Lời Tiên Đoán Của A Tư Đà
Nhất Quán
--o0o--
Sự xuất hiện đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong thế giới loài người là một nhân duyên lớn và cũng là một vinh hiển cho con người và cuộc đời. Đồng thời một điềm lành cho hết thảy chúng sanh trong Tam Thiên đại Thiên Thế Giới. Ngài là kết tinh của muôn ngàn hương hoa từ bi và trí tuệ, là hiện thân của chân lý. Nếu cuộc đời không đau khổ tối tăm, thì đức Phật đã không xuất hiện ở cõi đời nầy. Ngài ra đời vì mục đích trọng đại là Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến, cho nên dù chúng ta có Phật Tử hay không, thiết tưởng cũng nên cần biết sơ lượt về lịch sử những diễn tiến lớn của cuộc đời Ngài.
            A- Lời Tiên Đóan Của Ma Ha Na Ma & A Tư Đà
Theo lịch sử cho biết Ðức Phật giáng sinh vào ngày 15 tháng 4 năm 624 BC tại vườn Lâm Tỳ Ni, cách thành Ca Tỳ La Vệ khoảng 15 cây số, nay là xứ Ruminidhehi, thuộc quản hạt Aouth, phía Tây Nam xứ Népal và phía Ðông Rapti. Song thân Ngài là Quốc vương Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Da. Thuộc dòng dõi Thích Ca, Vua Tịnh Phạn trị vì một vương quốc nằm ở ven sườn dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, nằm phía Ðông Bắc Ấn Ðộ, thủ phủ là Ca Tỳ La Vệ, nay là Népal.
Trước khi hạ sanh Thái Tử, một hôm trong thành Ca Tỳ La Vệ có lễ hội Tinh Tú, vua tôi cùng nhau cúng bái. Hoàng Hậu Ma Da sau khi dâng hương hoa trong nội điện và ra khỏi ngọ môn bố thí thức ăn, đồ mặc cho dân chúng, bà trở về cung an giấc, mộng thấy một tượng vương trắng sáu ngà từ trên hư không xuống, lấy ngà khai hông bên phải mà chui vào. Các vị tiên tri đều cho rằng Hoàng Hậu sẽ hạ sanh một quý tử tài đức song toàn. Nghe điều này, Vua Tịnh Phạn rất vui mừng, vì từ nay ngôi báu đã có người truyền nối.
Ðến thời khai hoa nở nhụy, theo tục lệ xứ Ca Tỳ La Vệ thời bấy giờ, Hoàng Hậu phải trở về quê cha là trưởng giả Anjana ở nước Câu Ly để an dưỡng, chờ ngày lâm bồn. Trên quãng đường đi, Hoàng Hậu Ma Da vào vườn Lâm Tỳ Ni thưởng ngoạn mùa hoa đang đua nở. Bên tàng cây vô ưu che rợp mát, sắc màu tươi sáng, hương thoảng nhẹ bay, Hoàng Hậu đã hạ sanh Thái tử. Tin lành Thái tử chào đời nhanh chóng được loan truyền trong dân chúng. Tất cả thần dân trong vương quốc đều vui mừng không xiết kể.
Ngày Ðản sanh Thái tử, khắp thành Ca Tỳ La Vệ cảnh vật đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi, sông ngòi mương giếng trong đầy, chim chóc reo vang, hào quang tỏa khắp. Ðó là ngày hội của toàn vương quốc. Dân chúng khắp nơi tổ chức ăn mừng và kéo về kinh đô Ca Tỳ La Vệ để vui mừng với hoàng gia. Lẫn trong đám đông, có nhiều đạo sĩ tu hành trên núi cao, cũng đi về dự lễ và xem tướng cho Thái Tử. Một trong các đạo sĩ có đạo sĩ tên A Tư Ðà, là người ẩn tu trên núi Hy Mã Lạp Sơn, được mọi người kính nể nhất, đã vì những thụy tướng đời trước và các pháp chưa từng có của Thái Tử nên vị tiên nầy đã chào Thái Tử với thái độ rất mực cung kính. Sau đó vị tiên nầy cười và rồi lại khóc. Ðược hỏi lý do ông cười rồi lại khóc, thì đạo sĩ trả lời:
- Ông cười là mừng vì Thái Tử có 32 tướng tốt, những hiện tượng hy hữu, và các pháp chưa từng thấy, nhất định tương lai sẽ tu chứng Phật quả, và với lòng từ thương xót chúng sanh mà truyền bá chánh pháp trên thế gian này. Ông khóc là vì ông không có được phước báo để thừa nghe giáo pháp đạo giải thóat sau nầy.
