Hộ Minh Bồ Tát
Nhất Quán
--o0o--
  
Nói về sự đản sanh của Ðức Bổn Sư, người con Phật chúng ta ai cũng biết Bồ Tát Hộ Minh là một vị Bổ Xứ Bồ Tát trên cung trời Ðâu Suất giáng trần để làm Thái Tữ Tất Ðạt Ða, và sau nầy là Ðức Phật Thích Ca. Chữ Bồ Tát là danh từ Nam Phạn Bodhisatta, gồm hai phần:
- Bodhi là trí tuệ, hay tuệ giác.
- Satta là gia công, hay chuyên cần.
Vậy Bồ Tát là người gia công, hay người chuyên chú nỗ lực để thành tựu trí tuệ, hay tuệ giác. Tuy nhiên theo Bắc Phạn chữ Bodhisatta được viết là Bodhisattva và dịch là trí tuệ chúng sanh. Nghĩa là những chúng sanh có nguyện vọng thành Phật. Nhưng theo đúng nghĩa của nó chữ Bodhisattva là người đã lập lời chú nguyện đi theo con đường Chánh Ðẳng và đã được thọ ký thành Chánh Giác.
Mặc dầu Nam Phạn và Bắc Phạn có hai lối giải thích khác nhau, nhưng dầu sao đi nữa cả hai cách gọi và giải thích nầy đều được dùng để chỉ bất luận là ai có tâm nguyện cố gắng đạt thành tuệ giác. Lẽ tất nhiên tất cả mọi chúng sanh đều có khả năng trở thành Phật, bởi vì đạo quả Phật không phải là một đặc ân dành riêng cho hạng người nào tốt số, mà là tất cả cho mọi chúng sanh. Tuy nhiên số chúng sanh có tâm nguyện trở thành chánh giác có thể phát khởi thiện tâm thiện nghiệp theo ba cách:
1- Luyện Tập Trí Tuệ:
Hay còn được hiểu là Trí Huệ Bồ Tát. Loại Bồ Tát nầy thiên về lòng nhiệt thành sùng đạo nhưng kiên trì tinh tấn chuyên cần hơn trên đường phát triển trí tuệ. Trí Tuệ Bồ Tát chú trọng về công phu phát triển trí tuệ, và hành thiền nhiều hơn là chú trọng với những hình thức lễ bái cúng dường bề ngoài. Các Ngài luôn luôn đi theo sự hướng dẫn của lý trí và không chấp nhận sự việc một cách mù quáng. Không tự bó tay quy hàng với bất cứ một lý thuyết nào, cũng không nô lệ cho một quyển sách, một bộ kinh hay bất cứ một cá nhân nào. Trí Tuệ Bồ Tát thích trầm tĩnh yên lặng để trau dồi thiền tập. Từ nơi vắng vẻ tịch mịch ấy, Ngài chú nguyện, mang những tư tưởng an lành ấy rãi khắp trong nhân gian để đem lại sự hổ trợ tinh thần cho nhân loại đau khổ.
2- Luyện Tập Niềm Tin
Hạng người nầy còn được hiểu là Tín Ðức Bồ Tát. Loại Bồ Tát nầy lòng sùng mộ, tin tưởng nơi lễ bái thờ phượng, mà ít chú trọng về công trình trau giồi tâm trí và bồi đắp công đức vị tha. Tín Ðức Bồ Tát đặt trọn niềm tin nơi hiệu lực của tâm thành, hay niềm tin chân thành là đặc điểm chánh yếu của ngài. Tất cả những hình thức cụ thể về lễ bái, thờ phượng Phật tượng, là sở trường của Tín Ðức Bồ Tát. Tượng Phật là một nguồn cảm hứng gợi cảm đối với Ngài. Người Phật Tử bày tỏ lòng kính mộ tinh thần cao cả nơi pho tượng tượng trưng, và suy niệm về phẩm hạnh và ân đức của đức Từ Tôn. Càng suy tưởng đến Ðức Phật, càng kỉnh mộ Ngài. Ðó là lý do tại sao Phật giáo không khi nào phủ nhận hình thức ngưỡng mộ bề ngoài, mặc dầu pháp hành đáng được khuyến khích hơn và chắc chắn là bổ ích hơn, vả lại để đi đến thành quả thỏa đáng, đôi khi trí thức khô khan cũng cần được hưởng chút hương vị của đức tin. Ðức tin quá đáng lắm lúc cũng cần phải nhờ trí tuệ kiềm hãm để khỏi phải sa vào cuồng tín.
