Phép Sám Hối Trong Ðạo Phật
Thông Nghĩa
--o0o--
 
Hôm nay là ngày 23 tháng 06 năm 2002
Chúng tôi xin giới thiệu đến đại chúng bài pháp Pháp Sám Hối Trong Ðạo Phật.
Con người không phải mới sinh ra đã là thánh hiền, nên không làm sao tránh được việc gây tạo lỗi lầm. Vì thế biết lỗi mà sửa đổi mới thật là người lương thiện, nên Ðức Không Tử nói:
- Có lỗi lầm không sợ sửa đổi, là việc lành không gì lớn hơn.
Trong Văn Thủy Sám nói:
            - Phiền não con người quả thật quá nặng, ai mà không tội, ai chẳng lỗi lầm. Phàm phu ngu muội, vô minh khuất lấp, thân gần bạn xấu, phiền não loạn tâm, bẩm tính si mê, buông thả tự thị....
Chúng ta là con người phàm tục, còn xuống lên ba cõi, lăn lộn trong sáu đường, thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một sinh loại nào là không tội lỗi.
            Cõi đời nầy thường được gọi là thế gian hay còn gọi là trần gian. Chữ trần có nghĩa là bụi. Gian là khoảng giữa căn nhà. Nếu gọi chung hai từ: Trần Gian thì chúng ta hiểu là cái nhà bụi bặm. Ðã gọi là nhà bụi bặm thì chắc chắn không làm sao sạch được. Người ta thường nói:
- Ði trong sương trước sau gì cũng ướt áo
Như vậy chúng ta đang sống trong nhà bụi bặm thì chắc chắn trước sau gì cũng phải lấm bụi. Bụi đời đã lâu đời lâu kiếp phủ lên thân, lên  tâm chúng ta, và chúng đã hít vào trong buồng gan lá phổi chúng ta, vì thế nó làm cho mắt chúng ta mờ không thấy được đường chánh, nó làm cho chúng không thấy được chân tâm.
            Nếu chúng ta muốn sống mãi trong cảnh bụi nhơ, muốn đắm mình trong tội lỗi, thì không nói làm gì. Nhưng khi chúng ta đã muốn được trong sạch thảnh thơi muốn trút bỏ tội lỗi cho lòng được nhẹ nhàng, thư thái thì chúng ta phải tắm rửa để tẩy trừ cho hết bụi bặm, tẩy trừ cho hết tội lỗi. Trong đạo phật từ ngữ để tẩy trừ các tội lỗi ấy gọi là Sám Hối.
Sám có nghĩa là gì? Hối có nghĩa là gì?
- Chữ Sám nghĩa là ăn năn những lỗi trước. Hoặc chữ Sám có nghĩa là cứu xét, đoạn trừ tội lỗi trước, nghĩa là những tội lỗi ác nghiệp, ngu si mê muội kiêu căng phản bội ganh ghét có từ trước thảy đều cứu xét đoạn trừ không khởi lại đó là sám.
            - Chữ Hối nghĩa là chừa bỏ lỗi sau. Hoặc chữ Hối có nghĩa là ân hận các tội lỗi, nhứt quyết từ nay về sau, những tội lỗi ác nghiệp, ngu si mê muội, kiêu căng, phản bội, ganh ghét, dối trá nay đã biết rõ, phục thiện, thảy đều dứt sạch, không tái phạm đó là hối
Nếu dùng chữ Sám hoặc chữ Hối không thì chưa đủ ý nghĩa, nên các bậc Tổ Ðức ghép hai chữ lại thành danh từ Sám Hối dịch theo tiếng Việt là:
            - Ăn năn hối lỗi.
            Như thế trong chữ Sám Hối có hàm nghĩa ăn năn, hối hận vì những lỗi lầm trong quá khứ bất luận là lâu hay mau và bây giờ cho đến về sau, chúng ta nguyện là chúng ta không tái phạm lại nữa.
