Gia Tài Của Chúng Ta
Thông Trí ghi
--o0o--
 
Chúng ta sống trên cõi đời nầy, dù là trong một quốc gia nghèo đói hay giàu mạnh, mỗi con người của chúng ta đều có những vật sở hữu riêng tư. Cho dù là lớn hay nhỏ ai cũng nghỉ rằng là của mình, vì do mình tạo ra, để rồi chúng ta bám víu vào đó xây dựng bản ngã, cuối cùng tất cả đều bị lôi cuốn vào vòng lẩn quẩn, tranh chấp, thù hận....
Ðây là bản chất cố hữu của con người. Tuy nhiên đứng trên phương diện quán chiếu, như trong kinh Bát Ðại Nhân Giác Ðức Phật đã từng dạy:
- Thế gian vô thường
Quốc độ nguy thúy
Tứ Ðại khổ không
Ngũ ấm vô ngã
Sanh diệt biến dị
Hư nguỵ vô chủ
Tâm thị ác nguyên
Hình vi tội tẩu
Như thị quán sát
Tiệm ly sanh tử
Nghĩa là:
- Thế gian không thường
Cõi nước tạm bợ
Thân tứ đại là khổ, là không
Thân năm ấm không có thật
Luôn luôn đổi dời sanh diệt
Nó không có chủ
Là hư, là ngụy
Quán sát như thế
Lần lần được xa lìa sanh tử luân hồi.
Qua tinh thần đoạn kinh nầy, một người nào đó có cái nhìn, cái thấy, biết, tất cả sự vật trên thế gian nầy đều vô thường thì người đó có cái nhìn đúng theo tinh thần giác ngộ. Cái nhìn đó gọi là chánh kiến. Với cái nhìn của sự Giác ngộ hay chánh kiến chúng ta biết rõ:
- Nhà cửa, xe cộ, ..v...v...
Tất cả những thứ nầy không phải là của chúng ta, không phải là gia tài của chúng ta. Nếu có phải nói là của chúng ta, hay gia tài của chúng ta, thì Nghiệp chính là gia tài của chúng ta.
            Thật sự là như vậy, Chánh Kiến đầu tiên là cái nhìn chân chánh biết rõ nghiệp là tài sản của chúng ta. Nghiệp tức là hành động lương thiện hay không lương thiện. Nhiều người nghĩ rằng họ có quyền sở hữu hay có thể kiểm soát được cái tài sản vật chất. Ðó là một quan niệm sai lầm mang đầy ảo tưởng hão huyền, bởi vì mọi vật trên thế gian nầy đều vô thường, không bền vững và bị hủy hoại. Vì mọi vật thoát khỏi quyền kiểm soát của con người, nên chúng ta không thể làm chủ được chúng. Chỉ có Nghiệp là sở hữu độc nhất mà chúng ta có thể xử dụng. Phải luôn luôn nhớ rằng mọi hành động tốt hay xấu mà chúng ta làm đều theo ta suốt hành trình luân hồi trong Tam Giới để trả quả, hoặc là hưởng phước lạc tương ứng. Nghiệp có hiệu quả trực tiếp trên tâm khiến cho ta vui hay buồn tùy theo nghiệp tốt hay xấu mà chúng ta tạo ra. Nghiệp cũng có hiệu quả lâu dài. Nghiệp không lương thiện dẫn chúng ta tái sanh vào các cảnh khổ, và nghiệp lương thiện giúp chúng ta sinh vào cõi an vui. Và nghiệp lương thiện cao nhất sẽ đưa chúng ta ra khỏi vòng luân hồi.
            Khi thấy rõ được rằng đời sống nầy do nghiệp điều động sẽ giúp chúng ta chọn cho mình một lối sống thích đáng, và tự vạch cho mình một hướng đi. Cái thấy chân chánh, sẽ thấy rõ nghiệp là tài sản duy nhất của chúng ta được gọi là ánh sáng thế gian, bởi vì nhờ nó chúng ta thấy và đánh giá được những gì chúng ta lựa chọn. Cái thấy chân chánh về nghiệp chẳng khác nào như một phi trường Seattle, hoặc là những phi trường lớn khác trong nuớc Mỹ. Nơi đó máy bay có thể tạm ngừng để cho hành khách chuyển máy bay để đi qua nhiều tiểu bang khác trên nước Mỹ. Chúng ta cũng như mọi chúng sanh khác đều mong muốn hạnh phúc, sự hiểu biết về nghiệp sẽ giúp cho ta có nhiệt tâm trong việc phát triển những việc thiện và lánh xa các việc ác. Nhờ thế chúng ta được hưởng an vui hạnh phúc và tránh những tai hại sau nầy.
