Những Kỷ Nguyên Ðầu Của Ðạo Phật
Tác Giả: Daisaku Ikeda
Dịch Giả: Trần Ðức Phi Bằng
--o0o--
 
1- Sự Thành Lập Kinh Ðiển Phật Giáo
KẾT TẬP LẦN THỨ NHỨT
Trong tác phẩm trước, tôi đã bàn thảo về những sự cố xảy ra trong đời Ðức Thích Ca Mâu Ni. Giờ đây, tôi xin đề cập đến sự phát triển của Ðạo Phật trong giai đoạn tiếp theo. Ngay sau khi Ðức Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn, kinh điển cho chúng ta biết rằng những đệ tử của Ngài đã nhóm họp lại để xác định lại những lời dạy của Ngài. Chúng ta không thể biết một cách chính xác thời điểm Ðức Thích Ca nhập diệt, nhưng chúng ta có thể phỏng chừng là vào khoảng thế kỷ thứ năm, thứ sáu trước Tây lịch. Vì chúng ta làm việc với những sự cố đã xảy ra hơn hai ngàn năm về trước, chúng ta không có hy vọng biết rõ những sự cố nầy một cách chi tiết. Một nguồn tài liệu duy nhất là khảo cứu những mãnh tài liệu rời rạc trong các Kinh sách Phật giáo, đúc kết lại một cách ức đoán, cố gắng tạo dựng lại đoạn đường thành lập Kinh điển Phật Giáo.
Kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhứt, như danh xưng của những vị đệ tử Ðức Phật trong kỳ kết tập nầy gọi, xảy ra cùng trong năm Ðức Phật nhập diệt, ở mộtnơi tên là Saptaparna-guha hay động Bảy Lá trong vùng núi gần Vương Xá (Rajagaha), kinh đô của nước Ma Kiệt Ðà (Magadha). Kỳ Kết Tập nầy có khoảng năm trăm Tỳ Kheo tham dự vây quanh các Ngài Ma Ha Ca Diếp (Mahakashyapa), A Nan (Ananda), Ưu Ba Li (Upali), và một số các vị khác trong Mười Ðại Ðệ Tử của Ðức Phật vẫn còn tại thế. Chúng ta cũng được biết là A Xà Thế (Ajatashatru), vua của nước Ma Kiệt Ðà trợ giúp cho kỳ Kết tập nầy. Chỗ nầy vẫn còn tồn tại đến ngày nay, và những hình ảnh về địa điểm nầy cho chúng ta thấy là một ngọn đồi thoải đẹp với một hang động ở một bên, và khoảng mười bực đá để đi lên. Người ta có thể thấy một khoảng rộng bên trong, nơi những vị tham dự kỳ Kết Tập tụ tập và họ có thể tránh được mưa.
Một số học giả Phật Giáo Tây Phương đặt câu hỏi có phải chăng là kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhất có xảy ra thật sự? Tuy nhiên, những Kinh điển của Phật Giáo Theravada (Nguyên Thủy) và Ðại Thừa đều đề cập đến giới luật được thành lập với sự tập hợp của năm trăm vị, hoặc năm trăm vị đã sang định lại giới luật, chứng tỏ kỳ Kết Tập nầy, là có thật. Tuy nhiên, chúng ta có thể phủ nhận giá trị của những tài liệu trong Kinh điển. Trong trường hợp nầy, chúng ta không có gì để nói, vì Kinh điển là nguồn tài liệu duy nhất. Hầu hết các học giả Phật Giáo, ít nhất là tại Nhật Bản, đều cho rằng Kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhất là một sự kiện lịch sử có thật.
Với sự ra đi của một vị lãnh đạo phi thường như vậy, điều tự nhiên là những đệ tử của Ðức Thích Ca Mâu Ni muốn tập hợp với nhau lập tức, sắp xếp lại những lời dạy của Ngài để Giáo Pháp có thể lưu truyền lại đời sau không sai lạc.
Kinh điển ghi lại một đoạn liên quan đến những tình huống đã thúc đẩy Ngài Ma Ha Ca Diếp tập hợp Tăng chúng cho kỳ Kết Tập. Khi Ngài Ma Ha Ca Diếp, đi cùng với một nhóm đông đảo các vị Tỳ Kheo, trên đường từ Pava về Câu Thi La (Kushinagara). Trước đó, Ðức Thích Ca Mâu Ni đã đi trước Ðại Ðức về Câu Thi La, nay đã viên tịch. Trên đường đi, Ngài Ma Ha Ca Diếp và chúng Tăng gặp một vị Bà La Môn cầm trên tay một bông hoa mandara. Ngài Ca Diếp hỏi thăm vị Bà La Môn nầy về tin tức của Ðức Thích Ca Mâu Ni, và được cho biết là Ðức Thích Ca Mâu Ni không còn trên thế gian nữa. Nghe thế, một số Tăng sĩ đau lòng than khóc, còn một số khác thì xót xa trong im lặng. Tuy nhiên, mọi người ngạc nhiên khi nghe một vị Tăng lớn tuổi buột miệng nói một lời chua xót:
- Nầy các bạn, hãy đừng ưu phiền và chua xót nữa, vì giờ đây, cuối cùng chúng ta đã được tự do khỏi vị Thầy Lớn Lao ấy. Giờ đây không còn ai ngăn cấm: Ông được làm việc nầy, hoặc Ông không nên làm việc nầy, làm cho đời sống chúng ta khốn khổ và thúc ép chúng ta. Giờ đây chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn và không còn cần phải làm điều gì trái lại ý muốn của chúng ta!