Bên cạnh lời tiên đóan của nhà tiên tri A Tư Đà, chúng ta còn thấy lời tiên đoán của Ma Ha Na Ma là vị Quốc Sư Bà La Môn nói với Vua Tịnh Phạn và Ma Gia Phu Nhân:
            - Căn cứ theo tiên thánh, thì các luận tướng truyền lại cho biết,  Thái Tử nếu không xuất gia tu học, ở lại nước trị vì thì sẽ là Vua  Chuyển Luân Thánh Vương. Vị Chuyển Luân Thánh Vương nầy sẽ có tự tại công đức đầy đủ. Nếu gặp thời nắng hạn tùy niệm thì mưa, nếu ở trong quốc nội có những kẻ giận tức, chúng sanh ác dối hung hiểm, lòng đầy sân hận, do đức oai của Chuyển Luân Thánh Vương nên trong nước nhân dân cùng nhau hoan hỷ. Chuyển Luân Thánh Vương thọ mạng lâu dài, không có hoạnh tử, ít bệnh, ít não thân thể đoan nghiêm, thế gian không ai sánh bằng, tất cả nhân dân đều yêu kính vua như con một, và Vua Chuyển Luân Thánh Vương yêu mến nhân dân như con đỏ. Một việc hiếm có khác là Vua Chuyển Luân Thánh Vương ở nhân gian oai đức của Chuyển Luân Thánh Vương như thế là đại thủ quả báo thắng nghiệp, tâm tôi sinh lạ là vì từ đời xưa, tất cả chuyển Luân Thánh Vương không có những tướng kỳ đặc như thế, như Cam Giá Nhất Chủng Sinh Vương, Ni Câu La Vương, Kiều Lâu La Vương, Cù Cù La Vương hoặc là phụ vương Sư Tử Giáp Vương cho đến thân ta không có những tướng hy hữu như vậy.
Những lời tiên đóan của các nhà tiên tri Ma Ha Na Ma và A Tư Đà nói, theo thuật ngữ trong kinh Phật Bản Hạnh Tập cho biết các Thụy Tướng Đời Trước, và Các Pháp Chưa Từng Thấy của bậc tòan giác được tóm tắt như sau:
I- Các Thụy Tướng Đời Trước:
01- Thị Hiện Bảy Bước:
Khi Bồ Tát sanh rồi, không cần có người nâng đỡ, liền đi bốn phương, mỗi phương đi bảy bước, mỗi bước đi của Bồ Tát đều mọc một bông sen lớn. Trước tiên Bồ Tát đi về phương Đông bảy bước xong rồi ngửa mặt nhìn bốn phương không như những tiếng tiểu nhi khác, mắt chưa từng chớp, miệng tự nói ra bài kệ chính ngữ:
            - Trong thế gian nầy ta là tối thắng, ta từ nay sinh phần đã hết.
            Ðây là việc ly kỳ của Bồ Tát khắp nơi chưa từng có. Tất cả các phương Tây, Nam, Bắc đức Bồ Tát cũng đi bảy bước tương tự như thế.
            02- Bảy Trợ Đạo Bồ Đề:
Khi Bồ Tát sanh rồi, không cần có người nâng đỡ, liền đi bốn phương, mỗi phương đi bảy bước. Đức Bồ Tát được thành Phật đạo rồi được bảy trợ đạo Bồ Ðề phân pháp, và Bồ Tát tự nói rằng:
            - Ta đoạn dứt sinh tử là tối hậu biên. Ta ở thế gian tối vi thù thắng. Như Lai được thành đạo rồi tất cả thế gian, chư thiên và nhân đều tôn trọng cung kính thừa sự.
            II- Các Pháp Chưa Từng Có
01- Lúc đức Bồ Tát hạ sinh rồi, họ hàng quyến thuộc chạy đi tìm nước khắp các nơi nhưng không thấy, chính ngay lúc ấy ở ngay trước mặt thân mẫu của Bồ Tát, tự nhiên hiện ra hai giếng nước: Một giếng nước nóng, và một giếng nước lạnh. Thân mẫu của Bồ Tát lấy nước hai giếng ấy tùy ý thọ dụng. Trong khi đó trên hư không cũng có hai dòng nước rót xuống: Một lạnh, một nóng, để tắm thân đức Bồ Tát.
            02- Bồ Tát lúc sơ sinh, vì không phải ở nơi hòang cung, cho nên chư thiên mang giường vàng để Bồ Tát xử dụng. Mặc dầu tuy có thân nhân, nhưng việc tắm thân mình của Bồ Tát đều do các chư thiên nâng đỡ.
03- Bồ Tát lúc mới sinh phóng đại quang minh che lấp cả quang minh khác.
04- Bồ Tát lúc mới sinh thân phóng quang minh, che lấp ánh sáng mặt trời cũng như sao ban ngày.
05- Bồ Tát lúc mới sinh tất cả những cây cối, tất cả cỏ thuốc, tùy thời đua nở.
06- Bồ Tát lúc mới sinh, chư thiên cõi thượng giới đem cái dù trắng, cán bằng vàng dòng, lớn như vành bánh xe đến để che chở.
07- Bồ Tát khi mới sinh, trên hư không trung tất cả các chư thiên đều cầm bạch phất, lấy các thứ báu làm bạch phất trên Bồ tát.
            08- Bồ Tát lúc mới sinh, trong hư không thanh tịnh không có mây khói, không có bụi trần, chỉ nghe tiếng sấm.
            09- Bồ Tát lúc mới sinh ở trên không trung, trời không có mây, chỉ có chút mưa nước thơm thanh tịnh, đủ tám công đức, khiến cho tất cả chúng sanh đều được khoái lạc.
