Ðộng Hoa Vàng
Nguyễn Mộng Khôi
--o0o--
 
... Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
 
Bài thơ Ðộng Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư xuất hiện khoảng đầu thập niên bẩy mươi, ở thời điểm mà cuộc chiến Việt Nam đến hồi khốc liệt. Hầu hết những thanh niên trong lứa tuổi động viên đều phải gọi nhập ngũ. Mặt trận bùng nổ nhiều nơi từ miền cao nguyên, miền địa đầu giới tuyến. Mỗi ngày từng đoàn trực thăng chở những chiến sĩ  bị thương từ chiến trường về bệnh viện. Những tờ báo với những cáo phó của những quân nhân tử trận ngày càng nhiều. Tâm trạng của thanh niên thì hoang mang, người dân thì lo sợ. Mọi người mong cho cuộc chiến chóng tàn; thì đúng lúc bài thơ Ðộng Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư xuất hiện. Bài thơ có tác dụng như viên thuốc an thần cho nguời dân, như một giấc mơ của người chiến sĩ. Từ sĩ quan tới lính mong được giã từ vũ khí và cả những người không phải cầm súng, những kẻ chán với danh lợi, tuy không phải trực diện với quân thù, nhưng vì chiến tranh lâu dài; vì cuộc sống bất ổn, họ cũng mong có ngày hoà bình để được sống yên lành.
Bài thơ Ðộng Hoa Vàng là một trong những thi phẩm nổi tiếng nhất của Phạm Thiên Thư và được giải thưởng Văn học toàn quốc năm 1971. Bài thơ được giới văn nghệ sĩ ưa thích, nhưng thực sự được nhiều người biết đến từ khi Phạm Duy phổ nhạc, lấy tên “Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng”. Nhạc phẩm có đổi lời đôi chút, nhưng ý thơ không đổi; và với tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh đã đưa bài thơ tới khắp vùng đất nước.
Thế, Ðộng Hoa Vàng là chỗ nào? Có phải là Ðộng Hoàng Hoa thời Xuân Thu Chiến Quốc, nơi mà quân Trung Nguyên thường giao chiến với Hung Nô? Ngày nay Hoàng Hoa Ðộng hay Ðộng Hoa Vàng là một rừng hoang, toàn một thứ hoa vàng nằm heo hút giữa biên thùy Hoa Mông. Bây giờ cái tên Hoàng Hoa ít người nhắc tới, nhưng còn ghi trong sử sách.
- Xót người lần lữa ải xa,
Xót người nương chốn Hoàng Hoa dậm dài.
                                    (Chinh Phụ Ngâm- Ðặng Trần Côn, Ðoàn Thị Ðiểm)
Ðộng Hoa Vàng là giấc mơ của mọi người đã quá mệt mỏi từ cuộc chiến ác liệt, đầy hận thù từ mấy chục năm, đêm ngày bất ổn. Họ chỉ mong được sống an lạc như “gã từ quan” ở Ðộng Hoàng Hoạ đất có một thời binh lửa. Bây giờ, nơi này không còn chiến tranh, không còn hận thù, chỉ có gió, trăng, hoa vàng...
... Rằng xưa có gã từ quan,
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say ...
Bài thơ Ðộng Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư có một nội dung là một chuyện tình bình dân nơi thôn dã:
Xưa có anh chàng học trò nghèo, yêu một cô gái cùng thôn. Chàng theo đuổi bút nghiên đã lâu, nhưng thi mãi không đậu. Chàng muốn cưới nàng, nhưng không tiền bạc, không công danh sự nghiệp. Gia đình đem gả nàng cho một chàng trai con nhà giàu. Ðau khổ vì mất người yêu, chàng chỉ còn bạn với sách đèn, miệt mài với kinh sử. Mấy năm sau chàng đậu trạng nguyên; rồi được bổ làm quan. Sống trong hoạn trường được vài năm thì chán. Chán vòng danh lợi, chán tình đời bạc bẽo. Chàng cáo quan về sống ở quê nhà, vui với cỏ cây, với cụm hoa vàng, cúc trắng, cùng gió trăng mây nước...
