-
Trưởng Dưỡng Nội Quán
-
Trí Toàn ghi
-
--o0o--
-
-
Trong các phương pháp tu học, đức tin là mẹ của tất cả các
công đức. Vì thế muốn có đức tin là phải trưởng dưỡng sự quán
chiếu về những hành động tạo tác của chúng ta trong đời sống
hằng ngày.
-
Không có sự quán chiếu về con người của chúng ta hay thiếu sự
quán chiếu, có thể làm chướng ngại khả năng phát triển đời
sống tu học, có thể ngăn chận chúng ta có một vị thế tự tại và
niềm tin sẽ lung lay.
-
Lúc
đó tâm của chúng ta chạy lung tung trước nhiều hướng đi. Ðôi
khi chúng ta góp nhặt phương pháp thực tập, những cách hành
thiền đã từng nghe trước đây, nơi nầy một ít, nơi kia một ít,
đem ra thực hành. Ðiều đó cũng tốt nếu chúng ta có khả năng
trí tuệ làm một cuộc tổng hợp những phương thức đó để trở
thành cho pháp tu của riêng chúng ta thì đó là một điều vạn
hạnh cho chính thân mình, và cho chúng sanh.
-
Như
Ðức Từ Phụ của chúng ta, ngày xưa Ngài học và tham khảo với
rất nhiều vị danh sư, nhưng sau đó ngài ngồi tư duy chiêm
nghiệm, và làm thành một hệ thống riêng của Ngài, và sau khi
thành đạo Ngài khai sinh một đạo Phật sáng chói xuất hiện giữa
trần gian u tối. Tuy nhiên nếu không khéo chúng ta sẽ bị lầm
lạc, và tư duy của chúng ta sẽ bị rối bời như một nồi cám cho
heo ăn với đủ thứ tạp nhạp chìm lẫn trong đó.
-
Tự
mãn, không có hoặc thiếu niềm tin là những trở ngại lớn lao
trong việc hành thiền. Nguyên nhân gần của nó là tự mãn, do dự
hoài nghi và thiếu chú tâm chính đáng, nên tâm không được điều
khiển thích hợp để làm tròn nhiệm vụ trong việc tu tập, và
khám phá nguồn nội tại của mình. Như thế phương pháp hữu hiệu
và trực tiếp nhất để cũng cố niềm tin, diệt trừ lòng tự mãn là
phải phát triển sự chú tâm thích đáng.
-
Thông thường, chúng ta ai cũng vấp phải bệnh tự mãn và thiếu
niềm tin. Vì tự mãn nên lúc nào cũng thấy ý kiến của mình là
đúng, nghi ngờ người khác là thua kém hơn mình, nên khó hoặc
không chấp nhận những ý kiến của người khác. Vì không có sự
thúc đẩy khuyến khích liên tục của tự thân, của bạn bè thế là
chúng ta bắt đầu buông thả trên việc tu tập của mình, tiếp
theo đó là chúng ta bắt đầu mất tự tin về khả năng của mình.
Băn khoăn suy nghĩ đã không giúp chúng ta tiến bộ mà còn làm
mất thêm niềm tin hơn.
-
Ðầu
tiên là không tin về khả năng chính mình, tiếp đến là không
tin về pháp hành thiền, rồi hoài nghi có thể bành trướng thêm
hơn và trở thành nghi ngờ vị thầy hướng dẫn mình. Lúc ấy chúng
ta có thể tự hỏi:
-
- Không biết ông thầy nầy có khả năng để am tường
tình trạng của mình không?
-
Thật sự đó là trạng thái của tâm mệt mỏi do hiểu
không trọn vẹn, không thấu đáo, sự hiểu thiếu bằng cớ, sự
phỏng đoán. Khi chúng ta không chế ngự được mệt mỏi hoặc buồn
ngủ, thì chúng ta không thể chú tâm liên tục vào đề mục để tạo
điều kiện cho trí tuệ phát triển.
-
Vì
tâm không quán thấu được chân lý nên giao động phát sinh. Sau
đó là hoang mang, bối rối và do dự kéo đến. Ðó là một khía
cạnh khác của nghi ngờ. Suy nghĩ, lý luận nhiều quá sinh ra
mệt mỏi kiệt sức.