            Thực hành bố thí và trì giới là tạo cơ hội cho mình tái sanh vào nơi có những điều kiện và hoàn cảnh tốt. Những nghiệp lương thiện quý giá nầy sẽ giúp chúng ta đi trên đường tiến đến Niết Bàn.
            Một người nào đó, khi có cái nhìn chân chánh biết rõ Nghiệp là tài sản của chúng ta, thì chúng ta gắng công tu tập, thực hành theo giáo pháp của Phật. Việc tu tập nầy chắc chắn có lợi ích, trước mắt giúp chúng ta đạt được sự yên tịnh, an lạc và thảnh thơi.
Cái nhìn chân chánh nầy có liên quan đến các kiến thức phát sinh liên hệ đến quá trình tu tập của chúng ta. Có ba lợi ích.
Lợi ích thứ nhất là:
            - Trước lúc chết nếu tâm có đủ sức mạnh để tâm của mình được thảnh thơi trong nghiệp lương thiện thì chúng ta có thể tái sanh vào cõi phạm thiên và có thể sống một đời sống rất lâu dài, nhiều kiếp và nhiều chu kỳ của trái đất.
            Lợi Ích Thứ Hai:
            - Là có thể dùng các điều kiện an trú trong lạc pháp là căn bản để khai triển việc tu tập, tụng kinh thiền toạ.
Lợi ích thứ ba
- Là có thể dùng các điều kiện an trú trong lạc pháp để khai triển nguồn năng lực nội tại, dọn đường cho Tuệ Giác Tối Hậu, đó là giác ngộ hoàn toàn.
Chúng ta để hết thời gian và tận tâm khai triển cái nhìn chân chánh bên trong chúng ta. Ðó là cái nhìn chân chánh trong việc lựa chọn hướng đi. Cái nhìn chân chánh nầy phát sinh nhờ ở việc thực hành. Khi có giới luật trong sạch và có Tinh Tấn, có Chánh Niệm thì trí tuệ sẽ phát triển một cách tự nhiên. Một điều quan trọng cần nhớ là Cái nhìn chân chánh không phải là một quan niệm, mà cái nhìn chân chánh là một loại trí tuệ trực giác do sự thấy rõ một cách trực tiếp bản chất của sự vật.
Ðiều nầy không khác gì như một chiếc máy bay muốn bay từ nơi nầy đến một nơi nào đó thì cần phải có sự chuẩn bị trước. Trước tiên là các nhân viên lao công phải chuẩn bị xăng nhớt, thực phẩm cần thiết cho khách hàng. Kế đến là nhân viên an ninh phải kiểm soát, xem xét và dự phòng những cách giải quyết trong nhiều tình huống khẩn cấp. Chẳng hạn phải xử dụng đến các phương tiện cần thiết để phòng vệ những biến cố có thể xảy ra, xem xét coi có chất nổ hay không. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, thì chiếc máy bay mới có quyền cất cánh.
Cũng như vậy, trong Tám Chánh Ðạo, Chánh Kiến giống như những cơ quan an ninh. Trí tuệ thấy rõ vô thường, khổ, vô ngã có nhiệm vụ như những cảnh sát loại bỏ mọi sự dính mắc trên đường đạo. Những dính mắc nầy là những tà kiến, lý thuyết, quan niệm sai lầm. Khi đường đạo đã được khai thông, và sửa soạn chu đáo, lúc bấy giờ cái nhìn chân chánh của Tám Chánh Ðạo sẽ xuất hiện và nhổ gốc rễ phiền não một cách dễ dàng.
Trên đường đạt tới thánh đạo, tâm của chúng ta cứ mỗi tầng trí được phát triển, là chúng ta có thể loại bỏ một phần tà kiến hay quan điểm sai lầm về bản chất của sự vật.
Tuệ giác đầu tiên có được trong lúc chúng ta tu tập có thể xuyên thấu vào bản chất thật sự của các hiện tượng danh sắc, và lọai trí tuệ nầy cho chúng ta thấy rõ danh sắc là hai phần riêng biệt và đời sống của con người không thể nào vượt thoát ra ngoài dòng lưu chuyển không ngừng của hai hiện tượng nầy. Vào giai đoạn nầy chúng ta có thể loại bỏ, quét sạch, khai thông cái nhìn sai lầm. Cái nhìn sai lầm trước đây là lấy cái giả mà chúng ta lấy làm cái thật, cái không có mà chúng ta cho là có, chẳng hạn như quan niệm rằng mọi vật đều truờng tồn vĩnh cửu và có một cái bản ngã bất diệt.