            10- Bồ Tát lúc mới sinh trong hư không gió thổi vi diệu, thanh mát không não, tất cả tám phương thanh tịnh quang sáng, không có mây khói trần ai chướng uế.
            11- Bồ Tát lúc mới sinh trên không trung không có ai làm mà tự nhiên phát ra tiếng phạm nhiệm mầu.
            12- Bồ Tát lúc mới sinh, trên không trung tự nhiên xuất phát tiếng âm nhạc chư thiên và những ca hát, mưa các thứ hoa, tuy phơi ngòai mặt trời mà không khô héo.
            13- Bồ Tát lúc mới sinh có năm trăm ngọc nữ chư thiên mang các thiên hoa và dầu xông, hương ở cõi trời, những thứ áo nhiệm mầu, những chuổi ngọc báu, những lọai âm thanh vi diệu của chư thiên tới trước thân mẫu Bồ Tát mà an ủi hỏi han phát lời nói rằng:
- Lành sinh Bồ Tát, thánh mẫu có mỏi mệt chăng?
            14- Bồ Tát lúc mới sinh, đại địa đủ mười tám tướng, sáu thứ chấn động, tất cả các chúng sinh đều được khoái lạc, ngay trong khi ấy, không có một chúng sanh nào sinh dục tâm, không tức giận, không ngu si, không kiêu mạn, không sợ, không một chúng sanh nào tạo nghiệp ác. Tất cả bệnh tật đều được tiêu trừ, đói thì được ăn, khát thì được uống, tất cả no đủ không thiếu thốn. Những chúng sanh hôn mê đều được tỉnh táo, kẻ rồ được chỉnh, kẻ mù được trông, kẻ điếc được nghe, kẻ không hoàn cụ đều được đầy đủ, kẻ nghèo được của, kẻ ở lao tù và những cầm thú bị giam cầm thì được giải thoát, chúng sinh trong địa ngục đều được nghỉ ngơi, các loài súc sanh thì khỏi sợ hãi, các loài ngạ quỷ đều được sung túc.
15- Bồ Tát lúc mới sinh, đứng ngay trên mặt đất không cần người nâng đỡ, liền đi bảy buớc, mỗi lốt chân đều sinh hoa sen, tất cả bốn phương chính mắt xem coi và không chớp, không kinh, không sợ, đứng chính mắt chúng đông, lời nói biện bác trong sạch, tự cú viên mãn, không giống như những hài nhi khác, ngửa coi hông hữu của mẹ mà nói rằng:
- Ở trong thế gian ta là tối thắng, ta sẽ cứu gỡ tất cả chúng sanh cội gốc phiền não sinh tử. Ta từ ngày nay không phải chịu thai mẫu nhân nữa, đây là tối hậu biên thân của ta.
            16- Bồ Tát lúc mới sinh, đứng ở dưới đất kia, bởi thân đồng tử thanh tịnh ở trên hư không hai dòng nước một nóng một lạnh lại đem giường vàng để cho đồng tử ngồi tắm gội thân đồng tử. Ðồng Tử sinh rồi thân phóng quang minh, ngăn che mặt trời, thượng giới chư thiên mang lọng trắng, cán bằng vàng to như vành bánh xe đứng trên không trung, có các chư thiên tay cầm bạch phất cán làm bằng các thứ báu phất trên đồng tử, trên không trung tất cả âm nhạc, không đánh tự kêu. Lại thấy vô lượng, vô biên những tiếng hát ngâm, nơi nơi đều mưa hoa hương tràn đầy khắp cả mặt đất.
17- Bồ Tát lúc mới sinh trên không trung tất cả chư thiên đều mang vô lượng hoa Ưu Bát La, hoa Bát Ðầu Ma, hoa Câu Vật Ðầu, hoa Phân Ðàn Lợi như thế thảy thảy tạp hoa, lại đem các thứ hương nhiệm mầu, lại đem các thứ tràng hoa màn báu rải trên Bồ Tát, rải rồi lại rải cứ tiếp tục mãi.
18- Khi Bồ Tát thành đạo Phật rồi được bốn thứ toàn bằng liên hoa, nâng đỡ Như Lai.
            19- Khi Bồ Tát thành đạo rồi không có một người nào luận pháp thắng được Như Lai.
            20- Khi Bồ Tát thành đạo Phật rồi ở bên chúng Thanh Văn, đệ tử tự tại được tối thượng cúng dàng, tiếng khen tối thượng.  
            21- Khi Bồ Tát thành Phật đạo rồi, có các chúng sanh chưa được tín giải sẽ được tín giải, đã tín giải rồi lại được tăng trưởng.
22- Khi Bồ Tát thành đạo Phật rồi, dùng không tức giận mà được giải thoát lìa dục nhiêu ích chẳng mệt cần khổ mà được tự tại.     
23- Khi Bồ Tát thành đạo rồi, vì các thế gian, lấy trí tuệ hiện đại tham kiến, thanh tịnh các thông, thế gian không tỷ dụ. Như Lai là thượng thủ.