-
Nếu chúng ta thực tập cách nhìn cho chính xác,
chúng ta sẽ thấy rõ những gì chúng ta đang tìm, đó là thực
tánh của mọi vật. Chính chúng ta thấy rõ thực tánh của mọi vật
thì chúng ta sẽ không còn hoài nghi về chúng nữa.
-
Muốn
tạo điều kiện thích hợp cho một sự chú tâm chính đáng, việc
thiết yếu đầu tiên là phải có một vị thầy. Vị Thầy nầy hướng
dẫn chúng ta trên con đường dẫn đến chân lý và trí tuệ. Ðức
Phật đã nhiều lần nhắc nhở, người muốn tìm chân lý, phải tìm
một vị thầy đủ khả năng đề hướng dẫn chân lý.
-
Dầu
chúng ta có gặp được một số phương pháp thực tập tốt đẹp,
nhưng vì chúng ta không thực hành rốt ráo đúng theo lời chỉ
dẫn của các phương pháp nầy, thì kết quả cũng chẳng đi đến
đâu, và nếu không khéo chúng ta lại tự mãn hoặc nghi ngờ
phương pháp nầy nữa.
-
Chúng ta phải kiên nhẫn thực hành để có cơ hội tự mình chứng
nghiệm việc lợi ích của sự thực tập. Nếu không thực hành một
cách thích đáng thì không thể nào tự mình chứng nghiệm, tự
mình thấy rõ chân tánh của mọi hiện tượng. Nếu không hành
thiền đúng, thì không những tự mãn hoặc thiếu niềm tin gia
tăng, rồi từ đó tâm của chúng ta trở nên ngưng đọng, rất có
thể cứng ngắc, đầy sân hận, bất mãn, và chống đối nữa là khác.
-
Một khi tâm chúng ta bị sân hận ngự trị, thì tâm
của chúng ta trở nên cứng ngắc và sắc bén như gai nhọn, và
chính bản thân chúng ta sẽ bị cấu xé như một người bị lạc vào
đám gai góc rậm rạp. Thế là mỗi bước đi là mỗi bước khổ đau.
Rồi từ đó chúng ta gặp ai cũng phang nấy, gặp người nào thì
người đó là nạn nhân cho sự sân hận của mình. Như thế sân hận
là một trở ngại lớn lao trong việc hành thiền.
-
Ðây
là điều trở ngại mà chúng ta thường gặp trong lúc thực tập
thiền. Loại phiền não nầy cần phải biết chi tiết của nó, và
cần phải phổ biến rộng rãi để cho những người chú tâm hành
thiền có thể biết được cách thức và chế ngự nó. Một cách tổng
quát, sân hận bắt ngưồn từ hai loại tâm nầy. Trước hết là mất
niềm tin, thứ hai là sự ràng buộc nơi tâm.
-
Có năm lọai thiếu tự tin khiến cho tâm trở nên gai
góc:
-
01- Không tin tưởng Phật, vị thầy đã chỉ chúng ta
con đường giải thoát.
-
02- Không tin tưởng Pháp, là con đường thoát khổ.
-
03- Không tin tưởng Tăng, những người đã diệt được
một phần hay toàn thể phiền não
-
04- Không tin tưởng chính mình
-
05- Không tin tưởng giới luật hành thiền của mình.
-
Mất niềm tin trong đó có cả bản thân của mình và
ngay cả vị thầy hướng dẫn của mình. Khi niềm tin mất mát quá
nhiều thì chúng ta sẽ bị tràn ngập bởi sân hận và phản kháng.
Bởi thế chúng ta sẽ chứa đầy những gai góc trong tâm.
-
Phương pháp để cũng cố niềm tin là phải trưởng dưỡng nội quán
để cho trí tuệ luôn luôn hằng hữu trong chúng ta. Trí tuệ và
sự hiểu biết là thần dược để giữ vững niềm tin.
-
Một
trong những yếu tố quan trọng là nhận được sự chỉ dẫn thích
đáng. Thường những lời chỉ dẫn giải thích, và sự hiểu biết của
vị thầy hướng dẫn có thể giúp cho chúng ta vượt qua khỏi đám
gai góc dầy đặc của sự mất mát niềm tin nầy.
