Con Ðường Trung Ðạo
Nam Phương
--o0o--
 
Một nhận thức thật tuyệt vời, một chứng ngộ có một không hai trong lịch sử nhân loại. Một sự vượt thắng trên 62 học thuyết ngoại đạo hiện có tại Ấn Ðộ thời bấy giờ. Ðó là sự thành công vĩ đại của Thái Tử Tất Ðạt Ta khi quyết định về một lối sống để dẫn tới sự giác ngộ hoàn toàn chân lý, mang lại lợi ích cho cả chư thiên và nhân loại. Lối sống ấy chính là con đường Trung Ðạo.
Sau một thời gian dài sống trong cung vàng điện ngọc, vật chất xa hoa, với một đời sống vô cùng hoàn hảo mà tất cả con người sinh ra trên thế gian đều khát khao mơ ước. Vậy mà từ trong tâm thức của Thái Tử Tất Ðạt Ta, người con trai của vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Gia trị vì vương quốc Ca Tỳ La Vệ lại cảm thấy nhàm chán mọi thứ đang có chung quanh. Ðể rồi trong một đêm dài tĩnh lặng, Thái Tử đã quyết định quay lưng, bỏ lại tất cả đằng sau để ra đi với một tâm hồn thật nhẹ nhàng, thư thái. Dưới bầu trời đêm trăng sao lấp lánh, giữa không khí trong lành và sảng khoái với đời sống tự do không vướng bận. Thế nhưng thật sự đó chỉ là cái cảm giác nhẹ nhàng, thư thái một cách ngắn ngủi khi trút bỏ được gánh nặng vật chết thế gian mà thôi.
Giờ đây trước mặc Ngài, đêm đen vẫn còn dày đặc, sông nước mênh mông, núi rừng trùng điệp. Biết đi đâu, về đâu khi đang đối diện với một thực tại quá rõ ràng. Rồi sáng mai đây khi bình minh trở lại, nhìn chung quanh không có một cận thần, không cha mẹ, người thân, thậm chí trong tay cũng không có lấy một nắm lương khô. Trong hoàn cảnh như vậy với một người bình thường chắc đã thối chí, ngã lòng. Nhưng quả thật Ngài là một con người phi thường, một con người không giống như mọi người bởi vì Ngài có một ý chí, một hoài bão và một sự tinh tấn vô song. Chính nhờ vậy mà khi một ngày thật sự quá mới đối với Ngài bắt đầu, thì cũng là lúc Ngài bắt đầu lần bước đi tìm thầy học đạo.
Chúng ta biết rằng Ấn Ðộ là một xã hội có nhiều giai cấp, một đất nước đông dân với nhiều khó khăn thiếu thốn, lại thêm khí hậu nghiệt ngã, mùa nóng thì cực nóng, mùa lạnh thì cực lạnh. Có những mùa nóng đến độ người ta phải quấn thêm vải vào người để ngăn ngừa sức nóng có thể làm cháy phỏng da. 
Tuy vậy, nhưng chính nơi đây lại là nơi phát sinh rất nhiều học thuyết. Bởi lẽ đời sống con người bao giờ cũng có hai phần, tinh thần và vật chất, mà đời sống tinh thần và đời sống vật chất luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau. Ở nơi đâu có đời sống khổ đau, thiếu thốn thì nơi ấy càng có nhiều triết gia với những triết thuyết ra đời. Ngược lại với đời sống khoa học phát triển, vật chất dư thừa thì hầu như đời sống tinh thần thường bị lãng quên. Ðiều đáng nói ở đây là điểm khác lạ nơi con người Thái Tử Sỉ Ðạt Ta, dù sống trong cảnh đời vương giả, nhung lụa xa hoa, nhưng Ngài lại khước từ để nghiêng hẳn về đời sống tâm linh.
Ðầu tiên là Ngài tìm đến thọ giáo với vị đạo sĩ Alàràma Kàlàma nổi tiếng. Rồi đến vị đạo sư trứ danh khác tên Udddka Ràmaputta. Nhưng rồi không bao lâu tất cả điều mà các vị thầy cho rằng họ đà chứng đạt đến mức cao nhất trong các tầng thiền đó là cảnh giới vô sở hữu xứ thiên hoặc cõi vô sắc, cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng  thì chính Thái Tử cũng đạt đến như họ. Vì vậy mặc dù rất kính trọng những vị đạo sĩ nổi danh, Thái Tử cũng đành từ giã các vị ấy để ra đi bởi vì những điều họ chỉ dạy chưa thỏa mãn tận cùng sự hiểu biết của Thái Tử, cũng không dẫn đến chân lý tuyệt diệu, rốt ráo để có thể nương tựa đời sống tâm linh.
