TẬP SAN DƯỢC SƯ

Thông Điệp Tình Thương
Nhất Quán
--o0o--

 

Ngược dòng lịch sử, vào ngày trăng tròn tháng hai Ấn Ðộ, tức là tháng tư âm lịch trước công nguyên năm 624, một Thái Tử Tất Ðạt Ða, dòng Thích Ca, họ Cồ Ðàm, con Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Da đã giáng trần tại vườn Lâm Tỳ Ni, thuộc vương quốc Ca Tỳ La Vệ, tức là nước Nepal ngày nay.
Ngày đản sanh của Thái Tử, trong thành Ca Tỳ La Vệ, cảnh vật đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cỏ đều đơm hoa trổ trái, sông ngòi, mương, giếng nước đều tràn đầy, trên hư không chim chóc ríu rít ca hót, và hào quang chiếu sáng cả mười phương. Để ghi lại bối cảnh xa xưa đó, một nhà thơ đã viết:
- Mây trắng bay bay suốt tận chân trời
Cơn gió thoảng đưa hương thơm nhẹ nhẹ
Cành Vô Ưu chuyển mình rung khe khẻ
Ðấng Thánh Sư vừa xuất hiện trần gian
Trên không trung mùi gỗ quý chiên đàn
Thơm ngạt ngào cúng cha lành nhân thế
Tòa sen báu bảy bước đi vô ngại
Mặt trời lên sương còn đọng cành cây
Nghe xa xa chim hót vọng đâu đây
Là khúc nhạc nên thơ và khó tả
Khắp đây đó những đóa hoa tươi ngập tràn đường xá
Hòa tiếng tiêu như sươi ấm cõi trần gian
Xóa hết thương đau, xóa giai cấp nghèo nàn
Ðem bình đẳng cho chúng sanh nhân loại
Ngày xưa đó nay chúng con nhắc lại
Ðấng siêu nhân mang ánh sáng bình minh
Ðạo từ bi cứu vớt vạn sinh linh
Ðang đau khổ nơi Ta Bà ô trọc
Lời chân chính là khuôn vàng thước ngọc
Từ ngàn xưa cho đến tận ngàn sau
Còn chúng sanh là còn  muôn kiếp khổ đau
Và như vậy đạo Ngài là linh dược
Hôm nay đây chúng con quỳ lần lượt
Nén tâm hương tưởng niệm trước đài sen.
Lớn lên trong hoàng cung, Thái Tử Tất Đạt Đa được nuôi nấng và dạy dỗ một cách toàn diện cả hai lãnh vực: Văn chương và võ thuật. Những thầy giáo giỏi nhất trong nước đều được mời đến hoàng cung để dạy cho Thái tử các môn học như:
- Thanh minh hay đó là các môn học về ngôn ngữ, văn học.
- Công xảo minh đó chính là các môn học về công kỹ nghệ.
- Y phương minh đó  chính là các môn học về y học.
- Nhân minh đó chính là các môn học về luận lý học, và
- Nội minh là các môn học về đạo đức  học
Thái Tử mỗi năm mỗi lớn, diện mạo càng thêm khôi ngôi, tài năng càng phát lộ gấp bội. Ngài có một sức khỏe hơn người, một trí thông minh xuất chúng. Từ nghề văn cho đến nghiệp võ, Thái Tử học với ông Thầy nào thì trong ít hôm sau, vị giáo sư ấy phải xin cáo thối, vì không còn đủ sức để dạy nữa. Cho đến ông thầy danh tiếng đệ nhất thời bấy giờ là ông Sằn Ðề Ðề Bà cũng chịu khuất phục Ngài luôn.
Nhưng, mặc dù tài sức hơn người, thông minh xuất chúng, lại ở trong địa vị cao sang quyền quý tột bậc, nhưng Thái Tử không bao giờ tỏ vẻ ngạo mạn, khinh người. Ngài có một thái độ rất hòa nhã, vô tư, bình đẳng. Lòng thương người, thương vật của Ngài không ai sánh kịp, khi có người cần giúp đỡ, thì dù khó khăn bao nhiêu Ngài cũng không từ nan. Bởi thế, Ngài được trên Vua cha yêu quý, dưới thần dân kính trọng, nể vì.
