-
Nhân Sự Của Ðạo Phật
-
Chơn Ðức
-
--o0o--
-
-
Như chúng ta đã biết, Ðạo Phật vào Việt Nam rất sớm, có thể
nói từ thời Hùng Vương cho đến bây giờ. Dòng sinh mệnh của văn
hoá Việt Nam là dòng sinh mệnh của Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam.
Qua các thời đại cực thịnh như Ðinh, Lê, Lý, Trần ... Phật
Giáo luôn có mặt trong các guồng máy chính quyền để tiếp tay
xây dựng đất nước, bảo vệ quê hương.
-
Sự có mặt của Phật Giáo chẳng những giúp Vua chúa có một đường
lối chính trị sáng suốt mà còn hướng dẫn dân tộc tiến cao trên
đường văn minh đạo đức. Những vị Thiền Sư trong thời ấy, chẳng
những thâm đạt về đạo lý giải thoát mà còn thấu hiểu cách tổ
chức xã hội, đem lại an lạc thực tế cho dân tộc. Vì thế các
ngành văn hóa, học thuật... đều do các Thiền Sư đảm trách. Sự
vẻ vang oai hùng của đất nước nằm trong sự hưng thạnh của Phật
Giáo thời ấy. Ðến đời Vua Lý Nhân Tôn vì muốn văn hóa Việt Nam
thêm phong phú, nhà vua cho mở khoa thi Tam Giáo để tuyển chọn
nhân tài. Khoa thi đầu tiên được mở năm thứ sáu niên hiệu Hội
Phong 1097 T. L. người chiếm thủ khoa là Thiền Sư Viên Thông,
sau được phong làm Quốc Sư. Cũng từ đó Nho, và Lão giáo có cơ
hội tiến bộ, và tư tưởng Tam Giáo đồng nguyên dần dần phát
đạt. Tuy vậy mãi đến đời Trần tư tưởng Tam Giáo đồng nguyên
mới cực thịnh.
-
Cuối đời Trần, những người giỏi Nho được bổ dụng làm quan.
Cũng từ đó trong chính trường, giới Nho sĩ dần dần chiếm ưu
thế. Và lúc đó Giới Nho sĩ cho Phật Giáo là yếm thế, không đủ
điều kiện xây dựng một xã hội hùng mạnh, vì không muốn tranh
dành cho nên các vị vị Thiền Sư dần dần ra khỏi chính trường
và từ tư rút về sống nơi miền thôn dã, hoà mình trong cuộc
sống của đại chúng.
-
Chúng ta thấy lúc Phật Giáo thịnh, nắm chính quyền đối với Nho
Giáo, và Lão Giáo như là những người bạn tốt, vẫn luôn luôn
nâng đỡ và vẫn được quý trọng như nhau. Nhưng ngược lại, khi
Nho-Lão, thịnh đạt thì Phật Giáo lại bị kỳ thị, chỉ trích. Sự
kiện những nhà nho cực đoan chỉ trích, cho rằng:
-
- Ðạo Phật là đạo mê tín dị đoan
-
- Là bi quan yếm thế
-
- Là đạo của ông già bà cả ...
-
Họ viết thành sách để phổ biến trong nhân dân. Cho tới bây
giờ, thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy có những tác phẩm có tính
cách bôi bác, bêu xấu Phật Giáo vẫn còn. Và từ đó truyền miệng
trong nhân gian cho tới ngày nay. Bản tính của con người,
thường thường có thói quen, xưa nói nay nghe, xưa bày nay làm.
Vì thế những lời mạ lỵ, cáo buộc, kết án của những nhà nho cực
đoan đó cứ tiếp tục lưu truyền trong cuộc sống nhân gian. Vì
thế đối với quần chúng việt nam, và ngay cả những người được
coi là Phật Tử nhưng chưa có hoặc không có điều kiện học hỏi
giáo lý vẫn cứ quen theo sự xuyên tạc của Nho và Lão Giáo,
cũng cho rằng Ðạo Phật là đạo chỉ dành riêng cho:
-
- Các bậc già nua tuổi tác, nhờ câu kinh tiếng kệ an ủi những
ngày tàn.
-
- Cho những kẻ bị tình đời đem bạc
-
- Hay người đã mấy phen vấp ngã trên bước đường công danh quay
về nương tựa cửa Thiền, nhờ giọt nước cành dương rưới dịu đôi
phần sầu hận,
-
- Hoặc những người đau ốm bệnh tật sống thừa thải ngoài xã hội
về núp bóng từ bi, nhờ hột cơm manh áo của đàn na tín thí để
đở phần cơ cực...
