Sự Giao Lưu Văn Hóa
Giữa Đông & Tây
Tác Giả: Daisaku Ikeda
Dịch Giả: Trần Đức Phi Bằng
--o0o--
 
I- Ðiểm Ngoặc Trong Sự Liên Hệ Giữa Đông & Tây
Chính vào thời đại vua A Dục (Ashoka) mà Ðạo Phật lần đầu tiên được truyền bá ra ngoài lãnh thổ Ấn Ðộ và gieo ảnh hưởng lên các nền văn hóa khác. Nhưng mãi đến thế kỷ thứ nhứt sau Tây lịch, quá trình phát triển nầy mới hoàn thành, có nghĩa là sau khi Phật nhập diệt năm trăm năm.
Nên nhắc lại lý thuyết về ba giai đoạn của Giáo Pháp Phật Ðà. Theo lý thuyết, chính yếu là theo Ðại Thừa, tiếp theo sau khi Phật nhập diệt là thời kỳ Chánh Pháp, thời kỳ kế tiếp là Tượng Pháp và cuối cùng là Mạt Pháp. Như được gọi, lý thuyết nầy đặt nền tảng trên quan điểm rằng sự hiểu và thực hành Giáo Pháp của Ðức Phật dần dần suy thoái cho đến khi hoàn toàn biến mất. Có những ý kiến khác nhau về thời gian kéo dài của hai giai đoạn đầu, nhưng ý kiến chung là giai đoạn thứ nhứt kéo dài năm trăm năm. Nói một cách khác, sau khi Ðức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt năm trăm năm, sự hiểu đúng đắn về Giáo Pháp của Ngài bắt đầu suy thoái.
Nghiên cứu một cách sâu xa, ta thấy dường như khởi đầu của lý thuyết về các thời kỳ Giáo Pháp là giai đoạn Chánh Pháp kéo dài năm mươi năm. Trong thời gian nầy, những vị sa môn, những đệ tử trực tiếp nghe giáo lý từ chính Ðức Phật, từng vị một rời khỏi thế gian, Ðạo Phật bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới, và Giáo Ðoàn đối diện với sự khủng hoảng đầu tiên. Chúng ta có thể giả thiết rằng Ðức Phật đưa ra quan điểm nầy không phải là một lời tiên tri, nhưng Ngài muốn báo động cho những người đệ tử rằng: sau khi Ngài nhập diệt, họ phải đặc biệt cẩn thận để giáo pháp được truyền bá về sau một cách đúng đắn.
Giáo Ðoàn Phật Giáo đã vượt qua được lần khủng hoảng đầu tiên không gì khó khăn, và từ đó dần dần họ tin tưởng rằng giai đoạn Chánh Pháp không phải là năm mươi năm mà là năm trăm năm. Kinh Milinda Hỏi Ðạo ra đời vào khoảng thế kỷ thứ nhứt Tây lịch, và có đoạn sau đây liên quan đến thời gian của Chánh Pháp. Sau khi Ngài A Nan nài nỉ Phật cho nữ giới gia nhập Tăng Ðoàn, mặc dù Ðức Phật lo ngại về việc nầy, Ðức Phật nói:
- Nầy A Nan, Chánh Pháp đáng lý trụ thế một ngàn năm nếu không có nữ giới gia nhập Tăng Ðoàn. Nhưng nay, nầy A Nan, Chánh Pháp chỉ còn trụ thế năm trăm năm.
Bất cứ người đàn bà nào trong thời buổi hiện đại đều có thể nổi giận vì sự tiên tri nầy, ngay cả khi người đó không phải là người ủng hộ phong trào giải phóng phụ nữ. Nhưng trong thời đại của Ðức Thích Ca Mâu Ni đó là quan điểm chung về nữ giới và ảnh hưởng tác hại của họ.
Lý thuyết cho rằng Chánh Pháp trụ thế năm trăm năm dường như nẩy ra từ cảm giác nguy hiểm và sự khủng hoảng xảy ra từ trong Giáo Ðoàn Phật Giáo vào thời điểm nầy. Giáo hội, tin rằng mình có bổn phận lưu truyền Chánh Pháp đúng đắn cho thế hệ sau, trong thực tế đã phân chia ra thành những nhóm độc quyền. Sự học hỏi Abhidharma (Luận) trở nên ngày càng phức tạp và tiêu phí thì giờ, và tăng sĩ càng ngày càng tách rời khỏi quần chúng. Rõ ràng vì lý do nầy mà Ðại Thừa, với sự nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của người tại gia, phát triển mạnh vào khoảng năm trăm năm sau khi Ðức Phật nhập Niết Bàn.
Tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn về những nguyên nhân đưa đến sự khởi dậy của Ðại Thừa sau. Nhưng trước khi thông qua vấn đề ba giai đoạn của Giáo Pháp, tôi có thể ghi nhận rằng lối giải thích về ba giai đoạn như trên rất thịnh hành ở Nhật, làm cho người Nhật vào thời Heian tin tưởng rằng họ đã bước vào thời kỳ Mạt Pháp. Quan niệm nầy chắc chắn là do tình trạng bất ổn của xã hội lúc đó, và ngược lại nó cũng ảnh hưởng đến thái độ về tôn giáo và cuộc đời. Ở Trung Hoa cũng vậy, quan điểm cho rằng thế giới đã đi vào thời kỳ Mạt Pháp xảy ra trong những lúc đất nước ở vào tình trạng xã hội bất ổn và sa đọa.
Giờ đây tôi muốn thảo luận về những sự giao lưu văn hóa giữa Ấn Ðộ và những nước láng giềng vào thời gian năm trăm năm sau khi Phật nhập diệt. Chúng ta biết rằng, trong thời đại Ashoka vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, các sứ thần đã được gởi đi các nước phương Tây để truyền bá tư tưởng Phật Giáo, và từ đó trở đi, Ấn Ðộ đã giữ sự trao đổi văn hóa với các nước nầy một cách tương đối tích cực. Ðể tìm hiểu những bước làm cho Phật Giáo trở nên một tôn giáo chính trên thế giới, chúng ta rất cần lưu ý đến những sự trao đổi văn hóa giữa Ðông và Tây nầy.
Kinh Milinda Hỏi Ðạo (Na Tiên Tỳ Kheo)cho ta một điển hình về hình ảnh của tư tưởng Phật Giáo vào thế giới La Mã. Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng ảnh hưởng cũng còn đi theo chiều ngược lại, là Tây phương cũng đã ảnh hưởng mạnh vào thế giới Ấn Ðộ lúc bấy giờ. Ðại Ðế Alexander xâm chiếm Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ Tư trước Tây lịch, và những sự ảnh hưởng  lúc bấy giờ được thấy qua nhiều phương diện trong lối sống của người Ấn Ðộ. Và sau sự sụp đổ của những đế quốc La Mã, người Scyths, giống người ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp, tiếp tục cai trị trên nhiều phần đất của Ấn Ðộ trải qua nhiều thế kỷ. Kết quả những sự xâm lăng của La Mã và người Scyths là Ðạo Phật đã tiếp xúc vào thế giới Tây phương. Một trong những hệ quả đó là nghệ thuật tạc tượng Phật nổi danh của trường phái Gandhara, mọc lên ở miền Tây Bắc Ấn Ðộ dưới thời Scyths cai trị.
Ðiểm thích thú tôi muốn nêu ra ở đây là trong nghệ thuật Phật Giáo vào những thế kỷ trước khi có ảnh hưởng của Hy Lạp, Ðức Thích Ca Mâu Ni chưa bao giờ được họa thành tượng. Thí dụ như trong bức điêu khắc diễn tả sự giác ngộ của Ðức Phật, ta chỉ thấy cây Bồ Ðề và chiếc tọa cụ mà Ngài ngồi khi giác ngộ, hai thứ nầy tượng trưng sự có mặt của Ðức Thích Ca Mâu Ni. Nhưng trong nghệ thuật Gandhara, Ðức Thích Ca Mâu Ni được điêu khắc cùng kiểu cách như những vị thần của người Hy Lạp hay La Mã. Ðó là một điển hình của những lề lối tư tưởng Tây phương ảnh hưởng vào tâm hồn Ấn Ðộ. Cũng xin nói rằng một số hình thái của giáo lý Ðại Thừa cũng bắt nguồn từ tư tưởng Tây phương, nhưng chúng ta sẽ bàn thảo về vấn đề nầy trong chương sau.
Vào thời gian mà chúng ta đang đề cập đến, một tôn giáo thế giới khác là Ky Tô Giáo cũng ra đời tại Palestine. Ðối với cả hai, thế giới Ðông phương mà tâm điểm là Ấn Ðộ và thế giới Tây phương mà tâm điểm là đế quốc La Mã, dường như đó là một giai đoạn náo động và quá độ. Ở Ấn Ðộ, các nhà xâm lăng khác thay thế các vua La Mã, và cả Bà La Môn giáo và Phật Giáo đều đánh mất sinh khí và khô cứng trong chủ nghĩa hình thức. Về Tây phương, đế quốc La Mã thay thế Cộng Hoà La Mã và khuyếch trương thế lực trên toàn vùng Ðịa Trung Hải và ra bên ngoài, đặt ách thống trị nặng nề hơn lên dân chúng các nước bị trị, nhứt là những nước bị chiếm đóng dọc theo biên giới.
