Tinh Thần Tự Chủ
Trúc Giao ghi
--o0o--
 
            Những tướng sĩ chiến thắng quân địch ngoài chiến trường thường được ca tụng là anh hùng. Càng chiến thắng được nhiều quân địch lại càng được hoan hô là anh hùng cái thế. Nhưng những anh hùng cái thế đó như
- Nã Phá Luân,
- Thành Cát Tư Hản...
Họ có thể chiến đấu chiến thắng ngoài chiến trường nhưng họ chưa chiến thắng được chính bản thân họ.
Chiến thắng người đã khó, mà thắng mình lại càng khó hơn cho nên Ðức Phật đã dạy:
- Dầu ta có chinh phục cả ngàn lần, cả ngàn người trên chiến trường, nhưng chinh phục được chính bản thân mình là chiến thắng cao quý nhất.
            Chinh phục mình không gì khác hơn là tinh thần tự chủ, làm chủ lấy mình.
            Thông thường con người ai cũng có những niềm cảm xúc, vì thế chinh phục chính mình có nghĩa là nắm vững phần tâm linh của mình, làm chủ những hiện tượng tâm lý:
            - Những cảm kích,
            - Những xúc động
            - Những ưa thích
- Những ghét bỏ của chính mình.
Tự kiểm soát mình là chìa khóa mở cửa đưa vào hạnh phúc.
Ðó là năng lực nằm phía sau tất cả mọi thành tựu chính đáng. Hành động thiếu kiểm soát phần tâm linh nên bị mọi thứ xung đột phát sanh trong tâm. Phương pháp để loại trừ những sự xung đột nầy, một cách duy nhất là ta phải thực tập để kiềm chế những:
- Tham vọng,
- Những thích thú của mình
- Những độc đoán ích kỷ
Và cố gắng sống đời tự chủ và trong sạch.
            Mọi người đều biết lợi ích của thể thao hay công trình luyện tập cơ thể.
Tuy nhiên chúng ta không phải chỉ có thể xác mà thôi. Chúng ta còn có cái tâm, và tâm cũng cần được luyện tập.
Phương pháp rèn luyện tâm không có phương pháp nào hay hơn phương pháp thực tập thiền. Vì thế thực hành thiền quán là chìa khóa mở, là con đường đi đến tự chủ, đến trạng thái thoải mái và trạng thái thoải mái sẽ đem lại hạnh phúc an lạc.
            Trong tất cả các năng lực, tâm lực là hùng mạnh nhất. Ðể thấu đạt bản chất thật sự của đời sống, ta cần phải khảo cứu tường tận những hóc hẻm sâu kín bên trong nội tâm. Ðiều nầy chỉ có thể thực hiện được bằng cách nhìn trở lại vào sâu bên trong chính mình, một công trình khảo sát đặc nền tảng trên giới đức trong sạch và pháp hành thiền.
            Hiệu quả đầu tiên là ta trở về với chính con người của mình. Bởi vì trong cuộc sống hằng ngày, ta thường bị đắm chìm trong quên lãng. Tâm ta rong ruổi theo muôn ngàn đối tượng và ta ít khi có dịp để trở về với chính mình. Sống như thế lâu ngày thì trở nên xa lạ đối với chính ta. Ðó là hiện tượng phóng thể.
            Nương vào sự kiểm soát hành động, ta có cảm giác ta là một con người đi xa trở về ngôi nhà tổ đường. Chính ngôi nhà ấy ta sẽ thấy ấm áp, chính nơi đây ta tìm lại với chính ta.
            Hiệu quả thứ hai là tiếp xúc với sự sống. Thiền quán là tiếp xúc với sự sống trong giờ phút hiện tại. Ta chỉ có thể gặp mặt sự sống trong giờ phút hiện tại, vì vậy nếu ta không tiếp xúc được với giây phút hiện tại, thì ta không thực sự tiếp xúc được với sự sống. Muốn tiếp xúc với sự sống trong giờ phút hiện tại, ta phải tương đối có tự do, nghĩa là không bị ràng buộc nhiều quá vào những:
- Nuối tiếc hay ân hận trong thời quá khứ
- Những lo lắng băng khuăn về tương lai
- Những giận hờn và đam mê vào trong hiện tại.
Sự sống đầy dẫy và nhiệm mầu trong ta và chung quanh ta, nếu ta bị ràng buộc thì ta không thể tiếp xúc với nó, nghĩa là ta không thật sự sống đời sống của ta.