Tuệ giác thứ hai là hiểu rỏ nhân quả, loại bỏ sự nghi ngờ, như trước đây phân vân không biết sự vật có phải ngẫu nhiên xảy ra hay không, thì nay chúng ta hiểu rõ ràng rằng không có cái gì sanh ra mà không có nguyên nhân. Thêm vào đó, chúng ta hiểu biết một cách rõ ràng trực tiếp rằng không có một sức mạnh bên ngoài nào là nhân của các hiện tượng, mà tất cả đều do chúng ta và tâm của chúng ta.
Tuệ giác thứ ba, là càng tu học, thực hành thiền quán thâm sâu, chúng ta càng thấy rõ đặc tính Vô Thường của các hiện tượng và hiểu biết rõ ràng bằng trực giác mọi chuyện đã xảy ra trong quá khứ, hay sẽ xảy ra trong tương lai cũng đều vô thường cả. Nhờ hiểu biết Vô Thường, chúng ta thấy rõ không có nơi nào vững chắc để chúng ta có thể nương tựa hay cậy nhờ, ngoài giáo lý của Ðức Phật. Nhận chân được điều nầy là chúng ta đã loại bỏ được tư tưởng sai lầm rằng:
- Bình an và ổn định có thể được tìm thấy trong các sự vật trên thế gian nầy.
Ở tầng mức trí tuệ nầy chúng ta cảm thấy từ trong đáy lòng mình một cách rõ ràng. Chúng ta biết rằng chúng ta đang bị đàn áp bởi các hiện tượng danh sắc, chuyển biến không ngừng và đây là một điều đau khổ lớn lao nhất của kiếp người. Tiếp theo, chúng ta sẽ nhận ra rằng không có ai có thể điều khiển, kiểm soát hay ngăn cách sự đến và đi của các sự vật trên thế gian nầy. Sự thấy biết nầy cho chúng ta biết là chúng ta đã có trực giác thấy rõ sự vật đều Vô Ngã.
Ba loại trí tuệ nầy là khởi đầu của cái nhìn chân chánh trong sự nghiệp tu học, liên quan đến Vô Thường, Khổ, Vô Ngã.
            Muốn cho cái nhìn chân chánh được liên tục, và có kết quả tốt, lẽ tất nhiên chúng ta phải chuẩn bị hành trang, chẳng khác nào như chiếc xe pháp bảo muốn đi một cách an toàn thì phải có một thân xe chắc chắn. Vào thời kỳ đức Phật xe được làm bằng gỗ hay những vật liệu rắn chắc khác để cung tên hay giáo mác không đâm thủng. Gần đây hơn các quốc gia tân tiến đã có những loại xe tân kỳ với những bộ phận rắn chắc để bảo vệ an toàn. Có những chiếc xe rất an toàn và đầy dủ tiện nghi. Ngồi trên xe không khác gì ngồi trong nhà. Ngồi trong xe đó có thể tránh được gió máy nóng lạnh, nắng nôi mưa tuyết. Cũng vậy khi một người quyết tâm tu hành có cái nhìn chân chánh, có chánh niệm liên tục thì sẽ không bị các loại phiền não tấn công. Chánh niệm là hành trang duy nhất để cho cái thấy chân chánh được liên tục, là tương tự như thân của chiếc xe vững chắc để bảo vệ an toàn cho hàng khách, là một thứ giáp sắt, mặc lọai giáp sắt chánh niệm nầy vào, sẽ giúp cho tâm chúng ta an ổn, thoải mái và mát mẻ. Bao lâu tâm còn được bảo vệ bởi chánh niệm thì phiền não không thể xâm nhập.
            Không một ai có thể đi trên chiếc xe Bát Chánh Ðạo mà không được bảo vệ bởi chánh niệm. Khi chiến xa xung trận, vỏ sắt của chiếc xe là yếu tố quan trọng bảo vệ chống lại mọi sự xâm nhập của kẻ thù. Trong khi tu tập có nghĩa là chúng ta đã chính thức tuyên chiến với các lực lượng: Vô minh, tham vọng, ái nhiễm... Chúng ta đã bước vào mặt chống lại phiền não, vốn các loại phiền não nầy đã đàn áp chúng ta từ lâu lắm rồi mà ta không còn nhớ rõ, bởi vậy chúng ta cần phải có một cái giáp sắt để bảo vệ. Giáp sắt đó chính là chánh niệm.
