Sự Sùng Bái Trong Dân Gian
NHỮNG BẰNG CHỨNG ÐƯỢC GHI LAI
Tác Giả: D. C. Ahir
Dịch Giả: Trần Ðức Phi Bằng
(Tiếp Theo)
--o0o--
 
Tính đại chúng và sức sống của Phật Giáo trong thời kỳ vinh quang được thấy rõ ràng qua những bằng chứng còn lại đến ngày nay khắp nơi trên toàn nước Ấn Ðộ.  đây chúng ta chú ý giới hạn vào ba ngôi Tháp Lớn ở Amaravati trong Andhra Pradesh, Bharhut và Sanchi trong Madhya Pradesh; và những Ðộng ở Maharashtra, nơi mà số lượng nhiều nhất những bản khắc được tìm thấy.
Amaravati
Trong tất cả những nơi thờ phượng của Phật Giáo trong xứ Andhra cổ xưa, ngôi tháp Maha-chaitva ở Amaravati, cách Guntur 32 cây số, trên bờ sông Krishna, là một nơi thiêng liêng và tráng lệ nhất. Ðược xây cất do vua Ashoka (A Dục) vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, ban đầu là một ngôi tháp khiêm nhường vây quanh với một hàng rào bằng đá granite. Trong thời gian trị vì của các vua Satavahava, hoàng thành được xây dựng gần Dhenukakata, Tháp Amaravati được xây lớn vào thế kỷ thứ hai sau Tây lịch và được rào quanh bằng đá hoa điêu khắc với những hình nổi và trang trí mỹ thuật.
            Sưu tập lớn nhất về công trình điêu khắc Amaravati hiện nay ở Bảo Tàng Viện Quốc Gia, Madras. Những công trình điêu khắc này bao gồm trong một thời gian dài 450 năm từ khoảng năm 200 trước Tây lịch đến 250 sau Tây lịch. 126 câu chữ(98) trong số này được tìm thấy nói lên những tinh thần truyền giáo của những Phật tử thời xưa. Của cúng dường được nhận từ mọi giới ở khắp nơi trong nước. Những câu chữ đề cập đến những tu sĩ, những trưởng lão, những khất sĩ, trưởng giả, cư sĩ, đệ tử, pháp sư, những người trông coi việc sửa chữa, chủ nhà, nội trợ, tướng lãnh, người bán hoa, công nhân làm da, những người trong khắp các thành phố, và nhiều người khác. Tên những người cúng dường cũng phản ảnh tầm ảnh hưởng của Phật Giáo trên đời sống của dân chúng. Những tên đó có nguồn gốc từ Phật, Pháp và Tăng là: Bodhi, Bodhika, Buddha, Budharajida, Buddharakhita, Buddhi, Buddhila, Dhama, Dhamadina, Dhamarakhita, Dhamasarayana, Dhamasiria, Dhamila, Sanghata, Danghamita, Sangharakhsita, Sangharakhita, Sanghada. Những tên liên quan đến Phật Giáo khác là: Ananda, Bala, Mahadhamakadhika, Makubuddhia, Nagabudhia, Nagasena, Rahula, và Sidhatha (Sidhartha).
            Phần lớn những câu ở Amaravati mở đầu với những chữ "Shiham" (Thành tựu), và một số sau đó bắt đầu bằng câu"Kính Lễ Ðức Phật, mặt trời của thế gian"(namobhagavato logaticasa) hay"Kính Lễ Ðức Phật, đấng không gì hơn."(namo bhagavato savasatutamasa Budasa). Của cúng dường có khi gọi là "suciya dana (quà thiện tín) hay "deya-dhamma"(quà công đức). Nhiều thí chủ hồi hướng sự cúng dường cho con, cháu, trong khi nhiều vị khác hồi hướng cho "sự lợi ích và an vui của khắp thế gian" (ca lokasa hitasukhathataya). Một câu khắc nói: "Dưới chân của nơi tôn nghiêm thờ Ðức Phật có đặt một trụ đèn là chỗ để tạo công đức."  (bhagavato mahacetiya padamake apano dhamathana divakhabo patithavito).
