TẬP SAN DƯỢC SƯ

 Kết Quả Của Niềm Tin
Tịnh Nghiêm
--o0o--
 
Chúng ta là Phật Tử Đại Thừa Phật Giáo đến với giáo Pháp của Phật, và tự chúng ta lựa chọn cho mình một phương pháp tu tập thích hợp. Lẽ tất nhiên đối với những ai lựa chọn cho mình Pháp Môn Nhị Lực là Pháp Môn Niệm Phật, Thiền Tọa và Kinh Hành thì chúng ta phải sớm hôm thực tập, hành trì. Nhưng nếu có người nói rằng đây là:
- Là pháp môn mê tín dị đoan
- Là pháp môn tiêu cực, chỉ biết nương tựa, cầu cạnh vào oai lực của chư Phật
- Là pháp môn chậm lụt dành cho những ngươi tâm trí chậm lụt ...
01- Bàn Về Mê Tín & Chánh Tín
a- Chánh Tín
Nói mê tín là tự mình chưa xét qua, chưa hiểu rõ ràng thì đã chạy theo và hướng dẫn cho người khác tin một cách mù quáng. Bất kỳ một pháp môn nào cũng vậy, không có gì để chúng ta gọi là mê tín, hay chánh tín. Mê tín hay không là thái độ tín ngưỡng và cung cách hành trì của chúng ta. Nếu như chúng ta đã thâm nhập và hiểu rõ, trải qua sự quan sát và suy nghĩ, cho là pháp môn đó không có sai lầm và quan niệm của chúng ăn khớp với nhau, mà phát sinh ra một sự tin tưởng, thì đó là sự tín ngưỡng của lý trí. Mà đã được coi là tín ngưỡng của lý trí thì đó là chánh tín. 
b- Mê Tín
Nếu trường hợp chúng ta chưa rõ hiểu, chỉ nghe người khác nói là Đạo Phật rất tốt, ai tu theo Phật cũng làm ăn giàu có, hoặc giả nương nơi truyền thống của gia đình mà tín tưởng theo, hoặc sau khi tin tưởng còn chưa thâm nhập hiểu rõ, chỉ thuần túy ngay trên việc làm là tín ngưỡng, như thế tức là Phật Giáo bị tín ngưỡng làm cho chúng ta có nhiều tốt đẹp, thì bản thân của chúng ta là mê tín. Cũng vậy, nếu như chúng ta không hiểu rõ về Pháp Môn tu của chúng ta, chỉ nghe người khác nói pháp môn nầy dỡ, cho nên chậm đến quả vị Phật là mê tín. Hoặc nhìn thấy một vài nghi thức biểu tượng của Phật giáo, mà chưa hiểu qua, chưa thâm nhập rõ hiểu ở nghĩa lý, thì đã bình phẩm Phật giáo là mê tín, rồi nói cái thành kiến, mê chấp của chính mình cho người khác, như thế thì chúng ta là người mê tín.
Nhưng nhìn chung theo tinh thần của người học Phật, Phật giáo lúc nào cũng khuyến khích con người, những ai hoài nghi về Giáo Pháp, hoặc pháp Môn mình đang tu tập thực hành, đều có thể đem những việc hoài nghi đó lên bàn để mà thảo luận. Chúng ta phải biết hoài nghi, thì mới có thể nhận chân được sự vật để bàn xét để có được giải đáp thì nhân đây mới có thể sản sinh ra tín tâm chân chính. Trên sự thật, không có bất kỳ tôn giáo nào như là Phật giáo chịu cho con người hoài nghi kiểu này, khai phóng kiểu này và không mê tín kiểu này.
02- Bàn Vê Tiêu cực & Tích Cực
a- Tiêu Cực
Là người học Phật, là tín đồ Phật Giáo cho dù tu tập, thực hành pháp môn nào đi nữa, nhưng tất cả cũng đều lấy từ bi làm gốc, nhẫn nhục làm hành động. Do vậy, đối với các món: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xuc.. Nghĩa là những món lợi, năm dục, sáu trần, là phải xa tránh. Ở điểm nầy tâm tình của người học Phật không giống như tâm tình của người đời không biết đủ. Tâm của con người trần tục chỉ biết ôm đồm càng nhiều càng tốt. Với tư tưởng sai lầm nầy cho nên người đời tự cho rằng họ là người tích cực tiền tiến, và vì vậy không ngần ngại lên án cho rằng Phật giáo không thích hợp đối với xã hội hiện tại, là loại xã hội chủ trương cạnh tranh mạnh được yếu thua này. Nhưng những sự nhận xét về Giáo Nghĩa của Phật Giáo và Pháp Môn Tu của Phật giáo có tiêu cực trốn đời thật không, thì chỉ cần con người chúng ta đối với Phật pháp, và các pháp môn tu học có chút ít hiểu rõ thì có thể biết được tinh thần tích cực nhập thế của Phật giáo, và các pháp môn tu tập thực tiển của Đạo Phật.
