Ðệ Tam Tổ Trúc Lâm
Nguyễn Mộng Khôi
--o0o--
 
- Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đóa hoa vàng chợt nở tung
                                    (Huyền Quang)
Nói đến Ðệ Tam Tổ Trúc Lâm là nói đến sư Huyền Quang. Khi chưa xuất gia, Huyền Quang tên là Lý Ðạo Tải, sinh năm 1254 tại làng Vạn Tại, lộ Bắc Giang, bây giờ là làng Vạn Ty tỉnh Hà Bắc.
Thuở nhỏ, nhà nghèo. Năm 18 đi hỏi vợ. Gia đình nhà gái nhận lễ vật, nhưng  sau lại từ hôn, chê rằng Ðạo Tải xấu trai. Sau đó cha mẹ chàng lại tìm cho con một đám khác, nhưng cuộc nhân duyên nầy cũng không thành, vì nhà gái chê là chú rể có tướng mạo kỳ dị, không có mả khoa bảng, không phải là người xứng đáng để nương tựa.
Cha Ðạo Tải, tuy không đỗ đạt, nhưng là người học rộng hiểu sâu. Ông rất thương yêu con, ông chỉ mong dạy cho con học hành để có chút công danh với đời. Ðạo Tải sau mấy lần thất bại về tình duyên, nên không còn nghĩ đến chuyện hôn nhân nữa, suốt ngày chỉ miệt mài với sách đèn. Nhờ sự chuyên cần và với trí thông minh sẳn có, năm 20 tuổi Ðạo Tải đậu thi Hương. Năm sau đậu luôn thủ khoa kỳ thi Hội, tức là Trạng Nguyên thời bấy giờ.
Nghe tin Ðạo Tải đậu trạng, mấy người phú hộ ở trong vùng bắn tin có con gái đến tuổi lấy chồng, kèm theo một gia tài đồ sộ. Một ông quan lớn ở kinh kỳ cũng mời quan tân khoa về thái ấp mình để xem mặt cô gái yêu, tuổi vừa đôi tám. Tiếp đó, Ðạo Tải vào kinh bái mạng để nhận chức, một viên nội giám đến gặp riêng và rỉ vào tai. Hoàng Hậu đang kén phò mã. Công chúa Liễu Nữ là cháu của vua An Sinh Vương đẹp như tiên. Thật là trai tài, gái sắc, xứng đôi vừa lứa đấy!. Thấy tình đời như vậy, ông than:
- Khó khăn thì chẳng ai nhìn,
Ðến khi đỗ trạng, tám nghìn nhân duyên.
Từ đấy ông nguyện suốt đời không lấy vợ. Trong 30 năm làm quan ở trong triều, được hưởng ơn vua, lộc nước. Có nhà cao, cửa rộng, có kẻ hầu người hạ, có đời sống vật chất đầy đủ, nhưng Ðạo Tải thường bảo với bạn bè:
- Làm quan thì được lên đảo Bồng (chỗ tiên ở). Ðắc đạo thì đến Phổ Ðà(chỗ Phật Quán Thế Âm). Ðảo trên nhân gian là bậc tiên. Cảnh giới Tây Thiên là cõi Phật. Sự giàu sang phú quí như lá vàng mùa Thu, mây trắng mùa Hạ, đâu nên quyến luyến!.
Ðã mấy lần ông xin từ quan để đi tu, nhưng lần nào cũng không được nhà vua chấp thuận, lấy cớ rằng quốc gia đang cần ông. Mãi đến năm 1305, lúc đó Ðạo Tải đã 51 tuổi mới được vua Anh Tôn cho phép dời hoạn lộ. Thế là bây giờ ông được thảnh thơi, không còn bị ràng buộc với công danh, phú quí nữa. Ông liền quy y Tam Bảo với Sư Bảo Pháp ở chùa Vũ Ninh.
Năm 1306, nhân một lễ hội lớn, Sư Bảo Pháp cho ông đi theo. Ở lễ hội nầy Ðạo Tải gặp lại vua Trần Nhân Tôn, lúc đó vua đã xuất gia và là đương kim sơ tổ Trúc Lâm, bấy giờ Ðạo Tải hơn vua 4 tuổi, nhưng kém vua 4 hạ.