Trong thời buổi dâu bể và bất ổn nầy, người ta mong chờ sự xuất hiện một vị anh hùng, hay tìm kiếm một sự cứu rỗi tâm hồn. Ở Ấn Ðộ người ta chờ đợi sự xuất hiện của Bồ Tát Di Lặc(Maitreya), người mà Ðức Thích Ca Mâu Ni nói trước sẽ đến thế giới nầy trong tương lai để cứu độ chúng sanh, người Do Thái nóng lòng mong đợi thánh Messiad của họ.
Ðó là một thời đại đen tối và vô vọng của tinh thần. Nhưng trong một thời đại như vậy, khi sự đen tối đi đến chỗ cùng cực và khi nền văn minh của nhân loại đứng trước sự diệt vong, là lúc mà con người nóng lòng mong mỏi nhất một triết lý hay tôn giáo lớn lao mới. Và để đáp ứng với nhu cầu đó, một nhà tư tưởng lớn hay một nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ ra đời để soi sáng cho nhân loại.
Palestine, một tôn giáo mới, đặt nền tảng trên những giáo lý Do Thái Giáo nhưng với mục đích cho khắp cả mọi người ở mọi nơi, đã ra đời. Ở Ấn Ðộ, Ðại Thừa Phật Giáo cũng xuất hiện tương tự. Nếu Phật Giáo vẫn giữ ở mức phát triển như trường phái Tiểu thừa đại diện lúc bấy giờ, nó sẽ không thể trở thành một tôn giáo chính của thế giới. Nhưng nhờ sức đẩy của phong trào Ðại Thừa, Ðạo Phật đã trở thành một tôn giáo tích cực kết nạp, lan rộng về phương Ðông cho đến Trung Hoa và Nhật Bản, và đến các nước phương Tây nữa.
II- Phật Giáo Và Cơ Đốc Giáo
Hầu hết những nghiên cứu tỷ giảo giữa Phật Giáo và Cơ Ðốc Giáo trong quá khứ đều có khuynh hướng nhắm vào những điểm khác nhau giữa hai tôn giáo, như Fumio Masutani. Môi trường văn hóa và trí tuệ của Ðông phương và Tây phương đương nhiên khác nhau ở những mức độ nào đó, và đương nhiên là những tôn giáo thoát thai từ hai miền khác nhau nầy phải khác nhau.
Tuy nhiên một điều rất thú vị tôi muốn nêu ra đây là khuynh hướng nầy gần đây đã bắt đầu thay đổi và các học giả bắt đầu nhấn mạnh vào những điểm chung của hai tôn giáo. Dĩ nhiên không còn là lúc chúng ta có thể tiếp tục suy nghĩ vềnhị nguyên giữa Ðông và Tây. Ðiều mà chúng ta muốn trong thời đại hôm nay là ý thức về sự hợp nhứt của thế giới. Như vậy, dù chúng ta có thể tiếp tục thảo luận về sự khác nhau giữa Ðông và Tây dưới một mức độ nào đó, đều quan trọng hơn nhiều là tìm những sự tương đồng nền tảng và những điểm phù hợp. Tôi cũng rất muốn nói thêm rằng trong một thời điểm như ngày nay, sự đi quá đà trong việc thảo luận những sự khác nhau và đặt tôn giáo nầy hơn tôn giáo kia là một việc làm hoàn toàn vô nghĩa.
Chúng ta đừng quên rằng Ấn Ðộ từ rất sớm đã là nơi gặp gỡ của những nền văn hóa Ðông phương và Tây phương, và về nhân chủng nó cũng đại biểu cho sự pha trộn dân chúng giữa hai vùng. Như vậy, người Ấn Ðộ có thể không bao giờ có ý thức về Ðông phương sâu đậm như người Nhật Bản thường có.
Nhà văn hóa nhân loại học Tadao Umesao đã chứng minh rằng khu vực miền Tây Châu Á từ Ấn Ðộ đến Ðịa Trung Hải được coi như Vùng Trung Tâm, khác biệt hẳn với cả hai miền Ðông và Tây. Như chúng ta được biết khi thảo luận về Kinh Milinda Hỏi Ðạo, khu vực Tây Á nầy từ thời rất xa xưa đã là nơi trao đổi văn hóa thường xuyên, và trong thực tế có thể được coi như một vùng trung tâm duy nhất. Nếu chúng ta công nhận ý kiến của Umaseo, thì Phật Giáo và Cơ Ðốc Giáo là sản phẩm của cùng một xã hội.
