Tết & Văn Học Nhân Gian Việt Nam
Bạch Y Thư Sinh
--o0o--
 
Nhìn chung mỗi quốc gia trên thế giới đều có những phong tục, tập quán, và những thú vui tiêu khiển riêng biệt vào những ngày lễ hội, và ngày Tết. Việt Nam ta cũng không ngoài thông lệ đó. Những thú vui nầy tùy theo từng lứa tuổi, từng hạng người thích hợp với thú vui riêng biệt. Nhưng mỗi lứa tuổi lại tùy thuộc vào phái nam hay nữ mà có những thú giải trí khác nhau. Như một em bé gái thích đánh chuyền, trong khi các em bé trai lại thích đá cầu. Các thiếu nữ 14, 15 tuổi thích chơi nhảy dây trong khi các cậu bé trai cũng lứa tuổi nầy lại thích thả diều đánh dáo, đá dế, hay đánh bầu cua cá gà. Trong số các bà các ông đứng tuổi, cũng ưa chơi những thú vui khác nhau, ngay cả đến cùng có một khuynh hướng giải trí giống nhau khi mua vui vẫn có sự khác biệt. Như vào lứa tuổi người lớn, những người có máu đỏ đen thì các bà lại ưa đánh chắn, đánh tứ sắc, còn các ông lại ưa đánh sóc dĩa, xì phé .... Hay những người thường thích tổ tôm, các bà chỉ chôi tổ tôm bàn, các ông lại ưa chơi tổ tôm điểm. Các cụ già cũng vậy, nếu có các cụ ông giết thì giờ qua những cuộc cờ tướng, thì cũng có những vị thích thơ phú ngâm vịnh, trong khi đó cũng có các bà lại ưa đi chùa lễ Phật, coi việc tụng kinh cầu nguyện là thú của tuổi già. Có những thú chơi riêng thích ứng cho từng phái, nhưng cũng có những thú chơi thích ứng cả nam lẫn nữ. Tiêu biểu những thú vui thích hợp cho cả hai phái đó là: Hát Dặm Nghệ Tĩnh, Hò Quan Họ với nhiều giọng điệu, Hát Ru, Ðối Ðáp, Hò Cấy Lúa.... Ngoài ra trong mấy ngày Tết đó luôn luôn có ca nhạc, đàn hát... Nền văn chương và Ca Nhạc Nhân Gian cũng phát sinh từ đó. Nền Văn Học nầy phát sinh càng mạnh thì các hội Xuân càng tấp nập và phong phú, đa dạng đầy sinh khí. Trong nền Văn Chương và Ca Nhạc Nhân Gian đó không phân biệt già trẻ trai gái, giàu nghèo sang hèn... Nhưng chủ yếu vẫn là lớp tuổi thanh xuân trai gái trong làng và những vùng phụ cận. Ðặc biệt vào những dịp Tết số thanh niên nam nữ tham dự càng đông, thì các cuộc hò hát càng sôi nổi. Có thể đây là yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho trai gái trong làng làm quen với nhau, từ đó nẩy sinh tình cảm rồi dẫn tới việc cưới hỏi nhau. Trong khi hát không nhất thiết là trai hay gái chủ động, bên nào cũng được, miễn có người bắt trước thì sẽ có người tiếp theo sau, và cứ như thế tiếp tục cho đến khi đêm tàn đèn tắt:
- Một đàn cò trắng ba tung
Bên nam bên nữ ta cùng hát lên
Hát cho tiếng hát linh đình
Cho lăn lóc đá, cho rung rinh trời  
Cất lên một tiếng linh đình
Cho loan sánh phượng cho mình sánh ta
Cất lên tiếng hát la đà
Ðàn ông hát trước đàn bà hát sau.