III- Các Quyến Thuộc Tùy Tùng          
Khi Bồ Tát giáng sinh, thì ngay trong ngày, giờ hôm đó trong họ dòng Thích cũng có năm trăm đồng tử cùng sinh, nhưng Bồ Tát sinh thân là đứng đầu.
Ngoài ra còn có:
- Lại có năm trăm con gái họ Thích cùng sinh một ngày. Gia Du Ðà La là đứng đầu.
- Khi Bồ Tát giáng sinh thì có năm trăm nô bộc họ Thích cùng sinh một ngày, Tịnh Phạn Vương Cung Sa Nặc là đứng đầu.
- Khi Bồ Tát giáng sinh thì có năm trăm nàng hầu họ Thích cùng sinh một ngày, Tịnh Phạn Vương cung để thị vệ Thái Tử.
- Khi Bồ Tát giáng sinh thì có năm trăm tiên bạch mã câu cùng sanh một ngày, con Kiền Trắc là dẫn đầu.
- Khi Bồ Tát giáng sinh thì có năm trăm đại tượng vương, sắc trắng như tuyết, đầu có sáu ngà ở vương cung môn tự nhiên xuất hiện.
- Khi Bồ Tát giáng sinh thì có năm trăm diệu hảo viên, ngòi giếng hồ ao, rất nhiều hoa quả hiện lên ở Thành Ca Tỳ La Vệ vòng quanh tứ diện đều là lực oai đức của Thái Tử.
- Khi Bồ Tát giáng sinh thì có năm trăm đại thương khách chất chứa góp tiền tài, trân bảo rất nhiều đem theo lại thành Ca Tỳ La.
- Khi Bồ Tát giáng sinh thì có năm trăm tàn lọng, năm trăm bình vàng đều là năm trăm túc tán, các vua sai sứ đưa lại dâng lên vua Tịnh Phạn mà nói rằng:
- Những vật dụng nầy dâng hiến lên đại vương để khánh hạ Thái Tử.
- Khi Bồ Tát giáng sinh thì có năm ngàn các Bà La Môn, và dòng Sa Ðế Lợi đại phú trưởng giả đều đem con gái mình dâng lên vua tịnh Phạn, khi vua Tịnh Phạn cần dùng đến đều được đầy đủ.
            IV- Cuộc Đón Rước Vô Tiền Khóang Hậu
            Khi được tin hòang hậu Ma Da vừa hạ sanh Thái Tử, Vua Tịnh Phạn liền sắc lệnh làm đẹp thành Ca Tỳ La Vệ. Cho người sái tảo gai góc, cát sỏi đất đá phân uế, mô đất mây móc sâu không thơm khiến cho thanh khiết, thành Ca Tỳ La tất cả đều trang nghiêm cũng như Thành Càn Thát Bà không khác. Trong thành có những trò chơi chẳng hạn như: Tất cả những đội lân, hoặc hát hoặc múa khéo làm việc chuyển hoá, hoặc làm trò chơi, hoặc trang nghiêm thân, hoặc làm phụ nữ, như thế những biến hoá sở năng, tất cả đều lại tụ tập. Cũng có người nhảy lên hư không hoặc rung chuông, hoặc đánh trống, hoặc đi guốc giép, hoặc leo đầu sào, hoặc quăn lại cũng như quay vòng hoặc đi ở trên giây ở hư không, hoặc đánh cờ, hoặc nhảy đao vô lượng vô biên những trò chơi như thế tất cả cũng đều tụ họp lại để làm trò giúp vui trong việc tiếp đón Thái Tử.
Trong đòan nghinh đón Thái Tử về hòang cung, chúng ta còn thấy:
- Hai muôn ngàn hương tượng hàm thiết bằng vàng, yên vàng, mặc giáp hoàng kim, tất cả trang sức thuần vàng, lại lồng lưới vàng ở sau Bồ Tát lần lượt mà đi.
- Hai muôn bảo xa, dùng bốn ngựa kéo, phan lọng trang nghiêm, lưới vàng giăng che ở trên theo sau Bồ Tát lần lượt mà đi.
- Bốn muôn bộ binh tráng sĩ đều khoẻ mạnh, đều địch nổi ngàn người và trượng phu có gân sức mạnh, hay phá được oán dịch, thân mặc áo giáp, tay cầm cung đao, hoặc cầm vòng sắc, hoặc cầm giáo dài như thế ở sau Bồ Tát lần lượt mà đi.
Bên cạnh nhân dân vương triều Ca Tỳ La Vệ, trong khi cung đón Thái Tử về hoàng cung, chúng ta còn thấy chư vị ở cảnh giới siêu hình hiện làm dân Thành Ca Tỳ La Vệ để cùng đi cung nghinh Thái Tử như:
- Có vô lượng vô biên sắc giới tối đại oai đức chư thiên chúng ở bên hữu Bồ Tát mà đi, lại có vô lượng vô biên Dục Giới tối đại đức chư thiên chúng ở bên trái Bồ Tát mà đi.
- Có vô lượng vô biên Long Vương, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Cưu Bàn Trà, La Sát, Tỳ Xa Già xuất hiện nửa hình tay cầm các thứ hoa đầy trong hư không theo Bồ Tát mà đi.
