Niềm Vui Tự Ðến
Quảng Phát
--o0o--
 
Tâm lý của con người thường khi khó mà kiểm soát. Khi nghèo đói, khi chưa ai biết đến mình thì những liên hệ giữa bạn bè, họ hàng, gần như trọn vẹn. Nhưng khi chúng ta trở nên là một con người khả kính và khuôn mẫu, có thể bắt đầu chia xẻ những kinh nghiệm thành đạt, trình bày một hướng đi nào đó một cách rõ ràng và mạch lạc, và gieo vào lòng mọi người một ít lòng tin, thì cũng chính là lúc con người dễ thương dễ mến thuỡ hàn vi đó cũng biến mất. Thay thế vào đó là con người của địa vị danh lợi, và lúc bấy giờ rất có thể lợi lộc và quà tặng sẽ đến với chúng ta thật nhiều. Rồi từ đó chúng ta có thể tự thổi phồng hoặc những người nào đó vì quá tôn sùng cho nên họ có thể đồn chúng ta là người đã đắc đạo.
            Vào lúc nầy chúng ta rất dễ bị danh lợi cám dỗ. Những lời tán dương, những cử chỉ khúm núm kính trọng của mọi người đối với chúng ta sẽ làm cho chúng ta thoải mái dễ chịu và khó quên. Rồi từ đó rất có thể chúng ta bắt đầu tìm cách để nhận được quà tặng, lợi lộc nhiều hơn và quý hơn ở những người có lòng ngưỡng mộ và cung kính chúng ta một cách kín đáo, tinh tế hay công khai lộ liễu.
Cũng rất có thể chúng ta tự hào rằng mình đã nổi danh xứng đáng được người ta kính trọng, và mình thực sự cao cả hơn người khác.
Nếu thật sự có tâm như vậy, thì tham vọng bất chánh có thể nhiều hơn sự giúp đỡ, dạy dỗ hay chia xẻ những kinh nghiệm mà mình có được trong lúc tu tập.
Có thể chúng ta thật sự mong muốn chia xẻ cho người khác những thành quả mà chúng ta đã gặt hái được trong lúc tu tập, nhưng những chia sẽ có tính cách vị tha nầy bị lấn át bởi tâm trí mê muội, tính tự kiêu và lòng ước muốn được đền bù xứng đáng những gì mình đã bỏ ra.
            Những yếu tố làm cho tâm trí con người mờ tối:
            - Vật chất và lợi lộc quà tặng hay lễ vật từ những người có lòng ngưỡng mộ chúng ta.
            - Lời tán dương và lòng kính trọng của những người ngưỡng mộ chúng ta
            - Danh thơm tiếng tốt.
            Nếu chúng ta tu tập chỉ với mục đích muốn được lợi lộc tán dương hay để nổi tiếng thì chúng ta sẽ không tiến bộ chút nào.
Chúng ta sẽ gặt hái được nhiều lợi ích nếu chúng ta thường xuyên thẩm xét lại động cơ thúc đẩy việc tu tập của mình.
Nếu chúng ta thật sự chân thành, thanh tịnh trong việc tu tập, nhưng về sau lại đầu hàng kẻ thù là tham ái về lợi lộc thì chúng ta sẽ trở thành say sưa và chểnh mãng. Một người say sưa chểnh mãng sẽ có một cuộc sống đầy bất an và đau khổ. Vì say sưa, thoả mãn với lợi lộc nhỏ nhoi nên chúng ta bị quên mất mục đích của việc tu tập. Chúng ta sẽ bị các pháp không lương thiện chi phối khiến có lời nói và hành động sai lầm, do đó việc tu tập của chúng ta sẽ bị thụt lùi.
            Chúng ta tin rằng đoạn đường đi của chúng ta phải có lúc đến nơi đến chốn, mục đích mà chúng ta cần phải đạt được. Nói như thế có nghĩa là đau khổ phải có chỗ chấm dứt, và chúng ta có thể đạt đươc mục tiêu là châm dứt khổ đau nhờ sự tu tập. Ðó là động cơ chân thật, chính đáng giúp ta tránh khỏi lòng tham lam, ham muốn được lợi lộc và danh tiếng thế gian, nhưng nếu chúng ta không khéo chạy theo lợi danh tình ái, thì chắc chắn cuối cùng sẽ trở thành một chúng sanh, một con người, có đời sống thì phải chịu nhiều đau khổ vì sanh tử.
