Tu Tâm & Tu Tướng
Chơn Ðức
--o0o--
 
Người ta thường nói:
            - Nhân bất khả mạo tướng
            Nghĩa là:
            - Chúng ta không thể đoán xét một người theo mặt mũi của họ.
Nhưng xét ra câu nói trên không hoàn toàn đúng. Vì theo như chúng ta đã biết, cá tánh của con người không ai giống ai, nhưng chúng ta cũng có thể đoán biết được tâm tánh, ước muốn của họ, biểu lộ trên khuôn mặt, tiếng nói, tiếng cười qua chỉ tay, bàn tay để biết để biết người sang hèn, phúc hậu. Như vậy, trên khuôn mặt hay tướng đi đứng  của mọi người đều có thể được coi là cơ sở phản ảnh nội tâm, trong đầu óc của chúng ta. Vì thế sự xét đoán nội tâm của mọi người qua tướng diện hay do những hành động cử chỉ, theo sự lập luận của các nhà tướng số cũng có phần lập luận theo khoa học của nó.
            Theo quan điểm của Phật giáo, chư Phật và chư Tổ cũng thường dạy:
- Tướng tự tâm sanh
Tướng tùng tâm diệt
Nghĩa là:
- Tướng do tâm mà sanh
Tướng cũng do tâm mà diệt.
            Và trong kinh Pháp Cú Đức Phật cũng đã từng dạy:
            - Trong các pháp tâm làm chủ, tâm dẫn đầu, tâm tạo tát tất cả, nếu ta nói, ta làm, ta nghe theo .... thì phước đi theo ta như bóng theo hình.
            Và ngược lại ......
            Trên cơ sở nhân nào quả nấy, do vậy chúng ta thấy nếu là người làm những việc thiện thì thân tướng người đó trang nghiêm tốt đẹp...  còn nếu đã tạo tác với những những nghiệp xấu ác tệ hại thì người đó có tướng nghèo đói khổ sở ... 
            Theo quan điểm của Phật Giáo, muốn thay đổi nghiệp là phải tu sửa tâm, vì tướng tự tâm sanh, nên khi sửa tâm thì nghiệp chuyển, mà nghiệp chuyển thì tướng cũng thay đổi. Do vậy khi nói về Tu Tâm và Tu Tướng  thì chúng ta phải hiểu rằng:
- Muốn có một thân tướng tốt đẹp, trang nghiêm rực rỡ thì chúng ta phải tu tâm.
Quả thật như vậy, trong đạo Phật có một rừng kinh điển, sách vở, để thích ứng cho đủ mọi căn cơ, trình độ, giới thiệu tất cả các pháp môn tu tập, trình bày các kinh nghiệm tu hành từ xưa đến nay, nhưng tất cả những kinh điển, sách vở đó đều nhằm mục đích duy nhất là:
- Khai m và chỉ bày cho tất cả mọi người thấy rõ cái bản tâm thanh tịnh của chính mình.
Nếu không ngộ được điều này, tức là chúng ta không sống được với bản tâm thanh tịnh, con người ấy tu tập dụng công phu có thể nhiều, nhưng thu lượm kết quả chẳng đuợc bao nhiêu.Người nào ngộ và nhập được bản tâm thanh tịnh, tức là đã chuyển nghiệp, đã giữ được tâm bình thường, là người thấy đạo, vào được đạo.Cho nên, Thiền sư Phổ Nguyện Nam Tuyền có dạy:
- Bình Thường Tâm Thị Ðạo.
Nói một cách khác, tất cả kinh điển giáo lý của đạo Phật có thể tóm gọn vào một chữ, đó là chữ Tâm.Do đó một người có khuynh hướng tu tâm là chúng ta phải nắm vững được chìa khóa quan trọng này. Một khi chúng ta có được chìa khóa quan trọng nầy rồi, thì chúng ta có thể mở toang được tất cả các cánh cửa của nhà Phật, thấu hiểu những lời dạy của chư Phật, chư vị Tổ sư trong các kinh điển, sách vở, cuối cùng mục đích thấy được con đường giác ngộ và giải thoát, để xây dựng đời sống hiện tại được an lạc và hạnh phúc chúng ta sẽ đạt được không khó.
