Hành Trình Về Phương Tây III
Bài thuyết pháp tại Chùa Dược Sư Ngọc Liên Ghi
--o0o--
 
Hôm nay là ngày 04 tháng 01 năm 2003
Bài pháp hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu đến đại chúng là: Hành Trình Về Phương Tây III
Cho đến ngày nay đã hơn hai ngàn năm trăm bốn mươi sáu năm, giáo pháp giác ngộ vẫn tồn tại, không những vậy mà còn phát triển, và luôn luôn thích ứng với mọi hoàn cảnh, mọi thời đại. Nhân loại có được cục diện như ngày hôm nay có thể nói nhờ vào hai yếu tố chính:
- Lời dạy chân chánh của Đức Phật
- Niềm tin tưởng tuyệt đối của chúng ta
Quả thật như vậy, lời dạy của Đức Phật dù hay đến đâu nhưng nếu chúng ta không thực hành nghiêm mật thì việc tu học của chúng ta cũng không bao giờ có kết quả. Cũng vậy nếu việc thực hành giáo pháp không gây cho ta niềm tin xác đáng, hay lệch lạc với lẽ phải đời sống thì kết quả hành trì sẽ không mang đến an lạc, hạnh phúc nào.
Như vậy niềm tin trong đạo Phật hẳn nhiên không phải là niềm tin mù quáng, chỉ biết chấp nhận, phó thác không suy xét. Chúng ta hãy nghe lời dạy của Đức Phật:
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì nghe nói lại
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì tập tục cổ phong truyền lại như thế.
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì lời đồn đãi như vậy
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy đã được ghi chép trong kinh sách.
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì mình đã ức đoán như vậy.
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì mình suy diễn như vậy.
- Không chấp nhận điều gì theo bề ngoài.
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy hợp với thành kiến mình.
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy hình như có thể chấp nhận được.
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì vị tu sĩ thốt ra điều này đã được ta kính trọng từ trước.
Tuy nhiên khi tự các con hiểu rõ rằng:
- Những điều này không hợp luân lý;
- Những điều nầy đáng được khiển trách,
- Những điều này bị các bực thiện trí thức cấm đoán, nếu thực hiện những điều này sẽ bị phá sản và phiền muộn, thì hẳn các con phải từ bỏ, không làm điều ấy.
Khi tự các con hiểu rõ rằng:
- Những điều này hợp luân ý;
- Những điều này không bị khiển trách, những điều này được các Bậc Thiện Trí Thức tán dương, nếu thực hiện những điều này sẽ được an vui hạnh phúc, thì hẳn các con phải hành động đúng như vậy.
Những lời dạy này cho chúng ta thấy sự xác tín rất quan trọng; đòi hỏi sự căn nhắc kỹ càng trước khi tin để thực hành. Việc thực hành với niềm tin như thế sẽ mang đến kết quả mỹ mãn, trái lại thực hành không mang lấy một niềm tin gì, điều này chẳng có lợi ích chi. Kinh Hoa Nghiêm dạy:
- Tin là nguồn gốc mẹ công đức, nuôi lớn tất cả các pháp lành, đoạn trừ lưới nghi ra khỏi giòng ái, mở bày đạo vô thượng Niết-Bàn
Để có được niềm tin sáng suốt, chân thật sau đây chúng ta tìm hiểu sơ lược một vài đức tin căn bản mà người Phật tử cần nên có.
A- Tin Đức Phật
Như một con người, thái tử Tất Đạt Đa họ là Cồ Đàm  ra đời năm 624 trước tây lịch cách đây 2646 năm ở Ấn Độ. Vương quốc Ngài, tên Ca Tỳ La Vệ cách thành phố Ba La Nại 100 dặm về hướng đông bắc và khoảng 40 dặm gần núi Hy Mã Lạp Sơn.
Lịch sử này được ghi lại do các nhà khảo cổ Ấn Độ và Tây Phương khám phá ra, cộng với chứng tích lịch sử của trụ đá vua A Dục để lại vào độ thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch.
