-
Mùa Xuân & Trúc Lâm Đại Sĩ
-
Nhất Quán
-
--o0o--
-
-
Người Việt Nam đại đa số, nếu là Phật Tử thì khi nói đến núi
Yên Tử không ai là không biết đó là Trung Tâm Phật Giáo nổi
tiếng từ đời Nhà Trần. Núi Yên Tử, có rất nhiều vị thiền sư
nổi tiếng, nhưng có lẽ vị Thiền Sư được nhiều người nhắc đến
nhiều nhất đó là: Trúc Lâm Ðại Sĩ.
-
A-
Tiểu Sử
-
a- Người Con Có Hiếu
-
Trúc Lâm Ðại Sĩ chính là Trần Nhân Tông, vị vua anh hùng,
triết gia, và thi sĩ, tên là Khâm con trưởng của Thánh Tông,
mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Hậu, sinh năm ngày 11 tháng
11 năm Mậu Ngọ, Nguyên Phong năm thứ 8 đúng năm Thái Tông và
Thánh Tông đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất.
Lúc mới sanh thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất
hoàn hảo, thần khí tươi sáng cho nên Thái Tông và Thánh Tông
tức là ông nội và cha đều cho là lạ, vì thế nên gọi là Kim
Phật. Tuy nhiên tác giả sách Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư là một
nhà Nho không ưa Phật Giáo nên nói rằng: Ở hai cung mọi người
đều gọi Thái Tử là Kim Tiên Ðồng Tử. Mặt dầu đây là những chi
tiết không đáng kể, nhưng nếu thẩm định giá trị, thì cũng làm
cho giảm đi ít nhiều về phương diện trung thực của sử liệu.
Ngài tuy ở địa vị sang cả mà tâm hâm mộ Thiền Tôn từ thuở nhỏ.
Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng Thái Tử, Ngài cố từ để nhường
cho em, mà vua cha không chịu. Vua cưới trưởng nữ của Nguyên
Từ Quốc Mẩu cho Ngài tức là Khâm Từ Thái Hậu sau nầy. Sống
trong cảnh vui hòa hạnh phúc mà tâm Ngài vẫn thích đi tu.
-
Năm
21 tuổi, Ngài lên ngôi Hoàng Ðế. Tuy ở địa vị cửu trùng, mà
Ngài vẫn giữ thanh tịnh để tu tập. Thường ngày đến Chùa Từ
Phước trong đại nội tu tập. Một hôm nghỉ trưa, Ngài thấy trong
rốn mọc lên môt bông sen vàng lớn bằng bánh xe, trên hoa sen
có đức Phật vàng. Có người đứng bên cạnh chỉ Ngài nói:
-
-
Biết ông Phật nầy chăng? là đức Phật Biến Chiếu.
-
Tỉnh
giấc Ngài đem viêc đó tâu lên lên Vua cha. Vua Thánh Tôn khen
là viêc kỳ đặc. Ngày thường ăn chay lạt thân thể gầy ốm. Thánh
Tông thấy thế làm lạ hỏi nguyên do. Ngài trình thật với cha.
Thanh Tông khóc bảo:
-
-
Nay ta đã già, chỉ trong cậy một mình con, con lại làm như
thế, làm sao gánh vác được sự nghiệp của Tổ Tiên. Nghe vua cha
dạy như thế, Ngài cũng rơi nước mắt.
-
Con
người Ngài không những rất thông minh hiếu học, đọc hết hết
các sách vở, suốt thông nội điển và ngoại điển, mà Ngài cũng
là một người con có hiếu. Những khi nhàn rỗi, Ngài mời các
thiền khách bàn giải về tâm tông, tham học thiền với Tuệ Trung
Thượng Sĩ, và kính lễ Thượng Sĩ làm Thầy.
-
b-
Anh Hùng Dân Tộc
-
-
Chiến Thắng Quân Nguyên Mông
-
Thời gian trị vì của Vua Trần Nhân Tôn là lúc đất
nước Ðại Việt đang đứng trước thử thách ghê gớm, đó là hiểm
họa xâm lược lần thứ hai và lần thứ ba của giặc Nguyên Mông.
Trong hai lần kháng chiến nầy, Trần Nhân Tông đã trở thành sợi
dây liên lạc kết chặt lòng dân, lãnh đạo quân dân Ðại Việt
vượt qua bao khó khăn đưa cuộc chiến dấu tới thắng lợi huy
hoàng.
-
a- Chiến Thắng Quân
Nguyên Mông Lần Thứ Hai
-
Sau lần thất bại thứ nhất, đế quốc Mông Cổ vướng
vào cuộc nội chiến(1259-1264) và cuộc chiến tranh với Triều
Ðình Nhà Tống(1267-1279) nên chưa thể tiếp tục ngay cuộc chiến
tranh xâm lược Việt Nam. Mãi đến năm 1279 nhà Tống mất, toàn
bộ đất Trung Quốc đã nằm dưới ách thống trị của Nhà Nguyên.
Sau khi không khuất phục được Ðại Việt bằng những sứ bộ ngoại
giao, vua Nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt mới chuẩn bị xâm lược
nước ta bằng quân sự. Cuối năm 1284, đạo quân Nguyên Mông do
Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt và A Lý Hải Nha chỉ huy
đã lên đường bắt đầu xâm lược Ðại Việt lần thứ hai. Lần nầy,
ngoài cánh quân lớn của Thoát Hoan đánh vào mặt Lạng Sơn, vua
Nguyên Mông còn sai Nạp Tốc Lạc Ðinh đem một cánh quân từ Vân
Nam đánh vào Tuyên Quang và ra lệnh cho Toa Ðô đem đạo quân
còn đóng ở Bắc Champa đánh vào mặt nam của Ðại Việt. Sau vài
trận đánh chận giặc ở Lạng Sơn và Tuyên Quang trong ngày 26
tháng 12 năm 1284 quân ta lại rút lui về thế thủ. Ngày 6 tháng
Giêng năm 1285 tướng Nhà Nguyên là Ô Mã Nhi đánh vào Vạn Kiếp
và núi Phả Lại. Ngày 12 tháng giêng năm 1285 giặc đánh vào Gia
Lâm, Vũ Ninh, Ðông Ngàn bắt được nhiều quân lính của Nhà Trần,
thấy người nào cũng thích hai chữ Sát Thát, có nghĩa là Giết
Giặc Thát Ðát vào cánh tay, Ô mã Nhi tức lắm vì thế mà quân
Nguyên giết hại rất nhiều người. Thế mạnh của địch đã bắt đầu
tiến tới bờ bắc sông Hồng, áp sát kinh thành Thăng Long. Vua
tôi Nhà Trần đứng trước sự lựa chọn căng thẳng:
-
- Phản công quyết chiến bảo vệ kinh đô.
-
- Tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng và xây
dựng cơ sở để chờ thời cơ diệt giặc?
