Mỗi Năm Mỗi Thắp Ðèn Trời
Nam Phương
--o0o--
 
Cứ mỗi năm khi mà tất cả các Chùa bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị những món tứ sự để cúng dường đến chư Tăng sau ba tháng an cư Kiết hạ được hoàn mãn, chì cũng chính là lúc những người con Phật lại được nghe nhắc nhở nhiều về công ơn của các bậc sinh thành, vì đã đến mùa Vu Lan Báo Hiếu.
Thật ra ngày lễ Vu Lan do Ðại Thừa Phật Giáo dựa vào câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên có mẹ là bà Thanh Ðề, khi còn sống đã gây nhiều ác nghiệp nên sau khi thân hoại mạng chung phải đọa địa ngục. Ngài Mục Kiền Liên vì muốn báo hiếu cho mẹ, đã lập đàn tràng Trai Tăng cúng dường hồi hướng phước báu để cứu mẹ ra khỏi cảnh khổ  của địa ngục A Tỳ.
Thật sự không phải đợi đến Vu Lan chúng ta mới nhớ nghĩ đến cha mẹ, mà cho dù cha mẹ còn hiện tiền hay đã quá vãng, lúc nào cũng hiển hiện trong tâm hồn của những người con. Vì vậy mà hầu hết các gia đình người Việt Nam chúng ta, tuy ông bà cha mẹ qua đời đã lâu, nhưng hằng năm vẫn không quên những ngày kỵ giỗ. Nhưng dẫu sao hình thức lễ lượt có tính cách tôn giáo mỗi năm như vậy cũng để lại trong lòng chúng ta những tình cảm thân thiết khó quên. Do đó, mà có rất nhiều người không phải là Phật tử thuần thành, không thường xuyên đến chùa, nhưng vào dịp lễ báo hiếu cha mẹ họ cũng về chùa để được cài lên ngực áo một bông hoa hồng màu hồng hay màu trắng để được chia xẻ với mọi người những giọt nước mắt hạnh phúc khi còn cha mẹ, hay những giọt lệ đau thương khi cha mẹ không còn. Lễ Vu Lan hằng năm ở chùa nào cũng vậy, không làm sao cầm giữ được những xúc cảm, ngậm ngùi mà cả đến các cụ già cũng tự nhiên để cho những giọt nước mắt rơi xuống thật thơ ngây.
Hình thức cũng chỉ là để nhắc nhở vậy thôi, vì chúng ta vốn đã theo truyền thống lâu đời của đạo Phật, Khổng, Lão hay còn gọi là Tam Giáo, vẫn luôn luôn đề cao chữ hiếu, vẫn xem cha mẹ như những vị trời, những vị Thần thiêng liêng mà chúng ta có bổn phận phải tôn thờ, kính ngưỡng. Ðối với Ðức Khổng Tử, một người con chí hiếu, biết thờ kính cha mẹ thì cho dù chưa được đi học ông cũng cho là đã học rồi. Thực tế có rất nhiều tấm gương hiếu hạnh đã không được ghi vào trong sách vở, chứ không chỉ có những ông hiền trong Nhị thập Tứ Hiếu mà thôi.
Qua thời gian, đời sống có nhiều thay đổi, nên việc thể hiện tinh thần hiếu đạo cũng có khác. Với xã hội ngày trước, vấn đề kinh tế vật chất chiếm gần hết đời sống con người, ai ai cũng chỉ quần quật với miếng cơm, manh áo, nên chuyện báo hiếu cha mẹ cũng chỉ đơn thuần nghĩ đến vật chất mà thôi, làm sao cho cha mẹ được đầy đủ, không thiếu thốn, khổ cực là được rồi. Nhưng hiện tại, với cuộc sống ở trong nước vẫn còn nghèo khổ thì không nói, riêng ở hải ngoại này đời sống kinh tế không còn là mối lo ngại lớn nhất nữa thì chúng ta phải làm gì đây để có thể báo đền công ơn trời biển đó? Ở mỗi thời, ở mỗi hoàn cảnh xã hội, việc nuôi dạy con cái có khác nhau, xong nỗi khổ cực của cha mẹ thì lúc nào cũng vậy.
Chúng ta vẫn thường nghe câu:
- Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ
Nguyên văn chữ hán là:
- Dưỡng tử phương tri phụ mẫu ân.
