Niềm Vui Miên Viễn
Nhất Quán
--o0o--
 
            Nói đến Xuân thì mọi người ai cũng biết là Xuân của mọi người, và Xuân thường đến với Tết, cho nên ai ai cũng đón Tết lúc xuân sang. Ðón Tết ai ai cũng đón Tết, nhưng phong vị Tết mỗi nơi có khác. Nếu ở thành thị thì đón Tết với sự xa hoa xán lạn, với cảnh nhộn nhịp tưng bừng, trong khi đó ở các làng quê, Tết đến thì người dân đón Tết một cách êm thấm nhẹ nhàng hơn. Và Tết đến, tục lệ hằng năm cũng trở lại với con người. Có Tết là có bánh chưng xanh, có dưa hành có câu đối đỏ, có cành đào, có hoa cúc, có cây nêu...
            Những hình ảnh Tết đó trong các làng miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam tuy có khác nhưng đó chỉ là một phần nhỏ, nhưng hầu hết đều giống nhau. Nói chung là người Việt Nam ở đâu thì cũng vẫn những phong tục ấy, nhất là những phong tục liên quan về Xuân và Tết, thì ngàn đời từ xưa đến nay, từ miền Bắc qua các Miền Trung, Miền Nam không bao giờ thay đổi. Nghĩa là cứ mỗi độ Xuân đến, mọi người vẫn sửa soạn hân hoan đón Tết cho xứng đáng với vẻ tưng bừng của ngày Xuân mới, rồi giây phút linh thiêng của một năm mới đến với lễ giao thừa.
Cũng vào dịp Xuân đến Tết tới, ngoài việc vui Xuân dù là con Phật hay không phải con Phật, mọi người ai ai cũng nô nức về Chùa để lễ Phật tụng kinh, chí tâm cầu nguyện chư Phật mười phương gia hộ cho nhà cửa bình yên, gia đạo hạnh phúc, từ đầu năm cho đến cuối năm. Ðồng thời chúng ta cũng gửi đến nhau những lời cầu chúc một năm mới tốt đẹp, vạn sự như ý, an lạc kiết tường. Trong nhà Phật, ngày mùng một Tết Nguyên Ðán đầu năm cũng là ngày vía Ðức Bồ Tát Di Lặc. Theo tinh thần nầy trong Phật Giáo thường khi nói đến Xuân thì nói cho đủ là Xuân Di Lặc, và khi nói đến Tết thì gọi là Tết Hoan Hỷ. 
Sở dĩ gọi là Xuân Di Lặc là vì theo kinh điển Phật Giáo cho biết rằng, Bồ Tát Di Lặc hiện nay đang ở tại Ðâu Suất Nội Viện, sẽ giáng trần và tu thành một vị Phật trong tương lai. Còn nói Tết hoan hỷ, cũng theo kinh điển cho biết Ðức Phật Di Lặc là người có tâm lượng bao dung, Ngài đã thành tựu Tâm Từ Bi Tam Muội lúc Ngài còn tu hạnh Bồ Tát. Như vậy, lễ vía đức Bồ Tát Di Lặc ngày đầu năm, đối với mọi người, mang ý nghĩa là hy vọng được vạn sự kiết tường, vạn sự như ý, và  trong năm mới, luôn luôn may mắn vui vẻ. Còn đối với những người tu học, ngày đầu Xuân, ngày vía Ðức Bồ Tát Di Lặc còn mang một ý nghĩa trọng đại, đó là một sự nhắc nhở cho người con Phật luôn luôn nhớ đến Tâm Hạnh Từ, Bi, Hỷ Xả, để tinh tấn, để trưởng dưỡng tâm tánh của mình, để quyết tâm chuyển hóa tâm trí, từ một phàm phu đầy dẫy những phiền não và khổ đau của ngày hôm nay, trở thành sáng suốt, giác ngộ và giải thoát của một vị Phật trong tương lai. Vì thế nhân dịp đầu xuân năm nay, chúng ta hãy lắng lòng, dẹp qua một bên những niềm ưu tưưvềềnhững chuyện thăng trầm của thế sự, cùng nhau tìm hiểu về Ðức Bồ Tát Di Lặc và những hạnh nguyện của Ngài, để áp dụng ngay trong cuộc sống, nhằm mục đích tạo sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc đời hiện tại một cách trọn vẹn và thiết thực.
Như chúng ta đã biết, hình ảnh của Ðức Di Lặc được thờ trong các chùa, trông rất khỏe mạnh, mập mạp, và gương mặt luôn luôn tươi cười một cách hoan hỷ. Ðặc biệt, chúng ta thấy có sáu đứa bé bám trên thân của Ngài. Ðứa thì móc mắt, đứa móc mũi, đứa móc miệng, đứa chọc lỗ tai, đứa moi rún, nhưng Ngài vẫn tươi cười, như không có chuyện gì làm cho Ngài phải phiền hà bực dọc. Ðiều nầy đã cho chúng ta biết Ngài đã thành tựu tâm từ bi và hạnh hoan hỷ. Bây giờ đây chúng ta tìm hiểu về sáu đứa bé là ai mà cứ luôn quấy rối Ngài, nhưng Ngài vẫn sống cuộc đời an nhiên tự tại:
I- Hình Ảnh Sáu Ðứa Bé
Sáu đứa bé mà chúng tôi vừa đề cập với quý vị, nói theo  quan điểm của Duy Thức thì sáu đứa bé nầy tiêu biểu cho sáu căn, nhưng rất tiếc các nhà tạo tượng chỉ tạo cho chúng ta thấy có năm đứa bé mà thôi. Năm đứa bé mà chúng ta thấy đó chính là tiêu biêu cho năm căn:
- Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, và Thân.
