TẬP SAN DƯỢC SƯ

Vườn Tâm Hoa Tuệ
Nguyên Châu
--o0o--
 
Trong kệ chuông có đoạn:
            - Nghe chuông phiền não tan mây khói
            Ý lặng thênh thênh miệng mĩm cười
            Hơi thở nương chuông về chánh niệm
            Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi.
             Cụm từ:
            - Vườn tâm hoa tuệ
            Chúng tôi tạm mượn từ bài kệ thỉnh chuông như đã trích dẫn ở trên.
Nói đến vấn đề làm vườn, có lẽ khi mới đến những vùng đất hoang để khai khẩn, mảnh đất đó có thể làm cho chúng ta nản lòng vì cỏ gai và chướng ngại vật đầy dẫy. Vì chúng ta cần phải đào, phải bứng, phải chặt, phải cày, phải bừa. Tuy nhiên nếu chúng ta không nản lòng, sau một hai năm xây dựng chúng ta sẽ thấy sự khác biệt giữa hai quang cảnh mới và cũ.
Sự tu học của chúng ta cũng như vậy. Trước khi tu thì tâm của ta rất là hoang vu và gai góc. Chúng ta tạo ra rất nhiều đau khổ cho chính ta và cả cho những người chung quanh. Do vậy chúng ta ai cũng thường có khuynh hướng muốn đi tìm hạnh phúc và vì nóng lòng tìm hạnh phúc cho nên chúng ta đã vô tình hoặc cố ý phủ nhận, chối từ những cái mà chúng ta đang có trong hiện tại, vì nghĩ rằng hiện tại chỉ là khổ đau phiền muộn. Chúng ta nghĩ hạnh phúc chỉ có thể có được ở trong tương lai và con người đích thực của chúng ta chỉ có mặt trong quá khứ mà bây giờ thì đã mất hết rồi! Cái khuynh hướng trốn chạy và chối từ đó đã trở thành một tập khí, cho nên chúng ta không đứng yên, không ngồi yên được. Người Việt chúng ta thường nói ngồi như ngồi trên đống lửa! là vì chúng ta cứ lăn xăn tìm kiếm con người thật của mình cho nên chúng ta đã mất cái khả năng ngồi yên.
Như nói mời đại chúng an tọa, nghĩa là mời anh, mời chị ... ngồi xuống trên một đóa sen, chứ không phải mời ngồi trên đống lửa. Người không tu tập thì không có khả năng ngồi yên. An tọa có nghĩa là ngồi yên và ngồi yên an lạc thì đó là ngồi trên một đóa sen. Dầu ngồi trên một tảng đá, dưới một gốc cây, hay trên một đồi cỏ, nếu chúng ta biết an tọa thì chỗ ngồi đó sẽ biến thành một đóa liên hoa. Chúng ta thường vẽ Phật ngồi trên đóa sen là vì Phật biết an tọa, cho nên Phật ngồi ở đâu cũng là ngồi trên đóa hoa sen là vì Ngài am tường nghệ thuật an tọa.
Trong truyền thống Phật Giáo, người phật tử chúng ta thờ Phật để chiêm nghiệm tâm hạnh của Ngài và noi theo gương Ngài, mỗi khi thấy Ngài ngồi yên trên toà sen. Hình ảnh đẹp đó sẽ là bài học không lời luôn luôn nhắc nhở khi chúng ta khi ở nhà, hay khi đi đâu xa lúc về tới nhà, là chúng ta đã trở về nơi chúng ta thương yêu nhất, thoải mái nhất. Nhất là mỗi lúc nhìn lên bàn thờ, thấy đức Phật ngự trên đài sen từ bi mĩm cười, thì chúng ta có hạnh phúc an ổn không còn suy nghĩ lo lắng gì cả. Gia đình Phật Tử Việt Nam có bài hát tên là: Kính mến Thầy, trong đó có đoạn như thế nầy:
            Hôm nay Thầy về
            Chúng con xin kính mừng Thầy
Trong giờ phút vui này,
Chúng con biết làm gì đây?
Chúng con nguyền tinh tấn ...    
