Sáu Phép Hòa Kính
Thông Trí
--o0o--
           
Lục Hòa là sáu phương pháp cư xử với nhau cho hòa hợp từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Tinh thần Lục Hòa được áp dụng để duy trì sự hòa hiếu trong tăng đoàn từ thời Ðức Phật còn tại thế. Nguyên nhân đức Phật nói Sáu Pháp Hòa Kỉnh, theo trong sách vở có ghi chép rằng, một hôm Thầy La Hầu La đi khất thực về, gương mặt có vẻ không vui, Phật kêu lên gạn hỏi thì Thầy La Hầu La phàn nàn rằng trong đoàn khất thực của mình chỉ có Trưởng Lão Xá Lợi Phất và các Tỳ Kheo lớn tuổi mới được tín thí cúng dường vật thực bổ béo, kỳ dư hạng Sa Di như La Hầu La thì chỉ được tặng cho một tý xíu xác mè ép và rau đồng luộc trộn với cơm, ăn uống như thế thì làm sao có đủ sức khỏe để tu hành. Phật rầy La Hầu La không nên có niềm đố kỵ ấy.
            Nhân đây Ðức Phật chế ra Sáu Pháp Hòa Kỉnh. Pháp nầy gồm có sáu điểm cơ bản quan trọng quy định nguyên tắc sanh hoạt nội bộ của chúng tăng nhằm mục đích tiến tới sự cao đẹp, đến con đường giải thoát, toàn thiện toàn mỹ. Hòa theo tinh thần của Ðạo Phật là một tinh thần tương trợ, chứ không phải hòa một cách nhu nhược, thụ động, ai nói quấy cũng ừ, ai nói phải cũng gật. Hoà ở đây cũng không phải là một phương tiện tạm thời nhằm thoa dịu những lúc bức ngặt,  mà là Tinh Thần Lục Hoà ở đây nhằm mục đích làm lợi cho tất cả, đem lại hạnh phúc cho tất cả những ai cùng chung sống trong ngôi chùa, tu viện, cư xá, gia đình, đoàn thể... trong đó không có bóng dáng độc tôn của mình hoặc người, không có so đo chúng ta hơn, người khác kém, hoặc chúng ta kém người khác hơn. Nghĩa là không còn tham chấp đố nghị, mà trong đó Tinh Thần Lục Hoà khuyến khích chúng ta phải đem tâm rộng lớn để cư xử với nhau và để cùng chung sống trong tinh thần Hoà Hiếu An Vui.
Thân Hoà Cùng Ở
Khi đã có nhân duyên, gặp gỡ và cùng nhau chung sống dưới môt mái nhà, cùng nhau chung sống trong một ngôi chùa, hoặc cùng nhau cộng tác cho một tổ chức, thì lẽ tất nhiên là đi đâu cũng gặp nhau, làm gì cũng gặp nhau. Nghĩa là hôm sớm có nhau, cùng ăn, cùng ngủ, cùng học, cùng làm. Khi đã sống chung với nhau như thế thì phải ý thức và thực hành:
- Thân Hòa Cùng Ở
Có áp dụng đúng mức tinh thần Thân Hòa Cùng Ở chúng ta mới biết cách hoà thuận với nhau, không dùng sức mạnh, quyền thế để lấn áp nhau, gây gỗ đánh đập nhau. Nếu là:
- Cuộc sống trong phạm vi gia đình, muốn cho cuộc sống có được hạnh phúc, êm ấm trong gia đình, thì anh em, vợ chồng, con cái trong một gia đình phải biết tương kính lẫn nhau, trên thuận dưới hoà, lớn nói nhỏ nghe, nhỏ khuyên lớn chấp nhận nếu đó là sai lầm. Nghĩa là làm sao cho anh ra anh, em ra em, chồng ra chồng, vợ ra vợ.
            - Cuộc sống trong thiền viện, chúng ta là người biết đạo và biết thực hành giáo pháp giải thoát, cùng ở với nhau học tập dưới một mái Chùa. Tuy là chúng ta không phải là bà con láng giếng, họ hàng ruột thịt, nhưng tất cả đều là đệ tử của Ðức Phật, cũng là những người có cùng một lý tưởng, một mục đích, tu tập đạo giải thoát, cho nên công việc đầu tiên là phải khắc kỷ, lấy giới luật và cái hòa khí làm đầu. Không nên vì một lý do nào đó mà chia phe, lập phái, cậy mạnh, ỷ quyền lấn áp, hiếp đáp người dồng đạo.
