Phóng Dao
Trúc Giao
--o0o--
 
            Trước khi có một nền văn chương bác học, Việt Nam đã có nền Văn Chương Bình Dân Truyền Khẩu, văn chương truyền khẩu nầy chính là tục ngữ, ca dao đã được hình thành lâu đời trong lòng dân tộc Việt Nam. Bây giờ chúng ta lần lượt tìm hiểu:
            A- Tục Ngữ
            Tục có nghĩa là thói quen lâu đời. Ngữ là lời nói. Tục Ngữ là những lời nói gọn ghẽ và có ý nghĩa đã được lưu hành tự đời xưa, rồi do cửa miệng người đời truyền đi. Xét về nguồn gốc của tục ngữ Việt Nam có thể chia tục ngữ làm hai loại:
I- Những Câu Vốn Là Tục Ngữ
            Ðây là những câu nói thường, lúc ban đầu cũng do một người nào đó nói ra đầu tiên, rồi vì ý nó xác đáng, lời nói gọn ghẻ, người khác nghe đến nhớ ngay, sau đó cứ thế mà nhắc mà truyền cho đến bây giờ. Mặt dầu được lưu truyền rất rộng rãi trong nhân gian, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn không biết tác giả là ai.
II- Những Câu Thơ Ca Biến Thành Tục Ngữ
Loại tục ngữ nầy là những câu ở trong các bài thơ, hoặc các bài ca của một số tác giả nào đó, nhưng vì ý đúng, lời hay nên được người ta truyền tụng đi và trở thành một câu tục ngữ. Xét về hình thức tục ngữ có thể chia thành hai loại.
1- Những Câu Không Vần:
Những loại nầy thường thì có đối và không đối
            a- Loại Không Ðối: Loại câu nầy chỉ cốt giữ cho đúng ý thôi, chẳng hạn như:
- Ngọt mật chết ruồi.
Hoặc là:
- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
b- Loại Có Ðối: Loại nầy chia thành hai đoạn đối nhau, chẳng hạn như:
- No nên bụt, đói nên ma
2- Những Câu Có Vần:
Những loại câu nầy rất nhiều. Vần trong các câu tục ngữ nầy thường là yêu vận, nghĩa là vận ở lưng chừng câu, thỉnh thoảng mới có cước vận, tức là vần ở cuối câu, như:
- Ăn cây nào, rào cây nấy
Hoặc là:
- Khôn cho người dái, dại cho người ta thương
Dở dở ương ương, tổ người ta ghét.
III- Ý Nghĩa Các Câu Tục Ngữ
 Tục ngữ người Việt Nam chúng ta rất nhiều, và mỗi câu đều có mỗi ý, nhưng tựu trung, chúng ta có thể chia làm các lọai thuộc về luân lý, tâm lý, phong tục, thường thức:
1- Những Câu Về Luân Lý
Nền luân lý trong tục ngữ là một nền luân lý bình thường, tuy không cao siêu, nhưng cũng đủ hướng dẫn con người trở thành một người lương thiện và không đến nỗi khờ dại để người khác lường gạt được.
a- Dạy Ðạo Làm Người:
- Tốt danh hơn lành áo
Hoặc là:
- Sống đục sao bằng thác trong.
b- Dạy Cho Biết Lý Sự Ðương Nhiên
- Khôn sống, mống chết
Hoặc là:
- Mạnh được yếu thua
c- Dạy Người Khôn Ngoan
- Ăn cỗ thì đi trước, lội nước thì đi sau.
2- Những Câu Thuộc Về Tâm Lý
Là những câu diễn tả về thế thái nhân tình, nhờ đó mà chúng ta biết được tâm lý của người đời. Như diễn tả sự rộng rãi và hẹp hòi của con người:
- Của người Bồ Tát, của mình lạt buộc.
