Ba Ngày Giải Phóng Thăng Long
Nguyễn Mộng Khôi
--o0o--
 
- Núi dậy sấm cho sông lòe chớp
Cờ Tây Sơn bay rợp Bắc Hà.
(Trả Ta Sông Núi - Vũ Hoàng Chương)
 
Nói đến sự kiện lịch sử ba ngày giải phóng Thăng Long là phải nói đến tài dùng binh thần tốc của Hoàng Ðế Quang Trung và chiến lược của mưu thần Ngô Thời Nhiệm.
Năm Ðinh Mùi (1787), hay tin Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên quyền ở Thăng Long (Hà Nội), Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra giết đi. Lê Chiêu Thống thấy Nguyễn Hữu Chỉnh là người thân tín bị thảm sát, vội bỏ kinh đô, chạy lên Bắc Ninh rồi tìm đường sang Tàu cầu cứu. Ðược ít lâu, Vũ Văn Nhậm lại cũng chuyên quyền, Bắc Bình Vương lập tức lên đường. Mười ngày sau tới Thăng Long (1788), hồi canh tư, Vương ập vào tổng hành dinh giữa lúc Nhậm còn đang ngủ say. Vương cho võ sĩ đâm chết ngay trên giường rồi trở về Phú Xuân (Huế), giao Bắc Hà cho Ðại tư mã Ngô Văn Sở coi việc quân sự; và Tả thị lang Ngô Thời Nhiệm đảm trách việc chính trị.
Ngô Văn Sở là tướng tâm phúc, theo Vương từ lâu; còn Ngô Thời Nhiệm đậu Tiến sĩ năm 23 tuổi (1769), vốn là cựu thần nhà Lê, nay được Bắc Bình Vương tin dùng. Nhiệm gặp Vương đem lòng mến phục và mang hết sở học uyên bác ra để tận trung báo quốc. Vương bảo với chúng tướng:
- Trong bọn nhân sĩ Bắc Hà ngày nay ta nhận thấy duy có Nhiệm là tài thông hiểu tường tận mọi việc. Nhiệm chính là cánh tay phải giúp ta làm nên đại sự sau nầy.
Nhiệm tổ chức lại guồng máy chính quyền ở Thăng Long, mời một số người có tài đức ra giúp nước như Phan Huy Ích, Ngô Duy Lưu, Dương Hành... Trường hợp danh sĩ Ðặng Trần Thường muốn ra cộng tác với Tây Sơn, nhưng bê tha rượu chè nên không được mời, Thường bất mãn bỏ đất Bắc vào Nam theo Nguyễn Ánh. Trong khi sự cải tổ đang tiến hành tốt đẹp thì Lê Chiêu Thống sang Tàu báo cáo mọi việc xảy ra ở Bắc Hà cho Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị (Qing Gao Zong):
- Họ Lê là công thần nước Tàu, nay bị giặc lấy mất nước, mẹ và vợ Tự quân sang cầu cứu, tính cũng nên thương.  Vả, nước Nam vốn là đất cũ của Tàu. Nếu sau khi cứu được nhà Lê; và lại lấy đất An Nam, thật là lợi cả đôi đường.
Vua Càn Long chấp thuận luôn đề nghị, rồi huy động binh mã bốn tỉnh Vân Nam (Yun Nan), Qúi Châu (Gui Zhou), Quảng Ðông( Guang Dong) và Quảng Tây (Guang Xi) dưới quyền tổng chỉ huy của Tôn Sĩ Nghị. Ðại quân gồm 200 ngàn dân công, chia ra làm 3 đạo sang đánh nước ta vào đầu tháng 11(ta), năm 1788. Lê Chiêu Thống cũng theo gót quân Thanh về nước.
Ðạo thứ nhất do chính Tôn Sĩ Nghị và đề đốc Hứa Thế Hanh (Hsu Shih Heng)theo đường Lạng Sơn, qua cửa Nam Quan(Nan Guan) đánh vào.
