-
Ðạo Học Việt Nam
-
Nhất Quán
-
--o0o--
-
-
Trong truyền thống Phật Giáo Ðại Thừa, ngày Ðại Lễ Vu Lan được
coi như là một trong những ngày lễ lớn. Lễ Vu Lan hay còn gọi
là Vu Lan Bồn. Người Trung Hoa dịch là giải đảo huyền, nghĩa
là cổi trói cho những người bị treo ngược. Nói về ngày Lễ Vu
Lan trước nhất là làm cho mọi người liên tưởng ngay đến việc
Báo Hiếu cho cha mẹ. Theo tinh thần Á Ðông, nhất là người Việt
Nam có truyền thống đạo hiếu lâu đời trong nếp sống gia đình,
gia tộc. Vì thế mà quan niệm về việc con cái phải đền trả ân
nghĩa sanh thành cho cha mẹ rất là rõ rệt. Lý do người Việt
Nam đặt nặng vấn đề hiếu kính trong nếp sống gia đình và ngoài
xã hội, bởi vì Hiếu là chất liệu dung hoà những sự sai khác,
riêng biệt giữa Phật, chúng sanh, cha mẹ, và con cái, để thể
nhập vào bản thể chung cùng rộng rãi của vũ trụ. Hiểu được như
vậy, hiếu hạnh không còn là những chướng ngại, những ngăn trở
cho sự tự do cá nhân hay đoàn thể, cũng không còn là những
nguyên nhân ích kỷ nhỏ nhen, khiến cho gia đình người khác đau
khổ để gia đình mình được sung sướng, cũng không còn có những
câu chấp lễ nghi phiền phức, làm trở ngại những sự phát triển
niềm tin chân chánh. Như vậy nghĩa của chữ hiếu, và cung cách
báo hiếu ở nơi đây không còn bị giới hạn trong phạm vi gia
đình, gia tộc, xã hội, mà trái lại còn mở rộng cùng khắp muôn
loài, muôn vật trong đại gia đình Phật Tử nói riêng, và đại
gia đình toàn khắp chúng sanh nói chung. Vì thế sự báo hiếu,
không những là một nhiệm vụ, một truyền thống, một giá trị đạo
đức và luân lý cao quý, mà còn tạo ra một sợi dây liên hệ gia
tộc, một trật tự gia đình. Ðây là đặc điểm tốt đẹp của người
Ðông Phương, nhất là người Việt Nam chúng ta.
-
Gia đình là đơn vị nhỏ nhất, nhưng cũng là căn bản nhất, vì
thế quan điểm: Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ, được người Á
Ðông, và nhất là người Việt Nam coi trọng. Căn cứ vào sử liệu
về thời kỳ dựng nước và giữ nước có thể nói, một trong những
yếu tố được coi là chất liệu trong việc đóng góp tích cực để
hình thành, và nuôi dưỡng tinh thần hiếu kính nầy phải nói là
Ðạo Phật. Trước hết đạo Phật chỉ rõ công ơn của cha mẹ đối với
con cái, công ơn sâu dày thâm trọng không thể nào tả xiết. Với
lý tương quan, tương duyên giữa mọi sự vật trong vũ trụ, đức
Phật đã trình bày rõ ràng luật tương quan, sinh tồn của con
người, và người con được sanh ra ở đời, sở dĩ được thành người
hữu dụng là toàn nhờ công ơn sanh thành, dưỡng dục của mẹ cha.
Cha mẹ đã vì con và cho con tất cả những công sức của bản
thân, cho dù bản thân có cực nhọc, trải qua biết bao nhiêu là
năm rộng tháng dài. Vì công ơn của cha mẹ sâu dày như vậy cho
nên trong kinh thường dạy:
-
- Trong thời kỳ không gặp Phật, người con một dạ chí thành
phụng dưỡng cha mẹ thì cũng như phụng dưỡng chư Phật.
-
Có tính cách thực tế hơn, Ðức Phật Ngài cũng
thường dạy, công ân cha mẹ như trời sâu bể rộng, nên những
người con thảo, khi cha mẹ còn sanh tiền thì phải hết lòng
phụng dưỡng cha mẹ, sớm hầu tối viếng, khi quần áo, lúc thuốc
men, khi cơm ăn, lúc tách nước chén trà.. v.. v.. Lúc cha mẹ
quá vãng thì phải hết lòng cầu nguyện cho cha mẹ được siêu
thoát về cảnh giới của chư Phật.
-
Và trong Kinh Lục Phương Lễ Ðức Phật có dạy, Con
cái thờ cha mẹ có năm điều:
-
- Nhớ nghĩ đến cuộc sống của cha mẹ
-
- Phải dậy sớm nhắc nhở người giúp việc làm cơm
đúng giờ
-
- Không lam cho cha mẹ buồn lo
-
- Luôn luôn nghĩ đến cha mẹ
-
- Khi cha mẹ đau ốm phải kiếm cầu thầy thuốc hữa
trị.
