-
Mùa Xuân An Lạc
-
Nhất Quán
-
--o0o--
-
-
-
Nói đến mùa Xuân ai cũng công nhận rằng đó là mùa của an vui
hạnh phúc và tươi đẹp. Nhưng ít ai biết được an vui, hạnh
phúc, tươi đẹp nó từ đâu tới? Từ ngoại cảnh như: Xã hội, bạn
bè... hay từ nội tại của chính mình?
-
Cùng một việc, nhưng có người thì cho đó là vui, cho đó là
hạnh phúc nhưng có người thì cho đó là không vui, không an
lạc. Như thế là tùy theo quan niệm và nhận thức của mọi người.
Ai cũng có quyền có một quan niệm riêng tư, cho dù là đúng hay
sai, tốt hay xấu, hay hay dở, thông minh hay không thông minh.
Nhưng nhìn chung, tâm lý người đời ai cũng thích vui, vì thế
khi nghe nói chỗ nầy có tiệc có đám, có ca nhạc thì ai cũng
thích, trong lòng ai cũng mến mộ. Nhưng khi nói đến khổ, khó
nhọc thì ai cũng e dè sợ hãi. Chúng ta lần lượt tham khảo từng
quan niệm một như sau:
-
A- Cái Vui & Sự Ðau Khổ Của Nhân Thế.
-
-
Thế sự đua nhau nói khổ vui
-
Cái chi là khổ cái chi vui?
-
Vui trong tham dục vui rồi khổ
-
Khổ để tu hành khổ hóa vui.
-
Trước hết một vài quan niệm mà thế gian cho rằng vui
-
1- Nghiện Ngập
-
Người đời thường có câu là:
-
-
Nam
vô tửu như kỳ vô phong
-
Có nghĩa là:
-
-
Người con trai mà không biết uống rượu, thì giống như cờ mà
không có gió, thì không thể nào bay được.
-
Quan niệm như thế đã dẫn đến một kết quả hết sức tai hại, nhất
là cho tuổi trẻ. Bởi vì tuổi trẻ tánh tình hiếu thắng, nên lúc
nào cũng tỏ vẻ ta đây là người hiểu nhiều biết rộng, nhất là
về phương diện ăn chơi. Nhiều cô thiếu nữ đến với những người
con trai không biết hút thuốc không biết uống rượu, không biết
cờ bạc thì cho đó là cù lần lửa. Trong khi đi với một người
con trai biết ăn chơi bài bạc thì cảm thấy mình hãnh diện với
bạn bè là đối tượng mà mình đang có mới thật sự mẫu người con
trai lý tưởng. Thế là họ không từ bất cứ một cuộc chơi đam mê
nào mà họ không thử. Nhất là họ luôn tìm đến với cảm giác mới
lạ cả hai phương diện tinh thần và thể xác. Về Tinh thần thì
họ rong chơi hết nơi nầy đến nơi nọ, về thân xác thì lại lao
đầu vào việc ăn chơi hút sách. Về việc hút sách, có thể nói
lúc đầu chỉ vì mua vui vài ba điếu, nhưng lâu thì thành thói
quen. Cũng có người buồn việc mình lo việc nhà thì lại tìm vui
trong cảm giác thần tiên:
-
-
Lấy gì làm thú giải phiền
-
Cái xe cái lọ ngọn đèn cái tiêm.
-
Khi đã quen rồi thì các cô các cậu kia cứ thế mà không thể nào
dừng được. Nếu là những thương gia thì họ luôn nằm bên bàn đèn
cho tỉnh thức để suy tính lợi hại, lâu rồi cũng thành lệ. Còn
hạng người trụy lạc thì mài miệt truy hoan, hút chơi cho giã
rượu. Những người lao động thì kiếm vài điếu cho bớt mõi để
hôm sau làm việc. Những bậc trí thức đa sầu đa cảm, ngán cảnh
ồn ào náo nhiệt, thì tìm về với cảnh u tịch, quây quần đôi ba
bạn bên khay đèn để giải mối tâm tư, bàn vài ba câu triết lý.
