Thế Giới Thai Tạng
Nhất Quán
--o0o--
 
A- Bồ tát Trong Nẻo Luân Hồi
Từ khi Thiện Tuệ phát tâm cầu đạo Bồ Tát trước Phật Nhiên Ðăng đến ngày thành Bổ Xứ Bồ Tát, và sau đó giáng trần để trở thành Phật Thích Ca, chính đẳng chính giác, chúng ta có thể chia làm bốn thơi kỳ:
01- Tu Bồ Tát Hạnh
Thời kỳ nầy dài ba a tăng kỳ kiếp để tu phúc huệ. Ðây là thuật ngữ của Phật học, nhưng nếu nói theo từ ngữ hiện tại thì cứ một a tăng kỳ, theo sau số 1 gồm có 47 con số không. Thời kỳ nầy là thời đại dự liệu, nói theo thuật ngữ Phật học gọi là thực tập tư lương.
Trong suốt ba a tăng kỳ liên tục tu hành, không gián đoạn. Trong thời gian đó, Bồ Tát sinh vào các cảnh giới của vô số loài hữu tình. Tuy sanh vào cảnh giới ấy nhưng không bao giờ bỏ sự nghiệp tu dưỡng, đồng thời ngã ác của Bồ Tát cũng không giống như Vô Gián Ðịa Ngục, là nơi cực ác. Do đó trong khoảng thời gian nầy tuy là Bồ Tát nhưng vẫn có dục tưởng, nhiễm tưởng, hại tuởng, và có khi khởi dục vọng và tâm sân hận. Nhưng Bồ Tát sỡ dĩ được gọi là Bồ Tát là vì biết chế ngự và biết dừng lại tất cả những tâm lý đó, không để cho chúng phóng túng sai sử.
Tu tập như vậy hết a tăng kỳ đầu tiên, và thành thành tựu khổ hạnh, nhưng Bồ Tát vẫn chưa tự biết mình sau nầy có thể thành Phật. Ðến a tăng kỳ thứ hai, tuy đã tự biết mình thành Phật, nhưng vẫn chưa đạt đến quyết định vô úy. Mãi cho đến hết tăng kỳ thứ ba thì Bồ Tát đã tích tập được công đức của ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, đồng thời có trí tuệ quyết định vô úy, lúc đó tự biết mình là Bồ tát và đã đầy đủ tư cách của một vị Bồ tát đích thực
02- Trăm Kiếp Tu Hành Tướng Tốt
Ở a tăng kỳ kiếp đầu, mặc dầu phát tâm tu hành, nhưng vẫn là phàm phu, chưa đạt đến địa vị siêu nhân, trong a tăng kỳ nầy Bồ Tát có nhân duyên gặp bảy vạn năm nghìn Phật, vị Phật đầu tiên là Thích Ca và cuối cùng là Bảo Kế.
Ở a tăng kỳ kiếp thứ hai thì Bồ Tát đã hoàn thành sự nghiệp tu và bước vào thánh vị. Trong giai đoạn nầy Bồ Tát nỗ lực cho sự nghiệp hoá độ chúng sanh, lấy Phật làm tiêu chuẩn cho việc lợi ích người khác. Do đó Bồ Tát có thể hiện thân vào nẻo ác nhưng không phải vì nghiệp lực mà là vì tâm nguyện độ tha. Giai đoạn nầy Bồ Tát có nhân duyên gặp bảy vạn sáu nghìn Phật. Vị Phật đầu tiên là Phật Bảo Kế và cuối cùng là Phật Nhiên Ðăng.
Ở a tăng kỳ thứ ba Bồ Tát có nhân duyên gặp bảy vạn bảy nghìn Phật, vị Phật đầu tiên là Nhiên Ðăng, và cuối cùng là Thắng Quân. Và thời gian trăm kiếp cuối cùng Bồ Tát gặp sáu vị Phật, đầu tiên là Thắng Quân, và vị thứ sáu là Phật Ca Diếp. Do Bồ Tát tích tập tất cả kết quả tu hành, nên dần dần tiến đến ngôi vị trăm kiếp, mà đặc trưng của ngôi vị nầy là Bồ Tát tự biết mình sau nầy có thể thành Phật. Chính do ý nghĩa đó mà ngôi vị nầy được mệnh danh là Ðịnh Trụ Vị. Bồ Tát trong thời kỳ nầy tu dưỡng được ba mươi hai diệu tướng. Ba mươi hai tướng tốt nầy là do kết quả của Bách Phúc Trang Nghiêm, nghĩa là nhờ tu hành mười thiện nghiệp.
Ðây là giai đoạn cuối của Bồ Tát, trên nguyên tắc, tuy là một thời kỳ trăm kiếp cần thiết phải trải qua, nhưng trăm kiếp đó không nhất định phải là toàn bộ của sự tu hành, mà là nhờ vào sự nỗ lực tinh tấn phi thường, Bồ tát cũng có thể giảm đi ít nhiều số kiếp. Do đó Bồ Tát đã rút ngắn bớt được 9 kiếp. Vì thế Bồ Tát thành Phật lúc 91 kiếp.
