TẬP SAN DƯỢC SƯ

Ăn Để Mà Sống
Chơn Đức
--o0o--
 
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, vấn đề mọi người thường lưu tâm hàng đầu chính là việc ăn uống. Nếu con người không cần phải ăn uống, chắc là trên đời không có chuyện đấu tranh giành giựt, không có chiến tranh xâm lăng, vì quyền lợi của dân tộc mạnh, cuộc sống của nhân loại sẽ thái bình, an ninh, vui tươi, và hạnh phúc. Đó là phạm vi chung của nhân loại. Với quan niệm ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn, thì chúng ta thấy rằng thức ăn tuy có nhiều thứ, nhưng dầu sao đi nữa cũng không ngoài bốn loại đó là: Đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực.
01- Đoàn Thực:
Loại thức ăn thứ nhất là Đoàn Thực, tức là những thức ăn đi vào miệng của chúng ta. Loại ăn nầy được chia thành hai khuynh hướng đó là: Ăn Mặn và Ăn Chay.
a- Ăn mặn là từ ngữ chỉ việc ăn uống thông thường, bình thường, thường nhựt của bất cứ người nào trên thế gian, không quan hệ với bất cứ phong tục, tập quán, hay tín ngưỡng nào. Nói một cách khác:
- Ăn mặn có nghĩa là ăn tất cả các loại thực phẩm có thể ăn được, trên trái đất này, bao gồm thịt động vật, trứng, sữa, và các loại thực vật, rau cải trái cây ...
b- Ăn chay là từ ngữ có nhiều nghĩa khác nhau, tùy theo phong tục, tập quán, hay tín ngưỡng. Có nhiều nơi ăn chay có nghĩa là:
- Không ăn thịt heo, hay cữ thịt bò.
Có nhiều nơi, ăn chay có nghĩa là:
- Không ăn các loại thịt động vật, sống trên mặt đất, nhưng có thể ăn các loại sinh vật, sống ở dưới nước.
Như vậy với quan niệm ăn chay có hai lý do chính:
- Một là, vì lý do phong tục, tập quán, hay tín ngưỡng; hai là, vì lý do sức khỏe.
Đối với người Phật Tử đại thừa chúng ta, loại thức ăn đoàn thực nầy được nói một cách đơn giản đó là ăn chay. Ăn chay có nghĩa là:
- Ăn tất cả các thức ăn, thực phẩm không có liên quan đến mạng sống của chúng sinh.
Theo các nhà dinh dưỡng học, muốn có một cuộc sống đầy đủ sức khỏe, muốn có đủ năng lực hoạt động trong cuộc đời, chúng ta phải lưu tâm đến việc ăn uống điều độ, và đầy đủ chất dinh dưỡng. Sách có câu:
- Tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện.
Chúng ta thường được chỉ dẫn, nên theo một chế độ ăn uống thích hợp, với bao nhiêu phân lượng chất đạm, chất xơ, chất bột, chất béo, chất ngọt, chất khoáng, chất vôi, chất sắt, chất nước, và các loại sinh tố, trong một ngày, để cơ thể có đủ năng lượng hoạt động, một cách tốt đẹp, và sống lâu trăm tuổi, một cách khỏe mạnh.
Theo các báo cáo khoa học, rau cải, ngũ cốc, hoa quả, thực vật, cũng đầy đủ chất dinh dưỡng cho sức khỏe, cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, trong đời sống của con người. Các người ăn chay vẫn sống khỏe sống thọ, không khác những người ăn mặn. Ăn chay còn có ích lợi như dễ tiêu hóa hơn, ít gây bệnh tật hơn. Trên thế giới ngày nay, Tây Phương cũng như Đông Phương, số người ăn chay, vì lý do sức khỏe ngày càng nhiều hơn. Theo khuyến khích của giới y khoa và số người ăn chay, vì lý do tín ngưỡng, cũng gia tăng nhiều hơn.