Có những nhà văn viết suốt đêm bên khay đèn, rồi bỏ dọc tẩu
xuống lim dim ngũ gà ngũ vịt thả giàn tư tưởng trong làn khói
thơm, rồi choàng dậy viết. Bạn bè cho rằng không có thuốc
phiện thì viết bài không được, chửi đời không hay, không thể
nào trở thành nhà văn... rồi cứ thế mà người đời mua dây buộc
mình. Những suy tư sai lầm đó dẫn tới hậu quả là tổn hao sức
khỏe, lâu ngày thành bệnh, sống dở chết dở. Như thế điều mà họ
tưởng là vui có lợi ích, thì rốt cuộc lại thua thiệt đau khổ.
Bởi thế cụ Phan Kế Bính có bài văn tế thuốc phiện như sau:
-
-
Kìa nhửng kẻ buôn hương bán phấn
-
Nhờ ôm hương mà dụ khách phồn hoa
-
Bao nhiêu người kể lợi thương công
-
Mượn tỉnh thức để tiện khi tính sổ.
-
Chốn quyền môn quý khách càng chen
-
Ðoàn vũ nữ ca nhi cũng mộ
-
Cũng có kẻ giận công danh trắc trở
-
Bạn cùng người cho khuây nợ tang bồng
-
Lại có người buồn quê quán xa xôi
-
Chơi cùng người cho khuây niềm vân thụ...
-
Vui anh em một khi một điếu
-
Nếm mùi đời cho đủ thứ mà chơi
-
Nào ngờ phút bén phút quen
-
Giục lòng khách đến cơn lại nhớ
-
Ho hen ngáp vặt mặt mũi lừ đừ
-
Mũi xổ dạ đau tay chân buồn bã
-
Gái thuyền quyên nên mặt bủng da chì
-
Trai tráng sĩ cũng xo vai rụt cổ.
-
Những tưởng mua vui, những tưởng đó là nguồn an ủi cho những
lúc ưu phiền, là nguồn cảm hứng cho thơ văn, nhưng ai đâu ngờ
mua vui kiểu nầy chẳng khác nào tự tử bằng loại thuốc chết
chậm, làm cho con người chết dần chết mòn lúc nào mà không
hay.
-
2- Tửu Sắc
-
Có những người buông lung chạy theo sắc dục cho đó làm vui,
trường hợp nầy chúng ta cũng thường thấy ở các triều đại vua
chúa như. Vua Trụ lấy tửu sắc là vui, kết quả thì mất nước
trong tay Ðắc Kỷ. Vua U Vương thì mất nước vì một tay Bao Tỷ.
Vua Lê Long Ðĩnh cũng vì vui với sắc dục mà trở thành một ông
vua Ngoạ Triều, và cuối cùng cũng mất nước vì sắc. Ngày nay
cũng có những cậu thanh niên, cũng vì đam mê tửu sắc nên cơ
thể bệnh hoạn, đau khổ về tinh thần. Ðã vậy họ không chịu dừng
lại trong việc tạo nghiệp, mà còn sanh tâm đố kỵ với người
khác bằng cách là reo rắc những bệnh truyền nhiễm đến những
người lành mạnh khác. Trường hợp có những cô ra đường được các
cậu tán tỉnh chìu chuộng, thì thấy đó mà cho rằng người đó sẽ
là người đem lại hạnh phúc cho mình, nên về nhà ly dị chồng.
Có những cậu thanh niên ra đường được các cô săn đón chìu
chuộng thì cho rằng người con gái đó tốt hơn vợ mình và cuối
cùng chia tay với vợ. Họ tưởng thay đổi như vậy là sẽ vui hơn,
nhưng không ngờ mỗi lần thay đổi là mỗi lần đau khổ. Bởi vì
điều chắc chắc khi một người bị tình phụ hoặc một người phụ
tình, cuối cùng ai cũng có những giây phát trầm tư nghĩ lại.