Thông thường con người phàm tục như chúng ta, chỉ biết cứu xét đoạn trừ tội lỗi về trước, mà không biết ân hận phục thiện tội lỗi lầm về sau. Vì không biết ân hận phục thiện, nên tội lỗi trước chưa dứt mà tội lỗi sau lại sanh. Một khi đã không tiêu được tội lỗi trước, mà lại còn tạo thêm tội lỗi sau, thì không phải là sám hối. Hơn nữa nếu biết tội lỗi cũ là bậy, và chúng ta đã tâm thành chuộc lỗi, mà sau nầy vẫn còn làm lại, tái phạm nữa, thì không đúng nghĩa trong tinh thần sám hối. Có nhiều cách Sám Hối     
A- Theo Quan Niệm Thế Gian
Người đời khi có tội lỗi với cha mẹ, ông bà, làng nước... thì thường thường họ dùng lễ vật như:
- Trầu rượu, hay heo gà, tiền bạc để tạ tội, xin lỗi.
- Có khi người ta lại dùng hình thức lập công chuộc tội. Hình thức nầy thường được áp dụng trong những chế độ vua chúa phong kiến ngày xưa.
B- Các Tôn Giáo Khác
Trong các tôn giáo khác, người ta cũng có những hình thức chuộc lỗi, như:
- Có đạo giết trâu, bò, dê, heo... để cúng thần linh cầu xin rửa tội.
- Có đạo chủ trương xuống tắm ở những dòng sông hoặc suối mà người ta cho là linh thiên thì hết tội,
Hình thức đổi công chuộc tội cũng có chỗ hay, nhưng nó chỉ áp dụng để đối phó với bên ngoài chứ trong trường hợp những tội xảy ra trong nội tâm chúng ta thì không có kết quả. Ðối với những tội lỗi rất vi tế thì khó mà có thể áp dụng được hình thức nói trên. Những cách chuộc tội như vậy, tất cả đều là sai lầm. lý do là vì tội lỗi thuộc về phương diện tâm linh, mà đã là tâm linh thì không có hình tướng, vì vậy chúng ta không thể lấy vật chất như nước, máu huyết, phẩm vật, hay xác thân để làm cho sạch tội.
            C- Theo Quan Ðiểm Của Ðạo Phật
            Ðức Phật dạy:
            - Tội lỗi do tâm của người tạo ra, không ai có quyền thưởng phạt được. Kẻ gieo giống xấu thì ăn trái dỡ, người trồng giống quý thì hưởng quả ngon. Tội lỗi đã từ tâm tạo, thì cũng phải từ tâm mà sám.
            Lời nói thật rõ ràng. Vậy chúng ta muốn hết tội, phải y theo những pháp sám hối có tác dụng, có liên quan đến tâm mà thật hành. Trong Ðạo Phật có những pháp sám hối thuộc về sự, có pháp thuộc về lý:
            I- Sám Hối Thuộc Về Sự:
            a- Tác Pháp Sám Hối
            Pháp sám hối nầy thuộc về sự, phải lập giới đàn và thỉnh thanh tịnh Tăng chứng minh, nên gọi là Tác Pháp Sám Hối. Khi vào giới tràng, mình phải thành thật tỏ bày tội lỗi một cách thành khẩn, chí tâm ăn năn và nguyện về sau không tái phạm nữa. Một lòng thành kính sám hối như vậy, khi giới thể được thanh tịnh tức là hết tội. Trường hợp của Thân Mẫu Mục Kiền Liên. Sau khi biết được thân mẫu của Ngài bị đọa vào cảnh giới A Tỳ Ðiạ Ngục, mặc dầu Ngài có thần thông nhưng một mình không thể cứu vớt được, nên Ngài mới với Phật cầu xin phương  pháp cứu độ. Khi đó đức Phật mới dạy là phải cung thỉnh cho được mười phương tăng Bảo cúng dường và nhờ sức chú nguyện của chư Thánh Tăng, nhờ đó mà thân mẫu của Mục Kiền Liên được thoát khỏi cảnh A Tỳ Ðịa Ngục.
