Giữ Thể Diện Cho Nhau
Nguyên Châu
--o0o--
 
Trong một hôm tôi cùng hai người Phật Tử đi tham dự một buổi cơm khách, trong buổi cơm vị chủ nhà nói chuyện rất nhiều, lẽ tất nhiên xuyên qua các ưu và khuyết điểm của các tôn giáo. Trong đó ông ta trình bày về quan niệm sống của cuộc đời, ông ta nhấn mạnh:
            - Muốn cho cuộc sống hạnh phúc, việc làm đầu tiên, vẫn là đơn vị gia đình. Và con người không thể nào thoát ra khỏi sanh già bệnh chết, đó là lời của đức Kito đã dạy như vậy.
            Khi nghe nói:
            - Con người không thể nào thoát ra khỏi sanh già bệnh chết, đó là lời của đức Kito đã day.
Tôi biết Ông bạn chủ nhà đã lầm. Tôi biết như vậy, và chắc chắn như vậy, không ngờ vực gì nữa, tuy nhiên tôi vẫn yên lặng. Trong lúc người bạn cùng đi với tôi để tỏ sự hiểu biết hơn người và sự quan trọng của mình, anh ta không cần ai nhờ, nhưng tự nhận lấy việc cải chính là của mình, cho nên Anh ta bảo ông bạn chủ nhà rằng:
            - Nầy anh bạn, anh nói muốn cho gia đình có hạnh phúc gia đình, đơn vị nhỏ nhất trước sau gì vẫn nói đến đời sống gia đình, việc đó ai cũng biết như vậy, nhưng mà anh nói Ðức Kito dạy, người đời không có ai thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết là lầm rồi đó! Tôi biết chắc chắn không phải Chúa Kito nói mà là Ðức Phật nói, anh phải ăn nói cho cẩn thận, không thể đem lời của Phật nhét vào miệng chúa được.
            Anh bạn chủ nhà cũng đâu phải là tay vừa, anh ta không chịu nhận mình lầm, cãi lại:
- Sao? câu đó do Ðức Phật nói hả? Không thể được, thật vô lý? Rõ ràng là trong thánh kinh nói là chúa Kito nói, hơn nữa các cha thuyết giảng trên đài cũng nói là đức chúa Kito nói rõ ràng mà!
Anh bạn cùng đi với tôi hăng quá, lúc đó ngồi bên cạnh của tôi là một người bạn khác. Anh nầy nhiều năm nghiên cứu về Phật pháp cho nên người bạn cùng đi với tôi quay qua nhờ anh nầy cùng anh bạn chủ nhà phân giải xem ai là phải, ai trái.
Anh bạn ngồi bên cạnh tôi, dẫm lên chân của tôi, đồng thời đá nhẹ vào anh bạn cùng đi với tôi ở dưới bàn một cái làm hiệu rổi tuyên bố:
- Anh bạn của tôi lầm rồi, Ông chủ nhà nói đúng, câu nói đó ở trong thánh kinh, và tôi cũng nghe các cha giảng trên radio cũng nói như vậy.
            Khi ra về, hai anh bạn cùng đi với tôi nói chyện với nhau:
            - Anh biết câu nói đó của Ðức Phật nói mà, sao anh lại đồng tình với thằng cha chủ nhà như vậy?
            Anh bạn khác của tôi trả lời:
- Dĩ nhiên là Ðức Phật nói.
Nhưng nầy anh, chúng ta là khách trong một cuộc hợp mặt vui vẻ tại sao muốn chứng minh rằng ông ấy lầm? Có phải anh làm như vậy mà người ta có thiện cảm với mình đâu? Sao không để ông ta giữ thể diện một chút. Ông ta không hỏi ý kiến của anh mà, tại sao anh quả quyết tranh luận với ông ấy? Ðừng gây với ai hết. Vả lại ai nói cũng thế thôi, đâu có khác gì. Câu nói đó quả thật Ðức Phật nói, nhưng anh bạn đó người kito giáo cứ bảo là Ðức Chúa Kito nói và anh ta thực tập theo lời Chúa dạy thì rồi chúng ta làm gì anh ta. Ðiều quan trọng không phải là ai nói, mà chúng ta có làm theo lời dạy đó hay không, điều đó mới là quan trọng. Giả sự câu nói đó là Ðức Phật nói mà đệ tử của Ðức Phật không làm theo, còn trong khi đó người Kito giáo cứ bảo là Ðức Kito nói và thực tập theo, như vậy ai khá hơn ai.