Tuy là sống giam mình trong ngục thất vàng ngọc và bị ràng buộc bởi tình ái thê nhi, Thái Tử Tất Ðạt Đa vẫn không có được chút thảnh thơi, an lạc, bởi vì Thái Tử đã nhận thức được cuộc sống luôn bị rình rập bởi: Sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu não, cho nên Thái Tử quyết định từ bỏ vinh hoa phú quý, làm vị Sa môn không nhà ở để tìm đường giải thoát, cứu bản thân mình và cứu độ nhân sinh.
Sau khi từ bỏ cuộc sống vương giả, gần một năm theo học với hai đạo sĩ Alara Kalama, lãnh đạo phái Số Luận ở thành Tỳ Xá Ly và với Uất Ðâu Lam Phất, lãnh tụ phái Du Già tại kinh đô Vương Xá. Tại nơi đây Sa môn Gotama đã quán triệt tất cả những gì hai đạo sĩ đạt được, nhưng Ngài không thỏa mãn, vì cho rằng chúng chưa phải là quả vị giác ngộ tối thượng. Ngài quyết định từ bỏ hai đạo sĩ, sau đó cùng với năm đệ tử của Uất Ðâu Lam Phất là: Kiều Trần Như, Bạt Ðề, Ðề Bà, Ma Ha Nam và Ác Bệ xuôi về phía nam, đến Rừng Khổ Hạnh lập cứ tu hành. Cuộc tìm kiếm chân lý trên đường khổ hạnh kéo dài sáu năm, kết quả cũng chẳng có gì ngoài những cảm giác mệt mỏi, đớn đau và cuối cùng Ngài kiệt sức, ngất xỉu... Một lần nữa Ngài lại từ bỏ pháp tu khổ hạnh và tự mình thắp đuốc lên mà đi.
Sau 49 ngày đêm tư duy thiền quán dưới cội cây Tất Bát La, và sau ngày thành đạo của đức Thế Tôn, cây Tất Bát La được gọi là cây Bồ Đề. Vào một đêm, khi sao Mai vừa ló dạng, tuệ giác siêu việt bừng sáng nội tâm. Sa môn Gotama chứng Vô thượng Chánh đẳng giác. Nhận lời thỉnh cầu của Phạm Tự Tại Thiên, Thế Tôn rời cội bồ đề, bắt đầu cuộc hành trình dài 49 năm, truyền bá đạo giác ngộ cho đời. Cũng từ đó nhân loại mới thấy được hình ảnh một Thái tử sống trong nhung lụa với vợ đẹp, con xinh, đã nhận thức được sự thật của cuộc đời, vượt thành xuất gia làm Sa môn khổ hạnh. Cuối cùng do sự tự tu, tự chứng ngộ, đã nắm được quy luật vận hành của vũ trụ, nhân sinh, và đã trở thành thiên sử kỳ diệu vô tiền khoáng hậu trong lịch sử tôn giáo của nhân loại. Thiên sử ấy là bản hùng ca, là khúc khải hoàn trác tuyệt vang vọng trong sự sống suốt gần 3 thiên kỷ nay với những cung bậc đầy âm điệu, vừa nhân thế, vừa siêu thế, mà qua đó cuộc đời hoằng pháp của Ðức Thích Ca được nhân loại chiêm ngưỡng, khảo nghiệm dưới nhiều góc độ, chẳng hạn như:
- Giải thoát học,
- Tôn giáo học,
- Khoa học,
- Triết học,
Bằng tuệ giác siêu việt đạt được trong đêm thành đạo, Ðức Phật trải gót khắp xứ Ấn Ðộ, đem hạt giác ngộ gieo khắp trên mảnh đất tâm, vì muốn tất cả chúng sanh đều được giác ngộ như chính Ngài. Và chẳng bao lâu, hoa trái giác ngộ rộ nở khắp nơi, tạo thành vườn đạo lý hiện hữu sinh động giữa cuộc đời, và liên tục phát triển trên khắp năm châu cho đến ngày nay qua bức Thông Điệp Tình Thương của đấng giác ngộ. Nội dung của bức thông điệp nầy có rất nhiều điểm quan trọng, tuy nhiên vì khuôn khổ trang giấy, cho nên chúng tôi xin được đơn cử ba yếu tố: Nhân Bản, Bình Đẳng và Từ Bi.
