Những Kẻ Bị Cắt Tai
(The Abu Earless)
Giác Chánh-NMK
Phỏng dịch
--o0o--
 
Lời Người Dịch:
Trong ba ngày 17, 18, 19 tháng 5 năm 1994 Saddam Hussein đã ra lệnh cho những bác sĩ giải phẩu ở các nhà thương trong nước phải thi hành nghiêm chỉnh cái lệnh quái ác là cắt tai 3500 đào binh hoặc tình nghi đào ngũ. Câu chuyện thương tâm này được A Mét (Ahmed) thuật lại cho Rod Nordland, thông tín viên của tuần báo Newsweek.
 
Ngày 23 tháng tư năm 2003, bên ngoài tổng hành dinh của sư đoàn 15 thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang trú tại Nasriya, Iraq. A-Mét đẩy đám cư dân đang bu quanh toán cứu trợ người Mỹ. Anh không đến đây để xin thực phẩm hoặc lấy nước uống hay nhờ điện thoại. A- Mét cố len tới chỗ các thông tín viên ngoại quốc để chỉ vào cái tai bên phải đã bị cắt đứt từ lâu, nay chỉ còn cái lỗ nẵm giữa xương thái dương và xương quai hàm. Anh ứa nước mắt, chỉ vào chỗ đó rồi nghẹn ngào thốt lên: Sadd am, Saddam. . . A-Mét không biết nói tiếng Anh, nên thông tín viên Nordland phải nhờ người dịch:
A-Mét bị bắt và bị ghép vào tội đào ngũ từ hồi đầu năm. Ngày 17 tháng 5 năm 1994, anh bị bịt mắt rồi đẩy vào phòng mổ ở nhà thương tên là Saddam General Hospital, thành phố Nasiriya.Hai người y tá đến giữ chặt hai cánh tay. Bác sĩ chích cho anh một chút thuốc tê, ông đợi ít phút rồi dùng con dao mổ cán dài cắt phăng cái tai bên phải. Anh kêu thét lên. Có lẽ vì thuốc tê ít. Anh cảm thấy vừa đau đớn, vừa tủi nhục, nhục cho bản thân và gia đình. Anh thoáng có ý định quyên sinh.
Ở nhà thương ra, A-Mét vẫn tiếp tục bị bọn mật vụ Baath đánh đập. Anh dơ cánh tay bị gãy và cái chân đầy sẹo, dấu vết của những lần bị tra tấn cho Nordland xem. Bọn mật vụ ghép anh vào tội có âm mưu chống chế độ, tội nầy là bị tử hình. Sau cùng anh phải nhận tội đào ngũ và bị kết án 25 năm.
Cái chiến dịch cắt tai đào binh từ ngày 17 tới ngày 19 được thi hành đồng loạt trong toàn quốc. A-Mét nghĩ là cả thế giới bên ngoài chẳng ai hay. Ngay cả thường dân trong nước cũng không biết có bao nhiêu người bị cắt tai, nhưng theo sự tiết lộ của một đảng viên Baath thì con số 3500 là chắc chắn. Chỉ nội thị trấn Basra có 750 nạn nhân. Họ bị nhốt ở trại Seryat, gần trung tâm Basra; rồi từng nhóm 10 người lần lượt được  đưa vào một trong ba nhà thương chính để cắt tai trong 3 ngày. Tất cả các Bác sĩ giải phẩu phải thi hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của Saddam. Ở nhà thương Al Joummariyah có một Bác sĩ phản đối, liền bị mật vụ Baath giết ngay tại phòng mổ. Ðảng Baath của Saddam gồm những người được lựa chọn trung thành với Saddam và chế độ. Nhưng phần đông họ rất tàn ác, tham nhũng và độc tài.