Ðạo thứ nhì do Ðề đốc họ Ô (Wu) thống lĩnh quân đội Vân Nam và Qúi Châu từ Tuyên Quang tới (khi xưa đất Hà Giang, Lào Kay, Yên Bái thuộc tỉnh Tuyên Quang)
Ðạo thứ ba do Ðiền Châu tri phủ Sầm Nghi Ðống (Cen Yi Dong) từ Cao Bằng đổ xuống.
Ngô Văn Sở được tin quân Thanh xâm phạm lãnh thổ bèn họp các tướng lãnh để tính kế cự địch. Hầu hết các võ tướng Tây Sơn đều muốn đem quân chận đánh vì theo cách suy diễn của họ thì quân ta nghỉ ngơi mà quân Thanh đang nhọc mệt. Lấy quân nghỉ ngơi mà đánh quân mệt nhọc(dĩ dật đãi lao) thì nhất định phải thắng. Ngô Thời Nhiệm tính kế rút lui vào đèo Tam Ðiệp là chỗ hiểm yếu để đợi quân Phú Xuân của Bắc Bình Vương. Ông bảo :
- Ðánh bây giờ là như trứng chọi đá, chi bằng cứ cho chúng ngủ trọ một đêm rồi mai đuổi nó đi.
Ngô Văn Sở phục là cao kiến, nhưng tỳ tướng của Sở là Phan Văn Lân xin đánh một trận để thử sức. Sở cấp cho Lân 1000 quân. Trời bấy giờ rét buốt. Quân Tây Sơn vuợt sông Nguyệt Ðức đánh vào quân Thanh đang đóng ở núi Tam Tầng. Ðạn của giặc bắn ra như mưa. Quân của Lân chết rất nhiều. Tôn Sĩ Nghị lại phái một toán kỵ binh từ mạn thượng lưu vượt qua sông đánh úp lấy đồn Thị Cầu. Lân cả sợ, đem tàn binh chạy về Thăng Long; rồi nhập với đoàn quân của Ngô Văn Sở đang rút lui.
Sau trận ở Tam Tầng thì Thăng Long bỏ ngỏ. Ba đạo quân Thanh tiến vào mà không tốn thêm một mũi tên, viên đạn. Tôn Sĩ Nghị nghĩ ngay tới việc lập đồn lũy bốn phía chung quanh để phòng thủ Thăng Long.
Phía Ðông Thăng Long có sông Hồng như một chướng ngại thiên nhiên. Nghị còn lập đại bản doanh ngay trên bãi cát giữa sông rồi bắc cầu phao để tiện việc đi lại.
Từ phía Bắc Thăng Long, chạy ôm vòng sang phía Tây rồi bọc xuống phía Nam, Nghị cho đắp những chiến lũy như Tây Long Cung, Ðống Ða, Văn Ðiển, Quỳnh Ðô, Ngọc Hồi, Hà Hồi... Như vậy, Thăng Long nằm trong khu tứ giác phòng thủ. Sự phòng thủ chặt chẽ và kỹ lưỡng chưa từng thấy so với thời quân Nguyên, Minh... Nghị vốn là danh tướng của Thanh triều, văn võ toàn tài, đậu tiến sĩ triều Thanh Thế Tông (Ching Shih Tsung). Lập được nhiều chiến công trong khi bình định Ðài Loan (Tai Wan) và dẹp được nhiều cuộc nổi loạn trong nước.
Những kẻ theo giặc, những bọn Khách trú thì yên trí, hớn hở sắm tết. Họ tin vào tài điều binh của Nghị. Nhưng những người quan tâm đến tiền đồ đất nước thì lo âu, sợ rằng đất nước ta lại rơi vào vòng nô lệ.
Mấy năm gần đây, Bắc Hà bị thiên tai, mất mùa ba năm liền. Bây giờ phải nuôi thêm 300 ngàn quân dân Tàu, nên nhiều nơi dân chúng bị đói. Ðã vậy, một số quân Thanh ỷ thế làm bậy, hàng ngày kéo nhau vào nhà dân chúng đánh người, cướp của, hãm hiếp đàn bà con gái, không còn kiêng nể một thứ gì.