Những người phát tâm ăn chay, vì lòng từ bi, không cứ phải là người theo đạo Phật, nhưng bất cứ một ai khi đã phát tâm ăn chay thì thường cảm thấy an vui lợi lạc, và nhẹ nhàng hơn, dễ cảm thông với các loài sinh vật khác, và yêu mến thiên nhiên hơn, cảm nhận được vũ trụ vạn vật đều đồng nhứt thể. Những người ăn chay, vì lý do sức khỏe, cũng như lý do tâm linh, thường hiền lành hơn, ít náo động hơn, tâm tánh dễ dãi hơn, nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, như bao nhiêu người khác. Những người chung quanh thường cảm thấy an tâm hơn, khi sống gần gũi với những người ăn chay.
Như chúng ta đã biết, ngoài những ích lợi về phương diện sức khỏe về thể chất, ăn chay trong đạo Phật có mục đích cốt yếu là:
- Tránh nghiệp sát sinh và trưởng dưỡng tâm từ bi.
Thực vậy, vì con người không có tâm từ bi thực sự, cho nên con người còn ám hại con người, con người còn ganh tỵ đố kị con người, con người còn muốn thấy người khác đọa địa ngục vì không theo tôn giáo mình, không cùng môn phái, không cùng pháp tu, không đồng quan điểm với mình về một vấn đề nào đó. Nếu một người như thế thì làm sao có thể biết, và nghĩ đến việc ban vui cứu khổ cho muôn loài. Do vậy mà nếu chúng ta là người biết tự nguyện phát tâm ăn chay, thì chúng ta là người đó có tâm từ bi và coi muôn loài như bản thân mình, không thích giết hại một sinh vật nào, không muốn nhìn thấy một sinh vật nào đau khổ, để thỏa mãn dục vọng của chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, người Phật Tử phải căn cứ trên hạnh từ bi, bình đẳng và lợi tha, trong mỗi hành động, lời nói và ý nghĩ. Vi cổ nhân đã từng có nói:
- Nhứt thiết chúng sinh vô sát nghiệp,
Hà sầu thế giới động đao binh.
Nghĩa là:
- Nếu tất cả chúng sinh không sát hại lẫn nhau,
Thì lo gì thế giới có chiến tranh.
Lòng từ bi của những người ăn chay, biết thương yêu loài người, lan rộng đến các loài sinh vật. Họ hiểu biết rằng các loài sinh vật đều ham sống sợ chết, đều bình đẳng trước sự đau khổ, khi bị sát hại, cũng như loài người, không khác. Chứ không phải, người ăn chay chỉ vì lý do sức khỏe, không thể ăn thịt được, hoặc ăn chay với tâm mong cầu được sống lâu hơn, được lên thiên đàng, được về cực lạc. Bởi vì, con trâu con bò, con lừa, con ngựa cũng là ăn chay, vì chỉ biết ăn cỏ, không ăn thịt được. Nhưng, đời sống của những loài nầy rất là đau khổ.
Trong đạo Phật có hai hệ phái:
- Hệ phái nguyên thủy
- Và hệ phái phát triển.
Hệ phái Nguyên Thủy, còn gọi là Nam Tông, chủ trương giữ y nguyên truyền thống Phật giáo, từ thời nguyên thủy, cho nên quý sư là các vị khất sĩ, mang bình bát đi khất thực, thiên hạ bố thí cúng dường vật thực gì, các ngài dùng như vậy, không chọn lựa. Các ngài vẫn khỏe mạnh, tinh tấn tu hành, và đạt đạo chứng đạo. Đó là hệ phái truyền từ miền nam nước Ấn Độ, sang Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Ai Lao, Cao Miên. Phật giáo ở các quốc gia này đều là quốc giáo.