Thật đúng như vậy và cũng chẳng có bút mực nào để tả cho hết tình cảm thiêng liêng đó. Một thứ tình yêu mà văn hào Victo Hugo đã ví như một cái bánh mầu nhiệm càng chia càng tăng.
Chúng ta ai cũng biết đất nước mình là đất nước nghèo nàn, quê hương mình là quê hương chiến tranh, bom đạn, mà cái đau thương lớn nhất, dễ sợ nhất của chiến tranh là sự chết chóc. Gia đình nào cũng vậy, không nhiều thì ít cũng có người hy sinh và cái di hậu còn lại là những trẻ em mồ côi, có khi mất cha hay mất mẹ hoặc không còn một ai. Danh từ cô nhi quả phụ chỉ có trong thời kỳ chiến tranh để nói lên cái thảm cảnh của một gia đình không trọn vẹn.
Ngày trước dưới chế độ Cộng Hòa, lúc chiến tranh lan rộng khắp nơi. Ðã lần lượt cướp đi những người cha thân yêu trong các gia đình, đã để lại một số lượng cô nhi không phải là nhỏ, đến nổi Chính phủ phải thành lập một trường học gọi là trường Quốc Gia Nghĩa Tử, nhằm mục đích giúp đở cũng như xoa dịu phần nào nỗi khổ đau của những người con có cha đã hy sinh cho cuộc chiến. Nhiều quả phụ hãy còn rất trẻ với những đứa con mà trên môi không bao giờ còn được gọi hai tiếng Cha ơi!.
Chiến tranh bao giờ cũng vậy, chẳng khác gì những con thú dữ lúc nào cũng rình rập, chực chờ để trút xuống tai họa, khiến cho đời sống căng thẳng nặng nề. Bình thường kiếm được miếng ăn đã là khó, nay còn phải tản cư, chạy giặc, nỗi khổ bội phần. Có nhiều nơi chiến tranh tràn đến bất ngờ có khi đang giữa mùa thu hoạch, cũng phải bỏ dở để chạy đến chỗ an toàn, rồi ban đêm lần mò về chốn cũ gặt hái tiếp mới có thể sống được ở những vùng tạm cư. Nhiều bà mẹ ốm gầy, xanh xao đến độ không đủ sữa để nuôi con, phải chắt lấy nước cơm hòa với muối cho đứa bé nhỏ của mình được cầm hơi. Một đoạn thơ của Hoàng Cầm nói cho chúng ta biết phần nào những khổ đau trong chiến tranh, nghèo đói:
- Ðêm ba mươi gió thổi
Tôi lại nhớ con tôi
Mẹ đói con cũng đói
Khóc thét lặng từng hồi
Mẹ tôi nước mắt nhiều hơn sữa
Ngực lép con nhai vú rã rời.
Những ai sinh ra và lớn lên trong những lúc loạn ly như vậy mới càng thấy thương cha mẹ nhiều hơn. Cái nghèo, cái khổ là nghiệp dĩ của quê hương mình, lại thêm chiến tranh giày xéo, nên càng cô quạnh, đìu hiu như mấy câu hát:
- Ruộng khô có những ông già rách vai,
Cuốc đất bên đàn trẻ gày,
Có người bừa thay trâu cày... .
Nữa đêm thanh vắng không một bóng trai,
Có tiếng o nghèo thở dài,
Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi.
Hôm nay thì chiến tranh không còn nữa, mà nghèo thì vẫn chưa thôi, nên còn rất nhiều những gia đình cha mẹ phải quần quật suốt ngày mới nuôi nỗi đàn con trong túng thiếu:
- Vay nợ lắm khi tràn nước mắt
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.
