CON TÔM ÔM CÂY LÚA:
Một cuộc cách mạng xanh,
Yên bình và thú vị tại nông thôn Việt Nam
--o0o--
 
            Phần Tóm Lược
            Từ mấy nghìn năm qua, Việt Nam vẫn lấy Nông nghiệp làm căn bản kinh tế. Ngày nay, xã hội đã tiến bộ rất nhiều nhưng hiển nhiên là nước ta không thể bỏ được nghề nông. Nhưng nếu cứ bám lấy ngành này thì Việt Nam khó vượt ra khỏi mức nghèo nàn muôn thuở, dù năng xuất cây lúa bây giờ đã tăng lên tới 5-6 tấn/mẫu tây. Với con số lạc quan nhất, lợi tức trung bình của người nông dân Việt Nam có 1 mẫu tây ruộng chưa tới 200 Mỹ kim lãi ròng/năm, dù có làm tới 2 hay 3 vụ. Làm thế nào để mức lợi tức nầy đạt được 1000 Mỹ kim, giúp người nông dân có thể bắt kịp mức sống của dân thành thị. Ðó là mục đích của đề án.
            Con Tôm Ôm Cây Lúa: Một cuộc cách mạng xanh, yên bình và thú vị tại nông thôn Việt Nam.
            Sở dĩ gọi là cuộc cách mạng tại nông thôn vì bản chất nó sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế nông thôn theo chiều hướng tốt đẹp. Ánh sáng văn minh sẽ tràn ngập khắp mọi làng xã, sự cách biệt về cuộc sống kinh tế của nông thôn và thành thị sẽ được thu ngắn lại một cách đáng kể. Mặt khác ta gọi nó là cuộc cách mạng xanh vì nó chỉ sẩy ra trên ruộng lúa. Nó lại không làm hại tới bất cứ một thành phần nào trong xã hội, không gây bất cứ một cuộc xáo trộn nào mà chỉ có khuynh hướng đưa cuộc sống của giới nông dân đồng loạt đi lên, nếu họ muốn. Nếu họ không muốn thì có thể cứ giữ nguyên nếp sống cũ. Cuộc cách mạng xanh không bắt buộc họ và sự trì trệ của họ cũng không làm cản bước của cuộc cách mạng xanh. Vì thế ta mới bảo nó là cuộc cách mạng yên bình và thú vị.
            Dưới đây, chúng ta sẽ mổ xẻ trọn vẹn cuộc thay đổi kỳ thú ấy qua những yếu tố thiên nhiên và con người. Có những điểm người ta vẫn cho là nhược điểm của tài nguyên tại một vài vùng của Việt Nam, nhưng khi biết khai thác dưới một hình thức khác thì vẫn cũng tài nguyên đó lại trở thành một ưu điểm thiên nhiên của nước ta. Cũng xin nhắc lại ở đây là chúng ta chỉ đề cập tới khía cạnh thủy sản mà không lạm bàn tới các lãnh vực khác.
            Thí dụ: Người ta vẫn cho rằng tại miền Bắc nước Việt, về mùa Ðông không thích hợp cho việc nuôi tôm. Nói một cách tổng quát thì điều này rất đúng, nhưng nghiên cứu kỹ càng hơn, chúng ta vẫn có thể xử dụng tài nguyên thủy sản tại miền Bắc vào những tháng mùa Ðông một cách hữu ích mà miền Nam lại không có cơ hội đó. Chính nhiệt độ lạnh lẽo vào những tháng cuối năm đã tiêu diệt hết các mầm bệnh chồng chất sau vụ nuôi mà những nguồn bệnh này đã tạo thành những cơn dịch làm thiệt hại rất nhiều cho ngành nuôi tôm Sú tại miền nam Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới.
            Lợi dụng điều kiện khí hậu thiên nhiên này để tránh bệnh cho tôm là điều ta nên khai dụng tối đa.
            Cũng trong điều kiện khí hậu này, tại miền Bắc rất thích hợp cho ngành sản xuất cá cảnh(tropical fish) nước ngọt, nhất là tại các tỉnh trên cao nguyên Bắc phần và các tỉnh cao nguyên Trung phần.