3- Những Câu Thuộc Về Phong Tục
Loại nầy diền tả tập tục, tín ngưỡng từng địa phưong
- Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp
B- Ca Dao & Phong Dao
Ca có nghĩa là hát. Dao là những bài hát không có chương khúc. Như vậy Ca Dao là những bài hát ngắn lưu hành trong nhân gian, thường diễn tả tánh tình, phong tục của người bình dân. Bởi thế Ca Dao cũng gọi là Phong Dao. Ca Dao cũng như tục ngữ, không biết tác giả là ai. Chắc có lẽ lúc ban đầu cũng do một người nào đó vì có cảm xúc mà làm nên, rồi người đời sau nhớ lấy mà truyền tụng mãi đến giờ. Thể văn của ca dao thường là lục bát, lục bát biến thể, hoặc là song thất lục bát, song thất lục bát biến thể.
a- Thể Lục Bát: là thể câu sáu chữ, câu tám chữ:
- Thân em như tấm lụa đào
Dám đâu xé lẻ vuông nào cho ai.
b- Thể Lục Bát Biến Thể: Là thể thơ sáu chữ tám chữ, thỉnh thoảng có xen nhừng câu dài hơn sáu chữ, tám chữ như:
- Thân em như hoa gạo trên cây
            Chúng anh như đám cỏ may giữa đường
            Lạy trời cho gió cảm sương
            Cho hạt gạo rụng xuống, để cỏ may xỏ vào.
            Thân chị như cánh hoa sen
            Chúng em như bèo bọt chẳng chen được vào
            Lạy trời cho cả mưa rào
            Cho sen chìm xuống, cho bọt bèo trèo lên trên.
            c- Thể Song Thất Lục Bát: Là thể thơ hai câu bảy chữ, câu sáu chữ, và câu tám chữ như:
            - Bác mẹ già phơ phơ đầu bạc
            Con chàng còn trứng nước ngây thơ
            Có hay chàng ở đâu đây
            Thiếp xin mượn cánh chắp bay theo chàng.
            d- Thể Song Thất Lục Bát Biến Thể: Là loại thơ cũng tương tự như song thất lục bát, nhưng thỉnh thoảng có những câu đệm vào để cho đủ nghĩa như:
            - Tròng trành như nón không quai
            Như thuyền không lái như ai không chồng
            Gái có chồng như gông đeo cổ
            Gái không chồng như phản gỗ long đanh
            Phản long đanh anh còn chữa được
            Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi
            Không chồng khốn lắm, chị em ơi.
            C- Phóng Dao
Như trên chúng tôi đã gợi ý, Ca Dao là những bài hát ngắn lưu hành trong nhân gian, thường để diễn tả tánh tình phong tục của người bình dân. Bởi thế Ca Dao cũng gọi là Phong Dao. Ngày xưa lúc nằm buồn ở Hà Nội, thi sĩ Tản Ðà sáng tác một số thơ ngắn mà ông gọi là Ca Dao hoặc Phong Dao....  Trong số Phong Dao nầy có bài:
- Muốn ăn rau sắn Chùa Hương
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa
Ai đi tôi ở lại nhà
Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm.
Mấy chục năm sau, đúng vào thời điểm sau ngày 30-1975, Công Tử Con Trai Bà Cả Ðọi mấy năm ở tại Thành Hồ, ông ta cũng có những nỗi buồn ray rứt có lẽ cũng không thua gì thi sĩ Tản Ðà ngày xưa. Nhưng Công Tử Con Trai Bà Cả Ðọi có lẽ khá hơn cố thi sĩ Tản Ðà một chút, vì ông ta còn có cơm nhà quà vợ, cũng biết tu hành bằng cách theo lối ăn chay trường, ngày đêm đọc đủ thứ sách vở mà công tử vớ được, nghĩa là từ kinh Phật, tử vi, tiểu thuyết kiếm hiệp ... Trong số những tác phẩm mà Công Tử nghiền ngẩm nầy có những tập sách viết tản mạn về thi sĩ Tản Ðà. Công Tử bèn suy tôn Tản Ðà làm Tổ Sư Phong Dao Việt Nam và bắt chước Tản Ðà làm một số Phong Dao cho đỡ buồn. Trước hết là phóng tác Ca Dao và Phong Dao Tản Ðà, và loại thơ phóng tác nầy Con Trai Bà Cả Ðọi đặt cho cái tên là Phóng Dao. Nếu bạn đọc thích đọc những dòng nầy tức là các bạn đã yêu Ca Dao, thì có lẽ các bạn đọc cũng hình dung được sự sáng tác những bài thơ ngắn giống như Ca Dao. Phảng phất âm điệu, hương vị Ca Dao đã là khó, nhưng phóng tác Ca Dao lại càng khó hơn, nghĩa là chỉ đổi một hai tiếng đi mà làm bài thơ đổi hẳn ý nghĩa. Việc đó mới khó.