Còn hệ phái Đại Thừa, còn gọi là Bắc Tông, được truyền từ miền bắc nước Ấn Độ, sang Tây Tạng, Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên và Nhựt Bổn. Khi Phật giáo du nhập vào các quốc gia này, tùy thuận văn hóa địa phương cho nên dễ dàng hội nhập một cách hòa bình, và phát triển một cách nhanh chóng trong lòng các dân tộc đó, biến thành Phật giáo địa phương, đem lại an lạc và hạnh phúc cho người dân bản xứ. Chẳng hạn như: Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Triều Tiên, Phật giáo Nhựt Bổn, đều có những nét đặc thù, riêng của từng nơi. Ở các quốc gia này, chỉ trừ Việt Nam có cả hai hệ phái cùng du nhập vào, chư Tăng Ni không đi khất thực mà chỉ trụ xứ tại một tu viện, hay một ngôi chùa nào đó, tự lo việc ăn uống. Cho nên các ngài ăn chay, chỉ nhận cúng dường và dùng các thức ăn, không có liên quan đến mạng sống của các sinh vật. Các ngài vẫn khỏe mạnh, tinh tấn tu hành, và đạt đạo chứng đạo.
Điều đó chứng tỏ rằng, vấn đề ăn uống hay một từ ngữ chuyện môn đó là loại ăn đoàn thực để chỉ cho hai quan niệm ăn chay hay ăn mặn nói riêng, không phải thực sự là vấn đề tối quan trọng trong đạo Phật, cũng không phải là vấn đề trực tiếp liên quan đến sự tinh tấn tu hành, và đạt đạo chứng đạo. Điều quan trọng trong đạo Phật chính là:
- Tâm trí có dính mắc hay không dính mắc cảnh trần. Nếu tâm dính mắc gọi là tâm loạn động. Nếu tâm không dính mắc, chính là tâm thanh tịnh.
Tâm từ bi là điều kiện hàng đầu của người tiến tu theo đạo Phật, cho nên đối với hàng Phật Tử tại gia, người nào phát tâm ăn chay trường được, thì thực là đáng quý, đáng trân trọng. Đó là nhân duyên tốt để tiến tu trên đường đạo, rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, đối với những người, không ăn chay trường, lý do hoàn cảnh, vì lý do sức khỏe, cũng đừng cố chấp, gây thêm rắc rối ở trong gia đạo. Có thể ăn chay, vài ngày trong tháng, vì mục đích ăn chay là nhắc nhở chính mình, phải luôn luôn nhớ, những lời Phật dạy, áp dụng hằng ngày, tu tâm dưỡng tánh, cũng thực rất tốt. Tự nhắc nhở mình:
- Tu là phải hiền, phải có lòng từ bi, đối với tất cả mọi loài chúng sinh, bắt đầu từ loài người cho đến loài vật, bắt đầu từ người thân cận, cho đến người ở phương xa, mới là phải đạo vậy.
Nếu chúng ta là người chưa thể ăn chay được theo nghĩa đen, vì lý do sức khỏe, vì lý do hoàn cảnh, hay vì bất cứ lý do nào, thì chúng ta cũng có thể ăn chay qua ba nghiệp thân, miệng, ý. Nghĩa là:
a- Thân
- Không sát sinh,
- Không trộm cướp,
- Không tà dâm,
b- Miệng
- Không nói dối,
- Không nói lời dua nịnh,
- Không đâm bị thóc thọc bị gạo,
- Không nói lời thô tục độc ác.
c- Ý
Không nghĩ cách vu oan giá họa, không tức giận thù oán người, không chứa chấp lòng ganh tị đố kỵ người khác.
Nói chung, không ăn chay được bằng phương tiện vật chất, người Phật Tử tại gia nên cố gắng giữ gìn thân, miệng, ý cho được thanh tịnh, trong bất cứ thời điểm nào, tại bất cứ nơi đâu. Đó chính là tu tâm dưỡng tánh vậy.
Hơn thế nữa, người biết tu tâm dưỡng tánh, không bao giờ gây đau khổ cho bất cứ ai, dù là người thân hay kẻ thù qua các hành động đánh đập, hãm hại. Hoặc không bao giờ gây não loạn cho người khác, qua việc thưa gửi kiện tụng, vu khống cáo gian. Hoặc không bao giờ gây tổn hại thanh danh và hạnh phúc gia đình người khác, qua những lời nói ác độc có chủ ý, đặt điều thêm bớt, có nói không, không nói có, kết án bừa bải, bóp méo sự thực, ... lợi mình hại người, trong khi đó người khác sống chết, đau khổ như thế nào, thì cũng mặc kệ họ là không nên!