Vì biết chắc rằng trong những lúc hát ngoài việc tạo sinh khí vui vẻ trong ba ngày Tết, còn là cơ hội để trai gái trong làng có dịp quen nhau. Với sự khiêu khích đó các chàng trai trẻ cũng đã sẳn sàng đáp lại. Rất có thể những điệu hát bày tỏ sự hùng tráng của người con trai đang độ xuân thì, cũng có thể là những điệu hát mê ly, không chỉ làm mê các cô chưa có gia đình, có khi những người đã có chồng vì mê điệu hát câu hò cũng có thể bỏ chồng mà theo. Ngay cả các ông cụ đã một thời oanh liệt cũng sống dậy tuổi thanh xuân:
- Hát cho chó cắn bò lồng
Hát cho con gái bỏ chồng mà theo
Hát cho gà gáy chim kêu
Hát cho ông lão trong lều bò ra.
Ngoài việc hát để cho vui trong dịp Xuân về, đây cũng là nhịp cầu cảm thông giữa trai gái trong làng với nhau, cho nên cả hai bên ai cũng cần giữ thể diện. Nghĩa là ai cũng muốn bên mình có những điệu hát câu hò hay hơn đối phuơng, có đôi khi các cô cũng trịch thượng tự tin lắm:
- Ðối địch thì dịch lại dây
Bên thừng bên chão, xem dây nào bền
Nhất bền là dây bồ nâu
Chị còn giật đứt huống hồ các em.
Nhưng phái nam cũng đâu phải là tay mơ, việc châm chọc ai cũng biết, nhưng còn tùy thuộc vào sự tế nhị của mỗi người. Nếu có lúc các cô biết thách thức để biểu diễn lực lượng của mình, thì các chàng trai trẻ cũng đâu phải là hạng tầm thường:
- Cô kia mà hát ghẹo ai
Cái mồm méo xẹo như quai chèo đò. 
Tới đây anh nắn lại cho
Ngày mai chèo đò để đón đưa anh.
Có xấu cũng mang tiếng phái đẹp, thế mà các anh chàng trẻ kia không biết thương hương tiếc ngọc, còn coi thường, khinh bỉ, coi như là người nô lệ không bằng, thế thì làm sao các cô không tức giận, và rồi:
- Thân chị như hoa gạo trên cây
Chúng em như đám cỏ may bên đường
Thân chị như cái sập vàng
Chúng em như chiếu rách, bà hàng bỏ quên.
            Ðã lỡ chọc thì làm luôn, đám con trai nghịch ngợm nầy cũng đâu có vừa gì:
- Lạy trời cho cả gió lên
Cho manh chiếu rách trải trên sập vàng
Lạy trời cho gió cả luồn
Hoa gạo rụng xuống chui luồn cỏ may
Lạy trời cho gió rung cây
Hoa gạo rụng xuống cỏ may xỏ vào.
Lòng kiêu hảnh của những con người lễ giáo, thì không thể sánh bì với người không rõ ràng lai lịch. Lý do cũng đơn giản, tại vì trước khi tới chỗ đông người, những ai cùng xóm cùng thôn thì quen biết nhau, nhưng nếu khác xóm khác thôn thì đâu có ai biết được ai. Vì thế các cô coi thường là phải:
- Thân chị như cánh hoa sen
Chúng em như bọt chẳng chen được nào.
Ở đời mình có coi trọng người thì người cũng coi trọng mình, mình coi thuờng thì người ta cũng biết coi thuờng. Ðiều nầy không có gì lạ. Các chàng trai trẻ nầy cũng thế, khi đã thấy đối phương coi thường mình thì họ cũng tức khắc trả đũa ngay:
- Lạy trời cho cả mưa rào
Cho sen chìm xuống, cho bèo trèo lên.
Thấy đám con trai, càng nói càng thấy quá lố cho nên các cô phải tìm mọi cách trả đũa. Sự trả đũa có những cô rất lịch sự, tuy nhiên cũng có các cô không được tế nhị cho lắm, chẳng hạn như:
- Chúng chị là cái chuông vàng
Ðứng trên núi đá cao ngang với trời
Núi chị cao lớn nhất đời
Chúng em chuột nhắt cứ đòi lung lay
Cha đời chuột nhắt chúng bay
Tảng đá rớt xuống chúng mày ra ma.