Nghĩ lại ngày xưa tình cũ, rồi thì ân hận đau khổ. Không những
chính bản thân họ đau khổ, mà con cái của họ cũng bơ vơ đau
khổ vì thiếu tình thương của cha hoặc mẹ. Vì suy tư sai lầm
hoặc vì niềm vui ích kỷ đó mà khổ lây đến người khác.
-
3- Ăn Ðể Mà Sống Hay Sống Ðể Mà Ăn
-
Ăn để mà sống thì không nói chắc chắn ai cũng biết, những món
ăn đó sẽ rất đơn giản không cầu kỳ, phung phí như chư tổ đã
dạy:
-
-
Cơm rau đở dạ đói
-
Lều cỏ che gió sương
-
Người đời ai biết được
-
Phiền não chẳng còn vương.
-
Còn sống để mà ăn thì khác, họ mua vui những món ăn bằng cách
kén chọn những món ăn cầu kỳ và có đôi khi trở thành tàn nhẫn.
Trong các loại món ăn được coi là tàn nhẫn tiêu biểu như món
ăn cá sống. Có một số nhà hàng vì chìu khách hàng muốn ăn
những con cá còn sống vì họ nghĩ rằng máu còn tươi sẽ nhiều
chất bổ dưỡng, nên họ bắt những con cá còn sống, lóc thịt ăn
sống trong khi con cá còn dãy dụa. Hoặc có những nhà hàng có
món ăn óc khỉ, trong khi khỉ còn sống mà người ta dùng dao vạt
một phần sọ và cứ thế múc óc khỉ mà ăn mặc dù con khỉ ấy dãy
dụa đau đớn như thế nào họ cũng không màng tới, họ chỉ biết
làm cho thỏa mãn những sở thích của mình là được. Thử hỏi giữa
cơm hẩm, canh rau với trân hào, hải vị một khi đã ăn qua khỏi
cổ thì cảm giác no đủ cũng như nhau không có gì khác lạ
-
-
Ăn uống người đời ngày tháng dài
-
Dở ngon tùy phận miễn no thôi
-
Hỏi trôi qua cổ thành chi đó
-
Chẳng để lòng ta xét thử coi.
-
Ấy vậy mà người đời không biết rằng trong những phút vui chơi
cho thích miệng mà đã tạo nhân bệnh hoạn và chết yểu cho chính
bản thân, lại còn gây đau khổ cho người khác nữa.
-
4- Bài Bạc Là Bác Thằng Bần
-
Có những người vì buồn phiền vợ con hoặc chồng con mà đắm mình
trong những sòng bài bạc. Trong những cuộc chơi đen đỏ như vậy
phần nhiều là thất bại, mỗi lần thất bại thì về nhà làm khổ vợ
con, có khi còn lén lấy tiền để dành dụm của vợ con để đi chơi
bạc. Có những người đi chơi ở Las Vegas truớc khi vào sòng bạc
phải dấu một ít tiến để đổ xăng mà về, vì họ đã biết sau một
hồi đen đỏ sẽ thua hết. Thậm chí còn những người mới lãnh
lương hôm nay, qua ngày hôm sau vào sở phải mượn tiền của bè
bạn để ăn sáng vì đã hiến tặng hết cho sòng bạc. Những người
thích cờ bạc thì cho niềm vui, còn những người không có máu cờ
bạc thì thấy đó là khổ. Ðúng là:
-
- Biển trần lai láng
-
Sóng nghiệp lao xao
-
Người mê man trong giấc chiêm bao
-
Mấy ai tỉnh tu hành trong lý diệu.
-
Nói tóm lại, người đời tìm cái vui nhưng lại đem
cái khổ đến cho chính bản thân mình và cho chúng sanh, những
mãi phóng tâm buông lung theo dục lạc, đam mê nơi danh lợi,
phù phiếm xa hoa mà phải khổ lụy để ngàn đời ân hận:
-
- Thiên dường hữu lộ vô nhân đáo
-
Ðịa ngục vô môn hữu khách tầm.