            Thấy hai anh bạn của tôi cãi cọ với nhau, tôi cũng xin được góp ý, rằng:
- Lúc còn nhỏ tôi cũng là người thích tranh luận. Tôi tranh luận với với các sư huynh tôi, với các bạn của tôi. Ở chùa không có cuộc tranh luận nào mà không có tôi. Có lần tôi với một sư huynh tranh luận, lúc đó sau thời tụng kinh tối, vừa giải y ra xong là hai huynh đệ bắt đầu cuộc cãi. Chúng tôi không còn biết thời giờ là gì nữa. Lúc đầu còn thấy các huynh đệ trong chùa, một hồi thầy vắng, và sau đó Thầy Bổn Sư kêu hai em đi ngủ để sáng dậy đi công phu. Khi nghe Thầy Bổn Sư kêu, hai huynh đệ dắt nhau ra vườn cãi tiếp, cho đến các huynh đệ khác dậy công phu sáng mới bắt đầu dắt nhau vô đi công phu luôn. Câu chuyện chưa kết thúc, nhưng vì bổn phận chấp tác hằng ngày nên chúng tôi tạm ngưng. Từ đó về sau các huynh của tôi bảo Nguyên Châu cho nó đi học luật sư được. Thời gian qua, sau khi ông sư huynh tôi mất năm 1968 tôi không còn thích cãi nữa.
            Nhiều khi nghĩ lại những vụ cãi lộn, tôi thấy mắc cở, và không biết lý luận của mình lúc đó như thế nào mà cãi nhiều như vậy. Càng lớn tôi mới nhận ra một điều, Tôi đã có mặt trong nhiều cuộc tranh luận, và sau nhiều lần kinh nghiệm, tôi nhận thấy rằng cách hay nhất để thắng một cuộc tranh luận là tránh hẳn nó đi, bởi vì mười lần có tới chín lần các đối thủ sau cuộc tranh luận vẫn tin chắc là mình có lý.
            Trong các cuộc tranh luận không ai thắng hết. Thực vậy, vì nếu chúng ta thua, thì là thua rồi, mà nếu chúng ta thắng thì chúng ta cũng đã thua rồi. Tại vì, thí dụ chúng ta thắng đối thủ của chúng ta một cách rực rỡ và tỏ ra cho người đó thấy rằng anh ta là một thằng ngu. Ở đời không có ai chịu mình là người ngu hết. Vì thế chúng ta đã làm tổn thương lòng tự ái, lòng kiêu căng của người ta. Người ta tức giận, vì thua chúng ta. Lúc đó họ càng ngoan cố hơn rồi thì làm gì họ. Nhất là đối với tuổi trẻ, chúng ta càng bảo nó sai nó càng giữ ý định của nó cho sai thêm. Ngay cả có những đứa bé có tánh kỳ cục hơn, nó làm đúng nhưng khen nó giỏi thì nó thích làm ngược lai, rồi cuối cùng trở thành sai thì sao. Cho nên:
            - Những ai bắt buộc người khác nghe
            Họ Luôn luôn vẫn giữ ý sai của họ.
            Ðiều đó chắc hẳn quý vị đã biết rồi. Từ khi về Chùa Dược Sư, tôi thường khuyên khích các thầy, cô trẻ, và các phật tử phải tuân lệnh nầy:
            - Không bao giờ được tranh luận, cãi cọ với nhau.
            Bởi vì không phải tranh luận mà làm cho người ta tin, và qúy mến mình được. Hai sự đó không có chút liên lạc gì với nhau hết. Muốn dẫn dụ cho người ta tin mình, hoặc tin đạo, phương pháp tốt nhất vẫn không phải tranh luận mà có thể tạo cảm tình cho người ta.
            Ðây là một trường hợp cụ thể. Tôi có một người học trò hiếu thắng hắn tên là Trí, trung hậu giản dị, nhưng anh ta thích cãi nhau, nếu so ra có lẽ cũng không khác gì tôi ngày xưa? Anh ta làm đại lý cho một hãng bán xe hơi Toyota, nhưng không thành công, chỉ vì anh ta thích cãi lại với những người anh ta mời mua xe, và làm cho họ phát giận. Anh ta tranh luận la ó om sòm, và không tự chủ được. Lý do là nếu có khách nào dám chỉ trích xe của hảng Toyota, đặc biệt là xe trong chỗ anh ta bán, tức thì anh ta đỏ mặt tía tai lên, chỉ muốn nhào tới bóp cổ người ta ngay tức khắc. Anh ta lúc nào cũng thắng trong các cuộc cãi lý với khách hàng. Nhưng về sau anh đến Chùa chơi và công nhận cái khuyết điểm của anh ta với tôi:
- Con đã nhiều lần làm cho những khách hàng của con ngậm câm ra về, không cãi lý được, không còn cách nào để chê xe Toyota vào đâu được. Nhưng thưa thầy, khách hàng thì ngậm câm ra về, nhưng bù lại thì con không bán được gì hết.
