-
Giá Trị Ðộc Ðáo Của Thiền
-
Thông Trí
-
--o0o--
-
-
Thiền Tông cũng như tất cả các trường phái Ðại Thừa Phật Giáo
khác đều lấy Ðại Tạng Kinh làm thánh điển căn bản. Nội dung
của thánh điển nầy là ghi chép lại những lời dạy của Ðức Phật
khi còn tại thế. Quá trình hình thành thánh điển nầy qua những
thời kỳ kết tập kinh điển... Sau nầy các đệ tử của ngài dựa
vào những điều ghi chép, căn bản để chú thích, diễn giải, nghị
luận thêm vào, cuối cùng tạo thành Ba Tạng Thánh Ðiển.
-
Ba
Tạng Thánh Ðiển đó là: Kinh Tạng, Luật Tạng, và Luận Tạng.
-
Nguyên thỉ của Tam Tạng Thánh Ðiển được ghi chép
bằng tiếng Sanskrit và Pali, về sau được dịch ra thành Tạng
Hán Văn, Tạng Tây Tạng, Tạng Mông Cổ, Tạng Nhật Bản, và gần
đây lại được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, và Ðức..v..v..
Các thứ kinh sách đã được phiên dịch và biên chép nầy được xem
như những thánh điển, những tài liệu rất quý báu để tìm hiểu
hệ thống tư tưởng và nền Triết học sâu xa của Phật Giáo.
-
Vào đời Ðường(618-907) và đời Tống(960-1279) của
Trung Hoa các nhà truyền giáo đã đưa Ba Tạng Kinh Ðiển vào
Nhật gồm có 5,048 quyển, và gần đây giáo sư Takakusu đã bổ túc
cho những kỳ ấn hành mới nhất nầy gồm các bản văn của Trung
Hoa và Triều Tiên cũng như bản văn vừa tìm thấy tại Trung Á và
Nhật Bản, một công trình kể cả 13 năm gồm 13,520 quyển, chia
làm 100 tập mỗi tập 1000 trang. Hiện nay toàn bộ văn học của
Phật Giáo tức là Tam Tạng Kinh Ðiển được tồn trữ tại Nhật Bản
được coi là tương đối đầy đủ và được các giới học giả để tâm
khảo cứu.
-
Như thế Tam Tạng Thánh Ðiển là một kho tàng văn
hóa chứa đựng rất nhiều kinh sách. Có thể nói trên thế giới
ngày nay, ngoài Phật Giáo ra không có một tôn giáo nào có một
kho tàng kinh sách vĩ đại như thế. Tam Tạng Thánh Ðiển nầy
ngoài tính cách chứa đựng một hệ thống triết lý tôn giáo ra,
còn có một tính cách quan trọng hơn, là chứa đựng một kho tàng
về văn học, nghệ thuật tư tưởng Ðông Phương rất dồi dào phong
phú.
-
Từ Ba Tạng Thánh Ðiển, các đệ tử của Ðức Phật y cứ
vào lời giảng dạy tạo thành các trường phái khác nhau. Tại Ấn
Ðộ cũng đã hưng thịnh hơn 1500 năm, và sau đó được truyền bá
sang các nước khác.
