-
Mục Ðích Hành Trì & Kết Quả
-
Chân Nguyên
-
--o0o--
-
-
Mục đích của sự hành trì, tu tập theo tinh thần
Phật Giáo trước sau gì cũng hướng tới kết quả là giác ngộ &
giải thoát, nhưng giải thoát theo quan niệm Phật Giáo là Tâm
Giải thoát và Tuệ giải thoát. Nói cách khác, mục đích tu học
là để giải thoát cái tâm khỏi mọi chấp trước, để nó có thể an
trụ nơi cảnh giới vô ngại. Như vậy thì mục đích của sự hành
trì, có thể nói chủ yếu là ở sự thu nhiếp tâm. Theo trong Kinh
Pháp Cú, Ðức Phật đã từng dạy:
-
-
Trong tất cả các pháp,
-
Tâm làm chủ, tâm dẫn đầu
-
Tâm tạo tác tất cả
-
Nếu ta nói,
-
Nghe hay làm với tâm lương thiện
-
Thì phuớc báo sẽ đi theo ta
-
Như bóng với hình
-
Ngược lại:
-
-
Nếu ta nói,
-
Nghe hay làm với tâm không lương thiện
-
Thì nghiệp báo sẽ đi theo ta
-
Như bánh xe lăn theo chân con vật
-
Như vậy chúng ta thấy bản chất của tâm có nhiều tác dụng, và
chi phối kiếp người trong nhiều khía cạnh, cho nên muốn giải
thoát cái tâm khỏi mọi chấp trước, muốn thu nhiếp và chế ngự
nó thì chúng ta cũng phải hiểu biết ít nhất về căn bản tâm và
phải biết xử dụng mọi phương tiện để chế ngự tâm.
-
Về tâm thì thiên hình vạn trạng, nhưng những căn
bản để dẫn tâm đến việc tạo tác nghiệp nhân xấu có thể là
những nguyên nhân như sau:
-
A- Năm Cánh Cửa Quan Trọng
-
Năm cánh cửa chúng tôi nói quan trọng ở đây là muốn nói đến
năm căn. Năm căn là cơ quan tiếp xúc với thế giới bên ngoài,
nên năm căn là nguyên nhân gây ra sự rối loạn trong tâm, nếu
chúng được chế ngự, tâm hồn sẽ yên tịnh. Tuy nhiên, phải làm
như thế nào để chế ngự năm căn? Phật bảo:
-
-
Mắt nhìn sắc không dính vào tướng của nó, không đắm vào mùi vị
của nó, cho đến tai, mủi, thân, ý đối với tiếng, hương, mùi
vị, va chạm.. v.. v.. cũng như thế.
-
Con người thường do nơi cái biết, cái thấy, nghe,
của hoàn cảnh chung quanh nếu tốt đẹp thì sanh lòng ái nhiễm,
nếu không tốt đẹp thì sanh tâm chán ghét, chê trách. Nghĩa là
con người ai cũng đều lấy ngã chấp, ngã dục làm căn bản. Do
đó, khi thấy, nghe mà không để cho ý yêu, ghét chi phối thì đó
là nghĩa nhiếp căn.
-
Trong giáo lý của Ðức Phật không giống như những trường phái
tu hành khác. Những trường phái của ngoại đạo họ bảo rằng
nhiếp căn là mắt không nhìn vật, tai không nghe tiếng mà trong
khi thấy, nghe phải trừ khử những ý niệm yêu ghét, khổ vui,
như thế mới là thấy, nghe chân thực, đó là nhiếp căn đệ nhất
nghĩa. Có lần một đệ tử của ngoại đạo nói với Phật :
-
- Thầy tôi dạy chúng tôi rằng tu pháp nhiếp căn là
mắt không nhìn vật, tai không nghe tiếng.
-
Phật bảo:
-
- Nếu thế thì những người mù và điếc là những
người tu pháp nhiếp căn của các người là bậc nhất.
-
Theo sự tu tập của ngoại đạo cho chúng ta thấy
hướng ngoại và miễn cưỡng chế ngự các căn, trong khi đó phương
pháp nhiếp căn của Phật là hoàn toàn hướng nội và không phải
ức chế các cơ quan cảm giác một cách miễn cưỡng. Như vậy, sự
chế ngự cảm giác là tự tu dưỡng nội tâm, nhưng nó lại đặc biệt
được thích dụng với các cơ quan nhận thức bên ngoài do đó mới
có tên là nhiếp căn.
