NHÂN QUẢ
H. T. Thích Huyền Vi giảng Pháp.
Quảng Thuận Lược Ghi
--o0o--
 I- Ðịnh nghĩa
A- Nhân:
Là nguyên nhân, cội nguồn, xuất phát từ Tâm của con người. Tất cả những nguyên nhân là do Tâm tạo ra. Gọi là cái Tâm hay người đời thường gọi là Tâm Linh hay Nhân Tâm. Mọi ý đồ, hành vi, hành động, nguyên nhân phát sinh đều từ nơi Tâm. Sau đây là bài thơ diễn tả cái Tâm theo quan điểm Ðạo Phật.
            - Tam điểm như tinh tượng       
            Hoành câu tựa nguyệt tà                                  
Phi mao tùng tử đắc     
Tố Phật giả giao tha     
            Nghĩa Là:
Ba điểm giống như ngôi
Sáng ngời như trăng sao chiếu
Mang lông, đội xừng (súc sanh) cũng từ đó mà ra
Thành Phật, thành tiên Ðều do Tâm mà ra cả.
Tâm là điểm xuất phát để hình thành nghiệp duyên nhân quả, thì như vậy nếu:
            - Tâm phát xuất điều tốt gọi là Tâm sở thiện
            - Tâm phát xuất điều xấu gọi là Tâm sở ác
            Mỗi tâm sở thiện hay tâm sở ác phát sinh ra năm biến hành tâm sở gọi là:
- Xúc: Nhìn, nghe, nếm, ngửi, sờ
- Tác ý: Phát sinh lòng ham muốn.                    
- Thọ: Chấp nhận cái tác ý.
- Tưởng: Tưởng tượng, ý đồ kế hoạch để có được cái mình ham muốn.
Tư:  Thi hành, thực hành cái ý đồ, kế hoạch.
Năm biến hành tâm sở này khuyến khích, thúc đẩy ta để thi hành cái tâm sở thiện hay ác mà ta vừa phát sinh, để thọ nhận phước quả hay nghiệp quả.
B- Quả
Là kết quả của sự phát sinh, báo ứng của cái nhân đã tạo ra từ trước mà chúng ta tạm gọi là quá khứ. Quá khứ là thời gian đã qua, rất có thể là trong sát na, giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm, đời trước, kiếp trước. Hiện tại, hoặc đời này mà thọ lãnh sự tốt xấu là Kết Quả của Nhân kiếp trước, hoặc nhiều kiếp trước. Nhân của những kiếp trước báo ứng cho đến hiện tại và còn có thể đến những kiếp trong tương lai nữa. Như vậy Nhân là cội nguồn ở quá khứ do Tâm cấy trồng để tạo ra cái Quả của ngày hôm nay, và cả tương lai.
II- Nhân Quả Ảnh Hưởng Ðến Linh Hồn Và Thể Xác:
Tất cả những loài động vật nói chung, và con người nói riêng được kết hợp bởi hai thành phần chính là Linh Hồn và Thể Xác. Linh hồn là phần vĩnh cửu, không bao giờ bị hủy diệt. Linh hồn cho ta cảm biết được sự đau khổ, buồn phiền hay hạnh phúc, sung sướng. Thân xác cho ta cảm nhận được sự đói khát, khổ sở, đau đớn, no ấm, sảng khoái.... Thân xác là phần tạm thời để linh hồn trú ngụ. Thân xác sẽ bị hủy diệt theo định luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Khi thân xác bị hủy diệt, Linh hồn sẽ thoát khỏi cái thân thể đó, và tùy theo mình đã tạo nhân tốt hay xấu, mà thọ lãnh cái nghiệp quả của đời kế tiếp, trong kiếp sống tương lai qua một cái hình thể khác.