            Trong những ngày lễ hội, ai cũng có những thú tiêu khiển riêng biệt. Nhưng trong những chỗ hát hò, hát đối đáp thường thì chỉ có các thanh niên nam nữ độ lứa tuổi xuân thì. Ðể chỉ trích đối phương cho nên các cậu chê bai khiêu khích:
- Tháng giêng anh đi chơi xuân
Ðến đây anh gặp hội trống quân anh vào,
Trước khi hát anh có lời rao
Không chồng thì vào, đã có thì ra
Có chồng thì tránh cho xa
Không chồng thì hãy cùng ta hát hò.
Các cậu khiêu khích nhưng các cô cũng không phải là tay vừa:
- Trống quân em lập lên đây
Áo trải làm chiếu, chăn vây làm mùng
Ðua vui dưới ánh trăng trong
Có con cũng hát có chồng cũng chơi
Con em thì mướn vú nuôi
Chồng thì em để hát chơi xóm nhà.
Trong lúc đối đáp dĩ nhiên ai cũng thủ phần thắng, vì thế ai cũng tìm chỗ dở của đối phương để khai thác. Bằng cách chọc quê, các chàng trai trẻ chê bai sự trong trắng của các cô:
- Cô hai mày bảnh lảnh beo leo
Ta cũng muốn tình tang tang tình
Ði đâu đứng đó một mình
Lại đây ta hỏi tiết trinh thế nào
Có thương ta, ta mới bước vào
Phương loan cất cánh hòa giao ân tình.
            Tốt xấu gì thì cũng con nhà danh giá, nên không vì một lý do nào đó mà người đàn ông có thể coi thường họ. Quả thật như vậy, từ xưa đến nay biết bao nhiêu cô gái con nhà danh giá, có học thức nhưng không có đối tượng để thương nên cũng đã có những cô ở vậy trọn đời, vì thế các cô cũng đã có thái độ dứt khoát:
- Nghe lời đó nói thất kinh
Bông sen tàn ai cắm vào lộc bình cổ xưa
Cóc mà mang guốc ai ưa
Ðĩa đeo chân hạt sao vừa mà mong
Thôi thôi đừng tưởng đừng hòng
Ta đây có xấu cũng con dòng lương gia
Vô duyên ở vậy tới già
Dại chi lấy chú, thiên hạ mà cười chê
Vụng về dốt nát đủ bề
Suốt năm suốt tháng giữ bề ở trai
            Thấy các cô có vẻ chê xấu, nên ở dá cho đến già, và khinh thường khả năng, anh chàng ta như phân bua: Tôi cũng có tài nhưng mà chưa đến lúc nên tài của tôi chưa thi thố ra thôi, chứ kinh sách, binh thư, tôi đây cũng đầy bụng, như ngọc kia còn ẩn trong bùn nên chưa ai biết đấy thôi. Gương người xưa cũng đã có như Trọng Yêm Hàn Tín:
- Cô kia đừng khoe sắc khoe tài
Tốt xinh chi đó chê ai trai cày
Sử kinh ta nắm trong tay
Tỷ như Vua Thuấn còn cày lịch sơn
Mãi thần lúc trước khó bần
Trọng Yêm, Hàn Tín ra thân khó hèn
            Nói để biện luận thì ai nói cũng được, nhưng thực tế, và thực tài thì khác, cho nên các cô bắt mạch cũng khá hay:
- Thôi đừng nhắc tích vòng vo
Mấy ông thuở trước ai so cho bằng
Chú ăn học sao không thấy chú thi
Ăn thì xó bếp nằm thì chuồng trâu
Thôi thôi tôi chẳng ưng đâu
Trạng không xứng trạng đừng cầu uổng công.
Thấy cô nàng chê quá là chê, nên các chàng trẻ cũng phải lên tiếng:
- Rắn không chân đi năm rừng bảy rú
Gà không vú nuôi chín mười con
Phải chi nhan sắc em còn
Anh xin làm rể cúi lòn mẹ cha.
            Nới như thế có nghĩa là chê các cô đã lớn tuổi, lỡ thì mà còn dám đến nơi nầy để dụ dỗ trai tơ, thế là các cô đã nổi giận lôi đình:
- Mồ cha con bướm trắng, mẹ đẻ con bướm xanh
Khen ai uốn lưỡi để anh nói càn.