Ngài Ma Ha Ca Diếp được coi như một vị Khổ Hạnh Ðệ Nhứt, dĩ nhiên nghe những lời nầy cảm thấy rất không vui lòng. Ngay sau khi hoàn tất lễ trà tỳ của Ðức Thích Ca Mâu Ni và lấy xong xá lợi, Ngài nói với chúng Tăng những lời như sau:
- Thưa chư huynh đệ, chúng ta cần phải làm cho giáo pháp và giới luật được sắp đặt dưới một hình thức thích đáng, để không thể xảy ra việc những giáo lý sai lầm được lưu hành trong khi giáo lý chân chánh bị suy tàn, những giới luật sai lầm được phát dương trong khi những giới luật chân chánh bị loại bỏ, những người giảng thuyết những lời dạy sai lầm trở nên lớn mạnh, trong khi những người giảng thuyết những lời dạy chân chánh trở nên yếu nhược, những người giảng thuyết những giới luật sai lầm nắm được sức mạnh trong khi những người giảng thuyết những giới luật chân chánh không còn sức mạnh.
Chúng ta được cho biết rằng Ngài Ma Ha Ca Diếp chọn ra năm trăm vị Tỳ Kheo vào công việc sắp xếp lại những giáo lý và lời dạy của Ðức Thích Ca Mâu Ni làm thành Kinh diển Phật Giáo.
Sự giải thích nầy có vẻ đủ hợp lý. Và giai thoại được đề cập ở trên nêu ra một tác nhân quan trọng trong việc kết tập Kinh điển . Tôi muốn nói đến bản chất của con tim. Những vị đệ tử của Ðức Thích Ca Mâu Ni, thường tỏ ra vô cùng kính trọng Ngài, đã siêng năng và nghiêm nhặt thực hành theo Giáo Pháp. Nhưng trong một vài trường hợp, họ vẫn còn lưu lại trong tâm một sự chấp ngã nền tảng và có một tầm nhìn hẹp hòi. Khi đối diện với sự ra đi của Ðức Thích Ca Mâu Ni, bản chất thật sự của họ liền lộ ra một cách vô tình. Tôi nghĩ đó là điều mà câu chuyện về vị Tăng lớn tuổi với lời thốt ra từ sự khủng hoảng muốn nói lên.
Ðối với đệ tử, Ðức Thích Ca Mâu Ni là một vị thầy về đạo sống, một bậc đã ban cho họ lòng từ bi và thương yêu sâu thẳm của một người cha, đồng thời cũng là một người lãnh đạo của một giáo đoàn. Ðại đa số đệ Tử của Ngài đối với Ngài vừa sợ vừa kính, nhưng cũng có những người không thể sống theo giới luật nghiêm khắc, những giới luật làm cho đời sống của họ khác hẳn với đời sống thế tục, và họ vẫn còn ám ảnh bởi những quyến rũ và những ảo tưởng về thế gian. Ðiều tự nhiên là những người nầy cảm thấy họ được giải phóng khỏi gánh nặng đè lên tinh thần của họ. Lời nói cường điệu của vị Tăng gìa được đáp ứng như một lời nhắc nhở Ngài Ma Ha Ca Diếp rằng một bầu không khí phóng túng và xao lãng dường như đang lan tràn trong Tăng đoàn.
Sự ra đi của một bậc lãnh đạo tối cao có nghĩa là Giáo Ðoàn đối diện với một sự hiểm nguy trầm trọng, bởi vì trong xã hội Ấn Ðộ thời bấy giờ, vẫn còn có nhiều môn phái Bà La Môn dẫn đạo. Ðạo Phật chỉ là một tôn giáo rất mới mẻ với tương đối ít đồ chúng. Sự qua đời của người lập giáo dĩ nhiên làm mất đi sự lãnh đạo và nguồn cảm hứng chủ yếu của tổ chức đã đẩy nhiều vị đệ tử vào chỗ thất vọng sâu xa. Không nghi ngờ gì họ cảm thấy một sự rỗng không bất ngờ trong tâm, một cảm giác hoang mang và mất mát không thể hiểu được.
Sự ra đi của Ðức Thích Ca Mâu Ni cũng có thể gây ra nhiều phản ứng khác nhau giữa những cá nhân cũng như những đoàn nhóm bên ngoài giáo hội. Có những người tiên đoán rằng đó là dấu hiệu cho sự tàn lụn dần của tôn giáo nầy, bởi vì một cá nhân dù xuất chúng có thể thành lập một giáo hội mới, nếu không tìm ra được người kế thừa thích hợp để tiếp nối sự nghiệp, giáo hội sẽ gặp rắc rối do sự chia rẽ nội bộ và những vấn đề liên hệ, rồi sẽ rơi vào  sự suy tàn. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng nhiều tông phái Bà La Môn hy vọng và tin tưởng điều nầy sẽ xảy ra.
Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên vì mọi người đều nghĩ rằng trong Giáo Hội Phật Giáo thời bấy giờ không có một nhân vật nào có một tầm vóc thật sự xuất chúng. Kinh điển thuật lại những lời trao đổi giữa Ngài A Nan với một người bạn cũ là một người Bà La Môn. Nầy A Nan, người Bà La Môn nói:
- Giờ đây Ðức Phật đã qua đời, có người nào có ngang tầm vóc với Ngài để thay thế Ngài chăng?