A-Mét có một người bạn thân là An Hòa (Anwar). An Hòa đã bị tên mật vụ Abaul Saddoun đánh đập tàn nhẫn để cố ép cho anh ta nhận cái tội đào ngũ. Trường hợp của An Hoà cũng giống như phần đông các nạn nhân bị oan khác. Anh ta đang ở trong quân ngũ. Anh làm việc tốt, được cấp chỉ huy trực tiếp thưởng cho mấy ngày phép. Anh quên mang theo giấy tờ. Về gần tới nhà thì bị bắt, bọn mật vụ biết anh là quân nhân, nhưng họ không cần nghe anh khai tên đơn vị và chỗ trú quân. Anh bị giữ và sau nhiều trận đòn nhừ tử, anh chịu nhận tội đào binh. Những nhân viên mật vụ nào mà bắt được đào binh sẽ được lãnh thưởng. Món tiền lớn có thể lên tới 200,000 đồng dinars, tương đương 18 tháng lương của một nhân viên trung bình.
Thế là An Hoà bị dẫn vào nhà thương để cắt tai. Thường thì đào binh chỉ bị cắt một bên, nhưng không hiểu sao mà anh bị xẻo cả 2 tai.
Bác sĩ giải phẩu lẩm bẩm:
- Xin lỗi anh, vì họ bắt buộc nên tôi phải thi hành.
An Hoà cũng giống như A-Mét, bị đánh đập hàng ngày. Bọn cai ngục nhục mạ các anh:
- Ðồ Abu Thanat Mabtura, tiếng ả Rập có nghĩa là cái thằng cha cụt tai, tiếng Anh dịch là The Abu Father Earless.
Nhưng An Hoà chỉ bị tù 2 năm rồi cho về. Việc đầu tiên là anh tới nhà vị hôn thê xin làm đám cưới; thì cô này trả lời:
- Ngày hứa hôn anh có đủ điều kiện, nghĩa là đủ 2 tai. Bây giờ anh thiếu điều kiện rồi!
Sự từ hôn làm An Hoà bực mình, nhưng điều anh phẩn uất nhất là không kiếm được việc làm. Chủ nhân phần lớn nằm trong sự kiểm soát của đảng mật vụ Baath. Họ thấy người không tai, có nghĩa là đào binh, thì họ từ chối liền.
An Hoà buồn cho số phận mình, anh chợt nhớ tới người em họ tên Na-Bin(Nabil). Na-Bin giống như trường hợp của anh. Hắn cũng đang trong quân ngũ, được phép cho nghỉ mấy ngày để lấy nốt mấy chứng chỉ kế toán. Trên đường tới phòng thì bị bắt giam vì tội đào ngũ. Nhưng Na-Bin may mắn có một người bạn cũ là triệu phú chạy tiền đút lót cho bác sĩ giải phẩu và mấy nhân viên mật vụ. Ngày Na-Bin đi cắt tai, hắn cẩn thận mang theo thuốc cầm máu để phòng hờ. nhưng hắn chỉ bị khía một đường dao vào tai bên phải rồi cho về.
A-Mét còn kể cho anh thông tín viên nghe trường hợp có những nạn nhân bị cắt tai, máu ra nhiều quá rồi chết. Có những người còn bị nung khuôn sắt đỏ, đóng dấu chín trên trán chữ hèn nhát bằng tiếng Ả Rập.
Ða số những nạn nhân bị cắt tai đều không than oán các bác sĩ. Nhiều vị cắt tai nạn nhân rồi hối hận, xấu hổ mà lánh mặt mọi người. Ở Bagdad, một giáo sư đại học Y Khoa, khi tới phiên đi cắt tai, đã cáo ốm đi nằm bịnh viện. Trường hợp các bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ thì không được phép làm tai giả cho nạn nhân.
Bây giờ Iraq được giải phóng. Các nạn nhân bị cắt tai đều ước mong có cái tai nhân tạo. Giấc mộng của A-Mét và hơn 3000 nạn nhân là một ngày nào đó được sang Hoa Kỳ để làm tai giả.
Khi dịch xong bài này tôi đã quì lạy:
Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Ðức Quan Thế Âm.
Cùng chư Phật, chư Bồ tát mười phương
Phóng quang tiếp độ cho những hương linh bị chết trong địa ngục trần gian này; và từ đây, ngưỡng cầu Tam bảo cho tất cả mọi người đều được sống trong những quốc gia Dân Chủ, Tự Do và hạnh phúc.
-- o0o --