3- Luyện Tập Ðức Tánh Siêng Năng:
Hạng người nầy còn được hiểu là Tinh Tấn Bồ Tát. Loại Bồ Tát nầy thì luôn luôn tìm cơ hội để phục vụ kẻ khác, không có gì làm cho Tinh Tấn Bồ Tát hoan hỷ bằng tích cực phục vụ. Ðối với các Ngài:
- Làm việc là hạnh phúc và hạnh phúc là làm việc.
Không tích cực hoạt động thì các Ngài không có hạnh phúc.
Bởi vì lý tưởng của Tinh Tấn Bồ Tát không phải chỉ sống cho riêng mình mà còn sống cho kẻ khác nữa, vì thế tinh thần phục vụ cho người khác là đức tính căn bản của Tinh Tấn Bồ Tát. Tâm nguyện như thế nên người thực tập tâm nguyện Tinh Tấn Bồ Tát luôn luôn hoạt động, luôn luôn làm việc không ngừng, không biết mệt, không chán, tuy nhiên làm việc ở đây không phải làm việc như người nô lệ, mà như một chủ nhân. Các Ngài không ham muốn, không bám víu vào danh thơm tiếng tốt, các Ngài chỉ chú trọng đến việc làm, đến sự phục vụ, ai biết ai không biết mình, điều ấy không quan trọng. chẳng màng được khen, không sợ bị chê. Bồ Tát thản nhiên trước lời tán dương hay khiển trách. Bồ Tát quên mình trong khi phục vụ kẻ khác, có khi phải hy sinh đến cả tính mạng của mình để cứu mạng sống chúng sanh khác, những người bạn đồng hành trên bước đường dài dẳng của vòng sanh tử luân hồi.
Muốn quên mình để hiến thân cứu mạng sống cho một chúng sanh khác, Bồ tát phải thực hành tâm Bi và tâm Từ đến mức cao độ đặc biệt. Bồ Tát ước mong sự tốt đẹp và an lành của thế gian. Ngài thương tất cả chúng sanh như một bà từ mẫu thương đứa con duy nhất của bà. Bồ Tát hòa mình với tất cả mọi người, rất hoan hỷ xem tất cả mọi người như anh chị em. Thương yêu tất cả như mẹ như cha như thầy. Trong khi thực hành như vậy Bồ Tát mất dần ý niệm về cái ta và không thấy sự khác biệt giữa Ngài và người khác. Ngài tự hóa với tất cả, lấy tốt trả xấu, lấy thiện trả ác, lấy lành trã dữ, giúp đỡ tất cả, chí đến những người chủ tâm hại mình, bởi vì Bồ Tát hiểu rằng lực lượng của người dẫn đạo là pháp nhẫn. Vì thế bị nhục nhưng không nhục mạ, bị đánh đập nhưng không đánh đập, bị làm phiền nhưng không gây phiền nhiễu, Bồ Tát một mực giữ đức khoan hồng tựa như đất mẹ trầm lặng, Bồ Tát âm thầm chịu đựng tất cả những lỗi lầm của kẻ khác.