03- Ta Bà Thị Hiện
Như vậy Bồ Tát trải qua một trăm kiếp tu hành khi đến kiếp sau cùng trước khi thành Phật, kiếp đó gọi là Tối Hậu Thân Bồ Tát. Lúc nầy Bổ Xứ Bồ Tát có tên là Hộ Minh Bồ Tát cư trú tại Ðâu Xuất Nội Viện, và luôn luôn giáo hóa chư thiên.
Sau khi quán sát nhân duyên, và biết cơ duyên đã đến, vào mùa xuân năm ấy, trăm hoa đua nở, khí trời lặng trong, nhiệt độ điều hòa, trăm cỏ mới sinh, non tươi mềm giẻo, um tùm quang sáng, Bồ Tát vì các chư thiên, răn khuyên, dạy cho thiên chúng xa lìa hữu vi, sanh già bệnh chết, cầu pháp vô thượng. Diễn thuyết pháp yếu khiến cho tâm chư thiên chúng yên vui hoan hỷ. Lúc đó Hộ Minh Bồ Tát nói rằng:
- Nhân giả các người nên biết. Ta thấy năm tướng suy xuất hiện, hiện tượng nầy báo cho biết, chẳng bao lâu ta sẽ hạ sanh xuống nhân gian, quyết định không nghi. Thời giờ đã đến cho nên các ngươi hãy niệm vô thường, nên tưởng những việc sợ hải, đời vị lai các ngươi hãy xem thân thể ô uế đừng nặng lòng yêu đắm, bởi vì các món dục ràng buộc vây hãm, ở trong sanh tử chẳng được xuất ly, thân hình sú uế, thực là chán ghét, tất cả các ngươi hãy chắp mười ngón tay quan sát thân thể ta đây. Tất cả các Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ, căn lành rất lớn, nên biết được các xứ sở, ở trong công đức, tịch định tâm mình, nên không sinh phiền não, không theo các khổ mà làm, thường ở gần tất cả chúng sanh khởi tâm đại bi.
Quý vị phải biết, tất cả chúng sanh ở nhân gian kia trồng các căn lành, sinh lên thiên cung, nơi đây phúc hết lại thoái lui xuống. Ta bởi vì thấy tâm tánh của các chúng sanh trong các cõi trời, cõi người như thế cho nên từ đây hạ sanh xuống nhan gian, vì tất cả chúng sanh trong thế gian diệt hết mọi khổ.
Khi chư thiên chúng biết Hộ Minh Bồ Tát sắp thị hiện ở cõi Ta bà nên ai nấy cũng một lòng thương tiếc:
- Khổ thay, than ôi khổ thay, chúng ta đã mất Hộ Minh Bồ Tát. chúng ta từ đây trở đi không được nghe chánh pháp, giảm tổn công đức của chúng ta, và rồi đây cội gốc sanh tử ngày càng thêm lớn.
Thấy chư thiên chúng sầu khổ quá độ, nên vua của cõi trời Tịnh Cư bảo tất cả chư thiên rằng:
- Các ngươi nay thấy Hộ Minh Bồ Tát hạ sinh, chớ sinh ưu nảo, bởi vì Ngài hạ sinh tất định sẽ đắc đạo bồ đề, thành đạo rồi lại trở về Thiên Cung, vì càc ngươi mà thuyết pháp. Cũng như xưa đức Phật Tỳ Bà Thi, đức Phật Thi Khí, đức Phật Tỳ Xá Phù, đức Phật Ca La Tôn Ðà, đức Phật Ca Na Ca Mâu Ni, Ðức Phật Ca Diếp Như Lai các đức Phật từ đây mà đi, thương xót các người đều từ ấy mà trở lại, đến Thiên Cung, vì các ngươi mà thuyết pháp, nhiếp thụ các ngươi. Nay hộ Minh Bồ Tát Ðại Sĩ cũng vậy Ngài sẽ lại trở lại đây, nhiếp hoá các ngươi, như trước không khác.
Nhờ sự khuyên bảo như thế nên các chư thiên ai nấy cũng đều vui mừng.
04- Ma Gia Ứng Mộng
Khi bấy giờ Hộ Minh Bồ Tát Ðại Sĩ quyết định đêm ấy hạ sinh, giáng thần vào thai Ma Gia Phu Nhân, thì cũng ngay trong đêm đó Ma Gia Phu Nhân thưa với vua Tịnh Phạn rằng:
- Muôn tâu Ðại Vương, tôi từ đêm nay muốn thụ tám giới cấm thanh tịnh trai là:
- Không sát sanh
- Không trộm cắp
- Không dâm dục
- Không nói dối
- Không uống rượu
- Không nghe xem hát xướng
- Không thoa dầu thơm, không thoa ướp hương thơm vào mình
- Không nằm giường cao nệm lớn
Và đối với chúng sanh thần thiếp sẽ thường sanh tâm từ để giúp đỡ họ.
