Khổ Nhưng Mà Vui
Bài thuyết pháp tại Chùa Dược Sư
Diệu Anh Ghi
--o0o--
 
Hôm nay là ngày 05 tháng 04 năm 2003
Bài pháp hôm nay, để trợ duyên cho những ai muốn hướng đời mình về nẻo giác, chúng tôi xin được giới thiệu đến đại chúng bài pháp: Khổ Nhưng Mà Vui.
Chúng tôi xin đọc bài thơ không rõ xuất xứ cho đại chúng nghe:
- Thế sự đua nhau nói khổ vui
Có chi là khổ có chi vui
Vui trong tham dục vui rồi khổ
Khổ để tu hành khổ hóa vui
Nếu biết có vui rồi có khổ
Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui
Mong sao giữ mãi đừng vui khổ
Mới thoát ra ngoài cái khổ vui
Hôm nay chủ đề: Khổ Nhưng Mà Vui được thu gọn trong hai câu:
- Vui trong tham dục vui rồi khổ
Khổ để tu hành, khổ hóa vui.  
Trước tiên là nói đến những trạng thái:
01- Vui Trong Tham Dục Vui Rồi Khổ
Quan niệm về Khổ, Ðức Phật thường dạy:
- Ðời là biển khổ.
Và Ðức Phật đã khẳng định rằng đời người có những cái khổ:
01- Khổ của việc sanh ra(sanh khổ),
02- khổ của già suy(lão khổ),
03- Khổ lúc gặp bịnh
04- Khổ của lúc chết mất(tử khổ),
05- Khổ lúc gặp người mình oán hờn(oán tắng hội khổ),
06- Khổ lúc cùng người yêu thương chia rời (ái biệt ly khổ)
07- Khổ vì sự vật muốn được ngược lại không thể đến tay (cầu bất đắc khổ)...
Quả thật, đời là biển khổ, khổ nhiều vui ít, người nghèo thì chắc chắn khổ rồi, nhưng người giàu cũng khổ. Lúc bận rộn khổ, và ngay cả lúc nhàn rỗi cũng khổ. Khổ mỗi hình thái, mỗi việc, mổi loại khác nhau và rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày trong xã hội loài người. Khổ của sinh, lão, bệnh, tử trên nhục thể. Khổ trên tinh thần từng loại từng món. Tuy nhiên vì không biết nên con người lấy khổ làm vui và đã trở thành thói quen, cho nên cho đó là việc bình thường. Khổ vui do nơi quan niệm sống của mỗi người không đồng, do đó đối với sự nhận biết và các thứ lớp của bản chất khổ vui, mỗi việc cũng khác nhau. Theo thông thường người đời phần nhiều lấy dục lạc của năm căn làm vui, rồi nhân đó mà truy cầu tìm kiếm những cảm giác khoái lạc, vui vẻ, rồi cũng từ nơi cái gọi là khoái lạc, vui vẻ đó mà dẫn đến khổ đau tuyệt vọng.
Tóm lại trong kiếp sống con người, khổ đau và vui vẻ nương nhau mà thành. Khổ là trạng thái mà người đời ai cũng sợ, cũng nhàm chán, nhưng người đời rốt cuộc không tránh khỏi khổ đau. Vui, là chỗ tìm cầu của người đời, nhưng cái vui mà mọi người tìm cầu lại không tồn tại lâu dài, ngược lại nó lại quá ít ỏi và ngắn ngủi, tạm bợ nhưng chúng ta cứ mãi muốn, tìm cầu bỏ khổ tìm vui. Ðây là nguyên nhân do cái nhìn của mỗi người có chỗ không đồng. Người đời cảm thọ khổ và vui chẳng qua là căn cứ trên sự thuận và nghịch của thân tâm, tổn hại hay ích lợi mà nói, tuy nhiên y cứ theo cái nhìn của người học Phật. Khổ mà người đời nói, là cái khổ thật sự. Nhưng nói là vui, ngược lại chưa chắc là thật vui. Thế nhưng có người thường nói:
- Tôi muốn tìm vui.