Nếu có lúc chúng ta thấy hướng tới của Tục Ngữ và Ca Dao Việt Nam chúng ta có khuynh hướng, hướng dẫn con người về mọi khía cạnh: Ðạo đức, luân lý, phong tục, tập quán, cách cư xử trong đời.... thì Phóng Tác Ca Dao của Con Trai Bà Cả Ðọi, tức là thể thơ mới gọi là Phóng Dao nó lại cao hơn một chút, là vì mỗi bài Phóng Dao là một lưỡi dao phóng vào cuộc đời, và trước nhất là trái tim Con Trai Bà Cả Ðọi. Quả thật, sau biến cố 30 tháng 04 năm 1975, trên đường di tản, con lạc cha mẹ, vợ lạc chồng, anh em cũng vậy. Nghĩa là theo làn sóng người tỵ nạn chạy từ Miền Trung chạy vào Miền Nam, và cuối cùng trên đường vượt thoát tìm tự do, và người bạn gái thân yêu của Con Trai Bà Cả Ðọi cũng ra đi không một lời từ giã. Có lẽ người bạn gái của Công Tử đang định cư ở Mỹ, cho nên nhát Dao Phóng đầu tiên nầy chính là nhát dao trí mạng phóng vào trái tim của Con Trai Bà Cả Ðọi:
- Muốn tắm mát thì lên ngọn sông đào,
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh
Em đi anh ở lại thành
Muốn đi nhưng giấy thông hành chưa cho
Nằm suông mộng biển, mơ hồ
Tiền đò ngại tốn con đò ngại xa
Em đi anh ở lại nhà
Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm.
            Trong những năm đầu của người ty nạn, có những chuyện thật hết sức đau lòng. Những trường hợp mà chúng tôi biết là trong chuyến vượt biển, cứ vợ của người nầy kẹt ở lại thì sống chung với chồng của người kia, và ông chồng có người vợ kẹt ở lại, lại sống chung với người vợ có chồng còn kẹt lại quê nhà. Vì họ nghĩ rằng không còn có cơ hội gặp nhau lại nữa. Tâm trạng Con Trai Bà Cả Ðọi cũng tương tự như vậy, cho nên cậu Công Tử nhà ta không hy vọng gì gặp lại người bạn gái năm xưa, thế là cậu ta mới tìm đến thăm người bạn cũ, coi sau những ngày tháng đổi đời tình huống ra sao. Khi gặp nhau Cậu Công Tử nhà ta mới biết:
- Anh lên Cao Thắng Ðại Ðồng
Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa
Có chồng năm ngoái năm xưa
Ba mươi, bảy mươi lăm, chồng chạy nên chưa có chồng.
            Gặp nhau trong hoàn cảnh hết sức éo le, người mất bạn gái kẻ mất chồng. Lẽ dĩ nhiên Con Trai Bà Cả Ðọi cũng muốn đi nước cờ: Thua me gở bài cào, nhưng thấy cô Tú đoan trang thùy mỵ quá, nên cậu Công Tử nhà ta thấy cũng khiếp, không biết cô Tú có bằng lòng không nên không dám mở lời. Bẳng một thời gian khá dài, cậu Công Tử không đến thăm cô Tú, thì một buổi sáng đẹp trời, một cánh thư từ ngoại quốc, nước Mỹ do người đưa thơ trao tận tay, bảo Công Tử ký nhận. Ðọc thư mới biết được tình yêu thương trìu mến mà cô Tú đã dành cho Công Tử, nhưng không được đáp lại vì thế mà cô Tú mới tìm đường vượt biên. Ðây là nhát Dao thứ hai phóng vào trái tim của Cậu Công Tử đa tình, với bao nhiêu nuối tiếc sầu muộn:  
- Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ Tầm Xuân
Nụ tầm xuân nở ra cánh biếc
Em vượt biên rồi Anh tiếc lắm thay.
Ðể đáp lại tấm chân tình của cô Tú, cậu con Trai Bà Cả Ðọi cũng bắt đầu biên thơ, trước thăm cô Tú sau cũng có đôi lời trách cứ tại sao cô Tú không nói sớm để cho Công Tử lo liệu. Ngày cô Tú chưa đi Mỹ thì giá tiền mười ngàn đồng có thể mua được ba cây vàng, còn bây giờ mười ngàn chỉ được có một cây, thì làm sao một cậu Công Tử nghèo như tôi làm sao có thể lo liệu cho được:
- Mười ngàn đổi lấy một cây
Sao em không tính những ngày còn ba
Bây giờ em đã đi xa
Như cá xuống biển như hoa về ngàn
Cá xuống biển biết đàng nào kiếm
Hoa về ngàn biết lối nào ra.