Truyền thuyết ghi rằng, tuy thái tử sanh ra và lớn lên trong nhung vàng nệm ấm, trong yêu thương, tôn kính. Nhưng Ngài vẫn nhận ra mầm móng đau khổ, lụy phiền của kiếp nhân sinh, mầm móng của sự đổ vỡ, bất toàn trong cảnh màu vàng tráng lệ. Cho đến dịp chứng kiến cảnh thật trong cuộc sống. Nhận thấy con người phải vất vả, lăn lóc, đấu tranh để mưu sinh. Loài cầm thú giành giựt giết hại lẫn nhau vì sự sống. Cảnh đau khổ của Già, Bệnh, Chết và đặc biệt nhất là mục kích hình ảnh vị đạo sĩ mang phong thái đoan nghiêm trầm tĩnh...Những yếu tố đó đã là động cơ chánh làm cho tâm hồn thái tử niềm băn khuăn, thao thức cho bản chất đời sống con người, từ đó đưa đến quyết định cho con đường xuất trần, thoát tục.
Thái tử vượt thành tầm đạo, trải qua sáu năm khổ hạnh. Học đạo và chứng được mọi pháp tu của các đạo sĩ nỗi danh nhất thời bấy giờ. Tuy vậy thái tử vẫn chưa tìm được ánh sáng giác ngộ mà Ngài mong đợi. Cuối cùng bằng sự vận dụng trí lực kiên trì Ngài đã tự mình giác ngộ qua con đường Trung đạo, nghĩa là con đường xa lìa hai cực đoan:
- Buông lung khoái lạc,
- Ép xác khổ hạnh
Và cuối cùng Ngài trở thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Từ đó Ngài được tôn xưng là Phật nghĩa là một người hoàn toàn thức tỉnh, giác ngộ, gột sạch hết mọi phiền não khổ đau...
Sơ lược dòng đời của Đức Phật chúng ta thấy, sự giác ngộ không đến từ bên ngoài; không phải lìa sự nỗ lực tự thân mà tìm cầu được chân lý. Do vậy tất cả là một thực tế sáng tỏ, cho thấy Đức Phật là một con người bình thường như bao người.Và sự kiện Ngài trở thành Phật là kết quả của một cuộc chiến thắng vĩ đại to lớn nhất ở nội tâm.
B- Tin Vào Khả Năng Giác Ngộ
Trong kinh Phạm Võng Phật dạy:
- Các người là Phật sẽ thành. Ta đây là Phật đã thành.
Lời Phật dạy nói lên giáo pháp giải thoát không là của riêng ai. Điều giác ngộ giải thoát này sẵn có trong tâm của mọi người. Xưa kia khi Phật còn là Thái tử, Ngài cũng đã trăn trở, dằn vặt với bao đam mê, giác tỉnh luôn hoành hành trong tâm tư. Nếu sự giác ngộ tự nhiên mà đến thì Ngài không lìa cung điện tìm đạo. Phải chăng điều này cho thấy Ngài đã vất vả mới tìm ra đạo giải thoát.
Con người ngày nay nếu muốn tìm hưởng an lạc thì cũng phải dừng lại mọi phiền não lăng xăng. Phải nỗ lực lướt thắng những đam mê sa đọa và điều cần yếu nhất là phải tin vào khả năng của chính mình.
Giáo lý Đức Phật đã đưa ra phương cách nhận diện khổ và diệt khổ một cách rõ ràng. Sự thật đó được thấy và được trực nghiệm ở ngay hoàn cảnh môi trường chúng ta. Bằng niềm tin Chánh Tín và Tư Duy sáng suốt, chúng ta có thể hành động đúng theo nguyên lý sự thật ngay trong cuộc sống hiện tại mà không phải tìm vào sự ban ơn giáng phước của thế lực thần linh. Trong kinh Pháp Cú có dạy như sau:
- Con người kinh hãi đi tìm nương tựa ở nhiều nơi đồi núi, rừng, vườn, cây cối, và đền miếu, thì sự nương tựa đó không phải là nương tựa an toàn, không phải nương tựa tối thượng, cho nên không thể thoát ra khỏi phiền não.