Nam nhi nói lớn tiếng là điều hết sức khó nghe, nhưng một khi đã bực tức vì bị các cô nhục mạ, thì cũng khó mà tự chủ, nên cuối cùng cũng phải thốt:
- Mồ cha con bướm trắng, mẹ đẻ con ong vàng
Khen ai uốn lưỡi để nàng nói chua.
Thấy càng đùa giởn không khí càng căng thẳng, các cô có vẻ hăng hái trả đòn, vì thế chưa thấy có cô nào có nụ cười trên môi. Nếu tình hình cứ như thế chắc chắn sẽ đưa đến chỗ mất hoà khí, nên trong đám con trai cũng có những chàng trai tế nhị chọc ghẹo:
- Sáng trăng sáng cả vườn cà
Trong ba cô ấy cô nào còn không
Một cô đích thực chưa chồng
Ðể anh tạm chút làm chồng nên chăng
Mình về mình nhớ ta chăng,
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
Trăm quan mua lấy nụ cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.
Thấy đám con trai cũng có người lịch sự, vì thế sự tức giận của các cô cũng bắt đầu giảm dần. Thường thường thì trai gái trong làng của xứ nông nghiệp, quanh năm suốt tháng chỉ lo rẩy sắn nương dâu, nên ít có thời giờ gặp nhau nhiều. Hôm nay biết nhau ở đây, gặp mặt nhưng chưa biết được tài, nghe lời nói phải nhưng chưa biết trình độ, hiểu biết ra sao, vì thế các cô cũng muốn thử tài:
- Lạ lùng bắt gặp chàng đây
Có mấy câu nầy em đoán chưa ra
Nếu mà anh giảng cho ra
Thì em kết nghĩa giao hòa cùng anh:
Cái gì trong trắng ngoài xanh
Cái gì soi tỏ mặt anh mặt nàng
Cái gì xanh đỏ trắng tím vàng
Cái gì ăn phải dạ càng tương tư
Cái gì năm đợi tháng chờ
Cái gì tiến chũm phơi khô để dành
Cái gì mà đổ vào xanh
Cái gì nó ở trên cành tốt tươi
Cái gì trong héo ngoài tươi
Cái gì làm bạn với trời tám trăm năm
Cái gì chung chiếu chung chăn
Cái gì làm bạn với trăng đêm ngày
Cái gì nó bé nó cay
Cái gì nó bé nó hay cậy quyền.
            Theo quan niệm người xưa, con trai thời mới được cắp sắch đến trường, còn con gái thì không, nên thân phận con gái gần như không có trình độ học hỏi, chỉ có một số rất ít con nhà giàu, khuê môn đài các mới học hành. Nhưng nếu mọi người tưởng như thế là lầm. Thật ra người phụ nữViệt Nam ta rất thông minh, cho nên mặc dầu không đi đến trường, nhưng có nhiều cô thơ văn còn giỏi hơn các cậu con trai là khác. Bằng chứng là các câu hỏi vừa qua. Các cô giỏi nhưng không phải các chàng trai trẻ bí  lối, mà các cậu còn trả lời một cách rành mạch:
- Quả bí đao trong trắng ngoài xanh
Gương tàu soi tỏ mặt anh mặt nàng
Chỉ ngủ sắc xanh đỏ trắng tím vàng
Bùa yêu ăn phải dạ càng tương tư
Nhân duyên năm đợi tháng chờ
Cau non tiến chũm phơi khô để dành
Thịt cá thì đổ vào xanh
Cái hoa thiên lý trên cành tốt tươi
Sầu đâu trong héo ngoài tươi
Ông Bành Tổ sống trên đời tám trăm năm
Vợ chồng chung chiếu chung chăn
Chú cuội làm bạn với trăng đêm ngày
Hạt tiêu nó bé nó cay
Ðồng tiền nó bé nó hay cậy quyền
Anh nay đã giải hết liền
Vậy anh xin kết nhân duyên với nàng.