            Nhưng rồi cô Tú cũng là người biết chuyện, nên cô thường trợ duyên bằng những món quà mọn từ Mỹ gởi về. Thế là Cậu Công Tử nhà ta lại có dịp đến bưu điện lãnh quà. Tại bưu điện cậu Công Tử đã có dịp tiếp xúc với rất nhiều cô xinh đẹp đón mua đồ ngoại quốc về để bán lại kiếm lời sinh sống. Các cô trẻ đẹp và tình tứ một cách não nùng. Các cô nàng đứng ngồi quanh quẩn đâu đó suốt giờ bưu điện làm việc. Các nàng kiếm ăn lương thiện nên các nàng ăn nói có duyên, lịch sự làm cho cậu Công Tử nhà ta quên đi rằng mình đang nhận đồ của cô Tú. Nói cho cùng thì đó cũng là thường tình, bởi vì trong đời cậu Con Trai Bà Cả Ðọi chưa được người đàn bà đẹp sắc nước hương trời nào nhìn đến, cho nên nay được các cô săn đón, trò chuyện ân cần mời mọc, tiếng tỉ tiếng tê, tiếng anh anh em em ngọt lịm, làm cho trái tim cậu công Tử sướng tỉnh cả người, nên trái tim thổn thức nén mãi mà cứ đập hết ga. Vì vậy mà cậu Công Tử mong có dịp đến bưu điện luôn luôn, không phải vì lòng tham không đáy muốn có đồ để lãnh dài dài, mà là để trò chuyện với các cô nàng cho đỡ buồn. Cậu Công Tử muốn có thật nhiều hàng để bán cho các cô nàng, để chia sẻ lộc trời với các cô nàng, để các cô nàng tiếp tục sự nghiệp thu mua lương thiện ấy mà đừng làm việc gì tổn hại đến nhân phẩm của các nàng. Lòng cậu Công tử trong sáng vằng vặc như trăng rằm vậy đó, không biết có ai hiểu cho không? Ðể chứng minh lòng mình ngay thẳng, cậu Công Tử Con Trai Bà Cả Ðọi thề độc:
            - Tôi có tham đi lãnh đồ thật nhiều thì trời đất cứ xui khiến cho Mỹ nó bắt tôi đi, rồi nó kềm kẹp tôi ba mươi năm nữa đi.
            Cảnh đi lãnh đồ bưu điện hồi hộp, chen lấn, mồ hôi, mồ kê chảy nhễ nhại là vậy, nhưng cũng thích. Bê được thùng đồ ra rồi, dù thùng đồ lớn, dù thùng đồ nhỏ, ai ai cùng ngồi xệp ở hành lang mở ra kiểm soát coi mình có gì:
            - Áo thun, bột ngọt, sơ mi
            Quần Jeans, xoa pháp bút bi đủ mầu
            Thuốc Tây, thuốc Mỹ, thuốc Tàu
            Tình yêu ở khắp năm châu gởi về.
            Cuộc sống của người ở lại nghèo túng thì cũng rất nghèo túng, nhưng nhàn rỗi thì cũng rất nhàn rỗi. Một hôm buồn tình Con Trai Bà Cả Ðọi ngồi gãi râu trên căn gác nhỏ, nhìn xuống con đường hẹp thấy các em đi mua đồ, công tử liền làm một bài sẩm xoang mời các em mua đồ:
            - Tay em xách túi
            Trên đầu em đội mũ công gô
            Em vào xóm hẹp mua đồ
            Ti vi tủ lạnh ra dô
            Bếp ga nồi điện đồng hồ máy may
            Dây chuyền, cà rá, bông tai
            Ðồ xưa lọ cổ, sơn mài bán mua...
            Nhà anh đã nhẳn như chùa
            Còn anh, em có chịu mua thì mời...
            Nghe cậu Công Tử mời mua đồ quý, các cô trố mắt dòm và hiểu được mọi sự, cho nên các cô nhũn nhặn trả lời:
            - Mua đồ em chẳng mua người
            Trao nhau đôi nửa nụ cười em dông...