-
Truyền thống nầy mặc dầu xuất xứ tại Ấn Ðộ, người
khởi xướng ra truyền thống hiếu hạnh, là Ngài Mục Kiền Liên
Tôn Giả, nhưng khi Phật Giáo du nhập vào Việt Nam, thì đạo
hiếu nầy đã trở thành một bộ phận quan trọng trong truyền
thống Văn Hoá của dân tộc Việt. Vì thế cứ mỗi độ mùa Thu về,
ngày rằm tháng bảy đến, Chùa nào cũng tổ chức lễ Vu Lan, trong
ý niệm cầu nguyện cho cha mẹ, người con Phật ai ai cũng nao
nao trong lòng, thế là không ai bảo ai, nhưng mỗi người tự kêu
gọi cùng nhau phải đi về Chùa để thắp nhang, cầu nguyện cho
thân bằng quyến thuộc, cha mẹ, bảy đời quá vãng. Nguyện gởi
trọn tình thương, nỗi niềm quý kính theo làn hương quyện tỏa,
cầu nguyện hồng ân chư Phật chứng dám cho tấc dạ chí thành.
Ðây là một việc làm hết sức có ý nghĩa, vì không những đã nói
lên tiếng nói sâu thẩm của tự đáy lòng, với biết bao nỗi nhớ
niềm thương đối với những bậc đã sanh thành, thân bằng quyến
thuộc hiện còn, cũng như đã quá vãng, mà còn là biểu tượng
tốt, một hành động hiếu kính gián tiếp trao truyền cho thế hệ
tương lai
-
Là người Việt Nam, chúng ta có thể tự hào rằng, đạo hiếu đã
trở thành cái tánh tự nhiên, ăn sâu và tâm khảm của những
người Việt Nam, người con Phật. Ngay từ khi lọt lòng mẹ chào
đời, đứa con như đã thâm cảm được tất cả ân đức sâu dày của
cha mẹ, đã cho con và hết mực thương yêu con cái. Vì thế, nếu
một người Việt Nam nào mà không biết ơn và đền trả ơn của cha
mẹ là đấng sanh thành ra mình, thì người đó không phải là một
người Việt Nam. Một người Việt Nam mà không biết hiếu kính với
cha mẹ là chính người ấy đã tự mình làm mất gốc rễ, chạy theo
ngoại lai. Tự mình đánh mất những gì được coi là tinh ba nhất
của tinh thần con người Việt Nam, tự phá hủy những gì cao đẹp
nhất của tinh thần dân tộc. Phải biết rằng tinh hoa và tinh
thần đạo hiếu cao đẹp ấy của người dân Việt không phải tự
nhiên mà có được, mà chính là nhờ ảnh hưởng của đạo Phật, một
tôn giáo, một nền giáo dục, một tổ chức văn hoá, một nền đạo
học với tính phóng khoáng của Phật Giáo từ ngàn xưa, được
truyền vào nước Việt Nam từ thời đại vua Hùng Vương, đã được
đi sâu vào tầng lớp quần chúng, và mãi mãi được duy trì qua
các triều đại, cho đến ngày nay vẫn được đa số quần chúng tôn
thờ quy ngưỡng. Nền văn hoá đạo học cổ truyền đó hài hoà với
bản tánh, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam, và nhờ vậy
truyền thống đó được lưu truyền từ đời nầy qua đời khác, hiện
nay vẫn được mật thiết duy trì và phát triển.
-
Chúng ta thấy ở đây quan điểm đạo Phật đối với chữ hiếu, và
những lời Phật dạy đã có ảnh hưởng rất lớn đối với dân tộc
Việt Nam qua những đoạn kinh sau đây:
-
- Cha mẹ đối với con, ân đức cao nặng sâu dày, ân
đức sanh sản từ bú mớm,
-
- Ân đức tắm giặt nuôi nấng trưởng thành
-
- Ân đức cung cấp các món cần dùng
-
- Ân đức chỉ dạy cách sống ở đời
-
- Cha mẹ muốn con luôn luôn được vui
-
- Không bao giờ xao lãng nhớ thương con
-
- Thương con như ảnh theo hình.
-
Trong gia đình, và đời sống của người Việt Nam, sở dĩ có được
sự tương thân tương ái giữa cha mẹ và con cái, sỡ dĩ mặn nồng
và mãnh liệt như vậy, phần lớn do sự ảnh hưởng tinh thần đồng
thể đại bi của đạo Phật. Người mẹ trong khi ủ ấp đứa con, đã
nhận chân được máu thịt của con chính là máu thịt của chính
mình, thân xác của con chính là thân xác của chính mình. Vì
vậy cho nên, người mẹ là người đã khổ với nỗi khổ của con, và
cũng đã vui sướng với nỗi vui sướng của người con. Cho nên
người làm cha mẹ phải lo lắng cho con cái của mình, với hy
vọng mai kia mốt nọ nó sẽ mang hình ảnh của mình đi vào tương
lai. Cho nên dầu cực nhọc đến đâu, cha mẹ cũng không vì vậy mà
sờn lòng nản chí. Có thể nói, lòng hy sinh không bờ bến của
cha mẹ bắt nguồn từ tâm Ðại Bi của chư Phật, các vị Bồ Tát đã
nguyện trọn đời cứu độ chúng sanh, chung vui chịu khổ với
chúng sanh, thể nhập vào thân xác của từng chúng sanh, để giáo
hoá cứu độ muôn loài.