Trong chiều hướng thực tập tu tâm và tu tướng, trước và trên hết là chúng ta phải biết tâm của chúng ta. Do vậy, chúng tôi xin được giới thiệu đến đại chúng những ghi nhận về Tâm, mà qua đó các kinh điển đã có ghi, và kinh nghiệm tu tập thực tế của các bậc tôn túc từ xưa cho đến nay để tiện việc tìm hiểu.Nội dung mỗi đề mục đều có công năng hướng dẫn chúng ta tu tâm để tìm lại bản tâm thanh tịnh. Trước hết là:
1- Khinh Hoa Nghiêm
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật có dạy:
- Nhứt thiết duy tâm tạo.
Nghĩa là:
- Mọi sự mọi việc đều do tâm tạo ra tất cả.
Theo quan điểm nầy, công đức cũng do tâm tạo, nghiệp chướng cũng bởi tại tâm.Đó chính là tâm sanh diệt, lăng xăng lộn xộn, thay đổi luôn luôn, thường do tham sân si chi phối, thúc đẩy, điều khiển, cho nên con người thường tạo nghiệp không lương thiện nhiều hơn là nghiệp thiện. Chúng ta đã thấu hiểu lý lẽ chân thật của cuộc đời là: Vô thường, không có gì tồn tại vĩnh viễn, không có gì là tự nhiên sanh ra mà không có nguyên nhân.
Luật nhân quả áp dụng trong ba thời: Quá khứ, hiện tại, vị lai, có sinh sự thì sự sinh cho nên người đời thường nói:
- Nhân nào thì quả nấy.
Gieo gió thì gặt bão
Đối với một người khi có vấn đề khó khăn, hướng tâm về sự cầu nguyện với tâm lăng xăn lộn xộn, thì chỉ đem lại sự bình an tâm trí tạm thời.Trong khi đó bình an thực sự chỉ có cho những người thiện tâm.Thiên đàng, địa ngục, tuy là hai tâm trạng khác nhau, nhưng thực sự, tất cả chỉ là các trạng thái ở trong tâm của chúng ta mà thôi.Bởi vậy tu tâm theo quan điểm nầy là:
            - Tội từ tâm khi đem tâm sám
            Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu
Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không
Ðó chính thực là chân sám hối.
Nói cách khác là:
- Tất cả những tội lỗi gây ra, đều do tâm chúng ta chủ động, thì phải thành tâm mà sám hối, tự trong thâm tâm của chính mình.
Từ đó, chúng ta phát nguyện không tái phạm, cho nên mỗi khi tâm tham, tâm sân, tâm si khởi lên, chúng ta liền biết ngay, dừng lại, không làm theo sự điều khiển, sai khiến của tham sân si, thì tội lỗi sẽ không còn tái phạm nữa.
Khi tội lỗi không còn, tâm sanh diệt cũng lặng mất, con người sống trong trạng thái tịch tịnh, bình yên của tâm trí.
Đó mới thực là sự sám hối tu tâm chân chánh.
2- Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có dạy:
- Tùy tâm biến hiện.
Nghĩa là:
- Mọi sự mọi việc trên thế gian này như thế nào, tốt hay xấu, lành hay dữ, đúng hay sai, phải hay quấy, được hay không, đều do vọng tâm của chúng ta biến hiện ra cả.
Quả thật như vậy, sự cảm thọ tùy theo tâm trạng, tùy theo cá nhân, không ai giống ai, không lúc nào giống với lúc nào, không thời nào giống với thời nào, không nơi nào giống với nơi nào.Cho nên thi hào Nguyễn Du có câu:
            - Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. 
Nghĩa là:
Cùng một cảnh vật như vậy, nếu có tâm sự buồn phiền áo não, chúng ta không thấy cảnh vui chút nào.Còn nếu chúng ta có tâm trạng hân hoan vui vẻ, dù cây khô trụi lá, cảnh vẫn đẹp vui như thường.
Cái tâm hân hoan vui vẻ là chúng ta, hay cái tâm buồn thảm lê thê cũng là chúng ta. Cho nên cùng một câu nói như vậy, nếu tâm an ổn, vui vẻ mát mẻ, chúng ta cũng cho là:
- Nói đúng nói phải
Trái lại, tâm đang bực bội, ai nói câu nào, chúng ta cũng cho là:
- Nói sai nói bậy, nói xiên nói xỏ, nói bóng nói gió, nói hành nói tỏi....