-
Nguyên Thỉ Phật Giáo hành trì giống như Ðức Phật còn tại thế,
và tiếp tục phát triển tại các nước: Thái Lan, Miến Ðiện, Tích
Lan, và Cam Bốt. Ðại Thừa Phật Giáo, chú trọng đến sự giải
thoát của quần chúng, thì được phát triển tại Trung Hoa, Nhật
Bản, Tây Tạng, Mông Cổ, Việt Nam... Có thể nói sự phát triển
của Phật Giáo Ðại Thừa tại Trung Hoa đã tiến những bước dài và
cũng là nơi mà những tư tưởng dị biệt của các tôn phái đại
thừa được hệ thống hóa. Những trường phái Ðại Thừa Phật Giáo
phát triển tại Trung Hoa gồm có:
-
01-
Tỳ Ðàm Tôn
-
02-
Thành Thật Tôn
-
03-
Tam Luân Tôn
-
04-
Luật Tôn
-
05-
Niết Bàn Tôn
-
06-
Ðịa Luận Tôn
-
07-
Tịnh Ðộ Tôn
-
08-
Thiền Tôn
-
09-
Nhiếp Luận Tôn
-
10-
Câu Xá Tôn
-
Phát
triển tại Trung Hoa trước sau có mười tôn phái, tuy nhiên cho
đến thời kỳ hoàn chỉnh trong đời Tùy và Ðường thì Ðịa Luận Tôn
sau trở thành Hoa Nghiêm Tôn, Niết Bàn Tôn trở thành Thiên
Thai Tôn, cùng lúc có sự góp mặt của Thiền Tôn, cả ba đều phát
triển rất mạnh, sau đó lại truyền sang Nhật Bản. Thời kỳ đầu
sự phát triển của Hoa Nghiêm Tôn, Thiên Thai Tôn, và Thiền Tôn
phát triển rất mạnh tại Trung Hoa, nhưng sau đó lại suy vi,
tuy nhiên tại Nhật Bản các tôn phái nầy vẫn còn tồn tại trong
đức tin quần chúng, cũng như trong những công cuộc nghiên cứu
của giới trí thức. Do đó con đường duy nhất để trình bày toàn
bộ triết lý của đạo phật với những tôn phái dị biệt của nó, có
lẽ là chúng ta phải thiết lập một tổng cương về Phật Giáo Nhật
Bản.
-
Mặc
dầu Ba Tạng Thánh Ðiển chứa đựng một hệ thống triết lý Phật
Giáo, và cũng là chứa đựng một kho tàng về văn học, nghệ thuật
tư tưởng của nhân loại. Các trường phái của Ðại Thừa Phật
Giáo, có những trường phái cho Kinh sách là vật thiêng liêng,
tuyệt đối phải tôn trọng tiêu biểu như:
-
a-
Tịnh Ðộ Tôn: Bảo vật của tôn phái nầy là:
-
- A
Di Ðà Kinh
-
- Vô
Lượng Thọ Kinh
-
-
Quán Vô Lượng Thọ
-
b-
Tịnh Ðộ Chân Tôn: Bảo vật của tôn phái nầy là:
-
- Vô
Lượng Thọ Kinh
-
c-
Nhật Liên Tôn: Bảo vật của tôn phái nầy là
-
-
Kinh Pháp Hoa
-
Tuy
nhiên có những trường phái thì không phải như thế. Tiêu biểu
như Thiền Tôn. Ðặc điểm của Thiền Tôn, mặc dầu là có căn cứ
vào kinh điển, nhưng cũng vừa phủ nhận giá trị tuyệt đối của
văn tự. Theo quan điểm của Thiền, thì văn tự và ngôn ngữ là
những hình thức, phương tiện để diễn tả tư tưởng, biểu hiện
những khái niệm trườu tượng của tâm linh. Tư tưởng và khái
niệm không những chỉ là những vật đã được diễn tả nơi văn tự
và ngôn ngữ. Còn có những cái trong tư tưởng, trong khái niệm
mà văn tự và ngôn ngữ không thể diễn tả được, hay chỉ diễn tả
được một phần nào thôi. Vì thế văn tự và ngôn ngữ không có
những giá trị tuyệt đối. Ðối với Thiền, văn tự và ngôn ngữ chỉ
là những đối tượng, những ngoại diện. Vì thế không thể cố chấp
nơi văn tự và ngôn ngữ, mà phải rời nó đi tìm chân lý. Thiền
Tôn cho rằng người mà còn chấp trước vào danh ngôn hay luật lệ
thì không bao giờ có thể thấu đáo hoàn toàn ý nghĩa chân thật
của người nói. Lý tưởng hay chân lý mà Ðức Phật chứng ngộ chắc
chắn khác hẳn với những gì mà Ngài đã giảng dạy, bởi vì giáo
thuyết nhất thiết bị ước định bởi ngôn từ mà Ngài dùng bởi
thính chúng để Ngài giáo hóa và bởi hoàn cảnh xảy ra cho người
nói và nghe. Cái mà Thiền nhắm đến là lý tưởng của sự giải
thoát và không bị ước định bởi ngôn từ ngoại cảnh, vì thế
Thiền Tôn hay còn gọi là Phật Tâm Tôn có những điểm đặc sắc
khác với các trường phái khác là như thế.