-
- Hoặc những người bị tình phụ...
-
Quan niệm ấy đã in sâu trong tâm não dân chúng, nên khi thấy
một thanh niên cạo tóc xuất gia, hoặc đến chùa lễ Phật thì họ
xì xầm cho là chán đời, là bi quan là trốn nợ xã hội. Nhưng họ
quên rằng đạo Phật là đạo Từ Bi, với chất liệu Từ Bi không cho
phép chúng ta tôn sùng, hay ghét bỏ kỳ thị bất cứ hạng người
nào trong xã hội, mà phải coi và đối xử nhau như tình anh em.
Thật sự, đạo Phật đến với bất cứ lứa tuổi nào cũng thích hợp,
nhưng là đạo của tình thương trong đường hướng tự lợi, lợi
tha, cho nên một trong những hạng người mà Đạo Phật dang tay
ôm vào lòng để biến cải chuyển hóa cuộc đời của họ đó là các
bạn trẻ, là lớp tuổi đang tràn dâng nhựa sống và là những tâm
hồn tha thiết yêu đời, mến đạo.
-
Sự thật, mặc dầu Phật Giáo bị Nho Lão phản bội, ngược đãi
nhưng Phật Giáo không vì vậy mà buồn phiền. Nếu có lúc Phật
Giáo đã đóng một vai trò chủ yếu trong chính trường, cũng
không lấy làm vinh dự, thì khi bị xã hội ngược đãi cũng không
có gì để phải buồn phiền mà Phật Giáo còn coi đó là cơ hội để
sống gần gủi với đồng bào trong thôn dã. Chính trong cuộc sống
nơi miền thôn dã đó đã gieo rắc một tiềm lực hùng hậu trong
toàn dân.
-
Nơi đây chúng tôi cũng xin chia xẻ với đại chúng, khi còn ở
Việt Nam vào những năm trước năm 1975, lúc đó chúng tôi còn là
học sinh, vì muốn kiếm thêm tiền để mua sách vở, cho nên vào
những dịp nghỉ hè, lợi dụng cơ hội đó chúng tôi thường lãnh
lịch để đi bán. Lúc đi về miền quê, gõ cửa nhà nào cũng thấy
có thờ Phật. Có những gia đình nghèo quá không có tượng Phật,
mà cũng không có một hình Phật cho tốt đẹp, nhưng với lòng chí
thành, chí kính của người Phật Tử thuần đạo, họ dùng giấy bì
nhang có hình Phật để thờ, cúng lễ lạy. Ngay cả bây giờ cũng
vậy, vào năm 1998, tôi có về Việt Nam lúc bà thân chúng tôi
qua đời, có dịp tôi thăm lại một số Phật Tử ở những nơi miền
thôn dã, hình ảnh đó lại hiện ra trước mắt chúng tôi. Mặc dầu
đứng trước hoàn cảnh nghèo của Phật Tử, nhưng chúng tôi cảm
thấy vui khi thấy tìm lực của đạo Phật ẩn hiện khắp đó đây
trên mọi nẻo đường đất nước.
-
Với sự ngược đãi, khinh thường của Nho Lão đã sản xuất ra
những lời mĩa mai trắng trợn như, chế nhạo các cô, các bà mà
xuất gia thì họ bảo:
-
- Nhưng tín nữ đi tu làm sao cho thành chánh quả
-
Bởi làn phấn son còn in rõ trên đôi má phong trần.
-
Hoặc là đối với những người đã không toại ý trên đường công
danh thì họ lại có cái cười chế nhạo:
-
- Sở dĩ bần tăng đi tu đây là vì ba mươi lăm năm sương gió
-
Cõi trần ai còn lỡ dỡ mộng công hầu ...
-
Hoặc là đối với những người thất tình thì:
-
- Về đi nàng hãy về đi
-
Cửa chùa đã khép kín rồi
-
Nàng về nối lại cuộc đời dỡ dang
-
Quên đi cánh bướm bên đàng
-
Ðể tôi tròn đạo cho nàng tròn duyên.