Còn chú bé mà các nhà tạo tượng làm ẩn mất ở phía sau lưng nên chúng ta không thấy, đó chính là tiêu biểu cho Ý Căn. Lý do Ý Căn được tạc ở sau lưng bức tượng là vì Ý Căn thường chúng ta không bao giờ thấy, nhưng nó lại hiện hữu và luôn luôn chi phối tất cả các hoạt đông. Hình ảnh của sáu đứa bé bám víu quấy phá đức Di Lặc, được tiêu biểu sáu căn, chính là bài học tích cực, giúp chúng ta xây dựng được một cuộc sống an lạc và hạnh phúc cho chính chúng ta và cho những người chung quanh, ngay trong hiện tại, ngay trong cuộc sống đầy phiền não, và khổổđau này. Sáu đứa bé bám vào thân của Ðức Di Lặc các nhà Duy Thức Học cũng gọi là lụcụtặc, tức là sáu tên giặc chuyên gây phiền não, gây rắc rối, gây bực dọc cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Do đó chúng ta cần nhận diện rõ ràng sáu tên giặc đó, thì chúng ta mới có thể điều phục được chúng, và mới có thể xây dựng một cuộc sống an lạc và hạnh phúc cho chính chúng ta và những người chung quanh một cách tích cực hơn. Sáu tên giặc không ai xa lạ, như có lần chúng tôi đã nói, đó chính là sáu căn của chúng ta.
Nếu xét về bản thân thì chúng ta nói về sáu căn, tức là sáu giác quan của chúng ta:
- Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý.
Với hai con mắt, chúng ta trông thấy những hình ảnh nào cũng  dễễthương, cũng hạp nhãn. Khi thấy những hình ảnh dễễthương, hạp nhãn thì chúng ta lại sanh tâm đắm nhiễm, nhớ nhung, tham luyến, rồi từ sự nhớ nhung, tham luyến nên muốn chiếm đoạt làm của riêng cho mình. Còn nếu trông thấy những hình ảnh khó ưa, xấu xí, thấy phát ghét, thì sanh tâm khó chịu, bất an. Với hai cái tai, khi chúng ta nghe những tiếng êm dịu, tâng bốc, thì sanh tâm đắm nhiễm, ưa thích; còn nếu nghe những lời chỉ trích khó nghe, chạm đến tự ái, chạm đến bản ngã to lớn của mình, thì không kham nhẫn, nên sanh tâm sân hận, oán ghét. Với cái mũi, chúng ta chỉ thích những mùi hương thơm tho, dễ chịu và ghét những mùi khó chịu, những mùi lạ không vừa ý, nên sanh tâm bực dọc, bất an. Với cái lưỡi, chúng ta chỉ thích những món ăn ngon khoái khẩu, hạp vị, vì vậy mà chúng ta không nghĩ đến sự đau khổ của các chúng sanh bị giết hại; còn nếu không được ngon miệng, thì sanh tâm bực bội, gắt gỏng. Với cái thân tứ đại giảảtạm này, thì thích ăn mặc se sua, thích nhà cao cửa lớn, giường êm nệm ấm. Ngay cả đôi khi vì mê lầm, nên chúng ta thường chấp thân giả tạm là thực sự của chính mình, cho nên khi những xúc chạm không được như ý, thì sanh tâm cau có, quạu quọ, tức tối. Quan trọng hơn cảảvới cái tâm ý lăng xăng lộn xộn, không một giây phút ngừngừnghỉ, chúng ta luôn luôn suy tư, nghĩ tưởng mông lung không định hướng, tính toán những điều gì có lợi cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho tổ chức mình, luôn luôn khen mình khinh người.
Nghĩa là trong cuộc sống hằng ngày, khi sáu căn của chúng ta tiếp xúc với sáu trần, nên tâm niệm khởi lên thế này thế nọ, trong kinh sách gọi là sáu thức, tức là phiền não bất an dấy lên vậy. Trong trường hợp như vậy, sáu căn của chúng ta chính là sáu tên giặc, đã, đang và sẽẽdẫn dắt chúng ta vào sanh tử luân hồi, không phải chỉ trong đời nầy, mà có khả năng hứa hẹn nhiều đời nhiều kiếp khác nữa. Nói cách khác, sáu căn của chúng ta chính là cội gốc của sinh tử luân hồi như trong sám nguyện có đoạn:
- Ðệ tử hôm nay quỳ trước điện
Chí tâm đảnh lễ Ðức Từ Tôn
Ðã bao phen sanh tử dập dồn
Trôi lăn mãi trong vòng lục đạo
Thế Tôn đã đinh ninh dạy bảo
Mà con còm đắm đuối say mê:
Mắt ưa xem huyễn cảnh hằng ngày
Ta thích tiếng mật đường dua nịnh
Mũi quen ngửi mùi thơm bất tịnh
Lưỡi dệt thêu lắm chuyện gay go
Thân ham dùng gấm vóc xe xua
Ý mơ tưởng bao la vũ trụ
Bởi lục dục lòng tham không đủ
Lấp che lần trí tuệ từ lâu...
Sáu căn chính thực là nguyên nhân gây nên đau khổ phiền muộn, nhưng nếu chúng ta biết tu tập và chuyển sáu anh giặc nầy thành sáu cái trí để dùng nó làm tư lương tu tập như các nhà Duy Thức Học từng dạy, thì chúng ta là người giác ngộ. Khi đó:
- Năm căn đầu là Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân nếu biết tu tập, chuyển hóa thì sẽ trở thành Thành Sở Tác Trí.