Khi Ðạo Tải mới làm quan trong triều là lúc Nhân Tôn đang trị vì thiên hạ. Nay gặp lại nhau trong hình thái Tăng Sĩ. Trúc Lâm rất mừng vì biết Ðạo Tải là một văn tài, người đã từng phụng mệnh nhà vua tiếp sứ giả phương Bắc. Sứ giả đã kính phục vì ông thông thạo thư tịch, trích dẫn kinh nghĩa, ứng đối mau lẹ.
Trúc Lâm liền nói với Bảo Pháp để Ðạo Tải làm phụ tá cho Ngài; rồi ban pháp danh là Huyền Quang cho Ðạo Tải. Từ đó Huyền Quang tùy tùng Trúc Lâm trong cuộc sống hành đạo. Nhưng Huyền Quang chỉ được đi theo học đạo và phụ tá cho Trúc Lâm được 2 năm thì Trúc Lâm tịch. Trong 2 năm đó, Trúc Lâm đã nhờ Huyền Quang soạn những sách thực dụng sau đây để lưu hành trong giáo hội Trúc Lâm:
1- Chư Phẩm Kinh: tuyển tập của những Phẩm Kinh thiết yếu và thực dụng..
2- Công Văn Tập: Tuyển những bài văn, sớ điệp dùng trong các nghi lễ Phật giáo.
3- Thích Khoa Giáo: Tập sách Giáo Khoa về đạo Phật.
Tổ Gia Thực Lục chép rằng Trúc Lâm rất bằng lòng với công việc sáng tác của Huyền Quang. Khi đọc xong bản thảo  Thích Khoa Giáo, vua ngự phê bút như sau:< Phàm sách qua tay Huyền Quang biên soạn, hiệu khảo rồi không thể thêm hay bớt được chữ nào nữa.> Trúc Lâm liền bảo thợ cho khắc in những sách cấy. Các sách nầy được đưa vào đại tạng đời Trần. Huyền Quang cũng được  Trúc Lâm cho vân du khắp nước, thăm các danh lam  và thỉnh thoảng đăng đàn thuyết pháp. Có lần Huyền Quang được Trúc Lâm cho ngồi trên pháp tòa làm bằng trầm hương của Ngài để giảng Kinh.
Sau đó Huyền Quang được lập làm trú trì chùa Vân Yên núi Yên Tử. Mến phục tài đức của ông, tăng ni theo về học đạo có tới ngàn người. Chính trong thời gian đó Huyền Quang sáng tác bài phú vịnh Vân Yên Tự.
Sách Tổ Gia Thực Lục cũng dành ra nhiều trang để kể chuyện hàm oan của Huyền Quang với một người cung nữ tên là Ðiểm Bích. Một hôm vua Minh Tôn nói với các quan trong triều là Ngài tỏ vẻ thán phục cuộc đời đạo đức của Thiền Sư Huyền Quang. Nhưng nho thần Mạc Ðĩnh Chi(đậu Trạng Nguyên khoa Giáp Thìn, 1304), vốn ganh tài với Huyền Quang đứng lên tâu:
- Vẽ cọp thì vẽ da làm sao biết tới xương được, biết người thì chỉ biết bề ngoài, làm sao biết được trong tâm. in bệ hạ cho thí nghiệm.
Vua Minh Tôn liền sai cung phi Ðiểm Bích, hiệu là Tam Nương đi điều tra xem Huyền Quang có xứng đáng với tác phong, đạo đức để sẽ đứng đầu môn phái Trúc Lâm sau nầy.
Cung Phi Ðiểm Bích là người có nhan sắc. Khi chưa được tuyển chọn vào cung, nàng là người đẹp của Thăng Long.
Trước Khi người cung phi lên đường, nhà vua căn dặn:
- Vị Tăng kia vốn giới hạnh cao nghiêm, chưa từng có ý sắc dục. Nhà ngươi có nhan sắc, biết kinh sử, hãy đến tìm hiểu cho Trẫm. Nếu quả vị ấy còn quyến luyến tình dục thì ngươi hãy dụ mà xin cho được kim tử mà xưa kia Thượng Hoàng đã tặng cho, đem về cho ta.