- Người đi tìm nương tựa nơi Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng Già, có tri kiến chơn chánh để nhận thức Bốn Chân Đê:
- Khổ,
- Nguồn Khổ,
- Vượt Khỏi Khổ,
- Và Tám Chánh Đạo, dẫn đến sự Diệt khổ.
Đó là nương tựa an toàn. Đó quả thật là nương tựa tối thượng. Tìm đến các nương tựa ấy ắt thoát ra khỏi mọi phiền não.
Với niềm tin vào ba ngôi Tam Bảo, và khả năng của chính con người để phá trừ mê tín như vậy. Con người sẽ có được nghị lực tin cậy ở ngay chính bản thân mình trên con đường thoát ly sinh tử, và như thế là niềm tin trong đạo Phật.
C- Tin Giáo Pháp Của Phật
1- Giáo Pháp Xuất Thế Gian
Giáo lý kinh điển của Đức Phật cao rộng, sâu thẳm. Trong đó có đến tám mươi bốn ngàn pháp môn để thỏa mãn mọi căn cơ của chúng sanh mà khai ngộ, để dẫn những người sơ cơ, tùy theo trình độ cao thấp ai ai cũng đều được vào biển giáo pháp.
Tuy rằng theo truyền thống, tập quán, phong tục hình thái, tín ngưỡng mỗi nơi có phần sai biệt, điều này cũng do thích nghi với hoàn cảnh. Tuy nhiên tất cả vẫn mang một sức sống thực và luôn luôn khai phóng luồng ánh sáng trí huệ vào tâm thức con người. Luồng ánh sáng đó là chân lý bất di bất dịch của vạn pháp. Để xác tín cho niềm tin giáo pháp của Phật là chân lý, xin đưa ra giáo pháp căn bản nhất là Bốn Chân Đế. Bốn Chân Đế được xem là phần giáo lý cội gốc của đạo Phật và cũng là tinh ba quan trọng cho mọi người con Phật, không phân biệt Tiểu thừa hay Đại thừa, Thiền Tông, Tịnh Độ.v.v... Hầu hết người Phật tử ít nhiều đều biết qua Bốn Chân Đế. Bốn Chân Đế là bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật. Ngài giảng dạy cho năm anh em tôn giả Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển gần thành Ba La Nại. Bốn Chân Đế là bốn sự thật vi diệu, hay gọi là bốn chân lý vi diệu, đó là:
- Khổ,
- Nguyên Nhân Của Khổ,
- Vượt Khỏi Khổ,
- Và Tám Chánh Đạo, dẫn đến sự Diệt khổ.
a- Khổ
Khổ là một sự thật. Một sự thật hiển nhiên rõ ràng, ai ai cũng thấy biết.
b- Nguyên Nhân Của Khổ
Nguyên nhân của khổ là do tham ái, dục tình. Chính sự luyến ái tham vọng này mà kéo đưa con người mãi trong vòng sanh tử. Việc khát khao ôm giữ tham dục không biết nhàm chán, từ đây sinh ra cái khổ triền miên không dứt.
c- Diệt Trừ Tham Ái & Phiền Não
Biết được nguyên nhân tham dục, luyến ái là khổ. Vậy muốn diệt khổ thì phải chấm dứt mầm mống nguyên nhân này. Cũng như kẻ đau bệnh biết được bệnh phải chữa trị ngay, nếu không dù có rành mạch phân tích biết rõ lý bệnh cũng chẳng ích chi, rồi phải chết trong đau tiếc.
