-
Ánh Sáng Bình Minh
-
Bài giảng tại Chùa Dược Sư
-
Trúc Tịnh ghi
-
--o0o--
-
-
Trước khi niệm Phật, người Phật Tử thường thường đọc bài kệ
khai chuổi:
-
- Ái hà thiên xích lãng
-
Khổ hải vạn trùng ba
-
Dục thoát luân hồi khổ
-
Cấp cấp niệm Di Ðà
-
Nghĩa là:
-
- Dòng sông ái hàng ngàn đợt sóng
-
Biển khổ đầy muôn vạn ba đào
-
Muốn cho thoát cảnh luân hồi
-
Thì ta phải niệm hồng danh Di Ðà.
-
Ðối với các Phật Tử với cái nhìn và theo sự suy tư tu theo
pháp môn Tịnh Ðộ, không ai là không biết câu kệ nầy. Ðây cũng
là một trong những hành trang cho chúng ta tu tập.
-
Khi đã lựa chọn cho mình một pháp môn để tu tập thì lẽ tất
nhiên chánh kiến về sự tu tập, quán chiếu cũng bắt đầu khởi
sinh. Hành trang đã có và trong tư thế chuẩn bị sẳn sàng thì
chúng ta cứ thế mà tiến. Có thể lúc đầu hơi trở ngại một chút
vì điều kiện tâm, sinh và vật lý, nhưng khi đã vượt qua những
trở ngại đó thì bắt đầu thuận lợi trong việc thực hành, khi đó
chúng ta sẽ thấy rõ con đường dẫn đến sự an lạc thảnh thơi,
Niết Bàn. Bây giờ đây chúng ta có thể một lòng và dấn thân
thẳng tiến theo hướng chúng ta đi mà chúng ta đã định.
-
Pháp môn đã được lựa chọn an toàn, nơi nương tựa là Ngôi Tam
Bảo vững chãi, chúng ta đã hạ quyết tâm thì chỉ cần dụng công
trong một thời gian ngắn là chúng ta có thể tiến bước những
bước tiến vững chãi khá xa.
-
Trong bước tiến nầy, cái tuệ đầu tiên sẽ xuất hiện
là chúng ta thấy rõ Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, kế đến chúng ta sẽ
dần dần thấy rõ sự sanh ra và sự diệt đi của các đối tượng.
Những sự sanh diệt của sự vật càng lúc càng nhanh hơn và rõ
ràng hơn. Việc tu tập, hành trì càng thâm sâu, chúng ta càng
thấy sự vật sanh diệt nhanh hơn và với tốc độ mau lẹ khủng
khiếp, và cuối cùng chúng ta sẽ không thể nào thấy được, sự
sinh. Chỗ nào chúng ta để mắt đến đều diệt đi nhanh chóng như
một tia chớp. Chúng ta không còn thấy sinh mà chỉ thấy diệt.
Chúng ta có cảm giác bàng hoàng như đất đang sụp đổ dưới chân.
Sự diệt mất nầy không phải trừu tượng, lý thuyết mà hiện diện
trong toàn cuộc sống của chúng ta trong giai đoạn nầy.
-
Càng tu tập, thực hành tích cực hơn, chúng ta càng
gần đích hơn. Khi đã có một quá trình thực tập, thì lúc đó
Chánh kiến của đạo tâm sẽ có mặt và can thiệp vào mọi việc và
hướng dẫn chúng ta đến nơi cư trú an toàn. Ðó là Niết Bàn.
-
Khi trí tuệ do sự tu tập đem lại có mặt thì phiền
não không có cơ hội phát sanh. Nhưng ở đây phiền não chưa bị
nhổ tận gốc rễ mà chỉ tạm thời vắng mặt, chờ đợi cơ hội để
phục hồi sức mạnh.
-
Lẽ tất nhiên tu tập là để minh tâm kiến tánh, giải
thoát, và việc đầu tiên là diệt trừ phiền não đó là mục tiêu
duy nhất. Muốn thế chúng ta phải luôn luôn duy trì chánh kiến.
Chỉ vào lúc Chánh kiến về thánh đạo phát sinh thì phiền não
mới bị nhổ tận gốc rễ. Nhưng làm thế nào để nhổ tận gốc rễ của
phiền não, bởi vì :
-
- Phiền não đã phát sinh thì không thể loại bỏ nữa vì nó trôi
qua.
-
- Phiền não chưa phát sinh thì không thể loại bỏ vì nó chưa có
mặt.