            Sự kiện thân mẫu Ngài Mục Kiên Liên thoát khỏi cảnh A Tỳ Ðịa Ngục, không phải do thần lực của mười Tăng Bảo đem bà ra khỏi Ðịa Ngục, mà do chính bản thân của bà tự cứu lấy bà. Lý do là chư Thánh Tăng chỉ hết lòng chú nguyện, và sức từ tâm đó làm chuyển hóa tâm keo kiệt bỏn xẻn của bà. Theo kịp sức chú nguyện của chư Tăng nên tâm bà chuyển hoá tâm kẹo kiệt, bỏn xẻn của bà hoàn toàn và trở nên thanh tịnh do đó mà bà được siêu thăng.
            b- Thủ Tướng Sám Hối:
            Pháp nầy thuộc về sự và khó hơn pháp trước. Phật chế pháp nầy là sám hối thuộc về quán tưởng, cho những người tu tập có trình độ cao, hoặc có thể áp dụng cho những nơi không có, hoặc không thể thỉnh chư tăng.
            Muốn tu pháp nầy hành giả phải đến trước tượng Phật hay Bồ tát, thành tâm lễ bái trình bày những tội lỗi đã phạm, và nguyện ăn năn chừa bỏ. Làm thế nào từ một ngày, ba ngày, bảy ngày, 49 ngày và mãi cho đến khi nào thấy được hảo tướng, như thấy hào quang, hoa sen báu, thấy Phật, Bồ Tát đến xoa đầu..v..v... thì mới thôi.
            c- Hồng Danh Sám Hối:
            Pháp Hồng Danh Sám Hối nầy cũng thuộc về sự, do Ngài Bất Ðộng Pháp Sư đời Tống bên Trung Hoa soạn ra. Ngài rút danh hiệu của 53 danh hiệu Phật trong kinh Ngũ Thập Tam Phật tức là từ đức Phật Phổ Quang cho đến Phật Nhất Thế Pháp Tràng Mãn Vương Phật, và rút 35 hiệu Phật trong Quán Dược Vương Dược Thượng với pháp thân đức Phật A Di Ðà sau thêm bài kệ Phổ Hiền Ðại Nguyện, thành nghi thức sám hối nầy. Tổng cộng là 108 lạy để ám chỉ cho trừ 108 phiền não
            Nghi thức sám hối nầy, nếu ai chí thành kính lễ, thì sẽ diệt trừ được những phiền não và tội lỗi đã tạo, trong hiện tại cũng như nhiều đời về quá khứ. Ðức Phật Tỳ Bà Thi nói:
            - Nếu chúng sanh nào nghe danh hiệu 53 vị Phật nầy thì trăm ngàn ức kiếp không đọa vào ba đường ác.
            Ðức Phật Thích Ca nói:
- Thuở xưa đời Phật Diệu Quang ta đi tu nhằm đời mạt pháp, nhờ được nghe 53 danh hiệu nầy, và thành tâm lễ bái, mà tránh khỏi những đau khổ trong đường sanh tử luân hồi nhiều kiếp.
Còn 35 danh hiệu Phật sau từ đức Phật Thích Ca cho đến đức Phật Bửu Liên Hoa Thiện Trụ Ta La Thọ Vương thì trong kinh Bửu Tích nói:
- Nếu tất cả chúng sanh hoặc phạm tội ngũ nghịch hay thập ác, đến muốn ức kiếp không thể sám hối chỉ xưng danh hiệu 35 vị phật nầy và lễ bái thì bao nhiêu tội chướng đều tiêu trừ.
Hồng danh của chư phật có công đức không thể nghỉ bàn như vậy, Ngài bất Ðộng Pháp Sư mới soạn ra để làm nghi thức sám hối. Pháp Hồng Danh Sám Hối, hiện nay hầu hết các chùa đều thực hành theo.
Về sau Ngài Tư Vấn Pháp Sư vì những người yếu đuối hoặc không quen lạy nhiều nên đã soạn ra một nghi thức sám hối, rất gọn dễ và đầy đủ ý nghĩa, cũng gọi là pháp tiểu sám hối, để cho Phật Tử có thể hằng ngày sám hối tội lỗi của mình.