-
Nghĩa là:
-
- Thiên đường có cửa không người đi
-
Ðịa ngục không cửa lại tìm đến
-
B- Cái Vui & Sự An Lạc Của Những Người Tỉnh Thức.
-
1- Chọn Hướng Ði
-
Như trên là quan niệm vui chơi của thế gian. Còn đối với người
biết tu thân, muốn cho cái khổ đừng đến, muốn cho cái vui còn
mãi thì phải có một hướng đi, và một quan niệm sống thật vững
chãi. Ðó là điều rất cần thiết trong cuộc sống:
-
-
Nếu biết có vui thời có khổ
-
Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui
-
Mong sao giữ mãi đừng vui khổ
-
Mới thoát ra ngoài lối khổ vui.
-
Trước hết là phải trách xa những nơi rượu chè, cờ bạc, hút
sách. Kế đến là tập ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, ngồi thiền,
làm lành tránh dữ, bố thí, trì giới, bớt đi sự ham muốn quá
độ. Ðó là niềm vui của người tỉnh thức.
-
2- Phương Pháp Ðối Trị
-
Ðối với một người một khi đã lâm vào hoàn cảnh tứ đỗ tường mà
muốn quay đầu lại mới nghe qua dường như khó thực hiện. Tuy
nhiên trên đời không có việc gì khó chỉ sợ lòng ta không bền
mà thôi. Theo quan niệm sống của Phật Giáo, muốn chế ngự sự
phóng túng buông lung thì chỉ có một pháp duy nhất là phải
thực tập: Hiện Trú Lạc Pháp. Hiện Trú Lạc Pháp là phương pháp
an trú trong hiện tại, pháp nầy sẽ làm cho ta an lạc trong
hiện tại. Muốn có an lạc trong cuộc sống hiện tại hành giả
phải ý thức được sự nguy hiểm của sắc, thanh, hương, vị, xúc
mà kiểm soát tâm mình, theo thuật ngữ của Thiền thì gọi là
chỉ. Chỉ có nghĩa là dừng lại sự tán loạn, dừng lại sự đam mê
cái vui giả tạo, dừng lại sự quên lãng... Như vậy chỉ đưa tới
định. Khi tâm ý đã được tập trung vào đối tượng, hành giả quán
chiếu đối tượng đó để thấy được thực tánh của đối tượng. Quán
chiếu cho bền bĩ và cho sâu xa, hành giả sẽ thấy được bản chất
đích thực của đối tượng quan sát. Cái thấy nầy là tuệ. Tuệ là
sự hiểu biết, là cái thấy chính xác về sự vật thì ta sẽ được
trạng thái an lạc. Nếu không đạt được trạng thái an lạc thì
chúng ta sẽ không thể nào tiến xa hơn nữa trong lãnh vực thiền
quán. Trạng thái an lạc là một cảm thọ, có ba loại:
-
- Cảm thọ dễ chịu
-
- Cảm thọ khó chịu
-
- Cảm thọ không dễ chịu và không khó chịu.