d- Con Đường Đưa Đến Sự Diệt Khổ
Là con đường hướng dẫn chúng ta làm thế nào đi trọn cuộc hành trình dứt lìa tham dục phiền não. Phương pháp thực hành tu tập được Đức Phật dạy qua pháp Trung Đạo, xa lìa hai cực đoan sai lầm: hành xác khổ hạnh và tham đắm khoái lạc. Hai lối sai lầm này được Phật ví như dây đàn căng quá và dùn quá. Đàn có thể nghe được khi mức độ căng dây vừa phải. Con đường trung đạo được biết qua tám pháp gồm có:
1- Hiểu biết chân chánh
2- Suy nghĩ chân chánh
3- Lời nói chân chánh
4- Hành động chân chánh
5- Sinh hoạt chân chánh
6- Cố gắng siêng năng chân chánh
7- Ký ức chân chánh
8- Định tâm, tập trung chân chánh
Trong tám pháp đây được chia ra làm ba môn lậu học mà người tu Phật phải xem là điều tối cần không thể lìa bỏ, đó là: Giới, Định, Huệ.
- Các phần Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng thuộc về Giới.
- Các phần Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định thuộc về Định.
- Và phần Chánh Kiến, Chánh Tư Duy thuộc về Huệ.
Nền tảng của Giới, Định, Huệ là căn bản cho con đường giải thoát. Bởi Giới là điều kiện ngăn chặn nghiệp ác, tăng trưởng nghiệp lành của ba nghiệp Thân Khẩu Ý. Định là định lực tập trung thanh lọc tư tưởng, và Huệ là trí huệ thanh tịnh sáng suốt phát sinh ngay khi đó, sau khi Giới và Định lưu thông. Như thế Đạo Đế là chân lý rốt ráo trong việc giải quyết sinh tử.
2- Tin Vào Giáo Pháp Thế Gian
Như chúng ta đã biết, lời dạy của Đức Phật được ghi chép thành: Kinh Luật và Luận đó chính là giáo pháp được lưu hành trong thế gian. Là người Phật tử, nếu chỉ tin tưởng tư cách sáng chói của Đức Phật, tin tưởng vào sự Giác ngộ của Đức Phật, tin tưởng vào giáo pháp siêu tuyệt của Đức Phật, mà không hành trì lời dạy của Đức Phât thì cũng chưa có thể gọi là thuần thành và thành tựu sự nghiệp tu học. Được gọi là người Phật tử thuần thành, ngoài việc tin tưởng tư cách sáng chói của Đức Phật, tin tưởng vào sự Giác ngộ của Đức Phật, tin tưởng vào giáo pháp siêu tuyệt của Đức Phật, chúng ta còn phải hành trì lời Phật dạy, hay còn gọi là giáo pháp thế gian trong cuộc sống hằng ngày. Nghĩa là trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải tụng kinh, trì chú và niệm Phật, thiền tọa và kinh hành. Hơn nữa nếu không có sự hành trì, thì khó có thể viên dung cả Sự và Lý, khó thành tựu đạo nghiệp, khó có thể tiến được trên đường Ðạo. Bởi vậy, tụng Kinh, niệm Phật, thiền tọa và kinh hành là những điểm căn bản tối thiểu mà một Phật tử thuần thành, là hành trang Trên Đường Về Phương Tây không thể thiếu, không thể bỏ qua phương diện hành trì.
a- Tụng Kinh:
Tụng là đọc thành tiếng một cách có âm diệu và thành kính. Tụng kinh là đọc một cách thành kính những lời Ðức Phật đã dạy trong kinh điển, hợp với chân lý và căn cơ của chúng sanh.