-
Suốt mấy mươi năm, lúc cuộc chiến Việt Nam còn đang hồi sôi
động, tình trạng bom rơi đạn nổ đã làm tan nát không biết bao
nhiêu hạnh phúc của gia đình. Trong lúc nước nhà điêu linh,
những bà mẹ Việt Nam, không những tự tay phải lo kế sinh sống
cho toàn thể gia đình, mà còn trút tất cả tình thương yêu của
bà mẹ quê nghèo nàn cho những đứa con phải sống xa gia đình,
xa nhà tản mát trên trận địa, để bảo vệ quê cha đất tổ. Tâm
trạng của những bà mẹ lúc đó, nghe được tin con bình yên vô sự
thì mẹ mừng, nhưng nếu con không may bị thương hay hy sinh cho
tổ quốc, thì nước mắt của người mẹ lại tuôn trào rạt dào sống
động. Nếu như nuớc mắt của chúng sanh tràn đầy bốn bể đại
dương theo như lời Phật dạy, thì ba phần nước mắt ấy phải để
dành riêng cho tình thương và nước mắt của những bà mẹ hiền.
-
Chúng tôi đã từng thấy những bà mẹ lên chùa năn nỉ, cầu khẩn
chư Bồ Tát, chư Phật gia hộ cho con mình được mọi điều an lành
trong khi phải đi làm ăn ở phương xa, hoặc đi làm tròn bổn
phận của một người thanh niên thời ly loạn. Tâm tình của các
bà mẹ có thể làm được chỉ có vậy, vì các bà nghĩ trong khi
không được ở bên con để lo miếng cơm manh áo, để che chở cho
con khỏi các tai nạn nguy hiểm, thì những bà mẹ Việt Nam chỉ
có cách lên chùa khẩn cầu các Ðức Phật, nhờ chư Phật chuyển
đạt lòng thương ấy đến bên người con, âu yếm che chở cho con
là việc làm duy nhất. Những lời khẩn cầu, nồng nàn chí thiết
của hàng ngàn, hàng vạn bà mẹ Việt Nam đã làm toả rộng làn
sóng tình thương, lan khắp hang cùng ngõ hẻm, và những người
con được sưởi ấm lòng thương của mẹ, chúng ta có thể nói:
-
- Chỉ có những bà mẹ mới hiểu được tình thương của những bà
mẹ. Chỉ có các vị Bồ Tát mới hiểu được tình thương của những
bà mẹ Việt Nam.
-
Ðối với tình thương cao cả và mãnh liệt của những bậc cha mẹ
như vậy, đạo Phật luôn luôn nhắn nhủ các người con phải biết
ơn và nhớ ơn cha mẹ, như Kinh Ðại Tập dạy rằng:
-
- Gặp thời không có Phật, những ai khéo thờ cha mẹ tức là thờ
Phật.
-
Và Kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng đã từng nói:
-
- Thờ trời đất quỉ thần, không bằng có hiếu với cha mẹ, vì cha
mẹ là vị thần minh cao nhất trong các thần minh.
-
Và Kinh Mạt La Mạt cũng dạy:
-
- Chừa đồ trân bảo từ dưới đất cho đến trời thứ hai mươi tám.
Tất cả thứ đồ đó dùng để bố thí cho người cũng không bằng cúng
dường cha mẹ.
-
Với lời dạy trên, cũng đủ biết Ðạo Phật tôn trọng ân cha nghĩa
mẹ đến bực nào, và cũng nhấn mạnh cho chúng ta thấy hiếu hạnh
là một trong những hạnh cần thiết, nhất là đối với người Phật
Tử phải nhận chân điều nầy một cách sâu sắc. Công đức hiếu
hạnh thật không thể nghĩ lường và muốn thành tựu tư cách của
con người trên đường đời cũng như trên đường đạo, không thể
không nghĩ đến hạnh báo hiếu. Vì thế mà trong kinh Nhẫn Nhục
có nói:
-
- Ðiều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác ác nhất không
gì hơn bất hiếu
-
Ðể rộng rãi suy tư, và hỗ trợ cha mẹ, cũng như người thân của
chúng ta trong việc ân đền nghĩa đáp. Trong cuộc sống tương
quan, tương duyên hằng ngày, chúng ta biết rằng:
-
- Là con người, mỗi người có một tâm tình, bản tánh khác nhau,
nên phẩm chất khác nhau, do phẩm chất khác nhau, nhưng phản
chiếu với nhau rõ rệt như sáng với tối, đó là chỉ có thiện với
ác.