-
Ðiều cốt yếu là lúc nầy làm sao nắm được địch
tình, rút ra được kết luận về thế giữa ta và địch thì mới có
thể lựa chọn đúng sách lược. Giữa lúc nguy biến chưa tìm ra
cách nào làm được điều nầy, thì Chi Hậu Cục Thư Ðỗ Khắc Chung
tâu với Vua:
-
- Thần tuy tài hèn sức mọn nhưng xin với bệ hạ cho
đi vào đất giặc để mà biết giặc.
-
Vua Trần Nhân Tông mừng và nói:
-
- Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa
kỳ, ngựa ký như thế. Rồi sai Ðổ Khắc Chung đưa thơ giảng hòa.
-
Chiều ngày 12-2-1285 Ðỗ Khắc Chung vượt sông Hồng
bằng con thuyền nhỏ, lấy cớ đưa thơ cầu hòa của vua Trần rồi
lọt vào hành dinh Ô Mã Nhi. Gặp mặt Ðổ Khắc Chung, Ô Mã Nhi
nói:
-
- Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ Sát
Thát, khinh nhờn thiên binh lỗi ấy to lắm.
-
Khắc Chung đáp:
-
- Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì
lòng trung với nước nên họ tự thích chữ như vậy chớ không ai
bảo họ cả. Quốc vương tôi không biết, tôi là cận thần tại sao
tôi không có!
-
Nói xong Khắc Chung đưa cánh tay cho Ô Mã Nhi xem.
-
Ô Mã Nhi nói:
-
- Ðại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay
giáo để hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe
liệu sẽ ra sao?
-
Khắc Chung nói:
-
- Hiền tướng không theo sách Hàn Tín bình nước
Yên, đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tin trước, nếu không
thông hiểu thì mới có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú
cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người!
-
Ông đối đáp với chủ tướng giặc, thông minh khiến
hắn vị nể, lưu lại một đêm. Thời gian nầy Ðỗ Khắc Chung tìm
cách khéo léo quan sát địch tình. Sáng sớm hôm sau giờ mão
ngày 13-2-1285 ông đã bí mật trở về kinh thành Thăng Long. Nhờ
đấy Vua tôi nhà Trần quyết định rất đúng đắn:
-
- Thế giặc đang rất mạnh, cần rút lui gấp, lập
vườn không nhà trống ở kinh thành.
-
Ðây là lần thứ hai, vua tôi nhà Trần lại bỏ trống
Thăng Long, kéo về mạn Thiên Trường và Trường Yên. Và để tránh
vào thế bị kẹp vào giữa các gọng kềm của giặc, đại quân và
triều đình chờ cho cánh quân của Toa Ðô tiến đến Trường Yên
tức là Ninh Bình cũ thì đại quân rút vào Thanh Hóa. Trong khi
một bộ phận lớn của quân chủ lực rút, thì khắp nơi quân địa
phương và dân binh các lộ phối hợp với các cánh quân nhỏ của
triều đình để lại, đã không ngưng tập kích, tấn công vào quân
địch ở vùng bị chiếm đóng. Kế hoạch vườn không nhà trống được
toàn dân thực hiện. Giặc đóng quân phân tán thiếu lương thực,
có nguy cơ bị tiêu diệt. Mùa hè đến lại giáng lên đầu những
tai họa mới như Sử Nhà Nguyên đã ghi chép:
-
-
Bệnh dịch hoành hành...Nước lụt dâng to ngập ướt doanh trại.
-
Thời
cơ phản công của quân ta đã đến. Tháng 5-1285, Hưng Ðạo Vương
Trần Quốc Tuấn dẫn đại quân tiến ra Bắc, kế hoạch diệt địch
như sau:
-
- Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải và một số tướng
lãnh được giao nhiệm vụ diệt địch trên phòng tuyến sông Hồng.
-
- Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn đem quân vòng qua
vùng Hải Ðông, tiến lên Vạn Kiếp chặn đường tháo chạy của
địch.
-
Cuộc diện chiến tranh xảy ra đúng như dự liệu:
Cuối tháng 5-1285, Trần Quang Khải cùng với Trần Nhật Duật,
Trần Quốc Toản đã đánh tan giặc ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương
Dương, rồi tiến lên giải tỏa thành Thăng Long. Thoát Hoan
hoảng hốt rút khỏi Thăng Long, chạy về phía Vạn Kiếp. Ðến đây
bọn giặc lọt vào trận mai phục của Trần Hưng Ðạo, bị thương
vong rất nhiều. Ðám tàn quân hoảng loạn cố mở đường máu tháo
chạy. Nhưng khi đến biên giới Lạng Sơn, chúng lại bị quân ta
chận đánh. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng, rồi bắt quân
lính khiêng chạy về nước. Viên Ðại Tướng Lý Hằng đi đọan hậu,
bị tên độc trúng đầu gối, về đến Tư Minh thì chết. Trong khi
cánh quân của Thoát Hoan chạy về phía Lạng Sơn thì cánh quân
Nạp Tốc Lạc Ðinh tìm đường tẩu thoát về Vân Nam, cũng bị quân
dân ta tập kích đánh cho tơi bời. Không biết Thoát Hoan bỏ
chạy Toa Ðô và Ô Mã Nhi kéo ra Bắc theo sông Hồng định về
Thăng Long, nhưng đến Tây Kết bị quân ta chặn đánh Toa Ðô bị
chém còn Ô Mã Nhi thì chạy trốn, hai vua đuổi theo nhưng không
kịp, bắt được hơn 5 vạn tàn quân. Thế là cuộc chiến tranh xâm
lược của Nguyên Mông lần thứ hai bị hoàn toàn thất bại.
-
Ngày 6 tháng 6 năm 1285 hai vua trở về kinh sư,
Thượng Tướng Trần Quang Khải có làm bài thơ:
-
Ðoạt sáo Chương Dương độ
-
Cầm hổ hàm Tử quan
-
Thái bình tu trí lực
-
Vạn cổ thử giang san
-
Nghĩa là:
-
- Bến Chương Dương cướp giáo
-
Cửa Hàm Tử bắt thù
-
Thái bình nên gắng sức
-
Non nước cũ muôn thu.
-
Trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai
thành công dựa trên nhiều yếu tố, tuy nhiên một trong những
yếu tố quan trọng nhất là phải nói đến lòng can đảm của Ðỗ
Khắc Chung, một tình báo nổi tiếng đời nhà Trần.
-
b- Chiến Thắng Quân Nguyên Mông Lần Thứ Ba
-
Ngay
sau thất bại nầy, tháng 3 năm 1286 vua Nguyên là Hốt Tất Liệt
đã ra lệnh chuẩn bị một cuộc chiến tranh xâm lược mới, nhưng
phải chờ đến cuối năm 1287, các đạo quân Nguyên Mông mới có
thể lên đường. Một đạo do Thoát Hoan và Áo Lỗ Xích chỉ huy
tiến vào mặt Lạng Sơn. Một đạo khác do Ái Lỗ cầm đầu từ Vân
Nam đánh và Tuyên Quang. Song song với việc tiến hành kế hoạch
xâm lược, Hốt Tất Liệt còn ra lệnh quân của ba tỉnh Giang
Chiết, Hồ Quảng, và Giang Tây xâm lược Ðại Việt mượn cớ đưa
Trần Ích Tắc về nước lập làm An Nam Quốc Vương. Lần nầy không
còn cánh quân phía Nam, nhưng vua Nguyên lại phái thêm một
cánh thủy quân, sai Ô Mã Nhi chỉ huy hộ tống đoàn thuyền tải
lương của Trương Văn Hổ vào Ðại Việt theo đường biển. Lúc bấy
giờ vua hỏi Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn:
-
-
Thế giặc năm nay thế nào?