Ngày 22 tháng 11, Sĩ Nghị làm lễ tại điện Kính Thiên để tuyên đọc tờ sớ của vua nhà Thanh phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam Quốc Vương.
Sau khi được sắc phong, Chiêu Thống nghỉ ngay đến việc đền ơn, trả oán. Những người trước kia giúp ông, nay được trọng thưởng. Những kẻ theo Tây Sơn đều bị hành hạ hoặc bị giết. Ðàn bà trong tôn thất lấy tướng sĩ Tây Sơn đã có mang thì Chiêu Thống sai mổ bụng, lấy bào thai quăng đi để cho chết cả mẹ lẫn con. Hoàng đệ Lê Duy Lưu, phò mã Dương Hành bị chặt chân quăng giữa chợ. Thậm chí tấm bia tiến sĩ của Ngô Thời Nhiệm dựng ở văn miếu cũng bị đục bỏ.
Thấy Lê Chiêu Thống tàn ác như vậy, bà Thái Hậu là mẹ ruột cũng bất bình:
- Ta cay đắng mới xin được quân(Tàu) đến cứu. Nay đền ơn, mai trả oán, phá hại thế nầy, nước nhà phỏng còn gì nữa? Việc hỏng đến nơi rồi!
Còn việc quân, đáng lẽ phải thúc đẩy gấp thì thầy trò Chiêu Thống chẳng hề nghĩ đến, khiến nhiều đạo quân cần vương chán nản rồi bỏ đi.
Ngày 24 tháng 11 năm Mậu Thân(1788), quân Tây Sơn vào đến đèo Tam Ðiệp. Ngô Văn Sở cho quân giữ vững vị trí, đồng thời đưa tin cấp báo vào Phú Xuân việc Tôn Sĩ Nghị dưới danh nghĩa Cứu Lê đem quân vào Thăng Long, khí thế rất mạnh mẽ.
Ðược tin nầy, Bắc Bình Vương lập tức hội các tướng sĩ để bàn việc đem binh ra đánh. Các tướng đến xin Ngài chính ngôi tôn, để yên lòng người rồi hãy khởi binh.
Bắc Bình Vương sai đắp đàn ở núi Bàn Sơn (gần phi trường Phú Bài, Huế bây giờ) ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân. Vương làm lễ lên ngôi Hoàng Ðế; rồi thống lĩng thủy bộ đại binh ra đánh giặc Thanh. Ðến Nghệ An nghỉ lại 10 ngày để kén lấy thêm binh. Cả thảy 100 ngàn quân và 100 con voi trận.
Vua Quang Trung điểm duyệt quân sĩ, truyền ba quân phải cố gắng đánh giặc cứu nước. Ðoạn kéo quân ra Bắc. Ðến ngày 20 tháng 12 thì đến đèo Tam Ðiệp. Ngô văn Sở, Ngô Thời Nhiệm ra tạ tội. Nghe Sở, Nhiệm tâu trình xong, nhà vua mỉm cười rồi bảo chúng tướng:
- Kế hoạch rút quân của Nhiệm là có mưu lược, thật hợp ý ta.
Ðể cho quân Tàu thêm kiêu căng, Nhiệm viết một lá thư, rồi cử một sứ đoàn gồm 8 người đi theo Trần Danh Bính đến gặp Tôn Sĩ Nghị ngỏ ý cung thuận với thiên triều, đồng thời trả bọn tuần dương binh của nhà Thanh gồm 40 người bị Tây Sơn bắt khi còn ở Thăng Long.
Sĩ Nghị xé thư, giết Trần Danh Bính và giam toàn thể nhân viên sứ đoàn, rồi truyền hịch kể tội vua Quang Trung và bảo với tướng sĩ là sau khi ăn tết Kỷ Dậu(1789), định ngày mồng 6 tháng Giêng sẽ xuất quân, bắt vua tôi Tây Sơn cùng đánh Quảng Nam để quét sạch cả gốc lẫn ngọn.
Vua Quang Trung cũng truyền hịch cho tướng sĩ ăn Tết nguyên đán trước. Ðịnh ngày mồng 7 tháng giêng Kỷ dậu thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng.