Là một con người trong cõi đời trần lụy nầy, tiến trình sinh ra là nghiệp lực, để chịu một đau đớn khốn cùng, và cái chết thì sẵn sàng chờ đón qua các giai đoạn sanh tử tiêu biểu như:
- Ðau ốm, bệnh tật, tai nạn,
- Tuổi già.
Ngoài ra còn có những khổ tâm khác:
- Không đạt được những gì ta thích thì buồn rầu, và cảm thấy mất mát.
- Không được gần gủi với người ta thương, mà phải gần gủi với những người ta không ưa thích thì chúng ta cũng cảm thấy chán nản.....
Muốn tránh khỏi những đau khổ nầy, chúng ta phải tu tập, thực hành giáo pháp con đường dẫn tới chấm dứt khổ đau.
Một số chúng ta tu tập, bỏ lại sau lưng mọi hoạt động thế tục như:
- Việc làm,
- Viêc học,
- Trách nhiệm xã hội,
- Và những lạc thú thế gian khác ....
Có một quyết tâm như vậy, bởi vì chúng ta tin rằng đau khổ sẽ đi đến chỗ chấm dứt. Ðây là một hành động hết sức được ca ngợi và cũng cần những tâm hồn cương nghị lựa chọn như vậy. Nhưng nếu vì gia duyên chưa thể rũ áo ra đi thì chúng ta phải biết rằng:
- Không phải chỉ có tham dự những khoá thiền chúng ta mới có thể tu học được, mà chúng ta có thể hành thiền bất cứ lúc nào nếu chúng ta cố gắng muốn loại trừ lòng tham muốn. Khi chúng ta ngồi thiền một nơi nào đó, chẳng hạn ở góc phòng sách, thì chúng ta cũng được gọi là người viễn ly thế gian để diệt trừ phiền não.
            Tại sao chúng ta lại muốn diệt trừ phiền não?
Nhiều người cứ lầm tưởng là một cá nhân nào đó, một đoàn thể, một đảng phái tạp nhạp nào đó họ chưởi mình, họ lên án mình, thì những cá nhân đó, đoàn thể đó, đảng phái đó là kẻ thù của mình. Không phải như vậy, đã là người tu học thì chúng ta phải biết, những cá nhân, đoàn thể, và đảng phái mà ghét chúng ta đó chính là người ơn của chúng ta, vì nhờ họ mà chúng ta tự sách tấn, gìn giữ tâm hạnh của chúng ta nhiều hơn. Vì thế họ chính là những ơn của chúng ta chứ không phải là kẻ thù. Nếu có dịp nói những lời cảm ơn với họ, chúng ta nên tạ ơn một cách long trọng.
Kẻ thù những người tu chúng ta chính là những thế lực vô minh tham vọng, là phiền não, là một kẻ thù nguy hiểm nhất. Nó hành hạ, áp chế những ai nhẹ dạ chạy theo danh lợi, bị lôi cuốn trong quỹ đạo của nó, nằm trong quyền lực, chi phối của nó, như trong Cung Oán Ngâm Khúc, cụ Ôn Như Hầu có nói:
- Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Bụi phong trần nắng nám mùi râu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê
Múi tục lụy lưỡi tê tân khổ
Đường thế đồ gót rõ khi khu
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh....
Quả thật là như vậy, khi một con người dính mắc vào vòng danh lợi thì nó như một ngọn lửa nóng đốt cháy thịt da, tim gan, hành hạ chúng ta đủ điều. Khi phiền não bừng dậy trong người nào, nó sẽ đốt cháy, hành hạ, hũy hoại thân thể của người đó một cách khủng khiếp. Có ba loại phiền não:
a- Phiền Não Tác Động,
Phiền não tác động là loại phiền não xuất hiện khi ta không giữ giới căn bản như sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, uống rượu và các chất say.
b- Phiền Não Tư Tưởng,
            Phiền não tư tưởng là loại phiền não rất tế nhị. Một người không hay nói điều bất thiện, không phạm năm giới, nhưng tâm vẫn bị ám ảnh muốn giết muốn hủy hoại, muốn làm hại cơ thể chúng sanh khác, muốn tước đoạt, lừa dối kẻ khác để làm chủ vật mà mình ưa thích. Khi chúng ta bị phiền não nầy chi phối sẽ thấy rõ thế nào là đau khổ và đau khổ đã hành hạ chúng ta như thế nào. Một người không kiểm soát được phiền não tư tưởng thì luôn luôn lúc nào cũng có khuynh hướng làm hại mọi người bằng cách nầy hay cách khác.
c- Phiền Não Ngủ Ngầm.