Sau khi nghe lời trình bày, Vua Tịnh Phạn bảo Ma Gia phu nhân rằng:
- Như tâm của Ái Khanh ưa muốn như vậy, thì tùy ý Ái Khanh muốn làm chi thì làm. Ta nay mặc dầu địa vị của quốc vương, nhưng Ái Khanh cũng là một phần tử quan trọng trong việc giữ gìn, và củng cố vương vị. Nhà vua nói bài kệ:
- Vua thấy mẹ Bồ Tát
            Từ tòa dậy cung kính,
            Như mẹ, như chị em
            Tâm chẳng hành dục tưởng.
            Lúc đó Bồ Tát Hộ Minh nhất tâm, chính niệm, chánh trí từ Ðâu Xuất giáng thần vào nhà Tịnh Phạn, an lành mà vào thai mẹ, sườn bên phải của đại Phu Nhân Ma Gia.
            Theo trong Kinh Phật Bản Hạnh Tập nói rằng:
- Lúc từ Ðâu Xuất mới hiện thân vào thai mẹ, Bồ Tát phóng quang minh lớn, chiếu cả thế gian, chốn u minh tăm tối đều được sáng tỏ, trong các cõi Trời, Người, Ma Phạm, Sa Môn, Bà La Môn, tất cả mọi nơi trong, ngoài các thế giới, những chỗ tối tăm, nhật nguyệt không chiếu đến được, nhưng nay được sáng tỏ, nên mọi người đều bảo nhau rằng:
            - Làm sao xứ nầy tự nhiên có chúng sanh.
            Khi đó đại địa chấn động sáu lần, các rừng rậm, cây cối, tất cả cỏ thuốc, tất cả mầm mống mập béo, cao lớn xanh tốt, dưới như địa ngục A Tỳ, chúng sanh khổ não đều được an vui.
Lúc đại Bồ Tát hiện thân giáng thần vào thai Ma Gia Phu Nhân thì chính lúc đó Ðại Phi Ma Gia trong giấc ngủ, mộng thấy một con voi trắng đầu sắc đỏ, có sáu ngà lóng lánh như vàng bay từ trên hư không xuống, chui vào sườn bên hữu của phu nhân. Sớm ngày mai, phu nhân thưa với vua Tịnh Phạn:
            - Muôn tâu Ðại Vương, tối hôm qua, sau khi thần thiếp quyết định gìn giữ tám quan trai giới, sau đó mộng thấy con voi sáu ngà trắng, đầu sắc đỏ, có sáu chiếc ngà lóng lánh như vàng len vào sườn bên phải, thần thiếp cảm thấy khoái lạc chưa từng thấy. Vì vậy từ nay trở về sau thần thiếp thực chẳng thích khoái lạc của nhân gian. Ðiềm mộng nầy là như thế nào. Xin bệ hạ cho vời người đoán mộng giải thích cho thần thiếp.
            Nghe Hoàng Hậu nói, đức Vua Tịnh Phạn liền gọi một người cung giám thị nữ vào bảo rằng:
            - Ngươi mau mau ra ngoài sắc bảo quốc sư Ðại Na Ma Tư, cho gọi ngay tám thầy Bà La Môn biết đoán mộng là: Tế Ðức, Quỷ Túc Ðức, Ðại Tự Tại Ðức, Tỳ Nưu Ðức, Phạm Ðức, và ba con Lão Ca Diếp lại ngay.
B- Thế Giới Thai Tạng
a- Các Nhà Tiên Tri
            Quốc Sư Ðại Na Ma Tư theo lời truyền bảo của sứ nhân, triệu tám vị thầy đoán mộng Bà La Môn và con của Ðại Na Ma Tư Quốc Sư đều vào trong cung.
            Khi đó vua Tịnh Phạn, bảo các chiêm mộng Bà La Môn rằng:
- Hôm qua đại phu nhân, có mộng lạ như vậy là thụy tướng gì?
            Chiêm mộng Bà La Môn tâu rằng:
- Muôn tâu Ðại Vương đây là điềm mộng lành, chúng tôi sẽ trình bày đầy đủ cho thánh thượng nghe. Theo kinh nghiệm cho biết từ ngàn xưa, thần tiên, chư thiên, kinh thư điển tích đã chép như thế nầy:
            - Nếu người mẹ mộng thấy
            Mặt trời vào sườn hữu,
            Người mẹ kia sinh con
            Sẽ làm vua Chuyển Luân
            Nếu người mẹ mộng thấy,
            Mặt trăng vào sườn hữu
            Người mẹ sẽ sanh con
            Vượt hẳn trong các vua,
            Nếu người mẹ mộng thấy,
            Voi trắng vào sườn hữu
Người mẹ mà sanh con,
            Cực tôn trong ba cõi,
            Làm lợi các chúng sanh,
            Oán thân đều bình đẳng
            Ðộ thoát ngàn muôn chúng
            Trong biển sâu khổ não.
