TẬP SAN DƯỢC SƯ

Thực Tập Thảnh Thơi
Bạch Y Thư Sinh
--o0o--
Mấy chục năm sống tại Hoa Kỳ, là một quốc gia được thế giới công nhận là tiên tiến về phương diện khoa học kỷ thuật, lẽ tất nhiên cuộc sống trong xã hội hiện tại không giống như xã hội Việt Nam, vào thời điểm những năm của mấy chục năm về trước. Những quan niệm chẳng hạn như về:
- Thời gian: Làm một việc gì đó chừng nào xong cũng được, chuyện ngày nay chưa xong thì ngày mai tiếp tục ...
- Dạy Dỗ Con Cái: Khi con cái hư thì cha mẹ phải dạy dỗ, dạy bằng lời không được thì dùng tới roi đòn hình phạt ...
Tuy nhiên ở xã hội ngày nay thực tế, so với xã hội ngày xưa của Việt Nam chúng ta thì đã khác rất nhiều, như nói về:
- Thời Gian: Mọi con người ai cũng phải chạy đua theo thời gian, việc ngày nay là phải hoàn tất trong ngày hôm nay, mà không thể để đến ngày mai.
- Dạy Dỗ Con Cái: Cha mẹ dạy con, con cái vâng lời thì nhờ, nhưng nếu con cái bướng bỉnh không nghe lời cũng không dám đánh ...
Những điều được coi là hợp với đạo lý và không hợp đạo lý, tất cả cũng đã đổi mới trong cuộc sống của các nước ở xã hội Tây Phương. Một cách tổng quát, chúng ta nhìn vào con người và vào sự vật, mọi thứ, mọi thứ đều trở nên khác biệt rất nhiều. Đó là quan niệm xưa theo xã hội và truyền thống của người Việt Nam.            Hiện tại, chúng ta đang ở trong một xã hội văn minh, tiên tiến về kỷ thuật khoa học và đầy dẫy những vật chất nhất thế giới như Hoa Kỳ. Ðiều mà chúng ta không lạ, cũng không ngạc nhiên tại sao Hoa Kỳ lại dẫn đầu thế giới, nếu không phải là người đã từng sống và chứng kiến, thì khó mà chúng ta hình dung được vì đâu mà họ lại giàu mạnh. Lý do giàu mạnh là con người trong xã hội nầy luôn luôn chạy đua với thời gian.
            Lúc chúng tôi còn ở Úc Đại Lợi, lần đầu tiên mới đến xứ sở nầy, thấy người dân bản xứ mỗi khi ra đường là họ lầm lũi họ đi, và họ đi thật nhanh, đôi khi mình chạy theo mà không kịp. Lúc đó tôi tự hỏi cuộc sống ở đây là như vậy sao?
            Nhưng khi định cư ở Hoa Kỳ tôi mới thấy tình trạng chạy đua với thời gian, còn gấp mấy lần khi tôi còn ở Úc Đại Lợi. Trong những ngày đầu khi mới định cư tại Hoa Kỳ, có nhiều gia đình thường tâm sự với chúng tôi:
- Cuộc sống ở đây khổ lắm, chồng vợ con cái chỉ gặp nhau chỉ có mỗi cuối tuần.
Mới nghe qua chúng tôi có vẻ không tin cho lắm, nhưng về lâu về dài chúng tôi mới hiểu, Lý do:
- Vợ làm ca một ban sáng, cho nên mới sáng sớm ra thì vợ đã đi mất, đến chiều tối thì vợ mới về.
- Chồng làm ca nhì hoặc ca ba, cho nên chiều hoặc tối mới đi làm.
Thế là lúc vợ về nhà, thì chồng lại đi làm cho nên không gặp nhau là lý do đó. Con cái cũng khó mà gặp cha hoặc gặp mẹ, đây cũng là lý do nhiều gia đình con cái hư hỏng là như vậy. Bởi lẽ cha mẹ không trực tiếp dạy dỗ con cái, cho nên cứ để con cái hấp thụ nếp sống tự do ở học đường, và cuối cùng đi đến chỗ là cha mẹ không dạy được con cái. Nên con cái trở nên hư đốn.
Sống trong một điều kiện của xã hội như thế thì:
- Dù chúng ta không muốn hối hả cũng không được,
- Dù chúng ta không muốn chụp dựt cũng không xong.
Tại vì chúng ta đã và đang bị chi phối trong cái quỹ đạo của sự sinh hoạt hàng ngày. 