            Ngày xưa Kiều bán mình chuộc cha còn có người mua, ngày nay Con Trai Bà Cả Ðọi cũng bán mình để nuôi thân nhưng lại không có người mua. Còn gì đau khổ cho bằng, thế là Công Tử nhà ta bắt đầu buồn đời đen trắng:
            - Chiều chiều ra đứng bờ sông
            Anh ôm cây sắt anh tông xuống sình
            Cây sắt nặng cây sắt chìm
            Còn anh quá nhẹ lình bình anh trôi
            Ối em ơi... của nặng hơn người...
            Ở lại Thành Hồ bao nhiêu năm trời cuộc sống không có gì thay đổi, trái lại càng thêm bi đát. Do đó Con Trai Bà Cả Ðọi cũng tính chuyện đánh liều vượt biển một phen. Ý đã quyết nên cậu Công Tử nhà ta phải về quê để thăm cha mẹ lần cuối trước khi từ giã ra đi: 
            - Anh về Bình Ðịnh thăm cha
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hoà thăm em.
Hai câu thơ trên, ý thơ thường thôi, tả một cảnh người đi xa về thăm nhà như tâm cảnh Con Trai Bà Cả Ðọi về thăm bố mẹ và người yêu. Bố, mẹ đã ra đi khi cuộc chiến bắt đầu leo thang, với tình cảnh thê thảm của một người trong tháng 03 năm 1975 chạy từ Huế vào Sài Gòn trên con đường máu lệ, và người yêu ra đi xứ người không biết còn hay mất. Qua mỗi tỉnh chết mất một người thân. Bạn nghĩ sao, bạn thấy sao, bạn có rung động như Con Trai Bà Cả Ðọi không? Bạn có cảm thấy mũi dao nầy phóng vào con Trai Bà Cả Ðọi cũng như phóng vào trái tim của chính bạn không?
- Anh về Bình Ðịnh mất cha
Phú Yên mất mẹ, Khánh Hoà mất em.
Nhìn lại cảnh cũ làng xưa, cửa nhà đổ nát, làm sao tránh khỏi cảnh ngậm ngùi. Cha mẹ thì không còn, chỉ còn chăng nữa là mồ mả mà thôi, nên không có gì làm bận tâm Công Tử nhà ta. Tuy nhiên, cái bận tâm lớn nhất hiện tại là người con gái nhỏ mới quen, biết tính làm sao đây? Việc gì đã lựa chọn rồi cũng phải đến. Nhưng ngẫm nghĩ cho cùng khi về đất bãi là đã bỏ cha mẹ rồi, nhưng người yêu thì cậu Công Tử còn nấn ná, mãi cho đến lúc lên tàu mới chịu bỏ:
- Anh về đất bãi đi câu
Bỏ cha bỏ mẹ, lên tàu bỏ em.
Lên tàu ra đi đến một phương trời xa lạ, cuộc sống ra sao có ai mà biết trước được, tuy nhiên Con Bà Cả Ðọi cứ nhớ câu ca dao:
- Nam Vang đi dễ khó về
Trai đi có vợ, gái về có con.
Câu Ca dao nầy diễn tả những đời sống dễ dàng ở tại Nam Vang ngày xưa ai ai cũng biết hết rồi. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại của Con Trai Bà Cả Ðọi mấy câu phóng dao nầy thì chắc chắn đến giây phút nầy chúng ta mới biết:           
- Thái Lan đi dễ khó về
Trai đi mất vợ, gái về mất con.
Và rồi nơi mà Con Trai Bà Cả Ðọi phải đến trước khi đi định cư tại các nước thứ ba, chính là nơi mà mọi người thường nhắc nhở:
- Nhà bè nước chảy chia hai
Ai về Băng Cốc, Mà Lai thì về...