Câu chuyện tình tầm thường đó được thi sĩ Phạm Thiên Thư viết thành bài thơ Ðộng Hoa Vàng. Với thiên tài làm thơ, bài thơ trở nên một tác phẩm tuyệt vời, một chuyện tình như trong huyền thoại. Một mối tình éo le của một gã hưu quan và một cô gái quê đa tình.
Ngày gã đi tìm động Hoa Vàng, trên đường đê dẫn đến bờ sông, cũng có em đi theo. Trời mưa lớn, nhưng em chẳng ngại đường trơn đưa chân gã tới tận bến cầu:
- Ừ, thì mình ngại mưa mau.
Cũng đưa anh đến bến cầu nước xuôi.
Thuyền trôi xuôi dòng. Bến còn, nhưng nước xuôi ra biển mà không bao giờ trở về bến cũ. Gã biết lần đi này là vĩnh biệt. Rồi đây kẻ đầu sông, người cuối giòng, có mây sầu ngăn cách, sẽ chẳng bao giờ được gặp lại:
- Sông này đây chảy một dòng thôi
Mây sầu sông thẳm, tóc người cuối sông.
Những ngày ở Ðộng Hoàng Hoa là những ngày nhung nhớ, những hình ảnh cũ chợt đến với gã:
- Ngày xưa em chửa theo chồng,
Mùa Xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa Thu áo biếc da trời,
Sang Ðông em lại đổi dời áo hoa.
Sống trong gia đình lễ giáo xưa, tuy yêu em, nhưng không giám bộc lộ tình cảm. Có một lần, trên cánh đồng cà tím, gã ngắt một chùm mù sa mọc hoang ở bờ ruộng. Gã muốn đưa cho em, nhưng còn ngập ngừng, e dè. Ði thêm một quãng đường dài gã mới kín đáo trao vội chùm hoa cho em.
- Ðường về hái nụ mù sa
Ðưa theo dài một ruộng cà tím thôi.
Rồi:
- Anh trao vội vàng
Chùm hoa mới nở ...
                                    (Ngày Xưa Hoành Thị )
Từ ngày yêu em, gã chỉ có chùm hoa dại đó làm kỷ niệm. Ðến khi em đi lấy chồng, gã mới biết là em không yêu gã. Tình em với gã là tình bạn, nhưng tình gã với em là tình yêu. Gã vẫn mang nặng tình yêu đó trong lòng.
- Thôi thì em chẳng yêu tôi.
Leo lên cành bưởi, nhớ người dưng dưng,
Tựa hồ cái đau ngấm ngầm, cái thương tiếc ngẩn ngơ của cậu trai làng trong câu ca dao cổ tích:
- Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay ...
                                                (Ca dao )
Cái tình kín đáo của cậu trai quê này khác với những chuyện tình bây giờ.
Cậu Hoàng của Vũ Hoàng Chương đã khóc điên cuồng nơi quán rượu khi được tin cô Tố lấy chồng:
- Men khói đêm nay sầu vũng mộ
Bia đề tháng sáu, ghi mười hai
Tình ta tha thiết, cuồng ta khóc
Tố của Hoàng, nay Tố của ai?
... Kiều thu hề Tố em ơi !
Ta đang lửa đốt tơi bời mái Tây
                                    (Vũ Hoàng Chương)
Còn gã, vẫn cái bản tính bẻn lẽn, cái phong thái của một cậu trai mới lớn. Có dịp đi chơi với em mà không giám tỏ tình. Ðêm về gã định làm một bài thơ thật dài để tâm sự, nhưng viết được một nữa thì bỏ dở:
- Ðêm về thắp nến làm thơ
Tiếng chân còn vọng nửa tờ thư thôi
Sau ngày đám cưới, em chỉ mặc áo hồng, cái màu hồng đào rơi mà gã ưa thích, càng gợi niềm thương nhớ:
- Từ hôm em bỏ theo chồng
Áo trắng em cất, áo hồng em mang
Và, những hình ảnh khó quên của em:
- Em về hong tóc mùa Xuân.
Trăng trầm hương tỏa dưới một vành,
Em nằm ngó cội thu xanh,
Môi ươm đào, lý một cành đôi mươi
Về em vàng phố mây trời
Tay đơm nụ hạ, hoa rời gót Xuân.