Những người có bàn thờ Phật tại gia, dù có ăn chay trường hay ăn chay kỳ, dù có thọ bồ tát giới, tu bát quan trai giới, hay tu thập thiện giới, nhưng tâm không thanh tịnh, vẫn còn tiếp tục những hành động, những lời nói, và những ý nghĩ, lợi mình hại người, vẫn muốn người khác chết để mình sống, vẫn muốn người khác nhục để mình vinh, vẫn muốn người khác thua để mình thắng, lợi dụng lòng tốt của mọi người, để sung sướng tấm thân, thì thực là uổng công vô ích. Như thế không ích lợi gì cho việc trở về nguồn cội, cho việc thoát ly sanh tử luân hồi, cho việc dứt trừ phiền não khổ đau của chúng ta! Trong kinh sách có câu:
- Sân si nghiệp chướng không chừa.
Bo bo mà giữ tương dưa làm gì?
Nghĩa là:
- Người nào vẫn tiếp tục tạo nghiệp chướng, tâm tham lam, tâm sân hận, tâm si mê, vẫn còn y nguyên,
Như vậy, thì dù có thờ Phật tại gia, ăn chay lễ lạy, tụng kinh bái sám thì cũng chẳng có ích lợi gì.
Ngày nay, chúng ta có thể thấy những hình ảnh đó hiện tiền, trên truyền hình, qua các chương trình dạy nấu ăn, hay qua các màn ăn uống trong nhà bếp tại gia, hay bếp của các nhà hàng, trong khi các con vật vẫn còn sống, ngo ngoe giẫy giụa trên tấm thớt, dưới con dao phay, hoặc bò lăn bò càng trên chảo nóng, hoặc vùng vẫy trong nồi nước sôi, hoặc bị cột trói cứng ngắc, chịu đớn đau vô cùng tận. Thực là cảnh tượng địa ngục ở trần gian, vô cùng khủng khiếp, mà những người có tâm từ bi tránh được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Dĩ nhiên, người Phật Tử chân chánh tuyệt đối không bao giờ nên bày đặt cách ăn uống cầu kỳ quái dị, vui thú trên sự đau đớn rên la của các sinh vật còn sống ngay tại bàn tiệc, như bậc vua chúa, trưởng giả giàu sang, thường hay hưởng thụ. Chúng ta nên biết rằng những vị vua chúa, hay các nhà giàu sang quyền quý, là những người có rất nhiều phước báo, từ nhiều đời nhiều kiếp trước, nên đời này kiếp này mới được như vậy.
Phước báo ví như tiền tiết kiệm dành dụm từ trước, không biết làm việc thiện tạo thêm phước, lại tiêu xài phung phí nhiều quá, cũng có ngày cạn hết. Cho nên khi hưởng hết phước báo, vì trong kiếp này, không biết tu tâm dưỡng tánh, lại còn tạo tội nghiệp như vậy, thì có lẽ cuộc đời của họ sẽ kết thúc hết sức bi thảm. Chúng ta đọc sách báo xưa nay thường thấy các vị vua chúa, bị ám sát chết, bị lật đổ không chỗ chôn thân, các nhà giàu sang quyền quý, khánh tận tài sản, đến nỗi phải quyên sinh, kết thúc mạng sống của chính mình. Các vị hoàng gia hoàng tử, công chúa quận nương, bị tai nạn thảm khốc, chết không toàn thây, ở trên xa lộ, hoặc dưới biển sâu. Chúng ta là những người thực sự kém phước báo hơn các vị đó nhiều lắm, vì thế chớ nên tạo thêm tội nghiệp, bằng cách này hay cách khác, mà phải tu và nhiếp phục các căn nhiều bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Chúng ta là người tỉnh thức, đang tu học Chánh Pháp, đang muốn trở về nguồn cội, đang muốn chuyển hóa cuộc đời của mình, đang muốn thoát ly sanh tử luân hồi, càng phải nên hết sức cẩn thận trong cách hành xử hằng ngày trong cuộc sống.