Ba loại sám hối trên thuộc về sự
II- Lý Sám Hối:
Trong lý Sám Hối thì chỉ có Vô Danh Sám Hối. Pháp sám hối nầy thuộc về Lý Sám Hối, rất cao và rất khó, bực thượng căn mới có thể thực hành được. Có hai cách sám hối:
a- Quán Tâm Vô Sanh
Nghĩa là quan sát tự tâm mình hiện tiền không sanh. Như trong kinh Kim Cang nói:
- Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại chẳng có, tâm vị lai cũng không.
Quán trong ba đời đều không có tâm, thì vọng tâm không từ đâu mà có, nếu vọng niệm không có thì các tội lỗi cũng không.
Kinh nói:
- Tội từ tâm sanh mà cũng từ nơi tâm diệt.
Nếu tâm nầy không sanh thì tội kia cũng chẳng còn, thế mới thật là sám hối.
b- Quán Pháp Vô Sanh
Nghĩa là quán sát thật tướng của các pháp không sanh. Chữ thật tướng nghĩa là cái tướng ấy không sanh không diệt, không hư dối, từ xưa đến nay vẫn thường như thế, không bị thời gian thay đổi hay không gian chuyển dời, suốt thấu xưa nay nên gọi là thật tướng. Nó cũng có tên là chân như hay chơn tâm.
Khi nhận được thật tướng rồi, thì các giả tướng đều không còn. Lúc bấy giờ những tội lỗi kia không còn gá nương vào đâu để tồn tại. trong kinh Quán Phổ Hiền có nói:
- Muốn sám hối, phải quán thật tướng của các pháp, thì tội mới hoàn toàn tiêu diệt.
            III- Vô Tướng Sám Hối
Phương pháp sám hối nầy theo quan điểm của Lục Tổ Huệ Năng ngài dạy:
- Chúng ta là những Phật Tử, biết tụng kinh, niệm Phật, biết làm lành lánh dữ, biết đến chùa, thì đó là nhờ thiện căn thiện duyên từ đời kiếp trước. Vì vậy những việc làm đó đều do từ trong tự tánh mà khởi ra, nếu lúc nào cũng niệm như vậy để tự thanh tịnh lấy tâm, tự tu, tự hành, tự độ, tự giới, tự thấy pháp thân và tâm Phật thì việc tụng kinh, niệm Phật, cũng như việc đến Chùa mới thật là chân thật.
Muốn duy trì trạng thái tự thanh tịnh lấy tâm phải luôn thực hành Vô Tướng Sám Hối, bất kỳ nơi đâu, bất kỳ đang làm việc gì, Ngài dạy, Vô Tướng Sám Hối có năm điều:
            01- Giới Hương: Tức là trong tâm luôn giữ giới không không làm quấy, không hung dữ, không ganh ghét, không tham lam, không hờn giận, không si mê ám hại.
            02- Ðịnh Hương: Tức là trông thấy các cảnh tượng lành dữ mà tâm không loạn động.
            03- Huệ Hương: Tức là Tự tâm không chướng ngại, thường lấy trí tuệ soi xét tự tánh, không tạo các điều ác, mặc dầu tu các nghiệp lành, nhưng tâm không chấp trước, tôn kính người trên, chiếu cố kẻ dưới, thương xót những người cô đơn nghèo khổ
            04- Giải Thoát Hương: Tức là Tự Tâm không vướng chi cả, không nghỉ lành, không nghỉ dữ tự tại vô ngại.
        05- Giải Thoát Tri Kiến Hương: Tức là tự tâm đã không vướng lành dữ cũng không chấp có, không chấp không, chơn chánh nghe nhiều, học rộng, thấy xa, tự đạt bổn tâm, thông suốt Phật lý hoà đồng ánh sáng tiếp dẫn người, không phân nhân ngã, thẳng đến quả vị Bồ Ðề, chơn tánh vẫn không thay đổi.
