|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
Nụ Cười Di Lặc
Nhất Quán
-- o0o --
Cuộc đời có một thói
quen là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê
cũng cười. Hay cũng cười mà dở cũng cười, phải cũng cười mà không
phải cũng cười, cái gì cũng cười được. Do vậy mới có người bào
chữa:
- Cuộc đời
muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thảy, không có chi là
nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày mà nghĩ ngợi.
Có người cũng
phân tích đặc tánh của cái cười Việt Nam:
- ... Xét ra
cái cười của con người nhiều khi có cái vô tình độc ác, có cách láo
xược khinh người. Có cách chửi người ta hoặc là ngấm ngầm hoặc là
công khai.
Nói cho cùng,
người Việt Nam chúng ta có cái cười vô cùng oái oăm, và vô cùng thâm
độc, nó là sự tự vệ của một dân tộc bị đô hộ nhiều lần và quá lâu.
Vì vậy trong con mắt của người Việt Nam, cười là biểu hiệu sự độc
lập của tinh thần, vì thế từ đó chúng ta thấy có nhiều cách cười
tương ưng với mọi hoàn cảnh. Trong phạm vi bài viết nầy xin được
giới thiệu đến đại chúng có hai nụ cười chính đó là nụ cười nhân thế
và nụ cười Di Lặc. Nói về nụ cười của nhân thế, như chúng ta đã
biết, có nhiều kiểu cười không tự nhiên như:
- Cười nhạt,
- Cười ruồi,
- Cười nịnh,
- Cười gằn...
Trong khi đó nụ cười Di
Lặc nói cho đủ là nụ cười hoan hỷ của Đức Phật Di Lặc. Tuy nhiên
trước khi nói đến nguyên do và diệu dụng của nụ cười Di Lặc, chúng
tôi xin cùng với quý vị tản mạn một vài nguyên do về nụ cười của
nhân thế.
A- Nụ Cười Nhân Thế
Vào dịp cuối năm, trong
ngày lễ hội chợ Tết Seattle, hai mẹ con chị Thuận đi tham quan,
nhưng vì mãi mê xem những cảnh tưng bừng của ngày lễ, bổng chị giật
mình nhìn lại đứa con trai của chị đã lạc đâu rồi .... Ngược dòng
người trong ngày lễ hội, chị Thuận mới len lỏi đi tìm cháu Thành.
Khi gặp con, chị Thuận thấy nó đang đứng sửng sờ mở to đôi mắt, nhìn
một người thiếu phụ trung niên đương nhe răng ngắm vào chiếc gương
trong sạp bán đồ mỹ phẩm. Vì phí sức quá nhiều nên chị Thuận bực
tức, và đến lôi nó đi trong khi miệng cằn nhằn:
- Có về mau
không? Làm gì mà đứng như trời trồng vậy.
Chân bước theo
mẹ. Thành còn quay đầu lại phân bua:
- Con muốn coi
tai sao bà đó cười một Mình.
Nghe con nói,
chị Thuận gắt gỏng:
- Trời ơi, ngu
ơi là ngu, bà đó có lẽ là bà có hẹn với bồ của bả, cho nên bà đang
nhăn răng để soi vào gương coi còn được cái răng để khoe với bồ của
bả chớ đâu có phải là cười.
Như muốn dạy
con, chị Thuận tiếp lời:
- Con tôi khờ
quá! Nhe răng đâu phải là cười, con! Cười là .....
Thấy mẹ ngập
ngừng, Bé Thành mới hỏi dồn:
- Cười là gì hả má?
- Cười là ... lúc người ta
vui ... Thôi đi về, con!
Khi hai mẹ con
chị Thuận về tới nhà, cáu kỉnh vì bị giữ ở nhà một mình, lại phải
chờ lâu, cho nên anh chồng Thuận tiếp chị bằng một tiếng cười gằn:
- Hà, hà, hôm
nay chắc gặp nhiều chuyện vui ở ngoài nớ, cho nên mẹ con mi bây đến
giờ mới chịu về!