Ðây là một xã hội hối hả, gấp rút và nhanh chóng, cho nên việc căng thẳng tinh thần không thể nào không xảy ra. Khi tinh thần căng thẳng thì lúc chúng ta đến chỗ nào và ở đâu cũng căng thẳng. Thật vậy, nếu chúng ta đứng ở một góc đường rộn rịp nào đó, và nhìn sắc mặt của mỗi người qua lại, thì chúng ta sẽ thấy trên nét mặt của họ luôn luôn có sự:
- Vội vã hấp tấp
- Lăng xăn lộn xộn,
- Nghỉ ngợi lo âu, không mấy người thấy thoải mái.
Và như vậy đi đến đâu họ cũng thấy bầu không khí căng thẳng đến đó. Đây là kết quả do sự sinh hoạt hằng ngày, tạo cho chúng ta sự rộn rịp và lo âu, cho nên ít khi chúng ta gặp được hình ảnh bình tĩnh, bình thản và thoải mái trên gương mặt. Từ đó chúng ta có nhận thức chung, đặc điểm của xã hội nầy là:
            - Hối hả
            - Vô trật tự
            - Thiếu tế nhị.
            Từ những yếu tố:
            - Do sự hối hả: Dẫn đến những cử xử thiếu lễ độ, hành động thiếu nhã nhặn.
- Do không trật tự: Dẫn đến hành động theo bản tính bốc đồng của mình.
- Do hành động thiếu tế nhị, cho nên trong tâm hồn của chúng chỉ nghỉ đến cái xấu của người khác.
Và chúng ta có thể:
- Nói lớn trong khi mà chúng ta có khả năng nói trong ôn hòa, nhã nhặn, bình thường.
- Chúng ta có thể gây ấu đả, giành giựt lẫn nhau trong khi những sự việc không thật sự nghiêm trọng.
            - Và người ta cũng có thể kích thích nóng nảy tung ra cả tràng chưởi bới, những lời lẽ giận dữ không đâu để rồi tự mình khổ, đồng thời còn làm thêm người khác cùng khổ với mình.
Cho nên khi câu chuyện kết thúc, thì miệng cũng mỏi mà thân tâm chúng ta cũng mệt nhừ. Nếu có người biết chuyện thì phải mất công xin lỗi vì đã lỡ lời. Nhìn chung chúng ta thấy:
- Cuộc sống xã hội bên ngoài,
- Trong giới bạn bè,
- Những người chung quanh chúng ta là những người thân cũng như hàng xóm láng giềng,
- Và trong một gia đình ...
Ðứng về phương diện tâm lý học hay sinh lý học, bất luận loại kích thích nào cũng làm cho chúng ta căn thẳng thần kinh. Một khi mà thần kinh bị căn thẳng, chắc chắn sẽ đẩy mạnh các hoạt động không bình thường khác trong các cơ cấu của cơ thể chúng ta để rồi cuối cùng dẫn tới những sự kiện:
- Có khi vì ảnh hưởng công ăn việc làm bên ngoài nên tâm tình cũng thay đổi, và trở nên khó chịu gắt gỏng với vợ con, hoặc chồng con một cách vô lý.
- Có khi lái xe bực dọc chưởi thề, vì lúc vừa đến ngã tư thì đèn xanh cũng vừa tắc, và đèn vàng, đèn đỏ bậc cháy.
- Có khi đối với những người bạn làm cùng sở, hoặc bên ngoài cuộc sống, vì vội vả hấp tấp dẫn tới tánh tình nóng nảy.
Từ những lý do không đáng kể, nhưng vì chúng ta không kiểm soát được thân và tâm cho nên chúng ta có thể xem đó như là một khủng hoảng quan trọng, một sự hăm dọa nguy hiểm ... Và cuối cùng chúng ta:
- Luôn luôn lo âu,
- Không toại nguyện,
- Và quay lưng thù nghịch nhau.
Một đặc điểm khác nữa của cuộc sống hiện tại của sự ồn ào. Người ta nói rằng:  
- Âm nhạc tuy rất hấp dẫn, nhưng ngày nay sẽ trở thành không giá trị, nếu nó không đủ sức ồn ào nhộn nhịp.