         Năm loại hương vừa kể trên, khi tu và thực hành đạo một cách tích cực thì tự nhiên có, và năm loại hương nầy chỉ tự xông ở bên trong chớ không có ở bên ngoài. Ðức Lục Tổ ngài đã ân cần truyền trao cho chúng ta, hôm nay chúng tôi phụ trách về đề tài sám hối nầy, Tôi muốn cùng quý vị sám hối để cho thân tâm được thanh tịnh, vì thế chúng tôi đề nghị đại chúng, hiện tại ở nơi xa xăm nào đó không cùng chúng tôi đọc thành lời, nhưng đề nghị đại chúng với một tâm hồn hết sức thanh tịnh, lấy giới luật làm tấm gương trong vắt để chiếu rọi tâm mình, xin im lặng thở và im lặng trả lời và nghe những lời tôi sắp tuyên đọc Pháp Vô Tướng Sám Hối để tiêu tội trong ba đời khiến cho ba nghiệp của chúng ta được thanh tịnh.
         Xin quý vị chú tâm theo dõi:
         - Chúng đệ tử từ niệm trước, niệm nay, và niệm sau, niệm niệm không nhiễm theo ngu si, mê muội, bao nhiêu tội lỗi ác nghiệp ngu si mê muội đã có từ trước, thảy đều sám hối, nguyện tiêu diệt ngay bây giờ, không thể nào tái phạm.
          - Chúng đệ tử từ niệm trước, niệm nay, và niệm sau, niệm niệm không nhiễm theo kiêu căng phản bội, bao nhiêu tội lỗi ác nghiệp kiêu căng, phản bội đã có từ trước, thảy đều xin sám hối, thảy đều tiệu diệt nay từ bây giờ không thể nào tái phạm.
          - Chúng đệ tử từ niệm trước, niêm nay và niệm sau, niệm niệm không nhiễm theo sự ganh ghết dối trá, bao nhiêu tội lỗi ác nghiệp ganh ghét dối trá đã có từ kiếp trước thảy đều sám hối, nguyện xin tiêu diệt ngay bây giờ không thể tái phạm.
         Ðó là những lời Vô Tướng Sám Hối của Ðại Sư Huệ Năng          
IV- Phát Triển Hạnh Lành
Trong thế gian bất tịnh nầy, vạn vật đều huyển hoá vô thuờng, tấm thân huyết nhục này nay còn mai mất không sao liệu trước được. Nếu một hơi thở ra mà không hít vào là đã qua đời khác. Ðến lúc đó có muốn sửa đổi lỗi lầm cũng không kịp nữa. Khi cái chết đến nơi mọi thứ đều bỏ lại, chỉ có nghiệp tội đi theo chúng ta mà thôi.
            Cuộc sống có tính cách liên tục, cho nên là lỗi là không lỗi chúng ta khó mà biết trước được. Ðể duy trì thiện căn thiện duyên, sau khi làm lễ sám hối xong, chúng ta cần phải phát triển các hạnh lành cho nhiều để tiêu trừ tội lỗi cũ.
Lý do là chúng ta biết, từ xa xưa tội lỗi của chúng ta rất nhiều, có thể nói là vô số. Sự sống của chúng ta tiếp nối liên lạc với nhau từ đời nọ đến đời kia như một xâu chuổi dài vô tận. Rồi cứ trong mỗi đời, từ sanh đến tử, từ tử đến sanh chúng ta cứ tạo thêm tội mãi, từ cái tệ nầy bắt qua cái dở khác, từ cái tội nhỏ đi tới cái lỗi lớn, cái đà ấy cứ tăng thêm mãi tạo thành môt sức mạnh gọi là Nghiệp lực, dắt dẫn chúng ta vào con đường khỗ não, mê lầm, tức là dòng sanh tử mà chúng ta đang thọ vậy.
Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phổ Hiền Bồ Tát nói:
- Nếu tội lỗi của chúng sanh có hình tướng, thì tất cả hư không cũng không thể chứa hết.
Thật thế, tội lỗi của chúng sanh chất chồng từ muôn vạn kiếp, và truyền qua thời gian bởi di truyền, phong tục, thói quen..v..v... Chẳng hạn như tánh tham, chúng ta mới sanh, nào có ai dạy cho chúng ta đâu, thế mà chúng ta vẫn biết. Cũng không ai bảo chúng ta giận hờn, vậy mà gặp điều gì trái ý là chúng ta cau có, la lối liền. Những tánh xấu ấy có một lần với thân và rất sâu sắc, khó dứt trừ. Trong kinh gọi chúng nó là:
- Câu sanh phiền não
Hay còn gọi là:
- Bổn hữu chủng tử
Nghĩa là:
- Những hạt giống có từ lâu.