Thấy chồng bực
bội cho nên chị Thuận không dám nói một lời và vội vả vào bếp để lo
cơm nước.
Cháu Thành
chạy tung tăng theo mẹ hỏi:
- Hôm nay mình
về trễ, sao ba lại vui, má hả?
Chị Thuận cũng
đâm bực bội:
- Vui hồi nào
đâu mà vui! Ba mầy đang quạu như gì, mày không thấy hả?
Thành thắc
mắc:
- Vậy sao hồi
nãy má nói hễ cười là vui?
Càng bực bội
thêm, chị Thuận gắt:
- Trời ơi là
trời, mầy có để yên cho tao nấu cơm không? Ngu gì mà ngu quá vậy!
Còn đứng đây hỏi lẩn thẩn nữa thì con ăn đòn bây giờ nghe con!
Cháu Thành
chạy lên nhà trên khóc thút thít, vì bất thần vướng phải một đầu đề
bí hiểm:
- Cười là gì?
Để trả lời
cười là gì, và nói về cười và nụ cười của nhân thế, thì chúng ta
phải hiểu rằng một cái cười thường được gọi là sinh lý vì người ta
đinh ninh không dính líu đến trí tuệ hay tình cảm. Vả lại đi từ dễ
đến khó là đường lối thông dụng, hữu lý, để mở lần gút thắc của một
vấn đề phức tạp cười là gì?
Vậy chúng ta
thử thóc lét vào nách hay gải lòng bàn chân của một đứa bé đã được
phát triển, chọc nó phát tiếng cười. Và cùng lúc chúng ta đặc bàn
tay kia ngay trước mũi và miệng nó thì sẽ biết cười là gì? Sự xét
nghiệm nầy cho chúng ta kết quả:
- Cười là sự
thở ra đứt đoạn.
Như chúng ta
đã biết, hít vào và thở ra đều do sự thay đổi thể tích của lồng
ngực, tức là sự co giản của các thớ thịt nằm giữa xương sườn và của
hoành cách mô, tức là bức ngăn đôi giữa bụng với ngực. Vậy cười là
vì bị kích thích cho nên các thớ thịt của sư hô hấp co quắp lại, làm
cho hơi thở bị ứ đọng phải tuôn ra từng chập. Không khí lúc thoát đi
cọ vào vành cửa hầu cũng đương khép lại, nên tạo thành ra tiếng. Nơi
mặt, cũng vì kích thích đó, mà các thớ thịt nâng đôi má lên, kéo
khóe môi ra sau, khép mí mắt lại đào sâu thêm các đường nhăn mà điểm
tô cho môi cái cười có một sắc thái riêng biệt.
Tương tự như
vậy, khi một người nào cười, hoặc khi chúng ta bị chọc cười, tiếng
cười vang của chúng ta thế nào cũng lôi kéo một số người cười theo,
lúc ấy trông bộ tịch của những người phụ hoạ theo, rất có
thể: Người thì khoa tay, múa chân, hoặc lắc lư cái đầu, có người co
quắp mình lại, ôm bụng cười to, sự kích thích di chuyển từ mặt ra
trọn cơ thể, nhất là ở những cơ thể bụng, vì vậy mới có người cười
đến té đái, hoặc lở trôn...
Hình ảnh của cái cười toàn
diện đó được Kim Dung ghi lại đầy đủ trong bộ: Anh Hùng Xạ Điêu, khi
nữ hiệp Hoàng Dung trừng phạt Bành Trưởng Lão là người dẫn đầu trong
đám phản động bằng cách dùng thôi miên để lôi kéo tên trùm ăn mày
nầy cười theo mình:
- Tiếng cười
của Hoàng Dung khơi mào dẫn Bành Trưởng cười to rồi cười mãi, liên
miên bất tận. Không còn tự chủ được, lão gập người lại để cười,
không còn kềm chế được nữa, hai tay ôm bụng, cười ngặt nghẽo, đầu
lắc lư, đưa qua đưa lại cúi xuống bậc ra sau. Tràng cười nầy tiếp
nối tràng cười khác, ban đầu còn phát ra tiếng:
- Hà hà, hì
hì, hí hí, hố hố, rồi khằnh khạch, kế đến hồng hộc, đến thé thé,
cuối cùng chỉ còn ằng ặc ...