            Nói xong bài kệ, chiêm mộng Bà La Môn, một lần nữa xác định:
- Ðiềm Mộng của Phu Nhân rất tốt, đại vương nên tự vui mừng. Phu Nhân sẽ sanh thánh tử, sau sẽ thành đạo giác ngộ, tiếng khen đồn xa.
            Vua Tịnh Phạn khi nghe chiêm mộng Bà La Môn nói như thế rất vui mừng, nhà Vua liền cho người sửa soạn các thức ăn ngon cùng với các thứ bánh quà để mời các Bà La Môn dùng. Ngoài ra đức Vua Tịnh Phạn còn đem tiền tài, bảo vật rất nhiều tặng cho các vị Bà La Môn.
            Sau đó nhà Vua cho sứ giả ra ngoài bốn cửa thành Ca Tỳ La Vệ, các ngã tư đường, chỗ có người đi làm, chỗ có nhiều người tụ hội, ai có cần gì thì bố thí. Muốn ăn được ăn, muốn uống được uống, muốn áo được áo, muốn hương được hương, muốn hoa man được hoa man, hương bôi, hương bột áo mặc, giường đệm, chăn chiếu, xà phòng, nhà cửa trâu, dê, voi, ngựa, xe cộ, ai dùng gì đều cho nấy, làm việc bố thí như thế là để cầu phước cho Bồ Tát.
            Khi đó tại nước Ma Kiệt Ðà, thành Gia Bàn Ðề, trong rừng Tăng Trưởng, có một người tu học, đã đắc đạo tiên tên A Tư Ðà là người đã xả bỏ năm món dục, có đại oai thần, có lực đại đức, đầy đủ năm phép thần thông, thường lên cõi Tam Thập Tam Thiên hội họp, tự tại tới lui. Do đó, tất cả nhân dân trong thành đều gọi ông A Tư Ðà Tiên là A La Hán, nước Ma Gia Ðà, tất cả nhân dân quy kính tiên nhân tôn trọng hầu hạ. Tiên nhân tự tu, tự thấy biết rồi sau đó đem những điều hiểu biết dạy cho mọi người cùng biết cùng tu.
            Lúc đức Bồ Tát từ cung trời Ðâu Xuất hạ sinh vào cung Vua Tịnh Phạn, vào sườn bên phải của phu nhân, phóng đại quang minh, biến chiếu cùng khắp cõi người, cõi trời, tất cả thế giới, đại địa sáu thứ, mười tám tướng động. Tiên A Tư Ðà thấy các thứ quang minh, việc chưa từng có ly kỳ như vậy, lại thấy sáu địa chủng chấn động, tâm rất kinh sợ, lông trên mình dựng đứng, ông tự lẩm bẩm một mình:
            - Vì duyên cớ gì mà đại địa chấn động, chắc là có quả báo gì đây?
            Nói thì nói vậy, nhưng sau đó tiên nhân liền đứng lặng yên, suy nghĩ chút ít, chính niệm, chính định để tìm hiểu nguyên nhân của sự chấn động. Sau khi suy nghỉ, quán sát, biết được đức đại Bồ Tát ra đời, trong lòng ông rất vui mừng, mặt mày hớn hở, rồi nói to rằng:
- Hiếm có đại thánh bất khả tư nghì, thế gian nay sẽ xuất hiện một bậc đại giác ngộ.
b- Cảnh Giới Ðịa Ngục
Cũng cùng trong lúc Bồ Tát từ cung trời Ðâu Xuất mới hạ sinh vào thai mẹ xong rồi. Khi đó có một thiên tử tên Tốc Vãng đến các địa ngục lớn tiếng thông báo đến những chúng sanh trong địa ngục rằng:
- Tất cả các ngươi nên biết Bồ Tát Bổ Xứ từ cung trời Ðâu Xuất hạ sinh đã nhập vào thai mẹ là đức Ma Gia Hoàng Hậu, vì thế các ngươi mau lập thệ nguyện, nguyện sinh nhân gian.
Tất cả chúng sanh hiện đang sống trong các cảnh giới Ðịa Ngục, từ trước đã từng trồng căn lành, nhưng cũng có tạo tạp nghiệp, vì ác mạnh hơn nên đọa địa ngục. Những chúng sanh đó khi nghe Thiên Tử Tốc Vãng truyền rao lời hoan hỷ như thế nên ai cũng thấy chán cảnh địa ngục. Ngay lúc đó mắt của họ tiếp nhận được quang minh của đức Bồ Tát nên thân tâm rất là an lạc.
Lại được nghe khuyến khích:
- Mau lập thệ nguyện, xả thân địa ngục sanh lên nhân gian.