- Có vô lượng vô số vô biên ức trăm ngàn muôn chư thiên, thân vương hoan hỷ nhảy nhót không thể tả xiết, cao tiếng nói to, hoặc múa hoặc hát âm thanh lạ, hoặc múa áo siêm, hoặc múa tay chân làm các hý nhạc, hoặc mang hương bột, hương bôi, tràng hoa chuỗi ngọc, hoa Mạn Ðà La, và các thứ hoa đều nâng trên tay ở trên Bồ Tát trong khoảng không trung đi rải trên Bồ Tát, tan rồi lại rải tất cả chư thiên bởi lực oai đức của bồ tát không nghe không hỏi, tất cả mọi người tuy thấy thiên sắc, cũng không kinh không thán, cũng không phóng dật.
Khi bấy giờ Bồ Tát vào thành, tất cả chư thiên quét rửa đường xá, lại năm ngàn ngọc nữ chư thiên đều tay cầm bình vàng đựng đầy nước thơm để sái trên mặt đất, có vị thì cầm chổi trời vi diệu đi trước Bồ Tát vừa đi vừa quét. Có vị thì cầm các lư hương báu trời, đốt các thứ hương vi diệu cúng dàng trước Bồ Tát theo đường mà đi. Có vị thì cầm bình vàng đựng đầy hương vi diệu. Có vị thì cầm quạt lá cây Ba La trời. Có vị thì cầm đuôi Không Tước Vương dùng làm phất trần. Có vị tay cầm chuông vàng, thường thường rung động thanh cao xướng to tiếng cát tường
Lúc bấy giờ Hộ Thế Tứ Thiên Vương, cũng đều biến thân làm Bà La Môn trẻ tuổi, đoan chính đẹp đẽ, tóc trên đầu như ốc xoáy, khiêng bảo xa của Bồ Tát mà đi. Vua Thiên Ðế Thích ẩn mình hoá làm đồng niên con của Bà La Môn, đoan chính, tóc như ốc xoáy, thân mặc áo vàng, tay trái cầm bình tắm vàng, tay phải cầm ghế báu, ở trước Bồ Tát ngăn người mà đi miệng lớn tiếng nói:
- Các người phải tránh đường đi, tối thắng chúng sanh nay sẽ vào thành.
Bây giờ Sắc Giới Ðại Phạm Thiên Vương nói kệ đời xưa khen Bồ tát rằng:
- Trên trời dưới trời không ai bằng Phật
Mười Phương thế giới cũng như thế
Thế gian có gì ta thấy hết
Tất cả lại không ai bằng Phật.
Khi đòan rước xe hoa vừa đến hòang thành thì tất cả quyến thuộc họ Thích đem bốn chủng binh: Xa binh, mã binh, tượng binh, bộ binh vây quanh Bồ Tát hoặc phía trước, hoặc phía sau, hoặc phía trái hoặc bên phải theo Bồ Tát cùng đi, đông đầy chật ních thành Ca Tỳ La Vệ.
Vua Tịnh Phạn cũng cho lực đại vương, oai đức đại vương đánh vô lượng trống lớn trống nhỏ, thổi vô lượng kèn, các thứ khác nhau, âm thanh tạp diệp, làm cho vui Bồ Tát dẫn đường đi vào thành Ca Tỳ La. Khi được biết Thái Tử sắp vào Thành Ca Tỳ La Vệ các người trong dòng họ Thích, năm trăm quan đại thần đều làm quyến thuộc của Bồ Tát, họ tạo lập năm trăm Tịnh Xá để Bồ Tát ngồi. Khi Bồ tát mới nhập thành họ đều đứng trước của nhà lấy tâm hoan hỷ, chấp tay cung kính mà nói:
- Nguyện thiên trung thiên vào tịnh xá tôi, nguyên đại thiên thiền sư vào tịnh xá tôi, nguyện thanh kim sắc thanh tịnh vào tịnh xá tôi, nguyện thị nhất thiết hoan hỷ tâm vào tịnh xá tôi, nguyện đức tối tôn vô đẳng đẳng vào tịnh xá tôi.
Vua Tịnh Phạn thấy vậy vì những người đó, năm trăm quyến thuộc, sinh tâm lân mẫn, lần lượt đưa bồ tát vào từng tịnh xá xong xuôi, sau đó mới đưa Bồ Tát về cung.
