-
Ý Niệm Về Mùa Xuân
-
Nhất Quán
-
--o0o--
-
-
Nói đến Mùa Xuân, mỗi người chúng ai cũng hiểu
theo quan niệm Xuân đến Hạ đi, Thu mãn, Ðông tàn, cứ như thế
mà thời gian liên tục xoay vần, hết năm nầy sang năm khác.
Theo Dương Lịch, căn cứ vào thời tiết, thì Mùa Xuân bắt đầu
vào ngày 20 tháng 03 và chấm dứt vào ngày 20 tháng 06. Đây là
thời gian hết Mùa Đông tại Âu Châu và Mỹ Châu, khí hậu ấm áp
trở lại, trong khi đó theo Âm Lịch thì mùa Xuân bắt đầu ngày
mồng một tháng Giêng và chấm dứt vào cuối tháng Ba. Mùa Xuân
được coi như là mở đầu cho một năm mới rồi chuyển sang mùa Hạ,
mùa Thu rồi mùa Ðông. Vì vậy cho nên buổi sáng đầu tiên của
Mùa Xuân đánh dấu cho chu kỳ mới bắt đầu. Những dân tộc cùng
chia xẻ Âm Lịch tức là theo sự vận hành của mặt trăng, nhất là
dân tộc Việt Nam, mọi người ăn mừng Tân Niên rất là long
trọng, gọi là Tết Nguyên Ðán.
-
Mùa Xuân được coi như là tốt đẹp nhất, vì khí
hậu ấm áp, cảnh vật xinh tươi, cho nên các văn nhân, thi sĩ
thường viết văn, làm thơ ca tụng mùa Xuân với những đề tài
phong phú như là:
-
- Hội mùa Xuân
-
- Nắng Xuân
-
- Vui xuân
-
- Xuân miên viễn,
-
- Xuân trường thọ
-
- Xuân mới ...
-
Nghĩa là tùy ý, mỗi người đều có một quan niệm
về Mùa Xuân, nhưng nếu hiểu nghĩa Xuân là cái gì tốt đẹp, đầm
ấm vui tươi thì hiện thời ít có người tìm thấy, nhất là đối
với những ai đang sống đời sống quá khổ, bi đát, với cuộc đời
không hy vọng ở tương lai, thì làm gì còn hứng thú mà chờ đợi
mùa Xuân, vì thế mà Chế Lan Viên, một thi sĩ đã từng sống tại
Bắc Việt than thở:
-
- Tôi có chờ đâu có đợi đâu
-
Ai đem Xuân đến gợi thêm sầu
-
Với tôi tất cả đều vô nghĩa
-
Tất cả không ngoài lẽ khổ đau.
-
Ðó là nói đến những đồng bào sống trong quốc
nội, tuy nhiên đối với người Việt Nam tạm dung tại Hải Ngoại,
quả thật nếu so sánh với đồng bào quốc nội thì cuộc sống tại
Hải Ngoại đúng là thiên đàng của vật chất, nhưng nếu muốn tìm
hương vị Xuân Quê Hương, với xóm làng sau lũy tre xanh, với
chậu cúc, cành đào, câu đối đỏ thì quả thật hơi khó. Tuy nhiên
điều cũng đáng khích lệ, tuy rằng Tết Âm Lịch nhằm vào Mùa
Đông Tây Lịch, trời còn rất lạnh, nhất tại Hoa Kỳ nhiều tiểu
bang tuyết trắng khắp nơi, cây cối xác xơ trơ trụi. Người
ngoại quốc lẽ tất nhiên không biết Tân Xuân là gì, nhưng đối
với truyền thống lâu đời của người Việt Nam chúng ta, tuy rằng
có người cũng phải đi làm, kẻ cũng phải đi học. Nhưng vì
truyền thống tập tục, nên đại đa số, nếu là con Chiên thì về
Nhà Thờ, nếu là Phật Tử thì sắp xếp thời giờ để về Chùa đón
Giao Thừa, mừng Xuân, du Xuân vào ngày đầu năm, hoặc hành
hương Thập Tự vào những dịp cuối tuần...
