Chánh Tư Duy
Trúc Giao
--o0o--
 
Trong những tháng năm gần đây, từ khắp nơi trên thế giới, nhất là những nước chậm tiến đã và đang lên tiếng báo động các nạn ô nhiễm. Người ta lo sợ ô nhiễm thành phố, ô nhiễm không khí, ô nhiễm biển cả, ô nhiễm sông ngòi, ô nhiễm của thị giác, ô nhiễm thính giác, ô nhiễm tỷ giác .. v.v... Do đó các nhà khoa học và xã hội học đã bỏ rất nhiều công trình khảo sát, thí nghiệm, nghiên cứu và tiêu hao không biết bao nhiêu tiền của, năng lực, thì giờ để tìm phương cách bài trừ các loại ô nhiễm. Ô nhiễm môi trường sống chung quanh thì các nhà khoa học, và xã hội học hô hào bài trừ, và đã không ngừng tìm tòi nghiên cứu để phục vụ cho nhân loại, nhưng còn ô nhiễm trong tâm trí, những bợn nhơ tinh thần, tâm thức mà kẻ ít người nhiều, chúng ta đã từ vô lượng kiếp trong quá khứ mang theo đến cõi đời nầy thì ít có người nhắc đến. Biết rằng những nghiên cứu và sự thành tựu rực rỡ của các nhà khoa học và xã hội học trong công việc phục vụ nhân sinh ít nhất về phương diện vật chất cũng là điều đáng quý. Còn về phương diện tinh thần, thật ra đây không phải là điều mới lạ, nhưng chỉ vì chúng ta không mấy quan tâm, cho nên chúng ta không biết đến, hoặc biết nhưng cố tình quên lãng. Tuy nhiên nếu chịu khó, chúng ta nhìn trở lại vào những năm 624 trước công nguyên, có một nhà khoa học đã ra đời thi hành những nguyện vọng đó. Gọi nhà khoa học, là gọi theo danh từ của thời đại, nhưng nếu gọi là Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thì đó là từ ngữ mà đệ tử của Ngài thường gọi. Đức Phật đã nhận thấy mối hiểm họa vô cùng tai hại của sự ô nhiễm tinh thần, cho nên Ngài cảnh giác:
- Không có lửa nào như tham ái, không có ngục tù nào như sân hận, không có màn lưới nào như si mê, và không có dòng sông nào như ái dục.
Lửa trên thế gian dầu nóng như thế nào đi nữa, ngục tù kềm kẹp của thế gian dầu có khắc nghiệt, tàn ác đến đâu nữa, và những màn lưới của thế gian có chặt chẽ tệ hại ra sao đi nữa, cũng chỉ thiêu đốt, gây đau khổ hay trói buộc ta suốt trọn một kiếp sống là cùng. Nhưng sự ô nhiễm tinh thần sẽ đi theo chúng ta từ kiếp này sang kiếp khác, mãi mãi, triền miên trong vòng luân hồi sanh tử, nếu chúng ta không biết cách chấm dút. Ô nhiễm tinh thần trên phương diện ái dục sẽ lôi cuốn và đẩy mạnh chúng ta vào biển khổ trầm luân. Nếu chúng ta sáng suốt nhận định rằng bản chất của đời sống là đau khổ và nguyên nhân của đau khổ là ái dục, thì chúng ta mới thấy Ðức Phật là người đã vạch ra một lối sống, tự bản thân khép mình vào lối sống đạo đức ấy để thành đạt mục tiêu cứu cánh một cách vẻ vang, và đồng thời Mgài mở lòng từ mẫn khai hóa cho những ai muốn nghe, muốn suy tư, và có ý chí để thực hành. Do vậy Ðức Phật dạy:
- Này chư Tỳ Kheo, đây là chân lý về Con Ðường dẫn đến diệt khổ. Ðó là Bát Chánh Ðạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh. Ðây là Con Ðường chia làm tám chi bao gồm tám năng lực tinh thần hùng mạnh và có tính cách thiện. Tám chi của con đường phải được tập trung lại để đánh đổ một năng lực bất thiện, ái dục, dai dẳng ngủ ngầm bên trong ta.
Trong Tám Chánh Đạo, chi thứ nhì là Chánh Tư Duy tức là suy tư chân chánh. Người có những tư tưởng hướng đến hành động chân chánh, là quyết định hay lập tâm quyết thực tập hành động chân chánh.
Tư tưởng chân chánh bắt nguồn từ sự hiểu biết chân chánh và dẫn đến hành động chân chánh. Người hiểu biết chân chánh, hay nói cách khác, người có Chánh Kiến, thì người đó chắc chắn phải có sự suy tư chân chánh. Người có suy tư chân chánh, chính là Chánh Tư Duy. Ðàng khác, người có suy tư chân chánh chắc chắn cũng có sự hiểu biết chân chánh. Một người có được tri kiến thâm diệu về bản chất thật sự về kiếp sinh tồn của con người, và được thành tựu là nhờ sự suy tư sâu sắc do sự quán chiếu tường tận thì sẽ tạo cho con người như vậy có  một giá trị tinh thần, đạo đức chân chánh, tương xứng với tri kiến của họ. Như vậy, hai chi đầu của Bát Chánh Ðạo: Chánh Kiến và Chánh Tư Duy có liên quan với nhau mặt thiết và ảnh hưởng với nhau rất chặt chẽ. Hai chi này hợp thành giai đoạn Tuệ của Con Ðường Giải Thoát.