Đối với người thân, tâm ý chúng ta thương yêu quý mến, mặc dù chưa chắc lúc nào cũng tốt như chúng ta tưởng.Còn như đối với kẻ thù người oán, tâm ý mình không tốt, sẵn sàng gây phiền não khổ đau cho họ.Hơn nữa, họ càng khổ đau nhiều chừng nào, thì mình càng khoái chừng đó! Vì là do tâm biến hiện cho nên một cụ thể khác, chẳng hạn như là:
- Nếu chúng ta đang cần sự giúp đỡ khẩn cấp, khi gặp tai biến, thì viên cảnh sát chính là ân nhân.Còn nếu chúng ta đang vi phạm luật pháp, làm chuyện mờ ám, làm ăn phi pháp, thì bóng dáng viên cảnh sát thực chẳng đáng ưa chút nào cả.
Cùng một câu chuyện, chúng ta ưa thích thì cho là đúng, ngược lại không ưa liền cho là sai.Cái tâm sanh diệt, lăng xăng lộn xộn, thay đổi bất thường như vậy, thực không phải là chúng ta. Cho nên chúng ta cũng nên thường đánh giá lại tâm của chúng ta coi chúng ta là người:
- Có tâm thực tốt, hay tâm không tốt.
3- Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật có dạy:
            - Nhất niệm sân tâm khi,
            Bách vạn chướng môn khai.
Nghĩa là:
- Một khi tâm niệm tức giận, sân hận khi lên mà chúng ta không tự kềm chế, không tự khắc phục,
Thì biết bao nhiêu, trăm ngàn vạn chuyện khó khăn, đau khổ, chướng ngại tiếp nối theo sau đó.
Quả thật như vậy, khi tâm si nổi lên, tức là chúng ta đang sống trong cảnh giới vô minh, rất dễ lầm đường lạc nẽo, mê tín dị đoan, rất dễ dàng tạo tội tạo nghiệp bằng cách:
- Hãm hại trả thù, lập mưu tính kế, vu khống cáo gian, thưa gửi kiện tụng....
Nghĩa là không cần biết hậu quả khổ đau đối với các người khác và gia đình họ như thế nào, và hậu quả nghiệp báo của chúng ta ra sao, chúng ta chỉ cần thỏa mãn cái sự căm tức của mình là đủ.
Những giây phút ngu si, lầm lẫn thường là nguyên nhân của những sự hối tiếc, đau khổ sau đó, cho mình và cho người khác, có khi kéo dài triền miên suốt cả cuộc đời.
Bởi vậy cho nên, phải dẹp trừ tận gốc các tâm tham sân si, trong kinh sách gọi đó là: Tam độc, chúng ta thoát ly tam giới gia, cuộc sống mới an lạc và hạnh phúc.
4- Trong Kinh Đại Tập, Đức Phật có dạy:
            - Nếu thường xuyên giữ được chánh niệm, tâm không loạn động, dứt trừ được phiền não, thì chẳng bao lâu đắc thành quả vô thượng bồ đề.
Người tu tập phải luôn luôn quán sát tâm chính mình, luôn luôn giữ gìn chánh niệm, luôn luôn niệm Phật, khi vọng tâm vọng tưởng vọng thức vọng niệm khởi lên, liền biết, không theo.Nhờ đó tâm được an nhiên tự tại, không loạn động, dứt trừ được phiền não, gọi là: nhứt tâm bất loạn.Nhờ công phu tu tập đó, chẳng bao lâu đắc thành quả vô thượng bồ đề.Khi lâm chung giữ được tâm không điên đảo, cho nên được vãng sanh cảnh giới tịnh độ.
Muốn làm được điều này, muốn giữ được tâm trí nhứt như không loạn động, con người phải thấu hiểu và thực hành quán tứ niệm xứ, gồm có: thân, thọ, tâm, pháp.
a- Quán thân bất tịnh, nghĩa là quán tưởng tấm thân mấy chục ký lô của mình chỉ là một tập hợp những thứ không sạch, được bọc bên ngoài bởi lớp da cũng chẳng mấy gì sạch sẽ cho lắm, con người thấy rõ: tấm thân này không phải là mình, cho nên đừng nên bận tâm chuyện còn hay mất.Nghĩa là khi sống đừng quá chăm sóc và nuông chìu, khi chết đừng bận tâm chuyện đem chôn hay đem thiêu.
b- Quán thọ thị khổ, nghĩa là quán tưởng sự cảm thọ, thọ nhận là khổ, con người thấy rõ: Càng chấp chặt chuyện đời, chuyện thị phi phải quấy, càng thọ nhận nhiều cảm giác, càng đau khổ nhiều.Cho nên ai nói điều gì không đúng chánh pháp, thì cho qua luôn, đừng nhớ làm chi vô ích, đừng nghĩ suy gì cả.Nói vắn tắt là: Thọ nhiều thì khổ nhiều, chấp nhiều thì mệt nhiều.Buông xả thì thanh thản, tha thứ thì thư thái.