Những hạt giống xấu nầy lại còn làm duyên sanh ra các tội lỗi khác mà trong kinh gọi là:
- Phân biệt phiền não hay Khởi Thỉ Chủng Tử.
Nghĩa là:
- Hạt giống mới nhiễm do ảnh hưởng thời tập quán, phong tục chi phối.
Phân biệt phiền não, thì còn dễ trừ, nhưng câu sanh phiền não thì rất khó trừ. Cho nên chúng ta cũng không nên sám hối lấy lệ lấy có được! chúng ta phải làm sao cho:
a- Những tánh xấu kia yếu ớt dần dần do sức mạnh của thành khẩn và chí cương quyết.
b- Rồi dứt sạch các tánh xấu không cho chúng tái sanh.
Muốn dứt tuyệt chúng, mà nếu không có phương pháp thích hợp để thực tập. Phương pháp thích hợp trong sự sám hối là: Phát triển hạnh lành, để tiêu trừ tội lỗi cũ.
Chúng ta biết trong lòng chúng ta không phải toàn chứa đựng những tánh xấu xa. Nếu tánh xấu đã có từ muôn đời, thì tánh tốt cũng có từ vô thỉ. Chúng ta mỗi người đều có Phật tánh là cái mầm của muôn hạnh lành, cái mầm ấy đã bị chôn vùi dưới bao lớp dục vọng, si mê. Bây giờ muốn tiêu trừ dục vọng thì chúng ta phải tạo điều kiện cho cái mầm Phật tánh trổ lá lên hoa kết trái Bồ Ðề. Ðiều kiện làm cho mầm Bồ Ðề phát triển là những hạnh lành như Từ Bi, Hỷ Xả, Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn ..v..v.. Nếu chúng ta phát triển những tánh tốt ấy, tất nhiên những tánh xấu không có đất đễ mọc lên nữa.
V- Tổng Luận
Như có người hỏi, có thật sự chúng ta cần phải sám hối hay không?
Câu trả lời dứt khoát của chúng tôi là:
- Cần phải sám hối nêu quý vị muốn sống một cuộc sống an vui.
Như quý vị đã biết:
- Một người sống hết sức thành thật, không một chút giả dối, thì tâm họ khế hợp với đạo lý. Do đó nếu đem tâm chân thành ra đối đãi với người thì phước báo tự nhiên sẽ đến. Cho nên, xét một người nào đó, chỉ cần nhìn thấy họ toàn làm viêc thiện, thì biết trước rằng phước họ sắp tới.
Trái lại xét người mà thấy hành vi của họ toàn làm điều ác, thì biết rằng họ sắp gặp họa. Người muốn tránh họa được phước, phải tự mình cải đổi lỗi lầm trước khi làm thiện.
Có người hỏi như các pháp sám hối vừa nói ở trên là áp dụng cho tính đồ Phật Giáo, nhưng nếu không phải là đệ tử Phật mà muốn ăn năn hối lỗi, hay nói đúng từ ngữ Sám Hối chân chánh như tinh thần của người Phật Tử thì phải làm sao.
Thưa quý vị, những phương pháp trên quả thực là thuần túy cho người Phật Tử, tuy nhiên vẫn có những phương pháp có tính cách phổ thông hơn để biến đổi lỗi lầm bằng cách phát tâm:
01- Phát Tâm Khổ Nhục
Chúng ta nên suy nghĩ: Thánh hiền đời xưa như ta không khác, đều là trang nam tử đại trượng phu. Thế tại sao các vị ấy có thể lưu lại tiếng thơm muôn đời, làm gương sáng cho hậu thế, còn chúng ta lại luống qua một đời, rồi thân bại danh liệt. Ðó là vì chúng ta quá đam mê hưởng thụ, bị hoàn cảnh vật dục bên ngoài làm ô nhiễm. Càng ngày chúng ta càng trầm luân trong bể dục, mà tự mình chẳng biết chẳng hay.