Các cô đã thử tài anh hùng, thì bây giờ đến lượt anh hùng thử tài gái thuyền quyên:
- Ở đâu năm cửa em ơi
Sông nào sáu khúc, nước xuôi một giòng
Sông nào bên đục bên trong
Núi nào lại thắt cổ bồng, lại có thánh sinh
Ðền nào thiêng nhất tỉnh Thanh
Ở đâu lại có cái thành tiên xây
Ỏ đâu là chín từng mây
Ở đâu lắm nước, đâu nay nhiều vàng
Chùa nào mà lại ở hang
Ở đâu lắm gỗ thời nàng biết không
Ai mà xin lấy túi đồng
Ở đâu lại có con sông Ngân Hà
Nước nào dệt gấm thêu hoa
Ai sanh ra cửa ra nhà nàng ơi
Ai mà đội đá vá trời
Kìa ai trị thủy cho đời an vui
Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời
Xin em giảng rõ từng lời từng câu.
            Mặc dầu cuôc sống thôn quê tay lấm chân bùn, nhưng kiến thức không vì vậy mà thua kém tài nam nhi, và các cô đã chứng tỏ không phải chỉ am hiểu địa danh, lịch sử nước nhà mà còn thông thạo địa danh, và danh nhân Trung Quốc nữa:
- Thành Hà Nội năm cửa chàng ơi
Sông Lục Ðầu sáu khúc, nước chảy xuôi đôi giòng
Nước sông thương bên đục bên trong
Núi Tản Viên thắt cổ bồng lại có thánh nhân
Ðền Sòng thiêng nhất tỉnh Thanh
Lạng Sơn lại có núi thành tiên xây
Trên trời là chín tầng mây
Dước sông lắm nước, núi nay nhiều vàng
Chùa Hương Tích nằm trong hang
Trên rừng lắm gỗ thời chàng biết không
Ông Khổng Minh Không xin được túi đồng
Trên trời lại có con Sông Ngân Hà
Nườc Tàu dệt gấm thêu hoa
Ông Hữu Tắc sinh ra cửa nhà chàng ơi
Bà Nữ Oa đội đá vá trời
Vua Ðại Vũ trị thủy đời yên vui
Anh hỏi em có bấy nhiêu lời
Em đã giải rõ từng nơi từng người.
Không khí sát phạt nặng nhẹ với nhau giờ đây không còn nữa, để nhường chỗ cho thân mật của tình yêu trai gái. Theo quan niệm xưa: Trai thời trung hiếu làm đầu, gai thời tiết hạnh là câu trau mình. Con nhà gia giáo ai ai cũng biết chuyện đó, nhất là các cô gái, trong khi lấy chồng chắc hẳn các cô cũng phải lựa chọn đối tượng. Người con trai đó phải có đầy đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín để mà ở đời, vì thế các cô cũng muốn biết:
- Gặp anh đây em hỏi đôi lời
Chữ chi anh chôn xuống đất
Chữ chi anh cất lên trang
Chữ chi anh mang không nổi
Chữ chi gió thổi không bay
Trai nam nhi đối đặng,
Chiếc nón bài thơ em thưởng liền.
            Là phận gái còn biết trung hiếu trên đời, huống gì con trai. Ðể chứng tỏ rằng ta đây cũng không phải là người thất học, vì thế các chàng trai cũng hăm hở:
- Chữ triệu anh chôn xuống đất
Chữ tiên sư anh cất trên trang
Chữ hiếu anh mang không nỗi
Bia tạc đá vàng gió thổi không bay
Trai nam nhi anh đối đặng
Chiếc nón bài thơ em đâu rồi?
Càng về sau thi văn lịch sự càng làm cho tâm tình cả hai bên trai gái dễ chịu, và họ như đã ngấm ngầm trao thân gởi phận, nên các cô rất là dịu dàng:
- Một cây sanh ra ba nhánh
Ba nhánh sanh bảy ngàn hoa
Em đố anh, anh toán cho ra
Em vô làm vợ không đợi là cưới cheo.
Mục đích cuối cùng của hát hò, đối đáp là để làm quen nhau, cũng có thể trở thành là bạn, có thể là người tình, có thể là người vợ tương lai, nên các chàng trai sẵn sàng giải đáp:
- Cây đòn cân sinh ra ba nhánh
Ba nhánh sanh cả ngàn hoa
Bây giờ anh đã đoán ra
Em ơi sửa soạn để mà theo anh.