            - Ngoài xã hội chúng ta là những người công dân trong một nước, cùng chung sống trong một quốc gia xã hội, cùng nhau sinh hoạt trong một cộng đồng, thì phải lấy sự đoàn kết làm đầu, không nên tạo sự bất hòa để chia năm xẻ bảy trong cộng đồng, lại càng không nên vì lợi dưỡng cá nhân mà làm thành giặc chòm, giặc xóm, sát phạt nhau, chém giết lẫn nhau.
            - Trong cộng đồng thế giới, mặc dầu mỗi người sanh ra và trưởng thành trong những quốc gia khác nhau, nhưng đã là nhân loại, cùng chung sống trên quả địa cầu nầy, thì dù là da trắng, da đen, da vàng hay da đỏ cũng đều là con người, cho nên ai cũng biết vui, biết buồn, và ai cũng có tấm lòng trắc ẩn thương người... Ðã là con người có cùng những đặc tính như nhau thì lại càng không nên cố tình gây đau khổ cho nhau để rồi dẫn đến hành động bắn giết nhau, tàn sát nhau
            Như vậy mặc dù chúng ta là người như thế nào đi nữa, chúng ta khi cùng chung sống trong một gia đình, trong một tu viện, trong một quốc gia, trong một cộng đồng của nhân loại thì nên ý thức được rằng Tình Thần Hoà Hiếu An Vui là một tinh thần hết sức thực tế, có khả năng làm cho mọi người an vui, hạnh phúc trong chiều hướng xây dựng.           
02- Lời Nói Hòa Hợp Không Tranh Cãi
            Ðức Phật thường dạy là:
- Họa tùng khẩu xuất.
Nghĩa là:
- Họa do miệng tạo ra
Như vậy, trong gia đình, trong tu viện, trong quốc gia, và trong cộng đồng nhân lọai, nếu chúng ta muốn tránh cảnh thân xô xát, đánh đập nhau, đối chọi nhau, thì lời nói phải giữ gìn cho được ôn hoà nhã nhặn, trong mọi trường hợp, trong mọi hoàn cảnh. Ðể hỗ trợ cho việc yếu tố khẩu hòa, chúng ta cũng có thể áp dụng câu:
- Cơm sôi bớt lửa, người giận bớt lời
Nghĩa là bằng cách nào đó, nhất thiết không được rầy rà cãi cọ nhau. Có người thân hòa mà khẩu không hoà, cho nên rồi tìm những chổ đả kích nhau, hơn thua nhau từng câu nói, trong đó có cả cách mỉa mai, châm chọc nhau, hạch hỏi nhau từng tiếng một, cuối cùng sanh ra ấu đả nhau.
            Trong một gia đình, cũng vì cách nói không khéo cho nên dễ tạo nên sự bất hoà gia cha mẹ chồng và nàng dâu, gia chàng rễ và cha mẹ vợ. Cũng vì một lời nói không hoà, mà nhiều khi anh em xa lìa nhau, vợ chồng ly tán nhau, cha con không thấy mặt nhau, trở thành những kẻ xa lạ, thù hằn nhau. Tình trạng nầy kéo dài như vậy cuộc sống đầm ấm trong một gia đình trở thành thê lương, cô quạnh. Ðiều đó chúng ta không lạ gì khi thấy cứ đến mỗi bữa ăn thì chồng một dĩa, vợ một tô, con cái mỗi đứa kiếm mỗi nơi để ngồi, và như vậy mỗi người cứ âm thầm lặng lẽ như những ốc đảo hoang vu ngoài bể cả.
            Trong những cộng đồng ngoài xã hội, cũng vì một lời nói không hoà, mà có thề bôi bát lẫn nhau, không tiếc lời mạ lỵ nhau. Trong một quốc gia, nhiều khi không hoà nên thường xảy ra nạn chiến tranh, nhân loại phải bị đẩy vào vòng chém giêt, thanh toán lẫn nhau.
            Tương tự như thế, trong các tu viện cũng vậy, một khi mà không biết giữ gìn lời nói thì cũng khó mà giữ được cho tâm hồn thanh tịnh để yên tâm tu học. Bởi vậy Ðức Phật dạy:
- Thân hoà không chưa đủ mà phải hòa luôn cả miệng.