-
- Và ngay trong hiện tại, phiền não sinh ra rồi diệt ngay thì
làm thế nào để diệt nó?
-
Vì sự khó khăn như thế mà ngay khi mở đầu chúng tôi đã nhắc
cho quý vị:
-
- Dòng sông ái hàng ngàn đợt sóng
-
Biển khổ đầy muôn vạn ba đào
-
Muốn cho thoát cảnh luân hồi
-
Thì ta phải niệm hồng danh Di Ðà.
-
Nhổ tận gốc rễ các phiền não ở đây không phải là nhổ tận gốc
rễ của các phiền não đã được sanh khởi mà là nhổ tận gốc rễ
của các phiền não ngủ ngầm. Có hai loại phiền não nguy hiểm và
ngủ ngầm trong mỗi người chúng ta đó là: Dục và Hữu Ái.
-
- Dục ái liên quan đến đối tượng.
-
- Hữu ái liên quan đến sự việc chiếm giữ và tiếp tục sinh tồn.
-
Từ ngữ Ái nếu nói về động từ thì có nghĩa là thương yêu mến
tiếc. Nếu nói về danh từ thì Ái có nghĩa là ý ham muốn, ý ưa
thích sự vật, ý nhiễm lấy. Do quen và gần gũi với năm loại dục
nên gọi là Ái. Trong Tứ Thập Nhị Chương Kinh đức Phật có dạy:
-
- Ái và Dục đều làm cho người đời và kể cả các Thầy trở nên
ngu tối và khuất lấp.
-
Vì chúng ta tham ưa cái ái và cái dục nên chúng ta không thấy
được đạo. Ðiều nầy giống như nước đã lóng rồi mà chúng ta lại
lấy cây khuấy nó lên, rồi mọi người ai cũng đến đó mà soi vào
thì không ai thấy bóng mình. Cũng như thế người đời vì cái dục
và cái ái trước mắt, nên cùng nhau tìm kiếm, rượt bắt nên từ
đó làm xáo trộn trong cơ thể của chính mình chẳng hạn như
vướng vào cờ bạc thì chắc chắn không ai để yên cho cái thân
của mình đâu. Ðáng lý ra sau khi làm việc cực nhọc trong ngày,
cần phải về nhà nghỉ ngơi lo cơm nước cho chồng con, hoặc cùng
nhau ngồi dùng cơm tối với vợ con, thì bây giờ lại đi tìm thú
vui của riêng mình, nên đi đến những nơi đen đỏ ăn thua. Ðó là
tạo nên sự rối loạn cho bản thân, làm chất trược trong lòng
phấn khởi lên, nên chẳng thấy được đạo. Ngoài ra còn tạo một
sự xáo trộn cho chồng hoặc vợ con, ngay cả đến cha mẹ cùng bị
lôi cuốn vào trong vòng phiền lụy đó. Ái dục là cơn sóng dữ,
đầy nguy hiểm nhưng con người ta trong cuộc đời, lúc sắp từ
giả cõi trần nếu không có tu, ý thức được cuộc đời là giả tạm
thì trong tâm của họ không tránh được việc khởi lên ba mối
tham ái:
-
01- Cảnh Giới Ái:
-
- Mến tiếc cảnh giới như vợ con, quyến thuộc, nhà cửa, ruộng
vườn.
-
02- Tự Thể Ái:
-
- Mến tiếc cái thân mình không nỡ lìa bỏ
-
03- Ðương Sanh Ái:
-
Ham muốn cái chỗ nơi ấy mình sẽ sanh ra mong mỏi vào sự luân
hồi.
-
Vì thế mà chúng ta cứ mãi mãi triền miên đau khổ lang thang
hết kiếp nầy đến kiếp khác. Tuy nhiên nói về Dục Ái, chúng ta
có thể phân biệt lòng thương ra làm hai loại: Lòng thương của
hàng phàm phu và lòng thương của bậc thánh giả.
-
Lòng Thương Của Phàm Phu
-
Hàng phàm phu thì thương mình, thương những vật thuộc về mình,
thương những ý kiến riêng của mình. Vì lòng thương ấy mà quên
người, hại vật, làm khổ cho mình, và làm khổ cho người.