-
Thiện là đại lộ sáng sủa của loài trời, ác là đường hiểm tối
tăm của tam đồ ác đạo. Sống nhân nghĩa, có hiếu đạo với cha mẹ
thì đi lên đại lộ sáng sủa, sống tàn ác, bất hiếu cha mẹ thì
bước xuống con đường hiểm tối tăm. Ði lên là những người biết
tu thân, hiếu đạo, là hành vi vượt bực, không phải tranh
giành, mua bán mà được. Hành động tốt đẹp nầy tự mình hưởng
thụ hạnh phúc tự nhiên, hơn nữa còn có cơ hội bước đến tuệ
giác vô thượng. Cho nên hạnh cao thượng nầy được chư Phật nhắc
nhở trong Kinh Tạp Bảo Tạng:
-
- Phật nói, không chỉ có ngày nay chư Phật khen ngợi những
người con hiền hiếu thảo, mà từ vô lượng kiếp về trước cũng đã
thường khen ngợi.
-
Còn bước xuống là hành vi phản bội, quên ân cha mẹ, tự đào bới
gốc rễ, quên rằng mình là người Việt Nam, là hành vi xuống
dốc, có tránh cũng không khỏi, cho nên hạng người nầy, chắc
chắn ở thì ở trong thành lửa lưới sắt, ăn thì sắt viên sắt
nóng, uống thì đá sôi đồng chảy, sống thì lâu hơn tạo hóa,
kiếp số thì kể như vô cùng. Chịu cảnh khổ địa ngục là cái khổ
không thể chịu nổi. Hể tâm rời thân nầy là sa vào thành ấy. Ác
nhân đã tạo, ác quả một khi đã trả thì xe đao cắt mình, nghiệp
đến thì không tránh đâu được. Nhưng không vì vậy mà mạng rút
ngắn lại, trái lại còn ôm lấy cực hình với thời gian kể như
bất tận. Giả sử thoát được địa ngục thì lại sa vào ngã quỷ,
miệng xuất ra lửa, sống thì mạng sống không toàn. Từ đấy chết
rồi lại đọa súc sanh với bao nhiêu cực hình, chở nặng đi xa,
xông pha nguy hiểm. Nổi thống khổ ác đạo thật nặng nề, cái u
tối miên man thật bi thảm. Và sự hơn kém giữa thiện và ác hiển
nhiên như vậy, nhưng mà có người vẫn không tin, không tin vì
họ nghĩ rằng có một đấng quyền năng nào có quyền thưởng thiện
phạt ác. Không tin là vì tâm lý của họ phân chia bỉ thử ngã
nhân, chính sự không tin nầy dẫn đến hậu quả là đa số hướng về
đìều ác. Nên Ðức Thế Tôn đã dạy, con người vì mười điều nầy mà
chết là nhập vào ác đạo :
-
- Không quan tâm việc thiện
-
- Không làm công đức
-
- Ham ăn uống, và tửu sắc như cọp đói
-
- Ôm giữ độc tố sân hận
-
- Giữ thói ngu si mà không chịu sự can gián
-
- Tự thị sức lực mà làm ác.
-
- Tàn hại chúng sanh, bức hiếp cô thế
-
- Liên kết kẻ ác mà xâm lược địa giới của kẻ khác
-
- Nói thì không thật
-
- Không có từ tâm, hiếu kính đối với cha mẹ.
-
Những người như vậy chắc chắn không sống lâu và
cũng không tránh khỏi ác đạo. Những ai không tránh khỏi ác đạo
thì có phần trong địa ngục. Nếu là những người con Phật, những
người con trong gia đình khi đã hiểu điều ấy thì nên tập gương
hiếu hạnh, đình chỉ sự phóng túng. Phải tranh với thời gian mà
làm hạnh Bồ Tát, cần cầu chánh pháp để tu thân, để làm lợi hết
thảy. Ðể một mặt tự diệt tội lỗi của mình, mặt khác phát sanh
phước đức cho người. Ðó chính là tự lợi và lợi tha mình người
không phân biệt. Vậy thì hãy phát khởi tâm dõng mãnh, tâm kiên
cố, tâm từ bi, tâm độ chúng sanh trong đó có cả cha mẹ cho đến
ngày giác ngộ, vẫn không quên chí nguyện nói trên. Dõng mảnh
như vậy, khẩn cầu như vậy để khẩn nguyện mười phương pháp
giới, hết thảy chư Phật, Ðại Ðịa Bồ tát, đem năng lực đại thần
thông, năng lực đại từ bi, năng lực giải thoát địa ngục, năng
lực tế độ ngã quỷ, năng lực cứu vớt súc sanh, năng lực đại
thần chú, năng lực đại oai mãnh, làm cho việc làm của chúng ta
được lợi ích, điều mà chúng ta nguyện thì thành tựu.
-
Một khi đã trở thành con người biết hướng thượng, hướng thiện,
là một người con hiếu hạnh gương mẫu trong gia đình, nhất là
Phật Tử Việt Nam thì chắc chắn biết ân mà đáp đền công ơn của
cha mẹ. Tuy nhiên biết đáp đền ơn của cha mẹ là điều cần
thiết, nhưng quan trọng hơn là cần phải biết cách báo đáp ân
chân chánh, thiết thực có lợi ích cho cha mẹ và cho tất cả mọi
người.