-
Tính chất của cảm thọ tùy thuộc khá nhiều vào nhận
thức của ta. Có người cho sự ngồi không là dễ chịu, có người
lại cho sự làm việc là dễ chịu. Có người cho sự im lặng là dễ
chịu, có người lại cho sự ồn ào náo nhiệt là dễ chịu.. có
người cho sự ăn chay là xót ruột, có người cho sự ăn chay là
dễ chịu. Hút thuốc có thể là dễ chịu với người nầy, nhưng lại
khó chịu với người khác. Những cảm thọ dễ chịu nhất thời như
những cảm thọ do rượu mạnh, và thuốc phiện gây ra có thể đưa
tới những cảm tho khó chịu và giai dẳng về sau như đã trình
bày ở trên. Vì thế trong thiền quán, hành giả phải tập nhìn và
thấy được bản chất của từng cảm thọ. Những cảm thọ không khó
chịu, cũng không dễ chịu thực ra có thể được nhận thức như là
lạc thọ. Khi bị ghiền thuốc phiện ta mới thấy không bị ghiền
thuốc phiện là một cảm giác dễ chịu. Nhưng khi cai được thuốc
phiện ta mới nhận thức được không ghiền thuốc phiện là một xả
thọ. Khi vướng vào tình trạng bài bạc, đen đỏ khổ đau thì ta
mới thấy giá trị của không cờ bạc là cao quý, nhưng khi đã bỏ
được tánh cờ bạc thì ta mới nhận thức được không cờ bạc là lạc
thọ. Vì vậy công trình quán chiếu đầu tiên của thiền giả là
biến những xả thọ của ta thành lạc thọ. Một con người đoạn
diệt được những nhiễm trước theo dục lạc, đoạn diệt được những
mầm lôi cuốn trong sáu nẽo luân hồi, có thể tu khổ hạnh: Ăn
mặc đơn sơ, không biết hưởng thụ, chịu khổ, biết làm cho tâm
hồn mình thanh tịnh như thế thì có thể xa tránh được những nơi
ồn ào náo nhiệt thì thành tựu trong Hiện Trú Lạc Pháp.
-
3- Lập Hạnh Tiến Tu
-
Ði bộ trong một công viên tươi mát, hay ngắm một con bướm đang
đậu trên cành hoa thiu thiu ngủ mà lòng ta không an lạc, và
không thấy được tính cách mầu nhiệm của vạn hữu, thì đó là ta
đang bị vướng bận vào hoặc quá khứ, hoặc tương lai, hoặc những
bực bội trong hiện tại. Nếu trong tình trạng tâm tình không an
thì thiền giả phải gia công thêm giống như Kinh Pháp Hoa diễn
tả hình ảnh một người khát nước đào giếng ở trên cao nguyên.
Người khát nước hay hình ảnh của chúng ta đau khổ trong việc
đam mê theo năm món dục, trong đồng hoang sanh tử, đi tìm đạo
chẳng khác gì người tìm nước trong giữa sa mạc, ắt hẳn không
phải là việc đơn giản. Ðứng trên vùng đất khô cao đào tìm nước
tất nhiên khó quá, nhưng hành giả phải ra sức đào qua lớp đất
cứng, đến lớp đất mềm, khác nào chúng ta hạ quyết tâm tìm đạo
không biết mõi mệt, niềm tin chúng ta đạt đến đỉnh cao, vượt
qua những tầm thường trong cuộc đời sẽ thấy được phi thường
hiện hữu ở phía sau. Ngược lại, chúng ta đào một lúc thấy đất
cứng quá rồi buông bỏ giống như người loay hoay tìm kiếm sự
giải thoát trong thế gian không gặp bạn ác thì cũng gặp bạn
tạo nghiệp, vì vậy hành giả phải ra công đào không thôi. Từ
khô cháy nóng bỏng cổ họng, trong đồng hoang sanh tử mà gặp
được bậc chân tu La Hán nào đó chúng ta cũng mát lòng như
người đào giếng tìm gặp đất ước. Chúng ta tiếp tục ra công đào
sâu nữa sẽ gặp bùn, chưa phải nước nghĩa là sẽ gặp Bích Chi
Phật. Trong bùn nước bắt đầu rỉ, nói khác chân lý bắt đầu xuất
hiện. Bích Chi Phật chỉ cho chúng ta thấy, giải thích cho
chúng ta hiểu, từ đó về sau lộ trình tu hành của hành giả nhẹ
nhàng hơn, hành giả chịu cực đào sâu xuống thêm một chút sẽ có
nước trong hay gặp Bồ Tát mọi vấn đề tự nhiên giải quyết khỏi
thắc mắc, buồn phiền, khỏi làm những việc vô lý.