Nghĩa là:
- Người Phật Tử phải nói lời nói dịu dàng, hoà nhã với nhau, không được cãi lẫy, gây gỗ nhau bất cứ vì một lý do gì. Nếu có gì thắc mắc, cần phải bàn cãi cho ra lẽ thì tuyệt đối phải dùng lời ôn hoà, nhã nhặn mà bàn luận, nhưng phải ý thức được đúng, sai, lỗi, phải để tự kiểm điểm lấy bản thân.
            03- Ý Hoà Cùng Vui(Ý Hoà Ðồng Duyệt)
            Trong ba nghiệp: Thân, miệng, ý thì Ý là quan trọng hơn hết, vì nó chính là động cơ thúc đẩy miệng và thân. Bởi thế cho nên trong một gia đình, một đoàn thể, mỗi người cần phải giữ gìn ý tứ, cho tâm địa mình. Nếu một người có ý tưởng hiền hòa, vui vẻ thì thân và lời mới giữ được hòa khí. Trái lại nếu ý tứ hung hăn bất hoà, thường trái ngược nhau, thì thân và miệng khó mà giữ cho được hoàn hảo.
Trong một gia đình, một tu viện, một cộng đồng, dù cho chúng ta có cố gắng để cho thân và miệng được hòa, chẳng qua vì sợ cha mẹ, thầy tổ, hay vì sợ một uy quyền nào đó ở trên, mà chúng ta phải ăn ở thuận hòa, thì sự thuận hoà nầy là sự thuận hòa giả tạo. Sự thuận hòa nầy chẳng khác gì một lớp sơn, tô phết ở bên ngoài của một tấm gỗ đã mục. Ðến một lúc nào đó, tấm gỗ đã hư mục quá, thì thế nào lớp sơn bên ngoài cũng rạn nứt, đổ bể. Cũng vậy sự hòa thuận giả tạo đến một lúc nào đó, khi sự xung đột bên trong đã đến một mức độ không thể kềm chế, chịu đựng được nữa, tất nhiên nó sẽ nổ tung ra trong lời hung ác, cay cú, và cả tay đấm, chân đá cũng có thể xảy ra.
            Ðức Phật đã thấy rõ được như thế, cho nên Ngài dạy chúng ta phải giữa cho tâm ý vui vẻ, hòa hiệp chân thật trong khi chung sống với nhau.
            Một trong những yếu tố có thể trợ duyên cho tâm ý hoà hợp, là chúng ta phải thực tập tâm hạnh hỷ xã. Hỷ Xã nghĩa là bỏ ra ngoài những sự buồn phiền, hờn giận, không chấp chặt trong lòng những lời nói vô tình hay cố ý của người khác, những lỗi lầm của kẻ khác. Có như thế, tâm hồn chúng ta mới thư thái, vui vẽ được, và ý nghĩ mới trong sáng thanh tịnh được. Tâm ý có trong sáng, thanh tịnh, thì chúng ta mới có những lời nói hoà nhã dễ thương. Lời nói có hòa nhã dễ thương thì chúng ta mới có thể chung sống lâu dài.
            04- Giới Hoà Cùng Tu
            Trong một quốc gia, có quốc pháp, trong một gia đình thì có quy luật của gia đình, trong một tổ chức, một đoàn thể nào cũng vậy, muốn có trật tự lẽ tất nhiên những tổ chức đó đều phải có quy luật để làm kim chỉ nam, làm quan tòa xét xử.
            Trong Ðạo Phật cũng vậy, như có lần chúng tôi đã đề cập với quý vị rằng sở dĩ tăng đoàn của Ðức Phật được tồn tại và thương yêu nhau là nhờ giới luật làm kỷ cương. Như vật đối với mỗi Phật Tử tại gia cũng thế, muốn cho mỗi thành viên trong gia đình hiểu nhau và thương nhau để cùng chung chia sẻ hạnh phúc lâu dài, thì nên tùy theo điều kiện, phương tiện, địa vị cấp bực tu học của mình, mà thọ lãnh ít hay nhiều giới luật. Như Phật chế người Phật Tử tại gia thì thọ trì năm giới, người xuất giới thì thọ trì mười giới nếu là Sa Di, thọ 250 giới nếu là Tỳ Kheo, thọ 348 giới nếu là Tỳ Kheo Ni...Nói về giới theo tinh thần Tối Thượng Thừa giới của Ngài Pháp Loa thì:
- Tịnh giới là: Trong 12 giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không dấy động. Tâm không dấy động nên cảnh đến vẫn an nhàn. Mắt không vì sở duyên thức ra, thức không vì sở duyên cảnh vào. Ra vào không giao thiệp gọi là ngăn dừng. Tuy gọi ngăn dừng mà chẳng phải ngăn dừng. Nên biết tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế. Ðây gọi là giới đại thừa, gọi là giới vô thượng, cũng gọi là giới vô đẳng đẳng. Tịnh giới nầy dù Tiểu Tăng cho đến Ðại Tăng đều phải giữ.