            Vào những năm tháng sôi động, những cướp bóc, những bạc đãi, những hoành hành của bọn hải tặc Thái Lan trên vùng biển đông nam Thái Bình Dương, nhìn lại thân phận mong manh của thuyền nhân cũng làm cho Con Trai Bà Cả Ðọi cảm thấy có một cái gì chua xót:
- Thái Lan đi có về không
Biển xanh mồ vợ, tang chồng là đây
Ðến định cư được tại Mỹ, Con Trai Bà Cả Ðọi cũng không còn tha thiết đến người bạn gái cũ đã thất lạc trong cuộc chiến, vì thật sự nếu có cũng không biết đâu mà tìm. Còn cô Tú ngày xưa đã có một thời giúp đở Công Tử, vì lý do gia đình sao đó và cô đã trả lời dứt khoát là cô không thể chung sống với Công Tử được, nên Con Bà Cả Ðọi chỉ còn một hướng là nhớ về quê nhà với người con gái mới quen. Cũng từ đó những cánh thơ bắt đầu trao đổi. Vì cách nhau cho đến một phần hai địa cầu, cho nên có lẽ là cha mẹ, hoặc bà con láng giềng chê cô ta lấy chồng xa, vì mọi người quan niệm, con gái mà gả chồng xa thì cha mẹ không được nhờ. Chỉ con gái ở gần, thỉnh thoảng mua được ít ký thịt heo, đi làm về nấu cơm cho chồng con xong, tám chín giờ tối đạp xe đến cho bố già nửa ký thịt. Chị con gái ở gần có thể buôn bán chợ trời, gặp hôm nào đó trúng mánh có lời, mua cho bố già dăm ba gói thuốc lá, nửa ký đường, một lạng ca phê chi đó. Hoặc đến dúi cho bố già vài đồng để mai Bố đi ăn phở, uống rượu, như thế mới là đúng  điệu của đạo làm con:
            - Có con mà gả chồng gần
            Có bát canh cần nó cũng đem cho
            Có con mà gả chồng xa
            Một là mất giổ, hai là mất con.
Câu phóng dao trên đây hình như không phản ánh đúng sự thực. Có thể đó là thời thanh bình, hoặc phong kiến ngày xửa, ngày xưa, thời xa xưa nào đó trong quá khứ thì là như vậy, lẽ dĩ nhiên là không biết có từ thời nào, chắc có một vài bà mẹ muốn con gái lấy chồng gần, không muốn lấy chồng xa. Nhưng ngày nay thời loạn thì quy luật cuộc sống lại khác, nghĩa là có con gái tốt hơn con trai. Con gái lấy chồng gần cũng tốt mà lấy chồng xa cũng tốt. Nhất là con gái lấy việt kiều chắc chắn phải tốt hơn nhiều:
            - Có con mà gã chồng gần
Nửa đêm xe đạp mang phần cho cha
            Có con mà gã chồng xa
            Tháng tháng nó gởi đô la kìn kìn.
            Sau khi giải thích và giàn xếp khéo léo của người bạn gái với những thành viên trong gia đình, nên Con Trai Bà Cả Ðọi được phép thư từ với người bạn gái mới yêu. Khi thư từ qua lại người bạn gái cho biết:
- Nhớ anh cũng muốn vượt biên
Sợ thằng hải tặc nó bề lại thôi.
Là người con gái sống trong một nước Xã hội Chủ Nghĩa, quyền làm người không được coi trọng, thế mà cô vẫn không ngán, nhưng cô chỉ ngán:
            - Nàng rằng nàng chẳng sợ chi
Sợ thằng hải tặc nên đi không đành.
Những đắn đo, suy nghĩ, gần chồng là một sự cần thiết, nhưng trên đường vượt biển nếu lỡ có chuyện gì xảy ra thì sao...  có phải là chuyện đau lòng không:
- Lòng rằng lòng chẳng sợ ai
Sợ thằng hải tặc làm dai đau lòng.
Nói thì nói vậy, nhưng sức mạnh của tình yêu làm cho người con gái nhỏ ấy có đầy đủ nghị lực, bất chấp mọi gian nan, nguy hiểm trong công cuộc vượt biển tìm tự do, để được đến chung sống bên người yêu:
- Muốn mau thì chịu đò đông
Em muốn sang Mỹ lấy chồng thì chui.
Sự ra đi mặc dầu cha mẹ có khuyên can, nhưng người con gái ấy thấy rằng đã đến lúc mình không còn phải nương tựa vào cha mẹ, nên cô nàng cũng cương quyết ra đi:
- Vai mang khăn gói ra sông
Mẹ kêu mặc mẹ thương chồng phải chui.
            Sự kiện ra đi vượt biên của người tình nhỏ của Con Trai Bà Cả Ðọi, ai cũng tưởng là họ sẽ gặp nhau, nhưng từ ngày cô nàng vượt biển, cũng chính là thời gian Con Trai Bà Cả Ðọi không còn liên lạc với người yêu nửa, nên Con Trai Bà Cả Ðọi nghĩ là người yêu mình cuốn gói sang ngang:
            - Mất em đà mấy năm trời
            Khóc thời vô ích mà cười vô duyên
            Nhớ em như bến nhớ thuyền
            Trông em đã mấy năm liền vẫn trông
            Em đi biền biệt tin hồng
            Quên anh hay đã có chồng mà quên.