Ðược nghe truyền rao lời hoan hỷ, và được khuyến khích lập thệ nguyện sanh vào chốn nhân gian, ngay lúc đó những chúng sanh từ trước đến nay đã trồng căn lành trong các cảnh giới ở ba ngàn đại thiên thế giới, nhưng vì cũng có tạo tạp nghiệp, và nghiệp xấu dẫn dắt họ vào cảnh giới Ðịa Ngục đều được thác sinh tại thành Ca Tỳ La Vệ.
c- Cảnh Giới Chư Thiên
Lúc Bồ Tát nhập thai mẹ xong rồi thì vua Thiên Ðế Thích, Vua Tứ Thiên, Ðê Ðầu Lại Ca, Tỳ Lưu Lặc Soa, Tỳ Lưu Bát Soa, Tỳ Sa Môn tất cả đều lấy làm hoan cùng bảo nhau rằng:
- Chúng ta đã biết Bồ Tát Bổ Xứ từ Ðâu Xuất hạ sanh nhập vào thai mẹ, chúng ta phải ủng hộ giữ gìn, chớ cho kẻ khác, hoặc nhân phi nhân não loạn Bồ Tát. Bồ Tát là một bậc cực đại oai đức, chư thiên chúng ta cố gắng bảo hộ, bởi vì ngoài chúng ta ra, người ở cõi thế gian không thể bảo hộ được.
d- Những Hiện Tướng Tốt Lành
Như chúng ta biết, đối với những chúng sanh bị nghiệp lực đầu thai vào thế gian nầy, thường khi lúc vào ở trong thai mẹ không có  chánh niệm, hoặc ở thai mẹ cũng không chuyên tâm chánh niệm, hoặc khi sinh ra khỏi thai mẹ cũng không chánh niệm. Có những chúng sanh khi vào thai mẹ chuyên tâm chánh niệm, trụ ở trong thai mẹ lại không chánh niệm, khi ra khỏi thai mẹ cũng không chánh niệm. Hoặc có chúng sanh, khi vào thai mẹ thì chánh niệm, ở thai mẹ cũng chánh niệm, nhưng khi ra khỏi thai mẹ thời không chánh niệm. Riêng đối với đức Bồ Tát khi vào thai mẹ, tâm cũng chánh niệm, ở trong thai mẹ cũng chánh niệm, và lúc sinh ra đời cũng chánh niệm.
Không giống như những chúng sanh khác, Bồ Tát ở thai mẹ thường ở sườn bên hữu, khi đứng dậy, lúc nằm ngồi tự do nhưng không tổn thai mẹ, vì thế mẹ cảm tưởng như thai nhi không chuyển, không động, chưa từng di động, trong khi đó những chúng sanh khác có lúc ở sườn bên phải, hoặc ở sườn bên trái, đạp đá lung tung, bởi nhân duyên ấy nên mẹ đau đớn chịu khổ vô lượng.
Ngay cả lúc Bồ Tát ở trong thai, không kinh không sợ, được đại vô úy, ác vật không nhiễm, những thứ bất tịnh, đàm dãi, khí huyết...làm nhiểm ô, Trong khi đó những chúng sanh khác lúc ở thai mẹ, bao nhiêu thứ bất tịnh cũng đều bị ô nhiểm.
Lúc Bồ Tát đang ở trong thai mẹ, mẹ của Bồ Tát thân thọ đại khoái lạc. Khi mẹ đi, mẹ ngồi, mẹ ngủ, mẹ dậy, đều được an lạc, thân không chịu khổ, không mõi mệt, trong khi đó những chúng sanh khác lúc ở trong thai mẹ hoặc là chín tháng, hoặc là mười tháng, mẹ chịu nặng nề thân thể bất an.
Ðiểm đặc biệt của Bồ Tát lúc ở trong thai, mẹ của Bồ Tát phát tâm thọ giới cấm, thường phụng trì thực hành cấm giới, không làm tạp hạnh, theo đường hướng tu tập mà hành trì giới hạnh, trong khi đó những chúng sanh khác khi ở thai mẹ, người mẹ làm tạp hạnh, biếng nhác giải đãi, không thọ trì cấm giới.
Khác hẳn với những chúng sanh khác lúc Bồ Tát ở trong thai, mẹ của Bồ Tát không tưởng dục nhiễm, không bị lửa dục làm não loạn, mẹ Bồ Tát thường hành phạm hạnh. Cha của Bồ Tát cũng chán lìa tư tưởng ái dục, không hành dâm dục. Trong khi đó những chúng sanh khác khi vào thai mẹ không lâu, lòng dục của cha mẹ phát khởi gấp bội lúc thường.
Lúc Bồ Tát ở trong thai, mẹ của Bồ Tát các căn khéo điều phục, khéo chữa, khéo hộ, khéo che, lại hay vì người mà thuyết pháp, như thế căn tai, căn mũi, căn lưỡi, căn thân, căn ý tất cả đều khéo hộ trì, vì thế mà mẹ Bồ Tát không tham luyến những mùi thế tục khác. Trong khi đó những chúng sanh khác khi ở thai mẹ thì người mẹ lại ham thích đủ thứ, chẳng biết đủ, biết chán.
Ðức tánh thực hành sáu Ba La Mật của Bồ Tát lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ cho chúng sanh, vạn loại ngay lúc còn trong thai, vì thế mẹ của Bồ Tát ưa thích bố thí, tâm ý vui với việc làm bố thí. Trong khi đó chúng sanh khi ở thai mẹ thì mẽ bỏn sẻn, tham lam chẳng ham bố thí, sẻn tiếc tịnh tài.