-
Quốc
Tuấn trả lời:
-
-
Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc đao binh. Cho
nên năm trước quân Nguyên vào cướp, thì có kẻ đầu hàng, có kẻ
chạy trốn. Nhờ uy linh của tổ tiên và thần võ của bệ hạ, nên
đã quét được bụi Hồ. Nay nếu nó trở lại thì quân ta đã quen
việc chiến trận, mà quân nó thì phải sợ đi xa. Vả lại, chúng
còn nơm nớp sợ cái thất bại của Lý Hằng và Lý Quán không còn
có chí chiến đấu. Theo thần thấy, phá được chúng là điều chắc
chắn.
-
Tháng 12 năm 1287, khi đoàn thuyền tiến vào vùng biển An
Bang(Quảng Ninh) Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đem thủy quân
chận đánh, nhưng không cản được giặc. Ô Mã Nhi cho binh thuyền
tiến thẳng vào cửa Bạch Ðằng không chú ý vào đoàn thuyền lương
nặng nề chậm chạp ở sau. Mãi đến tháng 1 năm 1288, đoàn thuyền
lương thực của giặc mới tiến đến vùng đảo Vân Ðồn. Trần Khánh
Dư lại đem quân tập kích. Trương Văn Hổ chống không nổi, đổ cả
lương thực xuống biển trèo lên một chiếc thuyền nhỏ, trốn về
Quỳnh Châu(Hải Nam)
-
Bấy giờ, Thoát Hoan cũng đã tiến vào Lạng Sơn, hội
quân với 30 vạn Thủy quân của Ô Mã Nhi ở Vạn Kiếp. Thoát Hoan
dừng ở lại đây gần một tháng, xây dựng Vạn Kiếp thành một căn
cứ vững chắc, mãi đến tháng 1 năm 1288 mới chia quân tiến về
Thăng Long. Lần thứ ba quân dân và triều đình nhà Trần lại bỏ
ngỏ Thăng Long, quân Nguyên vào Thăng Long ngày 2-2-1288. Ngay
sau đó Thoát Hoan vội sai Ô Mã Nhi đem chiến thuyền ra biển để
đón thuyền lương của Trương Văn Hổ. Nhưng thuyền lương đã
không còn nữa! Không có lương thực đạo quân của Thoát Hoan
đóng ở Thăng Long lâm vào tình trạng nguy ngập. Thoát Hoan
phải ra lệnh rút quân lui về Vạn Kiếp. Trên đường rút quân về
Vạn Kiếp, giặc bị quân dân ta chận đánh ở cửa Ba Sông, vùng
Phả Lại. Kéo về đóng ở Vạn Kiếp, đạo quân xâm lược bị quân ta
tập kích ngày đêm. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, bọn tướng
Nguyên nói với Thoát Hoan:
-
- Ở
Giao Chỉ không thành trì để giữ, không có lương thực để ăn, mà
thuyền lương của Trương Văn Hổ lại không đến. Vả lại khí trời
đã nóng nực, lương hết, quân mệt, không lấy gì để chống đỡ
lâu, làm hổ thẹn cho triều đình, nên toàn quân mà về thì hơn.
-
Trước tình hình đó Thoát Hoan quyết định rút quân về nước theo
hai đường: Cánh quân bộ rút qua biên giới Lạng Sơn, còn cánh
quân thủy thì theo sông Bạch Ðằng rút ra biển. Kế hoạch rút
quân của địch không ngoài sự dự liệu của Trần Hưng Ðạo. Ông đã
bố trí chặn giặc ở biên giới và quyết định một trận quyết
chiến lớn trên sông Bạch Ðằng. Từ đầu tháng 3, quân sĩ và nhân
dân đã đẵn gỗ lim, đẽo nhọn đóng xuống lòng sông, làm thành
những bãi cọc lớn. Thủy quân và bộ binh ta đã phục sẵn trong
các nhánh sông và các khu rừng rậm ven sông Bạch Ðằng, chờ
ngày tiêu diệt địch. Sáng ngày 9-4-1288 đoàn thuyền chiến của
Ô Mã Nhi tiến vào đoạn sông chiến lược Bạch Ðằng. Khi đoàn
thuyền giặc lọt vào trận địa mai phục, thì từ các ngánh sông
các thuyền nhẹ của ta lao ra, đánh tạt vào sườn giặc, dồn
chúng vào bãi cọc. Giặc áp thuyền sát bờ, đổ quân chiếm lấy
núi cao để yễm hộ cho đoàn thuyền rút, nhưng bị bộ binh ta
đánh hất xuống. Một trận kịch chiến ác liệt đã xẩy ra. Nước
triều xuống gấp, thuyền giặc to nặng, lao nhanh theo giòng
nước, vướng cọc làm tan vỡ rất nhiều. Cho đến khoảng 5-7 giờ
tối toàn bộ chủ sự của giặc bị tiêu diệt. Ô Mã Nhi bị bắt
sống. Lần thứ ba trong lịch sử giữ nước của dân tộc, dòng sông
Bạch Ðằng lại ghi thêm một chiến công oanh liệt. Trong khi đó
đạo quân của Thoát Hoan cũng khốn đốn rút chạy ra biên giới.
Sau khi bị phục kích ở cửa ải Nội Bàng, chúng bỏ con đường ra
ải Khâu Cấp, vòng theo đường Ðan Ba, chạy tạt ra biên giới.
Nhưng ở đây chúng cũng bị quân ta chận đánh, tướng giặc là A
Bát Xích bị trúng tên chết. Mãi đến ngày 19-4-1288, đám tàn
quân của Thoát Hoan mới về đến Tư Minh. Chiến Thắng Bạch Ðằng
oanh liệt đã vùi chôn vĩnh viễn mộng xâm lăng của Hốt Tất
Liệt.
-
Thế là trong vòng 30 năm quân dân dưới triều đại
nhà Trần đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, đội quân xâm
lược mạnh nhất và hung hãn nhất của thời đại, để bảo vệ nền
độc lập tự chủ của đất nước, góp phần bảo vệ nền độc lập cho
các nước Ðông Nam Á. Sức mạnh để làm nên chiến thắng là khối
đoàn kết toàn dân như Trần Hưng Ðạo đã nói:
-
-
Vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, nước nhà chung sức.