A Nan trả lời:
- Này bạn, làm sao có thể có một con người lớn lao như vậy nữa? Ðức Phật với nỗ lực cá nhân để đạt đến giác ngộ Chân Lý và thực hành theo Chân Lý đó. Tất cả mọi việc mà chúng tôi đệ tử của Ngài, có thể làm theo những lời dạy của Ngài và noi theo gương Ngài.
Nói một cách khác, Nương vào Giáo Pháp, không nương vào người, như một lời dạy trong Phật Giáo. Giai thoại trước thì liên quan đến việc Ngài Ma Ha Ca Diếp gợi ý sự cần thiết có một hệ thống Kinh điển Phật Giáo được quy định để đoàn kết và duy trì giáo đoàn, giai thoại nầy đề cập đến việc Ngài A Nan nêu rõ sự cần thiết của một hệ thống Kinh điển như là một cơ sở thẩm quyền cho đức tin.
Trong Kinh Niết Bàn, chúng ta được đọc thấy, ngay trước khi nhập Niết Bàn, Ðức Thích Ca Mâu Ni nói với các vị đệ tử quanh Ngài:
- Mặc dù Ta nhập diệt, các ông chớ có vì lý do đó mà nghĩ rằng các ông bị bỏ lại không người hướng dẫn. Giáo Pháp và Giới Luật mà Ta giảng dạy các ông sẽ là thầy của các ông. Vì vậy, nếu các ông có điều gì nghi ngờ, giờ là lúc mà các ông có thể hỏi. Các ông hãy đừng để cho mình phải hối hận sau nầy, nói rằng: Tại sao tôi đã không hỏi Ngài khi Ngài còn tại thế!
Một lúc sau, Ngài nói:
- Sự suy tàn nằm sẳn trong mọi sự vật do tập hợp mà thành. Hãy cố gắng giải thoát bằng sự tinh tấn.
Những lời nói bất hủ nầy là lời tuyên bố cuối cùng trước khi Ngài nhập Niết Bàn.
Từ đoạn Kinh trên, lời dạy: Nương vào Pháp, không nương vào người, được triển khai. Chúng ta không nghi ngờ là Ðức Thích Ca Mâu Ni nói những lời trên với mục đích cảnh cáo những vị thầy tự phong sau khi Ngài qua đời làm sai lạc giáo pháp theo những lý thuyết và giải thích cá nhân. Có một số học giả Phật Giáo tin rằng việc kết tập Kinh điển thành lập hệ thống đã được thực hiện từ lúc Ðức Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, tuy rằng quan điểm công chúng hơn là Ngài dạy chỉ yêu cầu đệ tử ghi nhớ cặn kẽ những lời dạy và hành vi của Ngài. Có thể đó là lý do trong những năm cuối cùng, Ðức Phật để Ngài A Nan, người có tiếng về trí nhớ, làm thị giả cho mình. Hầu như tất cả các Kinh điển ở Trung Hoa đều mở đầu với câu:
                                   - Tôi nghe thế nầy.
                                   Trong hầu hết các trường hợp, chữ Tôi chỉ cho Ngài A Nan, người đã đọc lại từ trí nhớ những lời đã được nghe từ Ðức Phật.
Giáo phái Kỳ Na(Jaina), một tôn giáo mới khác cũng ra đời cùng thời hay sớm hơn một chút với Phật Giáo, bị phân hoá ra làm hai nhánh sau khi vị sáng lập qua đời, lý do được nói đến là không có một hệ thống Kinh điển hẳn hòi để dựa vào trong những trường hợp có sự tranh cải về giáo lý. Có một số học giả cho rằng vì tấm gương đó mà Ðức Thích Ca Mâu Ni giao cho Ngài Xá Lợi Phất(Shariputra), một vị đệ tử lớn của Phật, trách nhiệm hệ thống hoá giáo lý của Ngài.
Chúng ta không nghi ngờ rằng Ðức Thích Ca Mâu Ni, đặc biệt trong những năm cuối cuộc đời Ngài, nghĩ ngợi nhiều về phương cách tốt nhất để bảo đảm Chánh Pháp được lưu truyền, một lời dạy được lưu truyền từ xưa. Người ta có thể thấy được là nhà lãnh đạo tôn giáo có khả năng hơn người và thấy xa tất phải nghĩ đến tương lai của giáo hội sau khi mình qua đời một cách nghiêm túc và liên tục. Ðiều chứng tỏ rằng Ðức Thích Ca Mâu Ni đã làm như vậy được thấy trong sự kiện rằng ngay sau khi Ngài rời khỏi thế gian, đệ tử của Ngài đã tập hợp trong một cuộc hội nghị để sắp xếp lại những lời dạy của Ngài. Hành động nầy, cùng với sự nổ lực lớn lao mà tín đồ Phật Giáo bỏ ra trong hơn ngàn năm tiếp theo trong việc bảo tồn và mở rộng tạng Kinh điển, chắc chắn là phản ảnh lời nhắc nhở của Ðức Phật khi Ngài còn tại thế cho sự lưu truyền của Chánh Pháp.