Chúng ta nghĩ gì về đoạn nầy, thật ra như có lẫn chúng tôi nói, chúng ta thờ Phật, thấy Phật ngự an lành trên tòa sen là chúng ta an ổn không lo lắng gì cả. Cũng vậy, việc chúng ta kính mến Thầy, chúng ta thương thầy và được gặp thầy thì chúng ta chỉ cần ngồi yên, an tọa với thầy, nghe thầy dạy bảo, nhắc nhở đó là chuyện phải làm, chớ không cần làm gì cả. Ai mà thương mến nhất, điều gì khiến ta cảm thấy thoải mái nhất, khi đã gặp được rồi, hoặc khi đã đạt rồi thì chúng ta không còn lo lắng hoặc làm gì nữa, cho nên chúng ta không cần thắc mắc là chúng ta phải làm gì khi gặp Thầy. Chúng ta chỉ cần ngồi yên và nghe Thầy dạy, nếu cần thì chúng ta cứ phát nguyện theo Thầy:
- Hôm nay,
            Thầy về nơi đây
            Con được gặp Thầy
Con xin mừng Thầy
            Quỳ dưới chân Thầy
Học đạo Như Lai.
Nguyện ngày kia giáo pháp cha lành
Lan rộng muôn nhà
Giáo pháp thậm thâm
Tiêu diệt si mê.
Giáo pháp vô thượng
Hướng dẫn nhân quần
Hướng dẫn đời con
Thoát cảnh gông cùm xích trần gian
Thầy ơi,
Con nguyện theo Thầy
Hoằng pháp lợi sanh.
Con nguyện theo Thầy
Học đạo tu hành.
Cuộc đời của con
Con xin hiến trọn đời mình
Con nguyện vì đạo hy sinh
Dẫu con chịu muôn vạn khổ đau.
Quỳ dưới chân Thầy,
Nguyện cầu,
Thân tâm Thầy luôn an lạc
Hướng dẫn nhân quần
Hướng dẫn đời con
Ði trên con đường Chân Thiện Mỹ
Con nguyện theo truyền thống cha lành
Theo gót chân Thầy.
Thầy ơi,
Con nguyện theo Thầy
Hoằng pháp lợi sanh
Con nguyện theo Thầy
Học đạo tu hành.
Cuộc đời của con
Con xin hiến trọn đời mình
Con nguyện vì đạo hy sinh
Dẫu con chịu muôn vạn khổ đau.
Tu học mà không phát nguyện thì khó mà chịu đựng những chướng ngại trên đường tu, do vậy mà có nhiều khi thân tâm của chúng ta cứ thấy không yên ổn. Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du có nhiều câu rất hay để diễn tả những người không có khả năng đi đứng, nằm, ngồi yên ổn như là:
- Vậy nên những chốn thong dong,
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng,
Ma đưa lối, quỉ dẫn đàng,
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
Ở những chỗ thong dong dưới mái chùa, như tại Chùa Dược Sư, mà chúng ta vẫn không an trú được, thì đúng là chúng ta bị ma quỉ nó xúi đi về những nẻo đường tăm tối, những nẻo tạo nên trạng huống đau buồn đứt ruột. Những nẻo đường đó mà có, chính là do những tập khí năm xưa, và tập khí đó là ma, là quỉ làm chướng ngại cuộc đời chúng ta. Việt Nam chúng ta có một câu ví von khác là:
- Như bắt cóc bỏ vào đĩa
Con cóc sống mà đặt lên cái đĩa thì nó khó mà ngồi yên. Tương tự như vậy nếu chúng ta ngồi không yên, đi không vững ngay tại những nơi đáng lý chúng ta phải có an lạc, thì đó là những năng lượng tiêu cực của tập khí, những năng lượng phát sinh từ tư tưởng chúng ta đã đánh mất chánh niệm. Nếu chuyên tâm và khôn khéo tu tập, chúng ta có thể tạo được, khôi phục lại được con người thật của thuở ban đầu đó ngay bây giờ và ở đây.
Như vậy phương pháp cày bừa để trồng trọt trên một thửa ruộng chúng ta cũng cần tâm tình thảnh thơi để xác định việc làm của chúng ta như thế nào thì nghệ thuật cày bừa vun xới mảnh vườn tâm để khôi phục lại những năng lượng tích cực, loại bỏ những tập khí lâu đời là đừng để tư tưởng chúng ta đánh mất chánh niệm cũng như thế đó.