Trở về kiểm soát những hành động có ý thức là một phương thuốc thần diệu để rủ bỏ những ràng buộc ấy và để tiếp xúc với sự sống trong giờ phút hiện tại.
Kiểm soát hành động của ta, việc trước tiên phải chú ý đến hơi thở của ta, vì sự hiện hữu của hơi thở là một thực tại nhiệm mầu.
Tiếp xúc với hơi thở, sống với hơi thở ta đã bắt đầu cảm thấy thỏai mái, thanh tịnh an lạc, không bị lo âu, và ham muốn lung lạc thống trị.
Càng thở, ta càng làm cho hơi thở điều hoà lắng dịu, và sự thanh thản cùng niềm an lạc của ta cũng do đó mà càng lúc càng vững chải thêm lên.
Kiểm soát chính ta bằng phương pháp nương vào hơi thở, ta trở về với ta, ta phục hồi được sự toàn vẹn của con người ta. Thân và tâm trở về một mối nhờ hơi thở, khi phục hồi được con người toàn vẹn của ta, ta sẽ thực sự tiếp xúc được với những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại. Ðó chính là sự sống, đó là tinh thần tự chủ.
            Vì nhận thức được chân lý nầy, càng ngày càng có nhiều người Phương Tây học hỏi giáo pháp của Phật, những lời dạy của đức Thế Tôn, trong giới trí thức Tây Phương người ta hiểu rõ rằng Ðạo Phật là một tôn giáo có nền tảng tâm lý học cao thâm nhất, và nói về những hoạt động vô cùng phức tạp của tâm thì Phật Giáo giảng giải đầy đủ, tận tường, và rành mạch hơn tất cả các hệ thống tư tưởng khác.
            Theo quan điểm của Phật Giáo thì tâm hay thức là phần nồng cốt, là trụ cột kiếp nhân sinh. Tất cả những kinh nghiệm tâm lý như:
- Ðau ốm hay sung sướng,
- Buồn hay vui,
- Thiện hay ác,
- Sống hay chết...
Tất cả những kinh nghiệm tâm lý ấy đều không do một nguyên lý ngoại lai nào mà chỉ là những hành động do những tư tưởng đúng hoặc sai của chính bản thân mình tạo nên.
            Trong thời gian gần đây nhiều nhà tâm lý học, gia công khảo sát và nghiên cứu những hiện tượng tâm linh và công trình tìm tòi học hỏi ấy đã khám phá được những phong phú của tâm mà từ lâu còn bị che dấu.
            Vì thế người Tây Phương càng ngày càng thích thú nghiên cứu tư tưởng Phật Giáo nhất là pháp hành thiền.
Lý do dễ hiểu là những cảm giác tâm không an càng ngày càng tăng trưởng cùng khắp năm châu, nhất là một quốc gia tiên tiến kỷ thuật như Hoa Kỳ.
Và cảm giác bất an nầy càng ngày càng nhiều, nổi bậc nhiều nhất là trong giới trẻ.
Vì điều kiện, môi trường tiếp xúc của xã hội nên có một số các bạn trẻ, trong cuộc sống hiện tại có những:
- Lo lắng,
- Phiền muộn
- Ðấu tranh cho sự sinh tồn....
Nghĩa là cuộc sống hiện tại đã làm cho họ không cảm thấy thoải mái nên họ đi tìm một phương trời mới, một cảm giác mới, theo hai quan điểm:
1- Ðể giải tỏa những khó khăn, những buồn nãn bằng cách dùng chất ma túy. Các bạn trẻ nầy họ tin tưởng rằng đó là giải đáp cho những bất mãn của họ.
Nhưng khi hiểu ra các loại ma túy không những không giúp họ trong việc tìm về với tĩnh lặng, tìm về với cảm giác thoải mái mà ma túy còn làm giảm suy tâm lực, làm cho tâm lực không tăng trưởng.
            Ðể từ đó những người bạn trẻ đáng thương nầy bị phủ vây, và bị đau khổ do chứng bệnh nghiện ngập bởi một chứng bệnh mới, một chứng bệnh gần như không thể chửa trị đối với phần lớn những người bị nhiễm, và rất đông bệnh nhân phải bỏ mạng, một chứng bệnh truyền nhiễm hứa hẹn đưa bệnh nhân thả hồn vào thế giới mơ mộng thần tiên, rời xa cuộc sống vô chí hướng, và không giá trị, một chứng bệnh trên hết đe dọa giới trẻ trong thời đại kỷ thuật như hiện nay chúng ta đang sống.