A- Nhân Bản
Ðiểm căn bản nhất mà chúng ta ghi nhận ở Phật Giáo đó là vị giáo chủ tức là Đức Phật Thích Ca không phải là một thần linh, không phải là một Thượng Đế đầy quyền uy thưởng phạt, mà là một con người như bao người khác. Nhưng Ngài có trái tim lớn, thấu rõ những nỗi thống của khổ sinh, già, bệnh, chết..., chứng kiến những lầm than cơ cực của con người trước những bất công của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Ngài đã từ bỏ gia đình, vợ con, một mình ra đi tìm phương giải quyết. Sau những tháng năm học đạo cùng với những đạo sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, kết quả ấy cũng không giúp được cho vị đạo sĩ trẻ tuổi thông minh như Tất Ðạt Đa giải quyết những vấn đề bức xúc trong lòng. Cuối cùng, Ngài đã thấu đạt được chân lý, rõ được chân tướng của vạn pháp, Ngài đã giác ngộ thành đạo, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Sự kiện trên đây đã hình thành một khái niệm về tính nhân bản của Phật Giáo, con người là trung tâm điểm của Phật giáo, hay nói một cách khác, không có nhân loại thì Phật giáo không hiện hữu trên cuộc đời này.
Trong thế giới quan Phật giáo, có tất cả sáu chủng loại:
- Cõi Trời,
- A Tu La
- Người
- Ðịa ngục,
- Ngạ quỷ,
- Súc sanh.
Trong sáu cõi ấy, con người được coi là chủng loại hội đủ điều kiện tốt nhất để đạt đến cái quả vị tu chứng trong Phật Giáo. Phật Giáo giải thích rằng chúng sanh ở cõi Trời khó nhận thức được chân tướng khổ đau, vì cuộc sống của họ quá sung sướng. Trái lại, ở các cõi A Tu La, Ðịa Ngục, Súc Sanh, Ngạ Quỷ, chúng sanh quá si mê ngu dốt trong hoàn cảnh tối tăm đọa đày nên cũng không dễ gì tu học đạo giải thoát. Chỉ có ở cõi người, con người mới có khả năng nhận thức được những khổ đau của cuộc đời, và có khả năng khơi sáng ngọn đèn trí tuệ cho chính mình.
Trong quan niệm Phật giáo, con người là chủ nhân của mọi hành vi của chính bản thân của chúng ta ở cả ba thời gian:
- Quá khứ,
- Hiện tại, và
- Vị lai.
Chỉ có chính bản thân chúng ta là người duy nhất toàn quyền thưởng phạt cho chính cuộc đời mình. Ngoài chính chúng ta ra, không có bất cứ ai, hoặc thần linh, hay thượng đế nào khác có khả năng đưa chúng ta lên thiên đàng hay vất chúng ta xuống địa ngục. Kinh Pháp Cú, Ðức Phật dạy rằng:
- Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch.
Do vậy Phật Giáo luôn luôn đề cao nỗ lực và ý chí của con người. Và do vậy, tinh tấn là một trong những đức tính quyết định việc thành tựu đạo quả Bồ Đề, bến bờ giác ngộ chẳng bao giờ có dấu chân của biếng lười và bạc nhược. Với những tâm hồn khát khao tự do tuyệt đối, dốc hết sức bình sinh cùng với sự hiểu biết chánh pháp một cách chân chính, mỗi chúng ta chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt đẹp trên bước đường tu tập. Bằng ngược lại, cho dù ngàn vị Phật dang tay tế độ cũng không làm sao đưa chúng ta thoát khỏi biển đời đau khổ, nghiệt ngã này. Tính nhân bản được thể hiện mạnh mẽ ở điểm này. Ðây là một đặc điểm ưu việt của Đạo Phật mà chúng ta khó tìm thấy ở một giáo lý của bất cứ tôn giáo nào khác, bởi vì không có và sẽ không bao giờ có một đấng giáo chủ lại đề cao khả năng của con người một cách khách quan như vậy. Xuất phát từ tính nhân bản này, nhân cách con người được tôn trọng triệt để trong Phật Giáo như: Quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng... đều có một giá trị đích thực.
Ðiều đáng nói nhất về khả năng của con người mà Phật giáo luôn đề cập đó chính là trí tuệ. Ðó là khả năng tối cao của nhân loại, là di sản vô cùng quý báu mà bất kỳ ai nếu biết vận dụng và phát huy đúng đắn đều có thể tận diệt mọi khổ đau, đạt đến bến bờ hạnh phúc. Ðiều này đã được minh chứng cụ thể qua đời sống của Ðức Phật cùng những vị tiền nhân kế thừa trong lịch sử đạo Phật, như Ðức Phật đã từng tuyên bố:
- Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật.
Trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, từ cuộc sống thô sơ lạc hậu của thời xa xưa cho đến ngày nay, những phát minh khoa học cũng như những thành quả vinh quang của nó đã đưa nhân loại đến thời kỳ vàng son của thời đại kỷ thuật tối tân hiện đại. Kết quả có được là do từ khả năng khối óc của con người. Dù vậy, theo phân tích của người học Phật thì khả năng đó chỉ mới là một phần nhỏ giới hạn của một phần trí tuệ của chúng ta mà thôi. Hay nói một cách khác, con người của khoa học chỉ mới vận dụng được cái trí thế gian của mình, chưa phải là trí tuệ của mỗi con người như Ðức Phật đã chỉ rõ đó là Trí Tuệ Bát Nhã, và chính trí tuệ Bát Nhã mới là chiếc chìa khóa vàng duy nhất để mở cánh cửa vô sanh của Niết Bàn tịch tĩnh.
Nhìn chung chúng ta thấy, theo quan niệm Phật Giáo, con người vốn là một chúng sanh ưu việt, có rất nhiều tiềm năng phi thường nếu chúng ta khéo triển khai thì không gì không thực hiện được trên cõi đời này. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng Phật Giáo là một tôn giáo của con người, xuất phát từ Ðức Phật Thích Ca, Ngài là đấng Giác Ngộ nhưng Ngài là một con người, và có một đời sống rất là con người, và vì con người mà khai thị chân lý, hướng dẫn con người đến đời sống thực sự an vui.
B- Bình Đẳng
Như chúng ta đã biết, Phật Giáo đã ra đời trong một hoàn cảnh vô cùng phức tạp, và đời sống của con người phải chịu nhiều bất công trong chế độ phân chia giai cấp lâu đời của xã hội Ấn thời bấy giờ. Giai cấp Bà La Môn là giai cấp Thầy tu, chủ trương và chuyên lo công việc lễ nghi, tế tự, giai cấp này chiếm vị trí tối cao. Kế đến là giai cấp Sát Ðế Lợi, là giai cấp dòng dõi vua chúa nắm quyền điều hành xã hội. Giai cấp thứ ba là Tỳ Xá, bao gồm những người bình dân. Ða phần còn lại thuộc giai cấp Thủ Ðà La, họ làm những nghề thấp hèn, cũng gọi là dân nô lệ. Hai giai cấp Bà La Môn và Sát Ðế Lợi thuộc giai cấp thống trị, Thủ Ðà La và Tỳ Xá thuộc giai cấp bị trị. Bốn giai cấp này theo chế độ cha truyền con nối, vì vậy mà người dân nô lệ thì cứ đời đời làm nô lệ, tạo thành một xã hội bất công. Chính trong lúc thực trạng của xã hội bi đát như vậy, một Thái Tử Tất Đạt Đa ra đời, và đã dũng mãnh gióng tiếng chuông cảnh tỉnh phá tan bóng đêm của xích xiềng nô lệ, cũng như nền móng cai trị của sự phân chia giai cấp phi lý bằng một lời tuyên bố vĩ đại:
- Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn.