Một thí dụ cụ thể, chẳng hạn nói về Chùa Dược Sư. Nói về Chùa Dược Sư, trong số đại chúng đây có nhiều người đã biết Chùa Dược Sư cách đây chín năm, lúc đó quang cảnh của Chùa Dược Sư không giống như bây giờ. Lúc ban đầu khi Chùa mới dọn về đây, mới nhìn qua mọi người thường ví von đây là Rừng Vô Minh. Nói là Rừng Vô Minh vì cây cối rậm rạp, dây leo, gai góc mọc đầy... Những ngày đầu nơi đây trông thật hoang sơ tiêu điều, có thể nói một người yếu bóng vía không dám ở nơi nầy lâu. Nhờ sự phát tâm của chư Phật tử, từ những người bạn trẻ cho đến các cụ già, mỗi người một tay hổ trợ, quyết tâm mở một đạo tràng hoằng dương Phật Pháp. Lớn làm việc lớn, nhỏ làm việc nhỏ, già cả làm theo sức và khả năng của mình bằng cách là bưng nước đến từng người để giải khát, hoặc nấu cơm, rán đậu cho những bữa cơm trưa chiều.. v..v.. rất là an vui trong tình Ðạo:
- Có những bàn tay những tấm lòng
Mười phương góp lại một Phương Ðông..
Hoặc là:
- Một ly nước mát cho anh
Ngọt ngào hương vị đạo lành là đây
Cùng nhau xây dựng chùa nầy
Khai quang sửa đất trồng cây Bồ Ðề
Tay sơn, tay mộc, tay nề
Tay phát cỏ dại tay tề rừng cây
Chánh pháp như đã tỏ bày
Ở trong Phật sự tháng ngày an vui.
                                    (Nhật Hoa Quang)
Sau khi dọn dẹp phía trong để thiết trí điện Phật cho có chỗ lễ lạy, tu trì, công tác kế tiếp là quét dọn rừng Vô Minh. Những ngày đầu thật khó khăn lắm mới mở được lối thông được từ mặt đường vào bên trong. Công cuộc phát quang càng lúc càng tiến sâu vào trong rừng Vô Minh, thì lộ trình cũng thu ngắn lại, cỏ dại của Vô Minh cũng ít hơn, ngôi chùa hiện ra rất sáng sủa và rất đẹp. Nhìn lại những thành quả đã thu gặt được sau bao ngày gian khổ, ngôi chùa uy nghiêm dưới bầu trời trong xanh của vùng đất Seattle, cảnh trí rất là thơ mộng. Khai quang rừng Vô Minh quả thật là một việc làm phi thường, cỏ dại thì nhiều, mà đám rừng cũng lớn, do đó mà người làm phía trước cỏ mọc phía sau, trùng trùng điệp điệp. Người làm vườn nếu không có kiên nhẫn đào gốc bứng rễ thì cỏ dại sẽ mọc lên lại rất nhanh.
Sự tu học của chúng ta cũng như vậy. Trước khi tu thì tâm của ta rất là hoang vu và gai góc. Chúng ta tạo ra rất nhiều đau khổ cho chính ta và cả cho những người chung quanh. Cho nên trong Kinh Tăng Nhất A Hàm Đức Phật có nói:
- Này các vị khất sĩ, không có một sự vật nào khi không được điều phục mà có thể đem lại nhiều đau khổ như tâm của chúng ta. Này các vị khất sĩ, không có vật nào khi đã được điều phục và chế ngự mà lại có thể đem lại nhiều hạnh phúc như tâm của chúng ta.
Vì vậy tu học có nghĩa là điều phục tâm, làm việc với tâm. Trong văn học Phật Giáo, tâm có khi được ví với đất. Tại bất cứ nơi nào ở Chùa Dược Sư, nếu quí vị xới lên một khoảng đất, bừa cho nhỏ rồi tưới nước, một thời gian sau sẽ thấy rau dền, rau sam mọc lên. Quí vị hỏi:
- Rau dền, rau sam ở đâu mà mọc ra như vậy?
Thật ra rau dền, rau sam đã có hạt giống ngay trong lòng đất ở khắp nơi nói chung, và nói riêng là Chùa Dược Sư. Ngoài hạt giống rau dền, rau sam đất ở Chùa Dược Sư còn chứa rất nhiều loại hạt giống khác.