Nói về chứng bệnh ma túy, hàng triệu thanh niên đã nhiễm chứng bệnh ấy, hàng ngàn người chắc chắn không thoát khỏi yểu mạng, hàng trăm ngàn đã nghiện nặng, hoặc về tâm lý, phải tùy thuộc vào các thứ thuốc nhẹ hơn như cần sa, làm hao mòn trí nảo, giảm suy khả năng làm việc, và đưa đến tan rã tâm tánh.
2- Những người bạn trẻ nầy chưa có một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề thanh niên ngày nay trong hệ thống tín ngưỡng cổ truyền lấy tín điều làm nền tảng.
Câu hỏi về thế giới nội tâm không được giải đáp.
Ðối với tâm trí tìm tòi, giá trị mà được người ta đặt vào những sắc thái vật chất của đời sống hình như quá nông cạn, vì những sắc thái vật chất mà con người hiện đại xem như là hiển nhiên phải có, trong khi đó điểm trọng yếu trong vấn đề của người Phương Tây là phần tâm lý.
Kiến thức về vật chất, khoa học và kỷ thuật là loại hiểu biết làm thế nào rõ ràng nhưng không đem lại con người câu giải đáp cho vấn đề thế gian, vấn đề con người. Loại hiểu biết nầy đưa đến tình trạng tạo thêm các vấn đề khác.
Từ đó những người bạn trẻ cần có một phương thuốc để cứu chữa trị bệnh rối loạn quay cuồng của thế gian vật chất, vì thế họ đi phải đi tìm an lạc và vắng lặng.
Pháp hành thiền của Ðức Phật dạy có khả năng tạo nên những biến đổi của sinh lý, và những biến chuyển có lợi về mặt tâm lý, có thể gây ảnh hưởng tốt đến nhịp tim, áp suất huyết, và những sắc thái khác trong hệ thống tuần hoàn máu huyết của chính bản thân.
            Tất cả mọi người chúng ta đang chịu đựng nhiều khổ đau chỉ vì mỗi cá nhân, mỗi loài không biết rằng mình đang cùng chung một thể tính với mọi người và mọi loài khác, và từ đó sự u mê đó đã làm phát sinh bao nhiêu phiền não:
- Rối loạn tâm hồn
- Tham đắm giận hờn
- Kiêu căng
- Nghi ngờ
- Tật đố và sợ hải ....
Những tâm niệm ấy đều phát sinh từ gốc vô minh. Nếu mỗi người biết tịnh tâm để nhìn lại, để quán chiếu sâu sắc vào lòng sự vật thì ai cũng có thể đạt tới sự hiểu biết, và sự hiểu biết nầy sẽ làm tiêu tan được mọi phiền não và làm phát sinh được sự chấp nhận và niềm tin yêu.
            Tính tình của một con người dù độc ác đến đâu, tất cả cũng là do những điều kiện sinh lý, tâm lý và những môi trường chung quanh trong xã hội tạo thành. Nếu hiểu được điều đó ta sẽ không còn oán ghét con người mà chỉ lo chuyển hóa những điều kiện sinh lý, tâm lý và môi trường sống của xã hội. Với một nhận thức như thế ta không còn oán hận mà chỉ có xót thương. Có xót thương ta mới ra tay hành động để chuyển hoá con người và chuyển hóa hoàn cảnh
            Con đường đức Phật đã vạch ra là con đường hiểu biết để xót thương và hành động. Muốn thương yêu phải hiểu biết. Hiểu biết là chìa khóa của cánh cửa giải thoát, mà muốn đạt tới hiểu biết con người phải sống tỉnh thức, từng giây từng phút, thức tỉnh để tiếp xúc, để nhận diện để nhìn thấy những gì đang xảy ra trong ta và quanh ta. Cái nhìn ấy càng ngày sẽ càng sâu sắc. Và khi nhìn sâu được vào lòng một hiện tượng thì hiện tượng đó sẽ phơi bày chân tướng trước mặt ta. Ðó là bí quyết của chánh niệm, chỉ có con đường duy nhất là con người phải thông suốt bí quyết nầy thì mới có thể tự làm chủ lấy mình.
-- o0o --