Khi đã thọ giới thì đã biết là chúng ta phải làm gì khi có điều kiện gặp gỡ nhau. Chẳng hạn như trong khoá tu, hay lúc cùng chung sống để tu học trong một già lam, tu viện nào đó, thì mỗi người phải biết đặt mình đúng vào vị trí của  mình. Nghĩa là tùy theo cấp bực của chúng ta đã thọ giới mà phải giữ giới của chúng ta đã thọ. Một khi đã cùng một cấp bực với nhau, thì tất nhiên phải thọ giới và giữ giới như nhau chứ không được lộn xộn, giữ giới nầy bỏ giới kia, giữ giới kia bỏ giới nọ, mỗi người một thứ, mỗi người môt kiểu. Nếu tình trạng mỗi người một thứ, mỗi người một kiểu khác nhau như vậy sẽ tạo thành tình trạng vô kỷ luật. Một tổ chức mà không có kỷ luật, tất nhiên tổ chức đó sẽ tan rã. Vì thế mà chúng ta phải ý thức rằng: Một khi chúng ta đã là những Phật Tử, đã có duyên cùng nhau chung sống trong một mái chùa, một tu viện, thì triệt để tuân thủ các điều lệ để giúp thiền sinh dành trọn thì giờ trong việc tu hành và tránh khỏi những lỗi nhỏ hoặc vô tình hay cố ý. chẳng hạn như:
01- Thiền sinh hạn chế tối thiểu sự đi lại trừ trường hợp bệnh nặng phải đi trị bệnh, hoặc thầy Bổn Sư bệnh nặng hay tịch, hoặc cha mẹ bệnh nặng hay chết, hoặc vài trường hợp đặc biệt khác.
02- Một khi có lỗi lầm được các huynh đệ hay Thầy nhắc nhở không được sanh tâm oán hận, mà phải có tinh thần nhận lỗi và học hỏi. Cũng đừng bao giờ có ý nghĩ hoặc kết án là huynh đệ nầy với huynh đệ khác toa rập để hãm hại mình.
03- Thân nhân đến thăm, thiền sinh chỉ tiếp khách tối đa 30 phút tại nhà khách. Nếu thân nhân còn ở lại, đều do Tri Khách sắp đặt mọi việc.
04- Nhận một trách nhiệm gì trong viện, Thiền sinh phải tận tình làm cho được vuông tròn; không được làm cầm chừng lấy có.
05- Mọi thời khoá tu công cộng tại Thiền Viện, thiền sinh không được vắng mặt hoặc trễ nải, trừ có trách nhiệm đặc biệt. Giờ thỉnh nguyện, thiền sinh không được đến trễ và nên có mặt sớm xuống sớm, trừ trường hợp có công tác cho chúng.
06- Khi lao tác chung hoặc riêng, thiền sinh sẵn sàng tương trợ nhau, khi thấy huynh đệ làm công việc nặng nhọc hơn, hoặc trễ nải hơn, không được vô tình làm ngơ để mặc.
07- Phải tiết kiệm tài sản của Thiền Viện bằng mọi cách, không nên phung phí quá đáng.
08- Không được đi đâu quá thời hạn đã xin phép. Nếu có việc bất ngờ xảy ra, phải gọi điện thoại, hoặc gởi thư về xin phép thêm.
09- Ðể giữ gìn nếp sống thanh tịnh chung, cho nên mỗi thiền sinh nếu muốn nghe pháp nên dùng headphone để nghe một mình. Sau 10:00PM phải tuyệt đối im lặng để bảo đảm sự thanh tịnh chung cho toàn chúng.
10- Thiền sinh nếu không muốn ở đây, xin phép ra đi tự do không cần điều kiện gì cả. Không được ở đây mà có tâm hướng ngoại.
