Mệnh &Nghiệp
Trong Truyện Kiều
Nguyễn Mộng Khôi
--o0o--
 
Cuộc đời Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều đã gặp nhiều gian truân từ nhỏ, mười tuổi mồ côi cha, mười ba tuổi mẹ chết, suốt đời ăn nhờ ở đậu, hoặc nhà anh, hoặc ở quê vợ. Tuổi thọ được 56 thì 38 năm đầu không mấy khi an lạc, nào Tây Sơn ra Bắc diệt Trịnh, nào Nguyễn Hữu Chính dấy loạn, Quân Thanh, dứt hẳn nhà Lê. Dòng họ Nguyễn Du vẫn theo Trịnh phù Lê từ trước, nên khi họ Trịnh bị diệt, Lê Chiêu Thống lưu vong sang Tàu thì hầu hết gia đình ông bị liên lụy. Hai người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản làm tới chức Lại Bộ Thượng Thư, Nguyễn Ðiều là Trấn Thủ Sơn Tây, người bác ruột, tiến sĩ Nguyễn Huệ làm quan ở phủ Chúa cùng thân phụ là Hoàng Giáp Nguyễn Nhiễm, Tước Xuân Quận Công, có một thời làm Tham Tụng(Tể Tướng), nhạc phụ là Ðoàn Nguyên Thục, làm quan Ðông Các; và nhất là Nguyễn Du có người cha nuôi họ Hà(không rõ tên tuổi), lúc còn sống làm Chánh Thủ Hiệu(một chức quan võ nhỏ) ở Thái Nguyên. Sau khi ông Hà chết, Nguyễn Du kế chức nghĩa phụ(1786-1789), trong khoảng thời gian nầy có đánh vài trận với quân Tây Sơn, nhưng quân của Nguyễn Du thua to; vì vậy, sau nầy ông không thể cộng tác với nhà Tây Sơn. Ðã mấy lần ông tìm cách tập hợp các đồng chí để mưu đại sự, nhưng lại thất bại. Ông phải trốn về quê nội ở Hà Tĩnh, nhưng thời Tây Sơn việc trốn tránh không phải dễ dàng, vì vua Quang Trung cho kiểm soát dân một cách rất chặt chẽ và có khoa học. Ngài ra lệnh cho các trấn, bắt dân xã làm lại sổ đinh, ai cũng phải ghi tên vào sổ, rồi cấp cho mỗi người một thẻ bài, khắc bốn chữ: Thiên Hạ Ðại Tín, chung quanh ghi rõ họ tên, quê quán và phải điểm chỉ(lấy dấu tay) làm tin. (Việt Nam Sử Lược- Trần Trọng Kim). Về quê nội Ông sống lẩn trốn trong vùng núi Hồng Lĩnh và những nơi thâm sơn cùng cốc. Văn học sử còn ghi lại:
- Trong vùng 99 ngọn núi không chỗ nào là chỗ Tiên Sinh không đi tới, dân chúng địa phương thương cảm hoàn cảnh của Ông nên thường nói: Hồng lĩnh vô gia, huynh đệ tán(Hồng Lĩnh không nhà, anh em ly tán).
            Khi vua Gia Long thống nhất được giang sơn, muốn thu phục lòng dân miền Bắc, bèn vời những người dòng dõi, cựu thần nhà Lê để giúp nước. Nguyễn Du bất đắc dĩ phải ra làm quan, sau hai, ba lần từ chối không được. Trong suốt 18 năm làm quan với nhà Nguyễn, không lúc nào Ông được vui, với cái tâm trạng: Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu. Ðối với Nhà Vua, Ông chỉ biết giữ hết bổn phận, chứ không nói năng gì, với thái độ im lặng của Ông có lúc Vua Gia Long quở rằng:
- Nhà nước dùng người cứ ai hiền tài thì dùng không phân biệt gì Nam với Bắc cả, Người đã làm đến chức Á Khanh, biết việc gì phải nói để tỏ cái chức trách của mình, có lẽ đâu lại cứ rụt rè sợ hãi, chỉ vâng vâng dạ dạ hay sao!.(Việt Nam Sử Lược-TTK)
            Có thể nói Nguyễn Du được sinh trưởng trong một nhà thế phiệt trâm anh đệ nhất thời Lê Mạt. Nhưng thời Tây Sơn thì gia đình ông lại gặp nhiều hoạn nạn, nhiều gian truân. Chính cái hoạn nạn, cái gian truân ấy, nên ông dễ dàng chấp nhận giáo lý Nhà Phật hầu giải thích cảnh của một con người tài ba cho rằng mình phải trả cái Nghiệp của kiếp trước, rồi có khi ông còn thấy dường như có sự an bài đâu sẳn của Ðịnh Mệnh. Là một người uyên thâm cả Nho và Phật giáo, nên thuyết Ðịnh Mệnh của Nho và thuyết Nghiệp Báo của Phật đều được ông viết trong truyện Kiều, có lời văn rất hay để truyền bá những lý thuyết triết học nầy.