Lòng từ bi của Bồ Tát lúc nào cũng lo cho chúng sanh, ngay cả lúc Bồ Tát ở trong thai, vì thế mẹ của Bồ Tát thường thực hành hạnh từ bi, đối với tất cả chúng sanh có thức, có mạng, đều phát khởi lòng lành thương xót. Thường đối với tất cả chúng sanh làm tâm đại lợi ích an lạc, trong khi đó những chúng sanh khác ở trong thai mẹ thì mẹ bất nhân, oai đức thiếu kém, việc làm bất thiện, ác khẩu mắng nhiếc.
Hạnh đoan nghiêm chánh trực, là một trong những hạnh trong việc tu Bồ Tát pháp đã được Bồ Tát vận dụng để hoá độ chúng sanh ngay lúc Bồ Tát còn đang ở trong thai, vì thế mẹ Bồ Tát cũng đoan chánh, những tướng mạo tất cả đều được an vui, tâm thường sinh hoan hỷ, giới hạnh oai đức, sắc thân tối thắng, tối diệu, tối tôn, trong khi đó những chúng sanh khác ở trong thai mẹ thì mẹ gầy, xấu, thân thể không béo tốt, khí lực suy nhược bội hơn người thường.
Con mắt của người giác ngộ có khác, nghĩa là đôi mắt đó có thể thấy thấu suốt quá khứ hiện tại và tương lai, và cũng không phân biệt thời gian và không gian, xuyên qua những hiện tượng vật chất ngay Bồ Tát đang còn ở trong thai, nhờ những ảnh hưởng đó nên lúc mẹ của Bồ Tát muốn coi sắc thân, thì thấy Bồ Tát ở trong thai mẹ, thân thể năm chi sung mãn, năm căn đều đầy đủ rõ ràng giống như gương sáng soi trên diện tượng, bà mẹ thấy rồi, vui mừng không kể xiết. Trong khi đó những chúng sanh khác khi ở trong thai mẹ, vì bị nghiệp lực chi phối nên thân thể không hiện ra nên không thấy.
Bồ Tát ở thai, thì mẹ Bồ Tát nếu thấy chúng sanh hoặc trai, hoặc gái, bị quỷ cầm giữ, được thấy mẹ Bồ Tát, tất cả yêu quái, tất cả các quỷ thần đều xa lìa, lại được phục hồi bản tâm như cũ. Nếu thân thể có tạp chứng bệnh như: Bệnh liệt, bệnh da vàng, bệnh phong, bệnh điên, bệnh đàm, bệnh ấm, hoặc các bệnh khác như bệnh hủi, bệnh đinh, bệnh thủng, bệnh ghẻ lở, bệnh khô gầy, bệnh ung thư, bệnh hắc lào, bệnh nhọt, bệnh nóng lạnh, mắt tai mũi lưỡi yết hầu, tất cả các bệnh làm tổn hại. Nếu những chúng sanh kia, đến bên mẹ của Bồ Tát, đức bà chỉ cần lấy tay xoa đầu thì được an lạc, các bệnh đều hết. Nếu những người có bệnh nặng mà không đến được chỗ mẹ của Bồ Tát, thì đức bà chỉ cần lấy cỏ, hoặc lá cây, tay phải xoa vuốt, sau đó đem cho bệnh nhân. Bệnh nhân được rồi, hoặc ăn hoặc chạm vào, hoặc để trên mình thì được giải trừ tất cả mọi bệnh, liền được an vui, thân thể nhẹ nhàng.
Lúc ở trong thai, đức đại Bồ Tát cũng thường thuyết pháp cho những chúng sanh trong thế giới thai tạng nghe, để cho những chúng sanh đó có đủ túc duyên phát tâm tu học. Trong khi đó những chúng sanh khác vì nghiệp lực chi phối nên họ không có được cái oai lực như vậy.
C- Thị Hiện Ðản Sanh
Thấm thoát đã sắp đến kỳ sinh nở, theo tục lệ Ấn Ðộ thời xưa người con gái phải về phía bên cha mẹ mình sanh. Tục lệ đã có sẳn, nhưng là người tâm lý, Vua Thiện Giác liền cho người sang thành Ca Tỳ La Vệ, tâu với vua Tịnh Phạn rằng:
- Muôn tâu Ðại Vương, như Ðại Vương của tôi được biết, Ma Gia đại phu nhân đang mang giữ thánh thai, oai đức rất lớn. Theo thông lệ, Ðại Vương của tôi muốn rước Ma Gia về bên quê ngọai để Ðại Vương của tôi được chăm sóc cho trọn tình cha con, sau khi sinh sản bình yên Ðại Vương tôi sẽ đưa Ma Gia Phu Nhân trở lại hoàng cung Ca Tỳ La Vệ.