Tuyên Ðọc Lời Dạy Của Ðức Phật
Như đã được đề cập từ trước, các Kinh điển có chứa nhiều điều liên quan đến Kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhứt, một tập thể gồm năm trăm vị Tăng và Ni, như được diễn tả. Từ những sự kiện đó, chúng ta biết rằng Ngài Ma Ha Ca Diếp, vị lớn tuổi nhất trong các đại đệ tử, giữ nhiệm vụ như tổng thư lý của cuộc kết tập, trong khi các Ngài A Nan và Ưu Ba Li được đề cử đọc lại những lời của Ðức Phật mà hai Ngài ghi nhớ. Ngài A Nan, đã có một thời gian dài làm thị giả cho Phật, luôn luôn ở bên cạnh Phật, giữ nhiệm vụ ghi nhớ những điều Ðức Phật đã dạy, ở nơi nào và cho người nào, còn Ngài Ưu Ba Li, một trong Mười Ðại Ðệ Tử và được coi là người giới luật hàng đầu, hoàn toàn thấu hiểu giới luật Phật đề ra cho Tăng Ðoàn. Như vậy, Ngài A Nan đọc lại trước đại chúng những lời dạy về Giáo Pháp, về sau được quy định thành Kinh, và Ngài Ưu Ba Li tuyên đọc những điều lệ và phép tắc, gom lại thành Luật.
Tuy nhiên chúng ta cũng chắc chắn rằng không những nhờ vào khả năng của trí nhớ mà hai Ngài A Nan và Ưu Ba Li có đủ tư cách giữ những nhiệm vụ được phó thác. Nhưng lý do chính là các Ngài, trong một ý nghĩa nào đó, là những hiện thân sống động của Phật Pháp. Người nào có tâm chân thành để tiếp thu và ghi nhớ từng chữ, từng lời dạy của Ðức Phật sẽ thấy không thể nào rời bỏ được những lời dạy đó dù người ấy có muốn. Cũng dậy, mặc dù vị thầy có thể ra đi, người ấy có thể nghe được tiếng của thầy mình âm vang trong cơ thể. Danh từ Shòmon (Sa Môn), có nghĩa là những người nghe được âm thanh(Thanh văn) được dùng để chỉ những người nghe được lời dạy của Ðức Thích Ca Mâu Ni. Những người như vậy, khi không còn có thể nghe âm thanh thực sự của Ðức Phật, chắc chắn cũng sẽ tiếp tục nhớ mãi những lời Ðức Phật đã dạy, như là những lời dạy nầy được khắc vào trong sự hiện hữu của họ và tiếp tục bước theo đời sống đạo trong ánh sáng của những lời dạy đó.
Chúng ta không cần phải nói, trong thời bấy giờ không có những phương tiện cơ giới để ghi nhớ cũng không có những phương pháp tốc ký. Chúng ta cũng không chắc là thời bấy giờ đã có chữ viết cho các ngôn ngữ Ấn Ðộ. Những mẫu chữ viết Ấn Ðộ(ngoại trừ những chữ khắc cổ Harappa) có từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch. Trong những thế kỷ trước đó, văn học được truyền qua lối khẩu truyền, cũng là trưòng hợp của môn đồ nhà Phật trong giai đoạn đầu, và người thời đó chắc chắn là cómột trí nhớ khủng khiếp đối với chúng ta ngày nay]. Những đệ tử của Ðức Thích Ca Mâu Ni, nếu muốn lưu truyền những lời dạy của Ngài, chỉ còn một cách là làm cho những giáo pháp nầy trở thành toàn bộ nhân cách của họ.
Ðiều quan trọng cũng cần nêu ra đây là những giáo pháp nầy trong một ý nghĩa nào đó không phải là một hệ thống kiến thức hay một hệ thống cơ sở lý luận . Xa hơn, những giáo lý nầy là một thể hiện của trí tuệ về những vấn đề như là con người phải sống như thế nào, đâu là những nguyên nhân khổ đau của con người. Khi người học trò thọ nhận giáo pháp của Phật, họ đem ra thực hành trong đời sống của mỗi người, và với cách nầy, mỗi người tự xác minh về chân lý và giá trị của những lời dạy của Ðức Thích Ca Mâu Ni.
Những giáo pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni, chúng ta nên nhớ, cần được sở đắc một cách chủ quan, xuyên qua sự thực hành. Một người không bao giờ có thể hiểu được chúng bằng cách ngồi trên bàn viết và đọc một cuốn sách. Chỉ xuyên qua sự trao đổi giữa người nầy và người khác, giữa một nguồn sống nầy và một nguồn sống khác, mà chân lý được đạt đến. Ðiểm nầy cần ghi nhớ khi đến với Kinh điển Phật Giáo, những Kinh điển nầy là biểu hiện của giáo pháp và trí tuệ.
Chúng ta có thể giả thuyết rằng Ngài Ưu Ba Li trong những sự cư xử và hành động hàng ngày được coi như mẫu mực cho những giới luật đặt cho Tăng Ðoàn. Không phải Ngài đã ghi nhớ từng quy định mà Ðức Phật đã dạy, nhưng xa hơn, mọi hành động của Ngài một cách vô thức đã trở thành một thể hiện sống động của giới luật (vinaya) và của tinh thần tiềm ẩn bên trong. Nếu Ngài không quán triệt được toàn bộ nó, có thể Ngài đã không làmột người độc nhất trong các vị đệ tử của Phật được coi là giới luật đệ nhất.