Ngài cảm thấy thất vọng khi phải nương nhờ nơi kẻ khác, những giáo điều, những học thuyết vẫn không tìm ra được sự giác ngộ đích thực. Thuở ấy tại Ấn Ðộ có rất nhiều tôn giáo với nhiều đức tin khác nhau mà họ cho rằng đó là chân lý như đạo thờ Thần lửa, đạo lõa thể ... Những học thuyết lý luận, thường kiến, đoạn kiến ... hoặc tin tưởng sự ghép mình vào đời sống khắt khe, khổ hạnh có thể đem lại sự giải thoát. Thái Tử cũng có suy nghĩ như họ sau khi đã nương tựa nơi người khác mà không mang lại điều mong muốn. Vì vậy lần nầy Ngài một mình đi vào rừng sâu để tự mình sống cuộc đời kham nhẫn, ép xác với hy vọng sẽ chứng đạt đạo quả.
Một thời gian khá dài trong rừng khổ hạnh Ngài đã chịu đựng tất cả, không những nhịn đói, nhịn khát mà còn nhịn cả thở. Ngài cố gắng chế ngự thân cho tâm linh được  sáng suốt, thanh tịnh để có thể tìm ra sự chứng ngộ. Trong bài Kinh Mahà Saccaka Sutta nói rất rõ về sức chịu đựng phi thường của Thái Tử. Khi Ngài nhịn thở thì hơi bị dồn nén đưa lên đầu nhức buốt như dùng mũi khoan nhọn khoan vào đầu. Lúc nhịn ăn, nhịn uống thì cơ thể mòn mỏi, xác xơ như trái mướp đắng phơi khô. Muốn rờ vào xương sống thì chạm phải da bụng. Rồi mặc dù xác thân mệt mỏi, gầy còm nhưng tâm trí Ngài vẫn luôn luôn sáng suốt, kiên trì, chịu đựng cho đến một ngày dòng máu trong cơ thể Ngài dường như bắt đầu khô cạn, làn da xanh dương đậm, xám đen. Người ta nghĩ rằng Thái Tử Sĩ Ðạt Ta đã chết hay đang chết dần. Bao sinh lực, sự tráng kiện, đẹp đẽ của một thời thái tử đã tiêu mòn hết bởi vì một khi Ngài chọn lựa đường tu khổ hạnh thì không ai khổ hạnh được như Ngài. Lúc nầy đây với một thể xác tiều tụy, hơi thở thoi thớp Ngài còn phải tự chiến đấu để tâm thức tồn tại. Rồi khi đi đến tận cùng của sự sống Ngài bắt gặp cái chết hiển hiện trước mặt; Ngài dừng lại và chứng nghiệm ra rằng con đường này chẳng dẫn được đến đâu khi càng ức chế cơ thể bao nhiêu chỉ làm cho xác thân tàn tạ, đớn đau mà tâm thức càng mệt mỏi, rã rời. Ngài quyết định từ bỏ con đường khổ hạnh sau 6 năm dài theo đuổi. Ngài nhận thấy rõ một điều chắc chắn tất cả mọi cực đoan, thái quá về cả tinh thần lẫn vật chất đều không tránh khỏi khổ đau vì con người chỉ loanh quanh, lẩn quẩn với tâm thức bị trói buộc, với những phiền nãọ bất an.
            Ðến đây, chúng ta càng thấy khâm phục hơn con người của Thái Tử với một ý chí sắt đá, một sự tinh tấn vượt bực. Ngài đã trải qua thời gian học hỏi với các vị đạo sĩ lừng danh, đã chịu đựng sống đời khổ hạnh, ép xác đến mức cực đoan, tuyệt đối, đã dấn thân, đã chiến đấu với bao gian nan thử thách, để tự mình chứng thực mọi điều vẫn không tìm ra được ánh sáng của chân lý. Nhưng Ngài lại tìm thấy con đường dẫn đến chân lý. Một con đường sống không cực  đoan, không quá độ nên cho dù cánh cửa hoàng cung vẫn luôn luôn mở ngỏ, một đời sống xa hoa, nhung lụa vẫn đang chờ đón Ngài, nhưng Ngài vẫn không quay về với đời sống lợi dưỡng đó, và cũng không tiếp tục sống cuộc đời khổ hạnh. Quả thật một lối sống không quá lợi dưỡng cũng không quá gò ép xác thânlà một lối sống vô cùng toàn hảo để dẫn tới sự thành đạt.