-
Chính nhờ khối đoàn kết đó mà cuộc chiến tranh nhân dân: Cả
nước đánh giặc, trăm họ là binh mới có thể thực hiện được. Sau
cùng, nguyên nhân sâu xa hơn của chiến thắng là sự ổn định
kinh tế, xã hội thời Trần, được tạo ra từ đường lối lấy dân
làm gốc. Nói đến những chiến công chống xâm lược đời Trần
chúng ta không thể không nhớ đến câu nói tuyệt vời của Trần
Hưng Ðạo: Khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc, đó là
thượng sách giữ nước.
-
Qua hai cuộc kháng chiến, Trần Nhân Tông đã tỏ rõ
ông vừa là nhà chiến lược tài giỏi, vừa là vị tướng cầm quân
dũng cảm ngoài chiến trường. Chính vào những lúc đầu của cuộc
kháng chiến năm 1285, khi quân ta đang còn ở thế không cân sức
với đối phương, Trần Nhân Tông đã từng viết lên đuôi chiến
thuyền hai câu thơ đầy khí phách và niềm tin vào sức mạnh tiềm
tàng của quân ta:
-
- Cối kê cựu sự quân tu ký,
-
Hoan diễn do tồn thập vạn quân.
-
Nghĩa là:
-
- Cối kê chuyện cũ ngươi nên nhớ.
-
Hoan diễn đang còn chục vạn quân.
-
Sau khi đại thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba,
ngày 17 tháng 4 năm 1288, vua Trần Nhân Tông đem các tù binh
bị bắt trong cuộc chiến như: Tích Lệ Ngọc Cơ, Nguyên Soái Ô Mã
Nhi, Tham Chính Sầm Ðoàn, Phàn Tiếp, Nguyên Soái Ðiền..v..v..
làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu Lăng, mộ của Thái Tông Hoàng
Ðế. Tưởng cũng nên biết, trong lúc quân Nguyên chiếm đóng
thành Thăng Long lần thứ ba nầy, vì hận bại trận lần trước,
nên quân Nguyên đã khai quật Chiêu Lăng muốn phá đi, thì quân
dân nhà Trần kịp thời giải cứu Thăng Long, vì thế mà quân
Nguyên chưa phạm tới quan tài của Thái Tông. Sử gia thời bấy
giờ cho rằng nhờ thần linh giúp đỡ nên mới may mắn như vậy.
Khi cử hành lễ bái yết, trong lúc cảm xúc nhà vua viết bên
Chiêu Lăng tại Long Hưng(Thái Bình) hai câu thơ:
-
- Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
-
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
-
Nghĩa là:
-
- Xã tắc hai lần lao ngựa đá,
-
Non sông nghìn thưở vững âu vàng.
-
Bốn
câu thơ trên đã đi vào lịch sử như một ký ức bất diệt về chiến
công bình Nguyên Mông năm 1285 và 1288 trong đó Nhân Tông là
vị chủ soái. Khi nhìn nhận nguyên nhân thắng lợi nhà Trần đã
giành được trong sự nghiệp cứu nước, Trần Nhân Tông đã chú ý
tới vai trò của người dân lao động mà thời đó gọi là gia nô,
gia đồng. Ngài cho rằng họ mới là những người trung thành với
đất nước khi có giặc ngoại xâm.
-
c- Vị Thiền Sư
-
Sau
14 năm làm vua, năm Quý Tỵ 1293, theo truyền thống của nhà
Trần, Nhân Tôn nhường ngôi cho con là Anh Tông rồi làm Thái
Thượng Hoàng. Ở ngôi Thái Thượng Hoàng ngài chỉ dạy cho con
được sáu năm thì ngài sắp đặt việc xuất gia. Tháng 10 năm Kỷ
Hợi 1299 Ngài xuất gia vào tu ở núi Yên Tử, Ðông Triều, Quảng
Ninh.
-
Hơn
mười năm tu tập, ngày 19 tháng 10 năm 1308, ngài sai thị giả
Pháp Không lên am Tử Tiêu ở núi Yên Tử gọi Bảo Sát đến gặp
Ngài gấp. Ngày 21 Bảo Sát đến am Ngọa Vân.
-
Ðến
ngày mồng 1 tháng 11 năm 1308, niên hiệu Long Hưng thứ 16 đêm
đó trời trong sao sáng, Ngài hỏi Bảo Sát:
-
-
Hiện Giờ là giờ gì?
-
Bảo
Sát bạch:
-
-
Giờ Tý.
-
Ngài
lấy tay vén màn cửa sổ nhìn xem và nói:
-
-
Ðến giờ ta đi.
-
Bảo
Sát hỏi:
-
-
Tôn đức đi đến chỗ nào?
-
Ngài
nói bài kệ:
-
-
Nhất thiết pháp bất sanh
-
Nhất
thiết pháp bất diệt
-
Chư
Phật thường hiển tiền
-
Hà
khứ lai chi liễu dã.
-
Nghĩa là:
-
-
Tất cả pháp chẳng sanh
-
Tất
cả pháp chẳng diệt
-
Nếu
hay hiểu như thế
-
Nào
có đến đi ấy vậy.
-
Bảo
Sát hỏi:
-
-
Chỉ như khi chẳng sanh chẳng diệt là thế nào?
-
Ngài
liền nhằm miệng Bảo Sát tát cho một cái, nói:
-
-
Chớ có nói mớ.
-
Nói
xong, Ngài nằm như sư tử lặng lẽ mà tịch. Ngài lưu lại cho đời
những tác phẫm:
-
-
Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục
-
-
Ðại Hương Hải Ấn Thi Tập
-
-
Tăng Già Toái Sự
-
-
Thạch Thất Mỵ Ngữ do Pháp Loa soạn lại lời của Ngài.
-
Như
vậy Trúc Lâm Ðại Sĩ, Ngài lên ngôi lúc 20 tuổi, trị vì 21 năm,
nhường ngôi cho con, và xuất gia năm 41 tuổi, băng hà ở am
Ngọa Vân núi Yên Tử, tro cốt đưa về táng ở Ðức Lăng, thọ 51
tuổi. Suốt 21 năm, Ngài là bậc nhân chủ lãnh đạo quốc gia,
ngồi trên ngai vàng. Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự
nghiệp trùng hưng sáng ngời, thực là bậc vua hiền của nhà
Trần. Lúc nhỏ Ngài được vua cha và thầy là Tuệ Trung Thượng Sĩ
chỉ dạy đạo lý Thiền thấm nhuần sâu xa, nên khi Ngài Xuất gia
không cần tầm học, chỉ thực hiện điều đã học được.
-
Trúc
Lâm Ðại Sĩ, cũng là Thiền Tổ thứ nhất của phái Thiền Trúc Lâm
Yên Tử, một phái Thiền để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư
tưởng Việt Nam. Xét trên bình diện Triết Học, Trần Nhân Tôn có
một vị trí quan trọng. Ngài là một triết gia lớn của Phật Học
Việt Nam và cũng là người có công đã phát triển nền triết học
Phật Giáo Việt Nam thời Trần đến chỗ rực rỡ và thể hiện đầy đủ
trí tuệ Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam. Nét đặc trưng nổi bật của
tư tưởng triết học Trần Nhân Tôn là tinh thần thực tiễn.