c- Quán tâm vô thường, nghĩa là quán tưởng cái tâm nhỏ hẹp của mình luôn luôn thay đổi, sanh diệt liên miên, mới nghĩ thế này liền nghĩ thế khác, lúc thương yêu đắm đuối lúc thù hận ngập tràn, lúc thân lúc thù, lúc vui lúc buồn, lúc thương lúc ghét, lúc hiền lành lúc gian tà. Tâm của chúng ta luôn luôn dính với cảnh trần bên ngoài.Cảnh trần bên ngoài đẹp mắt, vừa tai, thuận ý, thì sanh tâm vui thích.Cảnh trần bên ngoài chói tai gai mắt, nghịch ý, thì sanh tâm tức tối.Nếu cứ theo sự sai khiến của cái tâm vô thường như vậy, thì cuối cùng chúng ta tạo tác không biết bao nhiêu nghiệp chướng, và dẫn tới cảnh trôi lăn, trầm luân trong sinh tử không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp!
d- Quán pháp vô ngã, nghĩa là quán tưởng các pháp trên thế gian này đều không có bản thể nhứt định, gọi là: Vô ngã.Các pháp, tức là tất cả sự sự vật vật trên đời, không có cái gì cố định, không phải tự nhiên sanh ra, không phải tự nhiên diệt đi.Tất cả chỉ là một dòng chuyển biến không ngừng.Con người thấy đó mất đó.Chuyện gì rồi cũng đổi thay, rồi cũng qua mau. Đừng phí sức, đừng bận tâm với các pháp sanh diệt của thế gian.
Bốn pháp quán nầy nhẵm mục đích hổ trợ cho chúng ta trong việc nhận định tâm của chúng và hướng dẫn cho đúng đường.
5- Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:
            - Chư pháp tùng nhân duyên sanh.
            Chư pháp tùng nhân duyên diệt.
Nghĩa là:
- Muôn sự muôn vật trên đời tùy theo nhân duyên mà sanh ra,
Cũng tùy theo nhân duyên mà diệt đi.Không có việc gì, vật gì, có thực tướng, tồn tại vĩnh viễn.
Từ đó chúng ta nên có ý thức, một khi có người chửi chúng ta, là vì do chúng ta gây nghiệp bất thiện cảm của chúng ta với người.Một khi chúng ta biết như vậy, nếu có bị người ta chửi, thì cứ để cho họ chửi, chửi mãi mỏi miệng thì cũng ngưng thôi, tức giận làm chi cho mệt! Đừng nên đưa cái bản ngã của mình, tức là cái tôi, cái ta, của chúng ta ra hứng những ngọn lửa của thế gian, thì mình đâu có bị đốt cháy, đâu có bị nhiệt não, đâu có bị khổ tâm, đâu có bị ngày ăn không ngon, tối ngủ chẳng yên.Ngọn lửa không thể đốt hư không được, sẽ tự dập tắt thôi.Vô ngã đơn giản là như vậy đó, an lạc là như vậy đó!
6- Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm và Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có dạy:
            - Sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền.
            Sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc.
Nghĩa là:
- Khi nào các tâm sanh diệt, tức là tâm tham sân si, nổi lên rồi lắng xuống, sanh khi rồi diệt đi, không còn nữa, thì tâm trí bình yên lặng lẽ, không xáo trộn.
Một khi đã không bị xáo trộn, tức là cảnh giới an lạc, niết bàn tự tại, hiện ngay trước mặt.
Nói cách khác, khi tâm trạng bất an vì những niệm sanh diệt, gọi là: Tâm chúng sanh.Tâm chúng sanh diệt rồi, không còn lăng xăng lộn xộn nữa, trở nên tâm không tịch, trống không và tịch tịnh, hoàn toàn thanh tịnh, thì gọi là bản tâm thanh tịnh, hay tâm bình thường, chính là tâm Phật.
Điều này thực dễ hiểu, ví như khi cặn cáu lắng xuống hết, ly nước đục trở thành ly nước trong. Mặt biển sóng động trở thành mặt biển thái bình. Tâm loạn động trở thành tâm thanh tịnh.Không cần phải tìm tâm Phật đâu xa.Nhưng thực hiện được điều này là cả một đời tu tập, tu tâm dưỡng tánh, giữ gìn giới luật, lánh dữ làm lành, quán sát tâm ý một cách tích cực mới được.Để thực hiện đều nầy, chúng ta có thể hành trì tất cả các pháp môn, pháp môn nào chúng ta thích hợp với căn cơ của chúng ta là được. Do vậy, dù là thiền tông, tịnh độ tông, hay mật tông.... Nghĩa là: thiền quán, tọa thiền, thiền hành, tứ oai nghi thiền, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, cho đến mức rốt ráo, đạt được trạng thái: Nhứt tâm bất loạn là chúng ta đã cột trói cái tâm loạn động của chúng ta.
7- Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có dạy:
- Căn bản của sanh tử luân hồi là: Vọng tâm.
Căn bản của bồ đề niết bàn là: Chân tâm.
Nghĩa là:
- Căn bản sanh tử luân hồi là do vọng tâm
Căn bản trí giác niết bàn là chân tâm.
Quả thật như vậy, chúng sanh sở dĩ bị trầm luân sanh tử, bởi vì suốt ngày này qua ngày nọ, luôn luôn sống với vọng tâm, tức là tâm lăng xăng lộn xộn, luôn luôn thay đổi, khi vui khi buồn, khi thương khi ghét, khi khen khi chê, khi tán thán khi phê phán.Muốn tâm trí sáng suốt thanh tịnh, an nhiên tự tại, chúng ta cần quán sát tâm chính mình: Khi các vọng tâm nổi lên, chúng ta liền biết, không theo, như vậy vọng tâm lắng xuống, diệt mất, chân tâm hiện ra rõ ràng.
Bản tâm thanh tịnh, hay chân tâm bất sanh bất diệt, không sanh không diệt, thường hằng, vĩnh viễn, luôn luôn hiện hữu.Chỉ có vọng tâm: Tham lam, sân hận, si mê, mới có sanh và diệt, mà thôi.Chẳng hạn như khi gặp chuyện bất như ý, tâm liền khởi sanh bực tức oán giận.Lúc đó, chúng ta quên mất bản tâm thanh tịnh của mình, tức là quên mất mình là ai, chỉ biết tức giận.Lâu sau nguôi dần, tâm trở lại trạng thái bình thường, tâm sân hận diệt đi, không còn nữa.Sanh diệt có nghĩa là như vậy.
Chân tâm, tức là bản tâm thanh tịnh mà người nào cũng có, không phân biệt tôn giáo, nam nữ, màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, học thức, giàu nghèo, địa phương, quốc gia, thời gian hay không gian.Giáo lý của đạo Phật cao siêu mầu nhiệm ở chỗ chỉ bày rõ ràng chân lý không phân biệt, không kỳ thị, tất cả mọi người đều có thể hiểu một cách rõ ràng.
Muốn làm được điều này, muốn chân tâm hiển hiện, chúng ta cần phải thấu hiểu và tu tập bốn tâm rộng lớn, trong kinh sách gọi là tứ vô lượng tâm, đó chính là:
- Từ, bi, hỷ, xả.
Khi có tâm từ và tâm bi, chúng ta sẽ dễ cảm thông với muôn loài, nhứt là với loài người, với những người chung quanh, những người gần chúng ta nhất như cha mẹ, vợ chồng, con cháu, xa hơn như bà con, láng giềng, bạn bè.Do đó tâm giận tức, tâm sân hận có thể giảm bớt, nhẹ bớt đi. Khi có tâm hỷ và tâm xả, chúng ta sẽ bớt được các tâm ganh tị, tâm đố kỵ, tâm hơn thua, tâm cố chấp.Cho đến khi nào Bốn Tâm Vô Lượng tròn đầy, vọng tâm tan biến, tâm ý trở nên an nhiên tự tại, chân tâm hiển hiện.
Điều đáng quan trọng không phải là vọng tâm thay đổi bất chợt, bất thường nói trên, mà chính là cái chân tâm, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, của tất cả chúng ta vậy.
Hiểu được, nhận được: Thế nào là chân tâm, chính là mục đích cứu kính của đạo Phật.
8- Trong Kinh Viên Giác, Đức Phật có dạy:
            - Con người vì vô minh cho nên có hai thứ chấp: Chấp ngã và chấp pháp.
            Đó là hai nguyên nhân chính gây ra phiền não và khổ đau của cuộc đời. Khi nào hiểu được một cách rõ ràng và phá trừ được hai nguyên nhân chính gây ra khổ đau này, chúng ta sẽ tìm được an lạc và hạnh phúc thực sự, ngay trong cuộc sống hiện tại.