-
Tóm lại, chúng ta dù ở đâu và trong hoàn cảnh
nào đi nữa cũng có thể đón Xuân, tùy theo hoàn cảnh giàu
nghèo, sang hèn. Đi xa hơn nữa, có người nếu tìm Xuân bên
ngoài không thấy, chúng ta hãy thử tìm bên trong, quay trở lại
nội tâm, vì Xuân là cảm xúc, Xuân là rung động tâm hồn. Đặc
biệt nhất là đối với những người tin theo Đạo Phật có thể tìm
Xuân trong đạo vị, khi hiểu được ý nghĩa câu kinh, bài kệ hoặc
trong hành động từ bi, vô ngã lợi tha, hoặc trong sự rung động
tâm hồn hòa nhập với thánh hiền, cảm thông với vũ trụ thiên
nhiên nhiệm màu, và sống đúng theo lý vô ngã như Ngài Mãn Giác
Thiền Sư, vào đời nhà Lý đã nói lên luật Vô Thường biến dịch:
-
- Xuân khứ bách hoa lạc
-
Xuân đáo bách hoa khai
-
Sự trục nhãn tiền quá
-
Lão tùng đầu thượng lai
-
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
-
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai
-
Nghĩa là:
-
- Xuân đã qua thời tiết đổi thay
-
Trăm hoa tàn úa rụng rơi đầy
-
Ðịnh luật tuần hoàn hoàn luân lưu mãi
-
Rồi lại Xuân về trăm hoa khai.
-
Kiếp người ngắn ngủi với thời gian
-
Trẻ đi già đến thật ngỡ ngàng
-
Ðừmg tương Xuân tàn hoa rụng hết
-
Ðêm qua mai nơ trước hành lang.
-
Quả thật, với định định luật vô
thường, nên Xuân đến rồi đi, hoa nở rồi tàn, cái gì rồi cũng
đổi thay, cũng vô thường. Trên đời không cảnh vật nào được coi
là trường tồn vĩnh cửu. Chỉ có chân tâm là thường còn, đạo vị
bất diệt. Nói đến đạo vị là chúng ta phải liên tưởng đến chư
vị Thiền Sư. Khi nói đến những vị Thiền Sư đắc đạo thì chúng
ta phải biết rằng, các ngài lại có một cái nhìn hết sức đặc
biệt để lý giải cho kiếp người và cuộc đời, và đồng thời cũng
giúp niềm tự tin của chúng ta được vững chãi để chúng ta có
thể đối diện với mọi nghịch cảnh trong cuộc đời, nhất là trong
cuộc sống hiện tại. Có đối diện với thực tại, mới thấy thực
tại là một phương thuốc mầu nhiệm, một thứ năng lượng cần
thiết cho cuộc sống của chúng ta có được thảnh thơi và an lạc.
-
Trong chiều hướng nầy, mời đại chúng nghe mẫu
chuyện đối thoại của Thiền Sư Chân Không, một vị cao tăng đắc
đạo vào giữa triều đại nhà Lý. Một hôm có một vị thiền khách
đến hỏi ngài:
-
- Bạch Hòa Thượng, khi sắc thân bại
hoại thì thế nào?
-
Ngay khi đó Ngài trả lời câu hỏi
bằng hai câu thơ:
-
- Xuân đến Xuân đi ngờ Xuân hết
-
Hoa nơ hoa tàn chỉ là Xuân.
-
Như chúng ta đã biết, theo quan
niệm của nhân thế về mùa Xuân là lúc khí trời ấm áp, cây cối
đâm chồi nẩy lộc, hoa nở bướm bay, muôn hương ngàn sắc. Mùa
Xuân còn là mùa của tuổi trẻ, mùa của tươi mát và thơ mộng...
rồi khí trời oi bức, nóng nực là mùa Hạ đến... Nghĩa là chúng
ta thấy Xuân là một trong bốn mùa theo sự vận chuyển của vũ
trụ. Vì thế nên khi thấy hoa mai nở, thì cho đó là Xuân, khi
hoa tàn thì cho đó là Xuân hết.
-
Trên thực tế quả thật có sự thay đổi của vũ trụ
theo sự nhịp đời chuyển vận, có những lúc hoa mai nở, và mùa
Xuân đến, nhưng không phải là mùa xuân của tuổi trẻ và thơ
mộng như mọi người đã tưởng mà vẫn có những hoàn cảnh, những
con người cười ra nước mắt, nên đâu có thời giờ mà hưởng mùa
Xuân. Lại càng không có thời giờ để có được những giây phút ấm
êm hạnh phúc.