Ngoài ra còn phải tôn trọng nhân phẩm cho nhau, để cùng nhau tu những giới luật như nhau, giữ đúng những giới luật mà chúng ta đã nhận lãnh.
Nói chung, bất cứ môi trường nào trong cuộc sống, cho dù đó là trường học, tổ chức của gia đình Phật Tử, một hội đoàn nào đó, hay trong một cộng đồng, một quốc gia nào đó, thì bao giờ cũng vậy, tất cả những tổ chức nầy đều cũng phải lấy kỷ luật làm đầu. Nếu:
- Trong lớp học, nếu học sinh không tôn trọng kỷ luật của trường, ai muốn ra thì cứ ra, ai muốn vào cứ vào, ai muốn học cứ học, ai muốn chơi cứ chơi thì lớp học đó sẽ rối loạn, những học sinh có thiện chí học hỏi sẽ không thể nào tập trung trong việc học hành được.
- Trong gia đình cũng vậy, những thành viên trong gia đình, nếu mỗi người đều làm theo ý riêng mình, không tuân theo những nguyên tắc sống trong Gia Ðình, con cái không nghe lời cha mẹ, em không tuân theo sự hướng dẫn của các anh chị, và anh chị cứ luôn sống trong phóng túng thì gia đình đó sẽ không bao giờ có hạnh phúc.
- Trong tổ chức, nếu một hội viên không tôn trọng điều lệ của hội, phân chia gia cấp, tự cho mình sang không cần phải làm việc như người hèn, tự cho mình giàu, không bao giờ tuân thủ những điều kiện như những người nghèo, tự cho mình là người có học, nên không cần giữ gìn quy củ như những người thiếu học. Một hội đoàn mà thiếu kỷ luật như vậy thì chắc chắn hội đoàn đó sẽ không bao giờ tồn tại.
            Nói tóm lại, trong mọi đoàn thể, đạo hay đời cũng vậy, nếu không cùng nhau giữ giới điều, kỷ luật, quy tắc thì chúng ta sẽ không bao giờ sống chung với nhau được. Vì tính cách quan trọng như vậy cho nên người Phật Tử chúng ta, nhất là trong hàng ngũ của chư tăng ni chúng ta  muốn hòa hợp để cùng nhau tu tập, cùng nhau sinh hoạt trong một cộng đồng, cùng nhau phụng sự đạo pháp trong phạm vi của giáo hội nào đó, thì mỗi người chúng ta cũng cần phải giữ gìn giới luật như nhau, mỗi người cần phải tự mình kiểm điểm tư cách, hành vi đạo đức, để có thể tránh những tình trạng phủ bênh phủ, huyện bênh huyện, tình trạng bôi bát dẫm chân lên nhau trong bất cứ một lý do nào đó.
            05- Thấy Biết Giải Bày Cho Nhau Hiểu
            Chúng ta biết rằng, mỗi người ai cũng có những suy tư, và hành xử khác nhau, cho nên trong khi sống chung, nếu mỗi người hiểu biết đựợc điều gì, thì nên giãi bày, chỉ bảo cho người khác để cùng hiểu. Như thế trình độ hiểu biết mới không chênh lệch, sự tu học mới tiến đều và thể hiện được tinh thần bình đẳng trong tinh thần tự lợi và lợi tha.
            Khi khám phá ra được một điều gì mới lạ, hay có một ý kiến gì hay ho, nếu chúng ta không giãi bày cho những người bạn đạo chung quanh, thì không những chúng ta là một kẻ ích kỷ mà còn tạo ra sự tắc nghẹn, thiếu cảm thông giữa chúng ta với những người khác trong cùng một ngôi già lam, hay tu viện. Lòng ích kỷ và sự tắc nghẹn đó chính là đầu mối của sự chia rẽ, bất hoà, xung đột.
Sự chia sẻ kinh nghiệm hay kiến thức của chúng ta cho những người chung quanh sẽ giảm đi áp lực rất lớn trong việc nghi ngờ của mỗi người, và những sự hoang mang trong đoàn thể. Nhất là trong kinh Phật, vừa nhiều, vừa cao siêu, vừa đủ loại, khả năng của mỗi người Phật Tử, hay tăng ni có thể khám phá ra một khía cạnh khác nhau, tìm ra một ý nghĩa có thể đúng, mà cũng có thể sai. Trong những trường hợp đó, mà không giãi bày, chia sẻ những sự hiểu biết của mình, để cho mọi người trong đoàn thể cùng hiểu biết thì sự hiểu biết đó sẽ thành cái tình trạng không quân bình trong chúng hội, vì vậy mà rất khó để có thể sống hòa hiệp với nhau.