            Những nhớ nhung, những lưu luyến, nếu ngày xưa âu yếm trìu mến bao nhiêu thì bây giờ trở thành hờn trách, giận dỗi bấy nhiêu:
            - Tóc  mây sợi ngắn sợi dài
            Lấy nhau chẳng được thương hoài ngàn năm
            Vắng mình ta vẫn hỏi thăm
            Chốn ăn thì biết chốn nằm thì không
            Vắng em ta vẫn nhớ trông
            Quên ta hay đã có chồng mà quên?
            Ðây không phải lần đầu tiên trong đời Con Trai Bà Cả Ðọi bị tình phụ, nhưng cũng vì là một con người, với trái tim bằng thịt, cho nên dầu bao nhiêu lần bị tình phụ, trái tim của cậu không vì vậy mà trở nên chai lỳ, mà trái lại Công Tử nhà ta vẫn thấy đau, vẫn thấy không sao tránh khỏi những nhung nhớ, hờn trách, những ân hận:
            - Ngày đi anh hẹn em rằng
            Ðâu hơn em lấy, đâu bằng đợi anh
            Anh đi em ở lại thành
            Mấy năm hồng nhạn vắng tanh chẳng về
            Anh yêu em tự mô tê
            Không hề bóc lá không hề bẻ nha
            Bóc lá sợ em mau già
            Bẻ nha sợ nữa ra là mía lau
            Bây giờ em lấy chồng đâu
            Ðể thương để nhớ để sầu cho anh!
Những lời hờn trách của Con Trai Bà Cả Ðọi, là những ngọn dao phóng vào trái tim của con người, những ngọn phóng dao bạn đọc vừa nghe thể hiện nổi nhớ thương chen lẫn oán trách. Người đi đa số có nhớ thương về, nhưng cũng có một số nhỏ nào đó xa mặt cách lòng, lãng quên cùng năm tháng. Chuyện đó cũng hợp lý và cũng thuận nhân tình thôi. Nhưng kẻ không quên dĩ vảng cũng vẫn có quyền phê phán. Những lời phóng dao nầy có giọng chê trách, và phê phán người bạn gái nặng hơn đôi chút:
            - Cam ngọt, cam của người ta
            Quít chua nhưng cả cây là của em
            Xứ người những chả cùng nem
Ở đây dưa muối có thèm môi ai
            Em đói thì em ăn khoai
            Con thiệt thì đẻ, rai rai thì đừng.
            Hoặc là:
            - Riềng mẻ nấu với cầy tơ
            Chồng Việt vợ Việt chỉ sờ cũng no
            Khoai lang ăn với thịt bò
            Chồng mà sang mấy cũng lo cùng sầu.
            Những lời phê phán của Con Trai Bà Cả Ðọi không phải hoàn toàn vô lý, vì sự thật đã xảy ra trong một số gia đình của người tỵ nạn lúc mới đến xứ cờ hoa nầy. Một trong những số lý do tạo nên sự xáo trộn trong gia đình là vì những ngày đầu lúc mới định cư tại xứ người, để quân bình nếp sống trong xã hội mới, nên cả chồng lẫn vợ cùng nhau tích cực đi làm. Sự việc cả chồng lẫn vợ đều phải đi làm, đây là hiện tượng tốt, tuy nhiên nó lại không êm đẹp. Bởi vì chính những điều kiện trong xã hội mới cho nên tình cảm một số ít trong gia đình người Việt lúc bấy giờ không còn nguyên vẹn như ở quê nhà. Ðến một lúc nào đó, đức lang quân nhà ta trở thành lạc lõng, và từ lạc lõng đến mất vợ. Tình cảnh người bạn gái của cậu Công Tử nhà ta lúc tổ chức vượt biển kỹ càng lắm, nên Công Tử không nghĩ là cô ấy chết ở dọc đường. Như vậy nếu đã được định cư ở Mỹ mà biệt tăm, biệt tích không tìm đến gặp nhau, biết đâu người con gái ấy cũng thuộc loại có trăng quên đèn. Nghĩ thế nên Con Trai Bà Cả Ðọi gay gắt hơn:
- Anh vàng nó cũng đồng đen
Nó hoa thiên lý anh sen Nhị Hồ
Em mê nó có ô tô
Em ô cho lắm thì đồ em đen.
