TẬP SAN DƯỢC SƯ

Dừng Lại Ðể Mà Ði
Chơn Ðức
--o0o--
 
Một hôm có phật tử đến Chùa hỏi chúng tôi:
- Con muốn ngồi thiền quá, nhưng con không ngồi được lâu, thưa Thầy con phải làm sao?
Nghe như thế chúng tôi bảo:
- Bình thường, mỗi khi thực hành thiền tọa một thời gian lâu, lúc nào cảm thấy mỏi chân, chúng ta có thể đứng dậy đi. Trong trường hợp nầy gọi là kinh hành, và trong lúc ấy chúng ta có thể điều hợp hơi thở với bước chân để an trú vững chãi trong chánh niệm.
Nguyên tắc nầy đại chúng đã thường gặp trong những ngày quán niệm, hoặc khóa tu trong nhiều năm qua. Trong chiều hướng nầy, hôm nay chúng tôi muốn chia sẻ đến đại chúng tinh thần: Dừng Lại Ðể Mà Ði.
- Ðứng bất khuất hiên ngang trong hoàn vũ
Ði ta mang theo sứ mệnh con người
Ngồi ta ngồi khi nhân loại vui tươi
Nằm ta nằm xuống cho mọi người đứng dậy.
Thực tập thiền quán qua phương pháp theo hơi thở để trở về với thân và làm cho thân trở nên yên tịnh. Trong khi thực tập các phép thở nầy, các cánh cửa giác quan như:
- Mắt
- Tai 
- Mũi
- Lưỡi...
Phải được khép lại để những hình ảnh của thế giới bên ngoài không đi vào và làm náo động sự an tĩnh bên trong. Trở về với thân tức là cũng trở về với tâm.
Thông thường trong đời sống hằng ngày, có khi chúng ta cũng cảm thấy mệt mỏi, cho nên mỗi lời nói, mỗi cử chỉ và hành động, cái gì cũng có thể gây sự hiểu lầm. Những lúc như vậy, tốt hơn hết là chúng ta không nên phiền trách người, cũng không tự trách mình, mà nên trở về với bản thân của chúng ta bằng cách chấm dứt mọi giao tiếp. Nghĩa là đóng hết mọi cánh cửa của giác quan, và chúng ta theo dõi hơi thở trở về với bản thân và gom:
- Thân, tâm và hơi thở về một mối.
Phương pháp nầy có thể thực tập ở đâu, và bất cứ lúc nào cũng được, không hẳn ở trong tư thế thiền tọa, mà tất cả trong mọi tư thế: Ði, đứng, ngồi, nằm ... Chúng ta trở về tiếp xúc với tất cả mọi động tác của chính mình và làm cho con người của chúng ta toàn vẹn trở lại.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải lưu ý rằng, đóng cửa giác quan không có nghĩa là tách chúng ta ra khỏi môi trường sống trong hiện tại và cuộc đời, cũng không có nghĩa là chấm dứt sự tiếp xúc với cuộc đời.
Sự tiếp xúc được coi là sâu sắc chỉ khi nào chúng ta thực sự là chính ta. Vì vậy thực hiện sự toàn vẹn của chính ta là căn bản cho mọi tiếp xúc có ý nghĩa, và chúng ta thực hiện sự toàn vẹn của con người chính chúng ta bằng cách theo dõi hơi thở có ý thức mà trở về với thân và tâm như trong An Ban Thủ Ý đức Phật đã dạy.
Làm như thế cũng có nghĩa là làm mới lại con người chính ta trong từng giây phút, chúng ta sẽ trở nên tươi mát, dễ chịu đối với mọi người. Khi con người chúng ta đổi mới rồi, lúc nhìn mọi vật chúng ta cũng thấy mọi vật đều đổi mới. Mọi vật có đổi mới thì môi trường sống của chúng ta càng thêm hương sắc, và sức sống càng thêm phong phú.
Như vậy, tu tập để tìm lại con người thật của chúng ta đó là việc cần thiết, mục đích hay, lý tưởng tốt. Tuy nhiên, đôi lúc sức người cũng có hạn, vì thế trong lúc thực tập ngồi thiền, đôi khi ngồi một ít lâu chúng ta cảm thấy tay chân mệt mỏi hay đau nhức, tinh thần lười mỏi và thấy cần được thoải mái. Nếu trong lúc đó thì chúng ta phải làm gì? Có cố gắng tiếp tục hay không?