Chúng ta sống trong cõi Dục Giới, cho nên lòng dục vọng của chúng ta không bao giờ ngừng nghỉ, cho đến trong giấc ngủ, cũng còn chiêm bao cãi lẩy, cười khóc, vui buồn như lúc thức. Trong cảnh mê mờ đầy dục vọng ấy, có Ðức Phật vì đã thương xót chúng sanh mà truyền dạy những lời vàng ngọc, có thể phá tan màng mây u ám của vô minh và tội lỗi. Nhưng những lời lẽ cao siêu ấy, chúng ta nghe qua một lần, hai lần cũng không thể hiểu thấu và nhớ hết được. Cho nên chúng ta cần phải đọc đi đọc lại mãi, để cho lý nghĩa thâm huyền được tỏa ra, và ghi khắc trong thâm tâm của chúng ta, không bao giờ quên được. Ðó là lý do khiến chúng ta phải tụng kinh.
Các kinh thường tụng. Phàm là kinh Phật thì bộ nào tụng cũng được cả, vì kinh nào cũng có công năng thù thắng là phá trừ mê mờ, khai mở tâm trí sáng suốt cho chúng sanh, nếu chúng ta chí thành đọc tụng. Nhưng vì căn cơ của chúng ta cao thấp khác nhau, cho nên chúng ta phải lựa những bộ kinh nào thích hợp với căn cơ và sở nguyện của chúng ta mà đọc tụng.
Thông thường, các Phật tử Việt Nam, từ xuất gia cho đến tại gia đều trì tụng những kinh như: Kinh Di Ðà, Sám Nguyện Hồng Danh, Kinh Vu Lan, Kinh Phổ Môn, Kinh Dược Sư, Kinh Ðịa Tạng, Kinh Kim Cang, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa v.v...
Nhiều người có quan niệm, chọn bộ kinh cho thích hợp với mỗi hoàn cảnh, mỗi trường hợp để tụng, như lúc:
- Cầu siêu thì tụng kinh Di Ðà, Kinh Ðịa Tạng, Kinh Vu Lan ...v..v...
- Cầu an thì tụng kinh Phổ Môn, Kinh Dược Sư v.v...;
- Cầu tiêu tai giải bịnh thì tụng kinh Kim Cang, Lăng Nghiêm ..v...v...;
- Cầu sám hối thì tụng Sám Nguyện Hồng Danh, Ngũ Bách Danh, Kinh Vạn Phật, Thuỷ Sám....
Quan niệm lựa chọn như thế cũng có phần hay là làm cho tâm chuyên nhất sẽ được hiệu nghiệm hơn. Nhưng chúng ta không nên quên rằng về mặt giáo lý cũng như về mặt công đức, bất luận một bộ kinh nào, nếu chí tâm trì tụng, thì kết quả cũng đều mỹ mãn như nhau cả.
b- Trì Chú:
Trì là nắm giữ một cách chắc chắn. Chú là lời bí mật của Chư Phật mà chỉ có Chư Phật mới hiểu được, chứ các hàng Bồ Tát cũng không hiểu thấu. Các bài chú đều có oai thần và công đức không thể nghĩ bàn, dứt trừ được nghiệp chướng, tiêu tai giải nạn và tăng trưởng phước huệ, nên cũng gọi là thần chú.
Chú có công năng phi thường, nếu người thành tâm trì chú, thì được nhiều hiệu lực không thể tưởng tượng. Chẳng hạn thần chú:
- Bạc Nhứt Thế Nghiệp Chướng Căn Bổn Đắc Sinh Tịnh Độ Ðà La Ni có hiệu lực tiêu trừ được hết gốc rễ nghiệp chướng, làm cho người được vãng sanh về Tịnh độ.
- Tiêu Tai Kiết Tường có hiệu lực làm cho tiêu trừ các hoạn nạn, tai chướng, được gặp những điều lành.
- Thần chú Lăng Nghiêm thì phá trừ được những ma chướng và nghiệp báo nặng nề ..v...v...
- Thần chú Chuẩn Ðề trừ tà, diệt quỷ.
- Thần chú Thất Phật Diệt Tội có công năng tiêu trừ tội chướng của chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp v.v...
Vì có công năng như thế cho nên chúng ta phải trì chú.