            Ngoài ra nếu áp dụng phương pháp nuôi cá Rainbow Trout, một loại cá nước lạnh, thường được khai thác trong ngành du lịch và nhất là thường làm filet đông lạnh để cung cấp thức ăn cho kỹ nghệ du lịch, lại càng là một nguồn kinh tế đáng kể để nâng cao mức sống kinh tế của người dân vùng xa xôi và vùng Cao nguyên lại là một cơ hội ta không nên bỏ qua.
            Ý niệm mở đầu về nguồn lợi tôm càng xanh
            Trong mỗi vụ lúa, người nông dân ta nhiều nhất là tại vùng đồng bằng sông Cữu Long thường thu lượm được những mẻ tôm đáng kể, nhất là tôm càng xanh. Chúng ta tự hỏi, những mẻ tôm này từ đâu mà có?
            Khởi đầu là những bầy tôm con xuất phát trong hệ thống sông ngòi thiên nhiên. Riêng đối với tôm càng xanh, khoa học đã chứng minh sự hiện hữu của chúng trong môi trường sinh thái tự nhiên từ bao đời. Các nhà khoa học đã cho biết tôm càng xanh có một đặc tính khác hẳn các loại khác trong chu trình sinh sản. Mặc dù chúng sinh sống trong nước ngọt nhưng trong giai đoạn ấu trùng chúng cần một lượng nước mặn khoảng 5-10 phần ngàn. Thiếu yếu tố này tôm không vượt được giai đoạn ấu trùng tiến sang giai đoạn trưởng thành. Các sông ngòi đổ nước gần cửa biển tạo được điều kiện thích hợp ấy cho nhu cầu sinh thái giai đoạn ấu trùng của tôm càng xanh làm cho khu vực này xuất hiện những bầy tôm càng xanh nhỏ. Nhờ vậy mà trong các ruộng lúa tại vùng này khi lấy nước vào ruộng, ruộng lúa đã đương nhiên tiếp nhận thêm một số tôm càng xanh con.
            Từ hình ảnh thiên nhiên ấy, nếu chúng ta thả thêm vào ruộng lúa một số tôm nhiều hơn tôm đã hiện diện thì năng xuất tổng cộng của ruộng có cao hơn không?
            Chúng ta sẽ lần lượt trả lời và khai dụng câu hỏi đó.
            Làm sao nâng lợi tức người dân từ 200 lên 1000 Mỹ kim/năm?
            Ta hãy làm bài toán đơn giản sau đây để tìm câu trả lời.
            Ðối với ruộng lúa, mỗi vụ thâu hoạch khoảng 5 tấn lúa:
            US$0.10x5000kg = US$ 500.00
            Nếu trích ra 10% diện tích để nuôi tôm càng xanh thì lợi tức về lúa còn 450 Mỹ kim. Nếu khai thác ruộng lúa tối đa như ở miền Nam thì sau 3 vụ trong 1 năm, lợi tức ruộng lúa sẽ là 1350 Mỹ kim. Trừ mọi chi phí như thóc giống, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, máy cầy, bừa, xăng dầu... người nông dân mang về cho mình được khoảng 200 Mỹ kim/năm.
            Nhưng về lợi tức do con tôm mang lại thì rất đáng kể. Nếu ta thả 1250 con tôm càng xanh nhỏ khoảng 2, 5 tháng tuổi. Sau 7-8 tháng nuôi trong ruộng, bầy tôm này sẽ nặng 120-150 gram/con, trung bình 135 grams. Muốn cho tôm lớn hơn nữa, ta có thể cung cấp thức ăn phụ trội cho chúng, nhưng điều này không cần thiết lắm nếu chỉ nuôi 1250 con tôm trong 1 mẫu tây (10,000m2)
            Như vậy lợi tức về tôm:
            US$ 7.5/kg x0.135kg/con = US$ 1012.00.
            Tỷ lệ sống là 80%. Với loại tôm này cùng cỡ, các siêu thị tại Mỹ đang bán với giá 15 Mỹ Kim/kg.