02- Khởi Tâm Thận Trọng Lo Sợ
Chúng ta phải biết chư vị khuất mặt, khuất mày, chư thiện thần luôn ở bên cạnh chúng ta. Chư vị thấy được tất cả những hành vi của chúng ta nên chúng ta không thể lừa đối được họ. Chúng ta có thể giấu được mọi người làm điều sai trái, qua mặt pháp luật, nhưng không sao qua mắt được chư vị khuất mặt khuất mày. Việc ác của chúng ta đối với họ như như soi kính, đều hiện ra rõ ràng không sót. Chúng ta cho dù giấu kín được tội với nhân thế, song chư thiện thần nhìn thấy rõ tâm can phế phủ của chúng ta. Chúng ta khởi động tâm niệm như thế nào, các vị ấy đều biết rõ. Cho nên mình biết rõ tâm niệm và hành vi của mình như thế nào, chư thiên thần cũng biết rõ như vậy.
Hơn nữa nếu chẳng may hành vi xấu của chúng ta bị người khác biết được, thì không những chính mình mất hết giá trị, còn bị người xem thường phỉ nhổ. Cho nên ta lúc nào cũng phải có tâm lo sợ thận trọng với tư duy:
- Gây tội nặng sẽ rước lấy tai họa, gây tội nhẹ sẽ tổn phước giảm đức. Tội lỗi đối với thần minh, long thiên hộ pháp không sao che dấu được. .        03- Phát Khởi Tâm Dõng mảnh
Muốn sửa đổi lỗi lầm nhất định phải lập chí kiên quyết lập tức cải đổi quyết định không nên chần chờ, do dự. Không nên ngày nay lại hẹn ngày mai, mai lại hẹn ngày mốt, cứ thế kéo dài, lần lửa đến chết. Lỗi lầm nhỏ hãy xem như dao đâm vào xương thịt, để lâu một ngày là nhức nhối thêm một ngày, nên phải gấp rút nhổ ra. Lỗi lầm lớn hãy xem như rắn độc cắn, nếu để chậm một giây là nguy hiểm đến tánh mạng một giây.
            Chúng ta chỉ cần một hơi thở, cho dù phạm tội đến đâu đều có thể sám hối.
Nói như vậy có nghĩa nếu người ta khi đối diện cửa ải sanh tử, chỉ cần thống thiết dõng mảnh khởi lên niệm thiện, ăn năn tỉnh ngộ thì có thể rửa sạch nghiệp tội tích chứa trong suốt trăm năm. Ví như hang tối ngàn năm chỉ cần thắp lên một ngọn đèn sáng, thì lập tức sẽ quét sạch bóng đen chỉ còn ánh sáng rõ ràng. Cho nên không luận là ác bao lâu nhiều ít như thế nào chỉ cần thống thiết ăn năn sửa đổi lỗi lầm nhất định sẽ được thanh tịnh
Tuy nói có lỗi lầm chỉ cần ăn năn cải đổi là được, song tuyệt đối không được vì thế ỷ lại cho rằng thường phạm lỗi không sao. Người như thế là có tâm phạm lỗi tội càng sâu nặng.
VI- Kết Luận
Như chúng ta đã thấy ở các đọan trên người thế gian hay các tôn giáo đều có những cách thức ăn năn ngừa lỗi cả. Song chỉ có pháp sám hối của đạo Phật mới dứt trừ được tội lỗi, do chỗ lấy sự cải ác, tùng thiện làm cốt yếu.
Trong các pháp sám hối của đạo Phật, có pháp về sự, có pháp về lý có pháp cao có pháp thấp. Vậy phải tùy theo căn cơ cơ và hoàn cảnh của mỗi người mà áp dụng. Người thượng căn, thì quán pháp vô sanh sám hối. Người không gặp cảnh thuận tiện, không có giới đàn, không gặp cao tăng, thì dùng pháp thủ tướng sám hối. Người được cảnh thuận tiện có giới đàn thanh tịnh, có cao tăng đại đức thì dùng pháp tác sám hối. Còn thấy mình tội chướng nặng nề, và thấy các pháp trên khó thực hành được, thì cứ mỗi đêm về, hay trong những bữa ăn chay và ngày sóc vọng, tùy tiện đến chùa hoặc ở nhà chí tâm lạy hồng danh sám hối hoăc tiểu sám hối cũng tốt.