Tôi chia xẻ với anh ta trong nguyên tắc đối xử. Thực ra đây không phải là mới mẻ gì, nhưng nếu khéo xử dụng và làm mới thì chắc chắn nó sẽ mới. Công việc thứ nhất của tôi không phải là chia xẻ với anh ta cách ăn nói, mà chia xẻ với anh ta giữ miệng mồm, và bây giờ anh ta là một người bán hàng quan trọng nhất, và được lòng khách hàng nhất.
Công ăn việc làm của anh ta bây giờ ra sao, xin quý vị nghe anh ta trình bày với tôi:
- Thưa Thầy từ khi được Thầy dạy cho con giữ miệng mồm cho tới bây giờ, việc mua bán của con khá lắm, có tiến triển ngoài sức tưởng tượng của con. Nhờ Thầy mà con có những thành công rực rở.
Có lần con lại nhà một khách hàng, người khách hàng đó bảo con:
- Người ta bảo với tôi hảng xe Toyota đẹp và bền, tôi thì không thấy như vậy. Trong mắt tôi xe hiệu Honda mới là tuyệt, chớ còn hiệu Toyota thì quá tệ, cho không tôi cũng không nhận, thì làm gì phải tốn tiền để mua.
Nghe ông khách hàng nói, Thầy biết không, con giận lắm, nhưng nhớ lời Thầy dạy nên con phải giữ mồm miệng, và quyết không bao giờ tranh cãi, vì thế con ngọt ngào nói với ông ta:
- Thưa ông, xe hãng Honda tốt lắm, nếu ông mua hãng ấy không lầm đâu. Hãng đó tin cậy được vì đã chế tạo đồ thật tốt.
Sau khi nghe con nói như vậy ông ta hết nói gì được, không có lý do gì để tranh luận nữa, vì ông ấy bảo xe hảng Honda tốt lắm. Con cũng nói chắc chắn như vậy, cho nên ông ta phải im liền. Bởi vì ông ta không thể lập đi, lập lại một mình suốt cả buổi chiều câu:
- Xe hãng Honda tốt.
Thế là con đã tránh được mục tiêu tấn công của ông ta, và con hướng dẫn ông ta đến mục tiêu mới, đó là con diễn tả cái đẹp, cái bền của xe hảng Toyota, và cuối cùng ông khách hàng chịu phép và bằng lòng mua xe Toyota.
Thầy biết không trước đây, lúc chưa gặp Thầy, nếu có một khách hàng nào chỉ trích hãng xe Toyota và tâng bốc hảng xe Honda là con đã phát điên rồi. Con đã đập nhiều vố vào hãng Honda của những người khách thích, nhưng thưa Thầy càng đập thì những ông khách hàng ấy lại càng bênh vực hảng Honda. Càng bênh vực thì ông lại càng tin chắc xe hãng Honda tốt hơn xe hãng khác.
Nghĩ tới qua khứ của con, con tự hỏi:
- Với tính tình như vậy, làm sao con có thể bán được một món hàng gì chứ.
Con đã phí nhiều năm để tranh luận, gây lộn và tạo ra sự phản kháng lại mình. Bây giờ thì con quyết định làm thinh. Như vậy lợi hơn nhiều.
Những yên lặng được coi là sấm sét để chuẩn bị cho mình một sự thành công lớn, được các nhà chính trị áp dụng, trong đó chúng ta thấy có Ông Franklin đã khôn khéo và nói:
- Mình tranh luận và cãi lẽ, có thể làm cho người khác ngượng được, nhưng thắng như vậy có ích gì đâu, vì không khi nào làm cho người ta thành thật đồng ý với mình hết.
Hôm nay chúng tôi xin chia xẻ với đại chúng ý kiến: Giữ Thể Diện Cho Nhau, để quý vị tự ý chọn lựa: Một đàng thì rực rỡ thắng người ta, trên phương diện lý luận. Một đàng thì được người ta đồng ý với mình. Xin lựa lấy một, vì được cả hai là điều hiếm thấy.