B- Thóat Khỏi Những Phiền Lụy Của Kiếp Người
Lời tiên tri của Quốc Vương Ma Ha Na Ma, và nhà tiên tri A Tư Đà làm Vua Tịnh Phạn lo lắng rồi một ngày nào đó Thái Tử sẽ xuất gia đi tu. Quả thật lời tiên đóan sau đó hai mươi chín năm Vương Triều Ca Tỳ La Vệ mới thấy. Rõ ràng nhất trong một buổi lễ hạ điền, giữa lúc mọi người mải mê xem lễ hội, Thái tử lúc ấy tuy còn nhỏ, đã lặng lẽ đến bên cội cây gioi xếp bằng tĩnh tọa. Càng yêu thương quý trọng con, Vua Tịnh Phạn lại càng lo sợ Thái tử sẽ không nối nghiệp ngai vàng, mà sẽ xuất gia tìm đạo như lời tiên đoán của đạo sĩ A Tư Đà. Càng lớn lên, Thái tử càng lộ vẻ trầm tư về cuộc sống. Bởi thế, vua cùng triều thần sắp đặt nhiều kế hoạch để giữ Thái tử ở lại với ngai vàng. Vua Tịnh Phạn đã cho xây ba cung điện nguy nga, tráng lệ cho Thái tử thay đổi nơi ở hợp với thời tiết quanh năm của Ấn Ðộ. Hàng trăm cung phi mỹ nữ giỏi đàn ca hát múa được tuyển chọn để túc trực hầu hạ Thái tử.
Muốn ngăn chặn tất cả những hình ảnh của cuộc sống trầm thống khổ đau mà kiếp người phải đeo mang không lọt vào mắt, vào tai Thái tử. Vì muốn cho đứa con yêu không có thời gian để nghĩ đến việc xuất gia; khi Thái tử vừa tròn 16 tuổi, Vua Tịnh Phạn vội tiến hành lễ thành hôn cho Thái Tử với Công Chúa một nước láng giềng là Da Du Ðà La con Vua Thiện Giác, một trang quốc sắc thiên hương, với hy vọng hương ấm tình yêu thương đôi lứa sẽ buộc chặt đôi chân của Thái tử ở lại với ngai vàng. Nhưng được một thời gian do vì lòng thương người vô hạn vô biên, Thái tử lại rơi vào tình trạng trầm tư lo lắng, luôn cảm thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn thắc mắc. Ðể giải tỏa những băng khoăn thắc mắc, Vua Tịnh Phạn cho Thái Tử dạo chơi ngòai bốn cửa thành. Được phép vua cha, Thái Tử lần đầu tiên được ra khỏi cung vàng điện ngọc và tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Lần lượt ra bốn cửa thành của hoàng cung, Thái Tử chứng kiến những sự thật đen tối của cuộc đời hết sức đáng sợ:
- Một cụ già chân mỏi, gối dùn
- Một người bệnh hoạn đau quằn quại nằm bên vệ đường
- Một thây ma hôi thối và
- Một đạo sĩ ly dục nghiêm trang với bước đi thanh thóat.
Tất cả những gì tai nghe mắt thấy, đã làm cho tâm tư Thái Tử dao động đến cực độ. Ngài càng nhận chân rằng tất cả những lạc thú, hạnh phúc mà mình đang thọ hưởng đều mang tính giả tạm vô thường. Cộng với lần tiếp chuyện cùng vị đạo sĩ ung dung, mà thoáng hiện đằng sau con người này một con đường giải thoát, Thái tử Tất Đạt Đa quyết định thoát khỏi ngục vàng, tìm ra một lối thoát, một cuộc sống chân thật có ý nghĩa và cao đẹp hơn. Một con đường dẫn tới giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi nỗi khổ đau và bất hạnh của đời người và hướng đến an lạc. Và rồi, với cõi lòng nặng trĩu vì thương chúng sanh chìm đắm trong bể khổ; một đêm, sau khi đến trước phòng nhìn lần chót người vợ và hài nhi yêu dấu đang say nồng trong giấc ngủ, Ngài cùng nô bộc Xa Nặc dắt con tuấn mã Kiền Trắc vượt thành ra đi. Ra đi, Ngài từ bỏ tất cả những người thân yêu, ngôi báu, vương quyền, cả cuộc sống nhung lụa tràn đầy hạnh phúc. Trong đó có tình yêu thương của phụ hoàng, di mẫu, vợ đẹp, con ngoan rất nồng nàn, nhưng trong Thái tử, tấm lòng xót thương nhân loại đang chịu mọi nỗi bất hạnh trên cuộc đời lại còn da diết vượt trội hơn nhiều. Quả thật, quyết định ra đi tìm đạo của Thái Tử là một sự từ bỏ hy sinh vĩ đại, có một không hai trong lịch sử loài người. Một sự ra đi không tiền khoáng hậu. Năm ấy, nếu theo Nam truyền Phật giáo Thái tử vừa tròn 19 tuổi, nhưng nếu theo Bắc Truyền Phật Giáo thì Thái tử xuất gia năm 29 tuổi.