-
Thiền Tôn hay còn gọi là Phật Tâm Tôn là muốn nói trường phái
dùng tâm làm tiêu điểm để tu tập, nên còn gọi là tâm giáo hay
giáo lý về Tâm. Chữ nầy có lẽ là lược ngữ hay nhất để Thiền
Tôn chỉ những gì Thiền muốn nói, vì những gì Thiền giảng dạy
chính là đường lối để giác ngộ viên mãn về tâm. Ngộ chỉ là một
tên khác chỉ sự khai mở viên mãn của cái tâm nội tại. Ngoài
cõi miền sâu thẳm và mênh mông của Tâm thì chẳng có gì để ngộ
cả. Do đó mục tiêu duy nhất của Thiền là khiến ta có đủ khả
năng để hiểu, thực hiện, và toàn thiện của tâm mình. Tâm là
chủ đề và then chốt của việc nghiên cứu Thiền. Phật Giáo và
Tâm Lý Học hiện đại đều cho chúng ta biết rằng tâm có nhiều
phương diện và giai tầng. Tuy nhiên, Thiền không lưu tâm đến
phạm vi dị biệt nầy mà chỉ lưu ý đến việc thâm nhập vào thể,
hoặc là bản chất, hoặc cái điểm tận cùng của tâm, vì Thiền chủ
trương rằng một khi nắm được cái tâm điểm nầy, tất cả những
cái khác hẳn trở nên có phần không hệ trọng và sẽ rõ như ban
ngày.
-
Thế
thì cái bản chất của tâm là gì? Nói một cách cô đọng bản chất
của tâm là tự thức. Tự Thức có nghĩa là ý thức được những biến
hiện của ý thức, hoặc ý thức được các ấn tượng nhận được hay
các hình ảnh do ý thức nhận bắt được. Ý thức được sự biến hiện
nầy là một kinh nghiệm tuyệt đối thuần túy trong đó không có
chủ thể(năng tri) hoặc khách thể(sở tri), năng tri và sở tri
hợp nhất vào một thực thể của cảm thức thuần túy. Trong cái
cảm thức thuần túy nầy không có chỗ cho sự lưỡng phân của nhị
nguyên luận. Tự thức thuần túy thì thực sự và thực nghiệm có
tính chất bất nhị, như các hiền triết Phật Giáo và các tôn
giáo khác đã chứng thực cách đây nhiều thế kỷ. Tự thức tức là
bản chất của tâm không phải là tác năng của tri thức, mà ta
chính là tri thức trong hình thức chân thật nhất của nó. Khi
một người khám phá ra cái tự thức nầy, thì người ấy sẽ thấy cả
con người mình thay đổi. Trong khi dấn thân vào một hành động
nào đó, người ấy sẽ cảm thấy như mình đang vượt qua chính hành
động đó, đang nói chuyện và đi lại, nhưng người ấy cảm thấy
cái nói và đi của của mình không giống như trước, mà bây giờ
chính mình đi với một tâm thức mở rộng. Người ấy thực sự biết
rằng chính là mình đang làm cái công việc đi, kẻ chỉ đạo chính
là mình đang ngồi ngay giữa tâm của mình, kiểm soát tất cả
hành động một cách tự nhiên. Người ấy đi trong ý thức sáng sủa
và với tâm linh chiếu diệu. Nói cách khác, người ấy đã thực
hiện tự thức cảm thấy rằng mình không còn là tên đầy tớ ngoan
ngoãn của sự mù quáng, mà là chủ của chính mình.
