăn thì dừng lại. Ý cổ nhân muốn qui tụ Sinh Khí không cho nó tản đi, khiến cho nó phải dừng lại. Vì vậy gọi là thuật Phong Thủy. 
Nhưng Sinh Khí là gì? Sinh Khí theo sự giải thích của sách Lã Thị Xuân Thu là do Dương Khí thịnh mà phát tiết ra. Sinh Khí là cái nguyên tố đem lại sức sống cho mọi sinh vật, là cái khí làm cho mọi vật nẩy nở và sinh trưởng. Sinh Khí luôn tồn tại và vận hành trong lòng đất. Vì vậy, việc mai táng cũng phải đưa Sinh Khí trở về với hài cốt. Nơi tích tụ nhiều Sinh Khí là đất có Long Mạch. Ngôi đất chọn làm Âm Trạch (mai táng tổ tiên) hay Dương Trạch(nhà ở của người sống) được gọi là có nhiều Sinh Khí nếu phía sau nó dựa lưng vào ngọn núi cao, được gọi là Chủ Phong, bên trái có núi gọi là Thanh Long, bên phải có núi gọi là Bạch Hổ, hai núi này, đứng hộ vệ chầu về núi chính, tạo thành vòng tay che để chống những luồng Ác Phong (gió độc), bảo vệ cho Sinh Khí không bị gió xua tan. Phía trước Âm Trạch hay Dương Trạch cũng được một hòn núi nhỏ án ngữ gọi là Án Sơn... còn có rất nhiều những Thủ Pháp chuyên môn những bí quyết nhà nghề rất phong phú, phức tạp và nhiều khi Thần Bí nữa).
Nói một cách đơn giản về Phong Thủy, khi nhìn phong cảnh chung quanh một ngôi nhà, một ngôi mộ, Nhà Ðịa Lý có thể biết được vận hưng, suy cuả một gia đình, dòng họ đó, gắn liền với Sinh Khí, Long Mạch tốt hay xấu. Chúng ta chưa vội phủ nhận hiệu quả của Khoa Phong Thủy, chỉ cho rằng nếu quả thực việc táng mả hay làm nhà ở vị trí tốt, khiến cho con cái phát đạt thì nó cũng không nằm ngoài Luật Nghiệp Báo. Chỉ người có Phúc, có Âm Ðức, có Nghiệp Lành mới sinh vào gia đình được Âm Trạch tốt, Dương Trạch khá, còn những người khổ công tìm Ðất mà thiếu Thiện Nghiệp lại phải sinh qua dòng họ khác bỏ Khu Ðất tốt cho người khác hưởng hoặc giả, nhiều người thiếu Phước Ðức, có tìm được Long Mạch cũng kẻ khác có Tiền, có Thế Lực hơn chiếm mất. Trong sử,  không thiếu những chuyện cưỡng đoạt này. Chu Nguyên Chương(Minh Thái Tổ) sai dời Tường Sơn Tự để xây Hiến Lăng cho mình. Phụ thân vua Quang Tự nhà Thanh là Thuần Thân Vương cho xây lăng tẩm trên Pháp Vân Tự, ngôi chùa này có từ đời Ðường vốn Ðắc Ðịa và được nhiều Phật Tử sùng kính.
Cũng vì hiểu được điều này nên các nhà Ðịa Lý đã khuyên: TIÊN TÍCH PHÚC, NHI HẬU TẦM LONG (trước phải chứa PHÚC ÐỨC, sau mới tìm Long Mạch) hoặc:
- Phong thủy nhân gian bất khả vô
Toàn bằng âm chất lưỡng tương phò
Phú quí nhược tùng phong thủy đắc
Tái sinh Quách Phác giả nan đồ 
Phỏng dịch theo ý:       
- Phong thủy ở nhân gian chẳng phải là không có
Tất cả đều do Âm Ðức giúp
Nếu chỉ theo Phong Thủy mà mong được Phú Quí
Dù Quách Phác có sống lại thì ý đồ này cũng khó lắm.
Nói tóm lại NGHIỆP của mỗi người và của xã hội có liên quan đến Vạn Tượng, và quả thật nó biểu lộ ra bằng những dấu hiệu nào đó. Nhiều người đã để tâm và nghiên cứu các dấu hiệu này và thành hình những khoa thuật chuyên biệt như Tử Vi và Phong Thủy ..v..v... Ấn Ðộ và Trung Hoa là nơi có nhiều khoa thuật loại này hơn cả. Tuy nhiên nếu hiểu Nghiệp Báo rồi, chúng ta chỉ bình tâm Tu Dưỡng Ðạo Ðức và Tạo Nghiệp Lành, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp. Ðó là lý do tại sao trong Ðạo Phật không chú trọng đến các khoa thuật như trên mặc dù nó không phải hoàn toàn vô lý như một số người đã phủ nhận.
     
      Sách Tham Khảo:
            1-   Phật Giáo Nhìn Toàn Diện
            2-   Nghiệp Và Kết Quả
            3-   Văn Hóa Thần Bí
            4-   Tử Vi Ðẩu Số.
-- o0o --