Lời tuyên bố hùng hồn của Ðức Phật là nền tảng để hình thành một hệ thống giáo lý, mà trong đó tính bình đẳng được thể hiện trọn vẹn cả về phương diện lý thuyết lẫn thực hành. Theo tinh thần nhân bản của Phật giáo, mọi sai biệt trên thế giới này đều tùy thuộc vào các nhân duyên mà sinh khởi. Cũng vậy, sự khác nhau về địa vị, hoàn cảnh giàu sang hay nghèo khổ, ngu dốt hoặc thông minh... tất cả đều hoàn toàn do hành vi tạo tác của mỗi con người chứ không phải do tự nhiên hay được sắp đặt theo bất kỳ một thông lệ hoặc quy định nào. Trên tinh thần này, sự phân chia giai cấp trở thành phi lý và vô nghĩa. Việc một Thái Tử Tất Ðạt Đa từ bỏ ngôi vị đế vương, quay lưng với tất cả vinh hoa phú quý của giai cấp vua chúa, để rồi một thân độc hành với chiếc áo thô sơ, đầu trần chân đất, vân du đây đó... đã thể hiện tinh thần bình đẳng tuyệt vời của Ngài. Và cũng chính Ðức Phật, con người với đời sống giản dị khiêm tốn ấy, đã thể hiện lòng bình đẳng trong suốt cuộc đời giáo hóa chúng sinh. Ngài rải tình thương vô biên xuống tất cả muôn loài một cách công bằng không phân biệt. Từ hạng người cùng đinh như gã gánh phân, thợ cạo tóc cho đến những người giàu sang phú quý, từ những hạng người thấp hèn ti tiện như gái giang hồ cho đến các bậc vua chúa quyền uy. Ðức Phật luôn thương yêu, chân tình giúp đỡ, khuyên dạy để họ nhận thức được chân giá trị của cuộc sống và tự thăng hoa tâm hồn, đạt đến an lạc hạnh phúc. Lòng bình đẳng ấy không phải dừng lại ở nhân loại mà còn lan tỏa đến muôn loài vạn vật. Ngài luôn dạy rằng tất cả sinh vật, tất cả mọi loài chúng sanh, từ con người cho đến các sinh vật nhỏ bé côn trùng đều tiềm ẩn một khả năng phi thường như nhau, đó là khả năng thành Phật. Nhưng do các đặc tính cố hữu ở mỗi loài, cho nên việc triển khai khả năng ấy tùy đó mà khó dễ, nhanh chậm khác nhau. Ðiều này có thể tóm ý trong một câu:
- Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.
Ðây là nền tảng để hình thành tính bình đẳng triệt để trong đạo đức luân lý Phật Giáo.
C- Từ Bi
Theo nghĩa căn bản của hai chữ Từ Bi nói cho đủ là:
- Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc,
Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ.
Hoặc nói vắn tắc là:
- Từ năng dữ lạc, Bi năng bạt khổ.
Có nghĩa là:
- Lòng Từ thường mang niềm vui cho tất cả chúng sanh,
Lòng Bi diệt mọi khổ đau cho tất cả chúng sanh.
Như vậy, ở lãnh vực tình cảm, lòng thương yêu của Phật giáo có thể sánh với lòng mẹ thương con bao la rộng rãi. Tuy vậy, khi đi sâu vào ý nghĩa của nó, chúng ta thấy rằng lòng Từ Bi là một tình thương vượt qua mọi ranh giới, mọi quan hệ và bao trùm lên trên tất cả muôn loài. Trong thế gian, thương yêu bao giờ cũng đi đôi với hạnh phúc. Tuy nhiên, những loại tình cảm ở đời chỉ hạn cuộc trong một quan hệ, một đẳng cấp, một chủng loại, một phạm trù nào đó. Khi vượt ra ngoài những phạm trù ấy, thì chúng ta lại đối xử xa lạ, hững hờ, kỳ thị với nhau, thậm chí còn dẫn đến chống đối, tàn sát lẫn nhau một cách khủng khiếp.
Trong khi đó, Từ bi vượt lên tất cả mọi tình thương hẹp hòi của thế gian, không bến bờ, không biên cương, không hạn định. Lòng thương yêu ấy tuyệt nhiên không chứa đựng bất kỳ ý niệm kỳ thị nào, dù cho đó là một tín đồ Phật Giáo hay không phải tín đồ Phật Giáo. Ðối với Phật Giáo, tất cả chúng sanh đều là bạn hữu, và mọi nơi chốn trên thế gian này đều là nơi chôn nhau cắt rốn, là quê hương xứ sở của mình. Lòng thương vô cùng ấy tựa như ánh mặt trời tỏa sáng khắp không gian, bao trùm muôn loài vạn vật, không phân biệt thân hay sơ, bạn hay thù, giàu hay nghèo, sang hay hèn, người hay vật.
Một cách tổng quát chúng ta thấy, Từ và Bi là hai chất liệu không thể không có trong Phật Giáo và cũng là chất liệu không thể thiếu đối với muôn loài người, do vậy mà người thực hành theo đạo từ bi phải có bổn phận truyền đạt đến mọi người. Ðó là sứ mệnh thiêng liêng của người con Phật. Và chính vì sứ mệnh cao cả này mà đạo Phật đã tồn tại trên một cuộc đời nầy. Chất liệu yêu thương của Phật giáo như dòng suối mát lịm ngọt ngào đã làm cho vạn vật xanh tươi, cỏ cây đâm chồi nẩy lộc. Cũng vậy, Từ Bi đã hiện hữu giữa cuộc đời, là thần dược xoa dịu những niềm đau nhân thế, hàn gắn những rạn nức, những vỡ vụn của tình người, xua tan những oán hờn thù hận. Không những vậy mà còn giải quyết những căn bản khổ đau của kiếp phù sinh, đưa chúng ta đến trạng thái an vui trọn vẹn.