-
Nhưng đối với các vị Thiền Sư đắc đạo, các Ngài
là những con người đã vượt ra ngoài sự chi phối của thời gian,
nên trong lòng luôn luôn lúc nào cũng tràn đầy niềm yêu
thương. Ðến với chúng sanh vạn lọai thì chỉ một tâm niệm duy
nhất là cứu khổ ban vui, nên các Ngài nhìn đến bất cứ một đối
tượng nào cũng đẹp, đến với một chúng sanh nào cũng thấy dễ
thương, các ngài đem niềm tin yêu đến cho mọi người mà không
cần biết là thân hay thù, nghĩa là khi bất cứ một chúng sanh
nào cần thì các Ngài đến, không cần thì các Ngài đi. Vì thế
trong lòng của các Ngài lúc nào cũng vui tươi, trẻ thơ và thơ
mộng, cho nên quan niệm mùa Xuân không phải chỉ có ba tháng,
mà là mùa Xuân vĩnh cửu, với cái nhìn của một người đã thoát
ra ngoài sự chi phối của thời gian. Nên khi một vị thiền khách
hỏi:
-
- Bạch Hòa Thượng, khi sắc thân bại hoại thì
thế nào?
-
Ngài trả lời câu hỏi bằng hai câu thơ:
-
- Xuân đến Xuân đi ngờ Xuân hết
-
Hoa nơ hoa tàn chỉ là Xuân.
-
Ðiều nầy ngài muốn dạy chúng ta rằng:
-
- Hoa nở rồi tàn, sắc thân chúng ta cũng như
hoa. Chúng ta sinh ra rồi cũng già chết, không có lâu bền.
Nhưng trong cái tàn hoại đó, vẫn có một cái gì mãi mãi còn,
mãi mãi an lành. Vì thế nên ngài mượn Xuân để tiêu biểu, tượng
trưng cho cái mãi mãi còn đó.
-
Ngài cũng muốn nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta
biết trở về cái chân thật của mình, và ý thức được rằng thân
nầy còn hay mất tất cả chỉ là tạm bợ. Ðiểm quan trọng là cái
chân thật lúc nào cũng thanh tịnh, sáng suốt, trong kinh gọi
đó là pháp thân. Pháp thân thanh tịnh miên viễn không tàn hoại
theo thời gian năm tháng.
-
Chúng ta biết rằng tất cả mọi sự vật trên đời
nầy đều theo thời gian năm tháng chi phối, có đó rồi tàn hoại.
Thân chúng ta cũng vậy, cũng theo thời gian mà tàn hoại. Nếu
chúng ta không biết trở về với thể chân thật của chính mình
thì khi sắc thân tan hoại chúng ta sẽ đau khổ. Thế nên sống
với bản thể chân thật không sinh không diệt thì ngày nào cũng
là xuân, lúc nào cũng là mùa Xuân.
-
Trong cuộc sống hiện tại không có gì kích động
chúng ta bằng cơn lũ vô thường xảy đến. Chúng ta đang sống
bình an, chợt thấy một người nào đó tắc thở chúng ta chợt tỉnh
ngay, nhưng sau đó lại mê trở lại như cũ. Vì vậy chúng ta cứ
lảng vảng trên con đường mê không biết tỉnh giác, nên chúng ta
không làm được những điều lành tốt đẹp để tạo sự an lạc cho
đời nầy và đời sau. Giữa hai con đường đau khổ và an lạc, nếu
chúng ta phải lựa chọn, thì chắc chắc chúng ta lựa chọn con
đường an lạc và hạnh phúc.
-
Nếu mà chúng ta sáng suốt lựa chọn con đường
hạnh phúc, thì chúng ta là người đã có duyên lành từ đời kiếp
trước, cho nên bây giờ mới chọn con đường đẹp đẻ nầy, một con
đường thênh thang, tươi mát và an lạc. Nói vậy, như có vẻ
chúng ta chủ quan, nhưng thật sự nếu tất cả chúng ta đều hướng
một lòng về sự tu hành, đi theo con đường Ðức Phật đã dạy, thì
mỗi bước của chúng ta đi là một bước an lành, mỗi một bước của
chúng ta đi sẽ làm là rơi rụng không biết bao nhiêu phiền não
đau khổ. Thế nên con đường chúng ta đã và đang đi tiêu biểu
cho mùa Xuân, vì thế hãy ráng cố gắng tiếp tục trên con đường
tu đạo của mình đừng để ngoại cảnh chi phối, đừng có thối lui,
đừng để mất tâm Bồ Ðề của mình, và hãy cố gằng hòa mình với
mọi người, đồng thời biết xử dụng và tu tập trau giồi tánh
tình, đức hạnh trong mọi hoàn cảnh cho mỗi ngày trở nên tốt
đẹp hơn.