Cũng tương tự như trường hợp của Ngài A Nan. Thấm nhuần trong toàn bộ giáo pháp của Ðức Phật, những giáo pháp nầy tuôn trào từ từng bộ phận trong cơ thể Ngài. Nếu không thế, có lẽ không thể nào Ngài đọc thuộc lòng một khối lượng khổng lồ Kinh điển như chúng ta thấy, một sự việc đáng kinh ngạc trong lịch sử Ðạo Phật. Như chúng ta sẽ thấy sau nầy, Tam Tạng hay là hệ thống Kinh điển Ðạo Phật gồm có ba phần: Kinh (Sutra) hay những lời dạy của Ðức Phật, Luật (vinayas) hay những quy luật, và Luận (sastra) hay những chú giải. Trong đó, Kinh do Ngài A Nan tuyên đọc lại, có hơn sáu ngàn quyển.
Kinh điển nói lại hoàn cảnh của cuộc kết tập như sau. Ngài Ma Ha Ca Diếp giới thiệu hai vị sẽ là người tuyên đọc cho cuộc kết tập:
- Các vị Tỳ Kheo, xin hãy lắng nghe. Tôi tin rằng đã đúng lúc chúng ta thỉnh trưởng lão A Nan về giáo pháp của niềm tin.
Ngài A Nan trả lời:
- Chư vị Tỳ Kheo, xin hãy lắng nghe. Tôi tin rằng đã đúng lúc tôi trả lời những câu hỏi của trưởng lão Ma ha Ca Diếp về giáo pháp của niềm tin.
Rồi trưởng lão Ma Ha Ca Diếp hỏi:
- Thưa đạo hữu A Nan, Ðức Phật đã thuyết bài giảng đầu tiên ở nơi nào?
Ngài A Nan một lần nữa trả lời:
- Thưa đạo hữu Ma Ha Ca Diếp, chính tôi được nghe như thế, Ðức Phật một lần ở tại Vườn Nai trong thành Ba La Nại (Benares)...
Khi Ngài A Nan tiếp tục nói lại về việc ở Vườn Nai, ngày nay là Sarnas ở gần Benares, chúng ta được nghe kể lại rằng các vị trưởng lão đều khóc và buồn bã nằm mọp xuống đất. Ðó đúng là một cảnh tượng làm chúng ta bàng hoàng và cảm động. Niềm đau buồn của họ thật là sâu thẳm đối với cái chết của Ðức Thích Ca Mâu Ni, đến nỗi khi Ngài A Nan nói lại những lời của Kinh, khuôn mặt cao nhã của Ðức Phật lại hiện ra trong tâm trí họ như khi Ngài còn đang tại thế, lòng họ tràn dâng niềm cảm xúc.
Bản Kinh ghi lại rằng sau khi Ngài A Nan đọc xong bản Kinh, các vị tham gia kết tập duyệt lại để quyết chắc là không còn có một lầm lẫn nào, sau đó mọi người cùng hòa âm đọc, bằng cách đó, mỗi vị khất sĩ sẽ ghi khắc bản Kinh trong tâm mình.
Cách đọc nhóm nầy rất quan trọng, bởi vì với cách đó, mỗi người trong nhóm sẽ nhớ được những lời Kinh, và họ có thể truyền lại cho người khác. Theo các nhà học giả, những bài kệ khác nhau, và những phần văn vầncủa các Kinh đã được những vị trong ban kết tập làm ra để dễ ghi nhớ những lời của Ðức Phật. Lại nữa, vì thời bấy giờ chưa có giấy, những bản Kinh không thể được ghi chép, nên sau mỗi lần dọc cần có sự kiểm tra kỹ lưỡng của hội chúng. Khi được mọi người đều đồng ý, thì đoạn kế tiếp mới bắt đầu. Với phương cách làm việc như vậy, đại hội kết tập nầy có khi còn được gọi là: Ðọc Chung (Trùng Tuyên) Lần Thứ Nhất, hay Kết Tập Thứ Nhất.
Ở đây, chúng ta cần ghi nhận rằng Ðạo Phật nhấn mạnh vào sự cần thiết của sự đọc hay tụng Kinh điển bằng cả ba tác động của: Thân, miệng và ý. Nói một cách khác, như đã được nêu ra ở trước, điều quan trọng là không nên tìm đến Kinh điển như là một hệ thống trí thức, như người Tây phương đã làm, nhưng là khám phá ra làm thế nào một người có thể làm cho giáo pháp của Ðức Phật trở thành một phần tử của con người mình và đem vào thực hành.
Chúng ta có thể giả thiết rằng trong một nhóm người nghe những lời dạy của Ðức Phật, như năm trăm vị khất sĩ trong kỳ đại hội đầu tiên, có những mức độ khác nhau về tính cách mà mỗi cá nhân khác nhau về những giáo pháp nầy. Có những vị có thể từ trước giải thích một số giáo pháp của Ðức Phật một cách tùy tiện theo ý riêng. Những vị khác, có thể, vì tính khí nội tâm, hoàn toàn hiểu sai lạc ý trong những lời dạy của Ðức Thích Ca Mâu Ni. Sự tụ tập của năm trăm vị sa môn, việc nghiên cứu thật kỹ lưỡng từng điểm một trong giáo pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni, và việc thiết lập một bản chung kết về những lời dạy của Ðức Phật mà mọi thành viên trong đại hội đều đồng ý, và trong vị lai sẽ là một tài sản chung cho toàn thể giáo hội, có một ý nghĩa lớn lao trong lịch sử Ðạo Phật.