Từ trong chiều hướng nầy, những ai đã có cơ hội thực hành giáo lý Phật Giáo thì tự bản thân đã có một phần nào tinh thần khoan dung, cảm thông và tha thứ ngay. Chúng ta đang sống giữa một thời đại mà quyền lực và danh vọng đang khống chế con người, tham vọng của nhân loại đã là nguyên nhân của sự tranh chấp lẫn nhau. Chiến tranh khắp nơi đang xảy ra, những cuộc chạy đua kinh tế, chính trị, quân sự đang phô bày khắp nơi trên thế giới. Thảm trạng này đang là cơ hội đưa nhân loại đến vực thẳm của diệt vong. Chính ngay lúc này, Từ bi là chất liệu rất cần thiết cho cuộc đời, và nếu những ai trong chúng ta biết vận dụng lòng thương yêu ấy của Phật giáo, thì chúng ta chắc chắn có đủ năng lực dập tắt ngọn lửa chiến tranh và hận thù đang ngút ngàn mọi nơi trên cuộc đời nầy.
Như vậy, học và hành theo thông điệp tình thương là để chúng ta hiểu rõ về con người và cuộc đời của của Đức Phật. Bởi vì, ngoài cái hiểu biết về phương diện lịch sử thông thường, chúng ta cũng cần phải nên vươn tầm mắt nhìn qua lịch sử mà nhìn vào chỗ sâu kín nhiệm mầu, chỗ mà mọi danh từ ngôn ngữ không thể diễn đạt được, đó là lý cao siêu về nhân cách của Ngài.
Quả thật như vậy, như chúng ta đã biết, Ngài là bậc tỉnh thức ra khỏi giấc mơ sanh tử, là người đã rũ sạch bụi trần vượt ngoài ba cõi, là người hiểu biết đến chỗ vô cùng vô tận, là toàn năng toàn trí xuất hiện khắp mọi nơi, là từ bi, hỷ xã, là vô ngã, là tình thương là sự sống ... Nếu những ai đạt đến những đức tính quý báu đó, thực hiện được tinh thần cao cả đó thì mới hiểu được được về con người và nhân cách của Ngài, đó là lý do trong Kinh thường dạy:
- Chỉ có Phật với Phật mới hiểu được mà thôi.
Ngoài cái lý ẩn tàng sâu kín trong tâm, chúng ta có thể tìm thấy con người siêu nhiên qua chánh pháp của Ngài để lại, vì Pháp chính là hình ảnh sống động của đức Phật. Chánh Pháp còn thì hình ảnh con người siêu nhiên của Ngài còn, nhưng nếu chánh pháp biến thành tà pháp thì những ý nghĩa cao siêu của con người giải thoát của Ngài sẽ bị diễn tả sai lạc, những lời dạy của Ngài sẽ biến thành mê tín di đoạn và bóng dáng Phật đã bị vô minh che kín. Đó là lý do đức Phật thường dặn các, đệ tử:
- Hãy tuân theo chánh pháp mà tu, hãy giữ gìn giới luật mà sống, thì Như Lai lúc nào cũng ở bên cạnh.  
Trong chiều hướng nầy chúng ta có thể thấy hình ảnh của chư tôn đức tu hành chân chính, giới đức tròn đầy, các vị là Trưởng Tử của Như Lai đại diện cho Phật để chúng sanh có chỗ quy ngưỡng. Như vậy chỗ nào có tình thương ngự trị, có từ bi hỷ xã hiện tiền, có chân lý hiện hữu thì nơi đó có hình ảnh của đức từ phụ. Một người nào đó, bất cứ xuất gia hay tại gia, chỉ cần trong một khoảng thời gian phát tâm, và tâm Bồ Đề khai mở, đồng thời tu hành tinh tấn, thực hành hạnh từ bi hỷ xã, thì ngay trong phút đó người ấy đã là Phật.