A- ÐINH MÊNH (Issarakarananavada):
Theo thuyết Ðịnh Mệnh hay Thiên Mệnh, thì mỗi sự, mỗi việc đều do Trời, sự sung sướng hoặc nỗi khổ đau của kiếp người đều do Ðịnh Mệnh:
- Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho Thanh cao mới được phần thanh cao
(3241- 3244)
            Thúy Kiều được Thúc Sinh chuộc khỏi lầu xanh tưởng được yên thân, nhưng vì Số Trời, vì số Ðào Hoa, nên phải vào lầu xanh lần thứ nhì:
            - Chém cha cái số đào hoa
            Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi
                                                (2151- 2152)
            Ðịnh Mệnh do Trời sắp đặt nên dù có chạy trốn cũng không thoát:
            - Biết thân chạy chẳng khỏi Trời
            Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh
                                                (2163- 2164)
            Nguyễn Du đậu Tam Trường(Tú Tài) vào thời Lê Hiển Tông, chắc chắn ông phải am tường học thuyết của phái Tống Nho. Thuyết của phái nầy dựa vào Nho Giáo để đưa ra việc trị quốc theo đường lối của chính quyền nhằm bảo vệ Vương quyền và lấy Ðịnh Mệnh(Determinism) là chủ thuyết. Người đề xướng ra thuyết nầy là Chu Hy đời Tống. Nhưng khoảng năm thế kỷ sau, thuyết Ðịnh Mệnh hay Thiên Mệnh mới được Nhà Minh(1368-1660) chọn làm ý thức hệ. Với ý thức hệ nầy, người dân trong nước phải tuân theo Mệnh Trời, như Vua là Con, Trời là Thiên Tử nên dân chúng phải tuyệt đối theo luật của Vua và phải giữ Ðạo trung thành với Vua.
            Học thuyết nầy có lợi cho việc trị quốc vì người dân chịu an phận với Ðịnh Mệnh, với địa vị hiện tại mà không được bất mãn hay than van. Vì vậy có lợi cho chế độ chuyên chế của Nhà Minh, nhưng lại có hại cho người Tàu; vì nó tiêu diệt tinh thần phê phán; mà óc phê phán là động lực của sự tiến bộ.
            Nước Tàu, đến thế kỷ 14 đã làm được nhiều phát minh vĩ đại. Nhưng từ đó về sau, nếu tinh thần người Tàu bị mờ ám, thì học thuyết Chu Hy phải chịu một phần trách nhiệm không nhỏ! Khi Minh Thái Tổ lên ngôi(1368) thì nước Tàu ngang với Châu Âu, ít nữa về mặt kỹ thuật. Thế mà đến thế kỷ 17, Châu Âu tiến về mọi mặt: Khoa học, kinh tế, xã hội, quân sự, hàng hải... Còn nước Tàu thì đứng yên một chỗ, tức là ở cái mức của thế kỷ 14.
            Nếu thuyết Ðịnh Mệnh được nhà Minh chọn làm ý thức hệ ở Tàu thì ở Việt Nam từ thời Hậu Lê tới các Vua đầu nhà Nguyễn cũng bắt chước Nhà Minh nên đã tôn sùng và quảng bá tư tưởng này; vì vậy thuyết Ðịnh Mệnh có ảnh hưởng lớn từ giới bình dân tới giới trí thức ở nước ta bấy giờ.