-
Do đó mà nói Ái dục là mối phiền não do nơi căn bổn đó mà nẩy
sanh những mối phiền não khác. Vì vậy đối với những người có
tâm tu cần phải chặt đứt cái gốc rễ yêu thương hạn hẹp, để
hướng mình đến chân trời thương yêu rộng lớn hơn, thì mới dứt
luôn được nhiều mối phiền não khác. Trong Kinh Niết Bàn có
đoạn nói:
-
- Bậc Bồ Tát quán sát sâu xa, thấy sự ái kết cũng như kẻ oán
thù giả làm kẻ thân thiện. Kẻ ấy nếu mình thật biết nó, thì nó
không làm gì được. Còn như chúng ta không biết nó, thì nó hại
mình được. Lòng tham ái và sự ái kết cũng như vậy. Nếu chúng
sanh biết được tánh nó, thì không bị nó đẩy vào luân hồi khổ
não, nếu không biết nó thì luân chuyển trong lục thú chịu đủ
thứ khổ.
-
Như vậy chúng ta thấy Dục ái có liên quan đến danh sắc, sẽ
phát khởi khi có điều kiện thuận lợi, đó là lúc chúng ta thiếu
Chánh Niệm. Khi một đối tượng quá mạnh hiện ra khi ta thiếu
chánh niệm để ghi nhận một cách chính xác và khách quan thì
những phiền não ngủ ngầm sẽ sống dậy và hiển lộ ra. Tuy nhiên,
nếu chúng ta chánh niệm thì phiền não sẽ không hiện ra. Khi
một đối tượng xuất hiện, nếu ta không có chánh niệm ghi nhận
một cách chính xác và rõ ràng, thì phiền não sẽ phát sanh. Khi
một đối tượng xuất hiện, nếu có chánh niệm ghi nhận, thì phiền
não sẽ bị đẩy ra. Nhờ chánh niệm phiền não chỉ bị đẩy xa chớ
chưa bị tiêu diệt. Bao lâu chúng ta còn luân lưu trong tam
giới thì phiền não vẫn còn. Chúng tiềm ẩn trong dòng tâm thức.
Chúng chỉ bị tận diệt hay bị nhổ tận gốc rễ bởi thánh đạo tâm
mà thôi.
-
b- Lòng Thương Của Các Vị Thánh
-
Bậc Thánh Giả có lòng thương bao la cả thảy loài người, cả
thảy chúng sanh, thường quên mình và làm những sự lợi ích cho
chúng sanh về pháp lý hoặc về tài vật. Nhờ lòng thương nầy mà
thiên hạ được hòa bình và mau tấn hoá lên đường giải thoát.
Lại nữa bậc thánh giả có lòng thương mến ưa thích muốn những
sự trong sạch cao siêu, không vướng sầu khổ.
-
Trong việc tu tập, tôi luyện để hướng dẫn, để điều trị tâm
tham ái của chúng ta. Rất có thể chúng ta nên xử dụng hai giai
đoạn. Ðầu tiên chúng ta nên dùng chánh niệm để làm suy yếu
phiền não. Sau đó Thánh Ðạo Tâm để tận diệt phiền não.
-
Thánh đạo tâm đến nhanh hay chậm là tùy theo khả năng và sự
chuyên cần của mỗi người, nghĩa là phải dụng công thực hành
mới được. Ðầu tiên chúng ta cần nhiều thời gian. Khi mọi việc
đã diễn biến theo thứ tự, đạo của Chánh Kiến sẽ xuất hiện,
điều nầy xác chứng rằng mọi phiền não đã bị tận diệt.
-
Tại Việt Nam ngày xưa, một Phật Tử muốn đi tu,
trước khi muốn xuống tóc, vị đó phải được Thầy Bổn Sư cho tập
sự bằng hình thức giống như người làm công quả. Trong thời
gian đó vừa làm việc và vừa học hai thờicông phu cho thuộc.
Sau một thời gian tùy theo phẩm hạnh của mỗi cá nhân mà vị
Thầy hướng dẫn đó mới cho xuất gia. Như vậy khởi đầu cho việc
tu tập, lẽ tất nhiên phải cố công gắng sức mới có thể vượt qua
những chướng ngại của tánh tình như còn ham ăn, mê ngủ... thử
thách và phải làm tròn bổn phận, công việc do Thầy hướng dẫn
ấn định mà không được lẩn trốn. Thánh đạo tâm nầy giống như vị
Thầy hướng dẫn ấn định những luật tắc cho những người sơ cơ
tập sự xuất gia. Vị Thầy hướng dẫn không thể chấp nhận cho
xuống tóc, trong khi mà người đệ tử chưa làm hoàn tất những
công việc vị Thầy hướng dẫn ấn định, ngay cả những việc căn
bản như bớt ăn, bớt ngủ đầu tiên nhất vẫn chưa hoàn thành.