Chánh Tư Duy nằm khoảng giữa và làm gạch nối liền, một bên là Chánh Kiến và bên kia là bộ ba Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng. Do hiểu biết chân chánh, nên phát sanh những tư tưởng chân chánh. Do phát sanh những tư tưởng chân chánh, cho nên sẽ dẫn đến hành động chân chánh, kết quả nầy được biểu hiện bằng lời nói chân chánh, tạo nghiệp chân chánh và nuôi mạng chân chánh. Ðiều này cho chúng ta thấy rằng Chánh Tư Duy không phải chỉ là suy tư suông mà là sự suy tư bắt nguồn từ hiểu biết chân chánh và đưa đến hành động chân chánh. Chánh Tư Duy, là những tư tưởng chân chánh, mà cũng có nghĩa là quyết định chân chánh, tiêu biểu như:
- Những tư tưởng không luyến ái,
- Những tư tưởng không thù hận,
- Những tư tưởng không hung bạo,
- Trao Giồi Trí Tuệ.
1- Tư Tưởng Không Luyến Ái
Như tất cả mọi người chúng ta ai cũng nghe Đức Phật thường nhắc nhở. Ái dục là nguyên nhân sanh ra đau khổ. Do đó, loại suy tư chân chánh đầu tiên là không nên luyến ái mà là phải buông bỏ, khước từ. Dĩ nhiên, nhận thức rằng mọi xa hoa vật chất là ảo huyền và thú vui vật chất không tạo hạnh phúc thật sự vững bền rồi tự nguyện lìa bỏ tất cả để sống cuộc đời đơn giản, để cố gắng sống hoàn toàn trong sạch là hình thức khước từ cao thượng nhất. Cho nên Ngài dạy:
- Có những tư tưởng buông bỏ, từ khước những dục vọng trần tục, không luyến ái vị kỷ vào tài sản sự nghiệp, xa lánh cuộc đời phồn hoa đô hội và khoái lạc vật chất, không trìu mến, luyến ái cái Ta, không bám chặt, đeo níu đời sống, là loại Chánh Tư Duy đầu tiên.
Ðức Phật mô tả giáo lý của Ngài như là một con đường ngược chiều với thời gian. Quả thật như vậy, con đường dẫn đến lợi lộc, địa vị của trần gian, thuận theo trần thế là một, và con đường dẫn đến Niết Bàn là con đường khác, con đường ngược chiều. Một khi chúng ta thông hiểu như vậy, thì chúng ta không nên thỏa thích trong mùi danh bả lợi của thế gian mà phải trau giồi hạnh buông bỏ. Phải ý thức được con đường của thế gian là con đường tham ái, dục vọng. Con người thế gian đi dài, thuận chiều theo con đường ấy để mưu tìm hạnh phúc trong sự thỏa mãn tham dục của mình. Giáo huấn buông bỏ mà Ðức Thế Tôn hướng dẫn chúng ta có tính cách đi ngược lại sức lôi cuốn như thác lũ của tham vọng, đi dần đến mức chấm dứt ái dục và đạt được hạnh phúc, không phải trong sự thỏa mãn, mà trong sự tự nguyện dứt bỏ, từ khước ái dục. Cho nên Ðức Phật thường dạy rằng:
- Dầu xuất gia hay cư sĩ, chúng ta cũng phải nên thận trọng nhận thức mối nguy hại của nhục dục năm trần.
Đức Phật ví năm món dục trong cuộc đời như cục xương khô, như ngọn đuốc mà chúng ta cầm đi ngược chiều gió, như một hầm than đỏ, như một giấc mơ. Dầu là bậc xuất gia hay hàng tại gia cư sĩ, nguyên tắc chỉ đạo chính yếu được ghi nhận vẫn là phải hoàn toàn tận diệt mọi hình thức ái dục mới có thể thành tựu giải thoát trọn vẹn.
Từng bước một, chúng ta càng xa lìa ái dục là chúng ta càng đến gần giải thoát. Biết rằng ái dục là nguồn cội phát sanh đau khổ và biết rằng chấm dứt hay giảm sự đau khổ đến mức độ nào là tùy thuộc ở sự chấm dứt hay mức độ giảm sự ái dục của chúng ta. Người Phật Tử thuần thành chúng ta phải cố gắng phát triển tâm buông bỏ.