Dù ta có chấp nhận quan điểm nầy hay không, chúng ta không thể không nhận rằng Cơ Ðốc Giáo và Phật Giáo giống nhau trong việc truyền bá cho khắp nhân loại thông điệp chung về con đường sống. Nguồn gốc của hầu hết các tôn giáo đều gắn liền với sự hiến dâng và cầu khẩn sức mạnh siêu nhiên, và những tôn giáo đó thường có liên hệ mật thiết với những cơ quan thống trị của những xã hội bộ tộc xưa kia. Nhưng trong sự hình thành của Cơ Ðốc Giáo và Phật Giáo, chúng ta không tìm thấy một yếu tố chính trị nào. Ngược lại, cả hai dường như đã phát sinh trong không khí đối nghịch với quyền lực chính trị. Và vì lý do nầy, lịch sử của chúng thường bị ngược đãi dưới bàn tay của những người nắm quyền hành.
Hai tôn giáo lớn nầy, chúng ta có thể nói, hiện hữu trên một bình diện cao cả hơn những tôn giáo khép mình trong việc thi hành những bổn phận cho một nguồn máy chính trị nào đó, chúng hướng đến việc triển khai những giá trị chung cho toàn thể loài người. Ðây là điều mà cả Ðức Thích Ca Mâu Ni và Jesus đã cố gắng thực hiện trong những giáo lý của các Ngài, và những đệ tử của họ, những người có bổn phận thực hành những giáo lý đó, vì tính chất toàn thể của những lời dạy kia, đã nghĩ đến và đem những giáo lý đó đến cho tất cả mọi người.
Một số học giả Phật Giáo đã cho rằng khái niệm về cứu rỗi của Cơ Ðốc Giáo thoát thai từ lý tưởng Bồ Tát, những vị có khả năng thành Phật nhưng muốn trì hoản sự giải thoát riêng tư để giúp đỡ người khác, trong Phật Giáo Ðại Thừa. Cũng có giả thuyết là Jesus có thể đã có vài quan hệ với người Essene, một giống dân Do Thái khoảng bốn ngàn người sống trên bờ biển Chết(Dead Sea) vào kỷ nguyên trước Jesus, họ sống từng nhóm tu sĩ rất giống như những Tăng Ðoàn Phật Giáo. Khởi nguyên, vì Do Thái Giáo là một tôn giáo của nhà nước và xã hội Do Thái, trong đó không có một khái niệm nào về tu sĩ sống cách biệt ngoài xã hội để sống đời sống khổ hạnh và tu tập. Việc những người Essenes làm như vậy cho ta thấy rằng, mặc dù được coi như một chi phái thuộc Do Thái Giáo, họ đã chịu ảnh hưởng tư tưởng về Tăng Già của Phật Giáo.
Giáo Sư Hajime Nakamura đưa ra một số điển hình về ảnh hưởng có thể có của Phật Giáo vào Tây phương. Theo ông, những tàn tích  của những ngôi chùa Phật Giáo được tìm thấy ở miền Bắc Châu Âu, và vào năm 1954 một tượng Phật nhỏ được khám phá ở Thụy Sĩ. Ngay cả việc Phật Giáo được truyền đến những đảo nhỏ thuộc Anh trước khi Cơ Ðốc Giáo truyền đến cũng đã chứng minh. Luận điểm nầy trong lời phát biểu của Origen trong luận đề của ông về Cuốn Sách của Ezekiel, viết ra vào khoảng năm 230, có nói:
- Trong đảo nầy(Ái Nhĩ Lan), những cố đạo Druid và những tín đồ Phật Giáo đã truyền bá giáo lý về sự nhất thể của Thần, và vì lý do nầy người dân ở đây đã sẳn sàng hướng về nó(Cơ Ðốc Giáo).
Chúng ta chỉ có thể ngạc nhiên về việc Phật Giáo cũng có thể đã được truyền bá ngay cả đến người Celt ở những đảo nhỏ thuộc Anh dọc biên giới miền Tây Châu Âu.