b- Trốn Đời
Có người thường nói:
- Tôi thường nhìn thấy các Thầy hoặc người tin Phật, chỉ ở trong núi thẳm hoặc trong tự viện tụng kinh niệm Phật, thiền tọa kinh hành.. cuộc sống như vậy là cuộc sống trốn đời...
Những ai mà có những suy tư như vậy, là người chỉ biết một mà không biết hai. Phải biết rằng tinh thần của đại thừa Phật Giáo là khắp độ chúng sinh, nếu độ chúng sinh thì cần phải học tập phương pháp độ sinh. Phải biết rằng đệ tử phật là những người không biết câu nệ về hình thức, vì thế cũng không câu nệ là tỳ kheo xuất gia hoặc tín chúng tại gia, cũng không có quan niệm cứng nhắc nhất thiết phải sống trong núi thẳm hoặc trong tự viện tụng kinh niệm Phật, thiền tọa kinh hành mà phải biết rằng bất kỳ nơi đâu, làm bất kỳ chuyện gì thì sự tu tập trước sau gì cũng vẫn không thay đổi. Đặc biệt hơn nữa, người biết tu tập là người đã phát nguyện rộng cứu người, đang luyện tập kỹ thuật độ đời. Không có pháp môn tu tập nhuần nhuyển thì không thể cứu người được. Đây không phải là những lời biện hộ cho đệ tử của Phật, mà thực tinh thần của Phật giáo xưa nay như vậy.
Tinh thần của người học Phật luôn luôn có một sự uyển chuyển để thích hợp với mọi điều kiện và hòan cảnh của từng mỗi thời điểm. Chẳng hạn như tuy chủ trương những ai muốn trở thành một Bồ Tát lớn, pháp thực hành Sáu Ba La mật, và Nhẩn Nhục là hai trong sáu độ để hoàn thành nhân cách của Bồ Tát, nhưng xả thân vì pháp, cũng là giáo nghĩa Phật Giáo. Chẳng hạn vì bạo lực xâm lăng, chánh pháp có cái nguy cơ sắp diệt thì người Phật tử cũng sẽ phấn khởi đại hùng, đại lực dõng mãnh, đứng dậy chống đối với bạo lực. Như trong kinh Nhân Duyên Tăng Hộ chép rằng:
- Vì hộ sinh mệnh của Phật pháp, thà bỏ tiền tài. Vì cứu hộ một nhà, thà bỏ một người. Vì cứu hộ một thôn thà bỏ một nhà. Vì cứu hộ một nước thà bỏ một thôn. Rắn độc cắn tay thì tráng sĩ chặt đứt cổ tay.
Ðoạn kinh văn ở trên, là tinh thần hùng tráng, cả quyết, quả cảm nhất của người tu theo Phật. Vì vậy nói đến tinh thần tích cực, tiến thủ của người đời đã từng nói, đó chẳng qua là chiêu bài trá hình của sự tranh dành, tham vọng của những ai thích theo đuổi trên đường danh lợi, say đắm trên thinh sắc. Vậy thì ai là người đã từng nghĩ đến sự hy sinh của chính ta để phổ độ chúng sinh trong tinh thần: Trên thì cầu Ðại giác, dưới hóa độ chúng sanh, và tinh tấn không biếng nhác, thì những người đó mới đáng được gọi là tích cực.