Chấp ngã có nghĩa là:
Con người thường chấp cái sắc thân giả tạm và cái vọng tâm vô thường, trong kinh sách gọi chung là: Năm uẩn, lại cho là thực, lại tưởng chính là mình, cho nên mới phiền não và khổ đau.Cái sắc thân giả tạm nặng mấy chục ký lô này của con người bao gồm bảy thứ: Đất, nước, gió, lửa, không đại, kiến đại, và thức đại trong kinh sách gọi đó là: thân bảy đại, không phải là thực. Bởi vì nếu sắc thân bảy đại này thực là của con người, thì nó phải tuân lệnh và tùy thuộc quyền xử dụng của con người.Con người ai ai cũng muốn cái thân bảy đại này trẻ mãi không già, khỏe mãi không đau, còn mãi không hoại.Nhưng, từ xưa đến nay, từ đông sang tây, từ giàu sang đến nghèo hèn, từ học thức cho đến bình dân, chúng ta chưa thấy có có người nào được toại nguyện như mình mong muốn. Vậy mà ai động đến nó, chúng ta liền nổi xung, nhứt định ăn thua đủ, nhứt định vác đơn kiện, nhứt định đòi bồi thường, nhứt định hành hung cho hả giận cho đã nư, không thể nhịn nổi. Hành động như vậy chỉ nhằm bảo vệ cái thân bảy đại vốn giả tạm, vốn không thực này, để rồi một ngày kia, dù muốn hay không, mọi người đều phải bỏ lại, để đi sang thế giới khác, để tái sinh kiếp khác, với cả một đống nghiệp báo chồng chất.
Sắc thân bảy đại mấy chục ký lô thì là như vậy, còn cái vọng tâm thì lăng xăng lộn xộn, thay đổi liên miên.Con người bị khổ đau nhiều đời nhiều kiếp, bởi vì, chấp lầm vọng tâm lăng xăng lộn xộn, thay đổi liên miên, cho đó là mình, rồi nương theo đó, chợt vui chợt buồn, chợt cười chợt khóc, suốt ngày suốt đêm, suốt tháng suốt năm, suốt cả đời này, và những đời sau!Vọng tâm gồm có:
- Tâm thọ, tâm tưởng, tâm hành, tâm thức.
Cái tâm nghĩ suy, tính toán hơn thua, lăng xăng lộn xộn, suốt ngày suốt đêm, lúc sanh lúc diệt, không phải thực là chúng ta, đó chỉ là vọng tâm.Xét thấy năm uẩn đều không, sắc tướng và vọng tâm đều không thực, con người phá được sự quan trọng của bản ngã, dẹp được tự ái, thoát được phiền não, không còn khổ đau, cho nên tâm trí an nhiên tự tại.Đó là giáo lý vô ngã của đạo Phật.
Chấp pháp nghĩa là:
Đối với tất cả các pháp trên đời, bao gồm mọi sự mọi việc thế gian, con người chấp chặt ý kiến cá nhân, thành tích khả năng, suy nghĩ hiểu biết, kiến thức sở học, kinh nghiệm bản thân, không muốn thay đổi, không muốn cải thiện, không muốn sửa chữa, không muốn chuyển hóa, không muốn nghe ai, vì vậy có người còn bịt cả hai tai, chỉ mở cái miệng để nói.Thậm chí biết rằng mình đã nghĩ sai, làm sai nói sai, tin bậy hiểu lầm, cũng vẫn chấp chặt không thay đổi.
Đời người chẳng qua chỉ là hơi thở, khi thở hơi ra mà chẳng hít vào được nữa thì sinh mạng chúng ta không còn. Đời người chỉ là tạm vay mượn đất, nước, gió, lửa .... từ bên ngoài, để bồi bổ cho đất, nước, gió, lửa ... bên trong thân, từng ngày từng giờ, từng phút từng giây.Khi không vay mượn nữa, con người không tồn tại được.Chỉ vì cuộc sống quay cuồng, con người mãi lo kiếm tiền, bận lo hưởng thụ, bo bo giữ gìn của cải, mặt mũi, danh vọng hão huyền, vì vậy có người lúc nào cũng tưởng:
- Đời còn dài, tương lai còn rộng
Vì nghĩ đời còn dài, tuơng lai còn rộng cho nên hơn thua từng câu từng lời, kiếm chuyện đấu tranh, chiếm đoạt tài sản, danh lợi phù du, giành giựt miếng ăn ... Chỉ biết lợi mình, bất kể hại người, đem lại khổ đau, cho bao người khác.Bởi vậy chính mình cũng chịu đau khổ phiền não, tâm trí luôn luôn bất an.
9- Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có dạy:
- Tất cả chúng sinh đều có bản tâm thanh tịnh.
Chúng sinh chẳng nhận thấy được, vì bị vô minh che lấp.
Nghĩa là:
- Con người ai ai cũng có bản tâm thanh tịnh, cũng như mặt trời mặt trăng luôn luôn sáng tỏ. Chỉ vì tâm tham lam của cải tiền bạc, hoặc vì tâm sân hận tự ái cao độ, hoặc vì tâm si mê cố chấp, ví như mây đen che lấp mặt trời mặt trăng, cho nên con người mới tạo tội tạo nghiệp đó là vô minh.
Vô minh làm cho tâm trí loạn động, thường xuyên bất an, điên đảo loạn cuồng, để rồi trôi lăn vào vòng sanh tử luân hồi, đã muôn kiếp trước, và sẽ tiếp tục trôi lăn muôn kiếp về sau, nếu như không chịu dừng nghiệp và chuyển nghiệp.
Do vậy, với số tiền nho nhỏ, quyền lợi không đáng kể, con người còn có thể tỉnh thức, dừng được nghiệp, dẹp tâm tham, không thưa kiện người khác, không gây não loạn cho người, và gia đình của họ.Nhưng khi kiện thưa đòi tiền bồi thường vài triệu đô la, con người thành ma, tối tăm mặt mũi, liều mạng đưa chân, hết biết lẽ phải. Mãnh lực của đồng tiền và danh vọng quả thực là vạn năng, đã lôi kéo không biết bao nhiêu chúng sanh u mê, vào vòng tội nghiệp, từ xưa đến nay!Chính vì biết mà cố phạm, nghiệp thức che đậy, vô minh che lấp, con người không thấy được thế giới chư Phật trang nghiêm, bản tâm thanh tịnh.
Chúng ta là người tỉnh thức, đang tu học chánh pháp, đang muốn trở về nguồn cội, đang muốn chuyển hóa cuộc đời của mình, đang muốn thoát ly sanh tử luân hồi, càng phải nên hết sức cẩn trọng, cẩn trọng và cẩn trọng!
            10- Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy:
            - Quá khứ tâm bất khả đắc,
            Hiện tại tâm bất khả đắc,
Vị lai tâm bất khả đắc.
Nghĩa là:
- Quá khứ đã qua rồi
Hiện tại luôn luôn trôi chảy
Tương lai thì chưa đến.  
Chuyện quá khứ qua rồi đừng luyến tiếc, đừng nhớ nghĩ làm gì cho bận tâm, chỉ gieo thêm nghiệp chướng chứ chẳng ích lợi gì.Muốn làm được điều này, ở trong gia đình hay ngoài xã hội, chúng ta cần phải có tâm vị tha, độ lượng, biết tha thứ, biết cảm thông, nói chung là tâm từ bi.Chuyện hiện tại rồi cũng qua mau, cố níu kéo cũng chẳng được, có lo âu phiền muộn cũng chẳng ích lợi gì.Chuyện tương lai chưa đến, lo lắng, ưu tư, sầu muộn cũng chẳng ích lợi gì. Chi bằng chúng ta giữ gìn tâm trí được như như, bình tĩnh, thản nhiên, có phải khỏe hơn không? Chuyện gì phải tới nó sẽ tới, lo sợ cũng chẳng ngăn cản được đâu.Đó chính là nghiệp quả, nghiệp báo, còn gọi là: quả báo.
Hiểu sâu được luật nhân quả, chúng ta sẽ bình tĩnh thản nhiên chấp nhận quả báo xảy đến.Nếu không muốn có quả báo xấu, chúng ta phải chấm dứt gây nghiệp nhân xấu, tức là chấm dứt tâm tham sân si, tức là chúng ta tu tâm có nghĩa là chúng ta đã dừng ba nghiệp: Thân miệng, ý không lương thiện.Trong kinh sách gọi là:
- Dừng nghiệp và chuyển nghiệp. 