-
Thông thường theo quan niệm thế gian, phần nhiều những người
con chỉ biết lo phụng dưỡng cha mẹ để không bị thiếu thốn về
vật chất, luôn luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và xử thế nào cho
cha mẹ khỏi phải phiền lòng. Thật ra cách báo hiếu như vậy kể
ra cũng tương đối được. Tuy nhiên hiểu xa hơn nữa, chúng ta
thấy mục đích đạo Phật là hướng dẫn con người thoát khỏi những
nỗi đau khổ căn bản của cuộc đời là: Sanh, Già, Bệnh, Chết,
cho nên đối với những người con chí thành, chí hiếu đức Phật
dạy rằng phải làm tròn bổn phận của người con. Nghĩa là làm
thế nào để không những thoả mãn về phương diện vật chất đừng
để thiếu thốn khi cha mẹ còn sanh tiền, mà còn phải cứu độ cha
mẹ thoát khỏi những nỗi khổ cội rễ của con người trong luân
hồi sanh tử. Và chỉ có vậy mới thiết thực báo ân cha mẹ. Lập
trường nầy trong Kinh Hiếu Tử dạy rằng:
-
- Cúng dường cha mẹ không gì bằng khuyên cha mẹ làm việc lành
bỏ việc ác. Ở đời gọi là hiếu phải khuyên cha mẹ bỏ ác làm
lành, nếu không thể cải hoá cha mẹ, phụng trì Tam Bảo, thì tuy
có hiếu dưỡng cha mẹ, cũng gọi là bất hiếu.
-
Và nói như trong Kinh Bất Tư Nghì Quang:
-
- Dâng cúng thức ăn uống ngon ngọt của quý báu, chưa đủ có thể
báo đền ân đức cha mẹ. Hướng dẫn cha mẹ về với chánh pháp mới
là báo đáp thâm ân cha mẹ.
-
Hoặc là Luật Tỳ Na Da có dạy:
-
- Nếu cha mẹ không tin, phải làm cho cha mẹ phát lòng tin. Nếu
cha mẹ không quy y Tam Bảo thọ trì cấm giới, khiến cho cha mẹ
thọ Tam Quy, trì cấm giới. Nếu cha mẹ mẹ bỏn sẻn keo kiệt,
khuyên cha mẹ thực hành hạnh bố thí. Nếu cha mẹ thiếu trí tuệ
sáng suốt, khiến cha mẹ khởi sanh trí tuệ. Làm đưọc như thế
mới là con thảo cháu hiền, mới mong đến đáp ân cao dày của cha
mẹ.
-
Như vậy muốn báo ân cha mẹ, nên khuyên cha mẹ đối với Phật
Pháp, Tăng, đối với các pháp nhân quả ..v..v.. cha mẹ chưa
tin, khuyên cha mẹ tin, cha mẹ tin rồi, khiến lòng tin tăng
trưởng, cha mẹ không giữ tịnh giới, khuyên cha mẹ giữ tịnh
giới, cha mẹ có lòng xan tham, khuyên cha mẹ làm việc huệ thí,
khéo an trú để tự điều phục. Như vậy, mới gọi là chân thực báo
ân cha mẹ.
-
Nói về cách báo hiếu ân cha mẹ, mặc dầu có nhiều cách nhưng
tựu trung có hai cách tương đối thiết thực: Hiếu thế gian và
hiếu xuất thế gian
-
A- Hiếu thế gian:
-
- Ðược gọi là hiếu ở trong thế gian, là người con đó phụng
dưỡng cha mẹ không thiếu thốn thứ gì về cơm ăn áo mặc. Ngay cả
việc lấy món cam lồ phụng dưỡng cha mẹ là hiếu thế gian. Với
loại hiếu thế gian thì cha mẹ chỉ hưởng phước trong một đời,
báo hiếu như vậy mặc dầu tương đối được, nhưng không lớn.
-
b- Hiếu Xuất Thế Gian
-
- Ðược coi là hiếu xuất thế gian, nếu cha mẹ biết tu rồi thì
thôi, nếu trường hợp cha mẹ chưa biết tu thì nên khuyên cha mẹ
tu tịnh giới là hiếu xuất thế gian.
-
Ngay cả chúng ta nếu biết Tam Bảo rồi thì thôi, nếu chưa biết
thì phải chí thành quy y và đảnh lễ hết thảy Tam Bảo khắp cả
mười phương cùng tận hư không giới, nguyện xin Tam Bảo đem
năng lực từ bi mà đồng gia nhiếp thọ làm cho cha mẹ bà con và
thân thuộc của cha mẹ bà con chúng con, từ nay sắp đi cho đến
ngày giác ngộ, được diệt sạch tội chướng, hết sạch thống khổ,
lọc sạch phiền não, tự tại vãng sanh.