03- Những Lầm Lẫn Lớn
Hiểu về Phật Giáo nói chung và Pháp Môn tu học nói riêng đối với một số người không hiểu đã đành, nhưng có số người hiểu nhưng cố tình bôi bẩn cũng có, vì thế đã tạo cho sự mâu thuẩn càng trầm trọng thêm, chẳng qua cũng chỉ là vấn đề chánh tín và mê tín. Ngày nay trong thời đại vật chất, con người chịu ảnh hưởng qua lối nhìn chỉ biết chú trọng đến vật chất, cho nên đối với Phật giáo còn có những điểm không hiểu rõ, vì thế khi nói đến vấn đề tín ngưỡng, quan niệm thứ nhất một số người đã từng nhận xét:
- Đây là việc làm mê tín.
Trên sự thật, không phải là Phật giáo mê tín, mà là Phật Giáo bị những phần tử cố tình phá họai, tự đề cao bản thân và tôn giáo của họ, nên họ không tiếc lời cố ý vu báng miệt thị, điên đảo trắng đen, cho nên đối với Phật giáo họ không ngần ngại thân tặng cho từ ngữ:
- Tiêu cực, mê tín...
Nhưng sự thật Phật giáo là một tôn giáo lấy từ bi làm gốc, nhẫn nhục làm hành động, mặc dù cho người, cho cuộc đời, cho kiếp người có nói, và cho như thế nào đi nữa thì tín đồ Phật giáo cũng không cần biện minh, cũng không cần giải thích. Có lẽ vì vậy mà cũng đã khiến cho trong xã hội hiểu lầm đối với Phật giáo càng lúc càng sâu. Nếu chúng ta chịu khó nhìn kỷ thì chúng ta sẽ thấy những người có cái nhìn lầm lẫn về Phật Giáo rất dễ, và khá trong sáng về sự lầm lẫn hoặc cố tình bôi bẩn nầy.
Nguyên do của sự lầm lẫn nầy là vào thời đại đời sống con người chưa mở mang, cho nên đối với các hiện tượng đe dọa của thiên nhiên, cho nên con người cho là phải có một loại Thần oai lực không thể so sánh hiện đang thao túng khống chế, từ đó mà có sự sợ sệt và cầu đảo lạy lục. Con người vào thời kỳ đó cho là sự sống, chết, thọ, yểu của con người đều do họa phước tai ương, không việc gì là không do những vị Thần Thánh nào đó nắm lấy. Do đó đối với những vị thần thánh này, nếu con người cung kính cầu đảo, thì được phước, nghịch lại hay xúc phạm thì bị họa. Người đời vì cầu phước diệt họa, do đó lấy lễ và dùng giấy tiền vàng bạc để cúng tế Thần Thánh, để làm vui cho Thần Thánh. Thông lệ đó cứ thế mà lưu truyền cho đến đời sau. Càng đến đời sau, thì thần thánh càng lúc càng nhiều. Một nhà sinh sống về nông nghiệp, Thần Thánh được kính phụng có: hoàng thiên, thổ địa, môn thần, táo thần,... đều ở trong nhà mỗi vị chiếm một ghế. Mục đích của việc kính phụng thần thánh, mặt tiêu cực là cầu khỏi họa, mặt tích cực là cầu ban phước... Đối với người mê của thì cầu sự bảo hộ giúp đỡ của thần, như phát hoạnh tài, không nhọc sức mà được. Người mê quan chức cầu giúp đỡ của thần được thăng cấp liền liền ...
Đó là những quan niệm và cách sinh tồn trong nhân gian, nhưng thực ra nếu chúng là những người không trồng nhân thiện, mà vọng cầu quả thiện, thần nếu có linh, thì cũng không thể nào theo chỗ ham muốn của chúng ta mà cho như vậy được. Đó là lập trường khá vững chãi của người con Phật từ xưa cho đến nay không ai là không biết.