            Phiền não ngủ ngầm là loại phiền não không xuất hiện ra ngoài. Nó nằm ẩn bên trong chờ đợi cơ hội nhảy ra ngoài.
            Áp dụng vào trong con người của chúng ta để hình dung ba loại phiền não thì chúng ta thấy:
- Phiền não ngủ ngầm chẳng khác nào người đang nằm ngủ say.
- Khi thức giấc, tâm của người nầy bắt đầu lay dộng. Ðó là phiền não tư tưởng khởi sanh.
- Khi người nầy ngồi dậy và bắt đầu làm việc là lúc đang từ phiền não tư tưởng chuyển sang phiền não tác động.
            Ba loại phiền não nầy cũng giống như một người cầm diêm quẹt và sơ ý gây ra cháy rừng:
- Que diêm là phiền não ngầm.
- Lửa phát sanh khi diêm quẹt quẹt vào hộp là phiền não tư tưởng.
- Cháy rừng là phiền não tác động.
            Chúng ta biết danh lợi là một thứ phiền não, và cũng là những kẻ thù nguy hiểm, vì thế chúng ta cần phải tiêu diệt tâm tham đắm danh lợi.
            Vậy thì chúng ta phải tiêu diệt bằng cách nào?
Nếu chúng ta thật tâm thực hành Giới, Ðịnh Huệ, thì chúng ta có thể chế ngự, dập tắt, và loại trừ tất cả ba loại phiền não.
- Giữ giới là loại bỏ phiền não tác động.
- Thực hành thiền định là chế ngự phiền não tư tưởng,
- Hành thiền minh sát sẽ nhổ tận gốc rễ phiền não ngủ ngầm.
Chính phiền não ngủ ngầm là gốc rễ của hai loại phiền não tư tưởng và phiền não tác động. Khi chúng ta thực hành giới định, huệ, chúng ta sẽ được những loại hạnh phúc mới.
            Thực hành giới thì sự thích thú vào ngũ dục như:
- Tài
- Sắc
- Danh
- Ăn
- Ngủ
Tất cả năm món nầy gọi là năm món tham cầu sẽ được thay thế bằng sự an lạc được tạo bởi giới hạnh thanh tịnh. Nhờ phiền não không có, người giữ giới hạnh thanh tịnh sẽ có một cuộc sống tương đối trong sạch hạnh phúc.
Chúng ta thực hành giới bằng cách giữ năm giới căn bản hay những giới quy định trong phần giới của Bát Chánh Ðạo:
- Chánh Ngữ
- Chánh Nghiệp,
- Chánh Mạng...
Tất cả điều nầy đặt căn bản ở điểm không làm hại người khác và không làm hại chính mình.
            Chúng ta có thể nghi ngờ, không biết trên thế gian nầy có ai thực sự giữ giới trong sạch không?
Câu trả lời là:
- Chăc chắn có người giữ giới trong sạch.
Trong những khoá tu tập, quý vị rất dễ dàng giữ giới trong sạch vì quý vị sống trong một môi trường thích hợp cho sự giữ giới. Nhiều người tiến xa hơn trong việc giữ ngũ giới. Họ giữ tám giới.
Ðối với chúng xuất gia các vị Tỳ Kheo, hay Tỳ Kheo Ni, phải giữ giới nhiều hơn nữa.
Trong khi đến Chùa, thiền viện để tu tập, chúng ta có thể đạt được những thành quả lớn lao nhờ sự cố gắng của chính chúng ta. Những việc chúng ta thấy khó khăn trước đây như giữ giới luật, khép mình vào kỷ luật thanh lọc tâm ..v..v... đều trở thành dễ dàng. Giữ giới chỉ là bước đầu. Khi ta muốn loại trừ thêm các phiền não cần phải luyện tâm thanh tịnh.