            Trong quân pháp có câu:
- Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng
Muốn thắng địch thì phải hiểu địch. Cũng vậy chúng ta thử tìm hiểu xem phiền não phát sinh như thế nào để tiêu diệt chúng. Phiền não phát sinh từ sáu cửa giác quan. Khi sáu cửa giác quan thiếu sự phòng ngự của chánh niệm, thì chúng ta sẽ là nạn nhân của tham ái, sân hận, si mê và đủ loại phiền não khác.
            Chẳng hạn, khi tiến trình của thấy xảy ra, lúc vật thấy tiếp xúc với mắt thì nhãn thức phát sinh:
- Nếu vật thấy là đẹp đẽ và chúng ta không chánh niệm thì tham ái sẽ phát sanh.
- Nếu vật thấy không đẹp cũng không xấu thì làn sóng si mê sẽ cuốn trôi bạn đi.
- Nếu vật thấy không vừa ý và chúng ta không chánh niệm thì sân hận sẽ phát sanh.
Khi có chánh niệm thì phiền não không thể xâm nhập vào luồng ý thức của chúng được. Khi ghi nhận Chánh niệm và các tiến trình của sự thấy thì tâm của chúng ta có cơ hội để hiểu rõ bản chất thật sự của những gì đang xảy ra.
            Lợi ích trực tiếp tức thời của chánh niệm là tâm được thanh tịnh, trong sáng, an bình và hạnh phúc. Chính vào thời điểm chánh niệm thì phiền não không có, do đó tâm thanh tịnh. Tâm không thể ghi nhận hai đối tượng cùng một lúc. Vì vậy khi tâm tinh tấn Chánh Niệm thì phiền não không thể hiện khởi. Tâm thanh tịnh trong sáng, an lạc có thể được dùng để quán chiếu sâu hơn vào bản chất của hiện tượng.
            Khi tâm phóng túng, không được kiểm soát thì những tâm không lương thiện thường xảy ra hơn những tâm lương thiện. Ðó chính là:
- Nhàn cư vi bất thiện.
Nghĩa là:
- Rảnh rổi quá thì thường làm những điều sai trái.
Một khi tâm không lương thiện sanh khởi thì dù cho ít hay nhiều, nặng hay nhẹ, thì cũng chính là lúc tâm tham lam, sân hận, si mê xâm nhập vào tâm chúng ta, nghiệp xấu bắt đầu xuất hiện. Nghiệp xấu nầy sẽ trả quả ngay trong kiếp hiện tại và cả kiếp vị lai. Tái sanh là hậu quả của nghiệp, mà có tái sanh thì phải có chết. Trong thời gian giữa sống và chết, chúng ta tạo nên nghiệp, cả nghiệp thiện lẫn nghiệp ác, khiến chúng ta phải luân hồi mãi mãi. Bởi vậy thất niệm giống như chiếc xe không có thân xe an toàn. Thất niệm là con đường dẫn đến sự chết. Thất niệm là nguyên nhân dẫn đến sự chết không những trong kiếp sống nầy và các kiếp sống trong tương lai.
            Cũng có thể nói chánh niệm giống như không khí trong lành luôn luôn cần thiết cho đời sống. Mọi người đều cần phải hít thở không khí trong lành. Nếu không có không khí trong lành hay phải sống trong bầu không khí ô nhiễm thì sớm muộn gì ta cũng bị bệnh và chết. Nếu cây cối, bông hoa không có ánh sáng mặt trời và không khí trong lành thì cây cối và bông hoa đó cũng không sống được. Tâm chúng ta cũng vậy,  nếu không có không khí trong lành của chánh niệm thì mạng sống sẽ bị héo úa, hơi thở khó khăn và tắt nghẽn bởi phiền não.
            Một người hít thở không khí ô nhiểm có thể bị bệnh cấp kỳ và phải chịu nhiều đau đớn khổ sở trước khi chết. Khi không chánh niệm chúng ta sẽ hít thở khí độc của phiền não và chúng ta sẽ chuốc lấy khổ đau.
- Nếu đối tượng làm cho hài lòng, thích thú hiện diện thì chúng ta sẽ bị tham ái dày xéo.
- Nếu đối tượng không làm ta hài lòng, thích thú thì ta sẽ bị sân hận thiêu đốt.
- Nếu đối tượng không làm tổn thương danh dự chúng ta thì hài lòng và kiêu mạn của chúng ta sẽ nổi dậy.