Mặc dù một số Tăng sĩ và sứ thần có nhiệm vụ truyền bá Phật Pháp trên một vùng rộng lớn như vậy có thể đi thuyền hay ngựa, chúng ta không nghi ngờ là phần đông họ đã đi bộ. Ðọc về cuộc đời của Ðức Thích Ca Mâu Ni và Jesus, người ta có ấn tượng sâu xa về những đoạn đường hai người đã đi bộ. Và những người đệ tử truyền bá giáo pháp của họ đã phải đi bộ còn nhiều hơn nữa. Những tu sĩ Phật Giáo, bị thiêu đốt với quyết tâm đem sự giải thoát đến cho mọi người, trải ra trên khắp bốn phương từ bán đảo Ấn Ðộ, tiếp tục vượt qua những vùng đất bị cấm đoán nhất. Với lòng nhiệt thành đó để giữ vững tâm chí, chúng ta không ngạc nhiên họ đã đem giáo pháp của Ðạo Phật đến tận những xứ xa xôi như những đảo nhỏ thuộc Anh.
Những cuộc khai quật ở một địa điểm thuộc thành phố cổ ở miền Nam Wales được báo cáo là đã tìm thấy những đồng tiền La Mã, trong số đó có một đồng từ vương quốc của vua Milinda (Di Lan Ðà). Như chúng ta đã biết, vua Milinda hay Menader đã cai trị một vùng thuộc miền Bắc Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ hai trước Tây lịch. Rất thích thú nếu chúng ta có thể theo dấu cuộc hành trình của đồng tiền khi nó đi từ Ấn Ðộ qua đế quốc La Mã, rồi đi đến miền Tây thuộc Ái Nhĩ Lan.
Khi đồng tiền vẫn còn ở tại Ấn Ðộ, có thể nó đã chứng kiến rõ ràng sự phát triển của Ðại Thừa Phật Giáo. Rồi chuyển sang tay của một thương nhân giàu có nào đó, một loại người, như người cư sĩ tại gia, đã giúp đở tài chánh rất nhiều cho những Tăng Sĩ Ðại Thừa, và nó bắt đầu cuộc hành trình về phương Tây. Trên đường đi, có thể nó đã nghe những lời đồn về cái chết bi thương của một bậc cứu thế ở vùng Palestine. Có thể nó đã lọt vào tay của một thương nhân hay quân nhân La Mã sưu tầm những đồng tiền hiếm, và như thế trở thành một trong nhóm những đồng tiền tìm thấy ở Wales.
Dù trường hợp nào đi nữa, nếu Phật Giáo đã truyền đến những xứ xa như Anh trong giai đoạn rất sớm nầy thì đó là một việc rất đáng chú ý. Nước Anh đã rất tích cực trong việc nghiên cứu Ðạo Phật trong giai đoạn gần đây, và mặc dù điều nầy một phần phát xuất từ Ấn Ðộ với những địa danh Phật Giáo và của nó, một thời đã ở dưới sự cai trị của Anh, tôi không thể phân vân rằng đó không phải là hậu quả của một sự gắn liền kỳ dị từ trong quá khứ.
Một số triết gia Châu Âu trong những thế kỷ gần đây cũng đặc biệt lưu tâm đến Phật Giáo Ấn Ðộ. Trong lời bạt cho một tác phẩm của Kenshi Hori, tác giả đã trích những giòng sau đây của triết gia tầm vóc Ðức là Schopenhauer:
- Một ngày nào đó, một nhà nghiên cứu Thánh kinh cũng hoàn toàn thành thạo về những tôn giáo Ấn Ðộ, với sự làm việc cẩn thận và chi tiết, sẽ thành tựu trong việc làm sáng tỏ những mối liên hệ giữa Cơ Ðốc Giáo và những tôn giáo Ấn Ðộ.
Những lời nầy gây ấn tượng sâu sắc lên Giáo sư Hori khi ông còn là một thanh niên, và ông tiếp tục dấn thân trong ba mươi năm để làm sáng tỏ sự liên hệ nầy.
Kết quả sự nghiên cứu của ông đã được công bố trong tác phẩm Bukkyò to Kitisutokyò. Trong đó, ông có đề cập đến việc vào năm 1958 một đoàn thám hiểm khảo cổ Pháp làm việc tại Afghanistan có tìm được một câu khắc chỉ dụ của vua Ashoka (A Dục) được viết cả bằng chữ Hy Lạp và chữ Xy Ri. Sự khám phá nầy gây một sự sôi nổi trong giới Hàn Lâm và đặc biệt làm giáo sư Hori lưu tâm vì xử dụng chữ Xy ri. Chữ Xyri được xử dụng rộng rãi trong đế quốc Ba Tư, và có thời đã bao gồm từ thung lũng Ấn Ðộ ở miền Ðông chạy tận đến miền Tây Nam Á Châu và xa đến Nubia thuộc Ai Cập. Ðó cũng là ngôn ngữ thông dụng hàng ngày của Palestine vào thời Jesus. Chúng ta có thể suy đoán rằng Jesus đã tiếp thu kiến thức Phật Giáo qua những tác phẩm viết bằng chữ Xyri đó và có thể chịu ảnh hưởng những giáo lý đó.