-
Về
phương diện thi sĩ ngài là một người có tâm hồn thanh cao,
phóng khoáng, một cái nhìn tinh tế, tao nhã, nhất là đối với
cảnh vật thiên nhiên:
-
-
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
-
Bán
vô bán hữu tịch dương biên
-
Mục
đồng địch lý ngưu quy tận
-
Bạch lộ song song phi hạ điền.
-
Nghĩa Là:
-
- Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
-
Bóng chiều man mác có dường không
-
Theo lời kèn mục trâu về hết
-
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
-
Thơ
của Trần Nhân Tôn, ngoài vẻ đẹp của một âm điệu hồn hậu, còn
bao hàm một ý vị thiền, gợi mở một thế giới tinh thần thanh
khiết. Trong lịch sử thi ca Việt Nam, cây sáo thơ Trần Nhân
Tông để lại một tiếng ngân trong đến sâu thẳm.
-
Cho
đến ngày nay, mặc dù Trúc Lâm Ðại Sĩ Ngài đã trở vể với hư vô,
nhưng Ngọa Vân Am vẫn còn đó, núi Yên Tử vẫn còn đây. Theo vị
trí hiện nay thì Núi Yên Tử nằm tại giáp giới Hải Dương, Bắc
Giang và Quảng Yên là ngọn núi cao nhất miền Hải Ðông. Trên
đỉnh thường có mây bao phủ, nên ngày trước có tên là Bạch Vân
Sơn. Tương truyền, xưa kia từ thời Tần Thủy Hoàng có một đạo
sĩ tên là Yên Kỳ Sinh từng làm nghề bán thuốc rong ở vùng ven
biển, tới núi nầy tu hành sau hóa thành đá, do vậy mà từ ấy
núi có tên là Yên Tử.
-
Nếu
chúng ta là khách hành hương thì đoạn đường phải đi từ chân
núi lên tới ngôi Chùa cao nhất ở khu Yên Tử dài gần 30 cây số.
Trên chặng đường ấy, sẽ đi qua 20 công trình lớn nhỏ khác
nhau. Ðường lên núi biết mấy nhọc nhằn, cho nên không biết tự
bao giờ, dân gian đã có câu ca dao:
-
- Nào ai quyết chí tu hành
-
Có lên Yên Tử mới đành lòng tu.
-
Ở chân núi Chùa được dựng lên bên bờ suối. Bên
suối tắm có Chùa Cấm Thực(nhịn ăn), bên suối Lân có Chùa
Lân... Mỗi ngôi Chùa đều như gắn liền một câu chuyện hình
thành từ buổi Vua Trần Nhân Tôn xuất gia.
-
Qua dốc Voi Xô thì đến núi Hạ Kiệu, ghi dấu nơi
Vua Trần Anh Tôn lên núi thăm Vua Cha phải xuống kiệu từ đây.
Ðường lên Chùa xếp đá làm thành bậc. Hai bên đường trồng
thông, nay có cây chu vi đến 4m60. Ngôi tháp nổi trội nhất
trong khu Yên Tử là Tháp Tổ bằng đá 6 tầng. Chính giữa là Huệ
Quang Kim Tháp tức là tháp đức Giác Hoàng trong có tượng đá.
Trước mặt tháp có cây hương đá. Bốn mặt tường quanh tháp được
xây bằng loại gạch thời Trần. Trên đỉnh tường lợp ngói mũi hài
kép, cũng là sản phẩm thời Trần, phía ngoài tường gạch, quây
quần rừng tháp 45 ngọn. Mỗi ngôi tháp ấy là nơi cất giữ hài
cốt của một vị sư tu hành ở đây. Con đường từ cửa tò vò sau
tháp Huệ Quang lên Chùa Hoa Yên lát loại gạch vuông lớn, in
hình hoa cúc ngan nay còn được 84 viên. Chùa Hoa Yên và các
Chùa chung quanh tạo nên thế kiến trúc chính của khu Yên Tử.
Thời Trần, Chùa có tên gọi là Vân Yên, khoảng niên hiệu Hồng
Ðức, Vua Lê Thánh Tôn ngự du thăm Chùa, thấy hoa cỏ xanh tươi,
nhà Vua mới đổi tên là Hoa Yên. Hai bên Chùa Hoa Yên có Viện
Phù Ðồ, Lầu Trống, Lầu Chuông, Nhà Dưỡng Tăng, và Nhà Khách.
Xa hơn bên phải Chùa Hoa Yên có Chùa Thiền Ðịnh nơi Vua Trần
ngày xưa đọc kinh niệm Phật, còn bên trái là Chùa Một Mái, nơi
Vua Trần đọc sách. Sau lưng Chùa Hoa Yên có Chùa Phổ Ðà. Ngược
lên đỉnh núi có Chùa Bảo Sái, rồi lên cao có Chùa Vân Tiên.
Phong cảnh Chùa Vân Tiên ngày ấy hẳn là đẹp lắm, vì thế mà
trong bài thơ Vân Tiên Am Vua Trần Anh Tông đã từng cao hứng
viết:
-
- Ðình đình bảo các cao phan vân
-
Kim tiên cung khuyết vô phàm trần
-
Tạm Dịch:
-
- Nhà cao tợ lọng đụng mây xanh
-
Cung
điện thần tiên không nhiễm trần.
-
Như
thế chúng ta thấy, Núi Yên Tử thì ngàn đời vẫn không thay đổi,
nhưng phải đợi tới thế kỷ thứ XIII sau khi chiến thắng giặc
Nguyên Mông xâm lược, Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Thái
Tử, chọn nơi nầy tụng kinh niệm Phật, khởi xướng Thiền Phái
Trúc Lâm. Từ đó Yên Tử mới trở thành Trung Tâm Phật Giáo nổi
tiếng cả nước. Và núi Yên Tử cũng là đỉnh non vùng Ðông Bắc
Việt Nam không những đã là Trung Tâm của Thiền Phái Trúc Lâm
mà còn mãi mãi là một kỳ quan hùng vĩ, một pháo đài vững chãi
giữ vững biên cương.
-
B-
Mùa Xuân Trên Ðỉnh Núi
-
Nói
đến xuân chúng ta thường nghĩ đến sự ấm áp tươi vui, nghĩ đến
sự ấm no hạnh phúc, nói đến sự nhẹ nhàng thanh thản. Trong đạo
Phật các Thiền Sư cũng thường dùng chữ Xuân để nhắc nhở chúng
ta. Nhờ lời khuyên dạy của các Ngài, chúng ta càng tu càng
phấn khởi hơn, càng vui thích hơn. Ở đây chúng tôi muốn nói
đến sự đạt đạo của Trúc Lâm Ðại Sĩ trong bài thơ Xuân:
-
- Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
-
Nhất
xuân tâm sự bách hoa tung
-
Như
kim khám phá đông hoàng diện
-
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng
-
Dịch:
-
-
Thuở bé chưa từng rõ sắc không
-
Xuân
về hoa nở rộn trong lòng
-
Chúa
xuân nay bị ta khám phá
-
Chiếu trãi giường thiền ngắm cánh hồng.