- Thức thứ sáu là Ý  Căn sẽ chuyển thành Diệu Quán Sát Trí
- Thức thứ bảy là Mạc Na Thức sẽ trở thành Bình Ðẳng Tánh Trí
- Thức thứ tám là A Lại Da thức sẽ trở thành Ðại Viên Cảnh Trí
Cho nên chính vì vậy trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ðức Phật có dạy:
- Sáu căn chính là cội gốc của sanh tử luân hồi và sáu căn cũng chính là cội gốc của giải thoát niết bàn
            Bởi vì, nếu sáu căn của chúng ta, tức là sáu giác quan, khi tiếp xúc với sáu trần cảnh bên ngoài đó là:
- Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc và Pháp,
Mà không đắm nhiểm, không dính mắc, không sanh sáu thức, thì chúng ta không bị phiền não. Một khi trong lòng chúng ta không tham, không sân, không si, thì dù chúng ta vẫn thường xuyên tiếp xúc với mọi người, mọi cảnh trong cuộc đời. Nghĩa là: Mắt trông thấy hình sắc thì biết rõ ràng người này ra sao, món này như thế nào, nhưng không khởi niệm thương hay ghét, ưa hay không ưa. Tai nghe thấy tiếng thì biết rõ ràng là tán thán hay phê phán, nhưng không khởi niệm khoái chí hay bực bội. Mũi ngửi thấy mùi thì biết rõ ràng là mùi hương gì, nhưng không khởi niệm thích hay không thích. Lưỡi nếm vị thì biết rõ ràng là vị gì, nhưng không khởi niệm khen ngon hay chê dỡ. Thân xúc chạm thì biết rõ ràng là tốt hay xấu, nhưng không khởi niệm dễ chịu hay khó chịu. Tâm ý nghĩ suy thì biết rõ ràng là đúng hay sai, phải hay quấy, nhưng không khởi niệm kỳ thị, đố kỵ, so sánh, hơn thua, tranh chấp. Nghĩa là hằng ngày, nếu chúng ta sống trong cõi đời này, sáu giác quan của chúng ta tiếp xúc với sáu đối tượng ở trong đời, mà không sanh tâm dính mắc, không sanh tâm loạn động vì tham sân si, thì chúng ta sẽ được tự tại, giải thoát ngay trong hiện đời nầy. Mắt trông thấy sắc, tai nghe thấy tiếng, mũi ngửi biết mùi, lưỡi nếm biết vị, nhưng đừng khởi niệm thương hay ghét, thích hay không thích, nếu như có khởi niệm rồi thì đừng theo. Nghĩa là tâm chúng ta biết đó là vọng đừng tham luyến thì chúng ta cũng sẽ không có phiền não, sân hận hay bực dọc nữa. Giữữgìn được như vậy tức là chúng ta được giải thoát khỏi phiền não khổ đau, sống trong cảnh giới Niết Bàn an lạc vậy.
Còn như sáu đứa bé luôn luôn chọc phá Ðức Di Lặc, mà Ngài vẫn tươi cười hoan hỷ như không có chuyện gì xảy ra. Nghĩa là: Sáu căn của Ngài vẫn thường tiếp xúc với lục trần, nhưng tâm của Ngài không sanh ra sáu thức, vì thế mà Ngài sống rất an nhiên, tự tại. Ðó là cảnh giới của những người vô tâm, tức là những người không có tâm niệm lăng xăng lộn xộn, cho nên không có phiền não và khổ đau. Ðối với con người phàm phu như chúng ta, một khi đạt được trạng thái nầy đó là cảnh giới niết bàn ở ngay trong tâm trí của chúng ta hiện đời, chứ không phải đợi sau khi chết mới tiêu diêu nơi miền cực lạc, hay lên trên thiên đàng đâu đâu không tưởng.
II- Tâm Hạnh Hoan Hỷ
Trong giáo lý Phật Giáo, Ðức Bồ Tát Di Lặc được coi là đại biểu cho lòng hỷ xã, bao dung, làm chỗ dựa cho tất cả chúng sanh. Mặc dầu chúng ta chưa có dịp diện kiến với Ngài, nhưng trong đường tu học chắc chắn chúng ta nghe chư tôn đức nhắc nhở rất nhiều, cũng vậy mặc dầu chưa có lần gặp mặt, chỉ nghe tên thôi, nhưng mỗi lần nghe như vậy cũng làm cho chúng ta có một suy tư về cuộc đời và đức tánh bao dung của Ngài, vì thế khiến cho người nghe tên Ngài, ai cũng cảm nhận sự ấm cúng và tình thương chân thật. Ngài là tấm gương để cho chúng ta học cách đối xử với chúng sanh. Tuy đức tướng của Ngài Di Lặc đầy đủ ba mươi hai tướng như Phật, nhưng thông thường chúng ta thấy Ngài dưới dáng hình của Bố Ðại Hoà Thượng, một vị tăng có cái bụng no tròn, tay nắm quạt, tay xách bị, dạo đi khắp nơi. Theo sự lý giải của chư tôn đức cho rằng bụng tròn của Ngài là tiêu biểu cho lòng bao dung, hiền từ. Bụng lớn là ý muốn nói tâm lượng rộng lớn, có thể chịu đựng, tha thứ những việc mà thiên hạ khó chịu đựng, khó tha thứ. Miệng rộng hay cười, là cười những việc đáng cười của thế nhân. Như vậy chúng ta học gương tốt của Ngài chính là chúng ta học cái tấm lòng bao dung, từ hòa, vô lượng của Ngài, đó là phương pháp rèn luyện tâm, chuyển hóa tâm của chúng ta, từ vô minh trở thành giác ngộ, từ tà vạy trở thành chân chính, từ phiền não và khổ đau trở thành an lạc và hạnh phúc. Ðây là tinh thần tích cực của Ðạo Phật được áp dụng ngay trong thực tế của cuộc đời, trong mọi hoàn cảnh, giúp những người thiện tâm được sống bình an, không vướng mắc vào những tham, sân phiền muộn ngay tại thế gian này