Trên lý thuyết dường như đơn giản, nhưng chính ở tại điểm này, chúng ta gặp phải một sức đối đầu mạnh mẽ từ bên trong. Từ lâu, tâm của chúng ta đã quen lợi danh, bám víu, nắm giữ và tích trữ. Thói quen ấy đã trở thành bản tánh tự nhiên, không dễ gì dùng ý chí một sớm một chiều mà thay đổi được. Dầu lý trí có ưng thuận buông bỏ, nhưng tâm và sự ảnh hưởng của ái dục vẫn còn khư khư chấp thủ, không bằng lòng từ bỏ. Do đó, vấn đề bây giờ là làm thế nào để chúng ta gỡ cái tâm của chính mình ra khỏi sự chi phối của ái dục. Ðức Bổn Sư không dạy chúng ta phải đè nén hay cưỡng bách, xua đuổi ái dục ra khỏi tâm, vì hành động đó chỉ là giải pháp tạm thời. Phương pháp mà Ðức Phật trao truyền để chúng ta diệt trừ ái dục là sự hiểu biết chân chính, và sự tư duy chân chánh về bản chất của mọi sự vật.
Tư tưởng không luyến ái, thật sự không phải là vấn đề tự ép buộc mình cố gắng buông bỏ những gì được coi là sâu kín trong lòng chúng ta mà là vấn đề tự chúng ta thay đổi sự suy tư của mình, đồng thời nhìn sự vật dưới ánh sáng của trí tuệ. Khi chúng ta suy tư tận tường và thấu triệt đầy đủ bản chất thật sự của ái dục, và những đối tượng của nó thì chính nó sẽ tan biến mà không cần phải chiến đấu.
Ngày nào mà chúng ta chưa nhận thức rằng ái dục là nguồn gốc của khổ đau, và đau khổ luôn luôn dính liền với ái dục. Và ngày nào mà chúng ta chưa biết được bản chất của ái dục là khát khao và bám chặt vào một cái gì không ngừng biến chuyển, một cái gì không thật sự có trong lúc chúng ta không thể kềm chế, thì ngày đó chúng ta không thể nào tránh khỏi sầu muộn, đau buồn, thất vọng. Cho đến chừng nào chúng ta không còn luyến ái và không cố bám víu, không cố giữ những gì mà lúc bình thường chúng ta cứ tưởng chừng như đó là nguồn hạnh phúc duy nhất trên đời, thì lúc đó chúng ta mới thật sự hạnh phúc nhất trên đời. Cách sống nầy là người có Chánh Tư Duy.
2- Tư Tưởng Không Thù Hận
Tư tưởng không thù hận là một cách gọi khác của sự phát triển tâm từ. Tâm từ trong Phật giáo là muốn nói đến tình thương rộng lớn bao la. Tình thương nầy không có giới hạn hay có một sự phân biệt nào. Những tôn giáo cũng có những lời dạy nên thương người láng giềng, người đồng đạo, người đồng chủng, người đồng hương, người đồng chí, người đồng loại.. v..v... Những lời dạy đó đều tốt, và tất cả những tình thương ấy đều trong sạch, tốt đẹp và cần thiết trong xã hội, tuy nhiên đó là tình thương giới hạn trong cái chung cùng của thế gian. Nghĩa là giữa chúng ta và chúng sanh nào đó có một điểm gì đó chung cùng, một cái gì chung cùng với cái ta của chúng ta thì chúng ta mới có tình thương. Ðồng thời có sự phân biệt với những người khác, những người không có một cái gì chung cùng với chúng ta. Chúng ta thương người láng giềng của ta, người chung một tôn giáo với ta, cùng một chủng tộc với ta, một xứ sở với ta.. v.v... Tất cả đều lấy cái Ta làm trung tâm điểm rồi từ đó tình thương mới phát xuất, đó là bản chất tự nhiên của con người. Như vậy nói đến tình thương là nói đến một cái gì tốt đẹp, nhưng do vì  vì còn có sự phân biệt, và có sự giới hạn trong tình thương đó, cho nên nó không phải là tình thương giống như tâm từ trong Phật Giáo.
Như chúng ta đã biết, tình thương vẫn là tình thương, với tất cả những gì tốt đẹp, dịu hiền, dễ mến của nó. Xã hội không thể tồn tại nếu không có những tình thương. Tuy nhiên ở đây chỉ muốn nói rằng tâm từ của Phật Giáo không phải như vậy, mà Tâm Từ của người học Phật có tính cách siêu việt hơn, thâm trầm hơn. Tâm từ trong Phật Giáo là bao trùm toàn thể chúng sanh, toàn thể càn khôn vũ trụ, vô lượng, vô biên, không có sự phân biệt nào. Người thực hiện tâm từ phải vượt lên khỏi mọi hình thức chia rẽ, riêng tư, không bị giam hãm trong những tư tưởng hẹp hòi, không chịu ảnh hưởng bơi tinh thần đấu tranh giai cấp, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo mà là nhìn tất cả thế gian là quê hương của mình, và mỗi người, mỗi chúng sanh, là bạn đồng hành trong cuộc đời mà chúng ta gọi là đời sống của muôn loài vạn vật.