-
Như vậy muốn chế ngự cảm giác điều kiện đầu tiên
là sự nhiếp tâm.
-
B- Hướng Nội Tìm Cầu
-
Ðể đạt được mục đích hành trì cho hữu hiệu, việc công phu
luyện tập ở giai đoạn nầy là chuyên tu nội tâm, chúng ta thử
chia ba phương diện:
-
- Trí
-
- Ý
-
-
Tình
-
01- Phương Diện Lý Trí
-
Trước hết hãy xem xét về phương diện lý trí. Ðứng về mặt tu
dưỡng mà nói, có lẽ kiến thức phổ thông của thế gian không cần
thiết lắm, bởi vì nó sẽ làm chướng ngại cho sự tu đạo, do đó
đối với cái gọi là tri thức biện chứng Ðức Phật thường bác bỏ.
Theo tinh thần Phật Giáo những kiến thức nầy lấy ngã chấp, năm
dục làm nền tảng, mà đã có liên quan đến ngã chấp, ngã dục thì
dĩ nhiên không phải là cái biết giải thoát.
-
Nói như vậy không có nghĩa là Ðức Phật coi thường trí thức.
Thật sự Ðức Phật rất coi trọng trí thức, nhưng trí ở đây là do
phán đoán giá trị của thế giới nội tâm của chúng ta một cách
chính xác mà có, trong đó có sự có mặt của: Chánh Kiến, Chánh
Tư Duy, Chánh Niệm.. v..v..
-
Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là:
-
-
Làm cách nào mà tu luyện được cái trí đó.
-
Nói một cách vắn tắc, trước hết phải làm sao cho tâm hồn tỉnh
lặng, rồi bắt đầu tư duy quán sát chân tướng của cuộc đời để
tìm cầu giải thoát. Trong tinh thần nầy, pháp môn Tứ Ðế và
Mười Hai Nhân Duyên đều là những đề mục tu tập, đều là những
công án để luyện trí quán. Trong số các đề mục đó, việc quán
sát lý Tứ Ðế là sự tu trí đặc biệt cần thiết nhất, rất được
coi trọng. Bởi vì tất cả chỉ là bất tịnh, không, vô thường, vô
ngã. sự phán đoán giá trị của thế giới hiện thực nhờ đó mà
được chính xác. Ngoài ra còn có mười niệm, mười tưởng cũng là
những pháp tư duy được đặt ra cho mục đích tu trí:
-
a- Mười Niệm
-
01- Niệm Phật
-
02- Niệm Pháp
-
03- Niệm Tăng
-
04- Niệm Giới
-
05- Niệm Thí
-
06- Niệm Thiện
-
Nghĩa là tự mình nghĩ cũng nên tu nghiệp lành trông được phước
báo của cõi Trời mà tu.
-
07- Niệm Hưu Túc
-
Tức là niệm ngưng nghỉ, nghĩa là buộc lòng phải tưởng rằng mỗi
lúc chẳng quên chỗ tịch tịnh là nơi tu tập chánh đạo.
-
08- Niệm An Bát
-
Tức là niệm hơi thở, thở ra thở vào
-
09- Niệm Thân
-
Là nghỉ đến cái thân mình do nhân duyên hoà hợp, rốt cuộc
không thật có.
-
10- Niệm Tử
-
Nghĩa là nghĩ các căn không lâu, rốt cuộc rời cũng tan nát.
-
b- Mười Tưởng
-
01- Vô Thường Tưởng
-
Cái tư tưởng cho rằng chúng sanh và các pháp đều là Vô Thường,
biến đổi không bền
-
02- Khổ Tưởng
-
Cái tư tưởng cho rằng các pháp hữu vi đều là khổ, hoặc chứa
đựng sự khổ.
-
03- Vô Ngã Tưởng:
-
Cái tư tưởng cho rằng tất cả các pháp hữu vi đều vô ngã, không
có cái thật thể thật tánh.
-
04- Yếm Ly Thực Tưởng
-
Cái tư tưởng chán lìa các thức ăn
-
05- Nhất Thiết Thế Gian Khả Lạc Tưởng
-
Cái tư tưởng không thích không vui thích mọi việc thế gian
-
06- Tử Tưởng
-
Cái tư tưởng xét đến chỗ chết, mạng người chỉ là một hơi thở
thôi.
-
07- Ða Quá Tội Tưởng
-
Cái tư tưởng thấy nhiều tội lỗi trong tam giới.