Rồi tìm cầu cả một đời, lao mình vào cờ bạc rượu chè, ăn chơi trác táng để thú vui đó là cái vui của dục lạc, của năm căn. Chúng ta là người học Phật phải thực tập ghi nhận:
- Khổ chơn thật là khổ, vui chơn thật là vui,
Có ghi nhận chính xác như vậy, để rồi chúng ta mới có thể sanh khởi niệm yêu thích, và qui hướng về với chánh pháp để tìm nguồn vui vĩnh cửu. Khi ghi nhận cái khổ một cách vững chải thì chúng ta cần phải thoát ly, từ bỏ cái khổ thế gian, xa lìa luân hồi ở ba cõi sáu đường, để cầu vui giải thoát. Ðây là sự nổ lực và nhận thức chân chính nên có của người học Phật. Ðây cũng chính là mục đích chính của Ðức Phật xuất hiện ở thế gian, để đẫn chúng ta lấy việc lìa khổ đau của cuộc đời, để tìm niềm vui chân chánh giải thoát làm tiền đề của Phật pháp. Phật pháp là phương pháp đứng trên căn bản hướng dẫn chúng ta, và có thể dẹp trừ khổ đau, để thành tựu được an lạc chân thật. Chỉ có tu trì Phật Pháp, tín thọ phụng hành, hành trì không gián đoạn, tự nhiên sẽ đạt được sự đầy đủ và vui vẻ sống một cuộc sống thảnh thơi.
Tóm lại, khổ về các loại, các dạng rất nhiều, như không an, không vui vẻ cũng là khổ! Như có lần chúng tôi đã nói, con người ở trên đường đời, cứ mài miệt tìm niềm vui trong tham dục, cho nên không thể nào thỏa mãn được, điều này giống như người ăn một viên thuốc hoàn liên, lăn áo đường ở bên ngoài. Vì bên ngoài bọc đường nên bên ngoài thì ngọt, nhưng bên trong thì đắng. Phật pháp chỉ ra mấy cái khổ này, để giúp chúng ta nhận thức được rằng cái khổ đó không phải người khác đem đến cho chúng ta, mà là tự chúng ta không rõ thị phi, rồi mờ mắt tìm cầu, gom góp những tham ái, vướng mắc vỡ vụn trong cuộc đời để làm gia tài cho mình, thì tất nhiên quả khổ do tự chúng ta tạo ra chớ không ai có thể cho chúng ta cả.
Phải ý thức rằng, đời người không có sự nhẹ nhàng và thoải mái tuyệt đối, cũng không có sự thống khổ và phiền não vĩnh hằng, người đời nhân nơi khổ mà tìm cầu vui, ngược lại nhân nơi vui mà dẫn đến khổ đau. Ðời người gặp gỡ thường xuyên là vui vẻ ít mà buồn đau thì nhiều, lý do khổ não của đời người vô cùng, vô tận. Người có trí tuệ, trước khi làm một việc, phải hiểu rõ trước, sau khi hiểu rõ, mới khẳng định sự việc nào nên làm và sự việc nào không nên làm. Có như vậy khi bắt tay vào việc thì chúng sẽ không có một chút e dè lo sợ. Nhất là người học Phật đối với mọi người, công việc cứ y trên đạo đức mà làm, y cứ trên trí tuệ mà xử lý tất cả công việc. Thái độ này cũng là chỗ chú trọng của Phật Giáo, cho nên Phật Giáo luôn luôn khuyến khích tín đồ làm bất cứ một việc làm gì cũng đều dựa trên:
- Trí Tín
Trí tín tức là niềm tin dựa trên lý trí, không phải là mờ mắt dùng cảm tình mà tin. Lý do, trước khi chúng ta làm việc gì, thì chúng ta, cần phải hiểu rõ. Sự tu học cũng vậy, khi chúng ta bắt tay vào việc thực hành thì chúng ta phải hiểu vì sao chúng ta cần phải tu hành. Phật giáo lấy đời sống thực tế của con người làm tiêu chuẩn, để ý thức được khổ như: Sanh Khổ, Bệnh Khổ, Lão Khổ, Tử Khổ, Cầu Bất Ðắc Khổ... Tóm lại, trong một đời người đầy đủ các loại dạng khổ! Nói như thế sẽ có người sẽ phản đối, hiện tại ta đang cảm thọ được rất vui vẻ, sự vui vẻ như thế này thì làm sao gọi là khổ. Kỳ thật kiến giải của người đời phần nhiều có sai lệch. Bởi vì đối với chúng ta cho là vui, nhưng trong con mắt người có trí tuệ nhìn, tức chính là khổ! Sau khi vui vẻ qua đi, khổ sẽ đến. Vì vui và khổ nối nhau mà đến, cũng như ban ngày và ban đêm, sau khi ngày qua đi đêm tối sẽ đến. Do đó, đời người là khổ, xác thật và không thể phủ nhận. Vậy thì chúng ta phải làm như thế nào để thoát ly được khổ, đó chính là việc gấp rút trước tiên con người chúng ta phải làm.