Muốn được gặp Phật, phải bỏ tâm ma. Điều nầy thực là đơn giản, không tìm đâu xa mà chúng ta phải vận dụng chánh kiến để biết phân biệt những loại đoàn thực có hại và những đoàn thực không có hại. Chúng ta phải biết những thức ăn và thức uống nào gây tàn phá và làm mất sự điều hòa trong cơ thể. Khi chúng ta ăn những món hiền lành và bổ dưỡng thì chúng ta cũng biết. Ðó gọi là chánh kiến. Chúng ta thực tập chánh kiến ngay trong đời sống hằng ngày, trên bàn ăn và trong khi nấu ăn, chứ không phải chỉ thực tập trong thiền đường mà thôi. Do vậy trước khi ăn chúng ta nói:
- Chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh.
Đó là chánh kiến áp dụng khi ăn và khi nấu ăn. Nói về đoàn thực, Phật đã dùng hình ảnh của hai vợ chồng nhà kia ăn thịt con.
Hai vợ chồng này mang đứa con trai duy nhất đi qua sa mạc. Họ nghĩ rằng số lương thực đem theo là đủ dùng cho chuyến đi. Nhưng chưa ra khỏi sa mạc họ đã hết thực phẩm. Hai vợ chồng biết rằng cả ba người sẽ chết đói. Cuối cùng họ phải đành tâm ăn thịt đứa con để sống mà ra khỏi sa mạc. Họ vừa ăn thịt con vừa khóc. Khi kể câu chuyện nầy xong Đức Phật hỏi rằng:
- Này các thầy, khi hai vợ chồng đó ăn thịt đứa con thì họ có thấy thích thú gì không?
Các thầy thưa:
- Bạch đức Thế Tôn, làm sao thích thú được khi biết mình đang ăn thịt con.
Phật dạy:
- Trong đời sống hằng ngày, trong khi tiêu thụ, chúng ta cũng phải biết thức ăn của mình đã có thể được tạo ra bằng sự đau khổ cùng cực của kẻ khác, của những loài sinh vật khác.
Do vậy trong chiều hướng tưởng niệm đến công lao cực khổ của người khác, mỗi khi chúng ta dùng nên thường quán niệm:
- Thức ăn nầy là tặng phẩm của đất trời
Và công phu lao tác của mọi người.
Hoặc là:
- Hai tay nâng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Do vậy mà ăn không có chánh niệm, chúng ta sẽ tạo khổ đau cho mọi loài và khổ đau cho chính bản thân chúng ta. Cho nên khi chúng ta hút thuốc, uống rượu, ăn nhiều thức béo vào, là chúng ta đang ăn bộ phổi của chúng ta, đang ăn buồng gan, trái tim của ta, chúng ta tự đang ăn thịt chúng ta.
Qua câu chuyện Đức Phật kể cha mẹ ăn thịt con để sống trong lúc đi qua sa mạc, nếu là cha, là mẹ thì lúc đó chúng ta đang ăn thịt con chúng ta tại vì các con cần có để nuôi dưỡng cha mẹ mạnh khỏe, tươi vui. Và nếu cha mẹ trong khi ăn uống mà tàn hại thân thể của chính mình thì chính cha mẹ đã và đang giết con. Thành ra ăn như thế nào để đừng tạo ra những khổ đau cho các loài và đừng tạo khổ đau cho chính mình, đó là chánh niệm và chánh kiến. Ðạo Phật trong cả hai trường phái Nam Tông và Bắc Tông đều tin rằng chúng sanh từ đời này sang đời khác thay phiên lần lượt làm cha làm mẹ, anh em dòng họ  của nhau. Vì vậy mỗi khi ăn thịt, chúng ta hãy có ý thức rằng có thể ta đang ăn thịt cha mẹ hay chồng vợ, con cái, anh em của chúng ta. Do đó chúng ta đã tập ăn chay và tập không sát sanh.