Chúng ta vẫn thấy, vẫn biết tất cả các cảnh trên đời, nếu tâm của chúng ta không lưu luyến dính mắc thì không phiền não. Không phiền não tức là giải thoát. Thật là hết sức đơn giản, nhưng thực tế, bất cứ ai cũng có thể làm được, nghĩa là không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, ngôn ngữ, nghề nghiệp, xuất xứ, học thức, nam nữ, già trẻ, bé lớn, giàu nghèo, sang hèn. Ðể thực hiện và có thể đạt được cái chỗ không dính, không mắc, vô tâm, vô niệm, thì chúng ta cần phải có phương pháp tu để ứng dụng, để thực hành. Ðiều đầu tiên, chúng ta hãy ghi nhận lời Ðức Phật dạy:
- Ðời là bể khổ
Vì đời là bể khổ, do vậy chúng ta phải can đảm nhận thấy rõ cuộc sống của chúng ta là vui ít khổ nhiều, nhưng không vì vậy mà bi quan yếm thế, và cũng đừng sống trong phiền não, khổ đau bi lụy. Muốn được như vậy, chúng ta phải đảnh lễ Ngài với tất cả lòng thành kính, và nhất tâm học theo hạnh nguyện của Ngài, được như vậy thì dù chúng ta đang ở trong bất cứ cảnh ngộ nào, tâm trí cũng được thảnh thơi an lạc. Như có lần chúng tôi đã nói, sở dĩ Ðức Di Lặc có được tâm hồn hoan hỷ bao dung, là vì Ngài đã thành tựu bốn hạnh từ, bi, hỷ, xã, tức là bốn tâm địa rộng lớn thênh thang, không thể nghĩ bàn. Với tâm từ, Ngài luôn luôn mang niềm vui đến với mọi người, bất cứ lúc nào, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, màu da chủng tộc... Với tâm bi, Ngài luôn luôn cứu giúp những người đau khổ, những người bất hạnh, thương người như thương chính mình.
Nếu chúng ta đã quyết tâm học theo hạnh Ngài, để thực hiện tâm hạnh từ  bi, thì chúng ta phải tập biết thương yêu và thông cảm với tất cả mọi người, dù kẻ đó đang gây phiền não cho mình, đồng thời chúng ta sẽ giảm bớt lòng tham và lòng sân. Ðối với những người sống chung quanh, nhưưcha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương, đồng đạo, đồng bào, chúng ta cũng phải tập nhịn, cho dù một câu nói chạm đến tự ái, hay một hành động xúc phạm đến danh dự của chúng ta, cho dù câu nói hay hành động đó vô tình hay cố ý! Trong khi thực tập, chúng ta phải hết lòng trang trải tiình thương yêu của chúng ta đến với người chưa quen, hay với những người xa gần, Nghĩa là chúng ta phải tận tâm trang trải lòng mình đến những người ở gần chung quanh, hay người phương xa. Ðặc biệt mỗi khi họ nói lời nào mích lòng, hay làm điều gì trái ý, chúng ta phải tự nhủ rằng chúng ta đang tập tâm hạnh từ bi để tha thứ cho họ. Ngoài ra chúng ta còn phải ý thức rằng chúng ta đang thực tập trang trải lòng từ bi đến cho mọi người như thế nào, thì chúng ta cũng phải trang trải tình thương đến với những người thân sống ở trong nhà hoặc chung quanh chúng ta cũng như thế đó. Ðối với những con vật nhỏ nhít như ruồi, muỗi, côn trùng, chúng ta còn không nỡ giết hại chúng, thì huống chi là những loài vật lớn hơn như gà, vịt, heo, bò, thì làm sao chúng ta có thể giết hại được
Như trên, chúng ta học về Hạnh Từ và Hạnh Bi, bây giờ chúng ta bàn về Hỷ và tâm Xả. Với tâm hỷ, Ngài luôn luôn vui vẻ, hoan hỷ với những việc lành, những hạnh phúc, những thành tựu của tất cả mọi người xung quanh, không có tâm ganh ghét, đố kỵ. Với tâm xả, Ngài không bao giờ chất chứa trong lòng, trong kho tàng tâm thức, bất cứ điều phiền muộn nào, dù nhỏ đến đâu. Trái lại, Ngài luôn luôn tha thứ cho bất cứ ai gây phiền muộn, rắc rối cho Ngài.
Từ ngữ Hỷ và Xả là hai trong Bốn Vô Lượng Tâm. Hỷ Xã là hai từ ngữ ghép lại, nếu hiểu từng chữ một thì từ ngữ Hỷ có nghĩa là vui đẹp. theo Kinh Thập Thiện Nghiệp Ðạo dạy rằng:
- Vì Hỷ trang nghiêm, thấy người tu thiện, tâm không ganh ghét.
Cho nên người thực hành hạnh Bồ Tát, thì phải luôn luôn giữ tâm hoan hỷ để làm hành trang trong việc siêng năng tìm cầu chánh pháp. Có được Tâm Hỷ thì công cuộc tu học sẽ luôn luôn thăng tiến mà không bao giờ nhàm chán.