Trong các pháp sám hối của Ðạo Phật mặc dù có lạy có quỳ có lễ bái, nhưng không phải để cầu cạnh van xin được tha tội. Trong cái lạy, cái qùy ấy, có chứa không biết bao nhiêu ý nghĩa và lợi ích. Vẫn biết lạy và quỳ nhứt là trong pháp hồng danh sám hối thật là hao hơi mệt xác, nhưng trong cái mệt xác thân, có cái vui tinh thần, trong cái sự tướng bên ngoài có hàm ý cái lý nghĩa bên trong.
Thật vậy! Tuy có lạy nhiều, niệm lâu nhưng vẫn không ra ngoài những mục đích sau:
01- Tìm cách thiết thực làm cho tâm tánh con người được trong sạch, hết sự lỗi lầm ở trong đời hiện tại, mà cũng tiêu trừ những tội ác trong đời quá khứ.
02- Tìm cách phát triển nhưng hạnh cao cả, noi theo những gương mẫu sáng suốt của các bậc thánh hiền.
Tóm lại, các pháp sám hối của đạo Phật, nếu thực hành một cách đứng đắn, sẽ đem lại những kết quả quý báu sau đây:
- Làm phát triển tánh thành thật,
- Trau dồi đức tánh cưong quyết trong sự diệt trừ tánh xấu.
- Dứt được tội sanh phước.
- Mau thẳng tiến đến chỗ giải thoát an vui.
Nhờ pháp sám hối của đạo Phật, con người có thể cải hóa lòng mình tốt đẹp hơn. Nhờ pháp sám hối, con người có thể làm cho đời sống cá nhân được hạnh phúc và đời sống xã hội được hoà bình an lạc.
            Vậy ai là người muốn hết tội hết lỗi, ai là nguời muốn giải thoát sanh tử luân hồi, ai là người yêu chuộng chân lý, hãy cùng nhau nghiên cứu và thực hành các pháp sám hối của đạo Phật cho kỷ lưỡng để trước là cải thiện đời sống cá nhân, sau là đời sống của giống hữu tình được bớt đau khổ, và thêm an vui.
            Nói tóm lại, phương pháp sám hối cao minh nhất vẫn là tu tâm. Nếu biết tu tâm thì sẽ lập tức khiến cho tâm thanh tịnh. Vì tất cả những sự sai lầm đều do tâm khởi niệm bất chánh mà ra. Nếu biết tu tâm, chánh niệm tỉnh giác, thì khi tà niệm vừa khởi liền phát giác. Tà niệm ngay đó sẽ không còn, tâm trở lại thanh tịnh bất động. Nếu ta không làm được như vậy khi tà niệm khởi lên phát giác muộn màng, và không đủ sức giác chiếu để làm cho nó tiêu diệt, thì phải dùng đạo lý để suy xét, thống trách, thì sẽ hóa giải được niệm đó. Còn như không biết dùng đạo lý để thống trách thì cố gắng dằn lòng, tránh xa căn duyên phạm lỗi. Các pháp Sám Hồi nầy, tuy có cao có thấp khác nhau, song đều có giá trị riêng, và bỗ túc cho nhau. Chúng ta cần biết rõ mình để có thể tùy cơ, tùy lúc vân dụng cả những phương pháp đó một cách thích đáng tu sửa lỗi lầm, thì sẽ có công hiệu. Tuy vậy phương pháp tu tâm, chánh niệm tỉnh giác vẫn là chánh yếu, không nên bỏ qua.
             
            Tài Liệu Tham Khảo
            - Phật Học Tự Ðiển
            - Phật Học Phổ Thông
            - Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục
            - Khóa Hư Lục
            - Pháp Bảo Ðàn Kinh
-- o0o --