Không còn đứng vững, y nằm
lăng trên đất, nước mắt nước mũi tuôn tuôn ra ràn rụa. Sau mấy lần
ặc ặc gương mặt Bành Trưởng Lão đổi màu từ xanh ra tím rồi sang qua
đen của một người bị hụt hơi hay nghẹt thở. Hai tay ôm bụng, mặt mày
nhăn nhó, bày tỏ một sự đau đớn của bệnh nhân sắp đứt ruột. Sau đó
nhờ lời cầu xin của đồng bọn, lão được buôn tha nên ngã bậc ra sau
nằm xoài, hai mắt trợn ngược mồ hôi đổ ra như tắm, ướt cả áo quần,
trên mặt để lộ ra một sự mệt nhọc vô cùng ... Sau khi há to mồm ra
như nuốt vội hơi vào cho kịp để sống. Từ sự bị kích thích của vài cơ
nơi ngực, cái cười lan rộng ra biến thành một phản ứng của toàn thân
và trong trường hợp đó nếu không cố gắng hít kịp hơi vào thì có thể
bị chết ngộp.
Đã đành cái
cười có thể loang khắp châu thân, và trong vài trường hợp gây ra cái
chết như trong truyện Thuyết Đường người Trung Hoa có ghi:
- Ông Trình Giảo Kim vì
thấy bọn gian thần đến ngày đền tội nên ông cười, cười mà không hít
kịp hơi vào, cho nên bị chết ngộp.
Tuy là nguyên do có thể
dẫn đến chết người, nhưng bình thường, nó chỉ là phản ứng của hai
nhóm cơ:
- Một là của hô hấp và hai
là nơi mặt.
Để có vài chi
tiết về cảm giác đặc biệt của cái cười, mời đại chúng cùng nghe bộ
truyện khác của Kim Dung đó là:
- Kiếm chống
trời, gươm mổ rồng.
Đó chính là:
- Ỷ Thiên Kiếm
và Đồ Long Đao.
Và mời đại
chúng tìm đến đoạn:
- Trương Vô Kỵ vừa bị
Triệu Minh gạt, cả hai cùng rơi xuống hầm sâu. Vì nóng lòng muốn
thoát thân gấp, để đi cứu các bạn đương bị nhiễm độc. Vô Kỵ đã dùng
nhiều cực hình như:
- Bóp cổ, bẻ tay hoặc bịt
mũi ..
Những động tác nầy tuy làm
cho Triệu Minh ngất xỉu, nhưng mà cô nàng cũng chưa chịu thổ lộ bí
mật của hầm. Cuối cùng, chàng trai hiền lành Trương Vô Kỵ phải tháo
giày vớ của cô nàng đối thủ cứng đầu, rồi dùng ngón tay cào vào lòng
bàn chân của cô ta. Ban đầu Triệu Minh cười khúc khích, nhưng liền
khi đó thấy ngay sự khó chịu cực độ giống như có cả trăm cả ngàn con
rận đương bò trong ngủ tạng, đau đớn hơn là dao chém kiếm đâm, bắt
buộc cô nàng ta phải trân mình mà chịu đựng. Trong khi nghe toàn
thân nổi ốc làm cho lông và tóc dựng đứng lên cơ hồ như sắp rụng.
Cho nên tiếp theo chuổi cười là tiếng khóc òa thê thảm, báo hiệu sự
đầu hàng. Nhưng lúc mang lại giày vớ, thoáng qua trong dầu Triệu
Minh một ý nghĩ lạ lùng là ước mong cho Vô Kỵ cào vào chân mình một
lần nữa.