-
Muốn biết chúng ta thọ trì đúng hay sai pháp, hãy xem cuộc
sống hằng ngày của chúng ta sẽ biết. Khi ý thức bừng nở, biết
dứt hẳn hoặc hạn chế những tham cầu dục lạc, và cứ thế mà thọ
trì rồi đời sống của hành giả mỗi ngày thăng tiến hơn, cuộc
sống giải thoát hơn, được Phật hộ niệm, thiện thần che chở. Dù
hoàn cảnh nào cũng yên ổn, và thường xuyên liên hệ với Phật,
Bồ Tát trong cảnh giới nhiệm mầu của chư Phật. Ðó cũng mới chỉ
là công đức của người đang đi tìm đạo, chưa phải là Bồ Tát.
-
Muốn nối gót chư Phật mười phương để sống cuộc đời an vui,
hành giã phải tiến thêm một bước nữa, đó là xét lại tư thế của
mình có đủ như chư phật hay không, chúng ta có tạo dòng suối
mát cho nhân gian chưa, và vắt đất ra nước để làm mát lòng
người chưa. Chúng ta tự hỏi lòng mình trên quá trình tu học,
lòng từ bi của ta tới vị trí nào, còn ở đất khô, hay đất ướt,
đất bùn hay đã gặp nước. Nếu trong quá trình tu học có người
chỉ trích đó là vì tình thương của chúng ta đối với người nầy
chưa trọn vẹn. Vì vậy điều kiện tiên quyết chúng ta phải tăng
trưởng tâm Từ Bi. Lòng Từ Bi hóa giải tâm ác của tha nhân. Do
đó người tu học sẽ không bao giờ gặp tai nạn, vì với lòng từ
luôn phải nghĩ cách làm cho tha nhân vui sướng, không làm họ
bớt vui huống chi làm cho họ khổ. Từ tâm thật sự trải rộng như
Ðức Như Lai thì muôn thú còn tìm đến dâng cúng huống gì là
nhân thiên. Tăng trưởng lòng từ bi đến cao độ bằng Chư Phật
mới chính thức vào nhà Như Lai. Tâm từ và tâm bi của hành giả
phải được nuôi dưỡng và an trú liên tục trong Phật Ðạo. Nếu
trên bước đường tu hành, đột nhiên ta thấy một người ác, hoặc
một người không bằng lòng hiện ra trong cuộc đời, hay tiềm
thức hành giả nhận biết ngay mình đã đánh mất tâm từ bi, Ðức
Phật dạy chúng ta phải thúc liễm sơ tâm, giữ cho tâm lúc nào
cũng tốt đẹp dũng mãnh như tâm ban đầu. Chúng ta đừng dại khờ
đánh mất tâm thanh tịnh ban đầu sẽ bị bùn nhơ chúng sanh đổ
trút lên chôn vùi ta.
-
Khi Ðức Phật chưa thành đạo, Ngài mặc áo nghiệp như chúng ta,
nhưng trải qua quá trình năm năm tìm đạo, sáu năm khổ hạnh đến
Bồ Ðề Ðạo Tràng đêm mùng 8 tháng chạp kết thành áo Như Lai, đó
là chiếc y vô hình phủ trên Ngài. Từ đó suốt 49 năm giáo hóa
độ sanh, tâm hồn thanh thản, trí huệ sáng suốt, việc làm thánh
thiện của Ngài hoàn toàn siêu tuyệt. Các đệ tử cảm nhận được
Ðức Phật cởi bỏ chuổi anh lạc nghĩa là rời bỏ cõi thanh tịnh
mang thân phàm phu mặc áo thô rách là áo ngủ ấm như chúng ta
và từ ngủ ấm thân nầy chuyển thành Phật thân hay mặc áo Như
Lai. Thể xác giả tạm nầy thường được Ðức Phật xem là áo che
chở Pháp thân bên trong. Nếu không có sanh thân, Phật không
thuyết pháp độ sanh được. Ðối với Ðức Phật, áo mục Ngài thay
áo khác nghĩa là thấy cần diệt độ Ngài sẳn sàng bỏ nó thay
bằng thân khác tức tùy yêu cầu của chúng sanh cần lọai hình
nào Ngài hiện thân đó.