Sự hệ thống hóa đầu tiên về giáo lý nầy là với hy vọng thiết lập được sự nhất trí về giáo pháp và quan điểm trong giáo hội khi người sáng lập cũng là người lãnh đạo vừa qua đời. Trên nền tảng những nguồn tài liệu hiện có, chúng ta có thể phỏngđoán là mục đích lần kết tập đầu tiên là không cần tập trung tất cả những giáo pháp khác nhau mà Ðức Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy trong suốt đời Ngài, nhưng đặt ưu tiên vào những giáo pháp quan trọng và thiết thực nhất cho sự tồn vong của giáo hội. (Ðiểm nầy tôi xin sẽ trình bày thêm khi thảo luận về sự thành lập Kinh điển Ðại Thừa Phật Giáo.)
Tôi đã đề cập ở trước về một giai thoại trong Kinh nói về một người bạn Bà La Môn của Ngài A Nan hỏi Ngài rằng có một vị nào xứng đáng để thay thế Ðức Phật  hay không, và câu trả lời của Ngài A Nan. Chúng ta thấy một giái thoại tương tự về Ngài A Nan và vị Tể Tướng nước Ma Kiệt Ðà (Magadha). Thưa đại đức A Nan, vị Tể tướng hỏi:
- Có vị nào đã được Phật đề cử thay thế Ngài lãnh đạo Tăng chúng khi Ngài qua đời không?
- Không thưa Ngài, không có người nào.
- Vậy có người nào mà các vị trưởng lão công nhận và ủng hộ coi như có thẩm quyền để chư Tăng nương tựa vào sau khi Phật qua đời?
- Không, thưa Ngài, không có người nào.
- Vậy thưa đại đức A Nan, chư Tăng sẽ nương tựa vào đâu, và làm thế nào dể họ giữ được sự hòa hài với giáo hội?
Ngài A Nan trả lời một cách quả quyết và đầy tin tưởng:
- Thưa Ngài, chúng tôi không phải là không có gì để nương tựa. Thưa Ngài, chúng tôi có cái để nương tựa. Giáo pháp là cái để chúng tôi nương tựa!
Từ đó, chúng ta thấy rằng hệ thống Kinh điển kết tập trong Kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhất được coi như nền tảng có thẩm quyền tuyệt đối. Chư Tăng đề cập đến những giáo pháp nầy của Ðức Phật bằng danh từ A HÀm (Agama), có nghĩa là những lời dạy thiêng liêng, và trân quí những giáo pháp nầy, coi là chỗ nương tựa không nghi vấn.
Những Kinh điển thiêng liêng đầu tiên nầy, được đề cập trong văn học Phật Giáo như là hệ A Hàm, phần lớn chú trọng đến giới luật. Một học giả đi quá cho rằng hệ A Hàm được kết tập để dùng làm một cuốn luật cho tu viện Ðạo Phật.
Lý do tại sao những Kinh điển đầu tiên nầy cần mang tính chất đó có thể được giải thích phần nào bằng những hoàn cảnh xung quanh cuộc Kết Tập-cảm giác chung, như chúng ta thấy, là không có một người nào thay thế được Ðức Thích Ca Mâu Ni khi Ngài qua đời để lãnh đạo một giáo hội mới, vì vậy cần phải nương tựa vào những giáo pháp và giới luật được Ðức Phật truyền dạy. Thêm vào đó, Kinh điển có thể phản ảnh tính khí của một số vị Sa Môn tập hợp trong cuộc hội nghị, đặc biệt những vị như Ma Ha Ca Diếp, và những trưởng lão khác cầm đầu đại hội kết tập.
Ngài Ma Ha Ca Diếp là một vị duy nhất trong mười đại đệ tử của Phật được coi là đầu đà (dhuta-khổ hạnh) đệ nhất, có nghĩa là Ngài rất nghiêm túc trong việc trì giữ những sự khổ hạnh do Ðức Thích Ca Mâu Ni đề ra. Nhưng mặc dù Ngài trội vượt những vị môn đồ khác về hành trì khổ hạnh, dường như Ngài không có được tính cách quần chúng như hai Ngài Xá Lợi Phất(Shariputra) và Mục Kiền Liên (Maudgalyanana) có được trong Tăng Ðoàn, và tôi có cảm tưởng rằng Ngài có đôi chút thiếu sót trong sự thấu hiểu những nguyên lý triết lý sâu xa hơn trogn giáo lý của Ðức Thích Ca Mâu Ni. Khi các Ngài A Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên còn tại thế, có sự chấp thuận chungrằng hai Ngài có thể là những người kế thừa Ðức Phật, nhưng sự việc xãy ra là cả hai Ngài đều qua đời trước Phật. Ngài Ma Ha Ca Diếp chưa bao giờ được coi như người có đủ khả năng thay thế Phật. Ngay cả Ngài A Nan, như chúng ta đã thấy, cũng xác nhận rằng trong thực tế, không có vị nào có đủ sự nổi bật để nhận lãnh trọng trách đó.
Nói thế không phải là phủ nhận việc Ngài Ma Ha Ca Diếp đã đóng một vai trò quyết định và đáng tán thán trong việc triệu tập và tiến hành cuộc đại hội lần thứ nhất. Thêm vào đó, sự việc Ngài được chọn làm người chủ tọa cuộc đại hội nói lên sự đáng ngờ vực trong những tiêu chuẩn chọn lựa người tham dự.