Ngày 30 Tết, quân Tây Sơn tới bến đò Giản Thủy, tức Gián Khẩu, Ninh Bình bây giờ(khoảng 80 cây cố phía Nam Tây Thăng Long). Tướng nhà Lê là Hoàng Phùng Nghĩa hoảng sợ bỏ chạy. Bọn quân tiền sát nhà Thanh cũng bở vía chạy theo, nhưng tới Phú Xuyên, Hà Ðông bị bắt và bị giết hết; vì vậy giặc mất liên lạc, không biết chiến cuộc đang ở thế bất lợi cho chúng.
Quân Thanh và bọn vua tôi Lê Chiêu Thống đang vui chơi ăn Tết thì Tây Sơn cũng đang âm thầm tiến đến Thăng Long.
Nhìn vào hệ thống đồn lũy của quân Thanh, ta phải công nhận Nghị là người có nhiều kinh nghiệm chiến trường. Những đồn lũy vừa kiên cố vừa có sự liên lạc chặt chẽ với nhau. Thật khó phá quá! Chính vì vậy mà ta mới thấy tài dụng binh tuyệt vời của vua Quang Trung. Lúc thì tập kích bất ngờ, khi thì tấn công vũ bão dứt điểm để gây tâm lý hoảng hốt tạo thành thế sụp đổ dây chuyền.
Mục tiêu đầu tiên là đồn Hà Hồi(phía Nam Thăng Long 20 km). Ngày mồng 3 Tết, năm Kỷ Dậu(1789), nữa đêm khoảng giờ Tý. Quân Thanh đang ngủ say sưa, bỗng một tiếng pháo lệnh; rồi tiếng loa nổi lên, tiếng gào thét thay đổi nhiều giọng; nhất là tiếng trống trận Tây Sơn càng khủng bố tinh thần. Quân giặc tưởng như có thiên binh vạn mã, đang ào tới, khủng khiếp như trời long đất lở. Quân giặc không còn hồn vía, liền kéo cờ hàng. Quân ta không tốn một mũi tên, một viên đạn, vào tiếp thu quân nhu và khí giới.
Chiếm xong Hà Hồi, đại quân tức tốc tiến đánh Ngọc Hồi(phía Bắc Hà Hồi 3km). Ðêm mồng 3 Tết, trời tối đen như mực, quân Tây Sơn phải đốt đuốc. Ðàn voi trận gồm 80 con do vua Quang Trung dẫn đầu. Ðoàn tượng binh nầy được huấn luyện kỹ càng, tiến lui khớp nhịp với bộ binh. Sự huấn luyện voi vào việc chiến đấu có từ thời các chúa Nguyễn Ðàng Trong, nay quân Tây Sơn được thừa hưởng cái truyền thống đó. Nguyên, tại làng Nguyệt Biều(đối ngạn chùa Thiên Mụ) là nơi mà xưa kia, nhà Chúa có một đấu trường gọi là Hổ Khuyên để cho voi đấu với hổ. con hổ bị nhổ hết móng vuốt rồi cho đánh nhau với voi, sau trận đấu, thường là hổ bị voi đạp chết. Mục đích đấu Hổ Khuyên là để huấn luyện voi trận (trận đấu sau cùng là năm 1904).
Quân Thanh ứng chiến bằng kỵ binh, nhưng ngựa thấy voi hoảng sợ rống lên rồi chạy tán loạn. Ðịch bị tan vỡ ngay hàng ngũ, vội rút vào cố thủ. Lũy của giặc có cắm chông sắt tua tủa. Ðạn trong đồn bắn ra như mưa. Quân ta vẫn cảm tử tiến tới. Ðể ngăn tên đạn, quân ta đã chuẩn bị trước, lấy 60 tấm ván gỗ, cứ 3 tấm xếp lại thành một bó, ngoài phủ rơm nhào với bùn; rồi 10 người khiêng một bó đi trước, lưng giắt đoản đao, theo sau là 20 khinh binh tiến thành hàng chữ nhất. Quân Thanh đốt thuốc súng, bắn hỏa pháo, khói mù mịt bốc ra để theo gió Bắc thổi tới. Quân ta mờ mắt, không tiến được nữa và bắt đầu lâm vào thế bất lợi. Bỗng gió đổi hướng, khói lại thổi ngược về phía địch. Dưới ánh đuốc chập chờn đám quân có ván rơm liền lăn xả vào tiền tuyến, quăng ván xuống để đè lên chông sắt. Bọn có đoản đao ùa theo, lướt qua lằn đạn, phá cửa lũy tràn vào đồn như nước vỡ bờ.