III- Tổng Luận
Luật nhân quả là định luật tất nhiên của tạo hóa có từ thuở khai sinh của vũ trụ, mà Ðức Phật đã khám phá ra, và truyền pháp này cho tất cả chúng sinh, nếu ai chịu khó để tâm tu học thực hành thì sẽ thấy, và thoát khỏi vòng sinh tử, luân hồi. Khả năng của Nhân Quả chi phối con người nói riêng, loài động vật nói chung. Luật nhân quả không những giải thích hành động tạo tác của con người trong ba thời gian và tất cả những loài động thực vật khác, mà cũng có thể giải thích được tất cả những hiện tượng xảy ra một cách khoa học, và chính xác theo nguyên lý Nhân Quả Luân Hồi.
1- Luân Hồi
Luật Nhân Quả tiếp diễn liên miên tạo ra sự luân hồi. Ðời trước kiếp trước là Nhân của kiếp sống hiện tại, kiếp sống hiện tại là Quả của đời trước. Ðời sau, kiếp sau là Quả của kiếp sống hiện tại. Kiếp sống hiện tại là Nhân của đời sau. Nhân quả như bóng với hình, nhân nào quả nấy. Cho nên muốn hiểu thấu điều nầy ta phải quán chiếu:
- Dục tri tiền thế nhân
Ðương kim thọ giả thị.
Dục tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị.
Nghĩa là:
- Muốn biết kiếp trước mình đã làm gì
Hãy coi kiếp hiện tại mình đang thọ chịu những gì.
Muốn biết đời tương lai mình sẽ ra sao
Thì hãy coi hiện tại mình đang làm gì.
2- Luận Về Nhân Quả Ba Ðời.
Kiếp trước, kiếp hiện tại và kiếp tương lai tất cả đều bị chi phối bởi định luật luân hồi, Nhân nào Quả nấy. Tuy nhiên, có những trạng thái và hiện tượng xảy ra rất mâu thuẫn với những điều luật về lý và tình trong đời hiện tại như: Có những kẻ gian ác, tham lam sao lại được gặp nhiều may mắn, tiền bạc, sung sướng, hạnh phúc. Lại có những người hiền lành, từ thiện lại bị gặp nhiều tai ương, hoạn nạn, nghèo đói, khổ sở? Lại có những hiện tượng thần đồng hay ngu xuẩn, nguyên vẹn hay tật nguyền .. Tất cả những hiện tượng và trạng thái lạ lùng hay mâu thuẫn này đã được Phật Giáo dùng thuyết nhân quả ba đời để giải thích, chứng minh một cách cụ thể. Sự chuyển đổi những hành động tạo tác, có thể là từ tốt trở thành xấu, hoặc thể từ xấu trở thành tốt trong ba đời đều trải qua bốn giai đoạn của nhân quả, gồm có: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Ðạo Ðế.
a- Khổ Ðế(Quả): Ðời sống hiện tại đầy đau khổ, sinh, lão, bệnh, tử là kết quả hiện tại (khổ đế) do cái nhân cấy trồng ở quá khứ tạo ra.
b- Tập Ðế(Nhân): Do Tâm tạo ra những tham, giận, sân, si, xấu xa, tội lỗi kết tập thành cái nhân (tập đế) cho cái quả về sau.
c- Diệt Ðế(Quả): Ðời sống của giới Bồ Tát Ðạo đã diệt bỏ được tất cả những xấu xa, tội lỗi, tham giận, sân, si (diệt đế)
d- Ðạo Ðế(Nhân): Do Tâm từ thiện, trí tuệ sáng suốt tu hành Bát Chánh Ðạo: Hiếu Thảo, Trung Thành, Công Bằng, Bác Ái, Ðạo Ðức, Thanh Liêm, Chính Trực và Quân Tử, tạo ra cái nhân (đạo đế).
Trong bốn giai đoạn nầy có thể chia thành hai loại nhân quả:
1- Nhân Quả Nhập Thế Gian:
Khổ Ðế và Tập Ðế là nhân quả Nhập Thế Gian của chúng sinh, mọi loài, bị trói buộc vào bánh xe luân hồi.
2- Nhân Quả Xuất Thế Gian
Diệt Ðế và Ðạo Ðế là nhân quả Xuất Thế Gian của giới Bồ Tát Ðạo, vượt ra khỏi sự chi phối của sanh tử luân hồi.