Bharut
Một trong những công trình kiến trúc Phật Giáo ở Trung Ấn nằm ở Bharut, một thành phố thịnh vượng vào thế kỷ thứ ba. Thành phố xưa này là làng Bharut nằm cách trạm xe lửa Satna ở Madya Pradesh 15 cây số về phía Nam. Bharut cách Sanchi 450 cây số.
            Ông Alexander Cunningham trong những năm 1873-1874 đã cứu một số ít thoát khỏi sự tàn phá và hư hại trong di sản phong phú của Bharut, liệt kê 140 bản khắc(99) trên những tảng đá đầu tường, trụ và vách của Ngôi Tháp. Trong số này ngoài hai câu của hoàng gia một của Raja Dhanabhuti, một của vua Phật Giáo của vương quốc Sunaga, ngày nay là Sugh ở Haryana, và một câu do hoàng tử Vadha Pala, con của vị vua này-tất cả đều do Phật tử:  tăng, ni, thiện nam, tín nữ tạo.
            Những câu ở Bharut đều ngắn. Ða số chỉ nói vật cúng dường của... Ví dụ "Aya Nagadevasa danam" (Vật cúng dường của đại đức Naga Deva). Một số câu khắc cũng ghi rõ vật cúng dường như "Dhama Gutasa danam thabo"(Trụ cúng dường của Dharma Gupta), và "Silasa Suchi danam" (Bức tường cúng dường của Sinha). Một số thí chủ cũng thêm làng hay thành phố từ đó họ đến. Có khoảng chục tên làng và thành phố quanh Bharut được nhận ra trong các câu. Những thí chủ đến từ những địa phương xa được nhận ra ở Bharut như Kosambi ở U.P., Nasik ở Maharashtra, Pataliputra ở Bihar và Vedisa ở Madhya Pradesh. Có ít nhất 25 vị tăng và ni là thí chủ ở Bharut. Trong số những thí chủ cư sĩ, những tên Phật Giáo như Buddha Rdkshita, Bodhi-Rakshita, Dharma Gupta, Dharma Rakshita, Deva Rakshita, Isi Rakhsita, Tabut Rakhsita, Sanghila và Sangha Rakshita là nổi bật.
Sanchi
Tháp lớn ở Sanchi, cách Vedisa vào khoảng 9 cây số về hướng tây, đầu tiên được dựng do vua Ashoka(A Dục) vào thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch. Nó bị tàn phá nặng nề do những người chống phá Phật Giáo sau sự sụp đổ của vương triều Mauryan(Khổng Tước) vào năm 185 trước Tây lịch. Tuy nhiên, không lâu sau, nó được các Phật Tử ở Vedisa và các nơi khác xây dựng lại.
            Bốn cổng chạm khắc công phu được tín đồ Phật Giáo thuần thành xây vào thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Như được nói trong những câu viết, xà gác trên đỉnh Cổng Nam là vật cúng dường của Ananda, người cầm đầu nhóm thợ của Vua Satakami thuộc vương triều Satavahana. Trụ phía nam của Cổng Tây và xà gác giữa của cổng Nam do cùng một người cúng dường, một người Balamitra, học trò của Aya-Chuda.   Một người Nagapidya, một giống dân địa phương ở Kurusa, là thí chủ của trụ phía Tây Cổng Ðông và trụ phía Bắc Cổng Tây.
            Trên 190 câu(100) được tìm thấy ở Sanchi và được Cunningham liệt kê cho thấy rằng thí chủ là người ở trong mọi giới. Họ là những gia chủ, viên chức trong thành phố, thương gia, viên chức hoàng gia, nhân viên quan thuế, thợ dệt, thợ thuyền, quân nhân, người bán áo choàng, thợ mộc, trưởng toán thợ, văn sĩ. Trong một số trường hợp, vật cúng dường cũng do các tăng, ni hiến. Trong nhiều trường hợp, những thí chủ được đề cập là đệ tử của những vị thầy nào đó. "Ðôi khi, một số phụ nữ được nêu tên là mẹ của những vị tăng hay ni nào đó; đôi khi họ hãnh diện gắn tên những người con của họ với tên họ. Trong những tên gọi có ý nghĩa được gán cho các tín nữ, chữ Pali "Pajavata", "mẹ của những người con" thường gặp một cách đáng chú ý."