-
Nếu chúng ta làm phước không ngừng thì hiệu quả quyết chắc đạt
được. Nên trong kinh có nói, làm phước cho người quá cố cũng
như tiếp tế cho người đang sống, nếu làm được như vậy thì
người thân của chúng ta nếu:
-
- Làm người, làm trời thì tăng thêm phước báo, còn nếu sanh
vào ba ác đạo hay gặp tám tai nạn thì tức khắc và vĩnh viển
thoát khỏi thống khổ những chỗ ấy. Nếu sanh gặp Phật thì được
nghe chánh pháp và giác ngộ liền,
-
Ngoài ra hằng đêm, nếu được thì tự mình nên thắp nhang cầu
nguyện Tam Bảo đem năng lực từ bi mà nhiếp thọ và cứu vớt, làm
cho cha mẹ quá khứ và bà con nhiều đời của chúng ta, từ nay
sắp đi cho đến ngày giác ngộ, diệt hết tội lỗi, thoát hết tội
báo và sạch hết phiền não, triệt hạ ba thứ chướng ngại và loại
trừ năm thứ sợ hãi, làm hạnh Bồ Tát để cảm hoá tất cả, dùng
tám giải thoát mà tẩy sạch tâm trí và đem bốn đại nguyện mà
tiếp độ muôn loài.
-
Như vậy hạnh hiếu xuất thế gian có thể giúp cha mẹ hưởng phước
không phải chỉ có một đời mà là vô tận. Vì khi cha mẹ được
sanh về cõi thiên cung hay được sanh về bất cứ Tịnh Ðộ nào
cũng được vì các cõi Tịnh Ðộ phước thọ trải vô lượng kiếp, như
vậy mới là đại hiếu.
-
Chúng tôi cũng xin lưu ý cho rằng, đây không phải là toàn bộ,
mà là hầu hết giáo lý của đức Phật, tùy theo từng hoàn cảnh,
từng địa phương Ðức Phật trong khi dạy những người con, Ngài
đều khuyên những người con ấy nên hướng dẫn cha mẹ phụng thờ
Tam Bảo. Việc hướng dẫn nầy không phải muốn cho mọi người tôn
thờ Ngài, và đạo của Ngài, như nhiều người lầm tưởng. Mục đích
của Ðức Phật là khai sáng cho tất cả những người làm cha mẹ
noi theo con đường chân chính sáng suốt, thiết thực dắt dẫn
mọi người thoát khỏi những nỗi đau khổ mà thôi. Bởi vì làm
con, nếu chỉ biết cúng dường các món ăn uống vật chất cho cha
mẹ, thì vô tình chỉ tạo thêm điều kiện tăng thêm lòng dục vọng
cho cha mẹ, và khiến cha mẹ mãi chìm đắm trong bể khổ năm dục
và sân hận si mê mà thôi.
-
Như vậy đối với những người con, nếu cha mẹ biết đạo Phật rồi
thì nên tự mừng là mình có phúc, nhưng nếu gặp cha mẹ chưa có
chánh tín ngôi Tam bảo, thì những người con hiếu thảo phải
đóng vai trò như thiện tri thức, để khuyên cha mẹ tin Phật,
quy y Tam Bảo. Sự kiện khuyên cha mẹ, theo đạo Phật, và quy y
Tam Bảo là chỉ vì một mục đích duy nhất muốn cha mẹ được sống
giác ngộ giải thoát. Sống giác ngộ giải thoát là cách sống
hiển nhiên, tiếp xúc sự vật và sống đúng với sự vật ấy, không
còn mê mờ mù quáng. Như vậy sống giải thoát là sống cách sống
vượt ra khỏi sự trói buộc của dục vọng của sự vật, và cách
sống tự tại thanh tịnh. Làm được như vậy mới là chân thực báo
ân cha mẹ, và chỉ có vậy mới gọi là báo ân chân chánh. Ngoài
ra đều chỉ là những chữ hiếu giả tạm, hay là bất hiếu mà thôi.