Vì thế cho nên:
- Bồ tát thì sợ nhân:
Chúng sanh thì sợ quả:
Nghĩa Là:
- Bậc Bồ Tát lo sợ khi tạo nhân
Chúng sanh thì sợ cái quả đau đớn, khổ cực, tù ngục.
IV- Thành Phần Của Nhân Quả
Như chúng ta đã biết nhân quả hiện hữu và ứng nghiệm tất cả mọi thời gian: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Quả có thể là nhân của ngay kiếp hiện tại và những nhân đã cấy trồng từ quá khứ của nhiều kiếp trước. Nhân cấy trồng trong kiếp hiện tại này có thể sẽ tạo ra quả của nhiều kiếp sau. Nhân Quả chia ra sáu thành phần chính để phân biệt muôn loài:
            - Nhân quả của thực vật: Cây cỏ
            - Nhân quả của động vật: Người và tất cả các loài thú vật.
            - Nhân quả của tư tưởng: Hành vi không tốt.
            - Nhân quả của tư tưởng: Hành vi tốt.
            - Nhân quả của sáu cõi phàm: Trời, A Tu La, Người, Súc Sanh, Ngã Quỷ, Ðịa Ngục.
            - Nhân Quả của bốn cõi Thánh: Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thinh Văn.
Trong số sáu thành phần nhân quả đó, nhưng tựu trung cũng không ngoài sáu cõi Phàm và bốn cõi Thánh còn gọi chung là mười cảnh giới và trong mỗi cảnh giới lại chia ra nhiều giai cấp, từ cao xuống thấp rất là công minh tùy theo sự báo ứng của nhân quả. Nhân của mười cảnh giới này cùng tất cả đều do Tâm tạo ra: Nhất thiết duy tâm tạo.
01- Nhân Quả Của Thực Vật: Hiện hữu và ứng nghiệm cho tất cả các cây, cỏ như: Gieo hột (nhân) nào thì gặt hái trái cây nấy(quả), gieo hột ớt cay, gặt hái trái ớt cay... Có những cây gieo hột, có quả để ăn, có lá cây và thân cây để dùng ...
02- Nhân Quả Của Ðộng Vật: Hiện hữu và ứng nghiệm cho tất cả mọi giống người và tất cả các loại thú vật trên thế gian này. Luật Nhân Quả của động vật tiếp diễn trong sáu cõi Phàm, tùy cái Nhân do tâm cấy trồng mà Quả sẽ được vào cảnh giới cao hay thấp, và trong mỗi cảnh giới lại phân chia có nhiều giai cấp từ thấp lên cao, tùy thuộc vào hành động của mỗi cá nhân mà nhận lãnh sự báo ứng của luật nhân quả.
03- Nhân Quả Của Tư Tưởng Hành Vi Không Tốt:
Trong mỗi chúng sanh ai cũng có, không ít thì nhiều thành phần tâm linh tư tưởng không tốt, vì thế cứ mỗi một cái nhân không tốt do tâm tạo ra, sẽ phát sinh ra cái tư tưởng hành vi không tốt để thực hành cái tâm sở nguyện không tốt đó, để rồi bị lãnh cái hậu quả không tốt. Nhân của tư tưởng hành vi không tốt như là giận dữ thì sẽ sinh ra cái tư tưởng hành vi hay khiêu chiến, phá phách đưa đến hành động chém giết, đánh đập lẫn nhau... kết quả là thân thể bị đau đớn, tật nguyền. Nhân mà tham lam sẽ gây ra cái tư tưởng hành vi chiếm đoạt, và đưa đến hành động trộm cắp, cướp giật...kết quả là bị bắt, tù tội.