So với người bản xứ, người Á Châu chúng ta nhỏ nhoi yếu đuối, nhất là những ngày đầu mới định cư nơi xứ lạ. Không nói ai cũng biết, khi còn ở quê nhà, một phần vì thiếu ăn, một phần vì sống nơi kinh tế mới cho nên ốm yếu và đen đúa là cái chắc rồi, cho nên các đức lang quân nầy không còn là những chiến sĩ oai hùng trên trận địa nữa. Với lý do nầy nên Con Trai Bà Cả Ðọi nghĩ đến thân phận nhỏ con của mình, nên buông những lời khó chịu:
- Thấy anh gầy ốm em chê
Em ham nó mập, em mê nó tài
Chắc rằng ai đã hơn ai
Khẳng khiu dai sức bằng hai mập phì.
Mặt dầu định cư nơi xứ lạ cũng đã một thời gian mấy năm rồi, nhưng dầu sao đi nữa cũng không bằng người bản xứ. Sự chênh lệch ai ai cũng thấy rõ, nhưng vì tự ái dân tộc, nên Con Trai Bà Cả Ðọi phải lên tiếng cho làng nước biết là cậu cũng đâu có thua ai:
- Em chê anh đói anh hèn
Em mê nó mập, em khen nó giàu
Chắc rằng đâu đã hơn đâu
Cầu tre vững nhịp hơn cầu bê tông.
Và Con Trai Bà Cả Ðọi tiếp tục chê trách người con gái mình yêu.
- Lầu nào cao bằng lầu ông chánh
Bánh nào trắng bằng bánh bò bông
Anh thương em từ thuở mẹ bồng
Bây giờ sang Mỹ lấy chồng bỏ anh.
Qua một thời gian xáo trộn cuộc sống tinh thần, Con Trai Bà Cả Ðọi quyết định trở về thăm quê hương. Cũng chính lần về thăm quê hương mới thấy được những cái thiếu xót, và sự thiếu trí tuệ trong việc nhận định của mình. Thì ra cô bạn gái trên đường vượt biển để mong sống bên cạnh người yêu không thành, vì trên đường đi đến bến tàu bị bể, và cô ta bị công an bắt giữ. Cả một thời gian dài ở tù như vậy mà ở gia đình cũng không ai hay. Vì thế mà ở gia đình thì nghĩ rằng cô con gái qua xứ lạ bị chồng kềm kẹp nên không liên lạc với gia đình, trong khi đó người chồng tương lai lại nghĩ cô ta qua được Mỹ rồi, và vì ánh đèn mầu nơi xứ lạ làm cô quên đi những hẹn ước ban đầu. Người con gái xấu số nầy bị hàm oan, chỉ có đất trời chứng giám cho cô thôi. Vừa lúc cô ta được thả ra khỏi tù, chính là lúc Con Trai Bà Cả Ðọi về thăm nhà. Sau khi thông cảm nổi đau khổ nhọc nhằn của người yêu, Con Trai Bà Cả Ðọi quyết định ở lại quê nhà để chăm sóc người yêu:
- Lương Mỹ được mấy trăm đồng
Dầm sương dãi tuyết má hồng nàng phai
Làm lắm thì tay nàng chai
Chẳng thà ăn sắn ăn khoai thành Hồ
Nàng đói thì nàng bán đồ
Ðể anh cơm nước chăm lo cửa nhà
Riêu cua nàng chan cơm cà
Nàng mà đau bụng thì đà có anh
Nàng còn xẻo đất trồng hành
Anh trui cá lóc nấu canh tập tàng.
          Ðến đây có l dao ca Con Trai Bà C Ði đã lt nên người ta không thy anh phóng na. Và ri nhiu người cũng tìm hiu, không biết cuc tình duyên ca Con Trai Bà C Ði, và cô bạn gái sinh sống tại thành Hồ có hạnh phúc không thì không biết? Nhưng có điều theo quy định, cứ bảy giờ tối là nhà nước Việt Nam cúp điện để tiết kiệm dầu xăng, lúc đó người ta chỉ biết Con Trai Bà Cả Ðọi thắp ngọn đèn dầu lên và ngọn đèn đó cũng không đủ sáng:
            - Ðốt ngọn đèn lên thấy tối om
            Con Bà Cả Ðọi đứng lom khom...
 
Tài Liệu Tham Khảo
- Tắm Mát Ngọn Sông Ðào
- Việt Nam Văn Học Sử Yếu
- Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam
-- o0o --