            Có câu:
            - Con Vua thì lại làm Vua
            Con ông Sãi chùa thì quét lá đa
                                              (Ca dao)
            Hoặc:
            - Quyền họa phúc Trời tranh tất cả
            Chút tiện nghi chẳng trả phần ai
                                               (Cung Oán Ngâm Khúc)
            Vì học thuyết Tống Nho áp dụng vào việc trị quốc nên việc báo ân, báo oán, việc trừng trị, việc trả thù những kẻ có tội là chuyện đương nhiên, không đáng chê trách. Ngược lại, Ðạo Phật khuyên ta không nên trả thù. Khi trả thù tức là làm người khác đau khổ, mình sẽ tạo nên một nghiệp khác. Cái nợ của nghiệp cũ chưa trả xong, đã chuốc thêm nợ mới, nên những tín đồ Phật giáo không chấp nhận việc trả thù. Trong khi các Nho Sĩ coi việc trả thù là bình thường. Vua là con Trời(Thiên Tử) cũng trả tù kẻ xúc phạm tới mình. Trong lịch sử Trung Hoa và Việt Nam, có nhiều chuyện trả thù một cách tàn nhẫn. Tội phạm có thể bị những hình phạt dã man, khủng khiếp như: Tội cho voi giày ngựa xé, tội lăng trì(xẻo từng miếng thịt của tội nhân cho đến chết), tội yểu trảm (chém ngang lưng, làm hai khúc)... tội nặng hơn như mưu toan lật đổ chính quyền hoặc mưu toan làm loạn thì có thể bị tru di tam tộc(giết cả ba họ: Họ tội phạm, họ mẹ, họ vợ), khi xử ba họ, người ta đưa ra pháp trường một lúc, từ đứa bé sơ sinh cho đến những cụ già gần đất xa trời, tất cả đều bị chém. Lịch sử Việt Nam còn ghi lại hai vụ án bị tru di tam tộc nổi tiếng là: Ba họ của Tể Tướng Nguyễn Trải, bị giết năm 1442 và ba họ của thi hào Cao Bá Quát bị tru di năm 1854.
            Trong truyện Kiều, Thúy Kiều báo ân, trả oán một cách độc ác, nàng đã giết những người làm khổ nàng, điều nầy không phù hợp với thuyết Nhân Quả, Nghiệp Báo Nhà Phật, nhưng lại hợp với thuyết Thiên Mệnh của phái Tống Nho:
            - Nàng rằng: Lồng lộng Trời cao!
            Hại nhân, nhân hại, sự nào tại ta?
            Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà,
            Bên là Ưng Khuyển, bên là Sở Khanh;
            Tú Bà với Mã Giám Sinh.
            Các tên tội ấy đáng tình còn sao?
            Lệnh trên truyền xuống khai đao,
            Thế sao thì lại cứ sao ra hình.
            Máu rơi thịt nát tan tành,
            Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời!
            Cho hay muôn sự tại Trời,
            Phụ người chẳng bỏ khi người phụ ta!
                                            (2381-2392)
        NGHIỆP BÁO(Kamma Niyama)
Nếu thuyết Ðịnh Mệnh bảo số mệnh đã được định trước cho mỗi người, không ai có thể cưỡng lại Mệnh Trời; thì thuyết Nghiệp Báo nói ngược lại, nghĩa là cá nhân có thể thay đổi được Nghiệp của mình. Danh từ Nghiệp(Kamma) có nghĩa là hành động hay làm. Chữ báo(Nyama) có nghĩa là đền trả một cách công bằng. Bởi nghiệp do hành động mà có, nên có nhân chỉ cần sửa đổi Hành Ðộng tức thì Nghiệp sẽ đổi thay. Trước kia một người chuyên nghề trộm cắp, sau nầy người ấy học nghề thợ mộc, thợ nề. Nghề nghiệp do sở thích của mình học tập mà thành. Nghề nghiệp đổi thay tùy tâm tịnh giác của mình đổi sang nghề nghiệp mới, thì nghề nghiệp cũ từ từ phai nhạt.
            Trong đêm Thành Ðạo cách nay 2624 năm, Ðức Phật đã thành đạt khả năng thông suốt các tiền kiếp của Ngài. Ngài chứng đắc Túc Mạng Minh, biết rõ tiền kiếp đã làm gì và phải chịu quả báo ra sao. Ngài nói:
- Như Lai nhớ lại nhiều kiếp sống trong quá khứ như thế nầy: Trước hết một kiếp, rồi hai kiếp, rồi ba, bốn, năm, mười, hai mươi, đến năm mươi rồi một trăm, một ngàn, một trăm ngàn...