-
Khi mà người đệ tử đã vượt qua những thử thách
rồi, thì lẽ tất nhiên vị Thầy huớng dẫn không có lý do làm khó
dễ nữa, và rất vui mừng, ngay cả những điều mà người đệ tử
không nghĩ là Thầy hướng dẫn sẽ giao phó cho những trọng
trách, nhưng những nhiệm vụ đó tự nhiên được giao phó. Cũng
vậy một khi mà chúng ta đã có cái nhìn chân chánh về Ðạo và về
Quả, thì tự nó có một khả năng dập tắt lửa phiền não đang sanh
khởi, và các phiền não đang ngủ ngầm trong chúng ta.
-
Khi các tuệ giác có được từ nơi sự cố gắng tu tập
có mặt thì đạo tâm sẽ tự động khởi sinh, và theo sau là quả
Tâm. Thánh Ðạo Chánh Kiến và Thánh Quả Chánh Kiến là chánh
kiến thứ ba và thứ tư trong năm loại chánh kiến:
-
01- Chánh kiến biết rõ Nghiệp là tài sản của chúng
ta
-
02- Chánh kiến liên quan đến các việc tu tập
-
03- Thánh đạo chánh kiến
-
04- Thánh quả chánh kiến
-
05- Chánh kiến tuệ giác ghi nhận.
-
Khi thánh đạo chánh kiến tâm phát sinh thì loại thánh đạo
chánh kiến nầy có khả năng nhổ tận gốc rễ nhóm phiền não gây
ra sự tái sanh vào ba cảnh khổ: Súc sanh, Ngạ Quỷ, Ðiạ Ngục.
Thánh quả chánh kiến là một phần của thánh quả tâm xuất hiện
ngay khi thánh quả tâm hiện khởi. Khi thánh quả tâm hiện khởi
thì lửa phiền não bị tận diệt, nhưng những phiền não li ty như
Trần Sa Hoặc, những tàn dư vẫn còn. Giống như lửa thì đã tắt
nhưng than hồng và tro nóng vẫn còn. Lúc bấy giờ Thánh Quả
Chánh Kiến có nhiệm vụ tiêu diệt những phiền não ly ty Trần Sa
Hoặc giống như rưới nước lên than hồng và tro nóng còn sót
lại.
-
Chánh Kiến thứ năm hay chánh kiến cuối cùng, là
chánh kiến của tuệ giác ghi nhận. Tuệ giác ghi nhận tiếp theo
thánh quả tâm và kinh nghiệm Niết Bàn. Tuệ giác ghi nhận nầy
giúp chúng ta nhớ đến năm điều.
-
- Thứ nhất, sự xuất hiện của đạo tâm,
-
- Thứ hai sự xuất hiện của quả tâm
-
- Thứ ba Niết Bàn chính nó là một đề mục của tâm.
-
- Thứ tư biết được những phiền não nào đã tận diệt
-
- Thứ năm biết được những phiền não nào chưa tận
diệt.
-
Trong năm loại chánh kiến nầy, loại chánh kiến đầu
tiên là: Chánh Kiến Biết Rõ Nghiệp Là Tài Sản Của Chúng Ta là
lọai chánh kiến tồn tại vĩnh viễn. Chánh kiến nầy không bao
giờ mất, vì khi nào còn giáo lý của Ðức Phật thì còn khả năng
giúp cho nhân loại thấy được những lẽ phải.
-
Người không phân biệt được các hành vi thiện ác,
không biết thế nào là thiện nghiệp, và nghiệp không lương
thiện sẽ không thấy được ánh sáng chân lý. Những người ấy
chẳng khác nào như một đứa bé bị mù bẩm sinh. Mù trong bụng mẹ
và mù khi ra đời. Nếu đứa trẻ nầy lớn lên, nó cũng không thể
thấy rõ tự hướng dẫn mình. Một người bị mù và không được ai
hướng dẫn sẽ gặp nhiều tai nạn, và hêt nguy hiểm.
-
Loại chánh kiến liên quan đến việc tu tập sẽ luôn
luôn có mặt. Bao lâu chúng ta còn thực tập để đạt các quả vị
thánh, thì loại chánh kiến nầy vẫn luôn luôn có mặt trong
những người thực hành sự định tâm và nhận định hướng đi của
đời mình.