Loại phiền não thứ hai, phiền não tư tưởng sẽ được loại trừ nhờ thiền định, hay thực hành phần định trong Bát Chánh Ðạo:
- Chánh Tinh Tấn,
- Chánh Niệm,
- Chánh Ðịnh.
Sự tinh tấn liên tục và kiên trì rất cần thiết. Muốn ghi nhận các hiện tượng xảy ra trong từng giây phút một không để loạn tâm chi phối, đòi hỏi phải có một sự tinh tấn liên tục và kiên trì. Trong đời sống thường nhật, rất khó duy trì tinh tấn liên tục và tinh tấn kiên trì. Bởi vậy, thời gian ở thiền viện, là thời gian thuận lợi nhất, quý vị cần nên tận dụng thời gian nầy để luyện tâm.
            Nhờ liên tục tinh tấn, chánh niệm, và định tâm trong từng giây phút một, chúng ta sẽ chế ngự được phiền não tư tưởng, tâm không còn tán loạn mà an trụ trên đề mục. Lúc bấy giờ các phiền não không dấy lên được, và tâm đạt được trạng thái tịnh lạc, thanh tịnh, tĩnh lặng, có được nhờ phiền não đã bị chế ngự. Tâm không còn bị sân hận tham ái giao động chi phối.
Khi có được hạnh phúc tuyệt diệu nầy, chúng ta sẽ thấy tất cả mọi lạc thú của cuộc đời do: tài, sắc, danh, ăn ngủ đem lại đều thấp kém. Chúng ta sẽ thấy tịnh lạc là hạnh phúc siêu việt hơn cả, cho nên sẳn sàng vất bỏ sang một bên, mọi lạc thú thế tục mà chúng ta đã ham muốn, và chấp giữ trước đây. Nhưng đạt được tịnh lạc như thế nầy, chúng ta cũng đừng tự mãn và xem đây là mục tiêu cuối cùng. Bởi vì còn có một loại hạnh phúc nữa cao hơn tịnh lạc. Ðó là trí tuệ. Vậy hãy tiến thêm một bước nữa để thực hành trí tuệ. Thực hành để phát triển trí tuệ là thiền minh sát. Những tuệ giác do thiền minh sát đem lại có thể loại bỏ tạm thời hay vĩnh viễn, các phiền não ngủ ngầm. Khi chánh niệm được phát triển hài hoà với tinh tấn, đức tin, chánh định và trí tuệ, thì chúng ta bắt đầu trực nhận được bản chất của thân và tâm. Thế là nhóm trí tuệ trong Bát Chánh Ðạo là: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy bắt đầu phát triển, và dần dần tâm tiến đến các tuệ giác cao hơn.
Tuệ Giác phát triển thì phiền não ngủ ngầm càng bị yếu đi, và tàn lụi dần. Nếu chúng ta kiên trì hành thiền thì trí tuệ, sẽ phát triển lớn mạnh hơn cho đến lúc đạt đạo quả. Lúc bấy giờ, các phiền não ngũ ngầm hoàn toàn bị tiêu diệt.
            Nói tóm lại, nếu chúng ta kiên trì thực hành mà không cần tính toán thì những danh vọng, lợi lộc, cũng như sự kính trọng và tiếng thơm sẽ tự động đến với chúng ta. Lúc bấy giờ, chúng ta cũng không nên dính mắt vào chúng, vì chúng quá nhỏ nhoi so với kết quả cao quý mà chúng ta đã đạt được qua nỗ lực tu tập của mình. Do vậy dù thực tâm không nghĩ đến lợi lộc và danh thơm nhưng tự nó đến một cách tự nhiên. Khi chúng ta biết được lý lẽ nầy như vậy thì chúng ta phải biết cách xữ dụng lợi lộc và tiếng thơm một cách thích hợp, đồng thời tiếp tục hành thiền cho đến khi rời bỏ thân giả tạm nầy.
 
Tài Liệu Tham Khảo
            - Phật Học Phổ Thông
            - Kinh Duy Ma Cật
            - Kinh Pháp Bảo Ðàn
            - Duy Thức Học
            - Cung Óan Ngâm Khúc
            - Pháp Thiền Hành Trong Phật Giáo
-- o0o --