Cần phải làm thế nào để thoát ly đau khổ, đây là điều mà mọi người đang suy tư. Thật sự điều này không có lạ khi chúng ta giữ tâm yên tịnh, chúng ta sẽ thấy lời Ðức Phật ở trong bốn Thánh Ðế đã dạy rằng:
- Khổ do Tập mà có.
Tập chính là ý tứ các món phiền não, hoặc và nghiệp; do nơi nghiệp con người mới có khổ. Nghiệp tuy là vô hình, nhìn không thấy, rờ không được, ngược lại là chủ tể của con người. Muốn tiêu diệt khổ thì phải đoạn trừ nguyên nhân của nó. Muốn đoạn trừ nguyên nhân thì không nên tạo nghiệp, không có nghiệp thì không có nguyên nhân sanh ra khổ. Nghiệp là hành vi của chúng ta làm nên một cá nhân. Thân tâm không thể không có hoạt động, có hoạt động rồi thì có hành vi, có hành vi rồi thì có nghiệp. Sở dĩ nói không tạo nghiệp ở đây là muốn nói đến việc không làm ác nghiệp, nghĩa là những gì không liên quan đến thiện nghiệp thì không làm. Vì không tạo ác nghiệp, hành thiện là điều tất yếu. Chúng ta hy vọng hành vi chính mình là hành vi thiện. Tiến đến có thể làm được điều không tạo ác nghiệp, đối với thiện nghiệp cũng không chấp trước. Như vậy thì có thể lần lượt thoát ly khổ. Căn cứ Phật pháp mà nói:
- Giải thoát phiền não, trong tâm thanh tịnh, an tường, tự tại, tinh thần thoải mái, tương lai có khả năng thoát khỏi sinh tử.
Phật pháp dạy con người cần phải dùng nhãn quan trí tuệ mà xem tình đời. Với con mắt của người trí tuệ thì phú quý như khói mây qua nơi mắt, dùng tâm tri túc để lấy và bỏ muôn vật, tâm thanh tịnh này không bị sự trói buộc của vật bên ngoài. Ðây là dùng tâm tùy duyên hành xử với thuận và nghịch cảnh. Tâm địa tự bình ổn thì không bi lụy đối với vật bên ngoài. Nếu chúng ta  y cứ theo đây mà chí thành tu hành, thì có thể đạt được niềm vui lớn Niết bàn. Có thể nói chỉ cần nương nơi Phật Pháp tu hành, sửa đổi hành vi không tốt đẹp của chúng ta. Trong hành vi của chúng ta không tạo nhân khổ, mà đối với việc thiện lại không chấp trước, hơn nữa thiện ác không lập, trong tâm không có nghiệp, tự tánh thanh tịnh hiện tiền, thì khổ lập tức tiêu mất. Thực hành được như vậy mới gọi là cứu cánh. Như vậy trong công cuộc sửa đổi hành vi, thì từ ngữ tu hành là mỗi một người quyết định dứt khoát chuyên cần theo đường hướng thiện do chính mình vạch ra, rồi tự mình khởi tâm tưởng xa lìa đau khổ để được an vui , cái niềm vui chân thật chứ không phải niềm vui giả tạm.
Có xác định tính trọng yếu của vấn đề tu hành, thì sự tu học của chúng ta mới tiến bộ. Có xác định tính trọng yếu của vấn đề tu hành thì chúng ta mới có can đảm chấp nhận:
- Ðời người là khổ.
Khổ không phải do tạo hóa, người đời đem đến cho chúng ta mà do nơi chính chúng ta, nghĩa là sau khi tạo nghiệp thành thì chúng ta do nghiệp cảm báo mà có. Vì con người không nhận chân được sự khổ đau nên cứ mãi tạo các nhân ác, nhóm các nghiệp ác cho nên mới cảm thọ quả khổ. Mỗi cá nhân đều không thích khổ, nhưng lại cứ đi tìm khổ đó là cái bệnh của chúng sanh, để rồi theo nghiệp trôi chảy mà chịu quả báo, do đó mới có sáu nẻo luân hồi sanh tử tử sanh, trôi nổi nơi ba cõi, vĩnh viễn không có kỳ hạn.