04- Nhân Quả Của Tư Tưởng Hành Vi Tốt:
Nếu có lúc chúng ta biết trong mỗi chúng sanh ai cũng có cái xấu, thì trong mỗi chúng sanh ai cũng có cái tốt, vì thế khi một nhân tốt do tâm tạo ra thì sẽ phát sinh ra những tư tưởng hành vi tốt, và cuối cùng gạt hái được cái quả tốt như: Tâm tạo sự tìm hiểu, thích học hỏi sẽ phát sinh tư tưởng hành vi chú tâm học tập, học ngày, học đêm để đưa đến cái kết quả là thi đậu. Tâm tạo lòng từ bi, thương sót sẽ phát sinh ra những tư tưởng hành vi trợ giúp, tình nguyện tham gia giúp việc cho các cơ quan từ thiện... để rồi gạt hái được cái quả được hưởng phước lộc lâu dài về sau.
5- Nhân quả Phước Nghiệp của sáu cõi phàm:
 Là ứng nghiệm của hình thức nhân quả nhập thế gian(Khổ Ðế và Tập Ðế)
a- Phước Báo của cảnh giới cõi Trời
            Cõi trời là cảnh giới của những linh hồn được hưởng nhiều phước lộc. Cõi trời là cõi hạnh phúc, sung sướng, an vui, không có phiền não, đau khổ, sinh, lão, bệnh, tử. Cõi trời là cõi các chúng sanh đã tạo nhiều nhân thiện, được hưởng phước lộc, nên được sanh vào cảnh giới nầy để hưởng phước. Tuy nhiên, nếu không biết tu tạo vun bồi phước đức, thì khi phước hết cũng có thể bị sa đọa trở lại cõi người, hoặc các cảnh giới thấp hơn. Ðể được cái quả vào cảnh giới cõi Trời, con người cần phải có tâm tu thập thiện, làm lành lánh dữ, điểm chính là tu sửa: Thân, Miệng và Ý.   
* Thân tạo ba điều tốt:
- Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.
Phước báo của Không Sát Sanh:
- Ai không sát hại sanh linh
Tuổi trời trường thọ thân hình tốt tươi
            Mai sau được hưởng ngôi trời
            Tự nhiên sáng sạch trong ngoài cùng soi.          
* Miệng tạo bốn điều tốt:
- Không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lưỡi đôi chiều (nói cho người này oán ghét người kia), không hỗn hào mắng nhiếc.
* Ý tạo ba điều tốt:
- Không tham lam, không giận tức, không si mê.
b- Phước Báo của cảnh giới con Người (cõi Người)
Có được phước báo sanh làm người, nhưng trong cảnh giới con người, cũng tùy theo phước báo nhiều ít mà có nhiều giai cấp khác biệt. Có những giai cấp cực kỳ sung sướng, như những người làm Vua Chúa, quyền tước, chủ nhân những công ty lớn, giàu có, tài ba lỗi lạc...sẽ có một đời sống nhiều quyền cao chức trọng, vàng bạc châu báu, ăn sung mặc sướng, tâm linh hạnh phúc, sung sướng, kẻ hầu người hạ... đó là những người đang ở trong thiên đàng của trần gian. Cũng có những giai cấp cực kỳ khổ sở, đói khổ, thiếu thốn, tật nguyền, đau đớn, tâm linh khổ sở, kinh hoàng, sợ hãi...thân thể trong ngục tù bị hành hạ đánh đập, tra tấn...đó chính là cảnh giới địa ngục trần gian vậy. Ngoài ra có nhiều hiện tượng khác thường, dị biệt giữa những trường hợp bình thường mà chỉ có thuyết nhân quả mới chứng minh, giải thích một cách cụ thể, trong khi đó khoa học không thể giải thích được.
c- Phước Báo cảnh giới A Tu La(cõi A Tu La)
Chúng sanh ở cảnh giới của A Tu La cũng có nhiều phước báo, tuy nhiên, họ không có được địa vị như những chúng sanh trên cõi trỡi vì họ còn nhiều sân hận, cho nên mặc dầu trong cõi A Tu La nhưng con người luôn luôn sống trong giận giữ, cãi cọ, ghét bỏ và thích sát hại lẫn nhau. Trong cõi đời này nếu Tâm tạo những công đức, cũng có tu tập nhưng không chế ngự được sự tức giận, nóng nảy, hung bạo sẽ sinh ra những hành vi tiêu diệt hết lòng từ bi nhân đạo, cái quả tất nhiên của kiếp sau sẽ sinh vào cõi A Tu La.