-
Và còn nhiều sự chế nhạo khác, độc đáo hơn. Tuy nhiên với sự
chế nhạo như vậy, nhưng đối với các thầy, các cô không vì vậy
mà khó chịu, trái lại, vẫn coi đó là chuyện bình thường, mĩm
cười cho tâm tánh hẹp hòi của nhân thế, có khi các Thầy, các
Cô cũng dùng đó để đùa cợt những huynh đệ của mình trong việc
cùng nhau sách tấn trên bước đường tu học.
-
Như có lần chúng tôi nói đạo Phật luôn luôn thích hợp với mọi
người, nhưng nhân sự thích hợp nhất vẫn là tuổi trẻ. Nói thế
không phải là cố tình đặt để, hoặc cưỡng ép để cho Ðạo Phật
gần với tuổi trẻ, mà thực tính của đạo Phật rất thích hợp với
các bạn trẻ. Bởi vì trong bất cứ người bạn trẻ nào cũng có cái
tinh thần:
-
- Thanh tịnh
-
- Chân thật
-
- Từ bi
-
- Tinh Tấn
-
- Trí Tuệ
-
1- Thanh Tịnh:
-
Tinh thần của Phật Giáo, và sự có mặt của Phật Giáo trong xã
hội là cốt đào luyện tâm hồn người hoàn toàn thanh tịnh, muốn
cho tâm hồn lành mạnh, thanh tịnh thì phải loại bỏ những tánh
hư tật xấu, trong đó những điểm then chốt là chúng ta phải
loại bỏ đó là:
-
- Tham lam,
-
- Sân hận,
-
- Si mê,
-
- Oán thù.
-
Những đức tánh nầy, ngày nào còn trú ẩn trong tâm của chúng
ta, thì ngày đó chúng ta sẽ không bao giờ yên ổn. Không yên ổn
cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Bản tánh nầy có khi còn
thiếu niên, một khi ra khỏi nhà cha mẹ, bắt tay vào việc mưu
sinh, cạnh tranh, chiến đấu với đời, từ đó những tánh xấu tham
lam, sân hận cũng bắt đầu sinh khởi... Và càng ngày tập khí
nhiễm ô càng sâu đến đen tối cả tâm hồn. Lúc đó bụi bặm của
cuộc đời đã bám đen tâm trí, và trở thành cái tập khí xấu muốn
gột rửa nó không phải là chuyện dễ. Trái lại tuổi niên thiếu
tâm hồn còn trong trắng, những tánh hư tật xấu có thể có nhưng
không nhiều, nếu chúng ta sớm hiểu biết, thức tỉnh quyết tâm
tẩy trừ thì rất dễ dàng. Vì thế tuổi trẻ của những người bạn
trẻ rất thích hợp với đức thanh tịnh của đạo Phật.
-
2- Chân Thật:
-
Chủ trương của lời Phật dạy cho bất cứ những ai thực hành đạo
của Ngài cần phải xa lìa những điều giả dối, không những không
nói những lời gian xảo, lừa gạt mà còn phải nói lời thành
thật, và hành động đúng như thật. Ðức Phật cấm nói dối và dạy
quán vô thường, bất tịnh, khổ... tất cả đều nhắm vào mục đích
nầy. Tuỗi trẻ là ngây thơ chất phác, cho nên trong văn học
Trung Hoa thường nói:
-
- Nhân chi sơ tánh bản thiện
-
Tánh tương cận, tập tương viễn.
-
Nghĩa là:
-
- Con người lúc mới sanh thì tánh lành
-
Cái nhìn còn bị hạn hẹp, cho nên phải tập nhìn xa...
-
Trong thế gian thường nói tuổi trẻ là tuổi:
-
- Ăn chưa biết no lo chưa tới.
-
Cho nên nghĩ sao nói vậy, nên ít biết dối trá xảo quyệt, nhưng
đến trưởng thành, vì công ăn việc làm, phải giao thiệp nhiều
hạng người trong xã hội, vì sự mưu sinh, người ta lần lần tập
nhiễm những điều xảo trá và xa dần sự thật. Một khi xa rời
tánh chân thật, mà muốn gọt dũa quay trở về với bản tánh ban
đầu thì nhọc nhằn hơn lúc chưa bị ô nhiễm. Vì thế tuổi trẻ là
tuổi còn chất phát, nhiều thành thật, nên rất gần với đạo
Phật.