            Trong lúc canh ba Ngài đắc Thiên Nhãn Minh, nhận thấy chúng sinh chết từ kiếp sống nầy, tái sinh vào một kiếp khác. Ngài chứng kiến cảnh tượng kẻ hèn người sang, kẻ đẹp người xấu, kẻ hạnh phúc người khốn khó. Chúng sinh tiêu diệt và tái sinh tùy hành vi tạo tác của mọi người
            Những khổ đau, gian truân của Thúy Kiều là để trả những nợ xưa(túc trái):
            - Ðã đành túc trái tiền oan
            Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi
                                                (1765-1766)
            Tạo Nhân Nghiệp xấu là phải thọ Quả Nghiệp xấu, kêu cầu cũng vô ích:
            - Mấy người bạc ác tinh ma
            Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương
                                                (2393-2394)
            Hoặc là:
            - Ðã mang lấy Nghiệp vào thân
            Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
                                                (3249-3250)
            Khi đã biết mình rơi vào lầu xanh, Thúy Kiều đã dùng dao tự tử:
            - Thương ôi tài sắc bậc nầy
            Một dao oan nghiệt dứt dây phong trần
                                                (985- 986)
            Nhưng có vay, thì phải trả, trốn nợ sao được! Trong giấc mơ hồn ma Ðạm Tiên đã rỉ tai cho Thúy Kiều:
            - Rỉ rằng nhân quả dở dang
            Ðã toan trốn nợ đoạn trường được sao !
            Số còn nặng nghiệp má đào,
                                                (995-997)
            Khi được cứu tỉnh, Thúy Kiều được Tú Bà dụ dỗ và hứa hẹn sẽ gả nàng cho một người đàng hoàng. Nhưng đó chỉ là cái bẩy mà Sở Khanh thực hiện mẹo lừa. Sau một trận đòn vô cùng tàn nhẫn của Tú Bà: Uốn lưng thịt đổ, dập đầu máu sa, Kiều phải van xin:
            - Thân lươn bao quả lấm đầu
            Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa
                                                (1147-1148)
            Từ đó, đời Kiều trải qua nhiều hoạn nạn:
            - Hết nạn ấy đến nạn kia
            Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần
                                                (2667-2668)
            Sự đau khổ đã đến cùng cực, đến tuyệt vọng, nàng gieo mình xuống sông Tiền Ðường, coi như đã trả xong cái Nghiệp của kiếp trước:
            - Triều đâu nổi sóng đùng đùng
            Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Ðường
            Nhớ lời thần mộng rõ ràng
            Nầy thôi hết kiếp đoạn trường từ đây!
            Ðạm Tiên nàng nhé có hay?
            Hẹn ta thì đợi dưới này rước ta.
                                                (2619-2624)
            Trong Truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân thì Thúy Kiều gieo mình xuống sông Tiền Ðường là chấm dứt chuyện một cô gái con nhà khuê các phải trả cái Nghiệp kiếp trước, đã chịu nhiều đau khổ suốt mười lăm năm trời. Nhưng trong Ðoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du muốn chứng minh thuyết Nhân Quả, Nghiệp Báo của Nhà Phật nên ông cho Kiều sống lại, được tái ngộ với mẹ cha, với hai em và người tình đầu đời của mình:
            - Giác duyên lên tiếng gọi nàng
            Buồng trong vội dạo sen vàng bước ra.
            Trong xem đủ mặt một nhà:
            Xuân già còn trẻ, huyên già còn tươi;
            Hai em phương trướng hòa hai
            Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa?
                                                (3007-3012)
            Hoặc là:
            - Này chồng, này mẹ, này cha
            Này là em ruột, này là em dâu
                                                (2981-2982)
            Nghiệp cũ của những kiếp trước đã trả xong: Túc khiên rửa đã lâng lâng sạch rồi, và ngay trong kiếp này, Thúy Kiều đã làm được nhiều việc thiện. Hành động bán mình chuộc cha là một Thiện Nghiệp.
            - Lấy tình thâm trả nghĩa thâm.
            Bán mình đã động hiếu tâm đến trời!
                                                (2683-2684)
            Việc Thúy Kiều khuyên Từ Hải ra hàng là một suy nghĩ đúng. Ðầu hàng để tiết kiệm xương máu cho những người vô tội. Chỉ: Năm năm hùng cứ một phương hải tần của Từ Hải mà: Ðống xương Vô Ðịnh đã cao bằng đầu. Lúc Từ Hải bị hại, Thúy Kiều đau khổ, nhưng một Từ Hải chết để cứu sống bao nhiêu người là một nhân lành lớn.