            Tuy đã biết tài nhưng vẫn còn muốn thử coi người chồng tương lai của mình ra sao nên các cô tiếp tục thử tài:
- Tiếng đồn anh con nhà hay chữ
Gặp anh đây hỏi thử đôi lời
Trăm thứ dầu, dầu gì không thắp
Trăm thứ bắp, bắp chi không rang
Trăm thứ than, than chi không quạt
Trăm thứ bạc, bạc chi không ăn
Trai nam nhân chàng mà đối đặng
Em vô làm vợ không đợi rằng cưới cheo.
            Người xưa thường nói: Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Sư khó khăn như thế còn qua được huống hồ là những câu hỏi thông thường, cho nên các chàng trai cũng vui vẻ trả lời:
- Trăm thứ dầu, dầu bạc hà không thắp
Trăm thứ bắp,
Bắp cau, bắp chuối không rang
Trăm thứ than
Than thở, thở than thì không quạt
Trăm thứ bạc,
Bạc tình, bạc nghĩa là bạc không ăn
Trai nam nhi anh đà đối đặng,
Nàng liệu mần răng bây giờ?
            Thấy sự ứng phó trôi chảy, nên cô nàng đoán biết là anh chàng chắc là có học, nên nàng ta đã không ngần ngại ướm thử:     
- Nghe tin chàng sắp đi thi
Có răng không luỡi cái chi rứa chàng.
Và chàng trai đã đáp:
- Có răng không lưỡi cái bừa
Vì nhà nông phải sớm trưa ngoài đồng.
            Ðể thay đổi chiến lược các cô thử tài các chàng trai bằng những vế đối lái để coi tài thông minh của các chàng trai trẻ  nầy ra sao:
- Anh bứt cỏ ngựa, ngoài đầu cửa ngõ
Kẻ bắn con nầy ngồi giữa cây non
Chàng mà đối đặng thiếp trao tròn phận em
Và các chàng trai đã đáp:
- Con cá đối, nằm trong cối đá
Con mèo cụt nằm chỗ mút kèo
Anh đã đối được em theo anh bây giờ.
            Những gay gắt, không còn, nhường cho không khí cảm thông cả hai bên nam nữ. Họ đã biết ai là đối tượng của mình rồi, và hơn nữa tài sức cũng đã rõ nên họ không còn thử thách nhau nữa. Nhưng cuộc vui còn dài, nên họ vẫn tiếp tục bằng những câu hỏi bâng quơ:
- Ðố ai quét sạch là rừng
Ðể ta khuyên gió gió đừng rung cây
Ðố ai biết lúa mấy cây
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng.
Vì không muốn có sự đối chọi nên chàng trai cũng trả lời một cách bâng quơ:
- Ðố ai lấp ngã ba chanh
Ðể anh gánh đá xây thành cổ loa
Ðố ai đốt cháy ao bèo
Ðể anh gánh đá Ðông Triều về ngâm.
            Xứ nông nghiệp vào những buổi trưa nắng gắt nên người dân thường hay nghỉ trưa, với ý niệm là sau những buổi lao động nên cần nghỉ một chút chỉ khỏe để tiếp tục làm việc, tuy nhiên lâu ngày thành ra quen. Cho nên cứ mỗi buổi cơm trưa xong là buồn ngủ, nên có câu: Ăn trộm quen tay, ngủ ngày quen con mắt. Các cô nàng biết thế nên cố ý chọc:
- Ðố ai chừa được rượu tăm
Không chơi cờ bạc không nằm ngủ trưa.
Tuy nhiên các chàng trai trẻ cũng biết rằng, thói quen nằm võng thì ai cũng phải đưa, ru con mà bảo không hát thì làm sao được. Nên các anh muốn nói, nếu các cô ru con không hát, ngồi võng không đưa thì tôi cũng làm được:
- Ðố ai ngồi võng không đưa
Ru con không hát anh chừa rượu tăm.
Các cô cũng tinh nghịch hỏi tiếp:
- Cho dù chừa đươc rượu tăm
Không chơi cờ bạc, không nằm chung hơi?
Các chàng trai trẻ cũng nói thiệt:
- Một việc anh chừa được thôi
Chừa được cờ bạc, chung hơi chẳng chừa.