-
3- Từ Bi:
-
Ðạo Phật là đạo từ bi, là đạo cứu khổ chúng sanh bằng mọi
phương tiện và mọi hình thức. Người tu theo đạo Phật là hy
sinh đời mình để mưu cầu hạnh phúc cho chúng sanh và mở tâm
lượng bao la trùm khắp tất cả mọi loài trong tình thương bình
đẳng. Với tâm lượng ấy, với chí hy sinh như vậy chỉ có thể tìm
thấy ở lớp tuổi:
-
- Sung mản trí lực chứ không thể tìm thấy được nơi người lưng
còng, sức yếu mỏi mòn.
-
- Người ốm đau bệnh tật.
-
Nếu là nhân sự cần có để chuyên chở đạo từ bi đến cho nhân thế
thì phải hội đủ điều kiên:
-
- Thân và tâm phải tráng kiện.
-
Như vậy một người có đầy đủ thân và tâm tráng kiện và minh mẫn
thì người nầy không phải là một con người bi quan yếm thế
được. Lẽ dĩ nhiên là một con người trẻ trung, yêu đời mới đủ
khả năng chia cơm xẻ áo, và gánh vác những điều khó khổ nhọc
nhằn cho chúng sanh. Hơn nữa tuổi trẻ là tuổi có thể phóng tầm
mắt nhìn khắp vũ trụ bao la và có thể ôm cả nhân loại vào
lòng. Những lứa tuổi đã vương mắc đến khi chuyện gia đình, đã
cột mình trong bổn phận làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ, ..
thì là đã tự kiếm dây buộc mình, đã tự mình giết chết cuộc đời
như nhà thơ Xuân Diệu đã từng nói:
-
- Yêu là chết trong lòng một ít.
-
Và tự nguyện đóng khung trong gian nhà chật hẹp của gia đình,
do vậy mà bao nhiêu khí phách anh hùng, lòng nhiệt thành của
tuỗi trẻ rồi cũng dần dần bị tan biến giống như những hạt
sương tiêu tan dưới ánh nắng của ban mai. Ðang khi tâm hồn
khoáng đảng của tuổi trẻ yêu đời mà gặp được tình thương vô bờ
bến của tâm lượng từ bi, thì tâm lượng từ bi nầy được những
người bạn trẻ chuyên chở đến cho nhân quần xã hội thì đó là
một phước đức của quốc gia xã hội.
-
4- Tinh Tấn:
-
Con đường của Bồ Tát đi là con đường của chân thiện mỹ, cần
phải trang trải một tâm nguyện to lớn để thực hiện chí nguyện
lợi tha. Quả vị Phật là một quả vị vô thượng. Người muốn đạt
được quả vị nầy phải trải lắm công phu nhọc nhằn khổ sở, với
thời gian dài dai dẳng, đâu phải một sớm một chiều mà chứng
được, trừ những bậc Bồ Tát thị hiện. Công trình tu tập như
chèo thuyền ngược nước, không tiến phải lùi. Là một lữ hành cô
độc đang đi trên một lộ trình dài đẳng đẳng, người bộ hành nầy
phải dẫm qua nhiều đoạn đường chông gai, sỏi đá, vượt qua
nhiều đồi núi cheo leo, và trải qua những đèo cao hố thẳm, sau
đó mới đến đích của mình mong muốn. Như vậy, muốn thực hiện
được công phu nầy, phải đòi hỏi ở một người có ý chí sắt đá,
sức lực dồi dào, cặp chân cứng, đôi mắt tinh anh, và đủ tinh
thần quả cảm. Tiêu chuẩn nầy chỉ tìm thấy ở lớp tuổi trẻ, là
lứa tuổi có sức sống sung mãn, thọ mạng còn dài. Biết rằng đời
là vô thường khó mà nói được cuộc đời sẽ ra sao, nhưng với
tuổi trẻ cơ hội để thực hiện được công tác nầy nhiều hơn. Ðức
Thích Ca ngày xưa nếu đợi sáu bảy mươi tuổi mới đi tu, thì
không biết ngày nay trong nhân loại sẽ ra sao, chúng ta có
được may mắn thừa hưởng những pháp vị như ngày hôm nay không?