Lẽ tất nhiên câu trả lời:
- Cố gắng tiếp tục để đạt tới mức dự định trong một khoảng thời gian mà chúng ta ấn định lúc thực tập là tốt, nhưng chắc chắn ta sẽ cảm thấy trong sự cố gắng đó tâm tư sẽ không an.
Thế thì chúng ta có bỏ cuộc không?
Lẽ tất nhiên câu trả lời:
- Bỏ cuộc thì dễ quá, đứng dậy rồi thì mọi việc chấm dứt ngay.
Nhìn chung cả hai, cố gắng gượng ép, hoặc bỏ cuộc đều không phải là giải pháp lựa chọn. Còn một sự lựa chọn khác đó là chúng ta có thể đứng dậy đi, nhưng không phải là bỏ cuộc mà là đi kinh hành hoặc thiền hành. Trong lúc ấy chúng ta có thể điều hợp hơi thở với bước chân để an trú vững chãi trong chánh niệm. Nguyên tắc nầy đại chúng đã thường gặp trong những ngày quán niệm hoặc khóa tu trong nhiều năm qua.
Khi ngồi như đại chúng đã biết, đề mục của chúng ta là chú trọng đến hơi thở:
- Thở ra thở vào.
Tuy nhiên khi đứng dậy đi kinh hành, hoặc thiền hành, chúng ta không cần chú tâm đến hơi thở nữa mà phải thay đổi đề mục, có nghĩa là sự chú tâm theo hơi thở được chuyển sang sự chuyên chú tâm vào mọi cử động của cơ thể chúng ta. Mọi hành động của chúng ta trong lúc nầy là:
- Hai tay chắp thành búp sen để trước ngực, bước đi khoan thai, không vội vã hấp tấp.
- Chú trọng đến khoảng cách giữa chúng ta và thiền sinh đi trước. Ði cách xa với người đi trước một khoảng cách cần thiết nếu trong ngày quán niệm hoặc trong khoá tu đông người.
Chúng ta đi khoan thai và luôn luôn theo dõi từng bước chân đi và sự hoạt động của chính mình, trong suốt thời gian kinh hành hoặc thiền hành. Cũng giống như lúc thiền tọa, trong lúc đi kinh hành, nếu biết chúng ta phóng tâm, có nghĩa là không còn tập trung vào những động tác đang làm trong giây phút hiện tại, thì chúng ta phải tức khắc kéo nó trở về với sự theo dõi oai nghi và đừng để tâm của chính mình lạc lỏng vào những ý nghỉ nào khác.
Khi bước đi khoan thai, và bàn chân chấm đất hãy ghi nhận và hay biết cảm giác xúc chạm nầy:
- Sự xúc chạm dậm chân mạnh trên nền nhà, gây ra tìếng động hay không gây ra tiếng động.
- Sự xúc chạm nầy làm cho bàn chân của ta đau hay không đau, lạnh hay mát ở dưới lòng bàn chân...
Như vậy đi cũng là đề mục hành thiền hay nói cách khác là một phương cách để rèn luyện tâm tỉnh giác.
Trong khi theo học một khoá thiền chúng ta hãy cố gắng luôn luôn giữ tâm tỉnh giác bất luận ở đâu và đang làm gì. Khi ngồi, khi đứng khi đi, làm việc, ăn uống ..v...v.. hãy chuyên cần chú niệm đừng xao lãng. Vì tất cả các động tác đi, đứng, nằm, ngồi tất cả đều là thiền.
Thực tập được như thế, thì động tác hằng ngày của chúng ta có thể chậm lại vì có chánh niệm đi theo, và giảm bớt tính cách vội vàng hấp tấp của nó. Một chú Sa Di, một cô Sa Di Ni nếu siêng năng thực tập thì sẽ thấy động tác hằng ngày của các chú, các cô ấy trở nên khoan thai và đỉnh đạt. Chánh niệm được nhìn qua ngôn ngữ, và động tác được như xem là thiền vị, đó là những tính chất đặc biệt của người tu tập. Chánh niệm đi theo động tác thì thân tâm sẽ thư thái ung dung và an lạc đó là chuyện tất nhiên.