-
Những câu khuyên nhủ thích đáng, những bài pháp đúng chân lý,
khích lệ và đi sâu vào tâm trạng của chúng ta, có khả năng đưa
chúng ta trở về con đường sáng.
-
Con
đường sáng nầy không có gì khác hơn là sự quan sát trực tiếp,
đối diện với thực trạng. Bấy giờ chúng ta có cơ hội để thấy rõ
sự vật đúng theo thực tướng của nó. Chúng ta sẽ đạt được tuệ
giác, và những tuệ giác cao hơn sẽ là linh dược để điều trị
bệnh tâm đầy gai góc.
-
Tâm gai góc không phải chỉ bắt nguồn từ mất niềm
tin, mà còn sinh ra từ những sự kiện liên hệ khác. Khi những
sự trói buộc nầy có mặt thì tâm sân hận, thoái hoá và phản
kháng, kể cả dày vò cũng có mặt.
-
Phương pháp để trị những sự liên hệ nầy bằng cách trưởng dưỡng
nội quán, sẽ tự động quét sạch các loại trói buộc nầy thì tâm
của chúng ta sẽ được sáng sủa ra. Nếu những sự trói buộc nầy
xâm nhập vào việc hành thiền của chúng ta thì việc đầu tiên là
phải nhận diện chúng. Có thế mới có thể tháo gỡ được những sợi
dây ràng buộc dài nhằng và dai dẳng bền chặt.
-
1-
Ðối Tượng Ðẹp:
-
Ràng
buộc đầu tiên là thích những đối tượng tốt đẹp. Một khi chúng
ta không hài lòng với những gì đang thực sự diễn ra trong giây
phút hiện tại thì việc hành thiền bị phá hủy ngay tức khắc.
-
2-
Coi Trọng Bản Thân
-
Ràng buộc thứ hai là quá coi trọng vào thân thể
mình. Sự coi trọng được hiểu là quá yêu chuộng thân xác. Quá
yêu chuộng tự thân có đây là một loại phiền não chướng ngại
khi chúng ta hành thiền. Khi chúng ta ngồi một thời gian dài,
nhiều loại khổ thọ phát sinh. Những lọai khổ thọ đó thật sự
rất là khó chịu. Lúc chúng ta bắt đầu nghĩ đến cái thân thảm
thương của chúng ta:
-
- Không biết nó còn đi được hay không?
-
Có thể chúng ta quyết định mở mắt duỗi chân ra.
Thế là sự liên tục chú tâm bị phá vỡ. Chúng ta bị mất đà giống
như xe đạp, một khi chúng ta không đạp thì xe sẽ dừng lại ngay
tức khắc. Quan tâm đến thân xác một cách nhẹ nhàng hợp lý,
nhiều lúc có thể giúp chúng ta có đủ can đảm cần thiết để nhìn
sâu vào bản chất của sự đau, nhưng quan tâm quá nhiều là một
trở ngại cho việc thực tập chánh niệm.
-
Chú
trọng đến sự săn sóc bên ngoài của thân thể mình cũng là cơ
hội để cho sự ràng buộc thứ hai nầy phát khởi. Nhiều người cảm
thấy vui vẻ hạnh phúc với những loại quần áo đúng kiểu, hay
các loại mỹ phẩm đắt tiền. Nếu vì lý do nào đó không thể trang
điểm và ăn mặc theo ý mình, thì họ sẽ cảm thấy có cái gì đó
mất mát.
-
Sửa
soạn một cách nhẹ nhàng hợp lý, nhiều lúc có thể làm cho người
đối diện dễ coi khi họ tiếp xúc với chúng ta, nhưng chú trọng
đến việc sửa soạn quá nhiều là một trở ngại cho việc thực tập
chánh niệm.
-
Dĩ
nhiên, trong khi hành thiền thì việc trang điểm và áo quần
thời trang là một thú tiêu khiển không thích hợp. Ðây là một
trở ngại tạo cơ hội cho băn khoăn lo lắng xen vào việc hành
thiền.