 Như trên đã trình bày, Bồ Tát là danh hiệu của người tu học chờ thời gian thành Phật, là người có chí nguyện tìm cầu đạo bồ đề mà được danh hiệu ấy. Bồ Ðề rốt ráo có nghĩa là hết thảy trí. Người vì tìm cầu trí tuệ hoàn toàn của Phật, đặc biệt mong cầu thành Phật nên gọi là Bồ Tát. Dĩ nhiên, nếu chỉ giải thích là người trí tuệ không thôi thì chưa đủ. Bồ Tát sở dĩ được xưng là Bồ Tát là ở chỗ xã kỷ để làm tất cả mọi việc lành. Nói cách khác là tận lực hạ hóa chúng sanh, mà việc làm đó cũng là một bộ phận của nhất thiết trí hoặc là chuẩn bị để đạt đến nhất thiết trí. Theo lập trường nầy, người có chí nguyện tu như thế gọi là Bồ Tát. Tuy nhiên Bồ Tát mà chúng tôi trình bày ở đây, trước sau vẫn chỉ muốn nói đến Bồ Tát Hộ Minh tiền thân của Phật Thích Ca, vì trong vô lượng, vô số, vô biên A Tăng Kỳ trăm kiếp về trước, Ðức Phật Ngài đã ra vào sanh tử dưới nhiều hình thức, nhiều thân phận. Do đó Bồ Tát ở đây không nhất định phải đội mũ, làm quan..... mà tiền thân của Ðức Phật Thích Ca, có khi làm ngựa, làm thỏ, làm chim, làm quốc vương, làm thương gia..v..v.. tất cả đều là thân hình phàm phu, và cũng là một con người bình dị như bao nhiêu con người khác. Nhưng dù sao đi nữa ở hoàn cảnh nào thân phận nào đi nữa, sau khi thực hiện xong tâm nguyện, phạm hạnh trong sạch, khi mạng chung vãng sanh lên cõi trời Ðâu Xuất, đó là nơi đến của những vị sau một thời gian dài tu luyện nhân cách Bồ Tát.
Nói là sanh về Ðâu Xuất, nhưng không phải về đây để an hưởng phước trời mà vì muốn giáo hóa chúng sanh, củng cố Bồ Tát đạo trước khi giáng trần độ sanh, nên sinh lên cõi trời Ðâu Xuất. Chúng sanh ở các cõi trời biết như thế, nên chư thiên ở hạ giới vì muốn nghe pháp nên lên cõi trời Ðâu Suất, còn chư thiên ở thượng giới muốn nghe pháp lại phải bay xuống cõi trời Ðâu Xuất nghe nhận Phật Pháp.
            Theo kinh điển lưu truyền cho biết, lúc Bổ Xứ Bồ Tát mới sinh lên cõi trời Ðâu Xuất Chư Thiên ở cõi trời Ðâu Suất gọi Bồ Tát là Hộ Minh, bởi nhân duyên ấy nên mới có hiệu là Hộ Minh, Chư Thiên truyền nhau gọi là Hộ Minh, lời truyền đó được truyền đi, trên thì suốt đến cõi trời Hữu Ðịnh, dưới thì thấu suốt đến cõi của A Tu La, vì thế mà các chúng sanh ở các tầng trời nầy đều tụ hội đến để nghe Bồ Tát Hộ Minh thuyết pháp.
            Nhờ tu tập, đầy đủ phước đức thiện căn, nên Hộ Minh Bồ Tát từ khi sinh lên cõi trời Ðâu Xuất thì cung điện của Chư Thiên, quang minh chiếu sáng, trang nghiêm tốt đẹp hơn, rồi lại xuất hiện ra vô lượng vô biên việc trang nghiêm khác. Riêng về Hộ Minh Bồ Tát tuy thấy năm món thắng dục nhưng tâm không mê, không có lãng quên chính niệm. Ở cõi trời Ðâu Xuất, thiên số thọ mệnh bốn ngàn năm, trong thời gian dài như vậy Bồ Tát cũng vì các Chư Thiên thuyết pháp giáo hóa, tỏ bày pháp tướng, khiến cho thiên chúng sanh tâm hoan hỷ. Theo thông lệ tất cả chúng sanh trên các cảnh trời khi hết phước, sắp đọa xuống nhân gian tự nhiên có năm tướng suy xuất hiện như là:
            01- Hoa trên đầu héo.