-
Ðiều kiện tiên quyết thứ hai, hành giả cần trang bị cho mình
sức kham nhẫn chịu đựng. Có một số người nghĩ đơn giản rằng ta
chỉ nhịn đối phương, mọi việc sẽ êm. Trước hết cần xác định
nhẫn nhục không phải là sự gắng nhịn nhục. Bằng nghiệp thức
con người hiểu biết phân biệt chịu nhịn, hành giã đang tu nhẫn
nhục của thế nhân, không phải nhẫn nhục pháp của Bồ Tát, của
Như Lai. Riêng chúng sanh trong ngục Vô Gián chịu đựng ngày
nầy qua tháng nọ nhưng không bao giờ thành Phật, càng chịu
đựng chúng càng đau khổ sân hận vậy. Chúng ta cần hiểu rằng
nhẫn nhục của Bồ Tát làm thế nào kẻ ác không còn phá rối ta
nữa, hành giả phải trừ tận gốc vì nhịn hoài nó kiếm chuyện
hoài, khi không nhịn nổi ta bung ra tâm ác và thái độ đối phó
dữ hơn. Pháp nhẫn Phật dạy thuộc giới tánh có công năng đọan
sạch chướng ngại cho hành giả. Pháp nhẫn được khai triển thành
ba:
-
-
Chúng Sanh Nhẫn,
-
-
Pháp Nhẫn,
-
-
Ðại Nhẫn
-
Hội đủ ba pháp nhẫn nầy mới hình thành Nhẫn Nhục Ba La Mật.
Chuyện đời đôi khi làm cho ta đau lòng, nhưng tu theo giáo
pháp Như Lai rồi hành giả thản nhiên trước mọi sự kiện. Khoác
áo giáp nhẫn của Như Lai, hành giả bình ổn lạ thường, không có
đối phó, dù là đối phó bằng cách nhịn. Sự nhẫn nhục do công
phu thực tập thọ trì sanh ra, bộc phát tự đáy lòng là nhẫn lực
tự nhiên phát ra ngôn ngữ nhu hòa thoa dịu lòng tha nhân. Ðức
Phật hiện thân trên thế giới Ta Bà Ngài biết rõ căn tánh hành
nghiệp chúng sanh như thế nào nên Ngài thực hiện pháp hành xứ
giáo hóa chúng sanh không chướng ngại. Bồ Tát hành đạo cũng
vậy, dùng vô số phương tiện điều phục chúng sanh cang cường,
các ngài tu pháp nhường nhịn chúng sanh để không chạm tự ái
của chúng và theo dõi nghiệp ác, suy nghĩ, ham muốn của chúng
sanh lần sửa đổi phát huy tri thức và đạo đức cho chúng tốt
hơn. Ðức Phật dạy hành giả phải nhẫn nhục vì tu là hiện thân
con người thánh thiện ắt phải gặp đối nghịch với người ác,
việc tốt hành giả làm nhất định phải gặp tác hại cho người
xấu. Thật vậy, khi có hai hình chúng ta dễ so sánh, cái xấu
hiện rõ vì có điều tốt, hình ác hiện rõ vì có hình thánh
thiện. Phật tiêu biểu cho ánh sáng và ma tiêu biểu cho bóng
đêm, ánh sáng xuất hiện thì bóng tối phải tan biến. Ở Ta Bà
luôn luôn tồn tại hai mặt đối nghịch, hành giả quán sát rõ như
vậy, khởi tâm từ cứu người ác nghịch, sẳn sàng gánh chịu những
kỳ quặc tệ xấu của họ, tuy Ðức Phật trong tự tâm của họ nhỏ
chỉ một điểm tâm thôi, hành giả cũng cố gắng tìm điểm dễ
thương nhất, tìm điểm tốt nhất của họ để từ đó cứu giúp, nuôi
dưỡng điểm thiện nhỏ nhất của họ cho phát triển.