Người có tâm từ, hòa đồng với tất cả, tự mình chan hòa trong toàn thể, xem vạn vật và mình là một. Một loại tâm như vậy quả thật là cao thượng! Nhưng cũng rất khó thực hành. Vì lẽ chúng ta còn là phàm nhân. Chúng ta còn phân biệt đây là Ta, kia là cha, là mẹ, là vợ, là chồng, là con, là cháu của Ta. Cái này là tiền của, sự nghiệp, cái kia là danh vọng, quyền thế của Ta ..v.. v.. Chư vị A La Hán đã tận diệt ngã chấp cho nên Tâm từ của các Ngài như vừng thái dương, bao trùm vạn vật mà không có sự phân biệt nào. Ðức Phật là kết tinh, là hiện thân của tâm từ vô lượng vô biên ở mức độ cùng tột. Ðó là những gương lành trong sạch để chúng ta noi theo, là lý tưởng thanh cao tuyệt đỉnh để chúng ta hướng tâm về. Những tư tưởng nào hướng về tâm từ vô lượng ấy là Chánh Tư Duy.
3- Tư Tưởng Không Tàn Bạo:
Người có tư tưởng hung bạo là người thường gây đau khổ cho người khác mà không biết xót thương, không động lòng trước tình trạng đau khổ của người khác. Nghịch lại với nghĩa của tư tưởng hung bạo là tư tưởng bi mẫn, là động lực làm cho chúng ta rung động trước cảnh khổ của người khác, là một cái gì đó thoa dịu lòng khổ đau của người, là thiện ý muốn giúp người thoát một cảnh khổ. Tâm không hung bạo là Tâm Bi. Cũng như tâm từ, tâm bi phải vô lượng, vô biên, không bị hạn định trong một gia đình, một xóm làng, một quốc gia, một tôn giáo, một giai cấp hay một loại chúng sanh nào. Ðối tượng của tâm từ là toàn thể chúng sanh. Chúng sanh khổ và chúng sanh không khổ đều không có sự phân biệt, và đối tượng của tâm bi cũng là những chúng sanh xấu số, đang ở trong cảnh khổ, và tác dụng của tâm bi là gia công giúp người đang khổ thoát ra khỏi hoàn cảnh bất hạnh ấy. Người có tâm bi chuyên lo nâng đỡ kẻ thấp hèn, nghèo đói, cô thân, tuyệt vọng, chăm nom săn sóc người bệnh hoạn tật nguyền, khuyên nhủ dỗ dành người thất bại, dẫn dắt và cứu độ người tội lỗi và soi sáng người tối tăm lầm đường lạc nẻo.
Thấy người hoạn nạn rồi âu sầu ủ dột, phiền muộn khóc than thì không đúng với tâm bi của Phật Giáo. Tâm bi trong Phật giáo không phải là những giọt nước mắt chảy suông trước sự đau khổ của kẻ khác. Ðặc tính của tâm bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi một cảnh khổ chớ không phải là phiền não âu sầu với họ. Lòng người có tâm bi thật là mềm dịu, hơn cả những cánh hoa mềm mại, không bao giờ hành hung hay làm điều chi phương hại đến kẻ khác. Chính nhờ tâm bi mà con người có thể phục vụ một cách hoàn toàn vị tha. Người có tâm bi không sống cho mình mà sống cho kẻ khác và luôn luôn tìm cơ hội giúp người, nhưng không bao giờ mong đợi được đền ơn đáp nghĩa. Người có những tư tưởng hướng về tâm bi là người có Chánh Tư Duy.
4- Trau Giồi Trí Tuệ
Trí tuệ là điều kiện tối hậu để thấu triệt chân lý. Trong tam học đó là: Giới, Định, Huệ. Giới và Định chỉ có mục đích mở đường cho sự rèn luyện trí huệ. Nếu có lúc Giới có khả năng làm thân và miệng thanh tịnh, Định có thể giúp tâm an trụ, thanh tịnh và chân chính thì Huệ là phần chính yếu để phát huy phần tâm linh quan trọng nhất của con người là trí năng, để đạt đến cứu cánh giải thoát.
Chúng ta dù có hạnh nguyện Bồ Tát, Thanh Văn hay Độc Giác, hay bất cứ loại hạnh nguyện nào đi nữa đều cũng cần phải luôn luôn tinh tấn gọt dủa lưỡi gươm Trí Huệ để cắt đứt tận gốc rễ những vọng chấp, phiền não hay những ô nhiễm còn đang ngủ ngầm trong chúng ta dưới mọi hình thức: Ngấm ngầm hay bộc phát mãnh liệt, đang chi phối đời sống của chúng ta. Trí huệ còn là một trong 6 pháp Ba La Mật, tức là sáu độ mà một vị Bồ Tát muốn trở thành bậc Chánh đẳng Chánh Giác phải chuyên trì bất thối chuyển. Chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lúc còn là một vị Bồ Tát, đã lấy trí huệ làm chính hạnh khi thực hành pháp Sáu Độ.
Trước khi nói đến ba nguyên nhân phát sanh trí huệ, chúng ta thử bàn qua nghĩa của danh từ trí huệ là gì. Trong Phạn ngữ có rất nhiều danh từ được dịch là trí tuệ, nhưng nghĩa của chúng có ít nhiều sai khác như:
- Biện Tướng Trí: Tức là lọai trí huệ phân biệt được chân tướng vô thường, khổ não, vô ngã của hiện tượng giới.
- Minh Giải Trí: Tức là lọai trí huệ phân tích và biện giải các pháp một cách minh bạch.