            Nếu thả 1250 tôm nhỏ trong mương trú của ruộng lúa 10% của một mẫu tây thì không cần cho ăn, nếu muốn cho tôm ăn để bảo đảm trọng lượng của mỗi con khoảng 150grs thì chỉ nên dùng tấm cám rẻ tiền, thức ăn phế thải của người hoặc thức ăn gia súc với giá thành không quá 100 Mỹ kim/vụ. Giá mua 1250 con tôm nhỏ không quá 100 Mỹ kim. Chi phí cho việc săn sóc 1250 con tôm trong 7-8 tháng gồm: Tôm giống, xăng chạy máy bơm/quạt nước, thức ăn phụ trội ... không quá 200 Mỹ kim.
            Không kể tới lợi tức của cây lúa, chỉ cần thả thêm 1250 con tôm càng xanh nhỏ 2, 5 tháng tuổi, áp dụng một vài kiến thức thỏa mãn điều kiện tăng trưởng của loại tôm này, sau 7-8 tháng, riêng lợi tức về tôm đã là:
            1012-200=812 Mỹ kim.
            Nếu trồng 3 vụ lúa/năm thì chúng ta lại có nhiều thời gian hơn để tăng trọng lượng của mỗi con tôm lên 150 grams hay cao hơn nữa. Trong trường hợp này, lợi tức của người nông dân sẽ cao hơn 1000 Mỹ kim/năm là chuyện tất nhiên..
            Vì vậy chúng ta có thể ấp ủ giấc mộng đưa lợi tức của nhà nông từ 200 tới 1000 Mỹ kim/năm mà không ngại là quá lạc quan.
            Vấn đề săn sóc ruộng lúa thì không thay đổi. Việc săn sóc mương tôm cũng không khó khăn, chỉ cần theo sự hướng dẫn kỹ thuật đã được phổ biến và tạo thêm 1 mương trú bao xung quanh ruộng lúa hoặc 1 ao trú. Mương này cần sâu hơn ruộng lúa khoảng 60cm, còn ao trú/ao mương thì cần đào sâu hơn cỡ 90cm. Dĩ nhiên cần thiết lập một hay nhiều lối ra vào trong trường hợp thiết lập mương trú. Ta lợi dụng địa điểm này để đặt cống xi măng dưới lối ra vào. Nước sẽ luân lưu trong mương trú và tất nhiên sẽ chảy xuyên qua lòng ống xi măng. Có thể đặt 2 ống xi măng nếu có nhu cầu. Diện tích mương trú chỉ chiếm 5% hoặc 10% diện tích ruộng lúa tùy theo quyết định của chủ ruộng.
            Trường hợp đào ao mương/ao trú trong ruộng lúa và ta nên áp dụng phương pháp này, thì ao mương/ao trú chỉ nên chiếm 10% diện tích ruộng, có 2 bờ ao để ngăn cách môi trường nước giữa ruộng lúa và ao mương tôm, 2 môi trường này phải hoàn toàn cách biệt, nhất là vào thời gian phun thuốc trừ sâu bệnh cho lúa. Giữa mỗi bờ ao mương có thiết lập 1 cống chắc chắn để cho tôm ra vào ruộng vào những thời điểm thích hợp. Xin nhấn mạnh rằng khi cống được đóng kín thì nước trong ruộng và trong ao sẽ hoàn toàn biệt lập, đó cũng là thời gian mà chúng ta dùng để phun thuốc trừ sâu cho ruộng lúa trong khi tôm vẫn sống an toàn trong ao mương có thể dùng những tấm vải nhựa phủ kín ao mương trong khi phun thuốc sát trùng cũng là điều nên làm.
            Nếu chắc chắn hơn nữa, sau khi đã phun thuốc trừ sâu cho lúa, ta có thể thay nước trong toàn ruộng lúa trong khi vẫn giữ nguyên mực nước trong ao bằng cách bơm nước vào ao, nước ao tràn sang ruộng rồi được tống ra ngoài.
            Trong mỗi vụ lúa, sau khi đã phun thuốc trừ sâu bọ và khi cây lúa đã có đòng đòng, một tuần sau ta có thể mở cửa cống để tôm vào ruộng, ăn các sâu bọ hoặc hoa lúa rơi trong ruộng. Sự va chạm của con tôm vào thân lúa chỉ kích thích cho cây lúa đâm chồi nẩy lộc mà không gây thiệt hại gì cho năng xuất ruộng, đó là kinh nghiệm của các nhà nông bên Ấn Ðộ. Còn các nhà nông bên Phi Luật Tân lại khuyên nên cho tôm ăn thỏa thê trong suốt thời gian tôm được tập trung trong ao trú để tăng gia tối đa trọng lượng con tôm. Nhưng khi tôm đã thả vào ruộng rồi thì không cần cho ăn nữa vì với 10,000m2 mặt ruộng thì dư thức ăn cho hơn 1000 con tôm.