Chúng ta thường chứa hạt giống trong bồ hoặc trong nhà để chờ ngày gieo và do đó chúng ta cứ nghĩ hạt giống là một cái gì có ở ngoài đất. Kỳ thực, hạt giống luôn luôn nằm trong đất. Nếu chúng ta có hạt giống chứa trong bồ thì hạt giống cũng từ lòng đất mà ra, chứ không phải từ trên không rơi xuống rồi đem cất vào bồ. Cái ý niệm đất là tâm là một ý niệm vô cùng tuyệt diệu, vì vậy cho nên chúng ta thường nói tâm, mà còn kèm theo chữ tâm địa là như vậy. Trong đất tâm, chúng ta có đủ mọi hạt giống:
- Hạt giống của gai góc, đó chính là hạt giống của tham giận, của si mê, của kiêu căng, của ganh tị v.v...Õ Nhưng trong tâm ta cũng có các hạt giống lành mạnh đó chính là hạt giống của hạnh phúc, của giác ngộ, của giải thoát, của sự tha thứ, của sự thương yêu .. v.. v...
Tu học có nghĩa là thực tập và phân biệt cho được những hạt giống đó để chuyển hóa những hạt giống xấu và tưới tẩm những hạt giống tốt.
Trước khi tu tập, đất tâm của ta rất cứng và với đất đó chúng ta không trồng trọt gì được cả. Vì vậy, việc đầu tiên là phải cày đất. Lưỡi cày đất tâm là chánh niệm. Tại Chùa Dược Sư chúng ta có rất nhiều  cây mận và đào. Cây mận có trước khi chúng ta về đây, cho nên việc trồng trọt không tốn công sức nhiều, riêng về cây bông đào trước khi trồng đào, chúng ta phải xới những chỗ đất mới. Ban đầu chúng ta xới sâu khoảng 40cm rồi đặt những cây đào xuống. Sau đó chung quanh những câu đào chúng ta phải bới đất chung quanh để làm bồn chứa nước, khi nước nước sẽ được giữ lại và thấm từ từ vào lòng đất để nuôi cây. Nếu cần chúng ta có thể làm vỡ những tảng đất cứng ở dưới để sau này rễ bông đào có thể chui qua, nhờ vậy mà cây đào sẽ phát triển nhanh. Sau đó một vài năm chúng ta cũng xới lại, tiếp tục làm vỡ đất dưới sâu để cho rễ đào có đường chui qua. Nếu không xới nhiều lần như vậy, rễ đào chỉ đi qua trên mặt mà không bao giờ hút được nước và chất bổ ở dưới lòng đất sâu. Vì vậy nhìn bề ngoài, chúng ta cứ tưởng công phu trồng đào rất là đơn giản, nhưng thực ra chúng ta đã dùng thời giờ và công phu chăm sóc, cày xới để cho đất ở tầng phía dưới được phá vỡ và làm lộ lên những rễ cây, những hạt giống kết tụ từ hàng trăm năm trước.
Tu học cũng vậy. Phải biết rằng, nếu đất tâm của chúng ta không được điều phục thì đất tâm đó không giúp được gì cho việc tu tập của chúng ta cả. Vì vậy phải cày mảnh đất tâm của chúng ta bằng sự thực tập chánh niệm hàng ngày. Chẳng hạn như tụng kinh, niệm Phật, thiền tọa và kinh hành là một cách cày đám ruộng tâm của chúng ta. Chúng ta cũng có thể làm cho tâm chúng ta được phòng hộ, và trở nên tốt đẹp bằng cách cày sâu xuống mảnh đất tâm của mình. Vì vậy trong đời sống hàng ngày, khi chúng ta nấu cơm, giặt áo, quét nhà, gánh nước, bổ củi là những lúc chúng ta cũng cày miếng đất tâm của chính mình bằng phương thực tập chánh niệm. Ruộng được cày lên để tất cả những gai góc và rễ cây được xắn đứt, trồi lên mặt đất để ta có thể lượm, quăng vào một đống rồi đốt đi. Cũng tương tự ruộng tâm của chúng ta được cày xới bằng lưỡi cày tụng kinh, niệm Phật, thiền tọa và kinh hành thì những gốc rễ của tham, sân, si, mạn cũng bị đứt rễ không còn nơi bám víu nữa.