- Phá Tướng Trí: Tức là lọai trí huệ trực nhận chân lý, phá chấp tướng của vạn hữu. Phá tướng trí chính là trí huệ của Chư Phật và chư Bồ Tát bất thối.
- Ngoài ra chúng ta thường quen gọi là Bồ Đề tức trí giác ngộ, trí của bậc đã quán thông đạo lý, dứt trừ phiền não, vọng chấp.
Tuy có nhiều danh từ, có nghĩa sai khác nhưng tựu trung trí huệ có nhiệm vụ tối hậu và tất yếu là diệt tận vô minh để nhận chân được lý nhân quả, luật thành trụ hoại không và nhất là thấy rõ được ba chân tướng của vạn hữu là: Vô thường, khổ não và vô ngã. Vì trí huệ đã đóng vai trí quan trọng trong lý tưởng giải thóat con người ra khỏi vọng chấp, cho nên Đức Phật đã tận tình chỉ dạy cho chúng sanh phương pháp rèn luyện trí huệ. Thật vậy, chính Ngài đã chỉ cho chúng ta ba nguyên nhân phát sanh trí huệ:
1- Nghe Nhiều Học Rộng:
Một trong những điều đem lại lợi ích cho sự giải thoát mà Đức Phật đã dạy là đa văn. Đa văn ở đây là muốn nói đến nghe nhiều chánh pháp. Theo kinh điển để lại, trong suốt 49 năm hoằng dương giáo pháp của Đức Phật, có rất nhiều người đắc quả thánh hay ngộ được chân lý khi nghe Ngài thuyết Pháp. Không những thế, ngay cả hàng Thanh Văn, đệ tử Phật trong khi thuyết Pháp cũng đã độ được rất nhiều người nhập vào dòng Thánh. Như Thầy Xá Lợi Phất chỉ nghe một câu kệ ngôn do Thầy Mã Thắng nói đã trực nhận được lý nhân quả và chứng ngộ đạo quả Tu Đà Hoàn. Và sau khi Thầy Xá Lợi Phất được Đức Phật cho xuất gia vào hàng tăng lữ, một hôm Thầy lãnh sứ mạng đi giáo huấn nhóm Tỳ Khưu chia rẽ Tăng theo Đề Bà Đạt Đa. Khi Thầy giảng đạo lý xong tất cả các vị tỳ khưu ấy đều đắc quả A La Hán.
Trong kinh điển cũng có ghi chép nhiều trường hợp khác tương tự. Một hành giả có thể nghe một tiếng chim hót, thấy một chiếc lá rơi, một ngọn đèn tắt, hay nhìn những bong bóng nước vỡ tan trên mặt hồ mà liễu ngộ được chân lý. Tất cả những hiện tượng nội tâm hay ngoại giới, như dòng nước trôi chảy, một trạng thái tâm linh sinh lên rồi hủy diệt đều là những bài học quí giá cho những ai biết chăm chú nhìn, biết lắng tai nghe. Trí huệ phát sinh do nghe, thấy, học hỏi, nhận xét như thế gọi là Văn Huệ.
2- Suy Tư:
Vì văn huệ chưa được hoàn hảo, nên Đức Phật dạy phương pháp rèn luyện trí huệ thứ hai sắc bén hơn, hiệu quả hơn là Tư Duy hay Quán Xét về những điều mình đã thâu thập được bằng văn huệ. Nghĩa là những điều gì mà chúng ta nghe, thấy, học hỏi được chỉ là kiến thức vay mượn. Muốn hấp thu những điều mắt thấy tai nghe để trở thành kiến thức của chính mình thì chúng ta phải tinh luyện qua nhiều giai đoạn suy tư và phán đoán, nghĩa là phải phân tích, tổng hợp, loại suy hay so sánh để tìm ra sự thật. Nhưng không phải sự tư duy nào cũng đều đem lại trí huệ. Đức Phật dạy có hai loại tư duy:
- Chánh Tư Duy là loại tư duy giúp tâm chúng ta thanh tịnh, sáng suốt.
- Tà Tư Duy là loại tư duy làm cho tâm của chúng ta trở nên ô nhiễm, và lu mờ.
Vậy muốn phát triển trí huệ trước hết chúng ta phải tránh những tà tư duy như suy nghĩ về dục lạc, suy nghĩ về thù oán, suy nghĩ về những phương kế ám hại người khác và thường xuyên chiêm nghiệm ba chân tướng: Vô thường, khổ não, vô ngã của tất cả các pháp hữu vi pháp.
Thầy Bàn Đặc là một người ít học, Thầy cố gắng học một bài kệ chỉ có bốn hàng trong bốn tháng mà vẫn chưa thuộc. Vị sư huynh của Thầy thấy vậy khuyên Thầy nên hoàn tục, nhưng Thầy quá quyến luyến đời sống đạo hạnh không nỡ từ bỏ. Đức Phật thấy đạo tâm của Thầy quá dõng mãnh nên đưa cho Thầy một chiếc khăn tay màu trắng, và dạy phải quán chiếu mỗi ngày. Thầy làm y như lời dạy của Đức Phật, chẳng bao lâu chiếc khăn bị bụi, mồ hôi bám vào và trở nên dơ bẩn ố màu. Thấy sự kiện đó, Thầy suy gẫm về tánh cách vô thường của đời sống, trực nhận được chân lý và đắc quả A La Hán.