Phải biết rằng mọi hiện tượng trong vũ trụ, mỗi cái đều có nhân quả của nó. Muốn cầu ngũ cốc được mùa, cần phải ra công canh tác. Muốn cầu nhân khẩu bình an không bệnh hoạn, cần phải cẩn thận ăn uống vệ sinh. Muốn trong gia đình hạnh phúc thì phải biết nhịn nhường nhau. Trong việc cúng tế thần linh thì đôi khi có thể đúng, nhưng không nhất thiết là luôn luôn phải đúng. Thí dụ chẳng hạn như một học sinh vái van với Thần Thánh cho mình thi đổ, nên anh ta cố gắng thức khuya dậy sớm để học thì chắc chắn anh ta sẽ đổ đạt. Nghĩa là một người muốn có duyên tốt kết quả tốt thì phải tạo nhân tốt, thì duyên tốt mới có hội cơ gặp gỡ. Đối với những không có phép tắc, bị phạm pháp mà cầu thần thánh giúp đỡ thì kể ra cũng khó mà mãn nguyện. Người đời vì không rõ lý nhân quả mà vọng cầu không nhân mà được quả, thật là không biết chuyện. Hành động không biết chuyện này tức là mê tín. Nhưng điều đáng  nói ở đây những người được gọi là trí thức trên xã hội cố tình đem ngòi bút thiếu suy tư, thiếu chánh niệm làm cho người đời hiểu sai về Phật Giáo. Ngay cả có người còn đem đồng cốt, thờ bái thần linh cho đó là Phật Giáo. Nhưng ai cũng biết Phật giáo khác với đạo Thần Thánh, đó là chỗ tin và phụng thờ của Phật Giáo là:
a- Phật
Phật nghĩa là người giác ngộ; người mà tự mình giác ngộ và giác ngộ cho người khác, giác hạnh tròn đầy gọi là Phật.
b- Bồ Tát;
Bồ Tát nghĩa là giác hữu tình. Giác hữu tình là giác ngộ cho tất cả chúng sinh hữu tình. Bồ Tát là trên cầu pháp Ðại giác, dưới độ tất cả hữu tình. Bồ Tát tu thành công đức tròn đầy, cũng tức là Phật. Trong chùa viện hoặc ở gia đình theo truyền thống Phật Giáo Đại Thừa, Việt Nam chúng ta việc thờ Phật và chư Bồ Tát thì có:
a- Chư Phật:
Ðức Phật giáo chủ cõi Ta Bà là Thích Ca Mâu Ni. Ðức Phật A Di Ðà ở Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, Đức Dược Sư Phật thì ở thế giới Lưu Ly Phương Đông ...
b- Bồ Tát
Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Ðại Thế Chí, Bồ Tát Ðịa Tạng...
Ngoài ra việc kính thờ là: Thiên đế, đại đế, thiên hậu, nương nương cho đến tiên cô, chân nhân... có thể nói là đối với Phật giáo hoàn toàn không có quan hệ.
Hơn hai ngàn rưỡi năm trước, Ðức thế tôn Thích Ca đã bảo rằng đệ tử không được mê tín. Trong kinh Bát Nhã Tam Muội nói rằng:
- Không được làm việc các đạo khác, không được lạy trời, không được cúng tế quỷ thần...
Nhưng nói cho cùng, người đời cúng tế thần thánh, tuy thuộc về mê tín, nhưng trong mắt, trong tâm của họ cũng còn có quan niệm thần quỷ, vì thế họ còn sợ nhân quả báo ứng. Sở dĩ gọi là người mê tín, là vì họ không gặp được thiện tri thức để khai mở chánh tín cho họ. Những người như vậy thật đáng thương xót, tuy nhiên vẫn còn khá hơn những người không có quan niệm thần quỷ, họ không tin nhân quả, không sợ quỷ thần, cho nên họ thích làm những việc hồ đồ vọng tưởng, chẳng sợ báo ứng. Chắc chắn những người như vậy, sau khi chết đọa lạc, không biết kiếp nào mới ra khỏi ba đường: Địa Ngục, Ngạ Qủy Súc Sanh.
04- Một Niệm Trí Tin
Phật pháp là pháp lớn cần cho con người chuyển mê khai ngộ, chuyển si sanh huệ, chuyển phàm thành thánh. Nếu có người đối với Phật pháp một điều cũng không biết, hoặc chỉ hạn chế ở nơi nghe đạo từ sự nói lại, hoặc hiểu biết cạn cợt, để rồi kết luận Phật giáo là mê tín. Những người như vậy không khác nào như người mù rờ voi, hoặc ngồi dưới đáy giếng mà dòm trời. Sự thật, trên thế gian cũng có những tôn giáo mê tín là những tín ngưỡng ngoại lực đó, những người theo tín ngưỡng nầy là đem tất cả chính bản thân mình giao phó cho tôn giáo, cho thần linh ở bên ngoài, mà chẳng tin tưởng chính bản thân mình. Phật giáo tin tưởng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, chúng sinh đều có thể tu trì thành Phật, đây là loại tôn giáo được cũng cố xây dựng niềm chính tự thân mà không tùy thuộc vào bất cứ một đấng thần linh nào. Tôn giáo tín ngưỡng ngoại lực là loại tôn giáo tin thần thánh ở ngoài loài người, đang là chủ tể tất cả nhân loại, cho nên tất cả những việc tốt xấu, lành dữ họa phước của người đều có thể xin cầu sức lực của thần. Loại tôn giáo này có thể phân làm hai loại nguyên thỉ và tiến bộ.