-
Nếu
cái tự thức nầy được duy trì và tôi luyện, chắc chắn chúng ta
thể nghiệm được cái phương diện sáng tỏ của tâm mà chúng ta
thường gọi là Tỉnh Thức. Khi cái ý thức chiếu diệu nầy được
tôi luyện tới mức độ viên mãn nhất của nó, chúng ta thấy rõ
ràng vũ trụ nằm trong vòng bao trùm của nó. Hàng nhị thừa đã
lầm lạc coi trạng thái nầy là trạng thái cao nhất, trạng thái
Niết Bàn. Nhưng theo Thiền, trạng thái nầy vẫn còn luân hồi
sanh tử. Những đạo sĩ ngoại đạo đã đạt đến trạng thái nầy vẫn
còn bị ràng buộc bởi cái tư tưởng nhất nguyên đã bắt rễ sâu
xa, không đủ khả năng để cắt đứt sợi dây chấp trước vi tế trói
buộc, và không thể tự giải thoát mình qua bờ bên kia của tự do
hoàn toàn. Do đó tự thức, hoặc cái hình thức đã tôi luyện của
nó, cái ý thức chiếu diệu là một manh mối của tất cả những
thực hiện nội tâm, bản chất và đặc tính của nó vẫn chấp trước.
Ngộ của Phật Giáo không đạt được bằng cách bám lấy hay bành
trướng tự thức của mình. Trái lại sự giác ngộ đạt được nhờ
giết chết hay tiêu diệt bất cứ một sự chấp trước nào vào cái ý
thức chiếu diệu nầy, bằng cách vượt qua nó thì chúng ta mới
đạt đến được cái tâm điểm tận cùng nhất của tâm. Cái không
hoàn toàn tự do, hoàn toàn vô tướng sáng tỏ. Cái tính không
chiếu diệu nầy, trống rỗng nhưng năng động, là thể của tâm.
Như thế, Phật tâm vốn cũng chỉ là Tâm người thường, nhưng nếu
biết và siêng năng thực tập chỉ cần nhìn thẳng vào tâm địa đó
là có thể đưa hành giả đến giác ngộ viên mãn.
-
Chủ
ý chung của Thiền Tôn trước sau gì cũng đều khuyến khích để
chúng ta tự thấy đúng và tự đi đúng. Thấy đúng có nghĩa kiến
đạo, khác biệt với đi đúng, vì đi đúng có nghĩa là tu đạo. Bởi
vì bình thường người ta thường đi mà không thấy, do đó Thiền
Tôn chú trọng đến thực hành bằng cách trở về với con người
thật của mình, tức là đi như thế nào, để đừng xao lãng việc tu
tập cho chính mình và việc giáo hóa những hoạt động trí thức,
để xác định con đường chân chính tu tập, tức là thấy thế nào.
Ðể phán đoán con đường sắp đi có đúng hay không, chúng ta hãy
cứ thử tìm hiểu. Trước nhất trong xã hội hiện tại mọi người ai
cũng biết rằng học vấn hay những phát minh của khoa học đang
cung ứng cho đời sống hiện tại là quan trọng, nhưng càng thực
tập, càng đi chúng ta càng khám phá ra rằng triết lý quan
trọng hơn tất cả những thứ khác. Bởi vì trong xã hội hiện đại,
chúng ta thấy đầy đủ tất cả những phương tiện không thiếu thứ
gì, nhưng giả dụ trong trường hợp mà khoa học không cung ứng
một giải đáp thoả đáng nào, thì con đường duy nhất là chúng ta
phải trông cậy vào phương pháp tư duy của Thiền để soi tỏ vào
bất cứ vấn đề nào được nêu ra. Vì tính cách quan trọng như vậy
cho nên trước tiên chúng ta phải thấy con đường rồi mới bắt
đầu đi trên đó. Mỗi bước tiến nhờ vào tư duy sẽ đưa người vượt
qua những ồn ào, náo nhiệt, phiền muộn, lo âu, thị phi của
kiếp người, để tiến lần đến hư không của thiên giới và cuối
cùng đạt đến giác ngộ viên mãn như Ðức Phật.
-
Một
khía cạnh khác Thiền Tôn dạy chúng ta phải tập Quán. Quán là
con mắt nhìn thấu suốt các vấn đề không bị chướng ngại và đồng
thời là bước chân trên con đường chân thật. Thiền định và quán
là thấu kính trong đó những đối tượng bên ngoài bị tụ hội để
rồi phân tán và khắc ấn tượng lên mặt của những âm bản bên
trong. Sự tập trung vào thấu kính nầy chính là định, và định
càng sâu thì giác ngộ càng mau chóng. Những gì khắc đậm hơn
vào lớp phim âm bản là huệ và căn bản của những hoạt động tri
thức. Qua ánh sáng trí huệ, rọi bên ngoài hành giả nhìn và
thấy lại cái ngoại giới sai biệt rồi theo đó mà hành sự thích
nghi vào cuộc sống thực tế.