-
08- Ly Tưởng:
-
Cái tư tưởng xa lìa tam giới
-
09- Diệt Tưởng
-
Cái tư tưởng dứt trừ tam giới
-
10- Vô Ái Tưởng
-
Tức là cái tư tuởng không có lòng trìu mến.
-
Nói tóm lại, mặt quán cái chân tướng của cuộc đời là khổ đế
cho trí thức thoát khỏi vòng nô lệ của phiền não, đồng thời
mặt khác, xác nhận rõ cái cảnh giới lý tưởng thanh tịnh, vi
diệu, đó là ý nghĩa căn bản của sự tu luyện trí tuệ. Nhưng sự
chuẩn bị quan trọng nhất để đi đến đích thì thường ở cái được
gọi là: Dẫn dụ tâm. Tức là đừng để cho tâm phiền loạn vì những
ý niệm xôn xao, tư tưởng rối bời và cái biết hổn tạp, mà mãi
chuyên chú vào một sự kiện, cứ thế theo đà diễn tiến của tuệ
quán mà những tác dụng của trí tạp nhạp bị tiêu diệt, tâm sẽ
trở nên tĩnh lặng trong sáng, đó là Xả Niệm Thanh Tịnh. Ðạt
được đến đây gọi là Vô Lậu Tịnh Nghiệp.
-
2- Phương Diện Ý Chí
-
Thứ đến là phương diện tu luyện ý chí. Ðứng trên lập trường
tiêu cực mà nói, ý nghĩa quan trọng nhất trong việc tu đạo về
phương diện nầy là sự ức chế ý dục của ngã chấp, không để cho
nó phát động, nghĩa là phải điều phục ba nghiệp Thân, Miệng, Ý
vì nhờ thế mà nghiệp của thân, miệng, ý mới được kiểm soát
không bị buông thả.
-
Kế đến Tự Ngã là ông chủ của chính mình, tự ngã là nơi quy thú
của chính mình, bởi thế phải khéo léo điều phục tự ngã cũng
như người dạy ngựa khéo điều phục con ngựa.
-
Giới luật và các đề mục tu tập được Ðức Phật chế ra nhằm vào
công việc chinh phục ý chí. Cho nên vì mục đích tu trí, Phật
đã đánh giá rất cao đời sống tự kềm chế bản thân, Ðức Phật tuy
bác bỏ khổ hạnh, nhưng để luyện ý chí, cuộc sống nghiêm túc đã
được Phật đặt lên hàng đầu. Nếu ý chí của con người cho buông
thả tự nhiên, thì những hành động bạo ngược tương tự như những
sinh vật khác sẽ rất có thể xảy ra, sẽ chỉ hành động theo bản
năng, hoàn toàn bị dục nhiểm chi phối, ngược lại nếu nó được
chế ngự bằng lối sống khắc kỷ thì chính cái ý chí đó sẽ tự
biến thành con đường giải thoát.
-
Tuy nhiên, khắc phục ý chí không phải chỉ có nghĩa là ước thúc
những hoạt động của thân, tâm một cách tiêu cực mà trái lại có
thể nói, chinh phục ý chí là một việc rất tích cực, nó là sự
khẳng định ý dục còn mạnh hơn cả những ý dục thông thường Phật
gọi là Pháp dục, tức là cứ lần lượt mong cầu tiến lên cảnh
giới cao hơn, và như thế nó biến thành cái dục vĩnh viễn
thường hằng.
-
Như thế thì sự sinh hoạt hằng ngày ở thế gian dĩ nhiên có thể
ứng dụng vào phương pháp tu tập có ý thức, nghĩa là cuộc sống
không ham muốn của những người xuất gia, hoặc các phật tử tu
tại gia giữ năm giới, mười giới thiện, và Bồ Tát Giới cũng
hoàn toàn dựa theo ý nghĩa nầy mà tôi luyện ý chí.
-
Ðức Phật bảo nguời phàm phu vì sự ham muốn nhỏ mọn trước mắt
trói buộc mà mất tự do, còn những người tu đạo thì lấy đại dục
tuyệt đối vô hạn làm mục tiêu hành trì, dẳm lên trên những ham
muốn nhỏ mọn trước mắt, quyết tâm và nổ lực đi lên để tiến
thẳng đến mục đích giải thoát an lạc. Ðó là nghĩa căn bản của
phương pháp tu dưỡng ý chí. Bởi thế trong khi tu tập, thực tế
không phải chỉ nhắm vào phương diện ức chế, mà là theo ánh
sáng của trí tuệ, và tích cực phát động ý chí, dĩ nhiên đây
cũng là phương pháp tu dưỡng thiết yếu. Chẳng hạn ngoài việc
lánh ác ra, còn phải tích cực làm thiện, tuy không nói những
lời nói ác, nhưng phải hết sức bác bỏ những điều phi lý. Do đó
nếu phê phán rằng chủ trương vô dục của Phật chỉ là phương
pháp tu luyện ý chí hoàn toàn có tính cách tiêu cực là điều
sai lầm lớn.