Cũng vấn đề thích cãi lý, để ghi lại một chứng tích thành công của một anh hùng thích cãi lý, có một tờ báo ở Boston chép lại một đoạn văn khôi hài ngộ nghỉnh như thế nầy:
- Ðây là nơi an nghỉ ngàn thu của William Joy
Y suốt đời hăng hái bênh vực ý kiến của y
Y có lý trong đời y
Nhưng có lý hay vô lý
Y cũng vẫn chết không hơn không kém.
Ðoạn văn nầy vô hình trung lại trùng hợp với đoạn sám văn trong nhà Phật:
- Thông minh tài trí anh hùng
Si mê dại dột cũng chung một gò.
Thành thật mà nói trong trăm lần cãi lý, lần nào chúng ta cũng cảm thấy mình có lý, và ngàn lần có lý trong khi chúng ta hăng hái chứng minh điều đề nghị của của chúng ta. Nhưng chúng ta luống công vô ích vì không thể thay đổi ý kiến của người khác. Vậy chúng ta có lý hay không có lý rốt cuộc cũng vậy.
Sau nhiều năm hoạt động chính trị, William Mc tổng trưởng thời Tổng Thống Wilson tuyên bố:
- Lý luận không thể nào thắng được người ngu.
Cũng vậy ánh sáng ban ngày không thể nào có giá trị đối với người đui. Nhiều năm kinh nghiệm đã dạy rằng không thể nào làm đổi ý kiến bất cứ một người nào dù người đó thông minh học thức tới đâu đi nữa!
Xin các quý vị nghe chuyện ông Hoà, một nhà buôn, tới một đại lý để kêu nài về một sự tính lộn tiền của ông. Nguyên do là ông ta đã trả tiền mua hàng rồi, mà thơ ký không có ghi vào sổ, vì thế mà hảng cứ viết thơ đòi tiền ông hoài. Khi ông đến nói chuyện viên thư ký lạnh lùng đáp:
- Cái đó tôi không biết, trong sổ không có ghi là ông trả, thì có nghĩa là ông chưa trả, vậy ông phải thanh toán số nợ đó trước khi công ty giao cho ông số hàng hoá khác.
Hai bên cãi lý trong một giờ đồng hồ, Viên Thư Ký thì lạnh lùng ngạo nghễ cố chấp. Ông Hoà dẫn chứng ra cũng vô ích, lý luận cũng vô ích. Càng tranh luận thì viên Thư Ký càng lỳ, sau cùng ông Hoà thay đổi chiến thuật và tìm cách thõa mãn lòng tự ái của viên Thư Ký, ông nói:
- Tất nhiên tôi cũng cho rằng việc của tôi không quan trọng bằng những việc khác gai góc hơn nhiều mà ông thường giải quyết. Chính tôi cũng học chút ít về thương trường, tôi thích môn đó lắm. Nhưng tất nhiên là tôi chỉ học trong sách, còn ông học một cách trực tiếp, học bằng kinh nghiệm. Có lúc tôi muốn làm nghề của ông. Tôi sẽ học thêm được biết bao nhiêu điều. Và lời nói nầy ông Hoà nói một cách thành thực.
Viên Thư Ký tức thời thẳng người lên dựa lưng vào ghế, kể cho ông Hoà nghe những chuyện về nghề của ông, những vụ gian lận xảo quyệt mà ông đã khám phá được. Lần lần lời lẽ cử chỉ hoá thành thân mật, rồi ông ta kể chuyện con cái của ông ta. Khi ông Hoà ra về, Viên Thư Ký nói để ông ta xét lại lời yêu cầu của ông Hoà và cho hay kết quả ra sao. Ba ngày sau, Viên Thư Ký gọi cho ông Hoà hay là ông đã tìm ra được số tiền mà ông Hoà đã trả rồi.
Câu chuyện đó chứng tỏ rỏ ràng nhất cái nhược điểm thông thường của loài người, đó là:
- Muốn chứng minh sự quan trọng của chúng ta.