Riêng chúng ta được may mắn sống ở hải ngoại, có đời sống tương đối thoải mái về vật chất, không phải chạy ăn từng bữa như những người còn ở quê nhà. Nhưng thật sự ở đâu rồi cũng vậy cũng đều phải trả cái giá của nó cả, Ðể nuôi dạy một đứa con cho đến tuổi trưởng thành, cha mẹ ở đây cũng phải vất vả rất nhiều, cũng phải làm ca hai, ca ba để đi làm từ nữa đêm về sáng, phải lái xe cả tiếng đồng hồ trên xa lộ căng thẳng tinh thần, đến chỗ làm cũng mệt nhoài với công việc. Ðời sống có cả trăm ngàn thứ lo toan, đâu phải giản đơn chỉ là miếng cơm manh áo như ở Việt Nam. Vì những đòi hỏi cao như vậy nên gia đình nào cha mẹ cũng đều phải đi làm cả. Do đó mà người mẹ ở đây cho dù có thương con đến mấy cũng chỉ ôm ấp đứa con của mình đến tháng thứ ba là cùng, rồi cũng phải đem đứa bé đi gởi cho người khác nuôi hộ. Có ai hiểu được nỗi lòng của người mẹ khi phải xa con như vậy.
Theo nghiên cứu của khoa học thì sữa mẹ là thực phẩm tốt nhất cho em bé từ sơ sinh cho đến một tuổi, cũng như sự ôm ấp, vỗ về thương yêu của người mẹ là thần dược cho đứa trẻ trong những lúc ốm đau. Nhưng tội nghiệp thay cho hầu hết trẻ em ở đây, các em có thể có mọi thứ nhưng lại thiếu đi hai điều vô cùng cần thiết cho những năm tháng đầu đời của kiếp làm người.Vậy cho nên, dù phải đối phó với cái nghèo ở trong nước hay phải truân chuyên với đời sống đầy đủ ở đây, thì đối với những người con có ý thức, có hiểu biết cũng phải thấu nỗi khổ cực của cha mẹ mình, để không bao giờ là kẻ vong ân bội nghĩa. Ðời sống ở đâu cũng vậy, không được toàn hảo là điều Ðức Phật vẫn thường nhắc nhở chúng ta. Bất toại nguyện, khổ đau là trạng thái thường xuyên của cuộc đời.
Khi chiến tranh đi qua, cuộc chiến kết thúc vào năm 1975 và cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn còn diễm phúc song thân đầy đủ. Ðó là niềm hạnh phúc mà chúng tôi cảm nhận được, nên càng thấy xót xa cho những ai nếu chẳng may mất đi người cha hay người mẹ, và sẽ càng khổ đau hơn khi không còn cả cha lẫn mẹ.
Tình thương của người cha đối với các con cũng bao la, nồng nàn không khác gì người mẹ nhưng vì bản tánh nghiêm khắc, ít khi biểu lộ tình cảm, lại phải lo toan công việc xã hội nhiều hơn, nên không có thời gian gần gũi con cái. Nhưng đó là ở xã hội trước, khi người phụ nữ còn ở trong nhà để làm công việc nội trợ, nhưng bây giờ cả cha và mẹ đều đi làm, nên người cha cũng phải chia sẻ công việc với người mẹ rất nhiều. Tuy nhiên là người mẹ thì dù trong hoàn cảnh nào cũng vẫn là người gần gũi và gánh chịu những khổ cực với con cái nhiều nhất. Vì vậy mà từ xa xưa, không phải dưới chế độ mẫu hệ, nếu có người con nào làm nên việc lớn, được mọi người biết thì người ta thường nói đến người mẹ nhiều hơn. Chẳng hạn như ở Ấn Ðộ thời Ðức Phật còn tại thế có vua A Xà Thế trong Trường Bộ Kinh khi nói về Ông thường ghi là:
- A Xà Thế con bà Vi Ðề Hy.
Hoặc như tên Ngài Xá Lợi Phất theo nguyên ngữ có nghĩa là:
- Con bà Sari (Sariputta-Xá Lợi Tử).
Ở Trung Hoa cũng vậy, mẹ Ngài Mạnh Tử thường được gọi là bà Mạnh Mẫu. Bên phương Tây, tình mẹ cũng được đề cao vì người mẹ nào cũng vậy chỉ biết hy sinh, chia sẻ những khổ cực với con cái nhiều hơn. Nên đối với người cha có sự hiểu biết, vẫn thường nhắc nhở các con về công khó nhọc của người mẹ. Một đoạn văn trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng của một tác giả người Ý, ông Edmondo de Amicis đã viết thật cảm động:
...Trước mặt cô giáo sáng nay, con đã thiếu lễ độ với mẹ con. Việc như thế con không bao giờ được phạm lại nữa, En ri-cô của Bố ạ! Bố nhớ tới mẹ con cách đây mấy năm đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi của con, trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con đi... Hãy nghĩ đến đều nầy En-ri-cô con ạ! Trong đời con có thể sẽ trải qua những ngày thật buồn thảm, nhưng ngày buồn thảm nhất tất cả sẽ là ngày con mất mẹ con...