-
Như trên là nói lúc cha mẹ còn hiện tiền, nhưng đối với cha mẹ
đã quá vãng rồi, thì là một người con có hiếu cần phải làm thế
nào? Thông thường theo quan niệm của đạo Phật, người đời chú
trọng trong lúc cha mẹ lìa đời, phận làm con hiếu thảo phải
thanh tịnh, lễ bái cầu nguyện rất mực để hồi hướng công đức
cho cha mẹ. Vì vậy các người con chí hiếu, và sáng suốt chỉ
chú trọng làm thế nào mà chuyển đổi được trọng nghiệp của cha
mẹ khỏi đọa lạc sáu đường, và nhất là đừng tạo nghiệp ác cho
cha mẹ. Tuy nhiên nếu trong lúc cha mẹ hấp hối, hay còn gọi là
cận tử nghiệp, là giây phút quan trọng nhất của đời người sắp
lâm chung. Là những người con hiếu thảo phải theo dõi từng
phút, từng giây những sự biểu hiện trên người hoặc trên nét
mặt, cũng như những hành động của người lâm chung, mà thân
nhân hiện đời có thể đoán người sắp lâm chung đó sẽ sanh về
đâu, để những người con thảo tùy theo đó mà cầu nguyện cho cha
mẹ. Những hình tướng đó như sau:
-
Phước Báo Sanh Về Cõi Trời Ta Sẽ Thấy
-
01- Khởi lòng thương mến mọi người
-
02- Phát khởi thiện niệm
-
03- Lòng thương vui vẻ
-
04- Chánh niệm rõ ràng
-
05- Không có điều hôi hám
-
06- Sống mũi không xiêu vẹo
-
07- Lòng không giận dữ
-
08- Của cải, bà con, lòng không lưu luyến
-
09- Mặt trong sáng
-
10- Ngước mắt lên mỉm cười, và nghĩ tưởng đến thiên cung
-
Nghiệp Duyên Sanh Vào Nhân Ðạo Ta Sẽ Thấy:
-
01- Ðến lúc chết hay khởi niệm lành
-
02- Thân không đau khổ
-
03- Nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ
-
04- Con trai con gái sanh lòng thương xót và gần gũi
-
05- Ðối với việc lành hay việc dữ lòng không lầm lẫn
-
06- Tâm tánh chánh trực không dua nịnh
-
07- Rõ biết bà con bạn bè
-
08- Thấy bà con chăm sóc sanh lòng vui mừng
-
09- Di chúc việc nhà
-
10- Sinh lòng thanh tịnh, thỉnh Phật Pháp Tăng đến để đối diện
quy y
-
c- Nghiệp Duyên Ðọa Vào Bàng Sanh Ta Sẽ Thấy
-
01- Yêu mến vợ con một cách tha thiết
-
02- Ngón tay và ngón chân co quắp
-
03- Khắp mình mẩy toát mồ hôi
-
04- Tiếng nói khò khè
-
05- Miệng thường ngậm đồ ăn
-
d- Nghiệp Duyên Ðọa Vào Ngã Quỷ Ta Sẽ Thấy
-
01- Ưa liếm môi miệng
-
02- Thân nóng như lửa
-
03- Thường lo đói khát và hay nói đến ăn uống
-
04- Mắt thường trừng lên mà không nhắm
-
05- Hai mắt khô như chim gỗ
-
06- Ðầu gối bên phải lạnh trước
-
07- Tay bên phải thường nắm lại, điều nầy biểu hiện cho sự bỏn
xẻn
-
Nghiệp Duyên Sanh Vào Ðịa Ngục Ta Sẽ Thấy
-
01- Gặp con trai, con gái của mình, bà con quyến thuộc đều
nhìn kẻ sắp chết bằng con mắt ghét bỏ
-
02- Người sắp chết đưa hai tay rờ mó trên giữa hư không
-
03- Thiện tri thức dầu có chỉ bảo nhưng người sắp lâm chung ấy
không chịu nghe theo.
-
04- Người sắp chết ấy kêu gào than khóc.
-
05- Ði đại tiện và tiểu tiện mà người sắp chết vẫn không hay
biết gì
-
06- Nhắm nghiền hai mắt
-
07- Thường hay che mặt hoặc úp mặt
-
08- Nằm nghiêng mà ăn uống
-
09- Gót chân, đầu gối luôn luôn run
-
10- Sống mũi xiêu vẹo
-
11- Mình mẩy miệng mồn luôn luôn hôi hám
-
12- Mắt bên trái hay động đậy
-
13- Hai mắt đỏ ngầu
-
14- Úp mặt mà nằm
-
15- Thân hình co rút và tay bên trái chắn xuống đất mà nằm
-
Nếu là những người con hiếu thảo, hoặc là thân bằng quyến
thuộc của người sắp lâm chung, thấy một trong các trường hợp
giống như trong Kinh Thủ Hộ Quốc Giới diễn tả, thì phải tự đặt
mình trong vai trò của một vị Ðại Thiện Tri Thức nhắc nhở, ca
ngợi cảnh giới lạc bang cho người sắp lâm chung nghe. Có được
như vậy chúng ta sẽ gợi cho tâm thức người sắp lâm chung nhớ
lại những thiện nghiệp đã làm, hoặc những điều thiện chưa biết
thì được biết. Ðược như thế thì người sắp lâm chung có thể
được dự vào ít nhất trong ba phẩm cuối cùng của chín phẩm liên
hoa.