a- Loại Tôn Giáo Nguyên Thỉ
Đây là loại tôn giáo được phát sinh khi nhân loại còn trong thời kỳ nguyên thỉ, lúc đó trí thức con người chưa mở mang, cho nên khi đối diện với những hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ như vậy thường có sự lo sợ:
- Trời lấy gì lập, đất lấy gì chở, oai lực của điển chớp, và những lúc tai hại của nước lửa... đều cảm thấy sợ sệt.
Ở trong sự khốn đốn mê mờ, sợ sệt, huyễn tưởng như vậy con người mới nghĩ là có một loại thần có oai lực không thể so sánh, là kẻ thao túng đang khống chế tất cả vũ trụ. Con người cho rằng ai mà đụng đến, hay nghịch đến những vị thần nầy thì con người phải chịu tai hại họa ương, nhưng nếu thuận theo đó thì được tha thứ giúp đỡ. Vì vậy việc cúng tế thần Thánh trở thành một việc đại sự trong cuộc sống loài người, do vậy mà đa thần giáo cũng phát sinh từ từ đó.
b- Loại Tôn Giáo Tiến Bộ
Nhất thần giáo được coi là một tôn giáo tiến bộ hơn so với tôn giáo đa thần. Do ở nơi kết quả sự tăng tiến trí huệ của loài người khiến cho một số tôn giáo, thấy tôn giáo đa thần với sự không hợp lý của nó. Những bí mật sâu xa của vũ trụ như:
- Sự sanh diệt của muôn vật,
- Đầu mối thời gian như sinh già bệnh chết; cùng tột sự yểu và thọ ...  
Nhưng những biến chuyễn đó, trên thực tế lại giống như lần lượt phép tắc vận hành nhất định. Ở đó khiến cho một số người cho là trên vũ trụ, trong cái mờ mịt ấy có một cái chủ tể vạn năng là thượng đế. Kẻ chi phối là chủ tể của tất cả thế gian gồm lại thì vũ trụ vạn hữu, đều là chỗ sáng tạo của thượng đế. Ðây cũng là do từ nơi quan niệm đa thần mà dẫn đến nhất thần, cho nên các tôn giáo như:
- Bà La Môn giáo của Ấn Ðộ,
- Cũng như Ca Tô Giáo của người Do Thái,
- Hồi giáo của Ả Rập ...
Đại để đó là những tôn giáo lớn mà chúng tôi vừa tiêu biểu đều thuộc một loại này.
Tất cả các giáo nghĩa của những tôn giáo này, hình thái và nghi thức có chỗ không đồng, nhưng chỗ tương đồng của họ là chỉ lấy một món đối tượng làm việc sùng bái. Hiểu cho tường tận thì những sự kiện nầy chẳng qua do ở nơi nhân loại tư tưởng tiến bộ, khoa học phát triển mà có được những cục diện như ngày hôm nay, chớ vạn vật không phải do thượng đế tạo, thế giới cũng không phải do thượng đế làm chủ tể.
Trừ ngoài tôn giáo tín ngưỡng về tha lực, hãy còn có tôn giáo tín ngưỡng về tự lực mà chúng tôi đã từng nhắc, đó chính là Phật giáo. Phật giáo không chủ trương vũ trụ là do thần sáng tạo hoặc có một vị thần nào đó làm chủ tể. Ðối với vũ trụ vạn hữu, hiện tượng sanh diệt đổi khác, Ðức Thích Ca thường nói:
- Những hiện tượng này, ở nơi phép tắc tự nhiên thì xưa nay cũng đều là như vậy.