-
5- Trí Huệ:
-
Ðức Phật là đấng giác ngộ. Người tu theo đạo Phật là noi gương
theo con đường sáng suốt của Ngài đã đi qua để cũng đạt được
đạo quả giác ngộ như Ngài. Muốn được giác ngộ, ngoài những yếu
tố tinh cần... chúng ta còn cần phải có trí huệ, vì trí huệ là
chất liệu để giúp cho chúng ta phân biệt chánh tà, tốt xấu,
cái gì nên làm và cái gì không nên làm, khiến cho tất cả mọi
sự mọi vật rõ ràng trước khi bắt tay hành động. Tuy nhiên,
muốn có trí huệ ta cần phải có thân hình tráng kiện như nói:
-
- Một tâm hồn sáng suốt trong một thân thể thể tráng kiện.
-
Như chúng ta đã biết, tuổi trẻ rất dễ phát khởi trí tuệ, người
già yếu đuối trí huệ cũng bị ảnh huởng lu mờ. Bằng chứng rõ
ràng cùng một sự kiện, nhưng đối với tuổi trẻ nhiều khi không
cần dạy, chỉ cần nhìn qua là bắt chước làm được, trong khi đó
một người lớn tuổi dù có ráng cố gắng học nhưng sự thu nhận
cũng rất chậm. Do đó cho nên tuổi trẻ là tuổi rất thích hợp
với đạo Phật.
-
Mặc dầu đạo Phật rất thích hợp với tuỏi trẻ nhưng đối với:
-
- Những bậc lão thành,
-
- Những người khổ sở với kẻ chán đời,
-
- Những nguời bị tình phụ...
-
Nghĩa là tất cả mọi người từ nhiều khuynh hướng trong cuộc
đời, một khi đã có lòng muốn tìm đến đạo Phật, thì vẫn được
đạo Phật tiếp độ. Vì đạo Phật là đạo bình đẳng, giáo lý Phật
là giáo lý toàn khắp, nên ai nhìn Đạo Phật bằng con mắt như
thế nào thì cũng sẽ thấy Đạo Phật như thế đó. Cho nên nếu có
lúc:
-
- Mái tóc xanh gần đạo Phật ở đức thanh tịnh, thì người đầu
bạc cũng nhờ ở đức tin của đạo Phật mà vui vẻ những ngày tàn.
-
- Tuổi trẻ nhờ thực hành theo đức từ bi mà mở rộng lòng
thương, thì người khổ sở cũng nhờ bàn tay từ bi ấy xoa diệu
đôi phần của cuộc đời đau khổ.
-
- Hàng trung niên đến với đạo Phật là cầu đạo giác ngộ, cầu
thành Phật quả, thì người chán đời đến với đạo để nhờ câu kinh
thâm diệu, nhịp mõ trầm hùng, tiếng chuông cảnh tỉnh mà lần
lần rửa sạch mọi nỗi oán hờn.
-
Tóm lại đạo Phật là đạo chung tất cả mọi người và mọi tầng lớp
trong xã hội, nhưng thích hợp nhất là tuổi trẻ. Vì tuổi trẻ
mới có đủ khả năng, phương tiện thực hiện triệt để giáo lý cao
siêu của Phật, và tuổi trẻ mới đủ bầu nhiệt huyết hăng hái quả
cảm trên con đường tự giác, giác tha, dù gặp mọi gian nguy khó
khổ. Tuổi trẻ là tuổi thích hợp với đạo Phật vậy nên các bạn
trẻ không nên lãng phí thời giờ quý báu của mình trong những
hộp đêm, trong những ngày tháng phóng túng, đợi đến khi sức
kiệt hơi tàn có hối tiếc cũng không kịp.
-
Ðến đây chắc quý vị đã thấy nhân sự cần thiết của đạo Phật,
thì từ đây trở về sau những người bạn trẻ chúng ta phải nên có
một cái nhìn tổng quát, một nhận định trung thực, một cách
hành xử rõ ràng để chúng ta cùng nhau dấn thân trên con đường
phụng sự. Xin lưu ý các bạn trẻ, trong khi hăng say trên con
đường phụng sự, cho dù ai có ý kiến như thế nào thì đó là
chuyện của họ. Ai thương thì chúng ta cũng đón nhận, mà ai
ghét thì chúng ta cũng không vì vậy mà khó chịu. Có như thế
chúng ta sẽ vượt qua mọi chông gai trên trường đời để thực
hiện tâm nguyện độ sanh:
-
- Trên cầu Phật Ðạo
-
Dưới hóa độ chúng sanh.
-
-
Tài Liệu Tham Khảo
-
- Ðạo Phật Ngày Nay
-
- Phật Học Tinh Hoa
-
- Tu Tâm Dưỡng Tánh
-
- Tám Quyển Sách Quí
|