Quả thật như vậy, như chúng ta thấy mới đầu Viên Thư Ký tỏ uy quyền của ông một cách ồn ào. Nhưng khi uy quyền đó được ông Hoà không tranh luận nữa và công nhận rồi thì ông ta tươi tỉnh ra, hóa ra nhân từ, dễ cảm và tốt bụng như người khác. Tâm lý con người thông thường là như vậy. Nhìn cho thấu đáo ai cũng có cái tốt, cho nên chúng ta cứ giữ thể diện của họ, nhất là cái oai vệ trong địa vị của họ, thì chúng ta sẽ thành công. Ở điểm nầy trong cuốn ký ức về đời tư của Nã Phá Luân có viết:
- Tuy tôi chơi bi da rất giỏi nhưng tôi thường nhường hoàng hậu thắng tôi, mà được vậy hoàng hậu rất vui lòng.
Chúng ta nên luôn luôn nhớ bài học đó, và chúng ta nên để cho những khách hàng, bè bạn, người yêu và nhất là người bạn trăm năm của chúng ta thắng trong những cuộc tranh luận nhỏ nhỏ thật sự không có gì quá đáng, và khi chúng ta có thể làm được.
Ðức Phật thường dạy:
- Oán thù không bao giờ tiêu diệt được oán thù, chỉ có tình thương mới tiêu diệt được oán thù.
Ðiều nầy dạy cho chúng ta biết tranh luận không bao giờ xoá tan được sự hiểu lầm. Phải hiểu thời thế, phải biết khéo léo, có lòng hoà giải và khoan hồng, tự đặt mình vào địa vị đối thủ, chúng ta mới có thể thu phục họ được. Do đó đối với một con người thích trầm tư, nhất là các Phật Tử về Chùa tham dự những khoá tu nên nhớ cho một điều:
- Dĩ hoà vi quý.
Giữ thể diện cho nhau có nghĩa là chúng ta nên tự trọng tư cách lẫn nhau, mà phương pháp tôn trọng lẫn nhau cách tốt nhất là im lặng. Ðể bổ túc thêm ý về phong cách của sự im lặng, chúng tôi xin chia xẻ đến đại chúng một câu chuyện:
 Ngày xửa ngày xưa có một thiếu nữ con nhà dân giả nhan sắc mặn mà dễ coi, chỉ phiền một nỗi là cô mắc phải bệnh nói suốt ngày, cha mẹ cô thường than van:
- Phải chi mà một lời nói của nó đáng giá một đông xu thì còn đỡ khổ, đàng nầy...
Cô gái mỗi ngày một lớn, căn bệnh cũng lớn theo, cô cứ nói ra rả cả ngày, đến lúc ngủ cũng còn nói, ngôn ngữ cứ tuông ra từ miệng cô như súng liên thanh.
Sức chịu đựng của lỗ tai có hạn. Bửa nọ cha mẹ cô đành đuổi cô ra khỏi nhà vì họ sắp phát cuồng lên. Cô gái buồn tủi vừa đi vừa khóc vừa nói, đến một bãi biển dừng lại. Tiếng nói của cô ồn ào át cả sóng biển, bay đến tai của một thanh niên đang thả lưới ngoài khơi. Chàng ngư phủ trẻ kia liền chèo thuyền vào bờ và sửng sốt trước dung nhan khá mặn mà thu hút của thiếu nữ.
Sau khi biết rõ xuất xứ, cùng nguyên nhân lạc loài của cô ta, thanh niên trẻ nọ thu hết can đảm ngỏ ý muốn cưới cô ta làm vợ. Thiếu nữ bằng lòng, nhưng không quên nhắc cho chàng biết là nàng có tật hay nói, anh ngư phủ gật đầu lia lịa:
- Càng hay, Tôi mồ côi cha mẹ, ở thui thủi một mình, hơn mười mấy năm nay rồi, chỉ nghe sóng biển rì rào chứ chưa được nghe tiếng thủ thỉ của con người bao giờ. Nàng tha hồ mà nói cho vui nhà vui cửa.
Thanh niên quỳ xuống hôn tay người đẹp và dắt nàng về túp lều tranh của mình.
Tuần trăng mật trôi qua ... Chàng trai bắt đầu cảm thấy mõi mệt vì cứ phải nghe tiếng nói liên hồi của vợ. những ngày sóng yên biển lặng chàng rong buồm ra biển thả lưới cả ngày thì còn đở khổ, gặp khi biển động, phải ở nhà suốt ngày thì quả là vô phương cứu chữa.
Một hôm, chàng tình cờ cứu thoát một nữ thần biển khi bà tuần du, và mắc cạn trên bãi cát trong lốt của một con cá nhỏ. Thần biển đền ơn chàng bằng một điều ước. Chàng ngư phủ mang điều ước đó về nhà thay cho giỏ cá nặng như thường lệ.