Cái âm nhạc ấy không còn làm đẹp tai thích ý nữa, đối với những người thích tiếng ồn ào càng to thì càng có tánh cách âm nhạc nhiều hơn. Quả thật như vậy, hiện tại chúng ta đang sống trong một thành phố lớn, nên không còn thì giờ để nghe đến tiếng ồn ào náo nhiệt. Có thể cuộc sống của chúng ta đã bị môi trường chung quanh nó điều kiện hóa, chúng ta đã trở nên rất quen thuộc với những ồn ào, cho nên chúng ta không lưu ý, và cũng không cần lưu ý đến sự ồn ào nhộn nhịp và căn thẳng ấy. Tuy nhiên sự ồn ào nhộn nhịp và căn thẳng không phải là không có. Chúng ta có lưu ý hay không lưu ý, nhưng không vì vậy mà nó không có ảnh hưởng gì đến chúng ta. Xin xác nhận là có, những sự ồn ào căn thẳng ấy, chúng ta có lưu ý hay không có lưu ý, nó vẫn cứ âm thầm ngấm ngầm vào cơ thể và gây phương hại nhiều đến sức khỏe của chúng ta tiêu biểu như các chứng bệnh:
- Áp huyết cao
- Ðau tim,
- Ung thư, ung nhọt,
- Thần kinh và mất ngủ.
Như vậy khi nói đến bệnh thì chúng ta phải biết là có rất nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn các chứng bệnh của chúng ta phát sanh do những trạng thái băng khoăn, lo âu ảnh hưởng đến tâm và sinh lý của:
- Những sự ồn ào
- Những phiền muộn về cuộc sống gia đình,
- Sầu não về đời sống kinh tế,
- Những chấn động thần kinh trong cuộc sống hiện tại, và luôn luôn bị kích thích, không yên nghỉ.
            Thần kinh mà bị căn thẳng mỏi mệt, thì càng làm cho đời sống của chúng ta căn thẳng, và dẫn đưa đến sự kích thích quá độ. Đây là trường hợp thường xảy ra, bởi vì sau một ngày làm việc mỏi mệt, đương nhiên chúng ta trở về nhà với tâm thần mệt mỏi. Do đó, sự chú tâm kém đi và nếu có làm công việc gì bằng tay chân hay trí óc cũng không được công hiệu, nhanh nhẹn như lúc bình thường. Một con người khi đã bị kích động, thì phản xạ tự nhiên là tìm lỗi hay kiếm chuyện gây gổ lại với kẻ khác mà thuật ngữ người Việt Nam gọi là:
- Giận cá chém thớt.
Đó là nói lúc mà chúng ta có nơi phát tiết. Trong những lúc có không biết bao nhiêu chuyện dồn dập mà không có nơi phát tiết, trả đủa thì chỉ có một con đường duy nhất là quay trở lại chính bản thân chúng ta:
- Đau mỏi thể chất lẫn tinh thần,
- Áp xuất lên cao và mất ngủ, có nhiều khi dẫn tới đứt mạch máu não.
- Tinh thần căn thẳng, đôi khi sách súng bắn bậy những người chung quanh.
Những triệu chứng tinh thần mệt mỏi, thể xác bất an đó rõ ràng cho thấy rằng tâm của con người chúng ta hiện tại cần phải được an nghỉ. Một sự an nghỉ có phẩm chất ở mức độ cao. Vậy thì chúng ta phải an nghỉ bằng cách nào?
Muốn có được sự an nghỉ, bình thản thì phải thực tập cuộc sống thảnh thơi bằng cách:
            1- Chúng ta nên để ý để kiểm soát thân tâm, và rút tâm ra khỏi những phiền toái của đời sống rộn rịp, chẳng hạn như:
- Nếu chính bản thân mình có những tánh ưa nói chuyện, người chuyện ta thì chúng ta bớt lại.
- Còn nếu mình không có, mà nghe các bạn nói xấu người khác thì chúng ta không nên nghe.
Bởi vì mỗi khi nghe thì trong thâm tâm chúng ta cũng có những thái độ:
- Buồn vui,
- Suy nghĩ ...  
Và từ đó những mũi tên độc của ngôn ngữ cứ tiếp tục bắn phá vào thành trì an tịnh của chúng ta. Vì thế xa tránh và tịnh dưỡng tâm thần là một nhu cầu thiết yếu để giữ tâm được lành mạnh.
2- Nếu cần phải theo đuổi một mục đích nào đó, hoặc trong cuộc sống hằng ngày phải làm, thì mỗi khi chúng ta có được cơ hội, hoặc tự mình tạo cơ hội, và hãy cố gắng thoát ra khỏi những ồn ào náo nhiệt để ngồi lại yên tịnh trầm tư mặc niệm.