Nói đến đây, chúng ta thấy
các nhà sinh lý học đều công nhận hai trạng thái của Kim Dung mô tả:
- Trong cái nhột sự khó
chịu đi đôi cùng với thích thú.
Có thích mới cười, vì
thích có người mới dám bỏ tiền đi xem các tuồng diễu, có người mới
dám bỏ tiền ra để mua những cuốn Vedio tiếu lâm cất trong nhà làm
vật gia bảo.
Như vậy hai trạng thái khó
chịu và thích thú đó đều thể hiện qua bộ tịch: Có khi cong người như
tôm, các thớ thịt đều co rút lại, gương mặt nhăn nhó bày tỏ sự khó
chịu rõ rệt, trái lại lúc chúng ta hả hê cười đôi mắt sáng rực là
phút đương thỏa thích nhất. Cho nên có câu là:
- Một nụ cười bằng mười
thang thuốc bổ.
Theo các nhà y khoa cho
biết, trong cái cười, khí quản dương khép lại, cho nên những loạt
hơi tuôn ra mới cọ mạnh vào vành cửa yết hầu, và do rung động ấy mà
phát sanh ra từng chuỗi tiếng. Các âm thanh thường được ví với những
vòng sóng, nổi lên khi một viên đá rơi vào mặt ao phẳng lặng. Và
cũng như làn sóng, người ta biểu thị tánh chất của mỗi tiếng bằng bề
cao và chiều dài của nó. Trong cái cười, cả hai tầng số đều thay đổi
tùy theo sức ép của hơi thở vào vành cửa hầu. Và tất nhiên còn tùy ở
sự dày mỏng, ngắn dài của mỗi cánh cửa hầu mà thay đổi in như giọng
nói của từng mỗi người. Giọng cười thanh hay tục, êm ái hay ồ ạt:
- Có tiếng thâm trầm như
vuốt ve kẻ nghe.
- Cũng có âm thanh hô hố
thô tục, dường như trút cả xú uế của bộ tiêu hoá vào mặt người đối
thoại bạc phận.
- Có tiếng cười hé hé mà
anh kép cải lương hạ cấp tự bắt buộc phải phát ra mỗi khi tán gái
....
Mỗi âm ba đều điểm chỉ cho
tánh tình của một người. Đi từ âm thanh nhỏ nhẹ êm như nhung, dịu
như mơn của thiếu nữ hiền lành cho đến tiếng the thé như cưa vào
thanh sắt làm cho người thưởng thức nổi da gà. Cho nên có thể xác
định nụ cười của thế tục:
- Bao nhiêu giọng cười, là
bấy nhiêu tâm trạng.
B- Nụ Cười Di Lặc
Trước khi nói về nụ cười
đức Di Lặc, chúng tôi xin được giới thiệu đến đại chúng một vài nét
về Đức Di Lặc. Như chúng ta đã biết hằng năm, khi các loạt pháo hồng
liên hồi nổ, người con Phật bắt đầu lên chùa lễ Phật đầu năm. Giờ
phút ấy, trước Điện Phật khói nhang nghi ngút nhưng chúng ta không
thể không bắt gặp tượng Đức Phật Di Lặc với nụ cười tươi thắm trên
môi. Chúng ta cũng được biết ngày mồng một Tết là ngày đản sanh của
Ngài. Về hình tượng Đức Di Lặc thường được hàng đệ tử thờ qua ba
hình tượng:
- Tượng Ngài ngồi một
mình, áo hở ngực, bụng phệ.
- Tượng Ngài ngồi như
trên, nhưng chung quanh Ngài có sáu em bé tượng trưng cho Lục tặc.
- Tượng Ngài đứng, tay vác
bị lớn, tượng này được gọi là Bố Đại Hòa Thượng, đó là hoá thân của
Ngài ở Trung Hoa.