Thấy chàng trở về tay không, cô vợ liền cất tiếng hỏi, câu hỏi nầy nối tiếp với câu hỏi kia khiến anh chồng tối tăm cã mặt mũi. Không cách nào mở miệng trả lời được, anh chồng nổi cáu hét lớn:
- Phải chi mà mỗi lời nói của em mà rớt một đồng xu cho tôi nhờ...
Anh chồng vừa dứt lời thì tếng lẻng kẻng... lẻng kẻng, các đồng xu bắt đầu văng tung tóe từ khóe miệng của vợ xuống nền nhà. Cô vợ kinh ngạc vừa nhặt tiền vừa nói, nên chẳng bao lâu các đồng xu đã ngập đến mắt cá chân đôi vợ chồng trẻ. Tình thế bắt đầu nguy ngập khi chiếc chỏng tre của đôi vợ chồng trẻ sụp đổ trước sức nặng của đồng xu kẻm.
Tờ mờ sáng hôm sau chàng ngư phủ vội vả đi tìm thần biển, xin bà giúp anh giải quyết tình thế. Anh van xin:
- Khổ thân con quá, bây giờ ngoài tiếng nói liên tu bất tận của cô ả, con còn phải nghe thêm tiếng rơi lẻng kẻng nữa..
Thần biển hiền từ bảo:
- Vậy thì kể từ bây giờ, cứ mỗi câu nói khoảng năm lời của vợ con mới rơi một đồng xu kẻm.
Hai hôm sau, chàng trai lại tìm thần biển than:
- Thưa số đồng xu vẫn còn nhiều, con gặp nó trong bất cứ ở chỗ nào: Trong nồi cơm, trách cá, ấm nước, niêu tôm... Cho đến lúc vợ con ngủ rồi mà nó còn mớ khiến tiền rôi lộp đợp trên mặt con, con ngủ không được. Xin Ngài giải quyết giùm cho con ạ.
Thần biển suy nghĩ hồi lâu bảo:
- Hãy bảo vợ con rằng, nếu cô ta chịu nín nói suốt ngày thì câu nói đầu tiên của cô vào buổi tối sẽ làm ra một đồng bạc.
Ba hôm sau, anh chồng lại tìm đến thần biển thuật lại tự sự:
- Thưa ... cô vợ con lâm nguy rồi ... vì nín nói nên cô ta bị mắc cam tích, tay chân cô ả đều sưng phù lên, bây giờ thì nom cô ả giống hệt như một con cá nóc, sắp vở bụng tới nơi rồi ... xin ngài giải quyết dùm cho con ...
Lần nầy sau mười phút suy nghĩ, thần bể phán:
- Hãy về bảo cô ả, cứ mỗi lời nói khôn ngoan thì sẽ có một đồng vàng rớt ra.
Từ đó, chàng ngư phủ không phải tìm thần bể nữa. Mỗi ngày chàng dong thuyền ra khơi đánh cá, cô vợ ở nhà làm bếp trồng rau, và dăm bửa cầm một đồng tiền vàng ra chợ mua gạo. Cô nàng không còn nói nhiều nữa, vì những lời nói khôn ngoan thường là kết quả của một thời gian lặng thinh. Những đồng tiền vàng không nhiều nhưng mà có một giá trị rất đắc giá, cũng nhờ vậy mà đôi vợ chồng trẻ sống bên nhau thật hạnh phúc. Câu cuối cùng của người đàn bà đó dặn dò thân nhân trước khi từ giã cõi đời rằng:
- Nói là bạc, nhưng im lặng là vàng.
Như vậy người ít nói không phải là người ít nói, mà chính là không nói những lời vô ích. Đến đây chúng tôi xin mượn lời của Tổng Thống Lincoln để kết thúc bài viết: Giữ Thể Diện Cho Nhau:   
- Người nào muốn tu thân tự tiến thì không nên phí thì giờ cãi vả nhau. Những cuộc gây lộn đó làm cho tính tình hoá ra khó chịu và làm mất sự tự chủ đi. Thỉnh thoảng phải biết nhịn người. Thà nhường lối cho một con chó, còn hơn là tranh nhau với nó để cho nó cắn cho. Vì dù có giết được nó thì vết cắn cũng không lành được ngay.
 Tài Liệu Tham Khảo:
- Ngay trong Kiếp Sống Nầy
- Từng Bước Hoa Sen N
-  Hư Hư Lục
-- o0o --