02- Xúc Thực
Loại thức ăn thứ hai là xúc thực, tức là loại ăn qua các căn trần thức. Chúng ta có sáu căn là:
- Mắt,
- Tai,
- Mũi,
- Lưỡi,
- Thân
- Và ý.
Chúng tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Chúng ta phải thấy rằng việc tiếp xúc đó có đem chất độc vào trong con người chúng ta hay không. Ví dụ như khi chúng ta xem truyền hình, mắt ta tiếp xúc với hình sắc. Phải thực tập chánh kiến xem chương trình truyền hình kia có đưa vào trong tâm ta những độc tố như sợ hãi, căm thù và bạo động hay không. Có những phim mang lại cho chúng ta sự hiểu biết, lòng từ bi, chí quyết tâm muốn giúp người, quyết tâm không làm những điều lầm lỗi, chúng ta biết chúng ta có thể xem phim đó. Đó là cách mà chúng ta thực tập chánh kiến. Người lớn cũng như trẻ em, trong khi xem phim, phải biết thực tập chánh kiến. Phải biết rằng có những chương trình truyền hình chứa đựng rất nhiều độc tố như bạo động, căm thù và dục vọng. Ngay cả những phim quảng cáo cũng khơi động thèm khát, dục vọng hay sợ hãi của người ta. Khi xem một tờ báo không có chánh niệm, chúng ta có thể tiếp nhận rất nhiều độc tố. Ðọc xong ta có thể mệt nhoài vì những điều chúng ta đọc có thể khiến chúng ta chán nản, lo lắng và ghê sợ. Chính những câu chuyện hàng ngày cũng có thể mang nhiều độc tố. Ðó là xúc thực.
Chánh kiến phát sinh ra chánh niệm và chánh niệm cũng làm phát sinh chánh kiến. Chúng ta biết rằng nhìn, nghe và tiếp xúc với những gì thì thân tâm chúng ta sẽ khỏe khoắn, nhẹ nhàng và an lạc và chúng ta quyết định mỗi ngày nên tiếp xúc với những chất liệu đó. Còn những thứ làm chúng ta mệt, buồn, lo, giận thì chúng ta nên tránh không tiếp xúc. Ðó là chánh niệm về xúc thực, có được nhờ chánh kiến về xúc thực. Phật dạy rằng:
- Con người rất dễ bị thương tích, trên cơ thể cũng như trên tâm hồn.
Vì thế mà Đức Phật đã dùng hình ảnh một con bò bị lột da dẫn xuống sông. Dưới sông có hàng vạn loài sinh vật li ti bu lại hút máu và rỉa thịt con bò. Và khi chúng ta đưa con bò tới đứng gần một bức tường hay một cây cổ thụ, cũng có những sinh vật li ti sống trên bức tường và trong cây cổ thụ bay ra, bám vào con bò để hút máu. Từ khuynh hướng nầy, nếu chúng ta không giữ gìn thân và tâm bằng chánh kiến và chánh niệm thì các độc tố trong cuộc đời cũng bám lại và tàn phá thân tâm chúng ta cũng như vậy. Năm giới mà chúng ta tiếp nhận và hành trì là bộ da bao bọc thân thể và tâm hồn chúng ra. Nếu không hành trì năm giới là chúng ta không thực tập chánh kiến. Và trong mỗi chúng ta vốn đã có sẵn hạt giống của chánh niệm. Thực tập chánh niệm, cũng là cách chúng ta tạo ra những kháng thể để chống lại sự thâm nhập của các độc tố từ bên ngoài đưa vào.