Chúng ta có khuynh hướng tự nhiên là nghĩ đến tôn giáo toàn bộ của Tây phương, Trung Á và Ấn Ðộ theo danh từ ngày nay. Nhưng những điều kiện hoàn toàn khác trong những thế kỷ ngay trước và sau kỷ nguyên Cơ Ðốc. Trung Á đặc biệt trong thời kỳ đó là nơi giao lưu trao đổi thương mại và văn hoá giữa Ðông và Tây, Bắc với Nam. Những thành phố dọc theo những trục giao thông trở nên những trung tâm phổ biến những tư tưởng và văn hoá, và Con Ðường Tơ Lụa nổi tiếng nối liền từ Trường An của Trung Hoa với La Mã của Tây phương đi xuyên qua khu vực nầy. Cuộc viễn chinh của Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn lãnh đạo đã tàn phá khu vực nầy và làm cho nó trở thành một vùng hoang vu như ngày nay, nhưng những khai quật đã chứng minh tình trạng của nó vào thời xa xưa.
Toàn khu vực từ Ba Tư (Persia) đến Trung Á trong thời kỳ đó có một bầu không khí văn hoá lớn lao chưa từng có, về miền Ðông thì liên hệ với Trung Hoa, miền Nam thì liên hệ với Ấn Ðộ, miền Tây thì liên hệ với La Mã, và kết quả là có thể tiến bộ và có tính cách quốc tế hơn bất cứ nơi nào khác. Vì vậy không gì ngạc nhiên khi giả thuyết rằng người ở Palestine, nằm sát khu vực văn hoá đó về phương Tây, đã tiếp nhận một số tin tức về phong trào Ðại Thừa Phật Giáo khởi lên ở miền Tây Bắc Ấn Ðộ, giáp giới khu vực đó về phương Ðông. Ðiều đáng ngạc nhiên phải là nếu việc đó đã không xảy ra.
III- Những Điều Kiện Cho Một Nền Tôn Giáo Thế Giới
Trong các nghiên cứu của ông, giáo sư Hajime Nakamura không chỉ thảo luận về sự ảnh hưởng của Phật Giáo vào Cơ Ðốc giáo nhưng còn đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của Phật Giáo đối với triết học Hy Lạp. Vì Hy Lạp được coi như nơi phát sinh của triết học Tây Phương. Chúng ta có thể nghĩ rằng, dưới quan điểm trao đổi văn hoá giữa hai khu vực như đã được trình bày, triết học Tây phương trong mức độ nào đó đã chịu ảnh hưởng của Phật Giáo, măc dù không trực tiếp. Chúng ta có thể bắt đầu với việc rằng cả Phật Giáo và triết học Hy Lạp đều chia xẻ sự lưu tâm đối với những vấn đề như tính chất thật sự của đời sống, của hiện hữu, và của cá nhân.
Huấn thị: Hãy biết mình của Socrate quả thật nổi tiếng, nhưng Ðức Thích Ca Mâu Ni cũng đã nói:
- Hãy cố gắng quan sát và quán chiếu chính mình.
Trong Kinh điển Phật Giáo không thể kể hết những câu tương tự như vậy. Ta nói với ông:
- Này A Nan, ông hãy lấy chính mình làm ngọn đèn, lấy chính mình làm điểm nương tựa, không nương tựa vào người khác. Hãy lấy Chánh Pháp làm ngọn đèn, lấy Chánh Pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa vào cái gì khác.
Lại như:
- Ðiểm nương tựa cho mình không gì khác hơn là chính mình. Có điểm nương tựa nào khác hơn nữa hay sao? Khi tự mình đã được kiểm soát và điều phục, thì người ta sẽ có được điểm nương tựa không gì khó có hơn.
Nói một cách rộng rãi, cả triết học và tôn giáo đều phát sinh từ sự phản tỉnh về bản chất của thế giới và sự hiện hữu của con người, và trên ý thức của nó về chính nó là một con người. Ý niệm về Tội Lỗi Nguyên Thủy trong Cơ Ðốc Giáo và đạo sống của người Phật Tử tìm kiếm sự giải thoát khỏi những tật xấu do dục vọng sinh ra đều là những biểu hiện của tinh thần nồng nhiệt của con người trong nỗ lực giải thoát. Họ gắn bó mật thiết với lý tưởng con người và trong sự tìm kiếm một con đường có giá trị chung cho cuộc sống.