Một diển hình như Ngài Phú Lâu Na (Purn Punna), một đại đệ tử khác của Phật, không có mặt trong kỳ Kết Tập nầy. Ngài được coi là có khuynh hướng thực hành giáo pháp như Ngài đích thân được nghe đạy từ Phật. Sự tuyên bố, mặc dù không trực tiếp bác bỏ thẩm quyền của kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhất, chứng tỏ rằng Ngài, và có thể còn những vị khác như Ngài, đã có những dè dặt về đường lối Ngài Ma Ha Ca Diếp và những thành viên trong đại hội hệ thống hóa những lời dạy của Phật. Dĩ nhiên cũng còn có nhiều đệ tử khác của Phật không thể đến tham dự đại hội Kết Tập Lần Thứ Nhất, nhưng thực hành giáo pháp một cách độc lập ở nhiều địa phương. Sau nầy chúng ta sẽ thảo luận về những Kinh điển Ðại Thừa được thành hình trong những thế kỷ tiếp theo. Những Kinh điển nầy đã được kết tập đại thành do những nhóm nhỏ hơn không chọn lựa sự giới hạn của hệ thống Kinh điển được đa số trong giáo đoàn thành lập kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhất.
Ôn lại những sự việc xảy ra trong giai đoạn nầy, chúng ta có thể thấy được điều bất hạnh trầm trọng cho giáo hội khi cả hai Ngài Xá Lợi Phật và Mục Kiền Liên từ trần trước Phật. Chúng ta được nghe thuật lại rằng chính Ðức Thích Ca Mâu Ni đã nói:
- Bởi vì cả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đều qua đời, cuộc tựu tập nầy dường như trống vắng đối với Ta.
Nếu hai vị Sa Môn xuất chúng nầy có mặt trong kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhứt, chắc chắn hệ thống Kinh điển đầu tiên của Ðạo Phật đã có những sự khác biệt. Có thể là một việc làm vô công rỗi nghề khi đem phân tích, chúng ta cũng nên nhớ lại rằng, trong những ngày cuối cùng của Ðức Phật, hai vị đại đệ tử nói trên đều được cho phép thay Ngài giảng dạy Giáo Pháp, hai Ngài đều rất thông thạo cả về lý thuyết lẫn sự thực hành của tôn giáo mới thành lập nầy. Quả thật hai Ngài là hai cột trụ của Giáo Ðoàn, và nếu hai Ngài còn sống để trở thành người lãng đạo sau khi Ðức Phật ra đời. Ðạo Phật có lẽ đã phát triển trong một chiều hướng khác hẳn.
Tuy là vậy, trong thật tế, về sự lớn mạnh của Ðạo Phật trong lịch sử, hệ thống Kinh điển ấn định trong Kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhất được coi như trọng tâm của niềm tin, được đặc biệt kính ngưỡng. Và mặc dầu hệ thống Kinh điển có thể có những bất toàn và khiếm khuyết, xác định của những vị đã làm công việc kết tập, để bảo đảm cho sự lưu truyền của Chánh Pháp, là tác nhân dẫn đến sự khai sinh cho một sự thu tập lớn lao toàn bộ giáo pháp Phật Giáo trong lúc bấy giờ.
Chúng ta được đọc và hiểu những giáo pháp từ trí tuệ của Phật nơi các Kinh điển là nhờ việc làm và sự sắp đặt của những vị môn đồ đầu tiên nhóm họp lại ngay sau khi Ðức Phật qua đời. Vì lý do đó, chúng ta không có lời gì hơn là hướng về các Ngài với lòng kính ngưỡng sâu xa. Sự quan tâm sâu sắc của các Ngài Ma Ha Ca Diếp, Ngài A Nan, và những vị khác về sự duy trì và lưu truyền Giáo Pháp là nguyên do để cho Ðạo Phật được sống còn và được truyền bá trải qua hơn hai mươi thế kỷ cho đến ngày nay.
Giáo Pháp Của Các Nhà Lãnh Ðạo Tôn Giáo Lớn
Những bậc vĩ nhân của loài người thường để lại sau họ những di tích, những ghi chép về việc làm và lời dạy của họ. Một số người trong họ, đặc biệt là những nhà chính trị, lo trước việc ghi lại những hồi ký và tiểu sử của họ để nói về mình cho hậu thế càng rõ ràng bao nhiều càng tốt. Nhưng bốn vĩ nhân lớn nhất trong lịch sử nhân loại: Ðức Thích Ca Mâu Ni, Socrates, Khổng Tử và Jesus, không để lại một tài liệu viết nào từ chính tay họ. Trong trường hợp của các Ngài, những ghi lại về lời dạy và việc làm của họ được biên soạn do những đệ tử, và những ghi chép nầy được sử dụng như một nguồn cảm hứng vô tận trải dài suốt hai ngàn năm lịch sử loài người.
Trong trường hợp của Socrates và Jesus, vì hai vị với một ý nghĩa nào đó đã phải chịu một cái chết thảm, tiểu sử của hai vị được bi thảm hóa do những đệ tử của họ. Và như các học giả đã nêu ra, hình ảnh của Socrates đối diện với cái chết được dựng lên do Plato trong Crito, Phaedo, và Apology, và sự liên quan đến sự đóng đinh và phục sinh của Jesus như được ghi lại trong Phúc Âm hàm chứa những yếu tố không ăn khớp với sự kiện lịch sử.