Sau khi cùng với Xa Nặc đến bên kia bờ sông Anoma, Thái tử dừng lại, cạo bỏ râu tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Xa Nặc; và bảo người nô bộc trung thành ra về tạ lỗi cùng phụ hoàng. Còn lại một mình, Thái tử ra đi với bộ áo màu vàng giản dị của người tu sĩ, sống cuộc sống không nhà của người xuất gia, không nơi cố định. Trong thời gian đi tìm đạo, một cây cao bóng mát, hoặc một hang đá vắng vẻ, một cánh rừng u tịch, một làng mạc đìu hiu đều có thể là nơi che mưa đỡ nắng, nghỉ qua đêm của Ngài. Ngài đi trong nắng cháy, đi trong sương gió, xiêm y từ tốn chỉ là những mảnh vụn ráp lại, tài sản giờ đây duy nhất chỉ là một bình bát để khất thực độ nhật. Thái tử Tất Đạt Đa dành hết thời gian cho sự tìm cầu thiền định hầu tìm ra sự thật tối hậu. Và rồi Thái tử Tất Đạt Đa trên đường đi tầm đạo cũng đã tới thụ giáo với các vị Thầy danh tiếng, nhưng vẫn không thỏa mãn, và cuối cùng Ngài đến Uruvela, một thị trấn của Senàni và cùng với năm anh em ông Kiều Trần Như, Bạt Ðề, Ðề Bà, Ma Ha Nam và Ác Bệ, bắt đầu một cuộc tu khổ hạnh kéo dài đến 6 năm và dẫn đến kết quả là thân thể Ngài gầy đi như một bộ xương khô, đôi mắt sâu hoắm, không còn đi đứng được nữa. Qua những ngày tháng thực nghiệm, Ngài thấy rằng chân lý tối hậu giải thoát an lạc, diệt trừ khổ đau không thể cầu được ở bên ngoài, ở bất kỳ một bậc đạo sư nào, cũng không phải qua pháp môn hành xác, mà sự chứng ngộ ấy cần phải được thể hiện ở chính trong nội tâm của mỗi người và không thể dựa vào một tha lực nào khác. Ngài lấy lại sức nhờ uống bát sữa do một thôn nữ tên là Su Dà Ta dâng cúng, sau đó xuống tắm ở dòng sông Ni Liên Thiền. Năm người bạn đồng tu cho rằng Ngài đã thối chí, quay về cuộc sống dục lạc tiện nghi, họ bèn rời bỏ Ngài đi tu nơi khác. Còn lại một mình, Ngài đến ngồi dưới gốc cây tất bát la, sau này khi Ngài thành đạo thì cây tất bát la được gọi là cây bồ đề. Ngồi dưới gốc cây tất bát la với tâm định tĩnh, chánh niệm, tỉnh giác, ly dục, đi vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và lần lượt nhập lên tứ thiền, sau đó hướng tâm đến tam minh. Với trực giác, Ngài thấy rõ nguyên nhân của khổ đau. Chính sự tập khởi của 12 nhân duyên là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn.
- Ở canh một, Ngài chứng Túc Mệnh Minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của mình.
- Sang canh hai, Ngài chứng Thiên Nhãn Minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của chúng sanh với các nghiệp nhân và nghiệp quả, thấy rõ con đường thọ nghiệp của chúng sanh.
- Qua canh ba, Ngài như thật quán chiếu thấy khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự đoạn tận của khổ đau, và con đường đưa đến đoạn tận khổ đau, và đã chứng Lậu Tận Minh.
Sau cùng, Ngài chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là vị Phật đầu tiên trong hiện kiếp, lúc ấy sao Mai vừa mọc; và danh hiệu Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni được thế gian tôn xưng từ đấy, và một tôn giáo mới trực tiếp đóng góp vào việc cứu nhân độ thế thời bấy giờ xuất hiện, đó là Đạo Phật.
C- Bài Học Cho Nhân Loại
Ðức Phật là một con người vĩ đại xuất hiện trong thế giới thường nhân, với trí tuệ siêu việt được thể hiện qua ngôn ngữ, văn tự thường tình đã gây âm vang chấn động trong lịch sử tôn giáo và triết học thời bấy giờ. Cho đến nay, gần ba thiên niên kỷ trôi qua, tiến trình phát triển của con người đã bao lần thay đổi, vô số những dữ kiện ghi chép về Đức Phật được chép vào trang lịch sử, trong đó, cuộc đời hoằng pháp của Ðức Phật là bức thông điệp muôn thuở cho con người khảo nghiệm, nghiên cứu, thực hành. Ðức Phật chỉ là một con người, nhưng là con người kết tinh của vô vàn tinh hoa tuyệt mỹ của nhân loại. Vì thế, đứng ở góc độ nào, người ta vẫn thấy được hiện thân của Ngài. Ðó là hiện thân của chân lý, của trí tuệ và từ bi. Qua cái nhìn nhất quán của chân lý và trí tuệ chúng ta mới có thể thấy Ngài qua các khía cạnh:
- Sau khi thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề, và ngài đã khai sáng ra Đạo Phật. Là giáo chủ của một tôn giáo Thế Tôn Ngài hướng dẫn cho tất cả mọi người biết, Ngài cũng là một người như bao nhiêu con người, tự giác ngộ chân lý, rồi đem sự giác ngộ ấy truyền dạy lại cho con người. Ngài cũng xác định, Ngài không phải là Thượng đế, thiên sứ hay thần linh ở một thế giới xa xăm nào xuất hiện giữa cuộc đời. Ðức Phật dạy:
- Nếu ai hiểu một cách chân chính về Ngài thì hãy hiểu rằng, Ngài là một vị hữu tình không có si ám, sinh ra ở đời vì hạnh phúc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.