Vua Tịnh Phạn nghe sứ giả của Vua Thiện Giác nói, liền sắc lệnh cho quan Hữu Tư thành Ca Tỳ La Vệ sửa sang đường sá cho bằng phẳng quét bỏ tất cả những gai góc, cát sỏi phân uế, dọn dẹp những mô đất. Dọn dẹp cho đường xá bằng phẳng xong, nhà vua cho đem các thứ nước hoa, và các loại hoa quý rải trên mặt đất. Ðồng thời cho các thợ giỏi vào cung trang sức cho Ma Gia Phu Nhân những thứ hương tốt, tràng hoa chuỗi ngọc, trang nghiêm trên thân, ngoài ra còn có đủ các âm thanh kỹ nhạc, hát xướng, và tất cả kỷ nử trong nội cung cùng đi đến cung thành của Vua Thiện Giác.
Ðược sự sắp xếp chu đáo của đức Vua Tịnh Phạn, Ma Gia đại phu nhân an nhiên ngồi trong màn báu trên mình con bạch tượng đi đến nhà thân phụ, trong thành Ðề Bà Da Ha. Ngoài ra vua Tịnh Phạn còn cho người điều động một vạn đại lực hương tượng đều đặt yên vàng, trang sức bằng thất bảo trên mình voi rất là tinh lệ, tiễn đưa Ma Gia Phu Nhân.
Cùng đi trong đoàn tiển đưa Ma Gia Phu Nhân còn có:
- Một muôn con ngựa tốt, tất cả đều sắc xanh, thanh đầu đen như quạ, lông bườm, đuôi dài chấm đất, hàm thiết bằng vàng, yên bàn đạp để giàm cũng đều bằng vàng, tất cả tạp bảo trang nghiêm trên thân
- Một vạn xe chở báu vật, đặt bốn ngựa kéo, chung quanh xe căng che phan lọng, và các chuông báu, vang kêu hoà nhau, tất cả đều theo sau, Ma Gia Phu Nhân.
- Hai muôn dũng sĩ hùng mạnh, một người có thể địch nổi ngàn người, uy mãnh nhanh khoẻ, đoan chính tuyệt lạ, hay phá được oán địch cường  mạnh, thân mặt áo giáp, tay cầm cung tên, dao gậy vòng đấu, và các chiến lược theo sau phu nhân.
- Một vạn xe báu, mười ngàn phi tần đều ngồi ở trên, y phục anh lạc trang nghiêm trên thân vây chung quanh Ma Gia Phu Nhân.
- Một muôn hương tượng, một muôn lực sĩ đều mặc áo giáp, đều ngồi ở trên mình hương tượng, đi hai bên phải và trái theo nghi vệ của thiên tử mà đi theo sau Phu Nhân,
- Một vạn bộ hành lực sĩ, cũng mặt áo giáp, tay cầm kích, giáo gậy bảo vệ phu nhân trang nghiêm như thế.
Vua Tịnh Phạm còn sắc lệnh cho cung giám đại thần phải cẩn thận phòng vệ không cho những kẻ lãng nhân lại gần xe phu nhân. Như thế Ma Gia Phu Nhân ngồi trong xe voi, một muôn bảo xa được đi theo, mỗi một xe là một bà phi ngồi ở trên vây quanh tả hữu theo hầu trước sau, Ma Gia Phu Nhân là tối thượng thủ.
Ma Gia Phu Nhân hướng về chốn thân phụ, vô lượng voi ngựa kêu thét, lại có vô lượng trống lớn, đầu rồng vô lượng trống nhỏ, vô lượng nhạc khí xuất ra những tiếng nhiệm mầu, vô lượng trang nghiêm, vô lượng oai đức hướng về phía thành Ðề Bà Da Ha.
Trên hư không chư thiên mưa hoa cúng dường đức Bồ Tát và Ma Gia phu nhân.
Lúc bấy giờ Vua Thiện Giác, và các quan đại thần, cùng với họ hàng từ thành ra đón rước con gái, Ma Gia Phu Nhân đem vô lượng đồ trang nghiêm đến dâng cho cha mẹ.
Trong lúc gia đình đoàn tụ, Vua Thiện Giác lấy làm hoan hỷ, nên đề nghị cả gia đình nên đi dạo cảnh trong Vườn Lâm Tỳ Ni. Vườn Lâm Tỳ Ni là một khu vườn rất thanh nhã, vị trí nằm ở khoảng giữa thành Ca Tỳ La Vệ và Thành Ðề Bà Da Ha. Sở dĩ có ngôi vườn nầy vì nhà Vua quá thương yêu Hoàng Hậu Nham Tỳ Ni, nên đã tạo lập ngôi vườn rất rộng nầy, bởi vì Hoàng Hậu của Vua Thiện Giác, tên là Nham Tỳ Ni, do nhân duyên đó nên gọi Tỳ Ni Viên. Trong vườn cây cối um tùm, nhưng thông suốt, thế gian không tỷ ví được. Những thứ hoa, những thứ quả để làm trang nghiêm, lại có các suối, rảnh, hồ ao, và các hàng cây vô luợng, vô biên chân bảo ma ni đầy khắp trong vườn.