Nói đến cày ruộng, Kinh Tạp A Hàm và Kinh Tương Ưng Bộ ghi lại rằng: Một hôm Đức Phật đi khất thực với các thầy ở miền quê nước Câu Tát La, quốc vương của nước nầy là Vua Ba Tư Nặc. Hôm đó là ngày đầu mùa Xuân, các nhà nông đưa trâu ra cày ruộng. Có một vị Bà La Môn tên Ba La Đậu Bà Giá, là một chủ điền rất lớn. Ông đem theo tới 500 lưỡi cày, 500 con trâu và rất nhiều lực điền để cày ruộng. Đến giờ nghỉ trưa, họ mang cơm ra ăn. Giáo đoàn của Phật đi ngang qua và các thầy dừng lại để khất thực. Ông điền chủ Bà La Môn nầy đứng dậy chỉ trích:
- Chúng tôi làm ruộng, chúng tôi có đất, có hạt giống, có cày, có bò, chúng tôi cày ruộng, bừa ruộng, gieo hạt giống, cấy mạ, vun bón rồi chúng tôi mới ăn. Các ông không có đất, không có cày, các ông không tưới, không làm gì hết mà các ông cũng đòi ăn là nghĩa làm sao?
Phật mỉm cười nói:
- Thưa ông, có chứ, chúng tôi có đất, có hạt giống, chúng tôi có cày bừa, có trâu bò, chúng tôi có gieo hạt, chăm sóc và chúng tôi ăn.
Ông Bà la môn nói:
- Thầy nói vậy làm sao tôi tin được. Đất của Thầy đâu, hạt giống của Thầy đâu, bò của Thầy đâu, cày của Thầy đâu mà Thầy dám nói rằng Thầy là người cày ruộng?
Phật liền đọc một bài kệ như sau:
- Đức tin là hạt giống
Công phu mưa phải thời
Chánh niệm là lưỡi cày
Tinh tấn là sức kéo
Cán cày là trí tuệ
Dây cột là ý căn
Rễ ách nạn nhổ lên
Quả Niết Bàn thu hoạch.
Kinh này cho chúng ta thấy rằng tu hành cũng giống như làm ruộng. Tâm chúng ta là đất ruộng, và những hạt giống mà chúng ta gieo trên đó là hạt giống của đức tin, đức tin nơi Pháp môn của Phật, nơi Giáo Pháp và nơi Tăng đoàn. Hạt giống đó cùng với đất tâm là vốn liếng của người làm ruộng tâm. Khi tu tập, chúng ta biết tâm mình là ruộng đất, chánh pháp là những hạt giống tốt và chánh niệm là lưỡi cày để phá đất. Do vậy, chúng ta phải vun bón, phải chăm sóc thì mới có sự thu hoạch.
Theo truyền thống Phật Giáo Đại thừa, chúng ta thường gọi tâm là đất, và tâm của chúng ta cũng có nhiều tác dụng, nhưng thường thường chúng ta chỉ nói tới hai tác dụng chính của tâm:
- Tác dụng thứ nhất gọi là Tàng
- Và tác dụng thứ hai gọi là Ý.
Tàng ở đây là đất và đồng thời cũng là những hạt giống. Những hạt giống dưới dạng tàng thức có thể mọc lên thành hoa trái ở phía trên, đó là ý thức. Nếu người làm ruộng phải làm việc với đất như thế nào thì người tu chúng ta phải làm việc với tàng thức như thế đó. Nếu chỉ làm việc với ý thức thôi thì chúng ta sẽ không thành công, vì ý thức chỉ là người làm ruộng còn tàng thức mới chính là đất. Tất cả những hạt giống đều nằm trong tàng thức tức là đất tâm, và chính tàng thức mới cống hiến được những hoa trái của sự hiểu biết, của sự thương yêu, và sự giác ngộ. Cho nên nếu chúng ta không tu tập thì đất tâm chúng ta sẽ cho chúng ta những quả khổ đau, giận hờn, vô minh, và kỳ thị. Vì vậy ý niệm đất rất là quan trọng vì đất luôn luôn cất giữ những hạt giống. Có đất là có hạt giống.