Nếu chúng ta phát tâm tùy hỷ, một trong tứ vô lượng tâm, vui theo với việc thiện của người khác, thì chúng ta giảm được tâm đố  kỵ, tâm ganh tỵ, và tâm từ bi của chúng ta cũng theo đó mà tăng trưởng, cho đến khi đủ duyên, chúng ta cũng sẽ làm việc thiện đó giống như vậy. Còn đối với tâm xả, đó là chỗỗhết sức cao siêu của người tu hành giải thoát. Muốn được giải thoát, muốn được tự tại, nhẹ nhàng bước ra khỏi vòng trầm luân, sanh tử luân hồi, nhứt định chúng ta phải tu hạnh xả. Nếu sáu căn của chúng ta tiếp xúc với lục trần, không dính đừng mắc, cái gì cũng xả, cái gì cũng bỏ qua hết thì chúng ta sẽ không còn gì đem vào chứa trong kho tàng tâm thức của chúng ta hết. Lúc đó, chúng ta sống trong tự tại nhẹ nhàng, thảnh thơi, không lo âu, phiền muộn, không ưu tư, lo lắng, không phập phồng, lo sợ. Muốn cho cuộc sống của chúng ta không lo âu phiền muộn, không ưu tư, lo lắng, không phập phồng, lo sợ, thì trước tiên chúng ta phải thực tập:
- Tâm Hỷ:
Là cái tâm hoan hỷ đối với chính chúng ta. Chính chúng ta phải thường giữ tâm vui vẻ, từ trong việc tu tập, đi nghe chánh pháp, hay làm tất cả các việc thiện nào cũng thế, tâm không bao giờ thối chuyển, không biết mỏi mệt. Ðối với mọi người, khi thấy người làm được việc lành, thì chúng ta phải khởi niềm vui cũng như chính chúng ta đang làm lành. Thấy ai xa tránh được cảnh khổ, sống đời an vui thì chúng ta cũng phải sanh tâm vui mừng. Nghĩa là thấy người xa lìa điều ác, làm những việc công đức lành, thì nên tùy hỷ khen ngợi. Thấy lỗi người, không sanh tâm ganh ghét, riêng về bản thân, luôn luôn đề cao, cảnh giác để đối trị với tâm tật đố của chính mình thì gọi đó là Hỷ Tâm. Kế đến là:
- Tâm Xả:
Từ ngữ Xả có nghĩa là quên đi, tha thứ lỗi lầm cho người nào đó. Theo Phật Ðịa Kinh Luận thì nói rằng:
- Xả là bình đẳng .
Vì vậy đối với người tu Bồ Tát đạo phải học hỏi, thực hành hạnh tha thứ để trang nghiêm tự thân, trang bị hạnh tha thứ cho tự thân, chúng ta sẽ cảm thấy bình thản trước mọi cảnh đời, ai thương cũng tốt mà ai ghét cũng xong, nhưng lòng của chúng ta sẽ không có thương ghét. Bởi vì đối với kẻ oán, người thân, tâm của chúng ta không còn có sự phân biệt, ngay cả đến chúng ta nghe việc lành, việc dữ cũng không còn sanh tâm chấp trước. Ðối với những người có ơn và những người không ơn đều phải phương tiện bình đẳng đối đãi như nhau.
            Như vậy khi một người có tâm xả, tất nhiên là đã có được tâm bình đẳng, không còn tâm chấp trước, cho nên đối với thuận cảnh thì không có tâm ưa thích, nhưng đối với nghịch cảnh tâm cũng không than oán. Ðối với người oán cũng không sanh tâm trả thù, và đối với người thân cũng không nên sanh tâm ái trước, không còn tâm phân biệt giữa mình và chúng sanh.
Tóm lại đối với tất cả mọi người thì chúng ta có thể phương tiện bình đẳng đối đãi với nhau cho đời thêm vui tươi. Ðối với tự thân, chúng ta  phải quân bình giữ gìn giữa tình cảm và lý trí, không để ngoại cảnh làm lay động, tâm bình đẳng không theo cảnh mà chuyển. Ðược như thế thì chúng ta đã thực hành được tâm xã.
            Trong cuộc sống hiện thực, nhìn chung chúng ta thấy mọi người ai cũng có những hoàn cảnh riêng, ai cũng có những nổi bức rức đau khổ của hoàn cảnh đó. Tiêu biểu những người tội nghiệp nặng nề vì đã từng phạm phải một vài hoàn cảnh như: 
- Giết người
- Trộm cắp
- Loạn luân
Còn nhiều trường hợp khác nữa, những người như thế đó thì trong lòng của họ sẽ sống cuộc sống bất an, ray rức. Những người nầy họ cần chúng ta đem tấm lòng tha thứ bao dung ban bố cho họ. Ðược sự tha thứ bao dung của chúng ta, sẽ làm cho tâm họ hết đau khổ, được an lạc.
Muốn thực tập tâm hạnh nầy chúng ta cũng phải thực tập về quan niệm, và cái nhìn của chúng ta. Nếu có lúc chúng ta thấy thuyền bè, xe cộ là những phương tiện chuyên chở người từ nơi nầy sang nơi khác, thì chúng ta cũng phải thấy rằng một lời nói hiền từ, một lời an ủi, một cái xoa đầu, một cái vỗ vai, một hành động chân thành giúp đỡ, một cái nhìn quan tâm, một công việc vị tha... Nói tóm lại bất kỳ hành động nào cũng có thể đưa người ta từ trạng thái mê muội đau khổ, phiền não, sợ hãi đến chỗ tâm thần giải toả những u ẩn trong đời và được an ổn tự tại. Trong tinh thần tu học, cách nầy là cách mau nhất và hữu hiệu nhất để chính chúng ta hết phiền não và cũng là giúp và tạo điều kiện để những người chung quanh và người thân của chúng ta bớt hoặc hết phiền não.