Quân hai bên bắt đầu đánh cận chiến. Lớp nầy ngã, lớp kia xông tới. Sắt thép đụng nhau vang lên những tiếng lanh lảnh rợn người. Một thứ võ khí mới của quân Tây Sơn là súng hỏa hổ, rất lợi hại khi đánh gần. Súng nầy là một cây bương rỗng ruột, nhét đầy thuốc pháo ở trong, được xử dụng như súng phun lửa ngày nay. Mùi thịt cháy khét lẫn mùi thuốc súng và máu tanh nồng lộn mửa. Lửa đỏ rực góc trời. Lợi hại nhất vẫn là đàn voi xung kích. Chúng điên cuồng đạp chết biết bao địch quân.
Quân Thanh chịu không nổi, bỏ đồn chạy thoát thân. Bọn chúng lại rơi vào các máy ngầm, các hầm chông và những quả địa lôi do chính chúng gài đặt trước. Những tên sống sót, quần áo tả tơi, thân thể đầy máu chạy về phía những đồn lũy giặc ở phía Bắc. Chính đám tàn binh nầy làm cho quân giặc ở những đồn lũy khác sợ hãi và mất tinh thần chiến đấu.
Ðến sáng, đồn Ngọc Hồi thất thủ. Ðoàn quân chiến thắng của ta hò reo tiến thẳng lên Thăng Long. Trên đường tiến quân, hạ thêm hai đồn ở Văn Ðiển và Yên Quyết một cách dễ dàng. Các tướng Tàu như Ðề đốc Hứa Thế Hanh, Tả dực Thượng Duy Thăng (Shang Wei Sheng), Tiên phong Trương Triều Long(Zang Zhao Long) bỏ mạng ngay ở chiến địa.
Ðồng thời một đạo quân của Ðô đốc Long cầm đầu theo kế hoạch đã tiến đến Khương Thượng, vây kín đồn binh của Sầm Nghi Ðống. Quân Thanh cầm cự, nhưng khi kiệt lực mà không có viện binh và đạn dược. Họ Sầm không chịu đầu hàng, chạy tới gò Ðống Ða (nay thuộc quận Ðống Ða, thuộc Hà Nội) treo cổ tự vẫn trên cành đa.
Trưa ngày mồng bốn Tết, Tôn Sĩ Nghị được tin các đồn lũy phía Nam và Tây Nam đã rơi vào tay Tây Sơn. Kỵ binh đi do thám về báo cáo thêm là quân Nam đang rầm rộ kéo vào các cửa Ô, có cả đàn voi trận hung ác dẫn đầu. Nghị mất tinh thần, không kịp đóng yên ngựa, cùng một số thân binh vượt cầu phao sông Nhị Hà, chạy sang Bắc Ninh. Quân các doanh trại cũng chạy theo chủ tướng, xô đẩy nhau không chút gì là trật tự. Cầu phao bị đè nặng, chịu không nổi. Cầu sập, hàng vạn quân Tàu chết đuối. Nghị chạy đến Phượng Nhỡn lại rơi vào ổ phục kích của Ðô đốc Lộc. Hai chục thớt voi xông ra giày dạp quân Thanh chết vô số kể. Nghị và bọn thủ túc mất tinh thần, chạy thục mạng làm đánh rơi cả những sắc thư bí mật của vua Càn Long gửi cho họ Tôn những chỉ thị đánh chiếm nước ta để trở thành thuộc quốc như xưa. Lê Chiêu Thống bám sát Tôn Sĩ Nghị theo về Tầu, sau bị triều đình Mãn Thanh bắt phải ăn mặc và phải theo phong tục Trung Hoa rồi chết nhục nhã ở Quế Lâm(Gui Lin), tháng 10 năm Quí Sửu (1793) hưởng dương 28 tuổi.