Phép tắc tự nhiên tức là luật nhân quả của vạn hữu. Muôn pháp từ nhân duyên mà sinh, muôn pháp cũng từ nhân duyên mà diệt. Ðây sinh, đây diệt, đều là quả của nhân duyên sinh. Tinh thể vận hành, đầu mối thời gian dời trôi trong đó có nhân quả, sinh già bệnh chết .... Trong đó cũng có nhân quả. Nhân như vậy, quả như vậy, mảy tơ sợi lông không thể mượn nhờ. Nhân đây, hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ chắc chắn không có vị thần nào chưởng quản. Con người gặp gỡ cũng chẳng phải do Thượng đế chủ tể sắp đặc. Tục ngữ xưa nói rằng:
- Họa phước không cửa, chỉ người tự chuốc.
Tự mình cũng là chủ tể chính mình, không có thần nào, có thể lấy làm chủ tể con người, cũng không có thần nào có thể đối với con người mà ban phước giáng họa.
Ngày thành đạo, lúc Ðức Thích Ca ở dưới cội bồ đề mắt thấy sao sáng ngộ đạo, câu nói thứ nhất mà ngài mở miệng để nói:
- Kỳ thay kỳ thay, tất cả chúng sinh đều đủ đức tướng Như Lai trí huệ, nhưng do vì vọng tưởng chấp trước, không thể chứng được, nếu lìa vọng tưởng thì nhất thiết trí, tự nhiên trí tức được hiện tiền.
Ðức tướng Như Lai, trí huệ Như Lai, ở đây Đức Phật muốn nói chính là Phật tánh, mọi người đều có. Tánh này ở nơi thánh không tăng, ở nơi phàm không giảm. Người người nương nơi pháp tu trì, chuyển mê khai ngộ, đều có thể thành Phật. Nhưng nương nơi pháp tu trì chuyển mê khai ngộ hoàn toàn cần dựa vào lực thực hành thật tiễn chính mình, và pháp môn do chính mình lựa chọn chứ không phải là dựa vào sự ban phát của Thần. Phật tánh người người đều có đủ, do vì vọng tưởng chấp trước mà chẳng thể chứng được. Ðiều nầy tương tự như cái gương phủ bụi, thì cần phải lau chùi đi bụi bặm, tự mình nương theo pháp môn tu trì khôi phục lại trí tánh sáng suốt sẳn có của mình. Ðây hoàn toàn dựa vào sự tu trì của chính mình. Người đời không hiểu lý này, lấy tôn giáo mong nhờ thần lực cứu giúp. Nhưng đối với người tu Tập pháp môn Niệm Phật, Thiền Tọa, và Kinh Hành thì việc Niệm Phật là tạo thêm vườn hoa đẹp trong vườn hoa đã sẵn có của chính mình.
Nếu một người nào đó trong số chúng ta mà trong đời chưa từng tạo cho mình một hương hoa thơm nào, thì ngay bây giờ chúng ta hãy nên niệm tánh giác của mình để kịp làm nhân cho vườn hoa hiện tại và tương lai. Và nếu có ai đã lỡ tạo nhân hoa không tốt, hương hoa không tịnh thì lại càng nên sớm mau khơi dậy tánh giác, trồng niệm hoa thơm để hương hoa tinh khiết phủ trùm hương bất tịnh và biến tất cả hương hoa trong vườn thành hương hoa thanh tịnh giải thoát, như trong kinh Quán Phật Tam Muội, Phật dạy về công đức và công năng của niệm Phật nhất định sẽ sanh ra trước Phật, quyết được vãng sanh, tức là có thể cải biến tất cả điều ác, sanh đại từ bi. Và hiện đời chúng ta sẽ an lạc vì chúng ta có thể:
01- Sống Tỉnh Thức
Bởi vì chúng ta là người biết niệm Phật, tụng kinh, thiền tọa và kinh hành thì chắc chắn chúng ta là người biết tin nhân quả, thiện có thiện báo, ác có ác báo, biết rõ ràng phải trái, nhìn rõ tình đời cho nên việc ác chúng ta không làm, chỉ thích làm những điều thiện. Nhờ biết đủ như vậy cho nên cuộc sống yên ổn đạm bạc giản dị, tâm tình chúng ta trở nên cởi mở, vì thế mà những liên hệ không lành mạnh đến thế tục chúng ta có thể buông đi. Nếu có phải nhận công tác nào đó trong công sở thì đối với một người biết tu tập như vậy, một khi đã hiểu rõ nợ nần nghiệp báo thì phải dốc hết bổn phận làm việc, trân trọng nghề, vui với tập thể, giữ bổn phận, giao tế với người quan hệ hài hòa. Một người như vậy ngước lên không thẹn với trời, cuối xuống không tủi với đất, thì tự nhiên được yên ổn, tốt đẹp, tự tại, vui sướng, nhìn các việc đều thoải mái thích hợp thuận mắt. Đó là người biết sống tỉnh thức