Khắp cả nhân loại từ Ðông sang Tây, từ ngàn xưa vạn cổ tình thương của mẹ bao giờ cũng là tình thương bất diệt, vô tận, vô biên. Nói sao cho hết lời bởi danh từ cũng chỉ là những danh từ hữu hạn vậy thôi, ngôn ngữ cũng có phần giới hạn của nó.
Là những người con Phật chúng ta cũng hiểu phụng dưỡng cha mẹ bằng phương tiện vật chất, làm cho cha mẹ được vui lòng, an ổn là điều chắc chắn phải làm, nhưng chưa đủ. Vì Ðức Phật dạy còn nổi trôi theo dòng sanh tử luân hồi, trong tam đồ lục đạo thì mỗi chúng sinh đều rất cần đến những quả phước như là những hành trang trong cuộc đời mà chúng ta có bổn phận phải tạo nhiều thiện nghiệp mới có thể kết thành những quả phước không phải chỉ cho chính mình mà còn để hồi hướng đến cha mẹ và những người thân thương của chúng ta. Nếu còn hiện tiền thì được an vui, hạnh phúc, nếu đã quá vãng thì bao nhiêu nghiệp chướng đều được tiêu trừ. Trong chúng ta những ai may mắn có cha mẹ và những người thân là những người thấm nhuần giáo lý Phật Ðà, biết sống đời sống hiền thiện thì là quả phúc vẹn toàn.
Trong Kinh điển kể lại rằng:
- Hai vị đại đệ tử của Ðức Phật là Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên, cả hai Ngài khi chưa xuất gia theo Phật đều thuộc dòng dõi qúy tộc Bà La Môn. Nhưng cho dù đã đắc Thánh quả các Ngài cũng không thể cảm hoá được mẹ mình để quy y Tam Bảo. Riêng Ngài Xá Lợi Phất cho đến khi Ngài gần nhập diệt mới độ được mẹ mình làm cho bà giác ngộ và quy ngưỡng đạo Phật. Còn theo Kinh điển Ðại Thừa thì mẹ Ngài Mục Kiền Liên cho đến khi mãn tuổi thọ, vẫn không biết kính tin Tam Bảo mà còn gây nhiều nghiệp ác, vì vậy Ngài Mục Kiền Liên phải nhờ đến oai lực chư Tăng mới cứu độ được mẹ Ngài ra khỏi khổ cảnh, để vãng sanh về cảnh giới an lạc. Cho nên một khi đã hiểu đạo Phật, đã tin vào nhân quả luân hồi thì chúng ta phải luôn luôn tâm niệm rằng ngày nào còn được sống trên thế gian, thì ngày ấy chỉ tạo những thiện nghiệp mà thôi.
Chúng tôi vẫn biết rằng diễm phúc còn cha và còn mẹ hôm nay rồi cũng sẽ theo định luật vô thường mà thay đổi, sẽ chẳng thể nào còn được mãi hoài như vậy. Một ngày nào đó cành hoa hồng trên ngực áo của chúng tôi cũng sẽ phai màu, bởi cuối cùng rồi tất cả cũng đều bị nhuộm tráng qua thời gian nghiệt ngã mà thôi. Nhưng với chúng tâi cho dù tình thương nghiêm khắc của cha hay tình cảm dịu dàng của mẹ, tất cả cũng đều cay đắng như nhau nếu một mai khi phải vĩnh viễn mất đi một trong hai người thân yêu ấy. Còn biết làm gì đây ngoài việc nguyện cầu ơn trên chư Phật, chư Thiên, thường gia hộ cho cha mẹ được dồi dào sức khoẻ, được an vui để cho chúng con mỗi ngày còn được nhìn thấy mẹ cha, được nhìn thấy những vị Trời vẫn còn hiển hiện vẹn toàn như câu ca dao:
- Mỗi năm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho Cha mẹ sống đời với con.
-- o0o --