-
Xuân Vãn
-
Qua
khẩu khí của bài thơ, và nhìn vào cuộc đời sống động của Trúc
Lâm Ðại Sĩ, chúng ta thấy:
-
01-
Khi còn nhỏ Ngài là một người con hiếu thảo thông minh, chăm
học. Ðặc biệt là nghiên cứu về đạo từ bi. Chính Ngài cũng đã
thọ giáo với Tuệ Trung Thượng Sĩ, và Ngài cũng đã từng biết rõ
đời là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã:
-
-
Mình ngồi thành thị
-
Nết
dùng lâm sơn
-
Muôn
nghiệp lặng an nhàn thể tánh
-
Nửa
ngày rồi tự tại thân tâm.
-
Cư Trần Lạc Ðạo
-
Nhưng cái biết đó chỉ mơ hồ cho nên Ngài cũng có những niềm
vui rộn rã khi những độ xuân về, và cũng ưu sầu khi mỗi lúc
Xuân qua:
-
-
Thuở bé chưa từng rõ sắc không
-
Xuân
về hoa nở rộn trong lòng.
-
02-
Khi làm vua thì quên mình giữ nước, hết dạ chăn dân. Cả hai
lần giữ vững biên cương, nhà nhà an lạc. Trong thời gian vừa
làm vua cầm quân xông pha ngoài trận tuyến thì thực hiện mộng
của một quân vương, một anh hùng cứu nước, và giữ nước. Nhưng
khi trở về hậu phương thì làm một phật tử thuần thành không
bao giờ xao lãng việc tu tập:
-
-
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý
-
Thị
phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm
-
Chơi
nước biếc ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý
-
Biết
hồng đào, hay liễu tục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm.
-
Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng,
-
Lo
hoán cốt, ước phi thăng đan thần mới phục. Nhắm trường sinh,
về thượng giới thuốc thỏ còn đam,
-
Sách
dịch xem chơi, yêu tính sáng hơn yêu châu báu,
-
Kinh
nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nửa hoàng kim
-
Cư Trần Lạc Ðạo
-
Thế
rồi thời gian và đạo vị nuôi dưỡng Ngài trưởng thành một con
người toàn bích, dung hợp giữa đạo và đời, nhìn thấu suốt thời
gian và không gian để trở thành một Trúc Lâm Ðại Sĩ, tổ thứ
nhất của dòng Thiền Phái Trúc Lâm của Việt Nam:
-
-
Chúa xuân nay bị ta khám phá
-
Chiếu trãi giường thiền ngắm cánh hồng.
-
03-
Khi đi tu thì nhiệt tâm vì đạo mài miệt tu hành chẳng ngại
nhọc nhằn hết tình với tăng tục. Hình ảnh sống động nhất là
thời gian sau khi nhường ngôi cho con, Ngài chuyên cầu tu tập
theo hạnh đầu đà lấy hiệu là Trúc Lâm Ðại Ðầu Ðà. Sau đó ngài
lập Chùa, cất tịnh xá, để tiếp độ chúng tăng, học tăng tới
tham học rất đông:
-
-
Gìn tính sáng, tính mới hầu an
-
Ném
niềm vọng, niềm dừng chẳng thác
-
Dứt
trừ nhân ngã thì ra tướng thực kim cương,
-
Dừng
hết tham sân mới lưu lòng mầu viên giác.
-
Tịnh
độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương.
-
Di
Ðà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc.
-
Xét
thân tâm rèn tính thức, há rằng mong quả báo phô khoe
-
Cần
giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.
-
Ăn
rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay.
-
Vận
giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đem bạc.
-
Nhược chỉn vui về đạo đức, nửa gian lều quý nửa thiên cung,
-
Dầu
hay mến thửa thân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.
-
Cư Trần Lạc Ðạo
-
Ngài
cũng đi khắp các nơi để truyền bá thiền tông, đồng thời cũng
khuyên dân chúng dẹp bỏ những miếu thờ thần không chính đáng,
và dạy dân chúng tu hành thập thiện. Từ đó trong nhân gian
thấm nhuần pháp vũ của ngài.
-
Trên
mười năm kể từ khi xuất gia, mang hiệu là Trúc Lâm Ðầu Ðà,
Ngài tích cực hoạt động truyền bá chánh pháp. Trong giới xuất
gia Ngài giáo dục chúng tăng đem pháp Thập Thiện giáo hóa toàn
dân, khiến Phật Pháp mở rộng trong nhân gian. Ngài cũng đã
từng có lần đi bộ từ Thăng Long đến Trà Bàn kinh đô của Chiêm
Thành, và lưu trú tại đây hơn bảy tháng trời để tìm hiểu về
nếp sống, văn hoá, phong tục tập quán của vương quốc nầy với
mục đích duy nhất là tạo sự cảm thông để chung sống hoà bình
của hai nước Chiêm Việt. Công tác hoằng truyền Phật Pháp, giáo
hoá nhân dân, Ngài làm suốt đời không dừng nghỉ.
-
Có
những lúc Ngài cũng vân du trong rừng hoang cỏ nội, ung dung
rảo gót lên vùng núi vắng, phóng tầm mắt nhìn cảnh sắc, nhìn
trở lại nhân gian trong mùa Xuân rực rỡ trên núi Bảo Ðài. Giữa
cảnh trời mây non nước bao la, non xanh nước biếc, mây phong
đỉnh núi, nước chảy xuôi dòng. Ngài cảm nhân nơi đây thiên
nhiên vừa hiện thực, vừa kỳ ảo, vừa tĩnh lặng vừa biến động,
vừa gần gủi vừa viển mơ. Ngài trầm tư ngắm cảnh, cảm thấy tâm
hồn thơ thới, nhẹ nhàng. Ngài dạo quang cảnh núi từ khi sáng
rợp đến lúc trăng lên, rồi tựa lan can nâng sáo trúc. Ngài
thổi lên một bản nhạc du dương, có những lúc tâm hồn bay bổng
vượt thoát thiên nhiên, có những lúc dìu dặt hòa đồng vào vạn
vật. Nơi đây không còn nhân, ngã:
-
-
Ðịa tịch đài thêm cổ.
-
Thời lai xuân vị thâm,
-
Vân
sơn tương viễn cận
-
Hoa kình báo tình âm
-
Vạn sự thủy lưu thủy
-
Bách
niên tâm nhủ tâm
-
Ỷ
lan hoành ngọc địch
-
Minh
nguyệt mãn hung khâm.