Bích cải trang như một thôn nữ, lạy tạ vua rồi ra đi. Ðến chùa Vân Yên, gặp một vị ni sư già, Bích nói là muốn xuất gia học đạo. Vị ni sư chấp nhận cho ở lại tập sự và để sai bảo, trà nước sớm khuya.
Một hôm Huyền Quang thấy dung mạo Ðiểm Bích, biết không phải người có chủ tâm đi học đạo bèn gọi vị ni sư lên quở. Bích thấy thiền sư giới hạnh nghiêm mật, khó dùng sắc đẹp để chinh phục, liền nẩy sinh một kế: Ðêm ấy Ðiểm Bích khóc với ni sư, nói rằng mình là con nhà thi lễ, khoa bảng, vì cha thâu thuế xong bị kẻ cướp đoạt hết tiền. Ông không đủ tiền để đền nên sẽ bị triều đình làm tội. Nếu đến kỳ hạn mà không đủ tài khoản nầy, thì không những ông ta bị tội mà cả vợ con cũng bị liên lụy và điền sản bị tịch thâu. Ni sư nói lại trong đại chúng, ai cũng thương tình. Huyền Quang hứa sẽ về Thăng Long để điều trần và xin tội cho cha Ðiểm Bích, nhưng có một chú tiểu can ngăn thiền sư:
- Pháp luật là pháp luật. Ðể mất của công thì phải đền, ta không nên vị tình riêng mà can thiệp. Như vậy pháp luật còn có nghĩa gì. Tốt hơn là chùa ta nên quyên tiền để giúp Ðiểm Bích.
Huyền Quang cho là phải, bèn kêu gọi Phật tử tự nguyện đóng góp. Ðích thân thiền sư giúp đỡ bằng cách đem kim tử của vua ban ngày trước cho Ðiểm Bích để bán lấy tiền cứu cha.
Ðược kim tử, Bích trở về cung, sắp đặt lại câu chuyện rồi tâu vua:
- Thiếp đến Vân Yên Tự, giả làm người xuất gia, một tháng trôi qua mà Huyền Quang chưa từng nhìn hỏi thiếp. Một đêm kia sư lên chánh điện tụng kinh đến canh ba, sư và đại chúng, mỗi người trở về tăng phòng để nghỉ ngơi, thiếp mới tìm tới tăng phòng của sư mà tạ từ sư để mang tiền về cứu cha. Sư lưu thiếp ngủ một đêm... rồi tặng thiếp kim tử.
Vua nghe chuyện xong, lòng buồn rượi. Hôm sau ngài đem chuyện nầy nói lại với vài cận thần tâm phúc. Một vị bàn nhà vua nên mở đại hội Vô Già( Vô Già Hội là một lễ hội trọng đại ở Ấn Ðộ có từ thời Ðức Phật để bố thí và giảng pháp cho đại chúng, thường tổ chức ở giữa cánh đồng); rồi mời Huyền Quang đến làm chủ lễ để xem uy lực của sư ra sao; vì nếu sư không giữ được chay giới thì pháp thuật sẽ không còn.
Ngày đại hội, vua cho đặt trên bàn cúng đủ loại: Lục phẩm, ngũ cúng, cà sa, pháp y và cả những tạp vật như vàng, bạc, châu báu, đồ ăn mặn...
Ðược chỉ định làm chủ lễ hội Vô Già, Huyền Quang biết mình bị hàm oan và bị vua nghi ngờ. Tới đàn, sư thầm khấn:
- Kẻ tu hành nầy, nếu có điều gì bất chánh, xin chư Phật cho đọa xuống A Tỳ địa ngục, còn nếu không thì xin cho những tạp vật kia biến hết đi!