Khi bấy giờ Vua Thiện Giác, với con là Ma Gia, cùng với các quan đại thần nhân ngày đầu mùa Xuân, ngày tám tháng tư, cả thảy vua tôi cùng đi coi xem đại cát tường địa trong Vườn Lâm Tỳ Ni. Khi tới nơi rồi Ma Gia Phu Nhân từ trên bảo xa xuống lấy tràng hoa anh lạc, trang nghiêm cho thân và lấy các hương thơm xoa bôi, và các thể nữ kỷ nhạc, âm thanh vây quanh trước sau, khoan thai nhẹ bước khắp nơi, từ nơi nầy sang nơi khác, lần lượt như thế mà đi.
Trong vườn ấy, ngoài những cảnh trí trang nghiêm tốt đẹp, còn có một cây tên là Ba La Soa, cây nầy đứng sửng trên dưới bằng nhau, cành lá tỏa tung nửa biếc nửa xanh, tia biếc sáng soi như cổ chim khổng tước và rất mền dẽo như áo Ca Lân Ðề, hoa thơm mầu nhiệm. Ma Gia Phu Nhân thấy cảnh trí an lành, nên từ từ đi đến cây Ba La Soa. Bởi vì oai lực của Bồ Tát, cành tự nhiên dịu dàng rủ uốn xuống thấp. Ma Gia Phu Nhân đưa cánh tay phải, nhẹ nhàng cầm lấy cành uốn của cây Ba La Soa, mặt ngửa nhìn hư không.
Khi mẹ của Bồ Tát, Ma Gia Phu Nhân đứng ở dưới đất khi vin cành cây Ba La Soa, cùng lúc đó đức Bồ Tát từ bên hông phải cũng an lành xuất hiện. Bồ Tát khi xuất hiện trên trần gian không giống những loài chúng sanh, tất cả các ô uế đều không dính bám, chính tâm, chính niệm an thị hiện.
Bồ Tát khi từ thai mẹ mới ra, vua Thiên Ðế Thích đem áo Kìều Thi Ca dâng cúng và mặc vào mình, đức Bồ Tát đứng ngay ở đất ngửa coi hông phải của thánh mẫu mà nói rằng:
- Thân hình tôi từ ngày nay trở về sau, không còn thụ thân trong phàm trần, không vào nằm trong thai nữa, đây là tối hậu thân của tôi, tôi sẽ thành Phật.
Và đức Bồ tát nói tiếp:
- Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn.
Sau đó đức Bồ tát nằm xuống như bao nhiêu đứa trẻ mới sinh khác. Vua cõi trời Tứ Thiên ẳm Bồ Tát đưa đến trước thánh mẫu mà nói rằng:
- Thế đại phu nhân, nay sẽ hoan hỷ, phu nhân sinh con đã đuợc thân người, chư thiên cũng còn hoan hỷ khen ngợi, phương chi người đời.
Trong lúc ấy có hai muôn chư thiên ngọc nữ đi đến chỗ Ma Gia Phu Nhân vây kín chung quanh, chấp mười ngón tay, bạch với Ma Gia Phu Nhân rằng:
- Phu Nhân nay sinh con
Hãy dứt vòng sanh tử
Thượng hạ thấy trời người
Quyết định không có hai
Ðó là thai chư thiên
Hay gở khổ chúng sanh
Phu Nhân chớ lo sợ
Chúng tôi cùng phù trì.
Do Bồ Tát chính tâm, chánh niệm nên mẹ Bồ Tát thân thể an thường, không thương, không tổn, không ngứa không đau, thân của mẹ Bồ Tát như cũ không khác. Bồ Tát sinh thời tất cả đều được tư ích, bởi nhân duyên đó, mẹ không đại khổ, thân miệng và tâm không có phiền muộn, mẹ của Bồ Tát thản nhiên an tịnh, hoan hỷ, thân đại an vui. Không giống như những người mẹ của các chúng sinh khác, lúc sắp sinh con đau khắp thân thể, bởi nhân duyên nên chịu đại khổ, nặng đứng, nặng ngồi không được an thân.
Khi đó xứ kia có một phu nhân bạch mẹ Bồ Tát rằng:
- Ðại đức Phu Nhân sinh con như thế thân thể có khỏi đau không?
Mẫu Bồ Tát nói:
- Nhờ lực oai thần của đại nhân thân thể tôi không thấy đau đớn, nay thân thể tôi không khuyết, không giảm
D- Kết Luận:
Bồ Tát sinh ra là người, các vị đoán mộng, và tiên A Tư Ðà xem tướng rồi đoán: Nếu ở nhà thì sẽ làm Chuyển Luân Thánh Vương, nếu xuất gia thì sẽ thành Phật, vì vậy khi vượt thành xuất gia chỉ là để hoàn thành sự kết thúc hay cái giai đoạn chung cục của ba tăng kỳ và trăm kiếp tu hành. Như vậy việc Phật sinh ra là người chẳng qua cũng chỉ là phương tiện thị hiện như người để dễ bề giáo hoác chúng sanh mà thôi.
-- o0o --