-
Trong kinh cũng có dạy, trong lúc cha mẹ lâm chung, không được
khóc than ảo não, làm cho cha mẹ luyến tiếc không có niệm xả
ly, tức là giúp cha mẹ tạo thêm nghiệp đoạ lạc trong sáu đường
dữ. Hơn nữa trong khi cúng tế mà giết hại các loại súc sanh là
tăng thêm nghiệp ác cho cha mẹ và bắt buộc cha mẹ phải đoạ
lạc. Khi cha mẹ sắp sửa trút hơi thở cuối cùng, cần nhất là
phải làm cho cha mẹ thân tâm thanh tịnh, không sợ hãi, không
có mến tiếc cõi đời, chỉ có một niệm dứt bỏ tất cả dục vọng,
tất cả luyến ái, luôn luôn chí thành hướng niệm về chư Phật,
cầu vãng sanh lên cõi tinh độ là một cõi không còn tham sân
si, không còn sanh tử luân hồi. Cần nhất là con cháu trong nhà
đứng chung quanh giường, nhất tâm niệm Phật không khóc than,
không kêu gào, chỉ giữ chí thành chí kính cầu nguyện cho cha
mẹ được vãng sanh lên cõi trời Tịnh Ðộ mà thôi. Ðối với những
người cha mẹ, vì tạo những nghiệp quá nặng không thể tự giải
thoát được, thời các người con có hiếu cần phải luôn luôn
hướng niệm đến cha mẹ và cần sức chú nguyện của mười phương
Tăng dùng đạo lực tu hành mà chuyển nghiệp cho cha mẹ khỏi
phải đau khổ luân hồi trong sáu đường dữ.
-
Tóm lại, đạo Phật rất chú trọng đến hai đức tánh Giác ngộ, và
giải thoát cho cha mẹ, khi còn cũng như khi mất, bao giờ người
con chí hiếu cũng phải nhứt tâm nhứt niệm chú trọng cho cha mẹ
được giải thoát và giác ngộ. Riêng đối với cha mẹ, người con
cần phải báo hiếu như trên, nhưng đối với tự thân, người con
cần phải xử sự thế nào để đền đáp ân đức sanh thành cha mẹ?
Nhận hiểu đúng với chân tinh thần đạo Phật, những người Phật
Tử sẽ tự thấy con đường tiến thân đúng với nghĩa báo hiếu,
nhứt là tự mình sống đúng với lời Phật dạy, và khuyên mọi
người cũng sống đúng như lời Phật dạy. Một người con cam tâm
sống trong đêm tối của mê muội, trái với tinh thần giác ngộ,
tức là làm cho cha mẹ mình chịu ảnh hưởng ngu muội của mình,
như vậy tức là bất hiếu. Một người con vui sướng trong sự dục
lạc vật chất, tức là đem lửa dục vọng thiêu đốt chúng sanh,
trong đó có cha mẹ mình, làm cho chúng sanh đau khổ nguy hại,
như vậy tức là bất hiếu. Một người con làm cho chúng sanh khác
đau khổ, trong đó có cha mẹ của mình, như vậy bất hiếu. Cử chỉ
xứng hợp với tinh thần báo hiếu chân chánh của người Phật Tử,
sống đúng với lời Phật dạy là làm mọi người sống đúng với lời
Phật dạy. Ở đây, cần phải hiểu thêm rằng, một người không phải
là Phật Tử mà mọi cử chỉ đều đúng với tinh thần giác ngộ và
giải thoát, thời người ấy thật chính là một Phật tử chân
chánh, và là một người con có hiếu. Một người Phật Tử mà xử sự
trái với tinh thần giác ngộ và giải thoát, thì người ấy không
phải là một Phật Tử chân chánh, và là một người con đại bất
hiếu.
-
Do đó để xứng đáng là một người con hiền, hiếu thảo, nếu được
chúng ta nên thường xuyên, dù là cha mẹ còn hay là đã quá
vãng, chúng ta cũng nên thay thế cho cha mẹ sám hối để hồi
hướng, tưởng niệm ân đức dưỡng dục của cha mẹ. Bởi vì lòng
thương của cha mẹ trong việc sinh và dưỡng thật là sâu nặng.
Chỉ có cha mẹ mới tự lãnh lấy nguy hiểm để phần yên ổn cho
con. Lớn lên thì huấn luyện tâm tánh nhân từ và tư cách lễ độ,
cầu thầy dạy bảo để mong con thông suốt nghĩa lý sách vở của
thánh hiền cũng là cha mẹ. Chỉ có cha mẹ mới kỳ vọng từng giờ
từng phút mong con bằng người. Sự cung cấp thì của cải gia bảo
cũng không tiếc đối với con. Cho đến lo cho con và nghĩ về con
quá độ mà có kẻ thành bệnh. Và dầu đã nằm xuống, cũng vẫn miên
man nghĩ đến con.
-
Như vậy, ân cha mẹ, trên thế gian nầy thật không có cái thứ
hai. Cho nên Ðức Phật đã nói:
-
- Trong thiên hạ không có cái ân nào hơn cha mẹ.
-
Là người con hiếu kính thì phải hết lòng phụng dưỡng khi cha
mẹ còn tại thế, lúc quá quá vãng phải hết sức nguyện cầu. Ðối
với người xuất gia, khi chưa đắc đạo thì phải nỗ lực vào sự tu
học, làm lành không nghỉ, tích đức không ngừng, quyết chí báo
bổ cho được cái ơn cù lao dưỡng dục.
-
-
Tài Liệu Tham Khảo
-
- Phật Học Phổ Thông
-
- Phật Giáo Thánh Kinh
-
- Chữ Hiếu Trong Ðạo Phật
-
- Phật Pháp Yếu Nghĩa
-
- Liễu Sanh Thoát Tử
|