            - Hại một người cứu muôn người
            Biết điều khinh trọng, biết lời phải chăng
                                                (2685-2686)
            Trong nguyên bản truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân cũng ca ngợi Thúy Kiều qua lời Ðạm Tiên:
- Không biết chị bán mình cứu cha, đức hiếu đã  động đến  Trời; chị khuyên giặc qui thuận Triều Ðình, che chở được cho dân, lòng trung đã khiến mặt trời cũng phải mờ đi. Vả lại, số khổ đã đủ, ngày nay mạng kiếp cũng tiêu trừ. Từ đây, Chị được phúc, được lộc, và tình duyên sẽ như nguyện. Hội Ðoạn Trường đã bỏ tên chị(Bất tri thư thư nhân mại thân cứu phụ, hiếu đức động thiên; khuyến thuận bảo dân, trung tâm tổn nhật. Thả tòng tiền khổ huống dĩ lịch tận, kim nhật kiếp hựu tiêu hoàn. Tự thử, phúc lộc sinh thân, tình duyên như ý. Ðoạn Trường hội tạc dĩ trừ danh).
            Nguyễn Du còn muốn chứng minh thêm thuyết Nhân Quả Nhãn Tiền, Thiện Nghiệp Cận Ưng của Nhà Phật, nên cho Thúy Kiều gặp lại Kim Trọng để được sống những chuỗi ngày an lạc và thỏa nguyện ba sinh:
            - Khi chén rượu, khi cuộc cờ
            Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên
            Ba sinh đã phỉ lời nguyền
            Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy
                                                (3223-3226)
            Rồi được hưởng phú quí mà ít ai bì kịp:
            - Phong lưu phú quí ai bì
            Vườn Xuân một cử đề bia muôn đời
                                                (3239- 3240)
            Không những riêng nàng được phú quí mà cả gia đình đều hưởng lộc lâu bền. Những người đang làm quan như Vương Quan, Kim Trọng thì công danh sẽ tăng tiến đều đều:
            - Một nhà phúc lộc gồm hai
            Nghìn năm dằng dặc, quan giai lần lần
                                                (3235-3236)
            Nguyễn Du đã đưa ra thuyết Ðịnh Mệnh để cắt nghĩa cái số của con người đã được Trời định trước, cá nhân phải bó tay trước Ðịnh Mệnh. Nhưng những người không tin thuyết nầy bảo rằng, nếu có Ðịnh Mệnh đã an bài thì tại sao con cháu Vua Lê, Chúa Trịnh sau nầy không tiếp tục ngôi Vua, nghiệp Chúa? Nếu con vua thì lại làm vua thì con cháu vua Quang Trung đã không bị tru di một cách dã man!
            Vì vậy thuyết Thiên Mệnh hay Ðịnh Mệnh là xu thời và không có một luận cứ vững chắc. Nguyễn Du không phải là không biết như vậy, nhưng ông là người từ cửa Khổng sân Trình, là người sống ở thời cực thịnh của phái Tống Nho mà từ vua quan tới bần dân đều coi Thiên Mệnh là chủ thuyết quốc gia, lòng Trung Quân Ái Quốc được coi như đức tính phải có của giới Sĩ Phu bấy giờ.
            Nhưng, giữa thuyết Thiên Mệnh của Nho và thuyết Nghiệp Báo của Phật, ông đã chọn thuyết Nghiệp Báo để làm hướng đi cho cuộc đời. Ông quan niệm chỉ có Thiện căn từ trong lòng mới có Nghiệp quả hạnh phúc:
            - Thiện căn ở tại lòng ta
            Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài
                                                (3251-3252)
            Sở dĩ bị gian truân đời này chỉ vì kiếp xưa đã vụng đường tu, đã gây nhiều ác nghiệp, thì kiếp này phải vun đắp, phải tài bồi:
            - Kiếp xưa đã vụng đường tu,
            Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới suôi.
                                                (1195-1196)
            Sau khi đã tìm hiểu hai luồng tư tưởng có ảnh hưởng mạnh trong Truyện Kiều, chúng tôi nghĩ rằng Ðạo Phật là chủ yếu của đại tác phẩm, nhằm giải thích những gian truân của Nguyễn Du, một con người tài ba, đáng lẽ phải được sung sướng, nhưng vì phải trả cái Nghiệp tiền khiên của ông.
 
Sách Tham Khảo
- Truyện Kiều Nguyễn Du   
- Trung  Hoa Sử Cương       
- Lịch Sử Thế Giới               
- Ðức Phật và Phật Pháp
-- o0o --