Ngày Mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), giờ Thân (khoảng 4 giờ chiều), vua Quang Trung cùng đại quân và 80 thớt voi tiến vào Thăng Long. Dân kinh đô bày hương án đón Ngài, họ mong quân giải phóng như đại hạn mong mưa. Tính ra từ khi xuất quân ở Phú Xuân đến mồng 5 Tết là 40 ngày. Nhưng nếu tính từ khi bắt đầu đánh Hà Hồi lúc nữa đêm ngày mồng 3 Tết đến chiều mồng 5; thì tất cả chỉ mất gần 3 ngày. Khi mới xuất quân, Ngài dự trù mồng 7 tháng giêng vào Thăng Long, như vậy là giải phóng Thăng Long sớm được 2 ngày.
Thanh triều được tin Tôn Sĩ Nghị thua trận một cách nhục nhã, vua Càn Long cử ngay Phúc Khang An(Fu Kang An) làm Lưỡng Quảng Tổng Ðốc, định đem 500 ngàn quân đánh trả thù.
Phúc Khang An ra đến Quảng Tây(Guang Xi) nghe tiếng quân Nam thế mạnh, nên sợ và có ý muốn hòa, bèn sai người đưa thư sang nói việc lợi hại và bảo phải làm biểu tạ tội để cho yên việc binh đao.
Vua Quang Trung cũng không muốn chiến tranh lúc này. Một mặt Ngài sai Ngô Thời Nhiệm viết biểu tường trình, trong đó có đoạn:
- Nước Nam vốn không giám chống cự với đại quốc, nhưng chỉ vì Tôn Sĩ Nghị làm nhỡ việc cho nên phải thua. Vậy nay xin tạ tội và xin giảng hoà...
Một mặt nhà vua cho một vị quan đút lót tiền bạc cho Phúc Khang An và Hoà Thân(He Qui), một nội quan rất thân cận của vua Càn Long. Nhờ vậy mà Thanh triều bỏ ý định đánh trả thù. Vua Quang Trung ngợi khen Ngô Thời Nhiệm:
- Ngòi bút của Thời Nhiệm có sức mạnh phi thường, ngăn được 50 vạn quân sĩ nhà Thanh.
Ngày 26 tháng 7 năm 1789, tiếp được biểu cầu phong của vua Quang Trung, Phúc Khang An, Hoà Thân... đề nghị Thanh Triều phong cho vua Quang Trung là An Nam Quốc Vương. Nhưng vua Càn Long muốn biết mặt người anh hùng đã đánh tan 30 vạn dân quân của họ Tôn trong vòng 3 ngày, nên vời quốc vương ta sang chầu. Vua Quang Trung chọn Phạm Công Trị có hình vóc giống mình đi thay. Tới Yên Kinh (Yan Jing), vua Nam và phái đoàn được triều Thanh đón tiếp hết sức long trọng. Lúc về Vua Nam được Càn Long sai thợ vẽ truyền thần để ban cho cùng nhiều quí vật.