03- Tư Niệm Thực
Loại thức ăn thứ ba là tư niệm thực. Ðó là những nỗi ước ao ta muốn thực hiện cho đời của chúng ta. Mong muốn làm giám đốc một hãng buôn lớn, hay mong muốn đậu bằng tiến sĩ ... Những mong muốn như thế thâm nhập vào người ta giống như một thức ăn. Mong muốn là một loại thực phẩm gọi là tư niệm thực. Ước muốn lành mạnh sẽ giúp ta năng lượng để thực hiện hoài bão, nhưng có những loại tư niệm thực làm cho ta khổ đau suốt đời. Như danh, lợi, tài và sắc ... Muốn được mạnh khỏe và tươi vui, muốn được giúp đỡ cho gia đình và xã hội, muốn bảo vệ thiên nhiên, thì chúng ta phải tu tập để chuyển hóa, để thành một bậc giác ngộ độ thoát cho đời. v.. v.. Đó là loại tư niệm thực có thể đưa tới an lạc, hạnh phúc.
Về tư niệm thực, Đức Phật kể chuyện một người bị hai lực sĩ khiêng ném xuống hầm lửa đang bốc cháy. Phật nói rằng khi chúng ta bị những tư niệm thực bất thiện chiếm cứ, bị danh, lợi, tài và sắc lôi cuốn thì cũng như chúng ta bị những anh chàng lực sĩ kéo đi liệng xuống hầm lửa. Do đó người tu học phải có chánh kiến, phải nhận diện được tư niệm thực trong chúng ta là loại nào.
04- Thức Thực
Loại thức ăn thứ tư là thức thực. Chúng ta hiệc có mặt và được xử dụng đầy đủ các tiện nghi như hiện nay là sự biểu hiện của thức, gồm có y báo và chánh báo. Chánh báo là con người gồm năm uẩn của chúng ta và y báo thuộc hoàn cảnh chung quanh ta. Vì hành động từ nhiều kiếp xa xưa, cho nên bây giờ chúng ta có chánh báo này, với y báo này. Chánh báo và y báo đều là sự biểu hiện của tâm thức. Khi làm công việc nhận thức, tâm cũng giống như cơ thể đón nhận các món ăn. Nếu trong quá khứ, tâm thức chúng ta đã tiếp nhận những thức ăn độc hại, thì ngày nay tâm thức chúng ta biểu hiện ra những y báo và chánh báo không lành. Những gì chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, suy tư, tưởng tượng, tất cả những thứ ấy đều như muôn sông chảy về biển tâm thức. Và những vô minh, hận thù và buồn khổ của chúng ta đều trở về biển cả của tâm thức ta. Vì vậy ta phải biết mỗi ngày chúng ta nhận vào tâm thức của ta những món ăn nào. Chúng ta cho nó ăn từ, bi, hỷ, xả hay là chúng ta cho nó ăn trạo cử, hôn trầm, giãi đãi, phóng dật?
Về thức thực, Phật đã dùng hình ảnh một người tử tù và ông vua. Buổi sáng vua ra lệnh lấy 300 lưởi dao cắm vào thân thể của một tử tội. Tới buổi chiều vua hỏi:
- Người tù đó bây giờ sao?
Những người cận vệ trả lời:
- Tâu bệ hạ, nó còn sống.
Nhà vua nói:
- Vậy thì đem nó ra, lấy 300 lưỡi dao đâm qua người nó một lần nữa.
Và buổi tối, vua hỏi:
- Kẻ đó bây giờ ra sao?
Cận Vệ đáp:
- Còn sống.
Nhà Vua nói:
- Hãy lấy 300 mũi dao đâm qua thân thể nó một lần nữa!
Phật dùng ví dụ đó để nói cho chúng ta biết là chúng ta cũng đã và đang hành hạ tâm thức của chúng ta y như thế. Mỗi ngày chúng ta đâm 300 mũi dao của độc tố vào trong tâm thức ta. Những mũi dao của tham lam, giận dữ, ganh tỵ, hờn giận, thù oán, vô minh...
Bốn loại thức ăn trên là bốn ví dụ nghe rất ghê sợ, có tác dụng răn bảo chúng ta phải tỉnh táo giữ gìn chánh kiến và có một khái niệm khá rõ ràng về vấn đề này, để có thể áp dụng vào trong đời sống thực tế hằng ngày. Vì thế mà cổ nhân có dạy:
- Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn.