Truy cứu nguồn cội của khổ là do niệm không giác ngộ là đầu của tai họa, cho nên cần phải dứt khổ, thoát khổ, cần phải đem niệm không giác ngộ mà chặt đứt hoàn toàn, chuyển niệm không giác ngộ này thành tỉnh thức mới được. Như vậy thì làm thế nào để chúng ta chuyển niệm không giác ngộ thành niệm tỉnh thức, đây là điểm then chốt để chúng ta giải quyết. Kỳ thật, niệm không giác ngộ là niệm tưởng hư vọng. Ðứng trên bản thể mà nhìn, cội gốc của thất niệm không tồn tại, nhưng đối với chúng sinh mới hiểu và chưa hiểu mà nói, do ở chổ không xa lìa khỏi hư vọng, thì sẽ dẫn đến thất niệm. Cũng như trong hư không vốn không có bông hoa, mà cái tai hại là do có người bệnh loạn thị, nên thấy trong hư không đầy tràn bông hoa. Khi mà bệnh hoạn chưa tiêu trừ, chúng ta có nói với người loạn thị trong hư không không có bông hoa trăm ngàn lần, thì cũng không thể khiến người ấy tin được. Muốn cho người ấy tin, trước tiên chúng ta cần phải trị bệnh cho con mắt của người ấy, sau đó bệnh tiêu thì tướng huyễn mới được trừ. Cũng vậy, muốn hướng dẫn những con người lầm đường lạc lối, chúng ta cần phải có phương pháp, có khả năng khiến giúp cho chúng sinh thoát ly hư vọng, khi trong tâm không có vọng niệm làm chướng ngại, thì tâm tu sẽ sáng suốt Chánh niệm là Chơn Tâm, từ trước về sau, mới có thể thấy được gốc của thất niệm không tồn tại. Ðiểm này tương tự như bầu trời mây tiêu, sương tan, ánh sáng mặt trời sẽ hiện ra. Làm được như thế chính là chúng ta đã chuyển vô minh thành chánh niệm, chánh niệm có mặt  thì chúng ta hoàn toàn thoát ly khổ. Vì vậy chúng ta cần phải thoát ly hư vọng trước.
Phải biết rằng, hư vọng từ tâm mà sinh ra, do ở nơi tâm vô chủ, mất đi sự khống chế, cho nên vọng tưởng lăng xăng. Từ xưa đến nay sản sinh ra vọng tưởng là tác dụng của tâm thể, đây là lẽ thường không phải là việc xấu, vấn đề đáng ghi nhận là vì trong tâm không chủ, không có khả năng tác dụng khống chế, việc đáng nên làm thì làm, đáng nên dừng thì dừng lại. Ở nơi vọng tưởng hỗn loạn không thể đình chỉ được, không những chướng ngại đối với chính mình, mà còn khiến cho tâm mất đi công năng hành xử tốt đẹp đối với những người chung quanh chúng ta.
Ðức Phật thường dạy:
- Tâm là chủ của con người cho đến tất cả,
Do đó khi chúng ta nhận thức rõ tâm của chúng ta, là đời của chúng ta đã có người hướng dẫn, có một vị Thầy khả kính. Từ sự nhận thức về tâm, chúng ta cũng sẽ biết được nguyên nhân tâm mất đi sự mẫu mực ở chỗ nào, thì chúng ta sẽ đem chỗ mất mẫu mực đó ra điều chỉnh sửa đổi, thì tâm sẽ trở nên bình thường, nghĩa là hồi phục hoạt động và những gì mà chúng ta có từ trước. Lúc dó chúng ta sẽ ghi nhận: Tâm của chúng ta lúc này và cái tâm của ngày trước tuy là một cái tâm, nhưng không đồng; do đó theo quan điểm Thiền tông mà nói thì:
- Người khai ngộ không khác với con người cũ, nhưng khác hành vi của con người cũ.
Quả thật như vậy, tâm lúc này là tâm chân chánh thường hằng, tâm lúc nầy là tâm biết được việc đáng nên làm thì làm, đáng nên dừng thì dừng, hoàn toàn có thể làm chủ. Ðối ở việc tiếp xúc được tất cả, nó đều rõ ràng trong sáng, tuyệt không thể bị dối lừa; nó biết thế nào nên làm, làm việc đáng làm, không thể làm sai lầm, cho nên sẽ không đau khổ, khi biết sâu xa qua các hoạt động, trong khi chúng ta có thể làm chủ cho chính mình. Do đó tiêu trừ tưởng niệm hư vọng trong tâm, vọng tưởng tiêu trừ thì chuyển niệm bất giác thành giác ngộ.
02- Khổ Ðể Tu Hành, Khổ Hóa Vui  
Muốn được như vậy thì chỉ có con đường duy nhất phải dùng phương pháp tu tập, tức là trì tụng một pháp ở trong tâm không gián đoạn. Một trong các pháp đó là:
- Kinh giáo,
- Tham thiền, chỉ quán, quán tưởng,
- Trì chú,
- Niệm Phật,...