Trí huệ phát sanh do suy xét chân tướng của vạn hữu gọi là Tư Huệ.
3- Thực Hành
Cuối cùng, một phương pháp rèn luyện trí huệ được Đức Phật khen ngợi và khích lệ hàng đệ tử ứng dụng triệt để là Tu Huệ. Giống như một ly nước đục được giữ yên, khi bao nhiêu cặn bã đã lắng đọng thì nước sẽ trở nên trong suốt. Cũng vậy nếu được giữ tâm của chúng ta an trú trong thiền định thì tâm của chúng ta sẽ trở nên trong sạch, sáng suốt và nhờ đó mà trí huệ phát sinh. Tu huệ vì thế được xem là phương tiện vững chắc nhất giúp chúng ta đạt đến cứu cánh giải thoát. Trong tinh thần khích lệ đại chúng, Đức Phật dạy:
- Dầu thông suốt kinh luật mà không hành trì, cũng chỉ như kẻ mục đồng đếm bò cho kẻ khác. Người ấy không hưng được hương vị giải thoát. Trái lại dù thuộc ít kinh luật nhưng cố gắng hành trì, từ bỏ Tham, Sân, Si hiểu biết chân chính, tâm tự tại, không vọng chấp. Người ấy chắc chắn hương được hương vị giải thoát.
Để làm sáng tỏ vấn đề nầy, chúng tôi xin được giới thiệu đến đại chúng câu chuyện:
- Thuở nọ có hai vị Tỳ kheo cùng xuất gia và tu học theo Giáo Pháp của Đức Phật. Một vị học nhiều hiểu rộng, thông suốt Giáo Pháp nhưng chưa đắc đạo. Còn vị kia tuy học ít nhưng chuyên cần tu niệm, không bao lâu đắc quả A La Hán. Một hôm trong buổi thảo luận đạo trước mặt Đức Phật, vị phàm Tăng nêu lên nhiều vấn nạn khúc mắc để khoe khoang tài bác học của mình. Đức Phật thấy vậy liền đặt ra nhiều câu hỏi khác về sự thực chứng đạo giải thoát. Hỏi đến đâu thì vị A La Hán trả lời đến đó do kinh nghiệm bản thân của mình; trái lại vị phàm Tăng không thể trả lời được, vì tự mình chưa giác ngộ.
Qua câu chuyện trong Kinh dạy nầy, chứng tỏ rằng Tu Huệ quan trọng và siêu việt hơn Tư Huệ và Văn Huệ. Người có những tư tưởng hướng về việc trau giồi trí tuệ là người có Chánh Tư Duy.
Gần đây những phát minh của con người về phương diện kỷ thuật được coi như thành công trong việc phục vụ nhân loai. Nhất là phương diện y tế đã tiến bộ đến việc như thay tim, thay gan lọc thận... sự tiến bộ nầy được coi như thành công và có thể chữa trị nhiều chứng bịnh mà trước kia được xem là nan y. Sự thành công nầy cũng đã làm kéo dài thêm tuổi thọ của con người. Bên cạnh những tiến bộ của khoa học kỷ thuật là những cuộc cải cách xã hội, kinh tế, chính trị cũng đã đem lại trật tự, điều hòa và cải thiện cuộc sống của chúng ta. Tất cả những lợi ích ấy được thực hiện nhờ công trình khảo sát thiên nhiên một cách tỷ mỷ, có quy củ và có hệ thống. Con người cố gắng điều chỉnh những điều kiện thiên nhiên để làm cho cuộc sống của mình đươc thoải mái. Trong khi xác nhận những điều kiện, phương tiện, và lợi ích mà chúng ta đang thừa hưởng từ những công trình chế ngự thiên nhiên đã được thực hiện, chúng ta cũng nhận định rằng con người hiện vẫn còn phải chịu đau khổ và chưa viên mãn thành đạt hạnh phúc một cách trọn vẹn. Vì hạnh phúc hiện chúng ta đang có chỉ là những phương tiện tạm bợ, và phương cách mà chúng ta áp dụng để chữa trị bệnh đau khổ không nhằm thẳng vào tận gốc rễ của chứng bệnh. Nghĩa là chúng ta chỉ chữa trị trên bề mặt mà không đi sâu vào nguồn gốc, chỉ nhìn cái ngọn mà không quan tâm đến cái gốc của nó. Như vậy muốn sống một cuộc đời thảnh thơi và an lạc thì chúng ta phải có những suy tư thật chính xác. Có suy tư chính xác, chúng ta mới biết hạnh phúc và đau khổ phát sanh từ đâu và được duy trì bằng cách nào. Biết được vấn đề, và nơi phát sanh của nó nơi nào, thì chúng ta phải giải quyết ngay tại đó.