Di Lặc, tiếng Phạn là
Maitrya, theo nghĩa dịch là Từ Thị. Di Lặc là họ, còn chính tên là A
Dật Đa, người Trung Hoa dịch là Vô Năng Thắng. Ngài thuộc dòng dõi
Bà La Môn, người Nam Thiên Trúc, Ấn Độ. Theo kinh Di Lặc thì Đức
Phật Thích Ca thọ ký Ngài Di Lặc là vị Phật tương lai sau Đức Phật
Thích Ca Mâu Ni. Nghĩa là trong tương lai Ngài sẽ giáng trần, đi tu
và thành đạo ở cõi Ta Bà. Pháp hội thuyết pháp để giáo hóa chúng
sanh của Ngài gọi là Hội Long Hoa. Cho nên khi lễ Ngài chúng ta
thường xưng là:
- Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ
Di Lặc Tôn Phật
Hay:
- Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh
Di Lặc Tôn Phật.
Ngày đầu của một năm thật
quan trọng. Tất cả mọi việc làm, cử chỉ phải thật nhẹ nhàng, thận
trọng. Từng cách ăn, tiếng nói phải vui vẻ, hòa nhã. Tập quán đó để
nói lên lòng ao ước một năm an vui, cát tường. Trong bối cảnh của
ngày Xuân như thế, Đức Phật Di Lặc đến với chúng ta nụ cười vui tươi
thì thật đầy ý nghĩa.
Như có lần chúng tôi nói
nụ cười của thế tục:
- Bao nhiều giọng cười, là
bấy nhiêu tâm trạng.
Tuy nhiên nụ cười của Đức
Di Lặc không giống như những nụ cười của nhân thế, mà trái lại là
bài học quý báu về đức hỷ, xả trong đạo Phật. Quả thật như vậy, có
hỷ xả chúng ta mới nở nụ cười vui tươi chân thật, hạnh phúc. Có hạnh
phúc thì cuộc sống mới có ý nghĩa và thật đáng sống. Bởi vì:
- Hỷ tức là vui theo việc
làm tốt của người, danh từ Phật học gọi là: Tùy hỷ công đức.
Thông thường chúng ta hay
có chứng bệnh trầm kha là thấy ai hơn mình, đẹp hơn, giàu hơn, học
giỏi hơn..., thì sinh tâm đố kỵ ghen ghét, không vui. Chính chứng
bệnh này đã làm cho nụ cười đầu Xuân héo đi và thay vào đó khuôn mặt
ủ rũ của chiều thu. Muốn chữa căn bệnh đó chúng ta phải luôn luôn
tâm niệm: Người bạn học giỏi hơn, thì chúng ta mong có thêm hai, ba,
bốn,... bạn học giỏi hơn ta. Như thế thì trình độ dân trí sẽ cao và
cuộc sống cũng theo đó mà phát triển. Nếu ngược lại, nghĩa là chúng
ta không vui theo, thì chúng ta không những tự hành hạ chúng ta, tự
cô lập chúng ta mà vô tình chúng ta đã ngăn chận bước tiến của nhân
loại, đó là một lỗi lầm thật to lớn. Nếu hiểu được như thế thì nụ
cười tự nhiên vui tươi nở trên môi của chúng ta và như thế chính là
mùa Xuân rồi đó. Không cần phải năm hết Tết đến mới gọi là ngày
Xuân.
Xả tức là bỏ, bỏ tất cả
những điều phiền muộn do người tạo ra cho chúng ta. Nếu chúng ta
không xả được những điều phiền muộn ấy thì cũng như chúng ta không
tiêu hóa được cặn bã của thực phẩm trong cơ thể. Vì không xả được
những phiền muộn, do đó chúng ta chỉ cứ than thân trách phận. Suy
cho cùng, sở dĩ chúng ta ôm ấp những điều phiền não đó là vì chúng
ta từ vô thủy kiếp đến nay cứ chấp có cái Ta đáng yêu, cái Ta chân
thật, thường tồn ... cho nên nếu ai đụng đến, nói xấu..., thì chúng
ta sinh ra buồn rồi ôm mối hận. Hình ảnh Đức Di Lặc với 6 em bé Lục
tặc cho thấy rằng, muốn chiến thắng ngoại cảnh, nhứt là nghịch cảnh,
chúng ta phải thực hành pháp quán:
- Chư pháp vô ngã.