Hiểu biết rằng, tất cả những động tác dưới sự kiểm soát của chánh niệm đều được coi là thiền, vì thế trong khi ngồi thiền nếu chúng ta bị tê chân thì cứ duổi chân ra, lấy tay xoa lên. Nếu trong một khóa tu đông người, thì sự xoa bóp nầy không nên làm mạnh quá vì sẽ kinh động đến những người chung quanh. Nếu trong lúc thực tập một mình và điều kiện cho phép, chúng ta cũng có thể nghỉ ngơi trong tư thế nằm sau khi ngồi lâu mệt mỏi, chúng ta có thể nằm trên ván, hoặc trên giường có mặt bằng phẳng, chúng ta có thể không cần gối để gối đầu, hai chân thong thả duỗi ra, hai tay thỏa mái để dọc theo thân mình và mắt nhắm, không cần suy tư sâu xa, mà nhẹ nhàng đặc tâm vào đề mục nhưng không phóng tâm. Lúc đó hãy để cho mỗi bắp thịt đều được nghỉ ngơi và toàn thân thong thả tự nhiên trong vài phút.
Ðôi khi trong lúc nghỉ ngơi như vậy, chúng ta có thể ngủ quên đi một lúc, và sau đó cảm nghe khỏe khoắn, dễ chịu và chúng ta sẳn sàng để tiếp tục trở lại. Có phương pháp nghĩ ngơi như thế đó, không những trong thời gian hành thiền, mà bất luận lúc nào trong ngày khi biết mệt, hoặc cảm thấy cần phãi nghỉ chúng ta cứ nghỉ. Cách nghỉ ngơi nầy chúng tôi gọi là: Dừng Lại Để Mà Đi.
Tất cả những sự nghỉ ngơi đó cũng có thể gọi là phương pháp luyện tâm, sự hiểu biết rõ ràng từng cử động của thân giúp chúng ta diệt trừ những tư tưởng bất thiện, tăng trưởng năng lực của tâm định và phát triển trạng thái giác tỉnh cũng như tính chuyên cần. Để làm rõ nghĩa cho phương pháp luyện tâm, trong kinh đức Phật có thuật một câu chuyện:
- Có một đám đông tụ họp để xem một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần đang múa hát. Cô thiếu nữ nầy không những sắc đẹp khuynh thành khuynh quốc, mà cô còn có biệt tài là rất điêu luyện về nghệ thuật khiêu vũ và múa hát. Với tài diễn xuất duyên dáng của cô nên người đến coi càng lúc càng tụ họp đông.
Trong lúc ấy có một chàng thanh niên ham sống không muốn chết. Rất ưa hưởng thụ dục lạc, không muốn đau khổ, nhưng anh là người phạm tội, vì thế nhà vua bắt anh đội một chén đầy dầu đi ngang qua đám đông đang coi múa hát, đi theo sau anh là một tên đao phủ, tay cầm thanh kiếm sẵn sàng. Nhà vua truyền lệnh:
- Nếu anh làm rơi một giọt dầu thì tức khắc đầu anh sẽ rơi xuống đất.
Chúng ta nghĩ như thế nào về anh chàng thanh niên kia? Anh ấy có dám xao lãng mà không chú tâm vào chén dầu không? Anh chàng có dám nhìn quanh quẩn và lo nghĩ chuyện đâu đâu ngoài chén dầu không?
Câu trả lời rõ ràng:
- Chắc chắn là không!
Ðây là một câu chuyện mà đức Phật nói ra muốn dạy các đệ tử của ngài. Chén đựng đầy dầu đó chính là pháp niệm pháp và niệm thân.
Chúng ta phải thực hành pháp niệm pháp và niệm thân, phải gia công chuyên cần chú niệm, dùng pháp niệm thân ấy như một phương tiện, phải kiên cố giữ gìn và làm cho phép ấy công hiệu. Pháp niệm pháp và niệm thân phải được tăng trưởng và thường xuyên áp dụng thực hành. Pháp niệm pháp và niệm thân, không những bao gồm pháp chú niệm vào hơi thở ra thở vào, về những hành động tích cực và nghỉ ngơi mà còn chú niệm về những ô trọc của thể xác nữa.