            Nguyên nhân để tạo cho chúng ta có những tâm tình khó chịu, buồn phiền là vì hầu hết một khi chúng ta nghĩ điều gì, nói điều gì thì cái tôi của chúng ta lúc nào cũng có mặt. Cái ông chủ nầy sẽ không bao giờ biến mất, trừ khi chúng ta biết tu, và đạt tới trình độ không còn có sự phân biệt tốt xấu, hay dở giữa ta và người... Do đó lúc mới bắt đầu tu chúng ta phải tập suy nghĩ và hành động làm sao để đạt đến chỗ vô ngã. Ở điểm nầy ngoài cách quán sát đến cách hành xử của Ðức Di Lặc và đức tánh Hỷ Xả trong lúc thực tập thiền định, còn có một cách nữa có thể giúp chúng ta. Ðối với chúng ta, những kẻ phàm phu sơ cơ, chúng ta phải bắt đầu thay đổi cách nhìn. Cái nhìn nầy cũng có thể là thay đổi:
- Quan điểm của mình
Trong quan điểm đó bao gồm cả quan điểm chính trị, quan điểm xử thế...
- Cặp kính mầu của mình
Với cặp kính mầu nầy chúng ta dễ nhìn đời, nhìn người theo mầu sắc của cặp kính mà chúng ta đang đeo. Cứ như thế theo mầu sắc đó mà chúng ta định nghĩa mọi sự, mọi vật trên cuộc đời.
            Cổ nhân có dạy:
- Trước khi nói chúng ta phải uốn lưỡi bảy lần.
Nhưng đối với người đang tập tu chúng ta muốn loại bỏ những sự sai lầm khi phán đoán một điều gì của một người nào đó thì chúng ta phải tập một thói quen:
- Nên nghĩ đến người khác trước.
            Chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ, chư hiền thánh tăng thường khuyên chúng ta mỗi ngày nên làm ít nhất là một việc lành, những hành động nho nhỏ khi cần giúp mà chúng ta làm được thì quý giá và thực tế vô cùng chẳng hạn như:
- Pha dùm ly nước,
- Rửa dùm chén bát,
- Cất đồ đạc,
- Quét dùm nhà
- Ðổ rác ....
Nếu được hãy cố gắng giúp những người thân, những người chung quanh chúng ta, những người sống gần gũi hàng ngày với chúng ta, trước khi làm một việc gì đó to lớn hơn. Việc làm từ thiện, công quả, việc đoàn thể, tuy là những việc làm lớn có lợi ích cho nhân quần xã hội, chúng ta nên tập làm người hữu ích, hữu dụng đối với người nhà, kẻ thân thuộc. Ðừng chờ những chuyện gì lớn mình mới giúp họ.       
Ðiều nầy mới nghe qua dường như là trái ngược với tinh thần lợi tha, bình đẳng giữa người thân và người không thân. tuy nhiên nếu cứ lo việc từ thiện mà quên đi những người thân của mình như ông bà, cha mẹ, anh em là những người đang cần được sự giúp đỡ thì đó là hiện tượng chúng ta chạy theo cái danh vọng hão huyền.
            Như vậy sống trong cõi đời trần tục nhiễm ô, nếu ai cố ôm chặt lòng thù hận chấp trước thì không sao tránh khỏi cảnh lầm than đau khổ. Muốn thoát được cảnh khổ vui, thì chúng ta phải gỡ bỏ những mối giây oán hận, tẩy sạch những vết nhơ ô nhiểm trong lòng, cho chúng ta được nhẹ nhàng trong sạch. Phương pháp tháo gỡ và tẩy trừ đó là thực tập cung cách hành xử của Ðức Di Lặc và Tâm Hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả của Ngài.
            Có thực hành theo cung cách hành xử của Ðức Di Lặc và Tâm Hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả của Ngài, thì chúng ta mới vui vẻ tha thứ những lỗi lầm mà người khác đã phạm đến ta, cũng như vui vẻ bỏ lại sau lưng tất cả những tiền tài, danh vọng, tài sắc cho đến thân mạng của chúng ta nếu thấy cần, để làm lợi ích cho chúng sanh. Có tha thứ, lòng chúng ta mới thênh thang, tim ta mới nhịp nhàng cùng với tim mọi người, có xả bỏ, tâm ta mới thanh thoát an tịnh.
            Cuộc đời đen tối, và sầu khổ nhất là cuộc đời của người hay cau có, oán thù. Vì những ai hay cau có thì trên guơng mặt người đó luôn luôn hiện đầy những nét nhăn, đôi mi chau lại có vẻ khó khăn. Những người còn nặng khối hận thù thì lửa hận thiêu đốt cả tim gan và buồng phổi của họ. Còn gì khổ đau hơn khi tim gan bị thiêu đốt. Còn gì xấu xí bằng khi gương mặt nhăn nhó héo sầu. Sống trên đời nầy, nếu chúng ta gặp điều trái ý thì lại mang lòng thù hận và oán hờn. Như chúng ta dùng lời mắng người nào đó, và họ cố trả thù lại, thì ngươi bị mắng kia phải dùng lời khó chịu hơn để trả đũa. Ban đầu còn trả thù bằng miệng, kế trả thù bằng tay chân, và sau cùng phải trả thù nhau bằng dao búa. Khi sơ khởi chỉ thù riêng cá nhân, rồi lan dần đến thù chung của gia đình, của thân tộc. Cứ thế oán thù chồng chất mãi biết bao giờ mới dứt. Ðức Phật dạy:
            - Lấy oán trả oán, oán mãi chất chồng
            Lấy ân trả oán, oán liền tiêu diệt
            Những người trong lòng cứ mãi ôm ấp hận thù, thì lúc nào cũng tưởng chừng như tất cả những người đang sống chung quanh đều là những kẻ thù muốn hại mình, vì vậy họ sống những ngày đầy lo sợ. Chỉ có những ai biết lấy ân trả oán mới mong dứt sạch thù hận. Như chuyện Quan Huyện một tỉnh nhỏ ở biên giới giữa hai nước Lương và nước Sở trong thời Chiến Quốc. Vị quan huyện nầy trả thù người cào dưa của mình bằng cách ra công tưới dưa cho người, nhờ đó mà hận thù dứt sạch. Câu chuyện như sau:
            Vào thời Chiến Quốc, Lương và Sở là hai nước láng giềng ở cạnh nhau, một vùng biên giới của hai nước, dân chúng đều trồng dưa. Dân nước Lương siêng năng chăm sóc tưới tẩm, nên dưa tốt. Trái lại dân nước Sở lười biếng nên dưa xấu. Dân Sở thấy vậy, sanh lòng đố kỵ, mỗi đêm lén chạy qua nước láng giềng cào dưa của người. Dân Lương thấy dưa của mình mỗi ngày chết một ít, lấy làm lạ, theo dõi và phát giác ra nguyên nhân, bèn dự định sẽ lén qua rẫy của dân Sở cào dưa để trả thù.