Nghĩa là:
- Tất cả các pháp đều
không có bản ngã chân thật.
Khi quán được các pháp đều
vô ngã, thì chúng ta thấy không có ai gây ra hành động và cũng không
có ai thọ lãnh hành động đó cả. Vì thế mà ngay cả bản thân của hành
động đó cũng chỉ là hư ảo. Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:
- Người kia lăng mạ tôi,
đánh đập tôi, phá hoại tôi và cướp đoạt của tôi. Ai còn ôm ấp tâm
niệm ấy thì sự oán giận không thể nào dứt hết.
Oán giận không dứt hết thì
ngay đến cành mai trong ngày Xuân cũng úa tàn chứ đừng nói gì đến nụ
cười trên môi. Chính nhờ nụ cười hỷ xả này mà người phương Tây đã
tặng Đức Di Lặc qua hình ảnh Bố Đại Hòa Thượng một từ ngữ khiêm tốn,
giản dị:
- Người Trung Hoa hạnh
phúc.
Một cách rộng rãi hơn,
không phải chỉ có cuộc sống trong đạo, mà ngay ngoài đời, nụ cười
giữ một vị trí rất quan trọng, cho nên ông Fletcher đã nói:
- Nụ cười bồi dưỡng kẻ mệt
nhọc, là hình ảnh bình minh cho kẻ ngã lòng, là nắng Xuân cho kẻ
buồn rầu, và là liều thuốc mầu nhiệm nhất của tạo hóa để chữa lo âu
cho những chúng sanh đang đau khổ.
C- Nụ Cười Di Lặc Xóa Tan
Sầu Muộn
Đây là một chứng minh của
khoa học cho chúng ta thấy tại sao, khi nào con người có khả năng tự
nhiên là đạt đến trạng thái thanh thản, siêu thoát. Biểu tượng đẹp
nhất, là nụ cười trên gương mặt đức Phật Di Lặc, đó là nụ cười xua
hết phiền muộn và đem đến sự an lành.
Theo ngành y học cho chúng
ta biết rằng, phần nằm sâu nhất và ở trung tâm của não là vùng cảm
xúc. Đó là cấu trúc đầu tiên của não trong quá trình tiến hóa, hình
thành sớm nhất, cho nên còn gọi là não cũ, và có ở mọi loài động vật
có vú. Ông Paul Broca, nhà thần kinh học có uy tín người Pháp thế kỷ
19 đã mô tả và gọi tên là vùng não limbic. Qua hàng triệu năm tiến
hóa, vùng não limbic đã hình thành một lớp vỏ bao quanh nên gọi là
vùng não mới, được xem là phần phát triển nhất của não, là trung tâm
của ngôn ngữ và tư duy.
Về mặt cấu trúc, vùng não
cảm xúc đơn giản hơn nhiều so với phần vỏ não mới, nhưng lại có
những phản ứng thiết yếu nhạy bén và thích ứng hơn để giúp con người
tồn tại. Trong thực tế, vùng não cảm xúc, tức là vùng não cũ thường
hoạt động độc lập với vỏ não mới. Do vậy mà ngôn ngữ và ý thức chỉ
có một ảnh hưởng hạn chế đến nó. Vùng não này giống như một trung
tâm chỉ huy, thường xuyên nhận thông tin từ khắp mọi nơi trên cơ
thể, và đưa ra những đáp ứng thích hợp để tạo nên sự cân bằng về tâm
lý. Phần lớn hoạt động sinh lý của cơ thể như: Hô hấp, nhịp tim,
huyết áp, cảm giác thèm ăn, buồn ngủ, ham muốn tình dục, bài tiết
hóc môn, hệ tiêu hóa và cả hệ miễn dịch đều chịu sự chi phối của
vùng não limbic.