d- Nghiệp Báo của cảnh giới Súc Sanh(cõi Súc Sanh)
Cảnh giới súc sanh là kiếp sống của súc vật. Trong kiếp sống hiện tại nếu Tâm tạo những nhân: Si mê, Mờ tối, phạm tội luân thường đạo lý, lười biếng không chịu tìm hiểu, học hỏi...thì kiếp sau sẽ bị cái quả đầu thai vào loài súc vật. Cái quả của cõi súc sanh là ngu xuẩn, không biết suy nghĩ, không biết phân biệt phải trái....
e- Nghiệp Báo của cảnh giới Ngã quỷ(Quỷ Ðói).
Là cảnh giới của những con người hiện thế tạo nhiều ác nghiệp nên bị sa đọa, linh hồn không được siêu thoát, bị lưu giữ lại, chưa được phép để đi đầu thai vào cái kiếp tương lai. Những vong hồn này thường sống vất vưởng, lây lất ở những nơi u tối, rừng núi hoang vu, bên sông lạnh lẽo... những nơi hẻo lánh ít người lui tới, để chờ đợi trả hết nghiệp chướng, được đi đầu thai. Trong cõi đời này nếu Tâm tạo nhân: Bỏn xẻn, tham lam, hãm hại người khác để cầu lợi cho minh...Sẽ gánh hậu quả về cõi Ngã quỷ. Quả của cõi Ngã quỷ là luôn luôn bị đói khát, thiếu thốn. Ðó là hình phạt (nghiệp) của cõi Ngã quỷ.
- Thấy cơm đấy mà không ăn được.
Thấy nước đấy mà không uống được.
Thấy chăn êm, nệm ấm mà không đắp, không nằm được.
f- Nhân quả của cảnh giới Ðịa Ngục.
Là cảnh giới của những linh hồn không được siêu thoát, bị đưa vào Ngục tù bị hành hạ, đánh đập, tra tấn, kiềm kẹp mất tự do. Những vong hồn này cũng sống vất vưởng ở những nơi chung với cõi Ngã quỷ, chưa được phép để đi đầu thai. Trong cõi đời này nếu Tâm tạo nhân: Ngỗ Nghịch và Thập Ác.
- Ngỗ nghịch: hỗn hào, giết cha, mẹ hoạc anh chị em, phá huỷ chùa chiền... cướp của giết người vô tội, hành hạ người khác, lấy sự đau đớn của người khác là thú vui của mình
- Thập Ác : Thân, Miệng, Ý.
- Thân tạo ba (3) điều ác : Sát sanh, trộm cắp, tà dâm (tà hạnh)
- Miệng tạo bốn (4) điều ác : nói dối, nói lời thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều (nói cho người này oán ghét, hãm hại người kia), hỗn hào, mắng nhiếc.
- Ý tạo ba (3) điều ác : tham lam, giận tức, si mê
Người tạo ra hành những hành động nầy sẽ gánh chịu hậu quả về cõi Ðịa ngục làm ma quỷ. Cái quả của cõi Ðịa ngục là bị những vong hồn ma quỷ khác hành hạ, đánh đập, tra tấn đau đớn, kiềm kẹp mất tự do.
6- Nhân Quả Của Bốn Cõi Thánh
Bốn cõi thánh là cảnh giới của những vị đã thoát được ra khỏi vòng tử sinh luân hồi. Ðó là bốn cảnh giới của các vị thánh, đại chân tu, từ bi hỷ xả, tình thương nhân loại rộng lớn bao la, Trí tuệ thông minh, Thần thông quảng đại có phép lực nhiệm mầu để cứu độ chúng sinh. Mỗi cảnh giới trong bốn cõi thánh biểu dương cường độ của phép lực nhiệm mầu, có khả năng cứu độ chúng sinh. Tất cả chư vị sống ở nơi đây ai cũng tràn đầy lòng từ, bi, hỷ, xả, an lành, thanh tịnh, hạnh phúc và sung sướng tràn ngập khắp đó đây.