            Quan Huyện nước Lương là Tống Tựu, biết được ý đồ ấy, bèn ngăn lại và dạy dân mình rằng:
            - Thay vì đi cào dưa mỗi đêm, ta hãy lén sang bên ấy tưới dưa cho người có phải tốt không?
            Dân Lương bèn y lời. Nhờ đó mà rẫy dưa của dân Sở ngày một xanh tốt. Dân Sở ngạc nhiên, theo dõi và biết được nguyên do, lấy làm hổ thẹn.
            Chuyện đến tai quan huyện, rồi Vua Sở. nhà vua bèn sai người mang lễ vật sang tạ tội vua Lương và kết tình giao hữu.
            Lòng đố kỵ, ganh ghét là một trong những tật xấu của con người ở trần gian nầy. Chúng ta ganh ghét khi chúng ta thèm thuồng, ước mơ những gì mà người khác có được còn chúng ta thì mất, người khác có và chúng ta thì không. Chúng ta ganh ghét vì mê mờ không rõ lý nhân quả... như những người nước Sở. Ðâu phải khi không mà dưa người ta tốt hơn dưa của mình? Người ta siêng mình lười biếng... Vậy mà khi thấy kết quả tốt đẹp của người ta, mình lại vác cào sang phá hoại kết quả ấy thì thật là thô lỗ và trẻ con.
            Cũng thế, đâu phải đương không người ta đẹp đẽ, mà chúng ta xấu xí, người giàu sang thông minh còn chúng ta nghèo hèn ngu tối? Khi đã thấu rõ lý Nhân Quả thì không còn ganh ghét và tật đố nữa.
            Thời Chiến Quốc, Phật Giáo chưa phổ cập đến Trung Hoa nhưng Tống Tựu đã có một cách xử lý nội vụ rất tài tình. Lấy đức báo oán và dạy mọi người Lý Nhân Quả bằng tấm lòng bao dung, là tâm hạnh hỷ xả, là hành động thiết thực nhất:
            - Tưới dưa cho người
Ðể dưa của mình và người đều được sai quả, nhờ đó mà hai nuớc tránh khỏi những sự hiềm khích đổ vỡ, có thể đưa đến chiến tranh. Còn gì vui sướng hơn khi chúng ta có tâm lượng bao dung sẳn sàng tha thứ mọi lỗi lầm cho người. Do vậy, khi chúng ta thấy một người làm việc phước thiện, như cúng chùa hay tặng hội từ thiện một số tịnh tài chẳng hạn, nếu chúng ta phát tâm tùy hỷ, nghĩa là vui theo với việc thiện người khác làm được, thì chúng ta cũng được phước báu như người đó. Bởi vì, trong kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy:
- Khi có người mồi ngọn đuốc được sáng rồi, nếu người khác đến mồi từ ngọn đuốc đó, thì ngọn đuốc sau cũng sáng như vậy, trong khi ngọn đuốc trước không giảm sáng chút nào.
Cho nên chúng ta biết chắc chắn rằng, khi có người phát tâm làm việc phước thiện, thì tâm từ bi của người đó tăng trưởng, tâm tham lam bỏn sẻn của họ giảm bớt. Họ được phước báu, giảm bớt phiền não, lần lần tâm tánh của họ được thanh tịnh, cuộc sống của họ được an lạc hơn, hạnh phúc hơn. Chúng ta cũng vậy, do thực tập tâm từ bi, chúng ta sẽ làm được nhiều việc phước thiện mà không biết mệt mỏi, và do tâm hỷ xả chúng ta vui vẻ bỏ qua hết, quên hết tất cả những việc đã làm, quên hết tất cả những việc bất như ý mà chúng ta an vui. Trong tâm thức của chúng ta không có bốn tướng:
- Tướng Ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả.
Tức là chúng ta không thấy có mình là người làm phước, có kẻ khác là người nhận lãnh và không nhớ, không để tâm đến những việc tốt chúng ta đã làm, đã cho, đã giúp đỡ bao nhiêu người khác. Như vậy chúng ta sẽ không cầu được báo đáp, không kể lể, không đòi hỏi bất cứ ai nhớ ơn chúng ta, thì chúng ta không có phiền não chút nào cả, nếu gặp phải những người không biết chuyện ơn nghĩa thì chúng ta nhớ rằng chúng ta đã và đang thực tập tâm hạnh của Ðức Di Lặc, chúng ta cũng có thể nhớ đến câu:
- Làm ơn không cần đền trả.