            02- Nách ra mồ hôi.
            03- Quần áo bị cấu ghét.
            04- Thân mất uy quang.
            05- Không thích chỗ ngồi cũ.
Nhưng riêng Hộ Minh Bồ Tát thì khác, khi thấy năm tướng suy hao ngài tự biết thời kỳ giáng trần đã đến, vì thế Ngài thông báo đến tất cả Thiên Chúng. Khi biết đươc tin Hộ Minh Tôn Giả sắp giáng trần các Thiên Chúng từ các cõi trời tha hóa, cõi sắc giới, cõi Dạ Ma, cõi Tứ Thiên Vương tất cả đều đến hội họp, cho đến Long Vương, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Cưu Bàn Trà, La Sát, Ðịa Cư Thiên, thuộc cõi Sắc và cõi Dục... tất cả đều bay lên cung trời Ðâu Xuất tập hợp một nơi, để nghe lời giáo huấn cuối cùng.
            Khi thấy chúng sanh ở các cõi trời tụ hợp đầy đủ, lúc bấy giờ Hộ Minh Bồ Tát, nhìn Thiên Chúng, Phạm Vương Ðế Thích, Hộ Thế, Chư Long, Tỳ Xá Xà..., bằng một tâm ý thư thái, không kinh sợ hải, không nghi, không sợ, và nói ra lời nói khoan hòa:
            - Nhân giả các người nên biết. Ta thấy năm tướng suy xuất hiện, hiện tượng nầy báo cho biết, chẳng bao lâu ta sẽ hạ sanh xuống nhân gian, quyết định không nghi. Thời đã đến cho nên các ngươi hãy niệm vô thường, nên tưởng những việc sợ hải, đời vị lai các ngươi hãy xem thân thể ô uế đừng nặng lòng yêu đắm, bởi vì các món dục ràng buộc vây hãm, ở trong sanh tử chẳng được xuất ly, thân hình sú uế, thực là chán ghét, tất cả các ngươi hãy chắp mười ngón tay quan sát thân thể ta đây. Tất cả các Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ, căn lành rất lớn, nên biết được các xứ sở, ở trong công đức, tịch định tâm mình, nên không sinh phiền não, không theo các khổ mà làm, thường ở gần tất cả chúng sanh khởi tâm đại bi.
Quý vị phải biết, tất cả chúng sanh ở nhân gian kia trồng các căn lành, sinh lên thiên cung, nơi đây phúc hết lại thoái lui xuống. Ta bởi vì thấy tâm tánh của các chúng sanh trong các cõi trời, cõi người như thế cho nên từ đây hạ sanh xuống nhan gian, vì tất cả chúng sanh trong thế gian diệt hết mọi khổ.
            Ðã đến lúc Bồ Tát vào đời để độ đời, nên sau dạy bảo Chư Thiên và  quán sát nhân duyên, khắp mọi nơi, mọi xứ Bồ Tát quyết định lựa chọn thân mẫu là Hoàng Hậu Mayàdevi, vì chính bản thân của đức Hoàng hậu có đủ 32 điều kiện:
01- Có đủ 32 chủng tướng.
02- Do chính đức mà sanh
03- Chi thể đầy đủ
04- Ðức hạnh không thiếu
05- Có đủ tài làm mẫu nghi thiên hạ
06- Luôn luôn là chánh thất.
07- Thuộc chủng loại thanh tịnh.
08- Tánh hạnh đoan chính không ai bằng
09- Danh đức sưng khen.
10- Chưa từng sanh sản
11- Có công đức lớn.
12- Thường niệm việc vui
13- Tâm thường tùy thuận các việc lành
14- Không có tà dâm
15- Thân miệng ý tự nhiên điều phục.
16- Tâm không có sợ.
17- Ða văn tổng trì
18- Rất mực tài khéo.
19- Tâm không có thiểm dối
20- Tâm không lừa dối.
21- Tâm không giận tức.