-
Với trí tuệ chỉ đạo, Bồ Tát nhẫn nhục dễ dàng nhàn hạ. Bồ Tát
càng nhẫn công đức càng tăng và quyến thuộc càng đông hơn.
Ðiển hình như Thường Bất Khinh Bồ Tát thực hiện hạnh nhẫn nhục
cao độ với những người Tăng Thượng Mạn, sau nầy họ đều trở
thành quyến thuộc của Ngài với đầy đủ ba thành phần Tỳ Kheo,
Tỳ Kheo Ni, Cư Sĩ, Bồ Tát. Thực hành pháp nhẫn điều chỉnh tha
nhân đến khi tầm nhìn của tha nhân và Bồ Tát giống nhau, họ
không cần nghe Bồ Tát, nhưng Bồ Tát và người được giáo hóa đã
thành một, bấy giờ Bồ Tát đã thành tựu pháp chúng sanh nhẫn.
-
Tất cả pháp thuộc chúng hữu hình, vô hình, hữu vi, vô vi được
hành giả quán sát cùng tột ngọn nguồn và biến chuyển của nó để
cải thiện chíng bản thân mình, và cũng là để phục vụ lợi lạc
cho chúng sanh. Ðầu tiên hành giả phải đối phó với pháp hữu
hình hữu vi, thực tế là cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc men, cũng
như tất cả những thứ đam mê của thế gian như đã trình bày ở
trên chúng ta cần phải giải quyết trước, hành giả tự khắc
phục, tập bỏ ăn ngon chỉ ăn no, tiến đến ăn vừa đủ dể duy trì
sự sống bình thường vì chúng ta ý thức rõ ba việc ăn, mặc ở
ràng buộc suốt cuộc đời mình nên hành giả tự hạn chế, bớt lệ
thuộc chúng, dành thì giờ, trí khôn, sức khỏe cho việc tiến
tu. Ðến khi thành tựu pháp nhẫn tất cả pháp vô tình, vô vi nói
chung hành giả vận dụng được mọi người, mọi loài trong pháp
giới theo ý muốn, điều động thiên nhiên tự tại, chẳng những
hoàn cảnh thiên nhiên không chi phối bứt ngặt hành giả, ngược
lại hành giả chuyển vật cung ứng phục vụ cho mình và tha
nhân.
-
C- Kết Luận
-
Như vậy muốn thành tựu Hiện Trú Lạc Pháp để tìm về với niềm
vui vĩnh cữu, Thiền Giả phải quán chiếu những cảm thọ đang có
mặt trong ta để nhìn thấy được bản chất và nguyên do xa gần
của chúng, đó cũng là công việc thiền tập nhắm cởi mở những
sợi giây ràng buộc lôi kéo chúng ta vào con đường đam mê trụy
lạc, đã không cho ta thấy được sự tươi mát của công viên, sự
an ổn của con bướm đang thiu thiu ngủ, trong tính chất nhiệm
mầu của chúng. Khi nhận được những sự mầu nhiệm của chúng thì
ta có thể mĩm cười trước những thị phi của thiên hạ, không làm
mích lòng ai, gặp ai mình cũng cười.... đó là cả một nguồn an
lạc đáng kể để làm hành trang cho thiền giả lên đường để trở
vể quê hương pháp thân, nơi đó sẽ không còn có khổ đau và luân
hồi sanh tử, lúc đó là chúng ta đã trở về vơi cái vui chân
thật thường hằng bất biến. Ðó chính là cái mà chúng ta phải đi
tìm: Một mùa xuân không phải chờ đợi xuân qua, hạ lại, thu
mãn, đông tàn mới đến xuân, mà là Mùa Xuân Trường Tồn Miên
Viễn:
-
-
Xuân trời đất xuân hôm nay mới đến
-
Xuân trong tôi xuân đã đến lâu rồi.
-
-
Tài Liệu Tham Khảo
-
-
An trú Trong Hiện Tại
-
-
Ðường Xưa Mây Trắng.
-
-
Phật Học Tinh Hoa.
|