Các chú thường trì. Ở chùa, chư Tăng hằng ngày, trong thời khóa tụng khuya, thường tụng thần chú Lăng Nghiêm, Ðại Bi, Thập chú hay Ngũ Bộ chú .. v..v... Còn ở nhà, phần nhiều cư sĩ trì chú Ðại Bi và Thập chú, bỡi hai lẽ:
- Một là thời giờ ít ỏi, vì còn phải lo sinh sống cho gia đình;
- Hai là chú Lăng Nghiêm đã dài, lại thêm chữ âm vận, trắc trở khó đọc, khó thuộc.
Nhưng nếu cư sĩ nào có thể học hết các thần chú, trì tụng được như chư Tăng thì càng tốt.
c- Niệm Phật:
Niệm là tưởng nhớ. Niêm Phật là tưởng nhớ danh hiệu Phật, hình dung Phật và đức hạnh của Phật, để luôn luôn cố gắng noi theo bước chân Ngài.
Tâm chúng ta bị vô minh làm mờ đục, chẳng khác gì nước bị bùn nhơ làm ngầu đục. Muốn cho nước đục kia hóa ra trong, không có phương pháp nào hay hơn là gia một chút phèn vào, thì các chất dơ bẩn ngầu đục kia dần dần lắng xuống, bấy giờ nước đục trở nên trong sạch. Phương pháp niệm Phật cũng vậy, có công năng trừ phá các vọng niệm đen tối ở nơi tâm của chúng ta, làm cho tâm mê muội, mờ ám trở nên sáng suốt, chẳng khác gì chất phèn làm cho nước trở nên trong vậy.
Niệm Phật sẽ làm cho tâm mê muội trở nên trong sáng, lý do rất dễ hiểu, bởi vì tâm chúng ta rất điên đảo, không bao giờ dừng nghỉ. Do vậy mà trong Kinh thường nói:
- Tâm viên, ý mã,
Nghĩa là:
- Tâm lăng xăng như con vượn nhảy từ cành nầy qua cành khác, và ý như con ngựa chạy lung tung luôn ngày suốt buổi.
Như vậy muốn làm cho tâm ý của chúng ta đừng nghĩ xằng bậy, chỉ có một cách là bắt nó nghĩ những điều tốt lành, hay đẹp. Niệm Phật chính là nhớ nghĩ đến những việc làm hoàn toàn tốt đẹp, những hành động trong sáng, những đức tánh thuần lương. Càng niệm Phật nhiều chừng nào, thì ít niệm ma chừng ấy. Ma ở đây là tất cả những gì xấu xa đen tối, làm hại mình hại người. Vì thế chúng ta nên luôn luôn niệm Phật.
Về các danh hiệu của chư Phật, như chúng ta đã biết, bất cứ Ðức Phật nào cũng đủ cả 10 hiệu, đồng một tâm toàn giác, từ bi vô lượng, phước trí vô biên, thương chúng sanh vô cùng vô tận, cho nên chúng ta chỉ niệm danh hiệu một Ðức Phật nào, cũng đều được cảm ứng đến tất cả Chư Phật, công đức cũng đều vô lượng vô biên tương tự như nhau.
Nhưng đứng về phương diện trình độ và hoàn cảnh mà luận, thì hiện nay, chúng ta là người ở thế giới Ta Bà, nhằm quốc độ của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa, lẽ cố nhiên chúnng ta phải niệm danh hiệu của Ngài. Nhưng nếu chúng ta là người thực hành pháp môn Thiền Tịnh Song Tu thì thường ngày chúng ta phải niệm danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà, hoặc là trì chú, thiền tọa và kinh hành. Pháp môn này được thành lập do lời dạy sau đây của Ðức Phật Thích Ca:
- Ở cõi thế giới Ta Bà này, đến thời kỳ mạc pháp, cách Phật lâu xa, chỉ có pháp Trì Danh Niệm Phật, cầu vãng sanh về Tây phương cực lạc là quốc độ của Ðức Phật A Di Ðà, thì dễ tu dễ chứng hơn hết
Ngoài ra, cũng có người niệm danh hiệu Ðức Phật Di Lặc, để cầu sanh về cõi trời Ðâu Xuất; hoặc niệm danh hiệu Ðức Phật Dược Sư, để cầu cho khỏi tật bịnh. Như vậy, chúng ta có thể niệm đủ các danh hiệu, tùy theo từng quan niệm của mỗi người, như có người quan niệm:
- Niệm Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, là niệm Ðức Phật hiện tại, cũng là Ðức Phật Giáo chủ của chúng ta.