Nếu đem so sánh, hình ảnh Ðức Thích Ca Mâu Ni trong Kinh điển xưa của Ðạo Phật chuyên chở một ý nghĩa nổi bật về tính cách hiện thực và con người. Tuy nhiên, trong cách Kinh điển Ðại Thừa, hình ảnh Ðức Phật được trau chuốt và phủ lên một sự tô điểm văn vẻ. Các học giả Tây Phương thấy khó hiểu về sự tô điểm nầy, và có thể thích hình ảnh được diễn tả trong các Kinh điển nguyên thủy hơn. Tuy nhiên, riêng tôi và hầu hết người Phật Tử Ðông phương đều bị lôi cuốn mạnh bởi những hình ảnh trong Ðại Thừa.
Những nhà Phật học Châu Âu cũng như Tây phương, phản ảnh cho sự thực nghiệm và phương pháp phê bình uyên bác hiện đại Tây phương trong những năm gần đây đã dồn nhiều nổ lực trong việc khám phá những sự  kiện lịch sử nằm bên dưới những sự việc có tính cách truyền thống. Tôi xin tán dương những cố gắng nầy.
Tuy nhiên tôi cũng xin nêu ra đây một lời thận trọng và hạn chế về phương pháp được một số nhà nghiên cứu hiện đại xử dụng. Họ nhắm đến một số khảo cứu khách quan về sự kiện lịch sử, họ dường như có khuynh hướng xử dụng những tiêu chuẩn và quan điểm của người đương thời để lột trần những nhân cách thật sự của những vĩ nhân trong lịch sử. Nếu những phương pháp của họ thành công trong thực tế để xây dựng một bức tranh rõ ràng hơn và chân thật hơn của bậc vĩ nhân, để người ngày nay có thể đánh gía một cách sâu xa hơn và hiểu rõ hơn thì những cố gắng của họ thật là tốt đẹp. Nhưng dường như trường hợp trái ngược lại rất thường xảy ra. Các học giả thường có chủ tâm bỏ quên những khía cạnh lớn lao và tập trung vào những nhược điểm, như là họ đã xác định lôi kéo vấn đề xuống mức độ con người bình thường. Tôi có cảm giác rằng bên sau thái độ của họ là một thứ kiêu ngạo đối với quá khứ của người hiện đại.
Niềm tin truyền thống về Ðức Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử, và Jesus, hoàn toàn chứa đựng một yếu tố giả tưởng. Những yếu tố giả tưởng nầy, nếu có, là với mục đích làm sáng tỏ lý tưởng trong nhân loại, và để tạo dũng lực và trí tuệ trong con người, như họ có thể để đạt đến lý tưởng đó. Và thực tế, ngày nay cả khi mọi yếu tố giả tưởng được sàng lọc một cách thận trọng từ những tiểu sử của các bậc vĩ nhân nầy, chúng ta không nghi ngờ rằng họ đã từng có mặt trong những khuôn mặt lớn lao nhất xuất hiện trong lịch sử nhân loại trong ba ngàn năm qua.
Kinh điển Ðạo Phật, Kinh Thánh, ngay cả những đối thoại của Plato, không nên được phán định theo cùng khuôn thước với những tác phẩm văn học thông thường. Những tác phẩm nầy chứa đựng những vấn đề chi tiết về sự minh triết đạt được qua sự cố gắng đấu tranh lớn lao của những vị lãnh đạo tôn giáo của nhân loại, và về những triết lý  của cuộc sống sâu xa và truyền cảm không cùng. Nếu những tác phẩm nầy hạn chế vào sự thuật lại khô khan những sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc đời của những con người mà lời dạy của họ được ghi lại, người ta nghi ngờ không biết rằng chúng có được đọc một cách sâu rộng, và liên tục qua bao nhiêu thế kỷ.
Trong những trường hợp Ðạo Phật, còn có thêm một điểm cần ghi nhớ. Như các Kinh điển thường nhắc nhở chúng ta, những lời dạy của Ðức Phật là có mục đích đem lại sự giải thoát cho tất cả mọi chúng sanh. Những vị đệ tử đầu tiên, khi kết tập Kinh điển, không chỉ đơn giản làm một việc là sắp lại thành một nhắc nhở chung những lời dạy và việc làm của Ðức Thích Ca Mâu Ni. Các Ngài đã nói và đã thực hành. Nếu họ không chính bản thân  vào được trong trạng thái tâm linh cao như Ðức Phật, họ đã không thể hiểu được những lời dạy của Ngài, họ cũng không thể truyền bá chúng cho hậu thế. Ðó là lý do tại sao chúng ta gọi từng chữ từng lời trong các Kinh điển là những lời vàng của Phật. Và khi chúng ta, là những người tin theo Ðạo Phật, với những Kinh điển trong tay và tranh đấu với xã hội trong thời đại chúng ta, chúng ta, cũng như những đệ tử đầu tiên của Phật hai ngàn năm trước, cũng phải đi vào trạng thái tâm linh như chính Ðức Phật. Chúng ta phải ban cho chính chúng ta công việc đem ánh sáng đến cho những con người đang đắm mình trong khổ đau và dạy cho họ sống đời sống chân thật .
-- o0o --