-
Từ thời đức Phật Thích Ca ra đời cho đến nay, mặc dầu Ngài đã
vào Niết bàn, nhưng giáo pháp của ngài vẫn không ngừng phổ
biến, và ngày nay lan tràn khắp nơi trên thế giới, ngay cả
những xứ không phải Phật Giáo cũng vẫn có những nhóm hay những
tổ chức thực hành theo lời Phật dạy.
-
Người có chánh kiến, biết rõ nghiệp là tài sản của
chúng ta hay có chánh kiến liên quan đến các việc tu tập, mặc
dầu họ chưa đến gần đạt được đạo quả giác ngộ theo quan điểm
của Ðức Phật, nhưng họ cũng có thể có được hướng đi, an ổn, an
lạc là ánh sáng của thế gian. Ba loại sau từ Thánh Ðạo Chánh
Kiến đến Chánh Kiến của Tuệ Giác Ghi Nhận chứa đựng ánh sáng
của giáo pháp. Lúc đó chúng ta có thể tự mình vén ba bức màn
lên để thấy được Ánh Sáng Của Bình Minh, hay cũng có thể coi
đó là thành quả của bao nhiêu năm tu tập:
-
01- Bức Màn Ảo Tưởng Về Tự Ngã
-
Khi chúng ta có thể phân biệt được thân và tâm thì chúng ta sẽ
thoát khỏi cái ảo tưởng về tự ngã, và bức màn che đậy sự tối
tăm đầu tiên được tháo gỡ. Chúng ta có thể nói ánh sáng của
giáo pháp đã hé lộ trong tâm của chúng ta như ánh sáng thái
dương bắt đầu hé lộ vào buổi bình minh. Nhưng còn nhiền màn
nữa cần được tháo gỡ.
-
02- Bức Màn Si Mê
-
Lớp màn thứ hai của si mê là quan điểm cho rằng sự vật xảy ra
có tính cách ngẫu nhiên, may rủi. Bức màn nầy cũng sẽ được cởi
bỏ khi có được tuệ giác thấy rõ nhân quả. Khi chúng ta thấy
được tuệ giác nhân quả, ánh sáng trong tâm của chúng ta sẽ
sáng tỏ hơn một chút, nhưng chúng ta không nên vì vậy mà lấy
làm thoả mãn. Ở điểm nầy tâm chúng ta vẫn còn đen tối si mê vì
chưa thấy rõ đặc tính Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Muốn loại bỏ
sự đen tối nầy, chúng ta phải cố gắng tu tập nhiều hơn: Kiên
trì tinh tấn theo dõi sự vật khi chúng khởi lên. Chánh kiến
sắc bén tập trung tâm ý sâu xa. cuối cùng, trí tuệ sẽ khởi lên
một cách tự nhiên.
-
03- Bức Màn Thánh Ðạo Tâm
-
Bây giờ chúng ta thấy rằng không thể tìm thấy nơi nương tựa
trong các hiện tượng vô thường nầy. Ðiều nầy khiến cho chúng
ta không an ổn, tuy nhiên những ánh sáng bên trong của chúng
sáng tỏ hơn. Chúng ta thấy rõ ràng đặc tính Khổ và Vô Ngã của
các hiện tượng. Lúc bấy giờ chỉ có một bức màn cuối cùng che
phủ sự nhận chân Niết Bàn cần phải lột bỏ, và bức màn cuối
cùng nầy chỉ được lột bỏ bởi thánh đạo tâm mà thôi. Khi bức
màn cuối cùng được lột bỏ, ánh sáng bình minh sẽ chan hòa khắp
nơi hay đó cũng chính là ánh sáng của giáo pháp thực sự bắt
đầu chiếu rạng trong dòng tâm thức của chúng ta.
-
Ðể kết luận, chúng tôi xin được nhấn mạnh:
-
- Nếu chúng ta khai triển tất cả các loại chánh kiến, thì tâm
của chúng ta sẽ sáng ngời, trong hiện đời chúng ta sẽ được an
ổn, hưởng nhiều phước lạc. Và cũng từ giây phút mà chúng ta
đem những chánh kiến trở về với chúng ta, thì lúc đó, dù chúng
ta có tái sanh ở đâu, trong vòng luân hồi nào đi nữa, chúng ta
cũng sẽ không bao giờ bị tách rời khỏi ánh sáng trí tuệ. Ánh
sáng trí tuệ nầy ngày càng sáng tỏ cho đến khi nào chúng ta
đạt đến đạo quả A La Hán, hoặc mức giác ngộ cuối cùng.
|