-
Chúng tôi xin kể cho quý vị nghe một câu chuyện
Bà Già Ðốt Am:
-
- Có một bà cụ biết tu và biết đạo. Một hôm có
một thiền khách đến xin bà già giúp đỡ cho việc tu hành cho
mau đạt kết quả. Bà già nghe nói thế, Bà rất sẳn lòng nên cất
cho vị Thiền Khách một cái am để tu hành, và mỗi ngày cơm nước
đầy đủ, tứ sự cúng dường không thiếu thứ gì. Vị Thiền Khách tu
như vậy được ba năm. Bà già tin rằng sự tu hành của ông đã
được kết quả tốt đẹp. Ðể cho chắc chắn, một hôm bà sai một đứa
cháu gái khoảng mười tám tuổi đem cơm cho thầy dùng, trong lúc
vị Thiền Khách đang dùng cơm, bất chợt cô gái ôm ngang hông và
hỏi:
-
- Ngay bây giờ thầy thấy như thế
nào:
-
Vị Thiền Khách đáp:
-
- Khô mộc ỷ hàn nham
-
Tam xuân vô noản khí.
-
Nghĩa là:
-
- Cây khô tựa núi lạnh
-
Ba mùa Xuân không chút hơi ấm.
-
Qúy vị thấy câu trả lời đó hay, và đáng để cho
chúng ta kính lạy không? Theo quan điểm diệt dục của đạo Phật,
vị thiền khách nầy đã tu đến trình độ không còn biết rung động
trước sự quyến rủ của cô gái đang xuân, quả thật đáng kính
trọng, như vị Thiền Khách đã cho chúng ta biết:
-
- Trong lòng của tôi giờ đây không còn một chút
tà niệm, nên khi tấm thân ngà ngọc, mềm mại của cô đụng chạm
đến thân thể của tôi thì chẳng khác nào như cây khô mà tựa vào
núi lạnh. Dù cho cô cứ ôm tôi như vậy đến ba năm sau cũng
không có một chút hơi ấm.
-
Nghĩa là thân tôi không còn tà niệm thì dù cho
cô ôm tôi suốt ba năm như vậy tôi vẫn không có một chút tà
niệm nào.
-
Ðứng trên lập trường khách quan thì chúng ta
thấy rất hay. Nhưng chúng ta hãy chờ đợi coi phản ứng của bà
già đại thí chủ của vị Thiền Khách kia phản ứng như thế nào?
-
Phản ứng của bà già, vị đại thí chủ kia sau khi
nghe đứa cháu gái thuật lại lời vị Thiền Khách kia, bà liền
nói:
-
- Thiệt đã uổng công ba năm nay, mình đã phí
công, phí của nuôi một ông thầy phàm phu, không làm nên tích
sự gì!
-
Sau đó bà liền đuổi vị Thiền Khách kia đi và
đốt am của ông thầy.
-
Sau khi bị đuổi ông Thầy ra đi, nhưng vài năm
sau vị Thiền Khách đó trở lại tìm bà già, cũng như lần trước
xin bà giúp đỡ cho việc tu hành. Bà già cũng hoan hỷ cất lại
am và cúng dường tứ sự cho Thầy đầy đủ như lần trước. Sau một
thời gian, bà bảo cô cháu gái thử thầy như lần trước. Ðem cơm
lên xong, cô liền ôm ngang lưng ông Thầy và hỏi:
-
- Ngay bây giờ thì thầy thấy như thế nào?
-
Thầy trả lời:
-
- Tôi biết, cô biết, nhưng đừng cho bà già ấy
biết!