Là Phật tử đại thừa, nếu những ai đã tụng Kinh Địa Tạng, chắc quí vị còn nhớ một câu trong bài tựa:
- Địa ngôn kiên hậu quảng hàm tàng.
* Địa có nghĩa là vững chải, là sâu dày, và chứa đựng được rất nhiều;
* Kiên là chắc chắn;
* Hậu là dầy, là có chiều sâu, là chắc chắn.
* Tính chất thứ tư của đất là quảng hàng tàng. Quảng là rộng rãi, tàng là chứa đựng, quảng hàm tàng là có khả năng bao gồm và chứa đựng rất rộng rãi.
Vì vậy chữ tàng thức rất có ý nghĩa, bởi vì tàng thức là một cái thức chứa đủ tất cả các hạt giống, nó có tính cách vững chải và sâu dày. Hạt giống ở tàng thức có đủ loại:
- Hạt giống xấu, hạt giống tốt, hạt giống của ma và hạt giống của Phật.
Hạt giống của khổ đau có mặt mà hạt giống của hạnh phúc cũng có mặt. Vì vậy tàng thức có khi được gọi là nhất thiết chủng thức, tức là cái tâm thức có đầy đủ tất cả các loại hạt giống.
Ở Chùa Dược Sư, nếu chúng ta có dịp đứng nhìn vào vườn rau,  chúng ta thấy những luống cải xà lách, rau dền, những bụi bông hồng rất đẹp. Chúng ta nên biết rằng những luống đất đó đã được xới và chuẩn bị kỹ lưỡng cho nên chúng ta mới có các loại rau mọc lên rất mạnh và tốt tươi. Cô Hoa Thiện và Trúc Cẩm, cô Nghiêm Ái và đạo hữu Nhuận Chơn bốn người đã để ra rất nhiều thì giờ và công phu để chăm sóc những luống vườn rau ở Chùa Dược Sư. Các phật tử đó biết rất rõ nếu không xới, không nhổ cỏ, không làm cho đất mềm, đất nhuyễn thì không thể nào có rau và trồng rau được. Tâm của ta cũng vậy, nếu tâm của ta không được điều phục, không được uốn nắn, không được bảo hộ thì tâm của ta sẽ gây ra đau khổ và không thể nào tạo được hạnh phúc cho mình và cho người mà chúng ta thương. Khi mà chúng ta thường vun xới thì tâm chúng ta trở nên thuần thục, lúc đó tâm của chúng ta trở thành rất dễ thương. Các loại tâm dễ thương đó là:
            1- Tâm Nhu Nhuyễn.
Nhu nhuyễn là mềm. Tâm nhu nhuyễn dễ làm việc lắm, còn nếu tâm cứng ngắc thì rất khó làm việc. Đất cứng mà không cày thì không trồng trọt gì được. Hãy lấy một cành cây khô mà làm ví dụ. Khi chúng ta uốn cành cây khô này thì nó sẽ gãy. Trong khi đó với một cành tre non hay một dây mây, chúng ta có thể uốn nắm một cách rất dễ dàng. Sự khác nhau giữa cành cây khô và sợi dây mây là ở chỗ một bên có sự nhu nhuyễn, một bên không có sự nhu nhuyễn. Tâm của ta cũng vậy, có khi nó cứng ngắc, cố chấp đủ thứ, dù có người muốn giúp, cố nói cho chúng ta nghe một điều gì đó nhưng tâm chúng ta nó vẫn trơ trơ, vẫn không chuyển lay. Tâm đó gọi là tâm không nhu nhuyễn.
2- Tâm Thích Ứng.