            Các nhà thủy sản thì khuyên chúng ta phải trừ cá dữ trong ruộng, nhất là trong ao trú, tạo đủ Oxy và thức ăn cho tôm trong những giai đoạn chúng cần phải trú tại đây trước khi thả vào ruộng, và nhất là tránh ảnh hưởng thuốc trừ sâu trong ruộng có thể lan truyền sang ao trú.
            Phương tiện tăng cường cho ruộng lúa nếu nuôi thêm tôm càng xanh: Một máy bơm dùng để cung cấp nước khi cần. Thường lệ thì chúng ta không cần dùng tới máy bơm. Máy bơm này cũng biến thành máy quạt nước để cung cấp Oxy cho ao trú khi mực nước trong ruộng được hạ xuống vào vụ thâu hoạch lúa.
            Khi mực nước được hạ thấp thì máy quạt nước sẽ tạo một dòng nước chảy liên tục trong mương trú là điều kiện cần thiết. Yếu tố này quyết định sự thành bại của việc nuôi tôm trong ruộng lúa.
            Trường hợp thiết lập ao trú/ao mương, diện tích ao này cũng không lớn hơn 10% diện tích ruộng lúa. Cách xử dụng ao trú/ao mương hoặc mương trú sẽ đề cập kỹ lưỡng hơn trong tài liệu của tác giả.
- Kiến thức căn bản về tôm càng xanh.
            - Thời gian coi sóc, cho tôm ăn, cùng thời gian với việc chăm sóc lúa
- Bảo vệ tôm khỏi bò đi hoặc bị đánh cắp.
            Những vấn đề có thể xảy ra:
            - Lúa sẽ bị kém năng xuất vì sống chung với tôm.
            Ðiều này sẽ không sẩy ra, theo kinh nghiệm của các nhà nuôi tôm trong ruộng lúa thì sự cộng sinh giữa tôm và lúa sẽ làm cây lúa tăng trưởng nhanh hơn vì sự bơi lội của tôm mỗi khi đụng phải thân lúa chỉ đủ làm kích thích sự đâm chồi nẩy lộc của cây lúa mà thôi. Ngoài ra tôm lại xử dụng những loại côn trùng phá hại mùa màng, giúp cho việc trừ sâu bọ đỡ tốn kém.
            - Tôm chết vì hóa chất chữa bệnh cho lúa(thuốc trừ sâu bệnh).
Các nhà cấy lúa kinh nghiệm có thể tránh được ảnh hưởng hóa chất của thuốc trừ sâu trên ruộng lúa đối với tôm nuôi trong ruộng bằng cách biệt lập tôm và lúa mỗi khi phun thuốc trừ sâu bệnh cho lúa, mặt khác không dùng quá liều lượng thuốc sát trùng trong ruộng. Ðiều này cũng tránh phí phạm thuốc men, giảm được giá thành cho cây lúa. Mặt khác, ta cũng yên tâm vì tác dụng của thuốc trừ sâu bệnh trên cây lúa thường nhẹ hơn sức chịu đựng của con tôm đối với các loại thuốc, một khi ta dùng không quá liều lượng.
            Cấy những loại lúa kháng bệnh là một khuyến cáo khác của các nhà nuôi tôm trong ruộng lúa.
Nếu gặp khó khăn về vấn đề thuốc trừ sâu bịnh ảnh hưởng tới con tôm trong ruộng lúa xin tham khảo tài liệu huấn luyện của cùng tác giả(Hình thể các ao trú/mương trú và các loại lúa phù hợp với ruộng có nuôi tôm).
            - Tôm sẽ bò ra khỏi ruộng khi đủ lớn.
            Con tôm dùng trí khôn thô thiển của chúng để thoát ra ngoài ao, con người dùng kiến thức của mình để giữ con tôm lại trong ao. Hiển nhiên là phía nào sẽ thắng.
            - Nguồn tôm giống không đủ cung ứng cho nhu cầu.