Chúng ta cũng có thể tìm thấy Phật qua sự sống trong tất cả chúng sanh, cầm thú, thảo mộc. Sự sống đó bàng bạc trong khắp không gian và thời gian, lan rộng rì rào trong gió, róc rách trong tiếng suối reo chim hót, hoa nở trăng tròn. Sự sống đó chuyển mình trong vũ trụ cao xa cũng như trong thâm tâm sâu kín. Nếu lắng nghe chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói của sự sống đó, tiếng của chân tâm.  
Càng đọc lại thông điệp tình thương của Ngài, chúng ta càng thấy Ngài là một con người hùng vĩ đại xuất hiện trong thế giới thường nhân, với trí tuệ siêu xuất thể hiện qua ngôn ngữ, văn tự thường tình đã gây âm vang chấn động trong lịch sử tôn giáo và triết học. Gần ba thiên niên kỷ trôi qua, tiến trình phát triển của con người đã bao lần thay da đổi thịt, vô số giấy mực, thơ văn đã được chép vào trang đại sử, trong đó, cuộc đời hoằng pháp của Ðức Phật là bức thông điệp muôn thuở cho con người khảo nghiệm, nghiên cứu, thực hành. Ðức Phật chỉ là một con người, nhưng là con người kết tinh của vô vàn tinh hoa tuyệt mỹ của nhân loại. Vì thế, đứng ở góc độ nào, người ta vẫn thấy được hiện thân của Ngài. Ðó là hiện thân của chân lý, của trí tuệ và từ bi. Thật vậy, không phải chúng ta thấy được xác thân bốn đại của gần ba ngàn năm trước mới gọi là thấy Phật. Ngài dạy, những ai thấy được lý Duyên khởi, tức là luật vận hành của nhân sinh, vũ trụ thì người ấy thấy được pháp. Những ai thấy được pháp, người ấy thấy được Như Lai.
Đọc lại bức thông điệp tình thương, có nghĩa là chúng ta đã và đang quán chiếu tinh thần nầy, đồng thời xử dụng để sống trong hoàn cảnh hiện tại. Bằng vào giáo lý vi diệu của Ðức Phật sẽ giúp chúng ta biết rõ thế giới, nhân sinh là Vô Thường, Vô Ngã  và Đau Khổ. Mặc dầu văn minh cơ khí đem lại cho con người đôi phần tiện nghi về vật chất, nhưng nếu không được xây dựng vững chãi trên nền tảng tinh thần, tâm đức, thì chính nền tảng văn minh ấy của nhân loại sẽ tự hủy diệt nhân loại. Do vậy chúng ta hãy tự giác, tự làm ngọn đuốc và nơi nương tựa cho chính mình. Chúng ta cũng hãy hướng tâm con người chúng ta vào nơi thanh tịnh, vào sự hiểu biết, hòa hợp đoàn kết và xây dựng. Tâm con người được bình an, tất nhiên thế giới sẽ an bình. Một con người hiểu biết đúng chân lý, hiểu biết rõ sự sống còn của cá nhân, của quốc gia, của dân tộc và nhân loại, của sự hoà hợp, đoàn kết và xây dựng, tất nhiên sự an lạc sẽ đạt tới chỗ như nguyện.
Nhìn chung chúng ta thấy, bắt nguồn của một tôn giáo nào đi nữa, thì vị giáo chủ bao giờ cũng là một tấm gương sáng cho tín đồ soi chung để tiến bước. Nhưng trong các vị giáo chủ của các tôn giáo hiện có trên thế giới này, không có một vị nào đầy đủ ý nghĩa cao đẹp, một đời sống sâu xa bằng đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bởi vì nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, cho đến mỗi im lặng của Ngài đều là những bài học quý báu cho chúng ta. Nếu chúng ta học giáo lý của Ngài mà không hiểu rõ đời sống của Ngài, thì sự học hỏi của chúng ta còn phiến diện, thiếu sót. Ðời Ngài chính là những biểu hiện giáo lý của Ngài. Ngài nói và Ngài thực hành ngay những lời Ngài đã nói. Ðời Ngài là một bằng chứng hiển nhiên để người đời nhận thấy rằng giáo lý của Ngài có thể thực hiện được, chứ không phải là những lời nói suông, những không tưởng, những lâu đài xây dựng trên mây, trên khói.