            Có một số trường hợp, của cúng dường được quyên góp do một số gia đình, cộng đồng, hội, hay người của một địa phương. Ví dụ(101) "Vật cúng dường do Bodha-gothi(Baudha goshthi), ví dụ như hội đồng Phật Giáo hay ủy ban Phật Pháp, và do gothi Barulamises ở Vedesa. Công nhân ngà voi ở Vedesa cũng cúng dường chung. Sự cúng dường chung chứng tỏ rằng những người thợ thủ công  này đã thành lập phường hội như những câu ở Nasik đề cập đến nhiều lần. Những tín đồ tại gia ở Kamtakanuja cũng ghi lại việc cúng dường chung. Các vị ni ở Modachikada cũng được biết là đã cúng dường chung. "Lại có sự cúng dường của các làng, ví dụ như Asvati, Morajabhikata, Cudamoragiri, Vejaja, và Padukulika cũng được ghi lại. Những sự cúng dường do các làng và thành phố được ghi lại trên các tháp Sanchi đặc biệt đáng lưu ý, vì mặc dù có thể chúng không chứng minh rằng tất cả dân chúng ở những làng này đều là ưu bà tắc trong đoàn thể Tăng Già Phật Giáo, chúng cũng chứng tỏ rằng những người có ảnh hưởng nhất trong làng, hay những người trọng tài cho vấn đề đó là những người nằm trong Phật Giáo."
            Cuối cùng, "từ tên của những thí chủ được đề cập trên những câu ở Sanchi, rõ ràng chính họ và tổ tiên gốc là tín đồ của những tôn giáo khác nhau. Ví dụ, những người như Asisima (Angnisoma), Agido (de) va, Dahadata (Brahamadata) Mahida, Mita, Vesamanadata, Visvadeva, Yamarakhita, nguyên thủy tôn sùng Veda (Phệ Ðà), nhưng về sau theo Phật Giáo. Tương tự, Naga, Nagadata trước kia là những người thờ thần rắn, sau trở về với Phật Giáo. Những người thờ thần Vishnu như Vinutaka (Virhuka), Upidata hay Opedadata (Upendradatta), Revatimitra sau trở thành tín đồ Phật Giáo. Những người có tên Samika, Damika (Svamika, Svemika), Himadata của tín ngưỡng thờ nữ thần Shiva theo Phật Giáo. Những người như Yakhadasi, Yakhadima, xưa kia thờ phụng Yakha (Dạ Xoa) cũng theo Phật Giáo."
            Những Động Phật Giáo Ở Maharashtra
Những vùng đồi núi Maharashtra đã để lại cho chúng ta gần 700 động Phật Giáo. Phần lớn những động này được tạo vào giai đoạn Satavahana (200 trước Tây lịch đến 200 sau Tây lịch). Các động Phật Giáo ở Maharashtra được tạo thời kỳ thứ hai bắt đầu thế kỷ thứ năm sau Tây lịch với sự phục khởi của Ðại Thừa và liên tục cho đến thế kỷ thứ bảy.  Trên 200 câu(102) được tìm thấy trong những động này. Số động và câu ở các nơi như sau (Số tranh ở trong ngoặc đơn): Ajanta-30(24), Aurangabad-12(không có), Bedsa-12 (3), Bhaja-12 (8), Ellora-12(không có), Ghatotkach-3 (1), Junnar-140 (34), Kanher-109 (51), Karle-6 (23), Karad-66 (1), Kol-7 (3), Kondane-16 (1), Kondivite-18 (1), Kuda-25 (30), Mahad-31 (3), Nadsur-19 (2), Nannavli-37 (không có), Nasik-23 (27), Pitalkhora-13 (7), Shirwal-15 (không có), Shelarwadi-6 (2), thanale-23 (không có), và Wai-9 (không có).
            Phần lớn các câu chữ thuộc Phật Giáo cổ thời giai đoạn từ 200 trước Tây lịch đến 200 sau Tây lịch. Những câu viết ra trong giai đoạn Ðại Thừa (thế kỷ thứ năm đến thứ bảy) được thấy ở Ajanta, Ghatotakach và Pitalkhora. Không có một câu nào trong giai đoạn Kim Cương Thừa về sau, giai đoạn cuối của Phật Giáo ở Maharashtra.