22- Tâm không ghen ghét.
23- Tâm không sẻn lận
24- Tâm không vội vả
25- Tâm khó lay chuyển
26- Có tướng chi đức
27- Tâm hay nhẫn nhục.
28- Tâm có hổ có thẹn
29- Có khả năng làm cho giận bớt dâm nộ, si
30- Là người con gái không có lỗi nhà
31- Hiếu thuận và hướng theo chồng.
32- Người có thể sanh tất cả các công đức.
Và cha là đức vua Suddhodana dòng họ Sakya, là quốc chủ của nước Kapilavastunagara(ngày nay là nước Napal), vì dòng họ nầy có đầy đủ 60 loại công đức:
01- Từ trước cho đến đời hiện tại là giòng tốt thanh lịch
            02- Tất cả các thánh thường quan sát nhà ấy.
            03- Không làm việc ác.
            04- Nhà ấy sanh ra đều thanh tịnh cả.
            05- Giòng họ ấy thanh tịnh không tạp.
            06- Gia thế con con cháu cháu kế tiếp tương thừa không đoạn tuyệt.
            07- Nhà kia từ trước đến nay là giòng họ làm vua không dứt.
            08- Tất cả các vua nhà ấy sinh ra đều trồng sâu nhân lành từ đời trước.
            09- Những người sinh trong nhà ấy thường được thánh khen ngợi,
10- Những người sinh trong nhà ấy đều là những người có uy đức.
            11- Nhà ấy tất cả các phụ nữ đều đoan chính.
12- Nhà ấy có rất nhiều nam nhi trí tuệ.
            13- Nhà ấy sanh ra tâm tính diệu thuận
            14- Người sanh ra nhà ấy không có đùa bỡn
            15- Nhà ấy sanh ra không có sợ hãi
            16- Nhà ấy sanh ra không có khiếp rạt
            17- Nhà ấy sanh ra thông minh đa trí
            18- Nhà ấy sanh ra phần nhiều tài khéo
            19- Nhà ấy sanh ra biết sợ tội lỗi
            20- Nhà ấy sanh ra chẳng cùng thế gian tài khéo tập hợp, cũng chẳng ham của để sinh sống thân mình
            21- Nhà ấy sinh ra thường được lòng bạn bè
            22- Nhà ấy sinh ra chẳng lấy việc sát hại cầm thú để nuôi sống thân mạng.
            23- Dòng họ nhà ấy thường nhớ đến ân nghĩa
            24- Dòng họ nhà ấy hay tu khổ hạnh.
            25- Nhà ấy sanh ra chẳng theo người khác chuyển
            26- Nhà ấy sanh ra chẳng từng mang hận
            27- Nhà ấy sanh ra chẳng biết tâm si
            28- Nhà ấy sanh ra chẳng biết sợ hãi thuận theo người ta.
            29- Nhà ấy sanh ra sợ sát hại người
            30- Nhà ấy sanh ra không có tôi hoạn
            31- Nhà ấy sanh ra khất thực được nhiều
            32- Ðến nhà ấy không bị phạt sai khiến
            33- Nhà ấy cương cường khó mà hàng phục.
            34- Phép tắc nhà kia thường đúng lề luật
            35- Nhà kia thường thích bố thí chúng sanh
            36- Nhà kia kiến lập nhân quả cần cù
            37- Nhà ấy sanh ra thế gian khoẻ mạnh
            38- Nhà ấy thường thường cúng dường tất cả Chư Tiên, Chư Thánh.
            39- Nhà ấy thường thường cúng dường thần linh.
40- Nhà ấy thường thường cúng dường Chư Thiên
41- Nhà ấy thường thường cúng dường Ðại Nhân.
42- Nhà kia lịch đại đời đời không có oán thù.
43- Nhà ấy danh tiếng ưu chấn mười phương
44- Nhà kia là tối thắng tất cả mọi nhà.
45- Nhà ấy sanh ra từ đời thượng thế đến nay đều là dòng thánh.