Nhà bác học Pháp Claude
Bernard, người khai sinh môn sinh lý học hiện đại thế kỷ 19, đã gọi
vai trò giữ cân bằng sự sống của vùng não cảm xúc tức là não cũ bằng
thuật ngữ:
- Sự cân bằng thể dịch.
Theo quan điểm này, mọi
cảm xúc của chúng ta chỉ là hệ quả của những phản ứng sinh lý thường
xuyên diễn ra trong cơ thể theo mệnh lệnh của môi trường bên trong
và bên ngoài. Vì thế, não cảm xúc có mối liên hệ gắn bó với cơ thể
chặt chẽ hơn là vùng não nhận thức. Từ quan điểm nầy, nụ cười
chân thành và sảng khoái là một cách để chúng ta khỏe mạnh và sống
lâu. Cười chanh chua khế chát, khó chịu là kết quả của sự tàn tạ khổ
đau.
Như vậy việc thông
tin từ thế giới bên ngoài đến với vùng não cảm xúc và vùng não nhận
thức gần như đồng thời. Hai vùng não này hoặc là hợp tác, hoặc tranh
chấp nhau để kiểm soát ý nghĩ, cảm xúc và hành vi ứng xử của chúng
ta. Kết quả của tác động hợp tác hay tranh chấp sẽ quyết định phần
cảm xúc, hoặc mối quan hệ với thế giới bên ngoài và mối quan hệ với
mọi người. Sự tranh chấp ở nhiều hình thái và mức độ gây ra cảm giác
bất ổn cũng khác nhau. Ngược lại, khi hai vùng não hợp tác và bổ
sung cho nhau thì gây ra nhiều cảm giác tích cực, đó chính là:
- Não cảm xúc tạo ra sự
ham sống, yêu đời, tin tưởng. Não nhận thức thúc đẩy đi sâu hơn nữa
vào thế giới của hiểu biết.
Như vậy, trạng thái thoải
mái ấy là sự hài hòa hoàn toàn giữa não cảm xúc và não nhận thức,
tức là sự hài hòa giữa não mới và não cũ. Và nụ cười là dấu hiệu
sinh lý rất đơn giản thể hiện trọn vẹn sự hài hòa của hai vùng não,
đã được Darwin nghiên cứu sâu về bản chất sinh học từ hơn một thế kỷ
trước.
Do vậy, một nụ cười gượng
gạo sẽ chỉ vận dụng đến các cơ má, ở mặt để làm chuyển động cặp môi
và lộ hàm răng. Trái lại, nụ cười chân chính sẽ huy động không chỉ
các cơ má mà cả những cơ chung quanh mắt cũng được kích thích sinh
động. Những cơ này không thể co theo ý muốn, nghĩa là không do vỏ
não hay vùng não nhận thức; nó chỉ theo sự chỉ huy của vùng não
limbic. Chính vì thế, sự co lại của các cơ quanh mắt là một dấu hiệu
chân thực của sự vui vẻ, thanh thản mà không phải kiểu cười nào cũng
có, cho nên người ta thường gọi là:
- Cười híp mắt.
Một nụ cười rạng rỡ, thật
sự vui vẻ từ trong lòng sẽ làm người ta cảm nhận được bằng trực giác
sự hài hòa giữa ý nghĩ và tâm trạng, giữa nhận thức và cảm xúc, như
nụ cười của đức Phật Di Lặc đó chính là nụ cười sự hỷ xả. Do vậy, tìm
sự hòa hợp giữa vùng não cảm xúc và nhận thức là một cách giải tỏa
những áp lực nặng nề, buồn phiền đau khổ. Ngày nay, về
ngành y khoa thay đổi cách chữa trị, không những chỉ là thay đổi
thuốc men, cách luyện tập và chế độ dinh dưỡng mà còn phải thay đổi
cả hoàn cảnh tạo ra những sức ép khiến cho chúng ta buồn phiền, và
làm cho con người chúng ta biết kiểm soát tinh thần, luôn bình tĩnh,
thanh thản. Y học phương Tây cũng đã bắt đầu thừa nhận rằng có một
trạng thái tinh thần khỏe mạnh và biết thư giãn là những yếu tố quan
trọng để giữ được sức khỏe lâu dài.