Cách nghĩ nầy cũng là lối tự sách tấn cho chính mình rất tích cực. Chúng ta sở dĩ bị sanh tử luân hồi nhiều đời nhiều kiếp, bởi vì chúng ta dính mắc quá nhiều. Chúng ta chẳng những không biết buông xả, trái lại, còn chứa nhóm quá nhiều thứ trong kho tàng tâm thức của chúng ta.
III- Kết Luận
Qua hình ảnh của Ðức Di Lặc, chúng ta nhìn thấy sáu đứa nhỏ móc tai, chọc mắt ngài, nhưng trên gương mặt Ngài vẫn nở nụ cười tự tại. Hình dáng ấy để tượng trưng cho người đã hỷ xả sáu căn toàn vẹn. Ðức Di Lặc không cười sao đặng, bởi vì ngoại cảnh không còn gì quyến rũ được Ngài. Tâm Ngài lúc nào cũng an nhiên thì quyết định trên gương mặt hẳn luôn luôn hoan hỷ.
Còn gì vui sướng hơn, khi chúng ta có tâm lượng bao dung sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm cho người. Khi nào thấy lòng chúng ta không còn một mảy may thắc mắc, không còn một chút bợn hận thù, đó là lúc chúng ta hoàn toàn an lạc. Người mà lòng được thanh thoát nhẹ nhàng thì gương mặt vui tươi, lời nói thanh nhã, cử chỉ thư thái, toàn thân hiện ra phong độ khả ái, khả kính. Con người ấy có mấy khi buồn khổ, vì thế nên họ trẻ mãi sống dai. Sách có câu:
            - Thù ghét là sâu mọt đục khoét người, làm cho người chóng xấu, chóng già, chóng chết. Yêu thương và tha thứ là suối nước cam lồ tưới vào lòng người, làm cho người tươi đẹp, trẻ trung, sống dai và sống mãi.
            Danh vọng tài sắc... ở đời là những cạm bẫy hại người, nhưng vì nó có công năng hấp dẫn quyến rũ khiến người đời phải mê mẩn say sưa để rồi chịu khổ. Phần đông người đời ngỡ rằng đuổi bắt tài sắc, danh vọng ... là hạnh phúc, và bởi đắm nhiễm sắc, tài, danh vọng. Càng đuổi bắt nó càng chuốc khổ về mình, nên người đời phải luống chịu đau khổ.
            Dứt bỏ những tham nhiễm là điều không phải dễ, mà dứt bỏ một cách vui vẻ lại càng khó hơn. Nếu ai mắt thấy sắc đẹp, tai nghe tiếng hay, mà lòng không ái nhiễm, đó là bực siêu nhân. Ngài Phù Dung Thiền Sư thường nói:
            - Nghe tiếng hay, nhìn sắc đẹp như hoa trồng trên đá, thấy tài lợi danh vọng như bụi rơi vào mắt....
Chúng ta làm được như vậy mới thực sự là tự tại an vui, là chúng ta đã bước vào cảnh giới của Ðức Di Lặc, nơi đó chúng ta không bị bất cứ phiền não nào tác động, thân tướng của chúng ta có lẽ lúc đó cũng sẽ mập mạp khỏe mạnh, tâm trí thanh thản, nét mặt lúc nào cũng hoan hỷ vui tươi. Vì vậy, nếu chúng ta muốn được an nhiên tự tại, muốn được hạnh phúc ngay hiện đời, chúng ta phải noi gương Ngài để tu bốn hạnh từ, bi, hỷ, xả.
Tóm lại thực tập được Tâm Hạnh Hỷ Xả, là một cách giáo dục bản thân. Thực tập Tâm Hạnh Hỷ Xã là chúng ta đã thực tập được hạnh lắng nghe, có lắng nghe chúng ta mới hiểu và giúp người khác được
            Ðừng tranh cãi. Càng nói nhiều, cái tôi càng tác quái càng dễ tạo lỗi lầm, nhất là rơi vào vòng thị phi, tôi đúng anh sai, mà kết quả là ta thêm ích kỷ tự khoe và tự đại.
            Khi chúng ta sắp hưởng thụ điều gì vui suớng hãy tự nghĩ: Cha mẹ, kẻ thân yêu nhất của ta chắc hẳn họ sẽ vui vô cùng nếu chúng ta nhường phần vui nầy cho họ, chia xẻ niềm vui, phước báu của bạn với người khác.
Làm được như thế chúng ta mới có thể bỏ qua những oán thù, có bỏ qua những oán thù thì lòng chúng ta được nhẹ nhàng thanh thoát đó là cái vui của phàm nhân. Hỷ xả những tài, sắc, danh vọng ... cho tâm được tự tại, đó là cái vui của bậc tu hành đạo giải thoát. Hỷ xả thân mạng mình để cứu độ chúng sanh làm cho tất cả chúng sanh được an lạc đó là cái vui của Bậc đại Bồ Tát. Người Phật Tử quyết tâm dứt khổ tìm vui thì phải tu và thực tập cách hành xử của Ngài Di Lặc, là tâm hạnh Từ, Bi, Hỷ và Xả. Thực tập Tâm Hạnh Từ, Bi, Hỷ, và Xả một phần, thì chúng ta được vui một bậc. Ðến khi nào Tâm Hạnh Từ, Bi, Hỷ và Xả toàn vẹn rồi thì lúc đó chúng ta sẽ có được cái niềm vui miên viễn. Như vậy, vui và khổ không phải do ai đem đến hay ban cho, mà chính chúng ta tự tạo lấy.
 
Tài Liệu Tham Khảo
- Phật Học Phổ Thông
- Cư Trần Lạc Ðạo
- Tu Tâm Dưỡng Tánh
-- o0o --