Chân lý được Thế Tôn chứng ngộ, do đó, cũng ở ngay trong thế giới hiện hữu này. Chân lý đó là những quy luật vận hành của vũ trụ nhân sinh. Nó tồn tại khách quan trong mọi sự sống, vì vậy Ðức Phật dù xuất hiện hay không xuất hiện ở đời, nó vẫn luôn vận hành như vậy. Ðịnh lý này cao thượng, siêu lý luận, vi diệu; chỉ có người trí mới hiểu thấu.
- Với ý nghĩa đó, chúng ta biết rằng Ðức Phật là người thấy được chân lý mà không phải tạo dựng ra chân lý. Ngài cực lực phản đối những luận điệu cho rằng Ngài là người sáng tạo ra một học thuyết mới.
- Qua quá trình thực nghiệm của Đức Phật, cho chúng ta nhận thức được rằng: Sống trong sự hưởng thụ dục lạc cũng không có hạnh phúc chân thật, nhưng ép xác khổ hạnh cũng chẳng được an vui. Do đó khi từ bỏ hai cực đoan này, thực hành Bát thánh đạo, đức Thế Tôn tìm được an lạc trên con đường này. Và đây cũng là Trung đạo đưa đến sự chứng ngộ tối thượng.
- Việc từ bỏ hai đạo sĩ nổi danh và năm người bạn đồng tu để tỉnh tọa bốn mươi chín ngày đêm, là bài pháp thân giáo sinh động, thể hiện sự tự tu, tự chứng ngộ của bậc Ðạo Sư. Đây là hành trang duy nhất giúp chúng ta tích cực tiến bước trên lộ trình giải thoát giác ngộ. Ngài luôn dạy chúng ta đừng giao phó thân mạng, tư tưởng, lý tưởng, mục đích sống cho bất cứ ai, chủ thuyết nào, ý hệ nào dù chúng đã trở thành truyền thống, tập tục; vì chỉ có mình là chủ nhân tác nghiệp, tạo nên khổ đau hay hạnh phúc. Từ kinh nghiệm tu chứng bản thân, Ðức Phật dạy các đệ tử hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa nơi chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ có nương tựa một gì khác. Bởi vì đầy là kinh nghiệm sau bốn mươi chín ngày đêm tư duy, ngài đã trở thành bậc chánh đẳng chánh giác, tinh thần nầy cho chúng ta thấy: Tự mình thắp đuốc lên mà đi. Theo tinh thần nầy cũng có nghĩa là tự mình khơi dậy ngọn đèn trí tuệ, khơi dậy hạt giống Phật nằm tiềm ẩn bên trong mỗi con người. Bởi vì, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, nói như thế có nghĩa là ai cũng có khả năng thành Phật. Tiến trình đạt đến quả vị Phật là tiến trình chiến đấu với tự thân, chiến đấu với vô minh và ái dục. Ðức Phật tuyên bố: Biển có thể cạn, núi có thể sụp đổ, quả đất có thể băng hoại, nhưng khổ đau không bao giờ chấm dứt đối với người còn vô minh và ái dục. Ngài đã đoạn trừ được vô minh và ái dục, nên Ngài là bậc tối tôn ở đời. Ngài thân dù ở trong muôn loài, nhưng tâm đã cao thượng, vượt lên trên tất cả muôn loài.
D- Kết Luận
Lời tiên đóan của các nhà tiên tri Ma Ha Na Ma và A Tư Đà, sau đó hai mươi chín năm đã trở thành sự thật, xét về phương diện lịch sử  của Ðức Phật là lịch sử của một con người có thật, nhờ tu tập bản thân, đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc thánh giữa thế gian. Bằng cuộc đời của Ngài, bằng những lời dạy của Ngài được kết tập lại trong ba tạng kinh điển, Ðức Phật đã khai thị cho loài người biết rằng, bất cứ một người nào, với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể vươn lên đỉnh cao của giác ngộ và giải thoát. Có thể nói, không một tôn giáo nào, không một hệ tư tưởng nào đề cao con người và đặt niềm tin vào con người như là đạo Phật. Tính nhân bản tuyệt vời của đạo Phật chính là chỗ đó. Cuộc đời của Ðức Phật là cả một bài thuyết pháp hùng hồn trác tuyệt, dù cho có dùng hàng vạn ngôn từ mỹ dụ cũng không thể nào diễn đạt cho hết ý nghĩa thiêng liêng. Ðời sống của Ngài là một biểu hiện sống động cho giáo lý của Ngài. Ngài nói và thực hành với kết quả mỹ mãn, tương ứng với những gì Ngài thuyết giảng. Ðời sống Ðức Ðiều Ngự là cả một bằng chứng hiển nhiên cho giáo pháp vượt thời gian, không gian, hiện tại lạc trú của Ngài. Ðó không phải là những tín điều mặc khải, càng không phải là những lời dạy suông, những ý niệm hoang tưởng, những lý thuyết xây dựng trên mây, trên khói.
 
Tài Liệu Tham Khảo:
- Kinh Phật Bản Hạnh Tập
- Đức Phật & Phật Pháp
- Kinh Đại Bảo Tích
- Phật Học Phổ Thông
-- o0o --