-
Tóm lại, theo Phật sự tu dưỡng ý chí phải được thực hiện về cả
hai phương diện, tích cực và tiêu cực tức là trước hết dựa vào
ánh sáng trí tuệ để xác lập lý tưởng vĩnh viển, tối cao, sau
đó y theo ý chí, dục vọng hiện tiền mà dần dần thuần hoá nó để
tiến lên phương hướng của ý chí tuyệt đối. Dùng ý chí một cách
chuyên nhất, không gián đoạn, hăng hái và bền bỉ nhắm đi tới
phương hướng lý tưởng. Ðó là một trong những mục đích đã được
Ðức Phật hết sức đề cao. Nhưng cái phương cách tu tập ý chí
quan trọng nhất là về bề ngoài, lý sự nghiêm trì giới luật, về
bề trong là năng lực thiền định tam muội. Bởi vậy muốn hướng
dẫn ý chí làm cho nó phát sinh hỷ lạc chân chính, người ta
không thể không dựa vào sự tu luyện thiền và giới.
-
3- Phương Diện Tình Cảm,
-
Sau hết là sự khảo sát về phương diện tình cảm. Ðức Phật nói
cảm tình là khổ, cho nên mới ngăn ngừa sự sinh hoạt phóng túng
tình cảm. Vì tình cảm của con người thường liên quan chặt chẻ
với ý dục, ý dục được thoả mãn thì vui, không thoả mãn thì
khổ, thành thử ý dục càng bị những tình cảm vui khổ ràng buộc
bao nhiêu thì càng trở nên buồn khổ nhiều bấy nhiêu.
-
Ngay như trong những căn bản phiền não là ba nọc độc: tham,
sân, si. Ít ra, tham sân cũng thuộc phạm vi tình cảm. Rồi đến
cái tôi, cái của tôi, nếu đứng trên bình diện lý trí mà quan
sát thì đó là một nhận thức sai lầm, nhưng chính nó cũng lại
là một loại tình cảm. Cho nên người ta không còn lạ lùng khi
thấy Ðức Phật chủ trương chế ngự tình cảm.
-
Tuy nhiên thái độ của Phật đối với thái độ tu dưỡng tình cảm
cũng giống như đối với sự tu dưỡng ý chí. Nghĩa là một mặc hết
sức chế ngự tình cảm, đồng thời mặc khác lại cố gắng bồi đắp
những tình cảm, vì đó là sự cần thiết cho việc tu đạo chẳng
hạn như việc bồi đắp những cảm tình tôn giáo, cảm tình đạo đức
và cảm tình thẩm mỹ.. v...v.. vì những cảm tình căn bản của nó
là lấy khổ vui mà được thành lập, nhưng khi những tình cảm ấy
được tịnh hoá thì chúng siêu việt cả khổ vui. Và rồi có khả
năng đi đến chỗ chuyển hoá cả ngã chấp, ngã dục, cứ nhìn vào
khía cạnh nầy chúng ta cũng thấy được pháp tu dưỡng tình cảm
trong đạo Phật.
-
a- Tình Cảm Tôn Giáo
-
Trước hết là hãy xét về tình cảm tôn giáo. Dĩ nhiên Phật lấy
sự hiểu biết chân chính thanh tịnh và sự thực hành làm điểm
then chốt cho mục đích hành trì, tu đạo. Nhưng Phật cũng bảo
cần phải xa rời lý trí và tinh thần tùy thuộc vào tín nguỡng.
Cho nên Ðức Phật xác định năm căn, năm tín là bước đầu của
việc tu đạo. Tín ngưỡng ở đây là muốn nói đối với Tam Bảo, lấy
Phật làm trung tâm, tức là trọn đời chí tâm quy y, tin tưởng
một cách thuần khiết, không một mảy may hoài nghi. Khi có một
niềm tin như thế thì cái chấp ngã nhỏ nhen sẽ tự tiêu diệt, và
tâm không còn sợ hãi, luôn luôn được bình thản và an ổn. Ðức
Phật thường bảo mọi người rằng:
-
-
Nếu có điều gì sợ hãi các người cứ nghĩ đến Tam Bảo là sợ hãi
tiêu diệt ngay.