Tâm thích ứng là tâm uyển chuyển, tâm có thể chấp nhận được những hoàn cảnh mà chúng ta không chờ đợi trước. Chẳng hạn như chúng ta có một ý niệm về Chùa Dược Sư, vì nghĩ rằng Chùa Dược Sư là đẹp như thế này hoặc thế kia, nhưng khi về tới Chùa Dược Sư thì thấy Chùa Dược Sư không giống như những điều mà chúng ta đã nghĩ và đã vẽ ra, đã suy nghĩ đến. Vì không bỏ được cái ý niệm trước của chúng ta về Chùa Dược Sư cho nên chúng ta không thích ứng được. Kết quả là chúng ta cảm thấy thời gian ở Chùa Dược Sư không hạnh phúc vì những điều ta mong đợi đã không xảy ra. Tâm đó gọi là tâm không thích ứng. Trong khi đó, tâm thích ứng là tâm dễ hội nhập với hoàn cảnh trong hiện tại. Hội nhập ở đây không có nghĩa là chúng ta phải bỏ cái của chúng ta và hoàn toàn đi theo cái của người khác. Hội nhập ở đây là chúng ta hòa chung với hoàn cảnh và tìm cách để đem những điểm tích cực của mình ra cống hiến và phối hợp với cái tích cực của địa phương, khiến cho hai cái tốt được phối hợp với nhau. Chúng ta không đánh mất cái tốt của mình mà địa phương cũng không đánh mất cái đẹp của địa phương. Đó gọi là thích ứng. Chẳng hạn như quý Thầy ở Việt Nam có cái đẹp, cái hay của truyền thống. Nhưng mà khi sang Chùa Dược Sư các Thầy thấy các Thầy tu học tại Mỹ thỉnh thoảng thiếu những cái hay đó của truyền thống, nhưng đồng thời các Thầy lại thấy các Thầy tu và được hướng dẫn ở Hoa Kỳ cũng có những cái hay của Tây Phương, của những cái không truyền thống. Nếu các Thầy thích ứng thì các Thầy chấp nhận hoàn cảnh mới rồi từ từ trao truyền những cái hay, cái đẹp trong truyền thống cho các Thầy được trưởng thành trên xã hội Tây Phương, và đồng thời học những cái hay cái đẹp mà các Thầy bên nầy có, tại vì mỗi nền văn hóa đều có những nét đặc thù khác nhau. Nếu các Thầy bó tay và nghĩ là mình phải về lại Việt Nam, còn nếu ở lại thì mình sẽ không làm được gì hết, đó là vì các Thầy không có tâm thích ứng.
3- Tâm Xảo Diệu.
Tâm xảo diệu là tâm có khả năng làm được những việc mà những tâm khác không thể làm được. Người có tâm đó thì rất khéo léo, khéo léo như hai bàn tay của một cô y tá khi chích thuốc hay băng bó. Phải tập luyện lắm mới có được hai bàn tay của cô y tá. Tâm của mình cũng vậy, khi tâm của chúng ta xảo diệu thì chúng ta có thể tuỳ theo hoàn cảnh và độ đời một cách rất dễ dàng. Chúng ta có thể sống với các huynh đệ khác ở trong chùa hay trong một tu viện một cách rất hạnh phúc. Còn nếu không có tâm xảo diệu, nếu cứng ngắc và không biết thích ứng thì chúng ta chỉ chịu chết thôi.
Tất cả những loại tâm nầy đều có hạt giống ở trong tàng thức. Nếu chúng ta thực tập, tu học như chuyện cày ruộng hàng ngày thì hạt giống của tâm nhu nhuyễn, của tâm thích ứng và của tâm xảo diệu sẽ được tưới tẩm và chúng ta sẽ trở thành một người sống có hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vì vậy mỗi khi giận, buồn, hoặc thất vọng ê chề, chúng ta thường hay thối thất muốn bỏ đi, muốn trốn tránh xã hội loài người, thì chúng ta phải biết rằng cái tâm của chúng ta đang còn là một miếng đất hoang, chưa được cày bừa, chưa được tu tập.
Phật dạy rằng tâm không tu tập sẽ đem lại rất nhiều khổ đau cho mình và cho người, trong khi đó tâm được tu tập sẽ đem lại hạnh phúc cho mình và cho người. Vì vậy đối với người tu hành, công việc hàng ngày là chúng ta phải cày cấy mảnh đất tâm của mình. Khi ngồi thiền chính là lúc chúng ta cày ruộng tâm của mình. Khi đi thiền hành chúng ta cũng cày ruộng tâm của mình. Khi ăn cơm cũng đều là những lúc chúng ta cày mảnh ruộng tâm của chúng ta cả.