            Ngài rời khỏi khu rừng khổ hạnh, tìm đến một dòng sông. Sau khi tắm rửa cho  tinh thần, thể xác được phục hồi, được thoải mái thì cũng vừa lúc ấy có một vị nữ thí chủ tên Sujata đến dâng cho Ngài một bát cơm sữa đề hồ. Dùng bữa cơm ấy xong (trong Kinh có nói đó là bữa cơm vô cùng phước báu trước khi Ngài trở thành bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác) Ngài trải cỏ xuống một gốc cây cổ thụ để làm toạ cụ và nguyện rằng:Dù máu ta có thể cạn, dù xương ta có thể mòn, nếu không chứng đạt đạo quả thì quyết không rời khỏi gốc cây nầy.
Thế rồi sau 49 ngày dêm tọa thiền, trầm tư mặc tưởng Ngài đã chiến thắng Ma vương. Ma vương ở đây chính là những cám dỗ, những vô minh, tham ái, Ngài đã chiến thắng, đã diệt tận mọi phiền não ái dục với một trí tuệ siêu phàm, Ngài thấu triệt tất cả vạn hữu thế gian để đạt đến quả vị Phật. Một quả vị mà Ngài đã đổi lấy trăm phần cam go mới đến được. Như vậy mỗi cuộc đời đều phải trả giá là lẽ hẳn nhiên không thể phủ nhận.
Giả sử rằng sau khi chịu đựng khổ hạnh đến mức tận cùng Ngài quay về với đời sống vương giả thì giờ đây nhiều lắm Ngài có được vài dòng lịch sử Ấn Ðộ nói về vị Ðại Hoàng đế  Siddhattha là cùng. Hoặc Ngài cứ tiếp tục đi theo con đường khổ hạnh thì cũng chỉ làm mồi cho tử thần mà thôi. Chính nhận thức từ bỏ mọi thái độ cực đoan thái quá đã dẫn tới thành công của Ngài là một nhận thức vô cùng sáng suốt.
Ðức Phật Thích Ca chỉ là một người nhưng là một con người có rất nhiều đức tính cao thượng mà chúng ta cần phải học hỏi nơi Ngài, Lòng biết ơn cũng là một trong nhiều tính tốt của Ngài. Vì vậy sau khi chứng đạt đạo quả Ngài nhận thấy giáo lý mà Ngài vừa chứng ngộ có thể làm vơi được khổ đau, mang lại hạnh phúc cho nhiều người, những ai muốn bước theo dấu chân của Ngài đều sẽ đến được bờ an lạc. Bấy giờ Ngài nghĩ đến hai vị thầy đầu tiên khi Ngài đến học đạo, thì được biết cả hai vị đều  đã qua đời. Lúc ấy Ngài lại quán sát và nhớ đến 5 anh em Kiều Trần Như, những người bạn đồng tu trong rừng khổ hạnh, đã lo lắng giúp đở, chia xẻ những khó khăn với Ngài trong suốt thời gian đi tìm chân lý bằng con đường kham nhẫn, ép xác. Ngài tìm đến với họ để chia xẻ cho họ những hạnh phúc vượt ra ngoài hạnh phúc tầm thường của thế gian mà Ngài vừa có được, trong khi họ vẫn còn miệt mài đi tìm kiếm vô định.
Bài pháp đầu tiên Ðức Phật giảng cho 5 anh em Kiều Trần Như nghe mà trong Kinh thường nói là vô cùng quan trọng, là cốt tủy của đạo Phật được gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân: Tứ Diệu Ðế. Quả thật vậy, thấy được sự khổ, biết được nguyên nhân sanh khổ, để tìm đến con đường dẫn đến sự diệt khổ là cứu cánh để có hạnh phúc, an lạc. Ðó là bài pháp tuyệt diệu, khai sáng trí tuệ, hé mở cánh cửa của Niết Bàn cho 5 vị Kiều Trần Như mà sau đó họ đã quy y theo Phật và trở thành 5 vị đệ tử đầu tiên trong tăng đoàn để bắt đầu đi gieo trồng những hạt giống bồ đề cho nhân loại.