Sự biểu hiện có thể dường như chỉ là một nhưng tôi không tin rằng một mức độ đổi thay nào đó trong những hệ thống xã hội hay tổ chức sẽ đem lại tiến bộ cho xã hội, trừ phi chính con người, kẻ sáng tạo và cầm cương cho những hệ thống và tổ chức đó, thay đổi. Tôn giáo và triết học, thay vì nhắm đến sự cải cách những thể chế, đúng hơn nên biết rằng điều cốt tủy đầu tiên là làm một cuộc cách mạng bên trong của một cá nhân. Có nghĩa là biết rằng nếu không có cuộc cách mạng cá nhân thì không có cuộc cách mạng xã hội. Nhìn qua những công cuộc cách mạng trong lịch sử thế giới, chúng ta thấy rằng những cuộc cách mạng được thành hình trên nền tảng của cuộc cách mạng đi trước, cuộc cách mạng về ý thức của toàn khối dân tộc, là những cuộc cách mạng toàn hảo nhất về mục tiêu và dài lâu nhất về hiệu quả. Ngược lại, những thứ áp đặt trên đân chúng bằng sức mạnh và vũ lực đã đưa đến nhiều hy sinh và khổ đau nhưng thường tồn tại ngắn ngủi. Về điểm nầy, chúng ta đặc biệt lưu tâm đến Phật Giáo và Cơ Ðốc Giáo, hai tôn giáo nầy đã tồn tại trên hai ngàn năm để phục vụ cho vô số người ở Ðông phương và Tây phương và định nghĩa cho họ những lý tưởng về đời sống.
Latcadio Hearn trong tác phẩm Phê Bình Văn Học Ðông Tây đưa ra quan niệm cho rằng hầu hết những truyện cổ tích và những ngụ ngôn Cổ Ðại có thể tìm dấu vết từ những nguồn gốc Phật Giáo. Trong thực tế, việc nghiên cứu tỷ giáo về văn học dân gian chứng tỏ rằng nhiều truyện thần tiên Tây phương phát xuất từ nguồn gốc Phật Giáo và Ấn Ðộ Giáo. Xa xưa hơn nữa, câu chuyện người con hoang trong Kinh thánh, như thường được nêu ra, có một sự trùng hợp khít khao với câu chuyện trong Kinh Pháp Hoa. Những trùng hợp nầy một lần nữa chứng tỏ có sự liên hệ giữa Phật Giáo và Cơ Ðốc Giáo.
Với một sự dè dặt, tôi suy nghĩ rằng cho dù nếu không có những mối liên hệ trực tiếp, chúng ta có thể xác nhận điều sau đây. Bất cứ khi nào ta có thể xác nhận điều sau đây. Bất cứ khi nào con người khát khao đi tìm bản chất thật sự của cuộc sống, mặc dù khác nhau trong phương pháp hay chiều hướng, họ đều đi đến một số kết luận chung. Sự phát triển của cả Phật Giáo và Cơ Ðốc Giáo để trở thành những tôn giáo thế giới cho tôi thấy rằng chúng cùng có một số chân lý chung. Theo cách hiểu về bản chất của con người và sự đào sâu vào bản thể của thế giới hiện tượng, chúng đã có thể thuyết phục hàng triệu người tin vào giá trị của những giáo lý của chúng, và chính khả năng nầy đã cho phép chúng trở thành những tôn giáo của thế giới.
Triết học Tây phương, và đặc biệt là Cơ Ðốc Giáo, đã trải qua thời gian dài bận rộn trong việc khảo sát nghiên cứu những khái niệm khó khăn như vấn đề bất tử và chứng minh sự hiện hữu của Thượng Ðế. Tương tự, những khái niệm Phật Giáo như luân hồi, nghiệp và duyên khởi đã đưa đến sự sung túc cho suy tư triết lý. Nếu hai tôn giáo nầy đã không có mặt để thách thức con người bước vào ngưỡng cửa của tranh luận và suy tư triết lý, lịch sử trí thức của nhân loại chắc chắn sẽ nông cạn hơn nhiều.
Giáo sư Nakamura đã đưa ra ba nguyên nhân mà ông tin là đã làm cho Phật Giáo và Cơ Ðốc Giáo phát triển thành những tôn giáo hoàn cầu.
- Thứ nhất chúng đã cố gắng một cách ý thức chiến đấu với những yếu tố bùa chú và những tín ngưỡng, những phù phép ma thuật của nhũng tôn giáo nguyên thủy.