Ngô Thời Nhiệm còn gửi Thanh triều Biểu Ðòi Bỏ Lệ Cống Người Vàng. Biểu nầy lợi ích không những cho triều Tây Sơn mà còn tiết kiệm bao nhiêu vàng cho ngân qủy quốc gia của những triều Nguyễn sau nầy. Cái lệ cống người vàng có từ năm 1428 khi mà Bình Ðịnh Vương Lê Lợi sau khi đánh đuổi quân nhà Minh, lên ngôi vua. Nhà Minh phong cho Lê Lợi làm An Nam Quốc Vương, nhưng lệ cứ ba năm một lần phải cống vật sang Trung Quốc. Ngoài những quí phẩm, bắt buộc phải có 2 tượng bằng vàng nặng bằng người thiệt(Ðại Thân Kim Nhân) để thế mạng cho Liễu Thăng(Liu Sheng) và Lương Minh (Liang Ming) bị giết trong trận phục kích ở Chi Lăng. Các vua Lê sau này, đến Mạc và những vua Lê đời Trung hưng cũng vẫn tiếp tục lệ cống người vàng. Vua Quang Trung sai Ngô Thời Nhiệm viết biểu trần tình, lý luận rằng, lệ cống người vàng để thế mạng đã trải qua hơn 360 năm, nếu Lương Minh và Liễu Thăng không bị quân Lê giết thì cũng đã chết lâu rồi. Vua tôi nhà Thanh thấy nước ta hùng cường đành chịu bãi bỏ lệ đó.
Năm 1792 vua Quang Trung thấy Ðại Việt đã đủ mạnh, muốn theo gương Lý Thường Kiệt để đánh Tàu. Ngài sai Ngô Thời Nhiệm thảo liên tiếp hai bức thư gửi cho vua Càn Long đại ý muốn kết hôn với công chúa nhà Thanh và muốn xin lại đất Lưỡng Quảng (Liang Guang) làm của hồi môn.
Những bức thư nầy của vua Quang Trung chủ ý là khiêu khích, nếu không được chấp thuận thì lấy cớ để khởi binh. Nhưng cả hai yêu sách đều được chuẩn y cả: Việc xin hai tỉnh Quảng Ðông(rộng 160,000Km2), Quảng Tây(236,300 Km2) thì vua ưng cho một, tức là cho tỉnh Quảng Tây để làm chỗ đóng đô. Việc cầu hôn được mỹ mãn hơn. Vua Càn Long liền sai bộ lễ sửa soạn nghi lễ cưới gả. Bên nhà trai, Ngô Thời Nhiệm cầm đầu sứ đoàn đi đón dâu. Sứ đoàn tới Yên Kinh(tức Bắc Kinh bây giờ) được vài ngày thì được tin vua Quang Trung đột ngột từ trần vào ngày 29 tháng 7 năm 1792, lúc đó Ngài 40 tuổi. Sứ đoàn đổi lễ cưới thành lễ tang!
Câu chuyện khôi phục Lưỡng Quảng và mối duyên Việt Thanh tan ra mây khói. Phái đoàn ta lặng lẽ rời Yên Kinh. (Tài liệu Ðại Chính Biên Liệt Truyện quyển 30, tờ 41b thì việc cầu hôn và đòi Lưỡng Quảng trên đây, nhưng nhiều sách khác chép lại là khi sứ đoàn đến Yên Kinh thì được tin vua Quang Trung mất, liền bỏ tờ Biểu Khiêu Khích và đổi ra tờ Biểu Cáo Ai).
Sau khi vua Quang Trung mất, thái tử Quang Toản mới 10 tuổi lên ngôi. Toản tin dùng người cậu là Thái Sư Bùi Ðắc Tuyên. Ðắc Tuyên chuyên quyền, chỉ dùng những người chân tay thân tín. Những công thần như Ngô Thời Nhiệm, Trần Văn Kỷ, Vũ văn Dũng... thì không được trọng dụng nữa. Triều đình Tây Sơn bắt đầu xuống dốc.
Năm 1798, Ngô Thời Nhiệm từ quan, về mở Trúc Lâm Thiền Viện tại phường Bích Câu(gần Văn Miếu, Hà Nội bây giờ), lấy đạo hiệu là Hải Lương Thiền Sư và tự nhận là kế thừa phái Trúc Lâm Yên Tử. Về sách đạo ông soạn những cuốn như Tam Tổ Hành Trạng, để ghi lại công đức của phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tôn, Pháp Loa và Huyền Quang. Cuốn Trúc Lâm Tông Chi Nguyên Thanh là cuốn trình bày tư tưởng Phật Giáo để rọi sáng cho ý thức hệ Nho Giáo hầu mong diễn giải những vấn đề có giá trị văn học.