            06- Lợi Hoà Cùng Chia Cân Nhau:
            Trong một gia đình, một tu viện, một tổ chức, nói về tài lợi vật thực như: Tiền bạc, y phục, mền chiếu thuốc thang ... thì phải để quân phân tất cả. Nghĩa là chia cho đều nhau không vì tình riêng, kẻ ít người nhiều, kẻ tốt người xấu, phải lấy công bằng làm trọng. Nghĩa là khi mà có được thì phải phân chia cho đều nhau, hay cùng nhau thọ dụng, không được chiếm làm của riêng, hay giành phần nhiều về mình. Cũng không nên có thái độ giành công của người khác. Trong khi chung sống, nếu có tinh thần như thế, thì dù ở chung ngàn người vẫn hòa vui. Trái lại, nếu vì tình tư, ý riêng tham tài tham lợi thì dù chỉ có vài ba người chung sống với nhau cũng không thể hoà hợp được.
Trong xã hội sở dĩ có xung đột dữ dội, phân chia giai cấp, cũng do vì thiếu lợi hoà đồng quân cả. Người giàu thì quá giàu, người nghèo thì qua nghèo, kẻ dinh thự nguy nga ruộng đất cò bay thẳng cánh, có kẻ không có một chòi tranh vách đất. Do đó không thể có hoà bình được, người vô sản xung đột với người hữu sản, nước nghèo đó sanh sự với nước phú cuờng. Như vậy chúng ta thấy trong cuộc sống chung đụng hằng ngày, không có gì tai hại bằng sự bất hoà. Sự bất hoà là mầm mống ung độc làm cuộc sống chung tan vỡ, nó có khả năng làm cho người chúng ta muốn giữ phải xa nhau. Hoặc có miễn cưỡng níu kéo để cho sống gần với nhau thì sự sống đó chỉ để làm đau khổ, phiền muộn cho nhau chứ không có lợi ích gì cả. Nếu nhân loại hiểu rằng:
- Cuộc giàu sang phú quý trong nhân gian, như hạt sương đọng trên cành hay công danh phú quý vinh hiển trên đời, như bọt nước nổi trên mặt biển, thì chắc sự chênh lệch giửa giàu với nghèo sẽ bót đi nhiều lắm, và nhân loại sẽ bớt xung đột nhau hơn.
            Với tinh thần bình đẳng lợi tha, từ bi cứu khổ với một trí huệ soi thấu rõ sự vô thường, giả tạm của cuộc đời, Ðức Phật đã dạy:
            - Có tài lợi, nên tùy phận chia sớt cho nhau,
            Vậy chúng ta đã là Phật Tử, phải nên cố gắng thực hành cho được lời dạy ấy. Chúng tôi xin được nhắc lại rằng:
- Trong gia đình, anh em không hòa nhau thì tình cốt nhục chia ly. Vợ chồng không hòa, thì gia nghiêp khó, nếu là sự bất hòa trở nên trầm trọng thì phải dẫn tới ly thân hoặc tệ hại hơn nữa là ly dị. Cha mẹ mà ly thân hay ly dị thì chắc chắn con cái phải bị đau khổ, vì gần cha thì phải xa mẹ, gần mẹ thì phải xa cha. Xóm làng không hòa thì hay sinh ra rầy rà, kiện cáo, chém giết lẫn nhau. Quốc gia không hoà thì sanh ra giặc giã loạn lạc, dân chúng khổ sở. Nhân loại bất hòa thì chiến tranh tiếp diễn nhân sinh điêu đứng.
            Vì tính cách nhu cầu thiết yếu của tinh thần hòa hiếu an vui cho nên chúng ta phải cố gắng thực hiện cho bằng được tinh thần nầy.  Những ai biết lấy nó làm phương châm, thì bất luận là việc lớn, cho đến việc nhỏ đều thành tựu dễ dàng. Trái lại, những ai khinh thường nó thì có lẽ khó mà thành tựu được một việc gì cho đáng kể.