Những cách hành xử nầy gọi là:
- Chú niệm, hoặc hành thiền cũng được.
Chúng ta hãy thực tập giữ im lặng và theo dỏi hơi thở của chính mình, vì sự im lặng đem lại rất nhiều lợi ích. Đó là lý do người đời thường nói:
- Im lặng là vàng
- Ít nói là bạc
- Nói nhiều là cỏ rác.
Nếu có người nghĩ rằng chỉ có những người ồn ào, ham nói, và lăng xăn lộn xộn mới là người tài giỏi, mới là người có kiến thức cao, thì quả thật là sai lầm. Vì im lặng là vàng, và chúng ta chỉ nên nói khi nào lời nói có lợi ích hơn, còn không có việc gì cần phải nói thì nên im lặng. Chính trong sự im lặng mà người ta rèn đúc những năng lực vĩ đại nhất. Giữ im lặng là tư cách tối cần thiết trong việc trưởng dưỡng tâm tư. Đó là lý do khi hành thiền, chư tôn đức dạy chúng ta cần phải tuyệt đối giữ im lặng. Ðây là lời dạy, của Ðức Thế Tôn:
Nầy hởi các Tỳ Kheo, khi các con tụ họp thì có hai điều nên làm:
- Hoặc là nói về Giáo Pháp, tức là lời dạy của Ðức Phật, hay là giáo lý chân chánh.
- Hoặc giữ im lặng
Hành trì giáo Pháp của Phật thì sẽ có được thảnh thơi và an lạc. Phương pháp hành trì để đạt đến sự an lạc thì có rất nhiều, nhưng đứng trên lập trường của Thiền Tôn, thì lẽ thiền quán là phương pháp đơn giản dễ hành trì, nhưng xin được lưu ý, ngồi thiền không phải để chúng ta thấy:
- Những cảnh lạ
- Nói chuyện với những người ở bên kia thế giới
- Cũng không phải là trạng thái mê sảng ...
Mà ngồi thiền là để cho tâm hồn mình an tịnh. Có an tịnh thì sự bận rộn vướng mắt sẽ giảm đi, hoặc biến mất thì tức khắc chúng ta sẽ có được trạng thái thảnh thơi và an lạc.
Thảnh thơi và an lạc là hai yếu tố có liên quan mật thiết với nhau. Có thảnh thơi thì có an lạc, thảnh thơi càng nhiều thì an lạc càng lớn. Nhưng thảnh thơi và an lạc không phải là những gì xa lạ, cũng không nhất thiết là chỉ có thể đạt được sau một thời gian thực tập lâu dài như: Mười năm hay hai mươi năm, mà là sự thảnh thơi và an lạc có thể đạt được trong giây phút khi chúng ta thực tập thiền quán.
Dù mức độ thảnh thơi và an lạc ấy chỉ là khiêm nhường, nhưng những yếu tố thảnh thơi và an lạc đó là nền tảng cho những giải thoát và an lạc của chúng ta. Như vậy, thực tập thiền quán là tập quán sát để thấy và hiểu sâu được vào lòng sự việc của những giận hờn, đồng thời cho chúng ta biết được, do sự lo lắng và sợ hải của chúng ta mà nó làm cho chúng ta đau khổ. Nhờ cái thấy và cái hiểu đó mà chúng ta không có những cái nhìn giới hạn, trái lại chúng ta sẽ có một tâm hồn phóng khoáng bao dung, thì chính là lúc chúng ta đạt tới thảnh thơi và an lạc.
Nói tóm lại, muốn giải thoát khỏi những đam mê trụy lạc, những lo âu sợ hải, chúng ta phải quán sát bản chất của chúng. Bản chất của chúng là vô minh, nghĩa là sự thiếu sáng suốt. Do vậy chẳng hạn như khi:
- Chúng ta hiểu lầm một người bạn, chúng ta giận hờn, và vì giận hờn mà chúng ta khổ đau.
- Chúng ta nóng nảy bực bội, thì chính là lúc chúng ta cảm thấy ray rức khó chịu trong tâm thức của chúng ta.
Con đường duy nhất để tránh những hệ lụy nầy, là chúng ta phải quán sát thực tại cho thật sâu sắt, chúng ta phải đánh tan được sự hiểu lầm đó, thì những khổ đau của chúng ta sẽ tan biến, và chúng ta tức khắc được thảnh thơi và an lạc.
--o0o--