            Gặp nhau ở những nơi lễ hội, dù cho cuộc vui có kéo dài đến đâu rồi cũng đến lúc phải chia tay, và dù cho tình có thắm thiết đến cỡ nào người dưng cũng hoàn lại người dưng, nên những chàng trai vô cùng hối tiếc:
- Ai xui ai khiến bất nhơn
Tui nay gặp bạn còn hơn vợ nhà
Hai miệng đối khẩu giao hoà
Hò chơi chồng vợ, tối về nhà người dưng
            Gặp gỡ nhau trong những giây phút ngắn ngủi, đến khi lần gặp lại chàng trai trẻ nhất định tỏ bày tâm sự:
- Năm ngoái thấy em còn ngại
Năm nay kêu đại bằng mình
Nhác trông em dáng đẹp xinh
Áo bà ba nút ốc của bạn chung tình ai may?
Không để cho cô nàng từ chối anh chàng trai trẻ tấn công ngay:
            - Chưa vợ anh mới đi tìm
Ra đường anh gặp được em chưa chồng
Em chưa chồng đã đành một lẽ
Anh chưa vợ từ bé đến nay
Tình cờ mà gặp nhau đây
Bên Ðông thì biển, bên Tây thì cồn
Bên trên thì có núi trường
Bên ngoài hòn mẹ cô nàng nghĩ sao?
Cũng giống như, từ khi gặp nhau trong chốc lát, nhưng tâm tình cũng đã có chỗ đầy vơi, nay thấy anh chàng thật tình thố lộ thì nàng cũng nói rõ tâm cang. Thực sự không phải em không muốn đến thăm anh, nhưng vì lý do cha mẹ:
- Chẳng viếng thăm mình nói bạc tình
Viếng thăm phụ mẫu đánh mình, đau tui
Cá sầu ai cá chẳng quạt đuôi
Như Lan sầu huệ, như tui sầu mình
Tử sanh, sanh tử tận tình
Dù ai ngăn đón tui cứ mình tui thương.
Và rồi nàng giải bày tiếp:
- Cá rô đớp bóng, dợn sóng dưới đìa
Tại ba với má vặn khóa bẻ chìa
Chìa hư khóa liệt
Ðôi ta cách biệt, năm bảy tháng trường
Cơm ăn không đặng, ăn ròng tương tư.
            Thấy tình cảnh em thì anh cũng rất thương tình , vì thế anh muốn luôn luôn sống bên cạnh em:
-  Cá bống đi tu
Cá thu nó khóc, cá lóc nó rầu
Phải chi anh có phép mầu
Hoá ra cá trắng lội theo hầu bên em
            Gặp nhau thường thì không được vì hai bên cha mẹ, hơn nữa quan san lại cách trở, vậy thì em hỏi anh phải làm sao để cho bớt nhung nhớ sầu bi:
- Lá gì không nhánh không cành
Lá gì chỉ có tay mình trao tay.
À thì ra là vậy, anh đã biết rồi:
- Lá thư không lá không cành
Lá thư chỉ có tay mình trao tay
Như một lời hẹn hò, trước khi chia tay ai nấy trở về cuộc sống bình thường, cô gái còn căn dặn:
- Mãi nói chơi mà trời rầy gần sáng
Xin anh đừng lãng duyên nợ đôi ta
Dằn lòng về thưa với mẹ cha
Sắm lo sáu lễ đến nhà cưới em.
            Ngày mà anh đem lễ đến nhà xin cúi em, chắc hẳn là vui lắm. Lẽ dĩ nhiên anh cũng đừng lo, vì có em sẽ giúp anh bằng cách nói lời nói tốt để động viên cha mẹ em cho anh cưới:
- Anh hãy lui trở về
Sắm hai buồng cau cho tốt
Hai chai rượu bọt cho đầy
Ðể trên bàn độc ghế xây
Thiếp đứng đó chàng ngồi đây
Xin hai bên phụ mẫu định một ngày cho con.
  
Tài Liệu Tham Khảo
- Tâm Hồn Mẹ Việt Nam
- Các Thú Tiêu Khiển Việt Nam
- Tiếng Hát Ðồng Quê
-- o0o --