Theo cái nhìn, và sự suy tư nhất quán của người học Phật thì hạnh phúc và đau khổ tất cả đều phát sanh và được duy trì trong tâm, do đó chúng ta phải giải quyết vấn đề hạnh phúc và đau khổ ngay chính trong tâm này. Thay vì tìm cách sửa đổi hoàn cảnh bên ngoài để thích hợp với mình, Phật giáo dạy nên tự sửa đổi chính mình để sống thích ứng với bên ngoài. Muốn điều hòa với thiên nhiên bên ngoài, chúng ta phải điều chỉnh lối suy tư của chính mình đối với sự vật để có một quan niệm sống điều hợp với hoàn cảnh, nhằm sửa soạn thân tâm hoàn toàn trong sạch và cuối cùng thoát ra khỏi mọi hình thức đau khổ.
Có một số người trong chúng ta vui vẻ mãn nguyện với những hạnh phúc ảo huyền và tạm bợ của đời sống và tự nghĩ rằng thế gian này quả thật tốt đẹp, quả thật là cảnh giới mà họ mong mỏi. Họ tưởng rằng hạnh phúc lúc nào cũng nằm trong tay của họ. Ðối với hạng người này không có ai là Phật, không ai thánh thiện, không có vị giáo chủ hay vị lãnh đạo tinh thần nào trên thế gian. Nhưng đa số những người khác thì hiểu biết rõ ràng phần đen tối phũ phàng ẩn núp dưới cái được gọi là hạnh phúc thân thiện của kiếp nhân sinh, xuyên qua kinh nghiệm của chính bản thân họ và của những người sống quanh. Dưới mắt của những người nầy, cuộc sống chẳng khác nào như một đại dương mênh mông sâu thẳm, đầy hiểm họa và đau khổ. Những lúc trời êm biển lặng, chúng ta có thể buông mình thả trôi trên mặt nước im lìm không chao động thì quả thật là thích thú, nhưng nếu chúng ta chịu khó mở mắt nhìn đời và mở rộng tâm trí, suy tư để khỏi bị bề mặt giả dối của thế gian phỉnh gạt, có thể nhận định rằng bão tố có thể nổi lên bất cứ lúc nào, những luồng nước lũ có thể tuôn đến và xoáy tròn nguy hiểm như thế nào, và bao nhiêu hiểm họa khác, tiềm tàng sâu ẩn trong lòng biển cả, đang chờ đợi, có thể trổi dậy bất cứ lúc nào.
Nhìn thực tại ở chung quanh chúng ta. Chúng ta chưa từng thấy có đời sống của người nào từ bé đến già mà được phẳng lặng như nước ao hồ, không bị chút lo âu, sợ sệt hay sầu muộn làm chao động. Chưa có một gia đình nào chưa từng khóc cái chết của một người thân. Chưa có một trái tim nào chưa từng nhói đau vì nghịch cảnh... Nghĩa là tất cả chúng ta ai cũng đều có vấn đề: Những vấn đề sinh nhai, vấn đề gia đình, sức khỏe, vấn đề xã hội, vấn đề kinh tế, vấn đề chính trị, vấn đề tâm lý.. v.v... cho đến vấn đề tôn giáo. Có vấn đề tức là có một cái gì không suông sẻ, có một cái gì cần phải giải quyết, tức là trạng thái bất ổn, trạng thái xung đột, xung đột giữa ý muốn của ta và những diễn biến của đời sống, tức có cái gì không được thỏa mãn hoàn toàn, có tình trạng bất toại nguyện, đó là những hình thức khác nhau của đau khổ.
Có người hỏi:
- Trong đời sống có đau khổ mà cũng có hạnh phúc. Tại sao trong giáo lý Phật giáo chỉ đề cập đến đau khổ mà không nhắc đến hạnh phúc?
Quả thật, trong đời sống cái được gọi hạnh phúc là khi chúng ta đạt điều mong mỏi. Chúng ta mong có tài sản, được tài sản là hạnh phúc. Muốn danh vọng, được danh thơm tiếng tốt là hạnh phúc. Muốn quyền thế, được quyền thế uy lực là hạnh phúc. Tuy nhiên, trong thế gian vô thường không ngừng biến đổi này tất cả mọi sự đều nằm trong trạng thái luôn luôn trở thành một cái gì khác, vì vậy hạnh phúc mà chúng ta khao khát chỉ ở trong tầm tay của chúng ta trong giây phút mà chúng ta vừa nắm được nó. Hạnh phúc ai cũng mong tìm, ai cũng khát khao muốn thành đạt, nhưng lại không có được bao nhiêu người hài lòng. Trong khi đó giáo lý Phật Giáo thường nhắc nhở:
- Ðời là khổ.
Khổ là trạng thái không thỏa mãn, làm cho chúng ta khó chịu đựng, và như thế không ai muốn, nhưng cũng không ai tránh khỏi. Chúng ta là người học Phật, chúng ta nên nhận thức rằng hạnh thực chỉ là hình thức khác của đau khổ. Tuy nhiên Ðức Phật không khi nào cố tình khuyên tất cả mọi người nên từ khước những lạc thú trần gian, vào rừng tìm nơi thanh vắng để lo tu hành. Ðức Phật đặt toàn thể giáo lý của Ngài trên nền tảng đau khổ nhưng không bao giờ phủ nhận những lạc thú trong đời. Chúng ta không tìm cách xa lánh những hạnh phúc vật chất, nhưng hiểu biết rằng nó chỉ là tạm bợ nhất thời. Thọ hưởng những lạc thú vật chất nhưng không làm nô lệ cho thể xác. Phật giáo dạy ta nên tận lực cố gắng, kiên trì nỗ lực, luôn luôn giữ tâm trong sạch và thận trọng thu thúc dục vọng. Phải luôn luôn ý thức được rằng:
- Có thân tức có già, có bệnh, có chết, có khổ ...