Nhớ xưa, trong một đêm rằm, gã và em có cùng một nguyện ước. Gã thầm trách:
- Em ơi! rũ tóc mây về
Nhìn trăng nỡ để lời thề gió bay.
Bây giờ, em và người chồng như cặp uyên ương hạnh phúc, trong khi gã cô đơn, lạnh lùng:
- Ðôi uyên ương trắng bay rồi
Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông.
Gã tự nhủ, đời này không lấy được em thì gã sẽ đợi đến kiếp sau. Gã sẽ là Trương Quân Thụy, em sẽ là Thôi Oanh Oanh trong điển tích xưa. Chàng Trương và nàng Thôi đã gặp nhau lần đầu ở chùa Phổ Cưu, chốn đồi Tây. Mối tình tuyệt vời này là nguồn cảm hứng của bao thi nhân:
- Ðợi nhau tàn cuộc hoa này,
Ðành như cánh bướm đồi Tây hững hờ.
Dù phải đợi chờ nhau trong nhiều đời, nhiều kiếp gã vẫn chờ. Gã và em sẽ không rời nhau như giấy với mực:
- Ðợi nhau từ mấy thuở,
Tìm nhau cõi vô thường
Anh hóa thân làm mực
Cho vừa giấy yêu đương
                                    (Pháp Thân)
Buồn quá gã mong sớm được hóa kiếp như một con chim bé nhỏ, nằm chết dưới cội hoa:
- Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa san hà xanh xao.
Tình tuyệt vọng của gã với em như mối tình ngang trái của anh lái đò Trương Chi và nàng tiểu thư Mị Nương. Anh lái đò chết, nhưng trái tim không tiêu mà kết thành khối pha lê trong vắt; rồi được tiện thành cái ly tuyệt đẹp. Có lần Mỵ Nương uống nước chợt bóng Trương Chi hiện nơi đáy cốc. Xúc động nàng đánh rơi. Ly không vỡ, nhưng sau chỉ một giọt nước mắt thương yêu của Mỵ Nương, chiếc ly bỗng tan thành nước.
Ước gì một giọt nước mắt thương yêu như giọt nước, mắt Mỵ Nương khóc Trương Chi, là gã thỏa nguyện cho giấc ngủ ngàn năm.
- Mai anh chết dưới cội đào,
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu.
Chuyện gã từ quan cũng là ước mong và tâm sự của Phạm Thiên Thư. Gã từ quan đau khổ, bỗng tìm thấy an vui, tự tại hay Phạm Thiên Thư đang phiền não của kiếp nhân sanh, bỗng bỏ nhà đi tu(Chùa Pháp Hoa, Phú Nhuận, Sàigòn), để tìm giải thóat.
Ở chùa, ông được tu học những giáo lý căn bản nhà Phật. Cái giáo lý Vô Thường làm ông chợt tỉnh,
- Thì thôi! Tóc ấy phù vân.
Thì thôi! Lệ ấy còn ngần giáng sương.
Thì thôi! Mù phố xe đường
Thôi thì thôi  nhé đoạn trường thế thôi.
Bây giờ liễu đạo, gã biết rằng, những sợi tóc bồng bềnh như mây bay, giọt nước mắt như hạt sương buổi sớm; và cả cuộc đời phong trần, đều là những pháp vô thường. Vì vô thường cho nên tất cả đều đi đến tàn hoại. Biết rõ tướng trạng vô thường và tàn hoại của vạn Pháp, gã không còn bị những sinh diệt, tàn hoại làm khổ nữa. Gã bỗng giác ngộ và chặt đứt được những vọng niệm đã gây phiền não bấy lâu:
- Thôi thì thôi nhé! Ðoạn trường thế thôi ..
Từ đó gã sống một cuộc đời an lạc, chuyện tình đau khổ khi xưa, chuyện vinh nhục chốn quan trường đều rũ sạch. Những băn khoăn ước vọng cho tương lai cũng không màng tới. Gã đang sống an trú trong hiện tại, đang hòa cùng với thiên nhiên tuyệt vời ở Ðộng Hoa Vàng:
- Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm Ðộng Hoa Vàng ngủ say ...
Cuộc chiến khốc liệt đã kết thúc từ năm 1975, nhưng người dân trong nước đã được sống an lạc như gã từ quan ở Ðộng Hoa Vàng hay chưa?
-- o0o --