-
Ðó
cũng là lý do tại sao Thiền tôn chủ trương không lập văn tự.
Không lập văn tự không có nghĩa là Thiền Tôn không dùng văn
tự, mà không lập văn tự ở đây muốn nói là không quan niệm văn
tự trong kinh điển là những vật tuyệt đối, là mục đích cuối
của con đường đi tìm chân lý. Phải biết rằng ở đây nói không
lập văn tự chứ không phải nói là không dùng văn tự. Bởi vì
Thiền Tôn cũng có những kinh điển đọc tụng hằng ngày. Thiền
Tôn tuy là đọc tụng kinh sách, nhưng không bao giờ chấp trước,
trái lại chú trọng phần thể đắc. Hơn nữa, chúng ta cũng cần
nhớ rằng kinh điển phần nhiều là tùy theo sự phán giáo. Phán
giáo tức là nương vào những giáo pháp của Ðức Phật để phán
đoán, phân loại và tổ chức thành từng bộ môn có cao thấp, rộng
hẹp khác nhau như Tam Thừa, Ngũ Thừa... Lúc còn ở Ấn Ðộ chưa
có sự phán giáo nầy, nhưng về sau khi truyền vào Trung Hoa sự
phán giáo mới bắt đầu. Cho nên chúng ta có thể nói: Phán giáo
là sắc thái đặc biệt của Phật Giáo Trung Hoa. Mục đích của sự
phán giáo là đề cao giáo pháp của Ðức Phật bằng cách phân loại
kinh điển thành từng bộ loại, từng hệ thống một, rồi tổ chức
quy hướng những bộ loại hệ thống kinh điển ấy để phù hợp với
thâm ý của Ðức Phật. Riêng về các trường phái của Ðại Thừa
Phật Giáo, phán giáo còn có một mục đích đề cao những kinh
điển mà trường phái của mình đang tín phụng, nêu tỏ địa vị ưu
tú của chủ trương, của đường lối, của trường phái mà mình đang
thực hành theo. Ðó là nguyên nhân chính trong sự tổ chức Phật
Giáo ở Trung Hoa rồi truyền đến Nhật Bản được bổ túc và cấu
tạo nhiều thêm nữa. Thiền Tôn là một trường phái chủ trương
Bất Lập Văn Tự, nên trong Thiền không có sự phán giáo. Phương
pháp truyền đạo của Thiền là Giáo Ngoại Biệt Truyền. Giáo
Ngoại Biệt Truyền tức là không căn cứ vào sự phán giáo, không
áp dụng theo một phương pháp riêng biệt để truyền thừa chân lý
Phật Giáo. Ở đây cũng nên nhớ rằng: Thiền tuy không nương vào
sự phán giáo, nhưng không phải cho sự phán giáo là hoàn toàn
không có giá trị. Thiền chỉ phủ nhận quan niệm cho sự phán
giáo là chân Phật giáo thôi. Hơn nữa cũng phủ nhận luôn cả cho
Thiền là tuyệt đối, là chân Phật pháp nữa. Ðường lối của Thiền
là phá trừ chấp trước, phủ nhận ngoại cảnh và hướng đến nội
tâm để tìm lại tự tánh ban đầu đó là Phật Tánh. Trong Kinh
Niết Bàn có câu:
-
- Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh
-
Ðây là câu phương ngôn, là đầu ngữ của Thiền. Vì
trong tâm của cả chúng sanh đều có Phật tánh, cho nên chỉ cần
phát huy Phật tánh ấy chứ không cần phải đi tìm cầu những vật
ở ngoài tâm. Phật tánh ấy Thiền Tôn gọi là chân tánh, tức là
chỉ cho tự tánh thanh tịnh, và tự tâm chân thật của mọi loài
chúng sanh. Biết rằng tất cả chúng sanh ai cũng có Phật tánh,
nhưng nếu chỉ biết như thế mà không thực hành thì cũng không
có lợi ích gì. Muốn thực hành theo lý thuyết ấy trước tiên
phải có lòng tin. Nói về niềm tin, trong Phật Giáo bất cứ
trường phái nào cũng đều lấy tín tâm làm căn bản. Trong kinh
luận thường diễn tả hai con đường đi đến sự thành Phật như
sau:
-
01- Diệt trừ bản ngã vị kỷ, tín niệm phật Pháp,
tức quyết định thành Phật.