            Mặc dầu được sự giúp đỡ của giới vương giả ở đó, phần lớn những thí chủ là những cá nhân thuộc mọi tầng lớp cũng như tăng ni. Những người tại gia gồm có các chủ ngân hàng, thương gia, thợ vàng, thợ ngọc, thợ rèn, thợ làm vườn, người bán hoa, người bán nước hoa, thợ dệt, thợ mộc, nông dân. Phần lớn các thí chủ là những cư sĩ địa phương. Một số trường hợp, thí chủ là những người ở xa. Các câu cho biết tên những thí chủ đến từ Nasik ở Bedsa và Kanheri; từ Kalyan ở Junnar và Kanheri; từ Sopata ở Kanheri và Karle; từ Chaul ở Kanheri; từ Karad ở Kuda; và từ Karad ở Kuda; và từ Paithan ở Pitalkhora. Những thí chủ ở ngoài vùng Maharashtra được thấy trong những câu chữ là từ những nơi như Broach (Gurajat) ở Junnar, Vaijayanti (Karnataka) ở Karle, và Amaravati (Andhra Pradesh) ở Karle, Kanheri, Pitalkhora và Shelarwadi. Những người này dường như là những Phật tử thương gia.
            Chúng ta thử khảo sát chung trong khắp tiểu bang để biết những nơi Phật Giáo đã tạo các chùa động và những vị thí chủ đã cúng dường các động ở Maharashtra.
            Những động Ajanta có 24 câu chữ(103). Trong những câu này, 15 là những câu tô bằng sơn. Những câu tô sơn ở trong các động số 9 (5), 10 (8) và 16 (2). Những câu này thuộc giai đoạn tiền kỳ vào thế kỷ thứ hai trước Tây lịch được thấy ở trong các động 10 và 12. Những câu này cho chúng ta biết rằng rèm và mặt dưới của động 10 là do Vasithiputa và động 12 do Ghanamadada, một thương nhân, cúng dường.
            Những câu trong giai đoạn Ðại Thừa cho thấy rằng sự thiết lập Ajanta không nghi ngờ là có sự bảo trợ của các Vua Vakataka và các đại thần, nhưng các tăng sĩ Phật Giáo cũng nổi bật trong số những thí chủ. Một câu trong động số 16 ghi lại một động được Varahadeva, một đại thần của triều vua Vakataka, Harisena (475-500 sau Tây lịch) cuối cùng cúng dường. Một câu khác trong động 17 ghi những sự cúng dường của Hastibhoia, một đại thần của Vua Devasena thuộc triều đại các vua Vakataka.
            Trong Câu Của Động 26 Chúng Ta Đọc Thấy:
            "Nhà tu khổ hạnh Sthavira Achala, tán dương đạo và tỏ lòng biết ơn, cho chỗ ở trong núi cho Thầy, mặc dầu những ước nguyện của ngài đã tròn."(104)
            Một nhà thí chủ khác ở Ajanta là Buddhabhadra. Ðộng được đệ tử của ngài là Dharmapada và Bhadrabandhu coi sóc. Trong câu viết, ngài nói:
- Ðể tỏ lòng tôn kính Bhavaviraja và đối với song thân, tăng sĩ Buđhabhadra cho xây dựng chùa Sugata... Nguyện công đức đem đến cho thế giới của công việc này, phần thưởng đại trí huệ được tròn đầy cới những đức hạnh vẹn toàn(105).