            Giáo pháp mà Ðức Phật để lại cho đời không chỉ có vậy mà nhiều vô kể, nhưng lời nói đầu tiên có thể xem như một bài pháp cũng không kém phần quan trọng, đó là khi tìm đến 5 anh em Kiều trần Như, Ngài đã dùng những lời nói chân thật để thuyết phục 5 vị từ bỏ lối tu khổ hạnh, xa lìa đời sống cực đoan, thái quá để quay về với con đường trung đạo. Chính đây là điều tưởng như đơn giản nhưng đã làm xoay chuyển được tâm thức của 5 vị Kiều Trần Như để từ đó bánh xe pháp bắt đầu được chuyển vận.
Thật sự trong đời sống bình thường của mỗi con người, chúng ta nhận thấy rằng không phải con đường trung đạo chỉ giúp Thái Tử Sĩ Ðạt Ta đi đến chứng đạt đạo quả, mà chính chúng ta cũng phải dùng con đường trung đạo để đi giữa cuộc đời vì đây là con đường mang lại nhiều lợi ích. Trong Nho Giáo có nói đến thuyết Trung Dung của Ðức Khổng Tử cũng là một quan niệm, một thái độ sống không thái quá, không bất cập. Khi gặp thời, gặp thế thì ra làm quan giúp dân, giúp nước. Lúc chưa gặp thời hoặc lúc thời vận qua đi thì quay về sống cuộc đời an bần lạc đạo. Ðó là quan niệm xuất. xử trong Nho Giáo. Những bậc Thánh nhân vẫn thường sống và nhìn cuộc đời như vậy để an lạc tâm hồn. Dù trong cảnh nào cũng giữ được sự quân bình, đó là phương thức sống để có hạnh phúc. Trong đời sống khoa học hiện tại những ai biết sử dụng con đường trung đạo để giữ thăng bằng cho cả đời sống tinh thần cũng như đời sống vật chất không để đi đến chỗ cực đoan, thái quá sẽ tránh được nhiều hệ lụy thế gian.
Bài viết xong trong dịp Phật Ðản lần thứ 2626 và năm nay đặc biệt rằm tháng tư âm lịch lại đúng vào ngày chủ nhật vì vậy hầu hết các chùa đều đồng loạt cử hành Ðại Lễ Phật Ðản cùng một ngày. Ðó là niềm hân hoan chung của tất cả những người con Phật không phân biệt màu da, chủng tộc trên toàn thế giới. Tuy nhiên cho dù Phật Ðản, Vu Lan hay bất kỳ ngày lễ vía nào trong năm về Ngài cũng chỉ là để nhắc nhở, để tưởng niệm vậy thôi vì thật sự trong tâm tư mỗi người Phật tử chúng ta vẫn luôn luôn khắc ghi ân đức của Ngài, sự thị hiện của Ngài trong thế gian cùng giáo pháp mà Ngài đã hy sinh, đã phải trả một cái giá quá đắt mới có thể đạt đến và lưu truyền cho nhân loại đến ngày hôm nay. Một phương lương dược để xoa dịu căn bệnh trầm kha sanh tử luân hồi với những phương thức mang lại một đời sống an vui hạnh phúc cho chúng sanh. Có không biết bao nhiêu những lời nói cao đẹp để tôn kính, để tán dương Ngài như Thi Sĩ Tagore đã viết:
- Ngài là bậc vĩ nhân cao quý nhất trên thế gian.
Một triết gia người Ðan Mạch-ông Fausholl cũng có những lời tán dương Ðức Phật như sau:
- Càng hiểu biết Ngài tôi càng quý mến Ngài, càng quý mến Ngài tôi càng hiểu biết Ngài.
Quả đúng như vậy vì có thật sự hiểu Ngài chúng ta mới càng thấy tôn kính và quý mến Ngài và chỉ có hiểu Ngài chúng ta mới có thể thực hành giáo pháp của Ngài một cách chân chánh được như Ðức Phật vẫn thường nhắc nhở hàng đệ tử rằng:
- Những ai sống trong giáo pháp của Như Lai mà thực hành trọn vẹn giáo pháp, gọi là ở bên cạnh Như Lai. Còn những ai dù sống bên cạnh Như Lai, nắm lấy chéo y của Như Lai mà không thực hành đúng giáo pháp thì cũng như xa Như Lai ngàn dặm.
-- o0o --