- Nhân quả của cõi Thinh Văn
            Là cảnh giới của những vị đệ tử tu hành khi Ðức Phật còn tại thế. Những vị nầy nghe hiểu Phật Pháp, y lời dạy mà tu hành chứng quả.
Nhân: Tâm tạo nhân tìm hiểu, tu học và hành thuyết Tứ Diệu Ðế.
Quả: Chứng được bốn quả Thinh Văn.
- Nhân quả của cõi Duyên Giác   
Là cảnh giới của những vị sanh vào thời không gặp Phật , nhưng nhờ nhân duyên phước đức đời trước, nhìn thấy hoa lá rơi, nghĩ đến vạn vật vô thường , hoặc ở riêng trong rừng núi quán sát các pháp tu hành ngộ đạo.
Nhân: Tâm tu tập, thực hành mười hai nhân duyên, thấy được sự tương quan của: Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập, Lục Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão Bệnh Tử...
Quả : Bích Chi Phật
- Nhân Quả Của Bồ Tát
Là cảnh giới của những vị đã đắc quả Phật, nhưng còn chờ lúc lên quả Phật, nên chuyển phương tiện ra đi cứu độ chúng sanh.
Nhân: Hiểu và hành Lục độ: Bố thí, Trì Giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ.
Quả : Phật.
- Nhân Quả của Cõi Phật
Là cảnh giới của Ðức Phật Thích Ca nói riêng và Chư Phật trong mười phương nói chung, cảnh giới Niết Bàn, cảnh giới hoàn toàn giải thoát.
Nhân: Hiểu và hành Lục Ðộ Vạn Hạnh, thời gian tu trì trãi qua vô lượng vô số kiếp.
Quả: Trở thành Phật như Chư Phật trong mười phương và Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni.
VI.- Phần kết luận.
Ðể có được cái quả của các cảnh giới Chư Thánh, Bồ Tát và Phật thì chúng ta phải phát khởi Tâm Sở Thiện:
- Tâm tạo Năm điều giới cấm: Cảnh giới con Người
- Tâm tạo Thập Thiện: Cảnh giới Trời (thiên đàng)
- Tâm tạo học và hành Tứ Diệu Ðế: Cảnh giới Thinh Văn
- Tâm tạo Thập Nhị Nhân Duyên: Cảnh giới Duyên Giác
- Tâm tạo Lục Ðộ: Cảnh giới Bồ Tát
- Tâm tạo Lục Ðộ Vạn Hạnh: Cảnh giới Phật
 Như vậy, thuyết nhân quả cho ta thấy mỗi hiện tượng ở trong cõi trần gian này nói chung, hay cuộc đời riêng tư của từng cá nhân là quả của những đời hay kiếp trước. Ðời ta có giàu sang, sung sướng, hạnh phúc, quyền cao, chức trọng là do cái quả báo ứng được hưởng phước lộc của cái nhân ta đã cấy trồng trong quá khứ. Ta không lấy đó mà kiêu căng, hống hách, khoe khoang hay khinh khi những người khác, mà trái lại ta hãy hiền hòa, giúp đỡ những người khác. Tâm ta sẽ được an tịnh và hưởng hạnh phúc lâu dài vì ta không màng ganh đua, bon chen, hơn thiệt với đời nữa. Ngược lại đời ta có nghèo khó khổ sở, đau đớn, buồn phiền thì hãy coi đó như là cái nợ mà ta đang trả cho cái nhân xấu mà ta đã cấy trồng ở quá khứ vậy. Ta hãy đối diện chịu đựng, không than van, oán hận, không giận giữ, tranh giành, ta sẽ tìm thấy được sự an tịnh trong tâm hồn, đó chính là cái quả báo ứng tức thời mà ta đã được hưởng vậy. Với quan niệm như trên, đó là bước đầu tiên để đi đến bến bờ giác ngộ. Ðường đi dù có còn xa và rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng nếu tâm ta đã quyết, với niềm tin mãnh liệt, thì trí tuệ sẽ khai thông và bến bờ giác ngộ chỉ còn là thời gian.
-- o0o --