-
Trong tín ngưỡng Tam Bảo, Phật Bảo là năng lực lớn nhất, vì
các đệ tử Phật và những tín đồ thuần thành đều cho Phật là sự
tồn tại siêu tự nhiên. Vậy đối với Phật phát khởi lòng tin và
tuyệt đối quy y Tam bảo thì có thể hòa đồng cái ta nhỏ bé của
mình với cái nhân cách vĩ đại của Ðức Phật. Trong kinh Phật có
dạy:
-
-
Này các Tỳ Kheo, nếu các hữu tình trọn đời chỉ nghĩ nhớ một
Pháp thôi thì ta biết chúng nhất định sẽ được quả Bất Hoàn.
Một Pháp đó là niệm Phật. Hết thảy các loài hữu tình chỉ vì
không niệm Phật nên cứ phải đi lại mãi trong các ngã ác mà
chịu khổ sống chết vậy.
-
Chỉ hành trì một Pháp niệm Phật, với tâm chí thành thôi mà
cũng chứng được quả Tư Ðà Hoàn, không còn lăn lộn trong vòng
sanh tử nữa. Ðó là ý của đoạn văn trích dẫn trên đây. Về sau
Ðại Thừa lấy Phật A Di Ðà làm trung tâm để phát động phong
trào tín ngưỡng tha lực nếu nhận xét về phương diện tư tưởng
bao hàm trong phật Giáo Nguyên Thủy, thì tín ngưỡng tha lực
của Ðại Thừa cũng chỉ là sự tiếp nối tư tưởng trên đây mà
thôi. Tức là kết quả sẽ là lấy việc nhớ nghĩ đến nhân cách của
Phật; làm nội dung của Thiền để mà tư duy rồi về phương diện
khách quan thì lại lập đi nhân cách ấy là chủ thể tiếp độ
chúng sanh.
-
b- Tình Cảm Ðạo Ðức:
-
Tình cảm đạo đức cũng được Ðức Phật hết sức đề
cao. Sự thành lập đạo đức có hai phương diện:
-
-
Nói một cách tiêu cực là ở chỗ tiêu diệt ngã chấp, ngã dục, hy
sinh tự kỷ.
-
-
Nhưng nói một cách tích cực thì lại ở chỗ mở rộng lòng vô ngã
coi mình và người là một thể, bất cứ nhận xét về khía cạnh nào
đạo đức cũng đều là con đường giải thoát cái ta hẹp hòi.
-
Ðến cái phương pháp diệt trừ phiền não sân hận thì sự bồi đắp
tình cảm đạo đức lại càng trở nên trọng yếu hơn nữa. Nhờ vào
từ niệm nguyện cho hết thảy chúng sanh đều được tốt lành mà
cái tâm bị sân hận làm nhơ bẩn sẽ được trong sạch. Ðây là lời
Phật thường nói.
-
Hai chữ Từ Niệm mang trọn đủ ý nghĩa thương yêu. Tình thương ở
đây cũng như tình thương của người mẹ hiền thương con, cảm
tình của người yêu đối với tình nhân, tức là cảm tình thương
yêu kẻ khác mà tuyệt đối không màng đến lợi hại. Nếu di chuyển
cái tình cảm nầy sang lãnh vực Thiền Ðịnh để tư duy, thì đó là
niềm ước mơ đem lòng thương yêu vô hạn rải khắp cho mọi người
để hoàn thành pháp tu Tứ Vô Lượng Tâm là Từ, Bi, Hỷ, Xả:
-
Từ có nghĩa là vui với cái vui của người, bi là
buồn của cái buồn của người, cả hai đều là sự tu dưỡng từ bi
vô lượng, đối với hết thảy chúng sinh trong khắp mọi chân trời
đều để tâm đồng tình tuyệt đối, và tâm thương người tuyệt đối,
nhờ thế mà gột rửa được thành kiến phân biệt mình, người một
cách nhỏ nhen để đạt đến lãnh vực giải thoát. Ðối với pháp tu
nầy, Phật rất quý trọng và nhiệt liệt tán dương.
-
Tất cả các phúc nghiệp, nếu so với sự giải thoát
do tu Tâm Từ mà đạt được, thì trong một nơi hữu tình nào đó,
nếu cũng tu Tâm Từ thì phước đức đó vô biên, huống chi trong
tất cả các nơi đều tu như vậy thì thế giới nầy sẽ hoà bình.