Năm 1802, nhà Tây Sơn sụp đổ. Chúa Nguyễn Ánh giành được đế nghiệp và thống nhất sơn hà, lấy niên hiệu là Gia Long. Vua Gia Long giao cho Ðặng Trần Thường xét xử những cựu thần Tây Sơn. Người  đầu mà Thường nghĩ tới là Ngô Thời Nhiệm. Những năm còn trẻ, Thường và Nhiệm là bạn thơ. Khi bàn về thơ văn hay tranh luận về thời cuộc bao giờ Thường cũng đuối lý, khiến Thường đem lòng đố kỵ. Có lần túng thiếu, lương dạy học không đủ ăn, Thường đến nhà Nhiệm mượn tiền, làm bài thơ:
- Ngất ngưởng đồ Thường đã đến đây,
Có tiền xin mượn lấy năm chầy.
Năm chầy không được ba chầy vậy.
Phiếu mẫu đền ơn cũng có ngày.
Ðã không có tiền mà giọng ngất ngưởng như kẻ say rượu Nhiệm không cho mượn, Thường giận dỗi ra về.
Nhưng điều mà Thường hận nhất là khi Bắc Bình Vương giao cho Nhiệm được quyền tuyển chọn sĩ phu Bắc Hà ra giúp nước thì Thường không được tiến cử. Ðã mấy lần Thường tới nhà Nhiệm ngỏ ý muốn xuất chính nhưng đều bị từ chối. Thường bỏ đất Bắc vào Nam theo chúa Nguyễn Ánh. Sau làm tới chức Binh Bộ Thượng thư.
Bây giờ trong tư thế của người thắng kẻ thua! Ngô Thời Nhiệm bị căng nọc ở giữa sân Văn Miếu(Thăng Long). Ðặng Trần Thường chọn Văn Miếu vì Ngô Thời Nhiệm là sĩ phu, xuất thân cửa Khổng sân Trình mà lại đi theo giặc Tây Sơn, làm ô nhục Thánh Hiền.
Trước khi đánh đòn, Ðặng Trần Thường mỉa mai ra một vế đối:
- Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai.
Ngô Thời Nhiệm liền đáp:
- Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.
Xuân Thu là tên một quyển sách nổi tiếng do đức Khổng Tử san định. Ðem chữ Xuân Thu để đối chữ Khanh Tướng để trả lời cho Ðặng Trần Thường biết là những sĩ phu giúp Tây Sơn thật xứng đáng là học trò Khổng Mạnh. Lẽ ra Thường là người quân tử thấy Nhiệm đáp hay như vậy thì tha tội. Nhưng Thường vẫn ra lệnh đánh đủ 100 roi. Thường lại có ác ý bảo thuộc hạ đánh mạnh tay cho chết. Ngô Thời Nhiệm chết tại sân Văn Miếu ngày 16 tháng 2 năm Quí Hợi (09 tháng 03 năm 1803). Tiến sĩ Phan Huy Ích cũng bị Thường sai đánh đòn và cho về quê làm ruộng, nhưng không được hành nghề dạy học.
            Sau nầy, chính Ðặng Trần Thường cũng bị Lê Chất dâng biểu tố cáo là nhũng lạm khi ở Bắc Thành. Thường bị triều đình nhà Nguyễn nghị án xử giảo(thắt cổ) năm 1816.
            Ðọc những trang lịch sử triều Tây Sơn, chúng ta không khỏi thương tiếc vua Quang Trung, Ngô Thời Nhiệm và những chiến sĩ đã bỏ mình cho cuộc giải phóng Thăng Long. Nếu Hoàng Ðế Quang Trung và mưu thần Ngô Thời Nhiệm sống thêm được ít năm nữa thì cục diện nước Việt chắc chắn đổi khác; vì với một lãnh thổ rộng lớn, bao gồm đất Lưỡng Quảng; với một sự chuẩn bị chu đáo tới khi Thái Tử Quang Toản lớn khôn thì chưa chắc nước Việt Nam đã bị một trăm năm nô lệ của người Pháp và đất nước không phải chịu cái nhục như bây giờ.
-- o0o --