-
Khi nghe như vậy quý vị sẽ nghỉ gì? Vị Thầy ấy
nói như vậy nghĩa là sao? Ở đây, chúng ta thấy vị Thiền Khách
còn cao thượng như xưa không? Mới nghe qua chúng ta cứ ngỡ là
vị Thầy ấy đã có tình ý gì nên mới bảo:
-
- Tôi biết, cô biết, nhưng đừng cho bà già ấy
biết, vì nếu bà biết bà sẽ ngăn cản chúng mình!
-
Ðiều trái ngược với sự hiểu biết của chúng ta.
Khi cô gái ấy về thuật lại cho bà già nghe những sự việc xảy
ra, thì bà gia liền nói:
-
- À như vậy mới xứng đáng để cho mình cung
kính.
-
Nghe qua câu chuyện chúng ta mới thấy sự hiểu
sâu sắc của bà già. Bởi vì điều mà thế gian tưởng là có tình ý
xấu xa, và nếu nhìn với mắt trần tục thì chúng ta sẽ phê bình
ông Thầy:
-
- Ngày xưa ông tu rất tinh tấn nên đã tâm tình
đã khô lạnh hết rồi, còn bây giờ đây ông thầy hết muốn tu nên
mới nói ra lời nói phàm tục như vậy. Vì lòng ông đã nhiễm trần
tục nên che giấu không cho bà già biết, chỉ để hai người biết
thôi.
-
Kỳ thật câu chuyện nầy cho chúng ta
một kinh nghiệm. Bà già đó chúng ta hiểu như là một người đã
chứng ngộ, vì thế nên khi nghe vị Thầy ấy nói:
-
- Tâm ông khô lạnh, không còn một
chút hơi ấm, nghĩa là ông muốn diễn tả tâm ông đã nguội lạnh
không còn một chút tình cảm đối với mọi người, bà già biết ông
đang chìm trong si mê nguy hiểm, nên đuổi đi và đốt am để cảnh
giác ông.
-
Tuy ông tu rất hay, nhưng ông chìm trong chỗ
khô lạnh, thuật ngữ gọi là tiêu nha bại chủng hay còn gọi là
vô sanh. Một hạt giống không có khả năng sanh trưởng thì hạt
giống đó là đồ bỏ. Điều đó trái người với tinh thần của đạo từ
bi. Mục đích của đạo từ bì, của người tu là thực tập làm cho
tâm chúng ta trở nên rộng rãi, biết thương chúng sanh nhân
loại, để sẳn sàng ôm chúng sanh nhân loại vào lòng. Do vậy,
một con người mà không có tình với chúng sanh vạn loại thì
cũng trở thành con người phế thải, có cũng như không. Bà già
đốt am là phải.
-
Khi bị đuổi đi, ông sực tỉnh biết chỗ lỗi lầm
của mình. Ngay khi đó ông vươn mình lên vượt ra khỏi vỏ cứng
của khô lạnh vô tình, rồi ông quay trở lại để tiếp tục tu tập.
Cho đến lần thứ hai khi cô gái ôm ngang lưng ông lần nữa thì
ông mới bảo:
-
- Tôi biết, cô biết đừng cho bà già ấy biết.
-
Tôi biết cái gì, và cô biết cái gì, tại sao lại
không cho bà già ấy biết. Tôi biết, và cô biết, đó chính là sự
giác ngộ trong hiện tại, một giác ngộ miên trường không có tư
niệm của quá khứ, vị lại. Ðó chính là con người chân thật, con
người thật sự tiến đến giác ngộ. Không cho bà già biết là vì
bà là người ngoại cuộc không có hiện hữu, thì làm sao biết tôi
và cô đã làm gì, và đã được gì. Nếu đợi cho cô nói thì sự việc
nầy nó đã trở thành quá khứ mất rồi. Mà như thế thì còn có
niệm quá khứ vị lai thì là làm mất cái thường giác của mình.
Hiện giác và hằng giác là thời gian mà ông đang sống. Nếu
không biết chỗ sống đó, thì với ý niệm phàm tục thì chúng ta
sẽ phê bình, lên án, chỉ trích ông thấy đó là người bê bối.
Nhưng bà già đã hiểu được, vì thế bà già mới khen ông Thầy là
người đáng được cung kính.