Phiền não có thể đến với dưới nhiều hình thái: Tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn, tật đố, ganh tỵ, bỏn xẻn ..v..v.. Phiền não nào tấn công cũng đều khiến chúng ta đau đớn khổ sở như nhau. Tâm thanh tịnh, hỷ lạc, an bình, hạnh phúc chỉ có khi nào mọi phiền não bị xua đuổi khỏi tâm ta.
            Một vài loại cây cỏ làm cho chúng ta bị dị ứng, ngứa ngày khó chịu, ô nhiễm của môi trường chung quanh khiến chúng ta bị chóng mặt, nhức đầu, xây xẩm, buồn nôn, rối loạn các bộ phận trong cơ thể. Một vài loại ô nhiễm trong không khí như khí độc làm cho chúng ta thiệt mạng. Phiền não cũng vậy. Một số có thể gây ra cho chúng ta những thương tổn nhẹ, một số có thể khiến ta chết. Một số người bị choáng váng hay xây xẩm bởi dục lạc của năm trần. Một số chết tức tưởi hay chết cấp kỳ bởi phiền não. Tham ái quá mạnh có thể làm chết người. Tham ái tích tụ nhiều năm có thể tạo ra nhiều chứng bệnh kinh niên hay cấp tính. Quá giận hay quá sợ cũng gây ra chết người. Ðó là trường hợp nạn nhân là những người bị đau tim. Phiền não cũng là nguyên nhân của nhiều bệnh tâm thần hay thần kinh.
            Thật ra, phiền não còn nguy hiểm hay tai hại hơn bầu không khí bị ô nhiểm nặng nề nhất. Một người bị chết vì hít thở không khí ô nhiễm thì chất độc chỉ nằm trong cơ thể người đó. Nhưng sự tàn dộc của phiền não có thể lan truyền đến kiếp sau, đó là chưa kể những ảnh hưởng gián tiếp của phiền não đối với người khác, như người Việt Nam thường nói:
- Giận cá chém thớt.
Ðó là sự thật, khi mà chúng ta đau khổ, buồn phiền, tâm lý con người cũng muốn mọi người cũng đau khổ, buồn phiền như chúng ta là chuyện thường xảy ra. Khi thu nhận phiền não vào tâm thì phiền não đem đến kết quả là nghiệp, và nghiệp nầy sẽ chín trong tương lai.
            Một người có Chánh Niệm liên tục thì tâm sẽ dần dần được rửa sạch giống như phổi của một người nghiện hút đã bỏ thuốc thì dần dần chất độc hay chất nhựa của thuốc lá trong phổi sẽ tan biến đi. Một con người có tâm trong sạch thì sẽ dễ dàng tập trung tâm ý và trí tuệ sẽ có cơ hội để hiện khởi. Tiến trình chữa lành bệnh phải bắt đầu bằng chánh niệm. Nhờ chánh niệm được phát triển mà chánh định trở nên thâm sâu hơn, chúng ta sẽ dần dần đạt các tuệ giác khả quan. Khi trí tuệ tiếp tục phát triển và chín mùi thì cuối cùng chúng ta sẽ giác ngộ Niết Bàn. Khi đó mọi phiền não đều được nhổ tận gốc rể. Niết Bàn không có ô nhiễm.
            Giá trị của chánh niệm chỉ có thể nhận biết được do chính chúng ta biết thực hành chánh niệm.
            Nói tóm lại, chúng ta đã biết, nhà cửa xe cộ, những phương tiện hiện tại chúng ta đang có, không phải là vật sở hữu của chúng ta, chúng ta chỉ tạm thời có để xử dụng, không phải thật là gia tài của chúng ta. Gia tài thật của chúng ta chính là nghiệp tốt, hay không tốt tất cả đều do chúng ta tạo ra. Vận mệnh tương lai của chúng ta ra sao tất cả đều do chính chúng ta quyết định. Ở đây chúng tôi lưu ý với đại chúng con người chúng ta không khác nào như chiếc xe hơi, dầu chiếc xe có đẹp, và chắc, an toàn đến đâu, nếu chúng ta không biết lái xe mà lại không có người tài xế thì cũng không thể đi đâu được. Cũng vậy, Ðức Phật giảng giải rằng cái nhìn chân chánh sẽ cung cấp cho chúng ta dồi dào sinh lực, cũng như chỉ hướng cho hành trình tâm linh của chúng ta. Có chánh kiến, chánh niệm đó là điều kiện tất yếu để chúng ta tạo sự nghiệp muôn đời trong hiện tại và những đời kiếp tương lai.
-- o0o --