Có nhiều bằng chứng cho
thấy, trạng thái stress trước tiên làm suy yếu cơ thể rồi mở đường
cho các bệnh nghiêm trọng phát triển. Người ta đã phỏng vấn người
bệnh ở bệnh viện, hầu hết đã trải qua hoàn cảnh gây stress trong
những năm trước, ví dụ như người thân bị chết hoặc có vấn đề trong
quan hệ với đồng nghiệp. Phải chịu đựng tình trạng stress kéo dài có
lẽ là hoàn cảnh gây nhiều nguy hại nhất. Hệ thống phòng vệ của cơ
chế bị yếu đi khi con người sống trong trạng thái stress.
Các nhà khoa học Mỹ đã
nhận thấy, những cặp vợ chồng luôn hục hặc, bất đồng với nhau sẽ có
hệ thống miễn dịch suy yếu. Một đơn vị nghiên cứu về cảm cúm ở Mỹ
cũng nhận xét, stress thực sự làm tăng xác suất nhiễm virus, cho nên
những ai có cường độ stress cao dễ bị cảm cúm hơn người bình thường,
và cũng lâu khỏi hơn.
Đã có bằng chứng về mối
liên quan giữa não và hệ thống miễn dịch, điều này đã giải thích vì
sao trạng thái tinh thần có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Ở
những người đang gặp chuyện buồn phiền, đau khổ, hồng huyết cầu vận
chuyển ít ôxy hơn, và tốc độ phát triển của bạch cầu cũng chậm hơn.
Do vậy cảm xúc cần được nuôi dưỡng và phát triển ở mọi lứa tuổi.
Không bao giờ nên coi là quá muộn để học cách kiểm soát cảm xúc bằng
thư giãn, thiền, yoga và cách quan hệ với mọi người xung quanh. Đó
là cách tốt nhất để chống stress và phát triển sức sống tiềm ẩn
trong mỗi con người.
Nói tóm lại, dù cho nụ
cười của thế gian, hay nụ cười nào đi nữa cũng đều phát xuất từ
trong tâm tư mà thuật ngữ y khoa thường gọi từ trong bộ phận của não
cũ và não mới. Nụ cười là dấu hiệu sinh lý rất đơn giản thể hiện sự
hài hòa của hai vùng não. Với cách cười không tự nhiên như:
- Cười nhạt,
- Cười ruồi,
- Cười nịnh,
- Cười gằn...
Ngược lại, trạng thái cười
thoải mái là sự hài hòa hoàn toàn giữa não cảm xúc và não nhận thức,
tức là sự hài hòa giữa não mới và não cũ. Muốn có được trạng thái
nầy chúng ta phải biết di dưỡng tâm hồn, có nghĩa là chúng ta phải
biết hướng đời mình về đường chân nẻo giác. Do vậy, ngày mồng một
Tết chúng ta về Chùa lễ Phật dâng hương đầu năm là ngày mà chúng ta
hoạch định chương trình cho một năm tới. Lễ Vía Phật Di Lặc trùng
với ngày đầu tiên của một chương trình sống 365 ngày là để nhắc nhở
chúng ta phải thực hành đức hỷ xả để hướng đến một đời sống an vui,
hạnh phúc. Tương lai, chắc chắn chúng ta sẽ được gặp Phật Di Lặc
trong Hội Long Hoa. Đó cũng là mùa Xuân mà Đức Phật đã tặng chúng ta
trong ngày Xuân, ngày Xuân của bất sanh, bất diệt.
--o0o--
|
|