Nghĩa là lấy nhất niệm thống suất vạn niệm, làm cho niệm này cũng xả đi, như vậy, trong tâm lại hoàn toàn thoát ly hư vọng. Vọng niệm không còn thì lúc bây giờ trong tâm chỉ là ý nghĩ và việc làm thuần lương, thiện căn sâu dày, ý chí kiên cường sẽ không khó; nhưng đối với con người đại đa số nói thì dễ, nhưng làm thì không phải là dễ. Nói dễ mà làm thì khó là vì người đời cho rằng tu hành là khổ, nên không có được bao nhiêu người chịu dấn thân thực hành, nhưng chúng ta đâu biết rằng có chịu khổ rèn luyện thân tâm, thì chúng ta mới có khả năng vuợt qua mọi phong ba bảo tố thử thách trên đường đời, cho nên nói:
 - Khổ để tu hành, khổ hóa vui  
Xin xác nhận rằng là khổ vui, cũng không thật có, mà là do vì tập khí, nhiều năm cho đến nhiều đời trở lại, đều là tập quán đối với tâm mà sinh ra niệm tưởng hư vọng mà có. Tương tự như một con ngựa hoang lưu lạc, một lúc nào đó bắt về nuôi dưỡng ở trong nhà, thì làm sao có thể dứt được thói quen, trừ khi chủ nhân là người có năng lực thuần phục cực lớn, có thể chế phục tánh hoang của nó. Tu hành cũng như vậy, những thành tựu chắc chắn phải do chính chúng ta mới có thể khắc phục được tập khí và có thể thành tựu tuy rằng có vất vả, do đó mà niệm tu là cần thiết. Lẽ tất nhiên cần phải biết phối hợp giữa sinh hoạt thường ngày và công tác tu hành, và phải theo suốt thời gian dài, từng bước từng bước bỏ đi tập khí, sửa đổi  lỗi lầm, thì những hành vi của chúng ta trở nên thuần nhất, tu trì mới dễ thành tựu. Tuy nhiên trong lúc chúng ta chưa thành tựu đạo nghiệp, để có được những niềm vui khích lệ, thì việc không tạo nghiệp, không cảm thọ quả khổ thì đời người của chúng ta cũng sẽ an lạc rất nhiều rồi.
Như thế vấn đề chính là phải biết tu chính hành vi hư xấu của chúng ta. Hành vi của chúng ta bao quát cả hai phương diện: Hữu hình và vô hình; cũng tức là ba nghiệp: Thân, Miệng, Ý. Thực tập chánh niệm chính là tu chính lại hành vi hư hoại từ nơi Thân, Miệng, Ý của chúng ta. Bởi vì hành vi của con người, có những lúc hoặc cố ý, hoặc vô tình làm tổn thương và hại người khác hoặc sinh linh khác, trong vô hình cũng tổn hại chính mình, khiến tự mình và người khác đều cảm thọ thống khổ. Những hành vi này tức là ác nghiệp. Cho dù là những hành vi đó còn tiềm ẩn trong Thân, Miệng, Ý của chúng ta nhưng vẫn coi như là nghiệp ác. Tóm lại, phàm là những hành vi làm tổn thương đến chúng sinh thì là ác, quyết cần phải hơn thế nữa để tu chánh. Có thể tu được Thân, Miệng, Ý nghiệp đều không ác, thì thân tâm của chúng ta sẽ thanh tịnh an lạc, khi mà tình huống ở thân tâm yên ổn rồi, thì vọng niệm lại ít hơn. Nếu như có thể tiến đến trạng thái niệm niệm đều là thiện, và thân hành cũng ở nơi thiện, miệng nói cũng nói điều thiện, ý tưởng ở nơi thiện, thì việc mà chúng ta gọi là tu hành, đã tiến đến tu trì rồi. Ðạt đến mức tu trì, có nghĩa là chúng ta đã đem các món tập khí bất lương cải chánh lỗi lầm, tâm của chúng ta sẽ thuần nhất, chướng ngại cũng sẽ giảm thiểu hoặc tiêu trừ. Nếu trong lúc nầy mỗi niệm, mỗi niệm của chúng ta không gián đoạn niệm danh hiệu: Nam mô A Di Ðà Phật, vọng tưởng tạp niệm giảm thiểu hoặc tiêu trừ, muôn duyên thế tục buông đi, thì việc vãng sanh về thế giới Cực Lạc Tây Phương chắc chắn không có gì trở ngại.
-- o0o --