Sau đó, sư dụng pháp Mật Tông. Huyền Quang ngửa mặt lên trời thổi một hơi, rồi đi lên đàn ba lượt, xuống đàn ba lượt, vọng bái thánh hiền mười phương, tay trái cầm bình bạch ngọc, tay phải cầm cành dương xanh, mật niệm thần chú rưới khắp pháp điện. Ðại chúng từ nhà vua đến bần dân đều kính cẩn nhìn sư hành lễ. Không biết do sự nhiệm mầu nào của mật chú hay một sực ngẫu duyên của khí tượng; bỗng một đám mây đen từ đâu kéo tới rồi tiếp theo là những cơn lốc, bụi bay mù mịt. Một lát trời sáng thì những thứ tạp vật trên pháp điện bị gió cuốn bay đi, chỉ còn lại hương đèn và lục cúng nằm nghiêng ngã trên bàn. Mọi người thất sắc kinh hồn.
Vua thấy hạnh pháp của sư thấu cả thiên địa, liền rời chỗ ngồi, lạy xuống để tạ tội.
Hôm sau thiết triều, nhà vua sai quan đề hình xét lại vụ Ðiểm Bích. Quan đề hình cho mời vị ni sư già và chú tiểu chùa Vân Yên xuống Thăng Long để đối chất. Biết câu chuyện bịa đặt bị lộ, Ðiểm Bích thú nhận là đã vu oan cho Huyền Quang. Thị Bích bị đình thần ghép vào tội khi quân(lese majesty) phải chém đầu. Nhưng được Huyền Quang xin tha cho. Tuy nhà vua tha cho tội chết, nhưng ngài giáng chức cung phi của Ðiểm Bích làm kẻ nô bộc để quét chùa trong dinh Cảnh Linh ở nội điện.
Những năm sau cùng của cuộc đời, Huyền Quang không ở chùa Vân Yên nữa mà tới Côn Sơn Tự.
Huyền Quang không phải là một người thuộc mẫu hành động như Trúc Lâm và Pháp Loa. Sư ít đi giảng diễn trong quần chúng mà chỉ dạy học trong các tu viện cho giới Tăng sĩ.
Ở Côn Sơn là chỗ thanh vắng, sư thấy khoẻ hơn mà ít bận tâm với đời. Côn Sơn có nhiều hoa mai. Ngắt cành mai, không phải để chưng cho đẹp mắt mà để quán chiếu lẽ sinh diệt, sự tàn hoại của vạn pháp,
- Ngửa mặt trời xanh hỏi lý do
Hiên ngang trong núi mọc thành hoa
Bẻ về, không để chưng vừa mắt
Chỉ mượn sầu Xuân đỡ bệnh già
Nguyên văn là:
- Dục hướng thương hương vấn sở tùng
Lẫm nhiên cô trị tuyết sơn trung
Chiết lai bất vị già thanh nhãn
Nguyện tá xuân tư ủy bệnh ông.
Sư cũng rất thích hoa cúc. Ngồi thiền xong, sư ngắm hoa cúc cho tới khi thấy người ngắm hoa và hoa, hai thứ hồn nhiên là một.
- Người ở trên lầu, hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm, khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đóa hoa vàng chợt nở tung.
Ðóa cúc vàng chợt nở tung như cái giáo lý Vô Biệ, giáo lý Vạn Pháp Nhất Như của nhà Phật chợt loé trong tâm tư.
Nhiều lần, sư dẫn tiểu đồng vào núi, mang theo một ống sáo. Sư ngâm thơ, làm thơ, thổi sáo, tụng kinh, tham thiền, dạy chú tiểu học. Sư lúc bấy giờ là một tăng thống, lãnh đạo một giáo hội, chỉ có thể thổi sáo được trong rừng núi. Ngoài chú tiểu ra thì chẳng ai biết mà chê cười:
- Củi hết lo còn vương khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình.
Nguyên văn:
- Ôi dư cốt đốt độc hoàng hương
Khẩu đáp sơn đồng vấn đoán chương
Thu bả xuy thương hòa mộc đạc
Tùng giao nhân tiếu lão tăng mang.
Huyền Quang giỏi Phật học, nhưng thơ của sư bình dị, ít nặng về danh từ Phật giáo. Tuy vậy tính cách đạt ngộ thanh thoát vẫn bàng bạc trong thơ của sư.
-- o0o --