-
02- Chánh tín quyết định, tức là Phật tánh hiển
hiện. Phật tánh hiển hiện thì được giác ngộ và thành Phật.
-
Như thế con đường thành Phật tuy có hai cách nhưng
cách nào cũng xây dựng trên niềm tin cả. Ðức tin là mẹ sanh
của các công đức. Chữ Phật tánh theo quan điểm của Thiền
thường gọi là Như Lai Tạng,
-
Thuyết lý của Thiền là chú trọng đến chỗ trực ngộ. Ngay nơi
bổn giác chân tánh của chúng sanh là ngộ và tu rồi. Vì thế
phương pháp tu hành của Thiền là dùng trí để quan sát, dùng
định để trực ngộ. Vì lý do đó khi toạ thiền người tu thiền
thường dùng trí để quán sát thân tâm mình. Thân do bảy
đại(đất, nước, gió, lửa, không, kiến và thức đại) hòa hợp mà
thành. Tâm do trần lao phiền não mà khởi. Cả thân và tâm đều
không có thật. Cho đến tội ác thâm trọng cũng chính là không,
vì chính nó là khách trần phiền não, là ngoại lai chứ không
phải là cái sẳn có của mình. Cái sẳn có của mình chỉ là Phật
tánh. Phật tánh mới thật là cái chân thật của mình. Cho nên
chấp trước vào thân tâm hư giả, theo đuổi với phiền não, tội
chướng, không có, tức là đi ngược lại với bản tánh sẳn có của
mình. Do quán sát và tu tập như thế nên Thiền chính là phương
pháp đưa con người trở lại với chính họ, như Tổ Sư Ðạt Ma nói
như sau:
-
- Phương pháp tu tập thiền không cần phải bỏ mất
thì giờ bởi ngôn ngử văn tự qua những khái niệm nan giải như
thần linh, sự thật..v..v.. Thiền chỉ khuyến khích người tu tập
hãy quay về với tự tâm, nhìn thẳng nơi bản lai diện mục của
mình mà thôi.
-
Thiền Tôn thường dạy cho người tu thiền phương
pháp nội tĩnh, tự quán sát lấy bản tâm mình và tự tin rằng:
-
-
Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
-
Trong phương pháp Nhị Nhập(1) và Tứ Hạnh(2) của
ngài Bồ Ðề Ðạt Ma, thì có Lý Nhập và Xứng Pháp Hạnh là đào
luyện cho người tu lòng tin: Tất cả chúng sanh đều có Phật
Tánh, và cố gắng để chứng đắc, thể hiện Phật Tánh nầy trong
đời sống hằng ngày. Các vị Thiền Tổ về sau căn cứ vào thuyết
lý nầy của ngài Bồ Ðề Ðạt Ma rồi dạy cho đệ tử các pháp yếu
như:
-
- Tâm Tức Phật
-
- Kiến tánh thành phật...
-
Mục đích chính của pháp yếu nầy là khai thị cho
mọi người liễu ngộ được ý nghĩa: Tâm tức phật, Phật tức Tâm.
Ðây là ý nghĩa cốt yếu của Thiền học. Theo quan điểm nầy ngài
Bạch An đã phát biểu ý nghĩa nầy trong bài kệ về pháp toạ
thiền:
-
-
Chúng sanh vốn là Phật, cũng như băng và nước, không có nước
thì không có băng...Chính thế gian nầy là liên hoa cảnh giới
và thân nầy là Phật. Ý niệm căn bản của Thiền Tôn là đồng nhất
tính của:
-
-
Hữu và Vô
-
-
Chân tướng vô tướng
-
-
Pháp môn vô môn
-
-
Thánh trí vô trí
-
Sự
hỗ tương và đồng hóa giữa hai ý tưởng đối lập như đen và
trắng, thiện và bất thiện, thanh tịnh và ô nhiễm... là kết quả
của thâm nhập thiền tư duy qua các tư tưởng:
-
-
Pháp thân không tướng, nhưng hóa hiện mọi hình tướng. Kim khẩu
không lời, nhưng phát hiện mọi lời.