02- Quán Sát Tự Thân
Người biết niêm Phật, thiền tọa và kinh hành là người biết nương giáo lý của Ðức Phật mà chiếu xét tư tưởng và hành vi của chính mình. Như có cái gì bất chánh thì đưa vào chỗ chánh, cái gì chưa nề nếp thì đưa vào nề nếp, tu dưỡng ở nơi thân tâm chính mình, rất có bổ ích, đây là triết học của thuật xử thế. Đối với chân tướng của nhân sinh có chỗ nhận thức, có nhận thức thì chúng ta biết hóa giải cho nên tâm tánh của chúng ta không gấp rút ồn ào, không biến động giận dữ, tâm tình trở nên hòa diệu. Đối với một người có công phu hàm dưỡng như vậy thì khi gặp những vấn đề khó khăn ngay trước mặt như:
- Không mỹ mãn về cuộc sống,
- Hoàn cảnh buồn phiền
- Những trở ngại thiếu sót hạn chế của xã hội hiện thực,
- Đối diện với những thành phần phiền não xấu xa.
Tuy là sự việc như thế nào đi nữa thì người học Phật chúng ta không vì thế mà buồn phiền hay chán nản giận hờn mà trái lại chúng ta biết hóa giải cho nên tâm tánh của chúng ta không thuần lại, và biết  hòa diệu trước mọi hoàn cảnh. Do đó tuy là còn hiện hừu ở cõi Ta Bà, chúng ta cũng sẽ có được ba kết quả tốt đẹp đó là:
a- Hiện Tiền Có Nơi Nương Tựa
Nghĩa là trong cuộc sống hiện tại, nhất là trong phương diện sinh hoạt tinh thần có chỗ nương tựa vững chải: Tin Phật, có lý tuởng là sẽ thành Phật ở thời gian nào đó trong tương lai, và hiện tại sống cuộc sống vui vẻ, tự tại.
b- Thông Suốt Sanh Tử Luân Hồi
Một khi chúng ta tin Phật và thông suốt sanh tử luân hồi có nghĩa là người ấy biết được sanh tử, ra khỏi luân hồi sáu nẻo, xa lìa khổ vui, vãng sinh về Cực Lạc thế giới, và được thành Phật.
c- Biết Trước Ngày Giờ Vãng Sanh
Thông thường người đời lúc chết, thường chết trong cái chết đau đớn khổ sở, muôn nghìn người khó có được một người lúc chết không đau đớn khổ sở, không thể biết là đứng hoặc ngồi chết được, lại càng khó có thể biết trước giờ mệnh chung. Trong khi đó đối với người biết niệm Phật tu hành đến lúc mệnh chung, thân không bệnh khổ, biết trước giờ chết, chánh niệm hiện tiền, tâm không điên đảo, đang đứng hoặc đang ngồi mà niệm Phật vãng sinh về thế giới Cực lạc; nếu công phu niệm Phật sâu dày, thì ở hiện đời được nhất tâm bất lọan, căn lành sâu dày, lại có thể thân chứng niệm Phật tam muội.
Nói tóm lại, khi đã có một niềm tin vững chãi rồi, thì tất cả các việc nếu cần đối diện phải đối diện, nhờ vậy mà chúng ta có thể mở bày trí tuệ, và điều chỉnh tâm cảnh bất bình của chính mình, cho nên chúng ta có thể trở thành yên vui hòa thuận, bình tĩnh, điềm đạm. Từ đó tình tự của chúng ta cũng không bị những sự vui buồn hờn giận trong cuộc đời chi phối. Lúc đó chúng ta có thể xem phú quý như khói mây qua mắt, lấy tâm biết đủ để tiếp xử với muôn vật. Không vọng cầu, không vọng chấp, không bị sự trói buộc bởi những sự vật ở bên ngoài, vì thế tâm lý được an, cho nên tùy duyên qua ngày, và cuộc sống chúng ta sẽ được hạnh phúc vui vẻ. Đó là thành quả thu gặt từ nơi tu tập, hay nói cách khác đó là kết quả của niềm tin.
--o0o--