Như vậy đủ thấy cái giá trị của sự giải thoát do tu tâm từ bi
mà có được lớn lao vô cùng. Không những chỉ trong thời gian tu
dưỡng, mà ngay cả sau khi giác ngộ rồi cái tác dụng từ tâm còn
trực tiếp biểu hiện bằng hành động để cứu độ chúng sanh:
-
-
Tình thương bao la của Phật chính là do sự tu dưỡng ấy mà có.
-
Cho nên nếu đổi thành tu dưỡng trong thời kỳ tu hành thì đó
chính là đại thệ nguyện cứu độ vô biên chúng sinh của Bồ Tát.
-
c- Phương Diện Mỹ Cảm
-
Sau hết nói về phương diện mỹ cảm. Nhờ cảnh đẹp thiên nhiên mà
xu hướng tới đạo giải thoát cũng là một phương pháp tu dưỡng
tình cảm rất rõ rệt.
-
Tất cả những câu trên đây đều diễn tả sự lắng tâm
thanh tịnh trước vẻ đẹp thiên nhiên mà ca tụng niềm vui tu
đạo. Ðiều nầy cũng cho chúng ta thấy cái lý do cắt nghĩa tại
sao Phật và đệ tử của Ngài đều lấy A Lan Nhã làm nơi tu đạo,
vì chỉ có những nơi vắng vẻ và gần với thiên nhiên như thế mới
giúp chúng ta lắng đọng tâm tư một cách hiện hữu nhất. Cái mỹ
cảm thuần chân là con đường siêu thoát hiện tại, vì một khi
đứng trước cảnh đẹp thiên nhiên, thì người ta thấy mình là một
cá thể riêng biệt có thể hoà đồng với thiên nhiên, và đó là
một hoàn cảnh thích hợp nhất để khám phá cái ta nhỏ bé của
mình. Về sau ngành mỹ thuật Phật Giáo rất phát đạt, thật ra
cũng không ngoài việc kết hợp với tôn giáo để ứng dụng mỹ cảm
vào việc tu đạo, nhất là tại Trung Quốc và Nhật Bản các nhà
Thiền Học phần nhiều đều đắm mình vào cảnh trời mây non nước
mà tu luyện thiền quán.
-
Như vậy chúng ta thấy những phương diện của tâm
ứng dụng vào mục đích hành trì là để đạt đến quả vị giải thoát
đều mang một mầu sắc và đặc thù của riêng nó. Tuy nhiên, đây
không phải là cách phân loại toàn diện của mục đích hành trì,
mà ngoài ra còn có nhiều phương thức hành trì khác để đạt tới
kết quả là tự thân chứng nghiệm vào trạng thái Niết Bàn an
lạc. Trong phạm vi nhỏ của bài pháp hôm nay chúng tôi, thử gợi
ý những phương pháp mới để gọi là một chút đóng góp trong việc
hành trì
-
Nhận xét chung theo các phương diện vừa trình bày, chúng ta
thấy khi tu đạo thực tế, đạo phẩm nào cũng là phương pháp tu
luyện toàn thể tâm. Nếu nhận xét ở một phương diện khác thì
tùy theo căn cơ bất đồng của những người tu đạo mà cái phương
pháp tu đạo cũng lại khác nhau, tức là có phương pháp chuyên
đặc nặng ở lý trí, có những cách chuyên đặc nặng về tình cảm..
v.. v... Do đó khi đạt tới quả vị giải thoát thì đại khái tuy
là một, nhưng cái phương cách thì không giống nhau, cho nên
cũng là danh từ biểu thị giải thoát mà có tâm giải thoát, tuệ
giải thoát, từ tâm giải thoát và tín giải thoát ..v ..v...
-
Về sau đến đại thừa Phật Giáo có người chuyên chú trọng vào
việc tu luyện ý chí, như phương pháp tu đạo Thiền Tôn, có
người chú trọng về Mật Tôn, có người chuyên tu về Tịnh Ðộ Tôn,
nhưng mục đích của sự hành trì, tu tập theo tinh thần Phật
Giáo cuối cùng cũng hướng tới kết quả là giác ngộ và giải
thoát.
-
-
Tài Liệu Tham Khảo
-
- Thanh Tịnh Ðạo
-
- Phật Học Phổ Thông
-
- Phật Học Tinh Hoa
-
- Nẻo Vào Thiền Học
-
- Con Ðường Chuyển Hóa
|