-
Như
trên là lý thuyết căn bản, tuy nhiên muốn thấu triệt tư tưởng
nầy, chúng ta cần phải có thời gian, một lòng cầu đạo, trải
qua nhiều công phu thử thách, tìm cầu học hỏi và tu luyện, để
định tâm vào tư duy tịnh mặc về một công án được đặt ra cho
chúng ta để trắc nghiệm khả năng, tiến bộ đến tỏ ngộ. Khi nhận
một công án, rất có thể chúng ta thực hành trong khu rừng
vắng, hoặc ngồi tĩnh tọa nơi thiền đường trong tư thế thoải
mái, chân kiết già, thân ngay ngắn, tay kiết ấn, mắt mở nửa
chừng. Ðây gọi là thiền tọa có thể kéo dài nhiều ngày đêm thực
tập, ở, ăn, ngủ... tất cả đều được giữ chừng mực. Im lặng được
tuyệt đối tuân giữ, tức khi tọa thiền, thọ thực tẩy trần không
ai được nói lời nào và gây tiếng động nào. Lối thực tập mới
xem qua có vẻ như xa lìa thế giới thực tế, nhưng mà tâm thức
của các hành giả thiền là luôn luôn hướng đến sự tuân giữ
nghiêm mật và vi tế những luật nghi. Ngoài ra để thực hiện lý
tưởng nầy chúng ta cũng có thể thực hiện ngay trong đời sống
hằng ngày và trong kinh nghiệm của cá nhân qua những cách ngôn
danh tiếng của các vị Thiền Sư như là:
-
-
Bất tác bất thực
-
-
Bình thường tâm thị đạo
-
- Ði
đứng, nằm, ngồi đều là thiền...
-
Ðó
là điển hình của sự thực hành lý tưởng nầy. Do đó không cần
ngần ngại khi nói rằng Thiền là sự đòi hỏi một cuộc tu tập để
lắng nghe tiếng nói trong im lặng, để tìm thấy hành trong vô
hành, động trong bất động, hay để an nhiên trong tĩnh lặng và
không sợ hãi trước cái chết. Trong tinh thần: Bình thường tâm
thị đạo và Ði đứng, nằm, ngồi đều là thiền... Trong chiều
hướng đó chúng ta còn thấy tinh thần của Thiền học được ẩn
tàng sâu sắc trong các khía cạnh: Văn học, hội họa, kiến
trúc... Tại Nhật Bản có thể nói tinh thần thiền hầu như không
thể tách rời khỏi cuộc sống của người dân Nhật Bản
-
Tóm
lại thuyết lý căn bản của Thiền là: Bất lập văn tự giáo ngoại
biệt truyền và Trực Chỉ Nhân Tâm Kiến Tánh Thành Phật. Từ đó
chúng ta có thể nói chủ trương của Thiền Tôn là Ðả Khai và Ðốn
Ngộ. Ðả khai tức là đập tan, cổi mở tất cả các sự ràng buộc
bởi lớp phiền não và cố chấp. Ðốn ngộ tức là không theo với
phương pháp tiệm tu mà thực hành theo phương pháp trực ngộ,
nghĩa là tức thời thành phật, vì rằng tất cả chúng sanh đều có
Phật Tánh, tức tâm là Phật vậy. Chính đó là giá trị độc đáo
của Thiền, chúng ta không thể tìm thấy trong các tôn phái khác
của Phật Giáo.
-
-
Ghi Chú:
-
1- Nhị Nhập: Lý nhập & hạnh
nhập
-
2- Tứ Hạnh: Báo Oan Hạnh, Tùy
Duyên Hạnh, Vô Sở Cầu Hạnh, và Pháp Xứng Hạnh
-
Tài Liệu Tham Khảo
-
- Thiền Luận
-
- Triết Học Zen
-
- Phật Lý Căn Bản
-
- Các Tôn Phái của
Ðạo Phật
-
- Thiền Ðạo Tu Tập
|