Thực hành theo lời Phật dạy, người hành thiền chúng ta phải suy niệm chính xác, bản thân nầy được bọc bên ngoài bằng một lớp da và chứa đầy ô trọc. Ðối với những người quá yêu chuộng về thể xác, nhất là các bạn trẻ chắc chắn họ không thích về lối quán chiếu nầy. Tuy nhiên, dầu có thích hay không thích, nếu bình tâm quan sát một cách khách quan, chúng ta sẽ không tìm thấy trong đó có một cái gì đẹp đẻ như trân châu, như ngọc báu mà chỉ là một khối thịt bẩn thỉu.
Sắc đẹp chỉ là bề ngoài của lớp da. Dưới lớp da mỏng manh nầy chỉ là thịt gân xương, ruột gan, phèo phổi ..v..v.. không có gì là đẹp.. Dầu thanh niên hay lớn tuổi, chúng ta cũng nên thấu hiểu thực tại để đối phó với các đặc tính của đời sống là: Sanh, Già, Bệnh, Chết. Tuy là chúng ta sống thương yêu nhau và vui cười với nhau, trong lúc ấy kiếp sống của chúng ta đang bị tuổi già lấn áp dần, bị cái chết bóp nghẹt dần, và bị những cảnh vô thường biến đổi siết trói dần dần. Những đặt tính kia quả thật cố hữu, dính liền với mọi kiếp sống sinh tồn, cũng như màu đỏ dính liền với bông hồng đỏ, màu vàng dính liền với bông hồng vàng, mà kiếp sống của con người không hề thay đổi được. Khi nghe những lời vàng ngọc của Đức Phật chỉ dạy, có người thắc mắc:
- Một quan niệm như vậy có bi quan không? Không!
- Một quan niệm như vậy có lạc quan không? Không!
Một quan niệm như vậy về đời sống không phải bi quan cũng không phải lạc quan mà là thực tế.
Ðừng bao giờ nghĩ rằng cái nhìn vào đời sống và vào thế gian của người Phật Tử như vậy là đen tối, buồn thảm, và người Phật Tử có tinh thần thấp kém. Nghĩ như vậy là xa lìa sự thật. Người Phật Tử vẫn luôn luôn đối diện với cuộc sống bằng những nụ cười.
Quả thật như vậy, sở dĩ người phật tử có được cái nhìn bình thản trước sự biến chuyển, thay đổi của nhân thế do vì có thực tập. Từ pháp niệm pháp, niệm thân bước qua pháp niệm thọ. Người thực hành theo pháp nầy luôn luôn giác tỉnh, chú tâm vào những cảm giác hay thọ của mình như:
- Vui sướng,
- Đau khổ,
- Không vui,
- Không buồn.
Khi chứng nghiệm một cảm giác vui, chúng ta biết đây là lạc thọ, bởi vì vị ấy quan sát theo dõi và hay biết những lạc thọ của mình. Cùng thế ấy chúng ta biết các cảm thọ khác và cố gắng chứng nghiệm một cách tỉnh giác các cảm giác ấy theo đúng thực tế, đúng sự thật nó là thế ấy.
Nói tóm lại, thông thường người ta thất vọng khi chứng nghiệm một thọ khổ và phấn khởi vui sướng khi lạc thọ. Công trình tu tập niệm thọ giúp cho chúng ta chứng nghiệm tất cả các cảm giác một cách khách quan với tâm xả, do vậy mà chúng ta có thể sống cuộc sống bình thản, quân bình, không chao động. Đồng thời chúng ta cũng tránh không bị cảm giác của mình chi phối, khỏi phải làm nô lệ vì lệ thuộc nơi cảm giác của chính mình. Do nhờ thiền tuệ chúng ta cũng nhận thức rằng thọ, là những cảm giác vui buồn, không vui, không buồn và chính cái thọ ấy cũng nhất thời chớ không tồn tại lâu dài, không có một thực tế đơn thuần.
Nhận thức một cách vững chãi về các pháp niệm pháp, niệm thân, niệm thọ thì chúng ta sẽ biết chúng ta đã làm gì, đang làm gì và sẽ làm gì. Biết rõ như vậy, cho nên khi nào chúng ta cần phải nổ lực một cách tích cực, thì nổ lực một cách tích cực, khi nào cần phải dừng lại thì dừng lại, khi nào cần liên tục đi thì tiếp tục đi trên con đường tu học của chúng ta.
--o0o--