            Như vậy yếu tố hòa hiếu là yếu tố quan trọng hơn trong mọi việc, mọi tổ chức. Gia đình hòa thì gia đình có hạnh phúc, nước nhà hòa thì nước nhà được thạnh trị, nhơn loại hòa thì thế giới an lạc. Ðức Phật đã thấy, biết hơn ai hết về sự quan trọng của đức tánh nhu hoà trong đời sống tập thể, cho nên Ngài đã chế định ra Sáu Pháp Hoà Kính cho hàng để tử xuất gia cũng như tại gia.
            Nói tóm lại để có một ý niệm tổng quát về Sáu Phép Hoà Kỉnh, chúng ta nên ghi nhận những ý chính trong sáu điều chỉ bảo của đức Phật về Sáu Phép Hoà Kỉnh như là chất liệu gắn chặt lâu bền người Phật Tử hay bất cứ những ai muốn thực hiện một đời sống , trong hòa bình và tương trợ. Như vậy Sáu Pháp Hoà Kỉnh không những là nền tảng vững chắc của toàn thể Tăng & Ni mà cho tất cả những ai muốn sống đời an lạc hạnh phúc. Sáu Pháp Hòa Kỉnh đưọc tóm tắt như sau:
1- Thân Hòa Ðồng Tu:
Về phần thân: Chấp tác, tu hành, ăn mặc, ngủ nghỉ, thiền sinh phải hòa đồng nhau. Nghĩa là hãy chung sống với nhau một cách hoà hợp, hãy chung lưng đấu cật, đùm bọc nhau, và không nên dùng võ lực, để đàn áp lẫn nhau.
2- Khẩu Hòa Vô Tranh:
Về phần miệng: Nói bàn, tranh luận đều trong tinh thần hòa nhã, trọng đạo đức, không được lớn tiếng tranh hơn và dùng lời nặng nhẹ nhau. Nghĩa là hãy nói năng với nhau một cách dịu dàng, hoà nhã, nếu có điều gì thắc mắc cần bàn cãi, thì cũng phải bàn cãi trong ôn hoà lễ độ.
3- Ý Hòa Ðồng Duyệt:
Thiền sinh phải tâm ý vui hòa, không có ý ngang ngạnh, chống đối, thù hằn nhau. Nghĩa là hãy nuôi dưỡng ý tốt đẹp đối với nhau, hãy trau dồi đức hỷ xã, đừng bao giờ thù hiềm nhau, ganh tỵ lẫn nhau.
4- Kiến Hòa Ðồng Giải:
Thiền sinh có mọi ý kiến giải sai biệt trong lúc hạ thủ công phu, hay trong khi học giáo lý, đều đem ra trao đổi giãi bày một cách thông cảm và vui vẻ với nhau. Nghĩa là hãy giãi bày những ý kiến hiểu biết, những ý kiến của mình cho mọi người chung quanh. Người thông hiểu nhiều, phải có bổn phận chỉ bày cho người hiểu chậm và dắt dẫn họ đi kịp mình.
5- Giới Hòa Ðồng Tu:
Về giới luật, thiền sinh đều giữ mười giới làm căn bản và nội qui của Chùa cố gắng gìn giữ thanh tịnh như nhau. Nghĩa là hãy giữ đúng giới luật như nhau, hãy lấy kỷ luật làm đầu. Không kỷ luật thì không một đoàn thể nào tồn tại được.
6- Lợi Hòa Ðồng Quân:
Tất cả tài sản và phẩm vật trong Chùa là của chung của các thiền sinh hiện có mặt, không ai có quyền giữ riêng hay thụ hưởng nhiều hơn. Nghĩa là hãy chia đều tài lợi thu thập được cho những người cùng sống chung với nhau để mọi người đều được thoả mãn vui vầy.
Sáu điều dạy trên đây, nếu chúng ta thực hiện một cách triệt để thì trong gia đình, cha mẹ, vợ chồng, anh em, đều được hòa thuận yên vui, gia nghiệp mỗi ngày mỗi thịnh đạt, quốc gia được hùng cường thịnh trị, thế giới được hòa bình an lạc.
Riêng trong giới Phật Tử chúng ta, nếu áp dụng đúng đắn Sáu Pháp Hoà Kỉnh, thì sự tu học của chúng ta mau được tiến bộ, con đường giải thoát được gần hơn. Và cảnh giới an lạc không phải chỉ là một ước vọng mà là sự thực, chúng ta sẽ đạt đến trong mọt thời không xa lắm.
-- o0o --