-
Nghĩa là:
-
-
Núi vắng đài thêm cổ
-
Ngày
qua xuân chưa nồng
-
Gần
xa mây núi ngất
-
Nắng
rợp ngõ hoa thông
-
Muôn
việc nước trôi nước
-
Trăm
năm lòng nhủ lòng
-
Tựa
lan nâng ống sáo
-
Ðầy
ngực ánh trăng lồng
-
Một
bức tranh xuân tuyệt mỹ và thanh nhã. Với nét đan thanh, Ngài
đã vẽ nên một khoảng không gian bao la, bát ngát, từ cao đến
thấp, từ xa đến gần, từ ngoại cảnh đến nội tâm đó đối chiếu
cái to tát, hùng vĩ với cái vi tế, mỏng manh của vạn hữu.
Nhưng dầu hùng vỉ hay mỏng manh, đều nằm trong nguyên lý Vạn
Hữu Nhất Thể. Vạn hữu biến động, chân như vĩnh hằng. Với những
hình ảnh tiêu biểu đầy ấn tượng, những mầu sắc tươi mát, thơ
mộng gợi cảm:
-
-
Gần xa mây núi ngất
-
Nắng
rợp ngõ hoa thông
-
Muôn
việc nước trôi nước
-
Trăm
năm lòng nhủ lòng.
-
Dòng
nước như dòng đời, chảy xuôi chớ không bao giờ chảy ngược.
Người trẻ rồi già, cây non rồi cỗi. Người già cây cỗi rồi cũng
chết, chết rồi lại tái sanh. Vạn hữu vận chuyển luân hồi không
bao giờ mất. Người tỉnh giác tự nhủ lấy lòng những hình ảnh
thơ mộng:
-
-
Ngõ hoa
-
- Mây, núi,
-
- Nước chảy
-
- Trăng lồng
-
Ðó
chỉ là sự kết hợp kỳ diệu của hữu và vô, của sắc và không, là
sự thể hiện nhiệm màu của chân không diệu hữu:
-
-
Muôn việc nước trôi nước
-
Trăm
năm lòng nhủ lòng
-
Tựa
lan nâng ống sáo
-
Ðầy
ngực ánh trăng lồng.
-
Trước vẻ hoang vắng tịch liêu, ngọn núi Bảo Ðài đã cổ càng
tăng thêm phần cổ kính. Vạn vật theo thời gian mà biến đổi đó
là luật biện chứng của lý vô thường, một trong Ba Pháp của đạo
Phật, nhưng trong nhãn quang của Trúc Lâm Ðại Sĩ thời gian vẫn
vô thủy vô chung, bao nhiêu xuân đã đến rồi đi, với thời gian
vô tận đó nhưng xuân không bao giờ già. Ngày lại ngày tiếp nối
nhau, nhưng ngày không bao giờ cũ. Nghĩa là Xuân vẫn trẻ, tình
vẫn nồng. Ngày vẫn mới, đời vẫn đẹp. Dưới cái nhìn tỉnh thức
của kẻ liễu đạo, thiền sư cảm thấy tâm hồn mình thanh thoát an
nhiên, tự tại, vạn sự vạn pháp, không còn gì đối đãi như dưới
mắt phàm phu, thật là một bài thơ xuân trác tuyệt.
-
Qua
ba giai đoạn trên, chúng ta thấy Ngài sống gia đoạn nào ra
giai đoạn đó, vì thế trên đường đời Ngài thành công viên mãn,
trên đường đạo thì đạo quả viên thành. Chính thái độ dứt khoát
tích cực, nên lãnh vực nào Ngài cũng thành công. Ngài cũng
hưởng dục lạc trong hoàng cung, cũng cầm binh khiển tướng
ngoài trận, nếu nói tội lỗi thì cũng rất nhiều. Nhưng khi dứt
khoát tiến tu thì cắt đứt mọi quá khứ, sống kham khổ tu hành.
Với ý chí cương quyết đó chỉ trong vòng mười năm Ngài đã tiến
đến chỗ sanh tử tự tại. Ðây là tấm gương sáng rỡ để nhắc nhở
chúng ta, không sợ mình trước mê lầm tội lỗi, chỉ sợ xuất gia
rồi mà thái độ mập mờ. Ngài là con người thấy được đạo lý và
sống được đạo lý. Chúng ta đọc bài kệ kết thúc bài phú Cư Trần
Lạc Ðạo thì sẽ rõ:
-
- Cư
trần lạc đạo thả tùy duyên,
-
Cơm
tắc xan hề khốn tắc miên,
-
Gia
trung hữu bảo hưu tầm mích
-
Ðối
cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
-
Nghĩa là:
-
-
Trong đời vui đạo hãy tùy duyên
-
Ðói
đến thì ăn mệt nghỉ liền
-
Nhà
mình báu sẳn thôi tìm kiếm,
-
Ðối
cảnh không tâm chờ hỏi thiền.
-
Nếu
là một người trắng tay mà đi tu thì còn có thể nghĩ rằng đi tu
vì thời thế, hoặc tu vì miếng cơm manh áo, nhưng địa vị của
một ông Vua, sống trong cung vàng điện ngọc, lợi danh, tình ái
cám dỗ mà nhà vua quyết tâm dứt bỏ mới thật là hay. Ðiều nầy
nói lên sức mạnh phi thường của con người thoát tục. Vì thế
Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm bài kệ Xuất Trần như sau:
-
- Tằng vi vật dục dịch lao khu
-
Bài lạc trần hiêu thế ngoại du
-
Tán thủ na biên siêu Phật Tổ
-
Nhất hồi đẩu tẩu nhất hồi hưu
-
Dịch:
-
- Ðã từng ham muốn phải long đong
-
Ném quách mà ra khỏi bụi hồng
-
Buông thỏng bờ kia lên Phật Tổ
-
Một lần phủi giũ một lần xong.
-
Tâm
lý người đời ưa chạy theo vật dục trần gian nên phải khổ sở
gian truân. Nếu can đảm ném bỏ hết, vượt ra ngoài vòng trần
lụy, quả là can đảm phi thường. Có thế mới buông thõng tay
bước lên ngôi nhà Phật Tổ được. Nhưng phải mạnh dạn dứt khoát,
một lần bỏ đi không thèm ngó lại. Tâm tình của một con người
yểu yểu, xìu xìu, cắt không đứt, dứt không rời, bước tới một
bước lùi hai bước, con người như vậy làm việc gì cũng thế, khó
mà thành công.
-
Trúc
Lâm Ðại Sĩ cũng là con người như bao nhiêu con người khác,
nhưng Ngài đã một đi không bao giờ trở lại, vì thế mà Ngài đã
trở thành một con người hiếu thảo, một anh hùng của dân tộc,
một bậc thầy của chúng sanh. Vậy chúng ta phải cố gắng đi mãi
trên con đường tươi đẹp đã chọn dù phải vấp té trầy chân hay
gặp những hòn sỏi phiến đá ngăn trở. Nhưng dù có chướng ngại
có khó khăn bao nhiêu cũng không ngăn cản được bước chân của
những tâm hồn khoáng đạt của những con người nguyện quyết tiến
đến chỗ an lạc miên viễn mới thôi. Người tu là người thấy
tương lai mình xán lạn tươi vui, chớ không phải càng tu rồi
càng tối tăm đâu khổ. Chính mỗi bước tiến trên con đường chân
thiện mỹ, là mỗi bước chúng ta hướng về mục tiêu cao quý nhất,
an lạc nhất của đời mình. Vì vậy khi nói đến xuân chúng ta cảm
nhận một niềm vui tươi tràn đầy ở ngày mai.