            Hai câu đẹp đẽ ở Ajanta trong động số 20 và 16 lần lượt như sau:
            "Vinh quang cho người lưu tâm và cố gắng trong việc phúc lợi của dân chúng, tàn phá... những sự an ủi, biết mục tiêu cao cả nhất(của người) mà ba đức hạnh tròn vẹn được phát triển, (bậc giải thoát người ra khỏi sự sợ hãi) và bậc tỏa ra hào quang tình thương không tì vết."(106)
            "Bao lâu mà (quả đất tựa) trên... những khúc cuộn của con rắn (và) ánh sáng mặt trời với những tia sáng vàng giống như arsenic đỏ, bấy lâu (động XXI) thanh tịnh này vĩnh viên chứa đựng một căn phòng trân qúi, và nó được tạo nên vì lợi ích của ba ngôi báu."(107)
            Ba câu ở Bedsa(108) cho chúng ta biết rằng những thí chủ của những động này là một người Pushyanaka, con trai của Seth Ananda đến từ Nasik, Samadinika, con gái của một người Mahabhoja, một người Mandavi là Maharathini, vợ của Apadevanaka; và một tăng sĩ tên là Aslhamita, đệ tử của tu sĩ Gobhuti sống trên cùng ngọn đồi(Marakuda). Có tám câu chữ [109] ở Bhaja. Những thí chủ chính cho những động ở Bhaja là một người Naga tên Nadasava ở Bhogavati; và Vinudata, con trai của Koski. Một động do Badha cúng dường, vợ của một thợ cày.
            - Ghatotkach, khoảng 18 cây số về hướng Tây của Ajanta, gần làng Jinjala, có ba động Phật Giáo-một đại sảnh và hai ngôi chùa. Những động này được tạo vào thế kỷ thứ sáu. Chỉ có một câu ở đây đề cập đến Hastibhoja, một vị đại thần của vua Devasena thuộc triều đại Vakataka. Vị này cũng được đề cập đến trong một câu ở Ajanata. Câu chữ bắt đầu với sự suy tôn Ðức Phật như sau:
            - Vinh danh ngài, đấng được gọi là Phật Ðà, vị đầu đà trong nhừng vị đầu đà, vị bất tử trong những vị bất tử, vị thầy trong các vị thầy, tối thắng trong sự thiện, một kho tàng của những điều tuyệt hảo, Ngài, vì, đạt được trí tuệ (tối thượng) bằng sự chấm dứt các ái dục.
            Thứ đến (vinh danh) Giáo Pháp do Ngài, vị thấu hiểu Chánh Pháp, truyền dạy. Tiếp đến (vinh danh) cộng đồng (Tăng Già), tối thắng trong các cộng đồng, được đặt trong đó, như trong một chiếc bình đẹp, ngay cả những người đã phạm tội sát nhân, cũng trở nên cao thượng(110)
            Trong 34 câu ở Junnar(111), chỉ có một câu ở một ngôi chùa là do đại thần của nhà cầm quyền ở Ksahtrapa là Nahapana. Phần lớn những câu còn lại là do những tín đồ cư sĩ từ Junar và những làng xung quanh.
            Những thí chủ cư sĩ từ Junar và những làng chung quanh là: Ugaha và vợ là Isipalita: Ananada, cha là Tapasa, và ông là Kapila; Sivabhuti, con trai của Samada; Samada, Budhamita và Buddharakhita, Lachinika, vợ của Nadaka Tarika; Nadabalika, vợ của Isimulasamin; Patibadhaka, Giribhuti, Sakhayaru, con trai của Savagirisaya; Sivapalitanika, vợ củaGiribhuti, Palapa, Vahata, Vacheduka, Sivadasa, con trai của Sayiti; Sivabhuti, con trai của Ayama ở Vacha Gota. Gia đình Apaguriya đã cúng dường đặc biệt cho những vị Dharmottariya ở tại Junnar. Một số cúng dường là do những người thương buôn từ Bharukaccha (Broach), Kalyan và những nơi khác đi ngang qua con đường nhỏ Nanaghat.
            Một số cúng dường do những tín đồ sùng tín dưới những hình thức đất trồng cây để có số thu nhập chi phí về thực phẩm và áo quần cho chư Tăng, ni. Một số cúng dường tiền mặt cũng được đầu tư như "tiền gởi cố định" cho phường hội để có tiền lời dùng vào việc chu cấp những nhu cầu cho chư tăng.
            Một số đáng  lưu ý trong động Ðại Sảnh số 51 ở Shivneri: "Của cúng dường của Virasenaka, một gia chủ thủ lãnh và một thương gia chính trực, một ngôi Ðại Sảnh được hiến dâng vì sự phúc lợi hạnh phúc của toàn thế gian."(112)
-- o0o --