-
3-
Luyến Ái
-
Ràng
buộc thứ ba là luyến ái kẻ khác hay thân thể của họ. Ðây là
một tình trạng phổ thông cần phải được loại bỏ.
-
04-
Ăn Uống
-
Ràng
buộc thứ tư là dính mắc vào ăn uống. Có người thích ăn nhiều.
Có người thích ăn món nầy món nọ, thích hợp với khẩu vị của
mình. Loại người nầy thường có khuynh hướng tìm lạc thú trong
việc ăn ngủ hơn là thực hành chánh niệm.
-
Nhiều người lại có vấn đề ngược lại. Họ sợ bị lên cân, những
người nầy cũng bị trói buộc vào sự ăn uống.
-
05- Lòng Tham Cầu
-
Ràng
buộc thứ năm là tu tập với mục đích được tái sanh vào cõi
trời, hoặc được xuất hồn đi chơi cõi nầy cõi khác. Như thế
việc hành thiền đặt căn bản trên tham muốn để thoả mãn mục
đích, để hưởng thụ dục lạc trên các cõi trời, hoặc trong nhân
gian là một sự ràng buộc và cũng là một quan niệm thiếu hiểu
biết và mục đích không cao thượng.
-
06-
Rủ Rê
-
Chúng tôi tạm mượn câu chuyện trong thời Chiến Quốc để hầu
chuyện với quý vị:
-
- Tử
Uyên Thê là một quan đại thần thờ vua Tề Giản Công đời Chiến
Quốc. Vua Tề bị một quyền thần giết. Giết xong, y sai bộ hạ
đến dụ Tử Uyên Thê theo phe mình, Tử Uyên Thê ung dung nói:
-
Ngươi muốn cho ta vào phe là vì ngươi cho ta là
người Trí chăng? Bầy tôi giết vua mà ta không cản ngăn nổi,
tức là vô trí. Cho ta Nhân chăng? Nếu thấy lợi mà làm chuyện
bất chánh thì ta là hạng bất nhân. Cho ta là Dũng chăng? Bị uy
hiếp mà sợ hãi thì chẳng phải là Dũng. Nếu ta có đủ ba điều
kiện ấy thì đời nào ta chịu theo ngươi mà dỗ với dành.
-
Tên quyền thần nghe xong đành chịu, không thể bắt
tội mà cũng không dụ dỗ Tử Uyên Thê được.
-
Như chúng ta thấy người quân tử ngày xưa thường
lấy ba đức tính: Trí, Nhân, và Dũng làm tiêu chuẩn để thờ vua
giúp nước. Câu đáp ung dung mà hay tuyệt diệu của Tử Uyên Thê
đã giúp ông thoát khỏi một tình trạng nan giải. Ðây không phải
là một điều biện luận suông ngoài môi, mà thật ra phải thực
nghiệm mỗi ngày, ông mới có một câu đáp đơn giản mà hữu dụng
như vậy.
-
Nho gia có ba đức tính Trí, Nhân, Dũng để xử thế
thì chúng hàng tăng đồ nhà Phật cũng có Trí, Bi, và Dũng là ba
đức tính mà không ai có thể thiếu được.
-
Trên bước đường học đạo, tu đạo, hành đạo, người
tu Phật thường vấp phải lỗi lầm vì thiếu Trí, Bi và Dũng. Do
thiếu Trí, nên nhiều lúc chúng ta luống cuống. Thiếu Bi nên
chỉ thấy mỗi một bản ngã của mình cùng với những niềm vui, nỗi
sầu của nó. Thiếu Dũng nên mỗi khi gặp Bát Phong nghịch cảnh
là chúng ta dễ dàng bỏ cuộc.
-
Học đạo, tu đạo, và hành đạo là ba danh từ, nhưng
chỉ là một giai đoạn mà thôi. Cả ba đều được thực thi trong
mỗi khoảnh khắc ngắn ngủi của hiện tại, nếu kẻ sĩ trên đường
phò vua giúp nước, bị sa vào cảnh thân bại danh liệt vì bị rơi
vào cạm bẫy của năm món dục, thì hàng người Phật tử chúng ta
nếu không khéo cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.