Trong niềm vui vô tận của ngày đức Thế Tôn ra đời, ngoài việc tri ân công đức, thực hiện theo giáo lý của Ngài, chúng ta nhất tâm cầu nguyện cho lửa tham sân, tàn ác được rưới bởi nước nhân bản, bình đẳng và từ bi. Cầu nguyện cho tinh thần hiểu biết, hòa hợp tin yêu, xây dựng được phát khởi và phát triển nơi lòng mọi người, hầu tránh tai họa diệt vong cho nhân loại và đưa nhân loại vào con đường tốt lành.
Vậy cho nên khi chúng ta học hỏi đời Ngài, chúng ta không nên có cái quan niệm học cho biết để thỏa mãn tánh hiếu kỳ, mà chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa thâm túy của đời sống ấy để đem áp dụng cho đời sống của chúng ta. Làm được như thế mới khỏi phụ ý nguyện lớn lao của đức Phật khi giáng sanh xuống cõi Ta Bà này, và đã cam chịu bao nỗi đau khổ, gian lao trong kiếp sống như mỗi người chúng ta.
Bài học của đời Ngài đã dạy cho chúng ta nhiều ý nghĩa, nhiều phương diện quý báu. Nhưng điều quý báu nhất đối với kẻ sơ cơ như chúng ta là phải phát tâm Bồ Ðề rộng lớn, nguyện vì đời, vì đồng bào, đồng loại mà tu hành, chứ không phải là ích lợi riêng cho chúng ta. Chúng ta lại phải phát tâm dõng mãnh, tích cực trong sự tu hành, một khi vào đường đạo, thì dù gặp nguy nan, hiểm trở khó khăn cũng phải quyết tâm vượt qua không thối lui quay gót. Chúng ta phải tập cho được cái đức kiên trì như Ðức Phật khi ngồi thiền định dưới gốc Bồ Ðề.ÕÐược như vậy mới xứng đáng là chân chánh Phật tử.
Nói tóm lại, sinh và trưởng thành trong một gia đình hoàng tộc, đầy đủ tiện nghi vật chất, vợ đẹp con ngoan, nhưng Ngài không cho đó là hạnh phúc chân thật. Ngài luôn luôn quyết tâm tìm đạo giải thoát, để hướng dẫn chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi. Năm 25 tuổi Ngài Xuất gia, bỏ vóc dáng vương giả, mang tấm thân khất sĩ, lang thang khắp mọi nẻo đường. Năm 31 tuổi Ngài thành đạo, Ngài đã tìm ra chân lý để hướng dẫn chúng sanh đi trên con đường chân thiện mỹ. Ngài thuyết pháp 49 năm và viên tịch vào năm Ngài 80 tuổi, và đã lưu lại thế gian một kho tàng giáo lý vĩ đại cho đến ngày nay.
Sự xuất hiện của Ðức Thích Ca Mâu Ni trong trần thế là cả một vinh hiển lớn cho con người và xã hội. Ngài là kết tinh của muôn ngàn hương hoa Bi, Trí, Dũng; là hiện thân của chân lý giải thoát, là điềm lành cho hết thảy chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới. Nếu cuộc đời không đau khổ tối tăm, Ðức Phật đã không xuất hiện ở đời. Ngài ra đời vì một mục đích trọng đại là chỉ bày cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến của chính mình. Hay nói một cách khác:
- Vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người mà Ðức Thế Tôn xuất hiện ở thế gian.
Lịch sử của Ðức Phật là lịch sử của một con người, nhờ tu tập bản thân, đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc thánh giữa thế gian. Lịch sử mà có ghi đậm nét, là vì cuộc đời của Ðức Phật là cả một bài thuyết pháp hùng hồn trác tuyệt, dù cho có dùng hàng vạn ngôn từ mỹ dụ cũng không thể nào diễn đạt hết được. Do vậy, trong ý niệm kỷ niệm ngày đản sanh của đấng cha lành, chúng ta hãy nhất tâm hướng về Ngài, để nhớ công ơn cao cả, và hãy hứa với lòng, thực tập cho được công hạnh lợi sanh, và y theo giáo pháp vi diệu, hòa hợp tiến tu và hoằng dương chánh pháp, là chúng ta đã thực hiện trọn vẹn ý nghĩa kỷ niệm ngày đản sanh của đấng từ phụ nơi mỗi người chúng ta.
--o0o--