Chúng ta không thể sửa đổi định luật hằng hữu nầy, hay chỉ có thể làm được một cách vá víu tạm bợ. Phải hiểu rõ bản chất thiên nhiên của đời sống là vậy, chúng ta phải hiểu rõ vấn đề này. Chúng ta không thể sửa đổi định luật hằng hữu, mà chỉ có thể kiểm soát và sửa đổi cái tâm của chính mình, làm cho nó thích hợp với thiên nhiên. Ðó là lý do tinh thần tu học của Phật Giáo luôn luôn chỉ cho chúng ta những cái gì sâu thẳm nằm sau lớp bụi giả tạm để tìm một cái gì đó hạnh phúc chân thật, đó là Chánh Tư Duy.
Như vậy Chánh Tư Duy trong Phật giáo là phương pháp giúp chúng ta rèn luyện tâm một cách hữu hiệu. Trước tiên, lắng tâm an trụ vào một điểm, làm cho nó trở nên vắng lặng, sáng tỏ và có nhiều năng lực, rồi dùng tâm lực dũng mãnh ấy quán chiếu thâm sâu vào sự vật, thấu triệt thực tướng của sự vật, thấy sự vật đúng như sự vật là như vậy, không phải như mình nghĩ rằng nó là như vậy, tức nhìn sự vật dưới ánh sáng của ba đặc tướng: Vô thường, Khổ và Vô ngã. Khi nhận định đúng rằng trên thế gian huyền ảo, tạm bợ và vô thường này, cho đến cái mà ta gọi là hạnh phúc cũng không thể tồn tại vì những điều kiện tạo duyên cho nó phát sanh luôn luôn biến đổi và do đó không thể có hạnh phúc thật sự vững bền, Phật Giáo đi tìm nguồn gốc của đau khổ. Không có sự suy tư nào phủ nhận sự hiện hữu của đau khổ, hay bất toại nguyện, trên thế gian. Về nguyên nhân sanh khổ các hệ thống tín ngưỡng tôn giáo khác đã giải thích bằng nhiều phương cách khác nhau. Nhưng trong tư tưởng Phật giáo không có một siêu lực huyền bí nào cầm quyền tưởng thưởng công đức và hình phạt những tội ác của con người. Không có thưởng hay phạt đến với chúng ta từ bên ngoài, bên trên, mà chỉ có nhân quả, tức hành động và kết quả của hành động. Theo chiều hướng hiểu biết này theo Phật Giáo gọi là Chánh Tư Duy, mà qua đó mỗi người, mỗi chúng sanh đều là vị kiến trúc sư xây đắp số phận của mình.
Chính chúng ta tạo thiên đàng và cũng chính chúng ta tạo địa ngục cho chúng ta. Ðau khổ mà con người phải chịu hôm nay là hậu quả dĩ nhiên của những nghiệp bất thiện mà con người đã tạo lúc nào trong qúa khứ. Trong khi phần lớn những nhà tư tưởng tìm đến một thần lực huyền bí hay một nguyên lý bên ngoài, bên trên con người để giải thích nguồn gốc đau khổ của nhân loại thì Ðức Phật nhìn vào bên trong con người để tìm nguyên nhân, cũng như chứng bệnh đau khổ của con người. Và Ngài đi đến kết luận:
- Những đau khổ của tôi là do hành động của tôi. Và hành động của tôi là do ái dục của tôi thúc đẩy.
Nói tóm lại, vì tầm quan trọng của Chánh Tư Duy trong vai trò đưa chúng ta giải thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi và thể nhập chân lý, cho nên người Phật tử chúng ta phải luôn luôn cố gắng rèn luyện Chánh Tư Duy của mình bằng cách trưởng dưỡng tư tưởng chân chánh, mà cũng có nghĩa là quyết định chân chánh, tiêu biểu như:
- Những tư tưởng không luyến ái,
- Những tư tưởng không thù hận,
- Những tư tưởng không hung bạo.
- Cả ba phương pháp Văn, Tư, và Tu.
Khi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy dần dần phát triển, hiểu biết và suy tư chân chánh hỗ trợ lẫn nhau đưa đến nhận thức ngày càng rõ rệt bản chất rỗng không của cái gọi là Ta. Chừng đó tâm luyến ái, sân hận và hung bạo dần dần suy giảm, nhường chỗ cho tâm buông bỏ, tâm từ tâm bi. Chánh Tư Duy là một trong những yếu tố hết sức quan trọng trong việc tu và thực hành giáo pháp của Phật.
 
Tài Liệu Tham Khảo:
- Phật Học Tự Ðiển
- Ðức Phật Và Phật Pháp
- Kinh A Hàm
- Trung Bộ Kinh
-- o0o --