-
Như vậy ta có nói như Tử Uyên Thê mỗi khi có người
đến rủ rê ta cộng tác làm những việc khoe danh trục lợi, được
mệnh danh là phật sự, đoàn thể giáo phái, thì chúng ta có thể
nói rằng:
-
- Nếu bần đạo có trí, thì bần đạo biết rõ điều gì
nên làm. Nếu bần đạo có đủ Bi thì chuyện lợi tha là một điều
dĩ nhiên. Nếu bần đạo có đủ Dũng thì không bị tiền tài danh
lợi quyến rũ được. Ngược lại, nếu bần đạo không có đủ ba đức
tính đó thì quý vị có rủ rê cũng chẳng ích lợi gì đâu.
-
Tuy nhiên đối với người tu, chúng ta còn ba đức
đức tính đó là Bi Tri, và Dũng...
-
Muốn phát huy ba đức tính nầy, theo Ngài Bồ Ðề Ðạt
Ma thì chỉ cần quán tâm, là đủ. Công việc quán tâm là chuyện
chúng ta làm hằng ngày hay nói một cách giản dị hơn, khi nào
chúng ta tỉnh táo, lòng rảnh rang không vướng mắc về những ý
niệm, tính toán Ta và của ta, lúc ấy chính là Trí. Chính cái
Tâm không, việc nầy mới làm ta an vui thoải mái, dó đó mà ta
mới có một tình yêu thương giao cảm thật sự với tha nhân, đó
chính là Bi. Và cũng chính nhờ cái tâm không ấy chúng ta mới
có thể tiếp ứng dễ dàng với ngoại cảnh, đương đầu với Bát
Phong, mà không phải sụt sùi khóc. Ðây chính là Dũng.
-
Như thế học đạo chính là học những đường đi lối về
của vọng tâm, của những ý niệm về Ngã và Ngã Sở. Tu đạo là
bình tĩnh sáng suốt, không để những ý niệm ấy đánh lừa chi
phối. Hành đạo là thực hành những điều mình đã học và tu ngay
trong cái khoảnh khắc hiện tại nầy vậy.
-
Tự lợi bao gồm cả lợi tha, tu đạo tức là hành đạo
-
Do không thường hằng nên ba đức tính Bi, Trí Dũng
dù có sẳn đầy đủ như lời Phật dạy, chúng ta cũng thật lúng
túng và vụng về mỗi khi đem ra xử dụng. Vì vậy mà thỉnh
thoảng, tôi cũng như em vẫn thương cứ bối rối không biết đặt
để tay chân vào đâu, có lắm khi không thương ai hết, nếu dám
nói là ghét là ganh. Và oà khóc lên mỗi khi thấy bát phong
lảng vảng đến gần.
-
Nếu nổ lực chăm chỉ hành thiền thì sẽ chế ngự được
những sự trói buộc nầy, và như thế sẽ chế ngự được lòng tự cao
tự mãn, hoài nghi và sân hận theo sau nó. Khi tâm thoát khỏi
đám rừng gai góc trói buộc thì sẽ trong sáng như pha lê. Tâm
sáng suốt nầy sẽ giúp chúng ta hoan hỷ, tạo nên sự tinh tiến
đầu tiên trong việc hành thiền.
-
Tiếp
theo, sự tinh tấn đều đặn hay tinh tấn duy trì giúp cho chánh
niệm và chánh định của chúng ta tiến triển xa thêm, và sự tinh
tấn vượt bực ở mức độ thiền cao hơn đưa đến giải thoát.
-
Ba
loại tinh tấn nầy là: Tinh tấn khởi đầu, tinh tấn duy trì, và
tinh tấn vượt bực sẽ giúp cho chúng ta chuyên cần tỉnh giác và
chánh niệm. Ðây là loại chiến thuật tự nhiên và hữu hiệu nhất
để làm cho niềm tin hiện hữu, chỉ khi nào tâm trượt khỏi đề
mục, nghĩa là lúc thiếu tinh tấn, thì sự mơ hồ, mờ tối, của
thiếu tự tin, tự mãn mới có cơ hội nhảy vào.
|