Ngoài ra trong những công việc hằng ngày như khi nấu cơm, thổi lá, rửa sân, tưới hoa cũng đều là những lúc chúng ta cày miếng đất tâm của chúng ta. Đừng nghĩ rằng tu hành chỉ xảy ra trong khi mình ngồi thiền hay nghe thuyết Pháp mà thôi. Cái tâm của chúng ta phải luôn luôn được tu tập. Theo danh từ Hán Việt, tu là làm cho đẹp, làm cho tốt, làm cho nó có thể sử dụng được. Tiếng Phạn tu có nghĩa là cày bừa, trồng trọt. Chúng ta phải cày bừa mảnh đất tâm của chúng ta, và phải gieo hạt giống, phải tưới tẩm, đó là tu tập. Cố nhiên khi muốn trồng thì chúng ta phải có đất mà đất thì đã có rồi. Nhưng có thể đất của chúng ta còn hoang cho nên chúng ta phải dùng cày, dùng bừa, phải tưới tẩm, phải vun bón, phải gieo hạt giống, và phải trừ diệt cỏ. Tất cả những công việc đó đều thuộc vào phạm vi tu tập.
Vì những phiền não hàng ngày quấy động và vì chúng ta có hạt giống từ dưới chiều sâu của tàng thức, nếu không tu tập thì những hạt giống xấu nầy nó sẽ lăng xăng, trỗi dậy và làm cho quang cảnh của ý thức tiêu điều. Ý thức chúng ta tạm ví như là phòng khách của chúng ta, còn tàng thức tương tự như là kho chứa. Khi kho chứa của chúng ta đầy những hạnh phúc thì thỉnh thoảng nó cũng đẩy cửa vào ngồi chểm chệ trong phòng khách của ta. Và nếu một người khách dễ thương, một người khách có hạnh phúc tới thăm thì chúng ta có hạnh phúc, vì vậy mà chúng ta cứ tìm đủ mọi cách để giữ người đó lại.
Tương tự như vậy, khi kho chứa đầy khổ đau thì thỉnh thoảng nó cũng đẩy cửa vào ngồi chểm chệ trong phòng khách của chúng ta. Nếu không tu tập thì chúng ta không có khả năng đuổi chúng đi, không có khả năng chuyển hóa chúng được. Chúng ta không biết cách làm cho hạt giống đó đừng tạo ra khung cảnh sầu đau, u ám.
Một trong những phương pháp để tránh khó khăn là chúng ta nên tỉnh táo để mời thêm một người bạn biết tiếp khách, đó là người bạn Chánh Niệm tới để soi sáng, vỗ về và chăm sóc người bạn kia. Cũng như khi đứa con khóc thì bà mẹ dù đang ở dưới bếp cũng chạy lên ẵm lấy con. Vì vậy mỗi khi ta buồn chán, giận ghét chúng ta phải mời người bạn chánh niệm lên để ôm lấy cái buồn, cái giận, cái ghét, cái chán đó mà an ủi, chuyển hóa chúng.
Nói tóm lại, tu tập nghĩa là luôn luôn gọi mời chánh niệm lên để ý thức được ai đang ở trong phòng khách, và phải tiếp xử như thế nào để cho cái phòng khách của chúng ta cho đẹp, cho vui hầu chúng ta luôn luôn có hạnh phúc. Cũng cùng trong mục đích đó mà chúng ta phải niệm Phật. Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng tức là chánh niệm. Vì biết phòng khách của chúng ta cần có những người khách quí như vậy cho nên chúng ta niệm Phật tức ta mời người khách hay nhất đẹp nhất, hiền nhất, dễ thương nhất có giá trị bậc nhất vào trong phòng khách của ta. Tại vì chúng ta biết rằng nếu người đó ngồi lại lâu trong phòng khách của ta thì có lợi lắm. Mỗi phút có mặt, người đó sẽ gieo vào tàng thức của chúng ta vô số hạt giống thương yêu, hiểu biết.
Như vậy nếu có lúc người làm vườn giỏi là người phải biết điều phục khu vườn của mình, phải biết cày bừa, phải biết nhổ cỏ, phải biết chọn hạt giống, phải biết vun bón, phải biết tưới tẩm thì sự tu học của chúng ta cũng vậy. Chúng ta cũng phải biết săn sóc, vun xới tước tẩm thì mảnh vườn tâm của chúng ta sẽ thuần thục, mảnh vườn tâm của chúng ta có thuần thục thì những hạt giống thương yêu hiểu biết phát triển tốt đẹp và những đóa hoa trí huệ sẽ nở rộ đó là điều chắc chắc.
--o0o--