Cách đây chừng 30-40 năm thì trở ngại này có lý do xuất hiện nhưng ngày nay khoa học đã giải quyết dễ dàng với việc thành lập các trại tôm giống.
            - Cá dữ sẽ tấn công tôm trong thời kỳ lột vỏ
            Mỗi lần tôm tăng trưởng là một lần tôm lột vỏ. Tôm càng lớn nhanh thì lột vỏ càng nhiều. Nhưng trong thời gian lột vỏ, tôm rất yếu ớt và dễ bị các loại khác tấn công, ngay cả đối với đồng loại. Vì vậy, ta cần bảo vệ chúng trong thời kỳ lột vỏ. Chúng ta có nhiều phương pháp đáp ứng, chúng ta sẽ chọn phương pháp đơn giản và ít tốn kém nhất. Ðặt các cây chà làm chỗ cho tôm trú ẩn trong thời kỳ lột vỏ là phương thức thông dụng nhất vì lợi ích về mặt kinh tế. Mặt khác đối với loài cá dữ, người nông dân đã dùng dây thuốc cá từ lâu, bây giờ lại có thêm các loại thuốc khác chế tạo sẳn, rất dễ xử dụng lại rất rẻ tiền. Thí dụ như bánh hạt trà(Tea seed cake). Việc diệt cá dữ trong mương trú cần được chuẩn bị lúc khởi sự.
            Nói tóm lại, những trở ngại trong việc nuôi tôm trong ruộng lúa đều có khả năng vượt được sau khi chúng ta đã trang bị cho mình một số kiến thức tương đối đơn giản về sự sinh sản và tăng trưởng của loài tôm càng xanh.
            Tôm có thể bị ăn trộm dễ dàng nhất khi tôm đã lớn. Ðiều này nằm ngoài khả năng của khâu kỹ thuật nên không được đề cập ở đây, nhưng chúng ta cũng yên tâm về điểm nầy khi tôm còn nhỏ và diện tích 10,000 m2 khi chúng ta chỉ thả 1250 con tôm. Nhưng khi tôm đã lớn nhất là vào vụ thu hoạch lúa, mực nước ruộng đã cạn, chỉ còn mực nước trong ao trú/mương trú thì việc coi sóc ao tôm đòi hỏi chủ ruộng nhiều công lao hơn nữa.
            Kết Luận
            Trong thiên nhiên, ruộng lúa vẫn tự sản xuất được một số tôm, nay ta dùng sự khôn ngoan của con người cộng thêm một chút lao động song song với công việc chăm sóc cây lúa thì chúng ta được bù lại với mức lợi tức kinh tế gia tăng 500%. Ðiều này xứng đáng để chúng ta tham gia vào một công tác cải thiện nếp sống hay không? Nếu những ai còn ngại ngùng trên con đường tiến thủ thì xin chờ đợi những người tiên phong. Khi nào có kết quả chắc chắn thì ta hãy bắt đầu. Lại nữa khi đã quyết định rồi, ta cũng chỉ nên xử dụng 5% diện tích ruộng để nuôi tôm, như vậy mức an toàn lại còn cao hơn nữa. Trong trường hợp này ta chỉ nên thả số tôm càng xanh 2, 5 tháng tuổi(thay vì 1250 con).
            Sau khi đã thành công với vụ thả thăm dò nói trên, ta sẽ tiến sang giai đoạn xử dụng 10% diện tích ruộng lúa để đầu tư nuôi tôm. Các nhà nuôi tôm trong ruộng lúa khuyến cáo chúng ta không nên dùng hơn 20% diện tích ruộng lúa để nuôi tôm. Ðiều này chúng ta cần kiểm chứng lại bằng thực nghiệm trước khi có quyết định dứt khoát.
            Chúng ta tự hỏi: Còn có dự án nào an toàn, giá trị và thích hợp với hoàn cảnh hiện tại hơn không?
Vũ Thế Trụ
Kỹ sư Canh Nông (Việt Nam)
Kỹ sư Ngư Nghiệp (Hoa Kỳ)
Cố vấn Khảo Cứu & Huấn Luyện Thủy Sản
Ðại Học Washington, Seattle, Washington Hoa Kỳ
13520  30th Ave. NE Seattle, WA. 98125 USA
Tel:206-363-8321
-- o0o --