Tóm lại, trên cuộc đời này, dù giàu sang hay nghèo khó, dù trí thức hay bình dân, dù là già trẻ, trai gái, màu da chủng tộc nào đi nữa,  nói chung bất cứ người nào cũng có hai thứ bệnh: Thân bệnh và tâm bệnh.Đối với thân bệnh, chẳng hạn như đau răng, nhức đầu, sổ mũi, cảm cúm, đau tim gan ty phế thận, con người cần tới khả năng trị bệnh của các vị thầy thuốc, dù đông y hay tây y cũng được.Để phòng ngừa thân bệnh, có những phương pháp tập thể dục, những cách dưỡng sinh khoa học, những chế độ ăn uống thích ứng với từng lứa tuổi, và tình trạng sức khỏe cá nhân ...Còn đối với tâm bệnh, chẳng hạn như tâm tham, sân, si, tâm ganh tị, đố kỵ, tâm hơn thua phải quấy, tâm thành kiến cố chấp, tâm lo âu sợ sệt, tâm loạn động bất an, con người cần phải tìm hiểu chánh pháp và áp dụng trong đời sống hằng ngày để tu để chuyển nghiệp.
Trong hai loại bệnh nầy chúng ta thấy tâm bệnh là quan trọng hơn cả, vì một khi tham, sân, si nổi dậy thì nó có khả năng đưa đẩy chúng ta vào con đường sanh tử luân hồi đời đời kiếp, do vậy muốn chuyển nghiệp thức xấu thành tốt, dở thành hay, chúng ta phải tích cực trau luyện tâm chúng ta cho thuần thục. Đức Phật là bậc toàn giác, trí tuệ sáng ngời, phước báu vô biên,nhưng dầu sao đi nữa Ngài cũng thị hiện thân bệnh để hướng dẫn chúng sanh, nhưng không có tâm bệnh, không phiền não và khổ đau, tâm trí vẫn an nhiên tự tại, trong mọi hoàn cảnh.Nói một cách khác: Đức Phật không có tâm bệnh, nhưng bất cứ ai sống trên đời này, còn mang thân xác con người, là còn khổ vì thân bệnh, và tâm bệnh nếu không giác ngộ được chân lý vi diệu nhiệm mầu.Trước khi kết thúc, xin nhắc đến một thí dụ:
            - Khi đứng trong một căn phòng, nếu chúng ta cầm đèn rọi ra bên ngoài, thì chúng ta sẽ thấy rõ, và biết rõ cảnh vật bên ngoài, còn bên trong căn phòng thì tối thui.Ngược lại, khi chúng ta xoay ngọn đèn vào bên trong căn phòng, dĩ nhiên căn phòng sáng tỏ một cách rõ ràng, và chúng ta có thể thấy mọi thứ đồ đạc trong căn phòng.
Cũng vậy, khi phóng tâm quán sát bên ngoài, chúng ta có thể phê phán người này đúng, người kia sai, chuyện này phải, chuyện kia quấy.Chúng ta cũng có thể biết chuyện khắp năm châu bốn biển, chuyện thời sự khắp thế giới, muôn sự mọi việc bên ngoài đều biết rõ ràng rành mạch.Trái lại, chuyện bên trong tâm tư của chúng ta thì chính mình mù tịt, không biết gì hết.
Trong chiều hướng tu tâm và tu tướng, chúng ta là Phật tử, chúng ta một khi đã được chư Phật, chư tổ, chư tôn đức hướng dẫn và chỉ cái nguy hiểm của vọng tậm và sự khủng bố của thực nghiệp, chúng ta phải mau mau trở về với nguồn tâm thanh tịnh để nhận biết thực sự chúng ta là ai. Chúng ta thực sự đang muốn gì.Chúng ta thực sự sống trên đời để làm gì, và sau này sẽ đi về đâu, khi mà chúng ta vẫn cứ tạo tội tạo nghiệp hằng ngày.
Ý tức nầy sẽ giúp chúng ta ghi nhận toàn bộ ý thức thuộc về nội tâm, chúng ta sẽ biết được cái tâm ý điên đảo đảo điên, cái vọng tưởng lăng xăng lộn xộn, tạo tội tạo nghiệp này, là nguyên nhân chính dẫn chúng ta vào vòng sanh tử luân hồi.Một khi mà chúng ta đã làm chủ được tình hình của tâm chúng ta, thì chúng ta đã tu tâm đến chỗ thành tựu tốt đẹp. Tâm một khi đã thuần thục thì tướng cũng là phước tướng trang nghiêm. Xin mượn bài kệ của một vị thiền sư gởi đến đại chúng, để gọi là hành trang hỗ trợ đại chúng trên con đường tu tâm sửa tướng:
- Tam điểm như tinh tượng
Hoành câu tợ nguyệt tà
Phi mao tùng thử đắc
Tố Phật giả do tha
 
Tài Liệu Tham Khảo
- Phật Giáo Thánh Kinh
- Bước Ðầu Học Phật
- Thiền Ðạo Tu Tập
- Phật Lý Căn Bản
-- o0o --