- Niệm Ðức Phật A Di Ðà, là niệm Ðức Phật đã thành từ quá khứ xa xưa, mà cũng là Ðức Phật tiếp dẫn chúng ta về Cực Lạc.
- Niệm Ðức Phật Di Lặc, là niệm Ðức Phật vị lai.
D- Niềm Tin Tuyệt Đối
Niềm tin tuyệt đối của chúng ta là thấy được cái diệu dụng của sự: Tụng Kinh, Trì Chú, Niệm Phật
1- Diệu Dụng Của Sự Tụng Kinh.
Những lời giáo hóa trong ba tạng kinh điển của Phật, đều toàn là những lời hiền lành, sáng suốt do lòng từ bi và trí tuệ siêu phàm của Phật nói ra. Kinh Phật, vì thế, có phần siêu việt hơn tất cả những lời lẽ của thế gian. Nếu chúng ta chí tâm trì tụng, chắc chắn sẽ được nhiều lợi ích cho mình, cho gia đình và những người chung quanh:
a- Cho Mình:
Lúc tụng niệm, chúng ta đem hết tâm trí chí thành đặt vào văn kinh để khỏi sơ xuất, cho nên sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không còn mống lên mười điều ác nữa, mà chỉ ghi nhớ những lời hay, lễ phải.
b- Cho Gia Đình:
Trước khi sắp sửa tụng kinh, những người trong nhà đều dứt các câu chuyện ngoài đời và khách hàng xóm đến ngồi lê đôi mách cũng tự giải tán. Trong gia đình nhờ thế được thanh tịnh, trang nghiêm, hòa thuận.
c- Cho Những Người chung Quanh:
Trong những lúc đêm thanh canh vắng, lời tụng kinh trầm bỗng theo với tiềng mõ nhịp đều, tiếng chuông ngân nga, có thể đánh thức người đời ra khỏi giấc mê, đưa lọt vào tai kẻ lạc lối những ý nghĩa thâm huyền, những lời khuyên dạy bổ ích, chứa đựng trong kinh mà chúng ta đang tụng.
Như vậy rõ ràng tụng kinh không những có lợi ích cho mình, cho gia đình, mà còn cho những người chung quanh nữa. Ðó là mới nói những điều ích lợi thông thường có thể thấy được, ngoài ra tụng kinh còn có những điều lợi ích, linh nghiệm lạ thường, không thể giải thích được, ai tụng sẽ tự chứng nghiệm mà thôi.
2- Diệu Dụng Của Sự Trì Chú.
Các thần chú tuy không thể giải nghĩa ra được, nhưng người chí tâm thọ trì, sẽ được công hiệu thật là kỳ diệu, khó có thể nghĩ bàn, như người uống nước ấm, lạnh thì tự biết lấy. Có thể nói:
- Một câu thần chú, thâu gồm hết một bộ kinh.
Vì vậy, hiệu lực của các thần chú rất phi thường. Khi gặp tai nạn, nếu thực tâm trì chú, thì mau được giải nguy. Như thuở xưa, Ngài A Nan mắc nạn, Ðức Phật liền nói thần chú Lăng Nghiêm, sai ngài Văn Thù Sư Lợi đến cứu, thì Ngài A Nan liền được thoát nguy.
3- Diệu Dụng Của Sự Niệm Phật.