Nghĩa là:
- Con người sanh ra, trên trái đất này, ngoài chuyện ăn uống, để giữ mạng sống, bồi dưỡng sức khỏe, chúng ta còn nhiều, chuyện khác để làm, đem lại ích lợi, cho người cho đời, và chính bản thân.
Nói tóm lại, trong đạo Phật, vấn đề ăn uống không phải là chuyện quan trọng hàng đầu. Dù ăn mặn hay ăn chay, cần nên giản dị, không nên cầu kỳ, mà chúng ta phải dành nhiều thời giờ, cho những việc làm có ích lợi cho bản thân, đối với cuộc sống tâm linh, và đời sống tinh thần. Chính chuyện tu tâm dưỡng tánh mới đáng làm chúng ta bận tâm, và phải thực hành hằng ngày. Chuyện ăn uống tuy là chúng ta cần phải sống, nhưng nó thuộc về phạm vi thể chất, bồi bổ cho tấm thâm tứ đại giả tạm này, để làm phương tiện cho việc tinh tấn tu tâm dưỡng tánh, cho đến ngày giác ngộ và giải thoát, cho nên chúng ta không vì vậy mà lãng phí thì giờ và tạo nghiệp ác sâu nặng. Do vậy chư Tổ có dạy:
- Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên
Nghĩa là:
- Ðói đến thì ăn, mệt ngủ khò.
Lúc chúng ta đói bụng, một củ khoai nhỏ, cũng tạm ấm lòng. Khi ăn quá no, căng bụng tràn họng, lúc đó món nào, dù mặn hay chay, cũng chẳng còn ngon. Sách có câu:
- No mất ngon, giận mất khôn.
Nói tóm lại, tất cả mọi người chúng ta ai cũng muốn sống một cuộc đời an nhàn tự tại, vì thế chúng ta không nên chú tâm, không nên lệ thuộc quá nhiều về sự ăn uống. Việc học hiểu để phát triển trí tuệ, và thực hành Chánh Pháp, ngay trên cuộc đời, tại thế gian này, cho đến khi được viên mãn, mới thực sự là việc quan trọng của người Phật Tử, tại gia và xuất gia. Đó mới thực sự là mục đích cứu kính của Đạo Phật, cho nên ăn uống chỉ là một phương tiện, trong bao nhiêu phương tiện khác, mà thôi.
Một thực tế khác về vấn đề ăn mặn và ăn chay chúng ta cần nên hiểu biết. Đó là các thứ nông phẩm dùng để ăn chay như cơm gạo, rau cải, hoa quả, trái cây ... thu hoạch được sau khi trải qua quá trình trồng trọt, tưới nước, bón phân và trừ khử các loại sâu rầy phá hoại mùa màng. Nghĩa là các nông gia phải lao động khổ nhọc và phải sát trùng, để mùa màng được tươi tốt, thu hoạch được cao trong lúc tăng gia sản xuất. Vì thế khi dùng các nông phẩm đó, để gọi là ăn chay, tránh nghiệp sát sinh, trưởng dưỡng tâm từ bi, tu tâm dưỡng tánh, chúng ta đã không tránh được sát giới, một cách hoàn toàn dù không trực tiếp, cũng là gián tiếp, cũng chịu cộng nghiệp với các nông gia. Cho nên, người Phật Tử tại gia hay xuất gia mỗi khi thọ thực, chúng ta cần phát tâm từ bi, thương xót những người chưa thể ăn chay được, vì bất cứ lý do gì, hoặc là các nông gia phải phạm sát giới, để làm nên các nông phẩm chúng ta đang dùng, bằng cách tự đọc lời cầu nguyện trước khi ăn, để hồi hướng phước báu ăn chay, hay công đức trì giới của mình đến tất cả chúng sinh, trong khắp pháp giới. Hoặc chúng ta chắp tay cầu nguyện cho tất cả chúng sinh, ít ra cũng đều có những bữa cơm đạm bạc như chúng ta:
- Hai tay bưng bát bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
--o0o--