-
-
Thế số nhất tức mặc
-
Thời
tình lưỡng hải ngân
-
Ma
cung hồn quản thậm
-
Phật
quốc bất thắng xuân
-
Nghĩa là:
-
- Số
đời trong hơi thở
-
Biển
bạc lòng người tham
-
Cung
ma cai quản ngặt
-
Cõi
Phật Xuân nào hơn.
-
Qua
bài kệ tỉnh thức của Ðức Ðiều Ngự Giác Hoàng cho chúng ta
thấy:
-
- Số
đời một hơi thở
-
Biển
bạc lòng người tham.
-
Khi
bản thân của Ðức Ðiều Ngự, Ngài thấy cuộc đời ngắn ngủi trong
hơi thở, thở ra không hít vào là đã qua đời khác. Thế mà lòng
người thì mênh mông trong tham vọng. Ðược cái nầy muốn cái
kia, được điều nầy muốn điều khác... muốn mãi không thôi cho
đến ngày tắt thở cũng chưa dừng. Thế rồi người ta đuổi nhau mà
tạo, giành ảnh hưởng, danh lợi rồi tự mình chuốc khổ.
-
Hai
câu đầu của bài kệ đánh thức mạnh mẽ để chúng ta biết rằng
cuộc đời quá ngắn ngủi, không có gì quan trọng, là đáng kể.
Nhưng lòng tham của chúng ta quá lớn so với kiếp người ngắn
ngủi của chúng ta:
-
-
Cung ma cai quản ngặt,
-
Cõi
Phật Xuân nào hơn.
-
Ngài
Trúc Lâm Ðại Sĩ chỉ cho chúng ta thấy hai con đường. Nếu chúng
ta đuổi theo danh lợi tài sắc, rồi tạo bao nhiêu nghiệp xấu ác
thì chúng ta sẽ đi tới cung ma. Cung ma cai quản ngặt không
được bước ra khỏi cổng, còn bị hành ha tra khảo, đó là cảnh
khổ đau đen tối. Còn nếu trong cuộc sống ngắn ngủi nầy, chúng
ta biết tu, biết hướng về đạo, đem hết tâm mình tiến đến chỗ
giác ngộ thanh tịnh, đó là chúng ta trở về cõi Phật, tức là
trở về mùa Xuân đẹp đẻ không gì bì kịp.
-
Vì
thế Ngài Trúc Lâm Ðầu Ðà khuyên chúng ta phải nhờ hai con
đường một bên là cung ma đen tối đau khổ bị cai quản ngặt, một
bên là cõi Phật an vui tự tại lúc nào cũng là Xuân. Giữa hai
con đường đó chúng ta phải chọn một để đi. Chúng ta đang đi
trên con đường rộng thênh thang đẹp đẽ, tươi mát và an lạc,
con đường Xuân tức là con đường về cõi Phật.
-
Qua
hình ảnh của Trúc Lâm Ðại Sĩ, cho chúng ta một bài học hết sức
cao quý: Sống ngay trong trần tục mà khéo biết đạo vẫn thấy an
vui. Duyên cảnh đổi thay tùy thời linh động, như đói thì ăn
mệt thì nghỉ, đừng cố chấp, cứng nhắc mà tự khổ đau. Phật đã
sẳn nơi ta khỏi phải nhọc nhằn sang đông tìm tây. Cái khôn
ngoan khéo léo của chúng ta là cái đối cảnh tâm không động,
chính nơi đây là Thiền rồi. Người học đạo nhận thấy Phật đã
sẳn nơi tâm mình, song muốn Phật hiện ra thì tâm đừng chạy
theo cảnh. Ðây là lối tu thật đơn giản, thật cũ thế mà người
đời khó tin, khó nhận.
-
C- Kết Luận
-
Bàn
về vua Trần Nhân Tông, lúc còn là một ông vua, Nhân Tông đã
trở thành sợi dây liên lạc kết chặt lòng dân, lãnh đạo quân
dân Ðại Việt vượt qua bao khó khăn đưa cuộc chiến đấu tới
thắng lợi huy hoàng. Có được như vậy là nhờ ở nhà vua có đủ
các đức tính: Khoan, nhân, trí, dũng. Ở điểm nầy chúng ta thấy
các vị vua dưới thời Trần gần như ai cũng có. Ðến khi xuất
gia, cuộc đời của Trúc Lâm cũng là một cuộc đời tích cực. Nói
về khía cạnh của xã hội, ngài đã có một ý định xây dựng nền
hòa bình Chiêm Việt lâu dài. Còn nói về khía cạnh Giáo Hội thì
ngoài những mùa kiết hạ an cư tại các am Tử Tiêu, Ngọa Vân,
Thạch Thất, Tri Kiến hay các Chùa Vĩnh Nghiêm và Siêu Loại,
ngài còn thường vân du hoằng hoá đây đó. Ngài đi đến đâu cũng
được dân chúng ái mộ, khâm phục và lời khuyên của vua có tác
dụng lớn. Thập Thiện chính là giáo lý nhập thế căn bản của Ðạo
Phật, lấy giáo lý Thập Thiện làm cơ bản cho đạo đức xã hội,
Trúc Lâm đã có ý muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng luân
lý Ðạo Phật. Một ông vua con ngồi trên ngôi ủng hộ Phật Giáo,
một ông vua cha làm tăng sĩ chu du trong quần chúng, sự kiện
nầy thật đặc biệt chưa từng có trong lịch sử. Dù có ý thức hay
không, Trúc Lâm cũng đã góp phần vào việc củng cố triều đại và
chế độ bằng những công tác hành đạo tích cực trong nhân gian.
Như thế có thể nói Phật Giáo Trúc Lâm là một nền Phật Giáo
nhập thế, liên hệ mật thiết tới chính trị, phong hóa và xã
hội.
-
Qua
các văn kiện lịch sử cho chúng ta thấy khá đầy đủ chân tướng
của các vị vua Thiền Sư Nhà Trần, như Trần Thái Tông, và Trần
Nhân Tông. Ðại lược tất cả các sử gia, kể cả những sử gia có
khuynh hướng coi trọng Nho Giáo nhưng đả kích Phật Giáo cũng
đều công nhận các vị vua Thiền Sư của triều đại nhà Trần là
hiền nhân quân tử, văn võ kiêm toàn, là người có đủ khoan,
nhân, và độ lượng của bậc đế vương thật đáng khen.
-
-
Tài Liệu Tham Khảo
-
- Văn Hoá Việt Nam
-
- Thiền Sư Việt Nam
-
- Bước Ðầu Học Phật
-
- Am Mây Ngủ
-
- Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư
-
- Khóa Hư Lục Trần Thái Tông
-
- Thiền Học Trần Thái Tông
-
- Việt Nam Phật Giáo Sử Lược
|