Niệm Phật công đức lại còn to lớn hơn nữa, vì một câu niệm Phật có thể gồm thâu cả 3 tạng kinh điển, hết thảy thần chú, cùng là các pháp viên đốn, như tham thiền, quán tưởng.. v.v...
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy rằng:
- Sau khi Phật nhập diệt, về thời kỳ mạt pháp, đến kiếp hoại, các kinh sẽ bị tiêu diệt hết, chỉ còn kinh Di Ðà lưu truyền lại độ trăm năm rồi cũng diệt luôn. Lúc bấy giờ chỉ còn một câu niệm Phật gồm 6 chữ: Nam mô A-Di-Ðà Phật, mà đủ năng lực đưa chúng sanh về cõi Cực-Lạc.
Lời Phật nói không sai, bằng chứng là có nhiều nhân vật chuyên trì một câu niệm Phật, mà biết được ngày giờ và thấy được điềm lành trước khi vãng sanh. Như Tổ Huệ Viễn, trong 10 năm niệm Phật, 3 lần thấy Ðức Di Ðà rờ đầu; trong hội Liên xã, có 123 người chuyên tu phép Trì danh niệm Phật, đều lần lược được Phật rước về cõi Tịnh Ðộ.
E- Kết Luận
Nói tóm lại, một trong những hành trang chúng ta phải chuẩn bị trong chuyến Hành Trình Về Phương Tây, ngoài việc, chúng ta tin, phát nguyện, hành trì, mở rộng tâm lượng, phát tâm Bồ Đề, người Phật Tử chúng ta còn phải:
- Tụng kinh
- Niệm Phật
- Trì Chú
- Thiền Tọa
- Kinh hành
Tụng kinh, trì chú, niệm Phật, thiền tọa, kinh hành là phương pháp tu hành gồm đủ cả Sự và Lý viên dung, cho nên dù tại gia hay xuất gia, dù Tiểu Thừa hay Ðại Thừa, tiêu cực hay tích cực, ai ai cũng có thể thực hành phương pháp nầy được. Bởi thế, chúng ta cần phải học tụng kinh, niệm Phật và trì chú, thiền tọa, kinh hành cho Sự, Lý đi đôi, lời nói và việc làm phù hợp, mới có được kết quả tốt đẹp.
Các pháp môn tụng kinh, trì chú, niệm Phật, thiền tọa kinh hành, tuy không đồng mà kết quả đều thù thắng. Phật tử có thể tùy theo trình độ, hoàn cảnh của mình mà tu một, hai hay cả ba pháp ấy. Thí dụ như người biết chữ và mạnh khoẻ, công ăn việc làm hằng ngày không bận rộn lắm, thì nên tụng kinh, trì chú, niệm Phật, thiền tọa, kinh hành đủ các pháp môn. Còn người tuổi già, sức yếu, mắt mờ, răng rụng, miệng lưỡi phều phào, thân thể mỏi mệt, nếu tụng kinh, trì chú không nổi, thì phải chuyên tâm niệm Phật, đi đứng nằm ngồi, lúc nào cũng phải niệm Phật. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, khi miệng tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tay gõ mõ, đánh chuông, lần chuỗi, thì tâm trí phải gột rửa hết tất cả những ý nghĩ bất chính, những ham muốn đê hèn, và đồng thời thay thế vào đó hình ảnh của Ðấng Từ Bi. Rồi phải noi gương Ngài, mở lòng thương rộng lớn, nghĩ đến nỗi thống khổ của muôn loài và phát nguyện đem sức mình ra, ban vui cứu khổ cho tất cả. Ðến khi thôi tụng niệm, trở lại tiếp xúc việc đời, thì phải làm thế nào cho những hành động của mình cũng được từ bi như tư tưởng và lời nói của mình. Làm được như vậy thì chúng ta đã chuẩn bị chu đáo hành trang của chúng ta trong chuyến Hành Trình Về Phương Tây, chắc chắn chúng ta sẽ được chứng qủa Thánh không sai.
-- o0o --