- Thứ hai, chúng loại trừ những chế độ tế thần được các tôn giáo có uy thế ủng hộ. Ngay cả luận điệu bác bỏ của hai tôn giáo nầy cũng tương tự, người Phật Giáo so sánh những người Bà La Môn với những kẻ mù lòa, người Cơ Ðốc Giáo dùng cùng một luận điệu tương tự đối với những người theo phái Pha ri (Do Thái Giáo xưa, rất câu nệ hình thức.)
- Thứ ba chúng đều vượt qua giới hạn hạn hẹp của chủng tộc, giai cấp, và quốc gia. Trong Phật Giáo chúng ta thấy nhấn mạnh vào sự bình đẳng của bốn giai cấp truyền thống trong xã hội Ấn Ðộ cổ thời, trong khi ở Cơ Ðốc Giáo, ta thấy họ chối bỏ sự phân biệt giữa người Do Thái và người ngoại giáo.
Chúng ta đề cập đến hai nguyên nhân đầu trong những thảo luận ở trên. Nguyên nhân thứ ba, khả năng vượt lên trên những phân biệt chủng tộc và quốc gia, dĩ nhiên là điều kiện cần thiết cho một tôn giáo được truyền bá rộng ra ngoài địa phuơng gốc của nó. Ðiều kiện nầy, cho phép Phật Giáo truyền đến phương Ðông đến Trung Hoa và Ðông Nam Á Châu, và truyền về phương Tây đến tận Hy Lạp, đã có mặt như một giáo lý nền tảng từ hai ngàn năm về trước, như sẽ được trình bày trong đoạn văn sau đây được trích từ Kinh Milinda Hỏi Ðạo:
- Nếu sống trong đức hạnh, và giữ gìn chánh niệm-dù cho sống ở Sythia hay Hy Lạp, dù ở Trung Hoaa hay Tartar, dù ở Alexandria(thủ đô xưa của Ai Cập) hay ở Nikumba, dù ở Benares(Ba La Nại) hay ở Kosala(Kiều Tất La),dù ở Kashmire hay ở Gandhara, dù ở dỉnh núi hay ở trên những cõi trời cao nhất-bất cứ ở nơi nào, một người biết sống đời sống đúng sẽ chứng được Niết Bàn.
Ngược lại với Bà La Môn Giáo, giữ chặc sự phân chia bốn giai cấp trong xã hội Ấn Ðộ, Phật Giáo từ đầu đã chứng tỏ vượt lên trên sự phân chia giai cấp và quốc gia và do đó đã có thể trở thành một tôn giáo toàn cầu. Hơn nữa, việc chối bỏ sự phân chia giai cấp, quốc gia của nó không phải chỉ ở hình thức. Nói một cách chính xác hơn, bởi vì mục đích cứu cánh của tôn giáo và nền tảng giáo lý của nó nằm ở chỗ truyền dạy sự bình đẳng và giá trị của mọi người, và áp dụng nguyên tắc đó vào thực hành, nó cần phải vượt lên trên mọi sự phân chia đó trên cả hình thức lẫn tinh thần.
Như lịch sử đã chứng minh, ánh sáng của sự nội chiếu thâm sâu của Ðức Phật đã chứng tỏ có khả năng chiếu rọi xa ra ngoài những biên giới của quốc gia hay chủng tộc, và soi sáng đời sống của con người trên khắp thế giới và đem đến cho họ niềm hy vọng tràn đầy. Ðiều nầy xảy ra không đơn giản chỉ vì thông điệp của Phật Giáo đã được truyền đạt từ những người của một quốc gia hay chủng tộc đến một quốc gia hay chủng tộc khác, nhưng do vì Phật Giáo đã sở hữu những chân lý khái quát siêu vượt những dị biệt quốc gia và có năng lực thuyết phục con người ở bất cứ địa phương nào, sức thuyết phục mà từ đó tôn giáo đã được hình thành với những nhu cầu và khát khao của họ từ trong tâm khảm.
Trong sự cao vời nầy của trí tuệ, mạch sống và chiều sâu của giáo pháp nầy, và sự quyết tâm từ chối những phân chia giai cấp và những ý niệm nhỏ hẹp về chủng tộc và quốc gia, đã làm cho Phật Giáo và Cơ Ðốc Giáo trở thành những tôn giáo hoàn cầu. Và nếu cố gắng xác định sức mạnh và hiệu năng nào mà hai tôn giáo nầy có thể đổi thay cho phù hợp với thế giới ngày nay, thì chính những tính chất cơ bản nầy, chứ không phải là những nghi thức hay giáo điều tôn giáo cạn cợt, cần phải được lưu tâm.
-- o0o --