46- Nhà ấy sanh ra ở trong dòng thánh là tối đệ nhất
47- Nhà ấy sanh ra thường là dòng chuyển luân thánh vương
48- Nhà ấy sanh ra là chủng tính đại oai đức nhân
49- Nhà ấy sanh ra có vô lượng quyến thuộc vây quanh
50- Nhà ấy sanh ra có họ hàng không phá hoại nhau.
51- Nhà ấy sanh ra anh em họ hàng thắng tất cả mọi người
52- Nhà ấy sanh ra biết hiếu dưỡng mẹ.
53- Nhà ấy sanh ra đều hiếu thuận cha
54- Nhà ấy sanh ra đều cúng dường tất cả Sa Môn.
55- Nhà ấy sanh ra đều cúng dùng tất cả Bà La Môn
56- Nhà ấy sanh ra năm giống thóc phì nhiêu, kho đụn tràn đầy.
57- Nhà ấy sanh ra có rất nhiều vàng bạc, sa cừ mã não, tất cả những tư tài không thiếu thốn.
58- Nhà ấy sanh ra nuôi nhiều đày tớ, voi ngựa, trâu dê, đầy đủ tất cả.
59- Nhà ấy sanh ra chẳng từng thọ ân người ta.
60- Nhà ấy sanh ra như thế, tất cả mọi việc đầy đủ ở trong thế gian không thiếu thốn.
Sau khi quán sát để tìm quốc độ và phụ mẫu xứng đáng cho việc giáng thế độ sanh, Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát Hộ Minh ở Ðâu Xuất cũng đã tuyên thuyết một trăm lẻ tám pháp minh môn, lưu lại cho Chư Thiên để ức niệm.
            Tối hậu thân Bồ Tát là từ cung trời Ðâu Xuất giáng trần, qua hình ảnh voi trắng sáu ngà để vào thai mẹ, và xuất hiện trong lúc tư tưởng, tôn giáo, triết thuyết cũng như về mặt chính trị, kinh tế và xã hội thật vô cùng phức tạp. Thêm vào đó nạn kỳ thị tôn giáo cũng trầm trọng. Phía Tây Ấn Ðộ là địa bàn hoạt động của Bà La Môn Giáo. Phía Ðông thuộc Kỳ Na Giáo. Hai tôn giáo nầy tranh giành ảnh hưởng với nhau, và chi phối hoàn toàn đời sống con người, không những về mặc tinh thần mà cả về phương diện vật chất nữa. Có thể nói đây là một thời đại loạn ly xứ Ấn Ðộ. Con người lúc nầy không còn biết tin tưởng và bám víu vào đâu. Giữa lúc hoàn cảnh bế tắc ấy, Bồ Tát Hộ Minh xuất hiện để sau nầy là một Thái Tử Tất Ðạt Ða, là Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni như một mặt trời sáng rỡ trong buổi sớm mai, làm mất đi những bóng tối của đêm đen dày đặc, đang phủ che cuộc đời. Ngài là vị cứu tinh không chỉ dành riêng cho xứ Ấn Ðộ thời ấy, mà còn là của cả nhân loại chúng sanh. Thật vậy, Ðức Phật là người đầu tiên khởi xướng thuyết Nhân Bản, lấy con người làm cứu cánh để giải quyết hết các vấn đề bế tắc của thời đại, cả về nhân giới, tâm giới và siêu giới. Và giáo lý của Ngài là nguồn sống, là ánh sáng, và là Niềm Tin cho mọi con người trong xã hội, ở bất cứ thời gian nào, hoàn cảnh và nơi đâu... Ðó là lý do và cũng là đặc điểm chính yếu tại sao Bồ Tát Hộ Minh lại phải xuất hiện trên cõi đời nầy.
 
Tài Liệu Tham Khảo
- Ðức Phật & Phật Pháp
- Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận
- Ðường Xưa mây Trắng.
- Phật Học Tinh Hoa
- Kinh Phật Bản Hạnh Tập
-- o0o --