-
Trọng tâm của người tu hành là đừng để mất tâm
Bồ Ðề của mình, và cố gắng hòa mình với mọi người, đồng thời
biết xử dụng mọi phương tiện thiện xảo và tu tập trau giồi
tánh tình, đức hạnh trong mọi hoàn cảnh cho mỗi ngày trở nên
tốt đẹp hơn. Một khi đã đạt đến trạng thái đó, chính đó chỗ
cứu cánh Niết Bàn. Chúng ta phải quyết tâm đạt đến mục đích
đó.. một mục đích rất tươi đẹp như mùa Xuân. Thế nên con đường
chúng ta đã và đang đi tiêu biểu cho mùa Xuân, cho nên chúng
ta hãy ráng cố gắng tiếp tục trên con đường tu đạo của mình
đừng để ngoại cảnh chi phối, đừng có thối lui.
-
Tất cả mọi người chúng ta có mặt ở trên cõi đời
nầy đều là những con người đầy đủ phúc duyên, nên mới sớm thức
tỉnh chọn được con đường tu học tốt đẹp an lành. Vì thế từ đây
về sau chúng ta phải cố gắng nỗ lực đi cho đến đích, đạt cho
đến chỗ cuối cùng. Không nên vì một lý do gì đó mà cứ lo
chuyện buâng quơ, không đáng để phí thời giờ, rồi cuối cùng
làm thay đổi định hướng mà mình đã lựa chọn được con đường tốt
đẹp, để rồi đến ngày cuối cùng không đạt được mục đích thì
thật là đáng tiếc. Điều nầy tương tự như người đang đi trên
con đuờng dẫn đến nơi đài các châu báu mà mình hằng mong ước.
Nơi đó được biết là ở không xa lắm, nhưng chúng ta lại dừng
lại bên đường lo bắt bướm hái hoa, rồi theo ngày tháng quên cả
mục đích mà mình nhắm tới, đến khi hối tiếc thì đã muộn màng.
-
Cũng vậy, cứu cánh của chúng ta là sự tu học để
sửa tâm đổi tánh, vậy mà chúng ta không tập tu sửa đổi, hằng
ngày từ sáng đến tối cứ hằn học với những người chung quanh,
trong gia đình, bạn hữu. Cứ luôn luôn nghĩ rằng, không có ai
là người thuận hợp với mình, cho nên trong lòng cứ bực bội
phiền não, rồi thì ngày lại qua ngày đâu có lợi ích gì, chỉ
uổng phí thời giờ, lại không đạt được bản nguyện của mình, và
những bạn bè thân thuộc của mình sẽ cười chê mình là người
không có ý chí, không có tuệ giác để nhận định chân chánh con
đường đã chọn quá hay mà hành động lại quá dở, đó là điều thật
đáng trách.
-
Nói tóm lại, ngày Xuân bắt đầu cho một chu kỳ
mới, báo hiệu cho đầu năm mới, chúng tôi xin được gợi ý với
quý vị, nên nhớ rằng:
-
- Bất cứ một suy tư lương thiện, hay một hành
nhỏ lương thiện nào đó cũng đều là hành trang tốt đẹp cho việc
tu tập và kiến tánh thành Phật.
-
Những suy tư lương thiện đó, hay
nói đúng hơn con đường mà quý vị đã chọn là con đường rất tốt
đẹp, rất an lạc. Chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực tinh tấn trên
con đường đó, và làm sao cho một đời nầy nếu chúng ta chưa đến
tận đích, ít ra chúng ta cũng đi được một nửa hoặc hai phần
đường, chúng ta luôn luôn tâm niệm gìn giữ và tiếp tục đi mãi,
không nên chần chờ để mất hết thì giờ, rồi phải chịu đau khổ
như bao nhiêu người khác không có đủ phúc duyên như chúng ta.
-
Mong rằng trong năm mới nầy tất cả mọi người
chúng ta đừng nghi kỵ lẫn nhau, đừng phỉ nhổ bôi báng lẫn
nhau, đừng nhìn nhau với cặp mắt thù hận, nếu có thì hãy nhìn
nhau bằng con mắt yêu thương, để có thể cùng sang sẻ trọng
trách với nhau trên con đường tu tập và hoàn thành sứ mệnh của
người con Phật là:
-
- Trên Cầu Phật Ðạo Dưới Hóa Ðộ Chúng Sanh.
-
-
Tài Liệu Tham Khảo
-
- Văn Học Lý Trần
-
- Xuân Trong Cửa Thiền
-
- Tìm Phật Ở Ðâu
-
- Ngay Trong Kiếp Sống Nầy.
|